Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

TIN GIÁO PHẬN QUI NHƠN THÁNG 5



Ø  ĐỨC CHA PHÓ MATTHÊÔ ĐI DỰ HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN KỲ I/2011 CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
Chiều Chúa nhật Phục Sinh, 24/4, Đức Cha phó Matthêô đi Sài Gòn để tham dự Hội Nghị Thường Niên kỳ I/2011 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam diễn ra từ ngày 25 đến 29 tháng 4 năm 2011. Đức Cha chính Phêrô vì lý do sức khỏe không đi dự được.
Nhân dịp này Đức Cha phó gặp gỡ Ban Nghệ Thuật Thánh vào sáng thứ hai, 25/4, tại nhà của giáo phận ở Gò Vấp, để thảo luận thêm về các dự án xây dựng Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang trước khi đệ trình HĐGM/VN. Buổi chiều, Đức Cha phó về trung tâm mục vụ tổng giáo phận Sài Gòn để dự Hội Nghị cùng với 31 giám mục trên cả nước.
Lúc 17 giờ, Đức Cha phó tham dự cuộc họp của Ban Thường Vụ Mở Rộng, để thống nhất chương trình nghị sự trong 3 ngày sắp tới. Sau đó là bữa cơm tối với sự hiện diện đặc biệt của Đức TGM Leopoldo Girelli, lần đầu tiên đến Việt Nam sau khi được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Đại Diện Không Thường Trú của Tòa Thánh tại Việt Nam vào ngày 13/1/2011. Ngoài ra cũng có các khách mời đặc biệt là các doanh nhân tài trợ cho công trình xây dựng trụ sở HĐGM/VN tại Trung Tâm Công Giáo hiện nay.
Cuộc họp khai mạc diễn ra sau giờ cơm tối và Đức TGM Leopoldo Girelli trình ủy nhiệm thư cho Đức Cha Chủ Tịch HĐGM/VN. Sáng hôm sau, trong cuộc họp đầu tiên, ngài nói chuyện với các giám mục để trình bày chương trình làm việc của ngài tại Việt Nam trong thời gian tới, cũng như vai trò của ngài đối với Giáo Hội Việt Nam. Sau đó các giám mục đến Trung Tâm Công Giáo, 72/12 Trần Quốc Toản, Q. 3, Tp HCM, để tham dự nghi thức làm phép viên đá đầu tiên xây dựng trụ sở HĐGM/VN, do Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Phó chủ tịch HĐGM/VN chủ sự. Những cuộc họp tiếp theo trong ba ngày Hội Nghị tập trung góp ý về thư chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 và thảo luận một số vấn đề khác. Các giám mục được đề cử cũng đã biểu quyết chọn một trong số ba dự án La Vang do Ban Nghệ Thuật Thánh đệ trình.
Sáng thứ sáu, 29/4, các giám mục đi dự lễ tấn phong giám mục của Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm giám mục phó giáo phận Phú Cường. Thánh lễ được long trọng cử hành trong khuôn viên nhà chung giáo phận, tại Tp. Thủ Dầu Một.

Ø  TIN BAN TU SĨ
Trong niềm vui Phục Sinh và niềm vui Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Ban Tu Sĩ tổ chức chuyến đi thăm các cộng đoàn Tu Sĩ ở giáo hạt Quảng Ngãi. Khởi hành từ Tuy Hòa vào lúc 9g30 ngày 03.5.2011 và đã đến Quảng Ngãi lúc18g00 cùng ngày. Sau khi chào Cha Hạt Trưởng, đoàn đi thăm và ăn tối tại cộng đoàn Mến Thánh Giá (43 Trần Hưng Đạo) ở cạnh nhà thờ Quảng Ngãi.
Trên xe từ Qui Nhơn đến Quảng Ngãi, đoàn gồm có: Cha Phú (Trưởng Ban Tu sĩ Giáo Phận), Cha Triều (Trưởng Ban Tu Sĩ hạt Phú Yên), Cha Bích (Đồng Công), Thầy Phước (Ngôi Lời), Anh Dung (Tu Hội Đời), Sr. Nhận (Phaolô), quý Sơ: Thảo, Lý, Dung, Hà (MTG Qui Nhơn) và Sr. Tuyết (Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ).
Lúc 05g00 sáng 04.5, đoàn cùng dâng Thánh Lễ tại nhà thờ Quảng Ngãi (nhà thờ cũ). Sau khi điểm tâm sáng, Sr. Vàng (phụ trách cộng đoàn MTG) cùng đi và đưa đoàn đến giáo xứ Phú Hòa. Chào thăm Cha Sở và viếng nhà thờ xong, đoàn thăm cộng đoàn Cô Nhi Viện Phú Hòa của MTG Qui Nhơn. Đây là một cộng đoàn Cô Nhi Viện được nhiều người biết đến và cũng là một nơi các em được sự trợ cấp theo chính sách xã hội. Quí Sơ đã tận tụy chăm lo các em cô nhi đã tạo nên một ấn tượng tốt và trở nên một phương cách để rao giảng Tin Mừng tình thương của Thiên Chúa.
Rời Phú Hòa, xe tiếp tục lăn bánh đến một trong những điểm quan trọng của chuyến đi đó là cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế ở Châu Ổ. Quí Cha và Quí Thầy đã chờ đợi và đón tiếp với tấm lòng quí mến! Cha Châu, Tân Bề Trên cộng đoàn cùng với Cha Thiện đã dẫn đoàn đi thăm hai nơi được xem như hai điểm truyền giáo đó là Bình Hải và Bình Thạnh thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Cha Hảo đang phụ trách ở Bình Hải cho biết sơ lược về nhà thờ, về giáo dân và về mối ưu tư của quí Cha, quí Thầy trong việc xây dựng đền thờ tâm hồn, mặc dù ngôi nhà thờ vật chất còn quá thô sơ, những cây cột phải được níu giữ bởi những sợi dây cáp để khỏi bị cơn gió mạnh ven biển xô ngã … Rời Bình Hải, đến Bình Thạnh, nơi Cha cao niên Gioan B. Nguyễn Thế Thiệp phụ trách. Ai trong đoàn cũng nhận thấy nét vui mừng ẩn chứa trong đôi mắt dưới cặp kính dày cộm của Cha. Trên đồi nắng nóng, ở một mình với ngôi nhà thờ và cơ sở vật chất còn thật khiêm tốn, Cha không thiếu những vất vả và lo toan nhưng Cha vẫn luôn có một tâm hồn nồng hậu và hăng say.
Hơn 11g30, xe đưa đoàn về lại Châu Ổ dùng bữa trưa thật ngon trong bầu khí đượm tình huynh đệ. Lúc 13g30, với lòng quí mến, với những cảm thông và lưu luyến, đoàn chia tay Quí Cha và Quí Thầy để trở về. Trên đường về, đoàn ghé lại thăm Cha Sở Phù Mỹ, và ăn tối theo lời mời của Cha vào chiều hôm trước.
Sau khi đưa một số thành viên trong đoàn về đến nhà, xe tiếp tục nhắm Tuy Hòa thẳng tiến và đã đến nơi bình an vào lúc 22g00 ngày 04. 5. 2011. Kết thúc một chuyến đi thật ý nghĩa và đầy ắp kỷ niệm trong lòng mỗi người.
Tạ ơn Chúa đã cho Ban Tu Sĩ được hai ngày cùng đi thăm nhau trong niềm vui Phục Sinh và niềm vui Chân Phước Gioan Phaolô II. Quả thật, khi đến với nhau trong tình mến, chúng ta cảm thông với nhau hơn, nâng đỡ nhau, học hỏi sự hy sinh cao cả của Anh Chị Em mình và sống hiệp nhất với Anh Chị Em mình! Vâng, chỉ có một Chúa Kitô, một Phép Rửa, một Hội Thánh, một Tin Mừng và một tình mến …
Xin cảm ơn Cha Hạt Trưởng Quảng Ngãi, Quí Cha, Quí Sơ đã hết tình đón tiếp và hướng dẫn đoàn. Xin hiệp ý trong lời kinh nguyện và xin có một chút quyết tâm nào đó để giáo hạt Quảng Ngãi có thêm nhiều thợ gặt như lòng Chúa mong ước vì … quả thật “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít!”. 
      
Ø TIN BAN VĂN HOÁ
Theo lời mời của Uỷ Ban Văn Hoá toàn quốc trực thuộc HĐGMVN, Cha Phêrô Nguyên Xuân Hoà đã đại diện ban Văn Hoá giáo phận đi tham dự buổi hội thảo “Vượt qua ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ ba”, được tổ chức tại Trung Tâm mục vụ Giáo phận Sàigòn, vào ngày thứ Sáu, 06/5/2011. Đây là cuộc hội thảo về đời sống và sứ vụ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhân dịp ngài được phong chân phước vào ngày 1/5 vừa qua. Tham dự hội thảo gồm có 5 giám mục, khoảng 300 linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân đến từ 26 Giáo phận.
Tại buổi hội thảo, các tham dự viên lần lượt được nghe các bài thuyết trình về các đề tài:
– Cuộc đời và sứ vụ của Đức Gioan Phaolô II (Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng)
– Đức Gioan Phaolô II, Cánh cửa hòa bình (Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt)
– Đức Gioan Phaolô II và vấn đề đạo đức sinh học (Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên)
– Đức Gioan Phaolô II và giới trẻ (Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên)
Nhân dịp này, UBVH/HĐGMVN cũng phổ biến cuốn sách “Vượt qua ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ ba” với 13 đề tài rất phong phú về đời sống và sứ vụ của Đức Gioan Phaolô II. Ngày hội thảo đã nổi bật tinh thần can đảm của một vị Giáo Hoàng đã vượt qua ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ ba với phong thái đĩnh đạc, khẳng khái tóm gọn trong 3 động từ mệnh lệnh cách: “đừng sợ”, “đứng lên” và “tiến tới”.
Ø TIN BAN GIỚI TRẺ
Vào lúc 09g00 ngày 13/05/2011, tại nhà xứ Ngọc Thạnh, cuộc họp của Ban Mục Vụ Giới Trẻ Giáo Phận Qui Nhơn được diễn ra dưới sự chủ trì của Cha sở và là cha trưởng ban Antôn Padua Trần Liên Sơn. Cuộc họp có sự hiện diện của Cha Antôn Padua Trần Liên Sơn, Cha Giuse Nguyễn Đức Minh, Cha Phaolô Võ Đình Hoài, Cha Giuse Nguyễn Bá Thành, Nữ tu Ana Nguyễn Thị Lệ.
Mục đích cuộc họp trước hết là bầu chọn nhân sự để cộng tác với cha trưởng ban Antôn Padua Trần Liên Sơn, kết quả là: Phó Ban Nội Vụ là Cha Phaolô Võ Đình Hoài và Cha Phêrô Bùi Huy Ngọc, Phó Ban Ngoại Vụ có Cha Giuse Nguyễn Đức Minh Nữ tu Maria Lê Thị Ngọc Hà,  Thư Ký Kiêm Thủ Quỹ là Cha Giuse Nguyễn Bá Thành cùng các ủy viên: Nữ tu Ana Nguyễn Thị Lệ – đặc trách phụng vụ, và các Cha đặc trách giới trẻ Giáo Hạt Bình Định,  Phú Yên, và Quảng Ngãi..
Cuộc họp cũng phác họa Logo Của Giới Trẻ Giáo Phận Qui Nhơn. Cha trưởng ban đã đưa ra một số mẫu logo để lựa chọn. Và ngài đã nhờ Đức Cha Phó vẽ lại logo cho Giới Trẻ Giáo Phận Qui Nhơn. Ngoài ra, cuộc họp cũng đề nghị chọn ngày lễ bổn mạng của giới trẻ giáo phận Qui Nhơn. Để thuận tiện cho giới trẻ tham dự và việc tổ chức, Ban MVGT Giáo Phận Qui Nhơn chọn ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống làm lễ bổn mạng. Vì thời gian này các em đã thi cử xong và thời tiết nắng ráo. Bên cạnh đó cuộc họp cũng đề nghị chọn ngày đại hội giới trẻ của giáo phận Qui Nhơn, theo đó Đại Hội Giới Trẻ sẽ diễn ra theo chu kỳ hai năm một lần, vào ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
Cuối cùng, cuộc họp vạch ra chương trình dự kiến mở khóa đào tạo “Linh Hoạt Viên”. Theo dự tính, hè năm nay, Ban MVGT.GPQN sẽ tổ chức Khóa Đào Tạo Linh Hoạt Viên cho các giáo xứ, số lượng từ 2 đến 4 người/giáo xứ, thời gian từ 2 đến 3 ngày nhằm Huấn luyện cho các em biết tổ chức và điều hành các công việc liên quan đến giới trẻ của giáo xứ và biết trang trí và cắm hoa nhà thờ…. Cuộc họp kết thúc vào lúc 10 giờ 15 phút cùng ngày.

Ø ĐỨC CHA PHÓ MATTHÊÔ ĐI THĂM ĐẠI CHỦNG VIỆN SAO BIỂN NHA TRANG
Thứ tư, 18/5, lúc 1giờ chiều Đức Cha phó lên đường vào Nha Trang để thăm Đại Chủng Viện Sao Biển, nơi có 34 thầy thuộc giáo phận Qui Nhơn đang theo học các lớp thần học IV, thần học I, triết học II và triết học I. Các thầy sẽ hoàn tất năm học vào cuối tháng 5 và trở về giáo phận nghỉ hè. Đặc biệt các thầy mãn lớp thần học IV và triết học II sẽ đi giúp xứ. Cùng đi với Đức Cha có cha Gioan-Phêrô Võ Tá Khánh.
Trước khi đến Đại Chủng Viện, Đức Cha vào Tòa Giám Mục Nha Trang để chào thăm Đức Cha Giuse, nhưng ngài đi vắng, nên nhờ cha văn phòng chuyển lời. Đến Đại Chủng Viện, Đức Cha thay mặt Đức Cha chính Phêrô chào thăm và cám ơn cha Giám đốc Phêrô Phạm Ngọc Phi và quí cha trong Ban giám đốc, chào thăm tất cả các thầy. Sau giờ kinh tối, Đức Cha gặp gỡ các thầy Qui Nhơn trong ít phút. Sáng hôm sau Đức Cha chủ sự thánh lễ và giảng lễ cho các thầy, dùng điểm tâm và trở về Qui Nhơn.

Ø  TIN LIÊN BAN MỤC VỤ GIÁO PHẬN
Vào lúc 8 g 30 sáng thứ Tư ngày 25/5/2011, các cha hạt trưởng và các cha trưởng ban các ban mục vụ giáo phận (12 ban và ban Công Lý và Hoà Bình vừa mới được thành lập do cha Phêrô Nguyễn Công Sanh làm trưởng ban) đã về Toà Giám Mục để họp liên ban mục vụ giáo phận lần đầu tiên dưới sự chủ toạ của Đức Cha phó Matthêô. Một số cha trưởng ban vắng mặt cũng đã cử người đại điện đi thay.
Trong buổi họp, các cha hạt trưởng đã trình bày về công việc của hạt trong thời gian gần đây, sau đó các cha trưởng ban lần lượt trình bày về sinh hoạt của ban và những dự định sắp tới. Xác định đây là lần họp đầu tiên nên cuộc họp không đặt ra một mục tiêu cao cả mà là một cơ hội gặp gỡ để thống nhất chương trình mục vụ trong giáo phận cũng như nếu cần thiết, các ban có thể hỗ trợ lẫn nhau để hoạt động hiệu quả hơn.
Cũng trong buổi họp liên ban này, ban Thường huấn được đặc biệt dành riêng 30 phút cuối cùng để thống nhất một số quy định về hình thức, nội dung và thời gian các bài thuyết trình cho khoá Thường huấn sắp tới dự định được tổ chức vào cuối tháng 9 năm nay.    

Ø PHÁI ĐOÀN QUI NHƠN DỰ LỄ AN TÁNG ĐỨC CHA GIUSE NGUYỄN TÍCH ĐỨC
Ngày 23/5 Đức Cha Giuse Nguyễn Tích Đức, nguyên giám mục giáo phận Ban Mê Thuột, nguyên giáo sư Đại Chủng Viện Sao Biển Nha Trang, từ trần hưởng thọ 73 tuổi. Sau khi nhận được tin buồn, trưa thứ tư ngày 25/5 Đức Cha phó Matthêô, cha Hạt trưởng Bình Đinh và 4 cha đại diện anh em linh mục Qui Nhơn, học trò cũ của Đức Cha Giuse, lên đường đi Ban Mê Thuột để phân ưu và hiệp ý với Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản và với giáo phận Ban Mê Thuột dâng lễ cầu nguyện cho ngài. Lễ an táng được cử hành lúc 8 giờ sáng ngày 26/5 tại khuôn viên Tòa Giám Mục, do Đức Cha Vinh Sơn chủ sự, với sự tham dự của 14 giám mục, hơn 150 linh mục, đông đảo tu sĩ nam nữ và giáo dân. Thi hài Đức Cha Giuse cũng được an táng trong khuôn viên Tòa Giám Mục.


Ø  SINH HOẠT GIÁO HẠT BÌNH ĐỊNH.
- Đức Cha phó Matthêô cử hành thánh lễ cho các tân tòng tại nhà thờ Chính Tòa. Sáng 1/5, Chúa nhật II Phục Sinh cuối tuần bát nhật Phục Sinh, Chúa nhật về lòng thương xót của Thiên Chúa và cũng là ngày cầu nguyện cho các anh chị em tân tòng, Đức Cha phó đã cử hành thánh lễ đồng tế cùng với cha Gioan Phêrô Võ Tá Khánh và cha phó Gioakim Bùi Tấn Lộc. Sau thánh lễ các tân tòng được mời ở lại để tham dự cuộc gặp gỡ, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm đức tin do cha Khánh chủ trì và cùng dự bữa cơm trưa thân mật tại nhà xứ.
- Đức Cha phó Matthêô viếng thăm mục vụ các giáo xứ. Sáng thứ tư, 4/5, vào lúc 9 giờ, Đức Cha phó đi thăm mục vụ giáo họ Vân Canh thuộc giáo xứ Ngọc Thạnh và cử hành thánh lễ kính thánh Giuse, Bổn mạng của giáo họ. Được biết, bắt đầu từ năm nay cha sở Antôn Trần Liên Sơn đã xin được phép của chính quyền địa phương để cử hành thánh lễ cho giáo dân vào các ngày Chúa nhật cũng như các dịp đặc biệt, và giao cho cha phó Matthêô Nguyễn Ngọc Vũ đặc trách mục vụ. Sau thánh lễ Đức Cha cùng dự bữa cơm thân mật với các cha, đại diện giáo dân và khách mời.
Sáng Chúa nhật III Phục Sinh, 8/5, vào lúc 6 giờ, Đức Cha đến thăm mục vụ và cử hành thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ Xuân Quang. Nhân dịp này Đức Cha cũng ban phép thêm sức cho 3 em lớn tuổi của giáo xứ.
Sáng Chúa nhật IV Phục Sinh, 15/5, vào lúc 7 giờ 30, Đức Cha đến thăm mục vụ và cử hành thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ Đại Bình. Đây là Chúa nhật kính Chúa Chiên Lành, cầu cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ nam nữ. Sau thánh lễ đồng tế, cha sở Giuse Võ Tuấn đưa Đức Cha đi xem di tích nhà thờ Thác Đá Hạ, nơi sắp xây nhà thờ mới, rảo một vòng các giáo họ Trung Yên, Bồng Sơn và Hội Đức và trao đổi về kế hoạch phục hồi các nhà thờ tại các giáo họ ấy. Trên đường về Đức Cha ghé thăm công trình xây dựng nhà thờ Hòa Dõng, thuộc giáo xứ Phù Cát.
Sáng Chúa nhật V Phục Sinh, 22/5, vào lúc 5 giờ sáng, Đức Cha đến thăm mục vụ và cử hành thánh lễ cho giáo dân tại nhà thờ giáo xứ Ghềnh Ráng cùng với cha sở Gioakim Đoàn Kim Hiền. Sau thánh lễ, Đức Cha dùng điểm tâm với cha sở, nhân tiện hỏi thăm sức khỏe của ngài và tình hình giáo xứ. Sau đó Đức Cha ghé thăm nhà hưu dưỡng các soeurs Dòng Mến Thánh Giá tại Ghềnh Ráng và công trình xây dựng đang tiến hành.
- Diễn nguyện cầu cho ơn thiên triệu tại nhà thờ Chính Tòa. Nhân ngày Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, lúc 19 ngày 15/05/2011, giáo xứ Chính Tòa Qui Nhơn đã tổ chức chương trình diễn nguyện cầu cho ơn thiên triệu, vừa để cầu nguyện cho ơn thiên triệu trong giáo phận, vừa để giới thiệu linh đạo các hội dòng hiện đang có mặt trên địa bàn giáo phận Qui Nhơn, cũng như khơi dậy nơi các bậc phụ huynh và tâm hồn các bạn trẻ ý hướng tận hiến cho Chúa trong bậc sống tu trì.
Trong đêm diễn nguyện, có sự hiện diện của Đức Cha phó Giáo Phận Qui Nhơn, Cha Hạt Trưởng Hạt Bình Định, Cha giám Đốc Chủng Viện Qui Nhơn, Cha giám đốc ơn gọi tỉnh dòng Ngôi Lời, quý cha, quý Soeurs cùng các đại diện hội dòng: Mến Thánh Giá Qui Nhơn, dòng Phaolô, dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, quý thầy chủng viện Qui Nhơn và đông đảo bà con giáo dân trong giáo xứ.
Đức Cha phó Giáo Phận Qui Nhơn đã khai mạc cho đêm hội diễn. Tiếp theo là phần giới thiệu linh đạo và tiết mục văn nghệ của các hội dòng, chủng viện. Qua phần giới thiệu linh đạo, bà con giáo dân có dịp hiểu hơn về lý tưởng của mỗi ơn gọi dòng tu hoặc chủng viện. Các tiết mục văn nghệ cũng là thành phần quan trọng không kém giúp giới thiệu về lý tưởng đời tận hiến và niềm vui của những ai lựa chọn bước theo Thầy Giêsu.
Chương trình diễn nguyện kết thúc trong cung nhạc của “lời nguyện truyền giáo”: Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt, xin Chúa ban cho đoàn chúng con nên Tông Đồ nhiệt thành mở Nước Chúa Trời. 
- Kỷ niệm mười năm chịu chức linh mục. Ngày 23/05/2011 vào lúc 09g00 tại giáo xứ Vườn Vông, cha sở Gioakim Trần Minh Dũng đã thay mặt các anh em cùng lớp trong giáo phận đứng ra tổ chức thánh lễ tạ ơn nhân kỷ niệm 10 năm ngày thụ phong linh mục, 22/5/2001-22-5-2011. Thánh lễ cử hành thật long trọng do Đức Cha phó giáo phận Matthêô Nguyễn Văn Khôi chủ tế, cùng với 20 linh mục trong giáo phận trong đoàn đồng tế; có các cha cùng lớp mừng kỷ niệm lần nầy hiện diện là cha Gioakim Dương Minh Thanh, Gioakim Nguyễn Ngọc Minh, Giuse Nguyễn Bá Trung,  vắng cha Antôn Trần Liên Sơn. Trong thánh lễ cũng có sự hiện diện quý nữ tu dòng MTG Qui Nhơn, dòng Phan Sinh thừa sai Đức Mẹ, một số ân nhân, bà con và giáo dân Vườn Vông khá đông.
Trong bài giảng lễ, Đức Cha phó nhấn mạnh cuộc sống đời linh mục theo các chiều kích Sanitas, Sanctitas và Scientia để dẫn tới ba chữ s khác là say mê Chúa Kitô, sống hiệp thông huynh đệ và sẵn sàng ra chỗ nước sâu. Đức cha triển khai những ý tưởmg hết sức logic với những minh họa rất thuyết phục. Sau thánh lễ có bữa tiệc thân mật được tổ chức tại nhà xứ.

Ø SINH HOẠT GIÁO HẠT PHÚ YÊN
            - Đức Cha phó Matthêô thăm mục vụ các giáo xứ hạt Phú Yên. Từ ngày 1-2/5/2011, Đức Cha phó Matthêô Nguyễn Văn Khôi đã đi thăm mục vụ các giáo xứ và giáo họ mang thánh hiệu “Giuse Thợ” trong hạt Phú Yên.
            Chiều ngày 01/5, Đức cha từ Qui Nhơn vào giáo xứ Tuy Hoà để chủ tế thánh lễ nhân dịp Đại Hội Tân Tòng giáo xứ Tuy Hoà lần thứ VI, sau đó nghỉ đêm tại giáo xứ Tuy Hoà. Sáng ngày 02/5, Đức cha đi Sơn Nguyên để chủ tế thánh lễ Bổn mạng giáo xứ Sơn Nguyên vào lúc 6g sáng. Sau thánh lễ, đi theo con đường DT, Đức cha đã đến giáo họ Sơn Giang thuộc giáo xứ Hoa Châu để dâng thánh lễ mừng Bổn mạng giáo họ, mừng khánh thành trùng tu nhà nguyện và mừng kỷ niệm 8 năm chịu chức linh mục của cha sở Giáo xứ Hoa Châu Võ Hồng Sinh và các linh mục cùng lớp thuộc khoá III ĐCV Sao Biển. Rời giáo họ Sơn Giang, Đức cha về nghỉ trưa tại giáo xứ Tuy Hoà để buổi chiều cùng ngày Đức cha lại chủ tế thánh lễ mừng Bổn mạng tại giáo xứ Hóc Gáo vào lúc 18g. Để tránh cho Đức Cha khỏi phải di chuyển nhiều, một số giáo dân giáo họ Thạch Tuân thuộc giáo xứ Đông Mỹ cũng đã đến Hóc Gáo để cùng nhau mừng ngày bổn mạng Giuse Thợ, cũng là bổn mạng của giáo họ Thạch Tuân. Kết thúc chuyến viếng thăm, sau bữa cơm tối, Đức cha về lại Qui Nhơn ngay trong đêm.
            Chuyến viếng thăm của Đức Cha tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong lòng giáo dân một lòng biết ơn về sự quan tâm của vị chủ chăn, một niềm yêu mến vì Đức cha phải liên tục di chuyển giữa cái nắng đầu hè, qua những con đường gồ ghề để đến với các giáo xứ, giáo họ. Trong thánh lễ, với tư cách chủ chăn, Đức cha mời gọi mỗi người giáo dân hãy noi gương Thánh Giuse, là một người thợ thủ công thấp hèn nhưng biết dùng ngành nghề của mình để phục vụ Chúa và tha nhân. Cũng vậy, cái cày của bác nông dân, cây kim của người thợ may, cái cưa cái đục của người thợ mộc … sẽ trở nên chìa khoá nước trời cho mỗi người trong chúng ta.    
       
- Diễn nguyện và lễ Chúa Chiên Lành tại Tuy Hoà. Trong niềm hân hoan của Mùa Phục Sinh vẫn còn vang vọng nơi mọi tâm hồn tín hữu, Chúa Nhật Chúa Chiên Lành lại trở về với nỗi rạo rực của các em thiếu nhi được một lần trong đời mang sắc phục của nhà tu, cho dù chỉ là hình thức để phục vụ cho chương trình diễn nguyện giới thiệu ơn gọi tu trì trong Hội Thánh. Dưới trời chiều đang dịu dần cùng với cơn gió nồm se mát đến từ phía Đông Nam, cộng đoàn giáo dân giáo xứ Tuy Hoà đã tề tựu nghiêm chỉnh phủ kín khoảng sân rộng trước nhà thờ đang nô nức đợi chờ chương trình diễn nguyện giới thiệu khái quát về đời sống tu trì trên thế giới và tại Việt Nam. Dễ thương và bắt mắt nhất vẫn là các em thiếu nhi trong các loại trang phục thuộc hàng giáo phẩm, giáo sĩ và một số các hội dòng trong Hội Thánh. Có lẽ chỉ chiều hôm nay, một dịp đặc biệt mỗi năm mới có một lần, giáo dân được tận mặt chiêm ngưỡng dung nhan của: nào là giám mục, nào là linh mục triều, rồi đến các "đại biểu" các dòng tu nam nữ. Từ vẻ mặt dịu hiền khả ái của "bà xơ nhí" Phaolô, đến vẻ hồn nhiên trong sáng của các "cha dòng tý hon", dòng Đồng Công, La-san, Ngôi Lời, Chúa Cứu Thế. Bên cạnh chiếc áo chùng nâu của thầy dòng Phanxicô, là chiếc áo dài xám tro của nữ tu nhí dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ. Bên cạnh “nữ tu Têrêsa Calcutta” có quý chị dòng Mến Thánh Giá, dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, dòng Kín, dòng Ánh sáng Tin Mừng. Không biết sau nầy còn được mấy người tìm đến với ơn gọi tu trì, nhưng hôm nay, trông các em rất "thành tâm thiện chí" thể hiện "vai trò linh mục-tu sĩ" của mình!
Kịch bản diễn nguyện giới thiệu ơn gọi tu trì năm nay được các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn đảm trách thực hiện. Nét độc đáo của chương trình diễn nguyện hơn một tiếng đồng hồ đó là sự kết hợp hài hòa giữa chiều sâu của nội dung "mầu nhiệm ơn gọi" với tính hội nhập văn hóa để diễn đạt "con đường đến với ơn gọi tu trì" mà hình tượng và cuộc đời của sứ ngôn - thủ lãnh Samuel là một gợi ý ngay từ lúc khai mạc. Chương trình được đan xen những bài ca hay, lồng trong các vũ khúc dịu dàng, cùng với sự diễn xuất khá nhuần nhuyễn... đã khiến cho mọi người cảm thấy mãn nguyện dù phải "trả giá" bằng cả tiếng đồng hồ chỉ để xem và nghe. Cao điểm của chương trình ngày "quốc tế ơn gọi tu trì" chính là thánh lễ kính nhớ Đức Kitô, Vị Mục Tử nhân lành đã sẵn sàng hiến dâng mạng sống vì đàn chiên. Cầu mong sao sau lần diễn nguyện nầy, có thêm được những Giám Mục, linh mục, tu sĩ thuộc các dòng nam-nữ.
- Họp mặt truyền thống cựu chủng sinh tu sĩ giáo hạt Phú Yên.  Theo đúng thông lệ, vào thứ Hai 16/5/2011 sau Chúa nhật Chúa Chiên Lành, các anh chị em cựu chủng sinh - tu sĩ giáo hạt Phú Yên đã quy tụ về nhà thờ Tuy Hoà để tham dự buổi họp mặt truyền thống. Theo quy định, anh em có mặt lúc 7 giờ 30, nhưng phải trễ hơn một tiếng mới khai mạc được, chẳng phải một giờ chờ đợi  khó chịu nhưng là một giờ chờ thông cảm, có những anh lớn tuổi, trên 70, xa Tuy hòa  như Anh Võ Sum (Hoa Châu), anh Hà Văn Sanh (Sơn Nguyên)  anh Long (Sông Hinh)… những anh em còn phải hoàn thành bổn phận gia đình cho cả một ngày vắng mặt và khó khổ trăm bề để về với ngày này.
Khai mạc bằng kinh Chúa Thánh Thần sâu lắng hơn thường ngày, anh chị em thấy mình như đang sống lại  ngày nào trong cùng một cộng đoàn, cùng lắng nghe, chia sẻ và thấm thía về những gợi ý của Cha Trương Đình Hiền: “Chúa có việc cần dùng” để thấy mình cần phải sống cách nào đó xứng đáng với những ân huệ Chúa đã ban cho… nhiều thao thức kể cả bức xúc được dịp nói ra như là của lễ chuẩn bị dâng lên Chúa trong thánh lễ đồng tế gồm 10 linh mục, gần 10 khách mời và trên 40 anh em cựu tu cả nam lẫn nữ đứng quanh bàn thờ lúc 10 giờ 30 sau đó. Những lời gọi mời đầu lễ của chủ tế, bài chia sẻ sau phúc âm của cha Điệp, cha sở Đồng Tre, những lời nguyện cộng đồng, những bài thánh ca đã cho anh em cảm nhận sâu sắc về mối hiệp thông, cùng chia nhau tấm bánh, thật cảm động, thật thắm tình huynh đệ.
Một bữa cơm, bữa cơm vừa đủ, không vượt quá khuôn khổ để trở thành bữa tiệc, tất cả để đủ diễn tả cái nhẹ nhàng, đơn sơ thuở nào. Trước khi chia tay bằng Hồng ân Thiên Chúa bao la, muôn đời con sẽ ngợi ca ơn Người, một ban đại diện mới của Hội được ra mắt gồm :
Anh Bùi Phương Hạc - Cựu chủng sinh Làng sông -   Hội trưởng phụ trách khối cựu chủng sinh.
Anh Đào Nghĩa Minh - Cựu Ngôi Lời Giuse - Hội phó phụ trách khối cựu tu sĩ.
Chị Huỳnh thị Vân - Cựu MTG Qui nhơn - Hội phó  phụ trách cựu nữ tu.
Anh Trương Văn Trung - Cựu chủng sinh Làng Sông -   Thủ quỹ
Anh Lê Mến - Cựu chủng sinh Làng sông - Thư ký, đặc trách tờ “Thân Hữu”.
 Cảm ơn các Cha đã hết mực yêu thương nâng đỡ, cảm ơn nhau và chào nhau về lại giáo xứ của mình trong tinh thần mới, sẵn sàng để Chúa dùng, để Giáo hội sử dụng. Hẹn gặp lại năm tới sau khi kịp nhận tờ nội san “Thân Hữu” số thứ 10, món quà tinh thần cho lần gặp mặt năm nay, năm 2011.

Ø  TIN DÒNG MẾN THÁNH GIÁ QUI NHƠN
- Họp mặt dự tu toàn Dòng. Từ ngày 29.4 – 01.5.2011, Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn đã tổ chức buổi họp mặt Dự tu toàn Dòng tại Cộng đoàn Nhà khách Hội Dòng, 19/5C Hòn Chồng, Vĩnh Phước, Nha Trang. Đây là sinh hoạt hằng năm, số tham dự viên được 160 em từ lớp 10 đến đại học. Năm nay, một số em lớp 12 không tham gia được vì gần kề ngày thi tốt nghiệp. Các em đến từ các tỉnh, các thành phố: Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Nha Trang, Phan Rang, Xuân Lộc, Sài Gòn.
Chiều ngày 29.4.2011, các em đã tập trung đông đủ. Giây phút gặp gỡ, đón chào nhau, nhận phòng và những chuẩn bị cần thiết khác, các em được thông qua chương trình, được tập hát bài nền và cũng là chủ đề chính xuyên suốt 3 ngày họp mặt: “Lạy Thầy, con xin theo Thầy” (Mt 8, 19)
Buổi họp mặt dần đi vào chiều sâu của tâm hồn các em qua giờ khai mạc chầu Thánh Thể. Điều làm các em nhớ nhiều là những giây phút tĩnh lặng cầu nguyện bằng hình ảnh, lời dẫn và nhạc nhẹ đầy ý nghĩa và dễ đánh động. Trong thinh lặng của buổi ban mai mỗi em một suy tư, một nỗi niềm: “Đối với tôi Đức Kitô Ngài là ai?”… tay trong tay và ngước nhìn gần gũi, tâm hồn các em mong muốn thân thưa: “Lạy Thầy, con xin theo Thầy”.
Cha Giuse Nguyễn Thế Thoại – Tổng Đại diện Giáo phận Nha Trang bằng tình thương và kinh nghiệm “ông ngoại” kể cho cháu nghe câu chuyện của “bé nhè” ông đã đưa các cháu vào những bài học thực tế, nhắc cho cháu biết giữ gìn và phát huy những gì là nền tảng để bước đi trong ơn gọi. Đầu bạc với tóc xanh tưởng chừng cách xa, thế nhưng bài giảng ông ngoại được các cháu ghi nhận là “rất ý nghĩa giúp chúng con suy xét về bản thân và ơn gọi của mình”.
Suốt ngày 30/4/2011, bên ngoài giới trẻ vui chơi nơi bãi biển và nhiều môi trường sinh thái vui chơi khác… thì các em Dự tu được đưa vào những sinh hoạt tâm linh, định hướng ơn gọi. Cuối ngày, các em tham dự chương trình Gameshow “Đường lên đỉnh Tabore” với những câu hỏi đáp về nội dung giáo lý sinh động, hấp dẫn và vui nhộn.
Đặc biệt, ngày 01/5/2011- Chúa Nhật Kính Lòng Chúa Thương Xót - Giáo hội tôn phong Chân phước cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II –  Vị chân phước gắn liền cuộc sống và sứ vụ vào lòng Chúa thương xót và tín thác đầy tình con thảo với Mẹ Maria. Để ghi nhớ, chị Tổng Phụ trách Marilyne Phạm Thị Bích Hường và ban tổ chức đã trao tặng mỗi em một tấm ảnh Lòng Thương Xót Chúa - được lồng trang trọng trong khung kính - và một chuỗi 10 hạt, mong ước nhắc nhớ các em thực hành nếp sống đạo truyền thống bằng sự tín thác vào Chúa Giêsu và Mẹ Maria.
Sau giờ lượng giá và thông qua định hướng năm mới, giờ chia tay đã đến, những vòng tay thân ái trong cử điệu bài hát sinh hoạt đã khép lại ba ngày sinh hoạt tâm linh, mỗi người ôm ấp một ước mơ đang nhén lửa trong tâm hồn: “Lạy Thầy, con xin theo Thầy”.
 - Ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu. Chúa Nhật IV Phục Sinh ngày 15.5.2011, Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, ngày cầu nguyện cho Ơn Gọi, hưởng ứng tổ chức của các Cha xứ: Chánh Tòa Qui Nhơn, Sông Cạn và Sông Cầu. Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn đã góp phần mình trong chương trình giới thiệu ơn gọi được ghi nhận:
Tại Giáo xứ Sông Cầu, hai Soeur Jacqueline và Macta Thảo Nguyên từ Nhà Mẹ Trinh Vương đã đến Sông Cầu để tham dự buổi gặp gỡ các em từ lớp 8 đến lớp 12, kể cả nam lẫn nữ. Buổi nói chuyện trao đổi kéo dài lúc 09g30 đến 11g00. Hai Sơ khơi lên nơi các em niềm thao thức dâng mình phụng sự Chúa trong ơn gọi linh mục và đời sống tu dòng để sống với Chúa và phục vụ cánh đồng truyền giáo mênh mông đang đón chờ những tâm hồn quảng đại đáp trả của các em. Với lối nói chuyện dí dõm, sâu sắc, những lời cầu nguyện, những câu chuyện minh họa, những dẫn chứng sống động từ gương thánh nhân: ơn gọi của Phaolô trên đường đi Damas; tiếng đáp trả đơn sơ, ngây thơ của Samuel để giúp các em nhận ra ơn Chúa và định hướng ơn gọi của mình. Buổi họp mặt kết thúc, các em vui vẻ ở lại dùng cơm trưa cùng Cha Sở và các Sơ.
Tại Giáo xứ Sông Cạn, sau Thánh Lễ sáng Chúa Nhật lễ Chúa Chiên Lành, cộng đồng giáo dân trong Giáo xứ được mời tham dự nghe giới thiệu về ơn gọi các dòng tu. Linh đạo và đặc sủng một số các dòng tu được sơ lược với phần minh họa do các em thiếu nhi trong Giáo xứ xúng xính trong các tu phục của các dòng Phan Sinh, Phaolô, Têrêxa Calcutta, Phanxicô và cả phẩm phục Giám mục và Linh mục. Cánh đồng truyền giáo luôn rộng mở đón chờ lời đáp trả qua phần nhạc kịch kể lại hành trình một ơn gọi và vũ khúc: Dạ Con Đây. Cũng sau buổi sinh hoạt, các em dự tu được mời dùng cơm trưa với Cha Sở và các Soeurs trong bầu khí thân tình.
Buổi giới thiệu ơn gọi tại Giáo xứ Chánh Tòa Qui Nhơn được tổ chức vào lúc 19g30 trước tượng đài Thánh Giuse. Các dòng tu đang phục vụ trong Giáo hạt Bình Định gồm các dòng: Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, Đồng Công, Phaolô, Ngôi Lời, Chủng Sinh và Mến Thánh Giá Qui Nhơn, góp phần giới thiệu về đặc sủng của dòng mình. Riêng “Màu áo đen tôi chọn” vẫn là điểm đặc biệt của Mến Thánh Giá dành cho Đấng Chịu Đóng Đinh.
 Tất cả mang một khát vọng có thật nhiều ơn gọi quảng đại phục vụ cánh đồng truyền giáo của Giáo hội còn đang thiếu nhiều thợ gặt nhiệt thành và thánh thiện.

Ø TIN DÒNG PHAN SINH THỪA SAI ĐỨC MẸ TẠI QUI HÒA
- Thánh lễ tạ ơn Hồng Ân Thánh Hiến. Trong tâm tình tri ân cảm tạ Thiên Chúa vì Hồng Ân Thánh Hiến, Hội Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đã tổ chức thánh lễ tạ ơn mừng Kim Khánh, Ngọc Khánh và 70 Năm Tu Dòng cho các nữ tu trong Dòng vào lúc 8 giờ 00 ngày 7 tháng 5 năm 2011, tại Nhà Thờ Thánh Phanxicô Qui Hòa – Qui Nhơn ; do Đức Giám Mục Matthêu Nguyễn Văn Khôi, Giám Mục Phó Giáo Phận Qui Nhơn chủ tế. Danh sách các chị mừng lễ như sau :
70 NĂM TU DÒNG :                
Matta Ngô Thị Phong
Matta Nguyễn Thị Hiệu
Matta Cao Thị Thiên
NGỌC KHÁNH (1951–2011):  
Matta Nguyễn Thị Linh
KIM KHÁNH (1961-2011) :     
Thérèse Võ Thị Thật
Lucienne Lưu Thu Hồng
Elisabeth Trần Thị Quỳnh Giao
Madeleine Đỗ Thị Công
Maria Hoàng Thị Giá
Trước đó hơn một tuần, từ ngày 27/4đến 06/05, các chị em cao niên của Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đã có mặt đông đủ tại Qui Hoà – là cái nôi của Hội Dòng tại Việt Nam; nơi qui tụ chan hoà niềm vui và bình an – để tham dự kỳ tĩnh tâm năm nhằm chuẩn bị tâm hồn mừng lễ. Trong những ngày nầy, có cha Giuse Huỳnh Văn Sỹ - Giám Đốc Chủng Viện Qui Nhơn, đến dâng thánh lễ và chia sẻ Lời Chúa. Từ sáng ngày 28/04, trong thánh lễ khai mạc tuần tĩnh tâm, cha đã nhấn mạnh đến vai trò Lời Chúa trong đời sống của người dâng hiến, đặc biệt đó cũng là đường lối mà Hội Dòng nhấn mạnh trong năm 2011 này. Đồng thời, Cha còn đề cập đến mục đích của thời gian tĩnh tâm là đọc lại đời sống dưới ánh sáng của Lời Chúa, để nhận ra những Hồng Ân Chúa ban và bàn tay Chúa dẫn dắt mỗi người qua từng biến cố cuộc sống để đến ngày hôm nay con vẫn trung thành với Chúa.
Bước vào ngày đầu của cuộc tĩnh tâm này, vị giảng phòng là Soeur Giám Tỉnh FMM đã dành trọn một ngày cùng chị em đi vào sa mạc thật sự với Chúa trong cô tịch và riêng tư. Những chị cao niên 70 – 90 tuổi cũng đi ra khỏi cửa để hẹn gặp Chúa nơi bờ biển, một phong cảnh thật hữu tình. Những chị em trẻ hơn làm cuộc hành hương lên đỉnh núi, nơi đó «riêng con với Chúa ta ngồi mà nhìn nhau», trong một không gian thật tĩnh lặng và hùng vĩ. Tượng đài Đức Mẹ Sao Biển uy nghi trên đồi, đang chúc lành cho con cái và những ai phải vượt qua «biển đời đầy thách đố» này để tiến về nhà Cha. Lên trên nữa là Thánh giá thật đẹp vươn cao trên nền trời xanh ngắt, vuông sân rộng trên ngọn đồi nhắc nhớ công lao bao người đã vác từng bao xi măng, từng bình nước, từng viên gạch lên tận đây để xây nên điểm hành hương khang trang này. Ai đến Qui Hoà mà không một lần hành hương lên đây thật là đáng tiếc !
Trong những ngày tiếp theo, Chị Giám Tỉnh đã giúp chị em đi vào các khía cạnh của lời khấn mà chị em đã tự do chọn lựa với ơn Chúa và trải nghiệm trong đời sống suốt mấy chục năm trời. Bên cạnh đó mỗi ngày Cha chủ tế chia sẻ Tin Mừng rất cụ thể với những kinh nghiệm thực tế và câu chuyện minh hoạ dí dỏm, ngắn gọn và đầy ý nghĩa giúp chị em – không chỉ người trẻ mà cả những chị ngoài 80 – ai cũng tròn mắt để chăm chú lắng nghe và tươi cười tâm đắc. Những đề tài giảng phòng của Chị Giám Tỉnh được nhắc lại và làm đậm nét hơn trong mỗi thánh lễ, cụ thể qua từng bài giảng của Cha với những đề tài xoay quanh chủ đề Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ; chất vấn niềm tin của  các tông đồ; mời gọi rao giảng niềm tin Phục Sinh… Cha nhắc tới lòng khao khát yêu mến Chúa của Maria Madalena “nhất cự ly – nhì cường độ”, và đặt vấn đề như vậy thời gian, khoảng cách ta dành cho Chúa như thế nào? Lòng yêu mến Chúa của ta mạnh đến đâu? Tầm quan trọng của Lời Chúa trong cuộc đời tôi và đặc biệt khi gặp những thử thách tôi có mời Chúa cùng đồng hành và để Lời Chúa đụng chạm và biến đổi đời sống tôi thế nào?
Trong các thánh lễ sau đó, Cha giám đốc chủng viện khai triển đề tài Bánh Trường Sinh, đây lại là ơn gọi và là một trong những chiều kích của Đoàn Sủng “Thờ Phượng Thánh Thể”. Xét về cự ly thì quá tuyệt vời vì Chúa ở chung nhà với tôi, hơn nữa Chúa và tôi là một khi tôi đón rước Người… Trong bài gợi ý của Chị Giám tỉnh cũng nhắc lại rằng Chúa Giêsu Thánh Thể là vị Thừa Sai vĩ đại nhất của Hội Dòng và khi thờ phượng Thánh Thể chính là ta đang sống sứ vụ truyền giáo Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ. Chị em rất vui mừng vì khung cảnh hữu tình và những chất liệu đầy ắp giúp cho cuộc sống được tươi mới lại và có những định hướng rõ nét cho tương lai. Những ngày tĩnh tâm qua đi nhanh chóng trong ân sủng Chúa và tình thương của chị em. Song song với việc bồi dưỡng tinh thần, đây cũng là những ngày chị em được nghỉ ngơi và bồi dưỡng phần xác. Tất cả chị em tham dự hết lòng tạ ơn Chúa và cám ơn cộng đoàn Thánh Phanxicô Qui Hoà vì sự tiếp đón ân cần và chu đáo…
Ngày lễ Tạ ơn vì Hồng Ân Thánh Hiến của các chị mừng Kim Khánh, Ngọc Khánh và 70 Năm Tu Dòng Hội Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ là cao điểm của những ngày gặp gỡ. Nhiều chị em từ các cộng đoàn khác nhau trong Tỉnh Dòng cùng về tham dự. Gia đình và những người thân quen của các chị mừng lễ cũng đến rất sớm. Chị em FMM cộng đoàn Qui Hoà đã sắp xếp chỗ nghỉ cho chị em và các vị khách. Trong nhà không đủ các chị phải mượn thêm Nhà khách Quốc tế của Bệnh viện để có chỗ cho gia đình chị em. Cùng đồng tế với Đức Cha Matthêô trong thánh lễ Tạ ơn có 23 linh mục. Ngoài ra còn có các nam nữ tu sĩ của nhiều Dòng đến tham dự. Thật cảm động khi mọi người chứng kiến những bậc «niên lão» của Tỉnh Dòng vẫn còn vững bước hiên ngang. Chỉ có 3 Soeurs niên trưởng mừng 70 năm đời tu không tham dự đoàn rước : 2 Soeurs phải ngồi xe lăn còn 1 Soeur được dẫn ra chỗ ngồi trước. Tuổi trên 90 mà còn được như thế quả thật là hồng ân Chúa !
Trong bài giảng lễ, Đức Cha Matthêu mở đầu với thánh vịnh 116 “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Người đã ban cho? Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu thánh danh Đức Chúa. Lời khấn nguyền với Chúa tôi xin giữ trọn trước toàn thể dân Người” (Tv 116, 12-14). Đó là lời rất thích hợp với thánh lễ tạ ơn hôm nay, vì để đền đáp mọi ơn lành Chúa đã ban cho trong suốt thời gian rất ư lâu dài của cuộc đời thánh hiến, các nữ tu lão thành của chúng ta chỉ biết “nâng chén”, tức là dâng hy tế tạ ơn, và bày tỏ quyết tâm giữ trọn lời khấn hứa với Chúa trước toàn thể dân Người. Đức Cha cũng nhắc đến mẫu gương tạ ơn tuyệt vời nhất chính là Đức Maria, với lời kinh tạ ơn Magnificat, một lời kinh chứa chan tâm tình không chỉ được đọc lên bởi mình Đức Mẹ, mà đã được toàn thể Hội Thánh lặp đi lặp lại mỗi ngày trong những giờ kinh chiều, cách riêng trong những dịp tạ ơn đặc biệt về hồng ân mà Người ưu ái ban cho mình. Cùng hòa chung với tâm tình tạ ơn của Đức Mẹ, các nữ tu của chúng ta cũng muốn mọi người hợp ý dâng lên Thiên Chúa những lời tạ ơn về hồng ân thánh hiến mà các bà và các chị đã lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa, tức là hạnh phúc được tuyển chọn và được ở trong nhà Chúa với biết bao ân lộc của Người.
Đức Cha Matthêô trích dẫn ca dao Việt Nam để có câu ví von cho đời tu của các chị mừng lễ : «Mến Chúa, năm mươi núi cũng trèo, sáu mươi sông cũng lội, bảy chục đèo cũng qua». Trải qua thời gian năm mươi năm, sáu mươi năm và bảy chục năm của cuộc đời thánh hiến, các bà và các chị đã trèo núi, lội sông, qua đèo, và chúng ta có thể coi đèo Qui Hòa này như một hình ảnh tượng trưng. Núi cao, sông sâu, đèo uốn khúc, là hình ảnh nói lên những khó khăn thử thách trong bất kỳ cuộc sống nào, cách riêng trong cuộc sống tu trì. Dù vậy, vì tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, với tất cả hy sinh và kiên nhẫn, với sự trợ giúp của Chúa, các bà và các chị đã vượt qua tất cả, bởi lẽ “một yêu là sự đã liều, mưa mai cũng chịu nắng chiều cũng cam”. Quả thế, các bà và các chị đã được Thiên Chúa dẫn dắt lên núi cao thánh thiện, để càng cao tuổi hạc càng hoàn thiện hơn. Các bà và các chị lại được Thiên Chúa cho lặn ngụp dưới dòng sông thanh tẩy và ân sủng. Các bà và các chị cũng được Thiên Chúa đồng hành qua đường đèo thơ mộng của cuộc đời dâng hiến, con đường uốn lượn quanh co, hai bên là núi rừng bạt ngàn với bốn mùa hoa nở thiên ân và dòng suối trong ngần từ trời tuôn xuống ngàn muôn phúc lộc; hay một trong hai bên là đại dương mênh mông mở rộng tầm nhìn về một chân trời lý tưởng, cùng với tiếng sóng vỗ rì rào như tiếng gọi xôn xao của Người Tình Tuyệt Hảo…
Để kết thúc bài giảng, Ngài trích dẫn bức thư đề ngày 4 tháng 12 năm 1894 của Chân Phước Marie de la Passion, Đấng Sáng Lập Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, viết về niềm vui mà các nữ tu của mình cảm nghiệm được trong tuổi già như sau: “Những ngày tươi trẻ của đời sống tu trì sẽ qua đi, nhưng vào cuối đời, chúng ta còn lại sự kết hợp thâm sâu với Thiên Chúa, mà không một biến cố hay tạo vật nào có thể đụng chạm đến. Sự kết hợp tối thượng này vượt trên mọi niềm vui”. Đó cũng là câu in trong Thiệp mời dự lễ Tạ ơn này. Ngài đánh giá cao tấm gương của các nữ tu cao niên trong những ngày xế bóng cuộc đời : «Trên giường bệnh, nhìn các bà lớn tuổi, mặt mỗi bà là một tấm gương soi. Các bà đã nêu cao tấm gương tận hiến với niềm vui được phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Xin cám ơn các bà, và hiệp ý với các bà, cộng đoàn chúng ta hãy cùng nhau cất cao lời tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân thánh hiến và tiếp tục cầu nguyện cho các bà được hưởng trọn tuổi già trong hạnh phúc chan hòa…» Hơn thế nữa, sau tiệc mừng thánh lễ Tạ ơn, Ngài còn vào tận phòng thăm hỏi các bà cách thân tình và cảm động.
Lễ đi với lạc, tiệc mừng của dịp lễ Tạ ơn này được tổ chức đơn sơ ngay trong khuôn viên chật hẹp của Dòng. Tuy thế, mọi người vui vẻ chia sẻ niềm vui, thưởng thức màn «văn nghệ bỏ túi» rất đơn sơ của chị em Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ và sự góp phần của cả các vị khách tham dự. Chắc hẳn khi chia tay ra về, nơi đáy lòng của mỗi người vẫn còn đọng lại hình ảnh an bình, thanh thản, đơn sơ của các nữ tu cao niên, sau một cuộc đời dâng hiến thật trung tín và quảng đại. Nguyện xin Chúa chúc lành cho các nữ tu mừng lễ hôm nay, cũng như cho mọi người tham dự được khích lệ trong đời sống đức tin, để tất cả sẵn sàng vượt qua mọi thách đố của cuộc sống, luôn trung tín làm chứng tá cho tình yêu tuyệt vời của Chúa cho đến cùng… Xin Chúa cũng ban thêm cho Giáo Hội có những ơn gọi linh mục tu sĩ thánh thiện, để đóng góp cho công cuộc Loan báo Tin Mừng giữa lòng thế giới đầy thách đố hôm nay !

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

VƯƠNG QUỐC CỦA GIÊSU




Kahlil Gibran -Nguyễn Ước dịch



Lời kể của Sứ đồ Giacôbê, con trai của Zêbêđê.

Vào một ngày mùa xuân năm đó, Giêsu đứng tại nơi họp chợ ở Giêrusalem, và Người nói với đám đông về Vương quốc của Người.
Người cáo buộc các kinh sư cùng người Pharisêu về việc giăng bẫy và đào hầm bẫy trên lối đi của những kẻ khao khát đi theo Nước trời, và Người lên án họ.

Bấy giờ, trong đám đông đó có một toán người biện hộ cho người Pharisêu cùng các kinh sư, họ tìm cách túm bắt Giêsu và cả chúng tôi nữa.

Nhưng Người tránh họ, rẽ sang hướng khác và đi tới cổng thành phía bắc.

Và Người nói với chúng tôi:
"Giờ của ta chưa đến. Ta còn phải nói với các bạn nhiều điều, và còn có nhiều việc ta phải làm trước khi trao mình cho thế giới."

Rồi Người nói tiếp, và có niềm vui cùng tiếng cười trong giọng nói của Người:
"Chúng ta hãy vào sâu trong  Miền Bắc và gặp gỡ mùa xuân. Các bạn hãy cùng ta đi lên các ngọn đồi vì mùa đông đang qua, tuyết ở Liban đang tan chảy xuống các thung lũng để cùng ca hát với những con suối nhỏ.
"Các cánh đồng cùng các vườn nho đang xua tan giấc ngủ và thức dậy để nghênh đón mặt trời với những trái vả xanh non và những quả nho mịn màng."

Nói xong, Người cất chân đi trước chúng tôi, và chúng tôi đi theo suốt hôm đó với hôm sau.

Tới trưa ngày thứ ba, chúng tôi tới đỉnh núi Hermon, ở đó Người đứng nhìn xuống các thành phố dưới đồng bằng.

Khuôn mặt Người tỏa sáng như vàng nấu chảy. Dang rộng đôi cánh tay, Người nói với chúng tôi:
"Các bạn hãy ngắm mặt đất trong y trang xanh thẳm của nó, và hãy nhìn những con nước lóng lánh bạc đang viền y trang ấy.
"Quả thật mặt đất xinh đẹp và mọi thứ trên đất đều xinh đẹp.
"Nhưng có một vương quốc ở quá bên kia những mọi thứ các bạn đang ngắm, và ta sẽ cai trị nó. Nếu các bạn chọn lựa nó và nếu quả thật các bạn khao khát nó, các bạn cũng sẽ đến đó và cùng cai trị với ta.
"Khuôn mặt của ta và khuôn mặt của các bạn sẽ không phải đeo mặt nạ, tay của chúng ta sẽ không nắm thanh gươm hay quyền trượng, và thần dân của chúng ta sẽ yêu thương chúng ta trong bình an và không sợ hãi chúng ta."
Giêsu nói như thế, còn tôi thì chẳng biết chút nào về mọi vương quốc trần thế, về mọi kinh đô và thành lũy. Sâu trong thâm tâm mình, tôi đi theo vị Tôn sư ấy chẳng qua vì muốn tới vương quốc của Người.
Thế rồi đúng khoảnh khắc đó, Giuđa Iscariốt* bước ra; hắn đi tới gần Giêsu và nói rằng:
"Nhìn kìa, các vương quốc của thế giới rộng mênh mông, và nhìn kìa, các thành của David và Solomon sẽ vượt trội hơn của người La Mã. Nếu Thầy muốn làm vua dân Do Thái, chúng tôi sẽ đứng bên cạnh Thầy với thanh gươm và mộc, và chúng tôi sẽ chiến thắng lũ ngoại nhân."

Nghe như vậy, Giêsu liền quay sang Giuđa với vẻ mặt đầy thịnh nộ. Bằng giọng ghê gớm như sấm nổ giữa trời, Người nói:
"Hỡi Satan, hãy lùi ra đằng sau ta. Bộ ngươi nghĩ rằng ta xuống đây những năm này để cai trị tổ kiến trong một ngày?
"Ngai của ta là chiếc ngai ở quá bên kia mắt nhìn của ngươi. Liệu kẻ có đôi cánh phủ quanh mặt đất có tìm nơi ẩn náu trong một chiếc tổ bị bỏ quên?
"Người đang sống có được vinh danh và tung hô bởi kẻ đang quấn khăn liệm?
"Vương quốc của ta không thuộc về thế gian này và chỗ ngồi của ta không được dựng lên trên xương sọ của tổ tiên các bạn.
"Nếu ngươi tìm cái bên ở ngoài vương quốc của tinh thần thì nên bỏ ta ở lại đây mà đi xuống hang động những kẻ đã chết của ngươi, nơi những chiếc đầu đội vương miện xưa cũ đang thiết triều trong hầm mộ của chúng và tiếp tục ban phát vinh dự cho xương cốt của cha ông ngươi.
"Có phải ngươi, Giuđa Iscariốt, dám cám dỗ ta với vương miện rỉ sét của ngươi trong khi vầng trán ta tìm kiếm chòm sao Pleiades nếu không thì các gai nhọn của ngươi.
"Nếu không vì giấc mộng từng được mơ bởi một giống nòi bị quên lãng, ta đã không để cho mặt trời của ngươi mọc lên trong sự nhẫn nại của ta, hoặc mặt trăng của ngươi chiếu chiếc bóng của ta vắt ngang qua đường ngươi đi.
"Nếu không vì khát vọng của người mẹ, ta đã tuột hết tã lót trên mình và bỏ về không gian.
"Và nếu không vì sự đau khổ trong tất cả các ngươi, ta đã không ở lại đây để khóc.
"Ngươi là ai và ngươi là gì, hỡi Giuđa Iscariốt? Và tại sao ngươi cám dỗ ta?
"Có phải ngươi quả thật đo lường ta bằng đĩa cân ấy và tìm thấy nơi ta một kẻ chỉ huy các binh đoàn của những gã lùn tịt và điều động chiến xa không hình thù nhằm chống lại một đối phương chỉ cắm trại binh trong tâm hận thù của ngươi và chỉ hành quân trong lòng sợ hãi của ngươi?
"Có quá nhiều sâu bọ bò quanh bàn chân ta nhưng ta không tỏ ra sẵn sàng giao tranh với chúng. Ta không còn quan tâm đến kẻ giễu cợt và đã chán việc thương xót những kẻ sống làm dây leo, xem ta là hèn nhát vì ta không di chuyển giữa các thành lũy và tháp canh của chúng.
"Đáng tiếc là ta nhất thiết phải thương xót cho tới giây phút sau cùng. Ước gì ta có thể hướng bước chân mình tới một thế giới rộng lớn hơn, nơi cư ngụ những con người rộng lớn hơn. Nhưng ta làm thế nào đây?
"Các tư tế và hoàng đế của ngươi đòi máu của ta. Họ sẽ được thỏa mãn trước khi ta đi khỏi nơi này. Ta không muốn thay đổi dòng chảy của lề luật. Và ta không muốn cai trị một cách ngu muội.
"Cứ để sự ngu muội tự nó tái tạo cho tới khi nó không còn quan tâm tới con cái của chính nó.
"Cứ để người mù dẫn dắt người mù tới hố bẫy.
"Và cứ để kẻ chết mai táng kẻ chết cho tới khi đất mắc nghẹn với quả đắng của nó.
"Vương quốc của ta không thuộc về trần thế. Vương quốc của ta sẽ hiện hữu nơi hai hoặc ba người các bạn gặp gỡ nhau trong tình thương, trong kinh ngạc trước vẻ đáng yêu của cuộc đời, trong chan chứa vui mừng và trong tưởng nhớ đến ta."
Nói tới đây, đột nhiên Người quay sang Giuđa và nói:
"Ngươi, Giuđa Iscariốt, hãy bước đi cho khuất mắt ta. Các vương quốc của ngươi sẽ không bao giờ hiện hữu trong vương quốc của ta."
Và lúc này trời đã chạng vạng, Người quay sang chúng tôi và nói:
"Chúng ta hãy đi xuống. Đêm sắp ở trên chúng ta. Chúng ta hãy bước đi trong ánh sáng khi ánh sáng còn ở với chúng ta."
Kế đó, Người đi xuống và chúng tôi đi theo Người. Còn Giuđa đi theo xa xa.
Khi chúng tôi đặt chân tới đất bằng, trời đã vào đêm.

Tôma, con của Điôphanét, nói với Người:
"Thưa Thầy, lúc này trời đã tối, chúng ta không còn thấy đường. Nếu thầy muốn, xin hãy dẫn chúng tôi tới ánh lửa ở đằng kia để chúng tôi có thể tìm thấy thức ăn và chỗ trú."

Giêsu trả lời Tôma rằng:
"Ta đã dẫn các bạn tới những đỉnh cao khi các bạn đói. Và ta đã mang các bạn xuống các đồng bằng với cơn đói cao cả hơn. Nhưng ta không thể ở chung với các bạn đêm nay. Ta muốn ở một mình."
Lúc đó, Simon Phêrô bước ra và nói:
"Thưa Thầy, xin đừng khiến cho chúng tôi phải đi một mình trong bóng tối. Hãy cho chúng tôi được ở lại đây với Thầy dù đang giữa đường. Đêm và bóng tối sẽ không kéo dài và chẳng bao lâu nữa bình minh sẽ tìm thấy chúng tôi nếu có Thầy ở với chúng tôi."
Và Giêsu trả lời:
"Đêm nay, chồn cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con của Người không có chỗ nào trên mặt đất để gối đầu. Và quả thật lúc này ta muốn ở một mình. Nếu khao khát ta, các bạn sẽ tìm thấy ta lần nữa bên hồ nơi ta đã tìm thấy các bạn."

Rồi chúng tôi đi khỏi Người với tâm hồn nặng trỉu vì thâm tâm chúng tôi không muốn rời xa Người.

Nhiều lần chúng tôi dừng chân, ngoái mặt hướng về phía Người, và chúng tôi thấy Người trong uy nghi quạnh quẻ đang đi về hướng tây.
Kẻ độc nhất trong chúng tôi không quay mặt nhìn Người trong sự cô đơn của Người, là Giuđa Iscariốt.

Và từ hôm đó, Giuđa trở nên ủ rủ và xa vắng. Hình như có mối nguy hiểm trong hốc mắt của hắn.



Nguồn: Bài này của Kahlil Gibran với nhan đề James the Son of Zebedee: On the Kingdoms of the World (Giacôbê con của Zêbêđê: Về các vương quốc trên thế giới), được in trong hai cuốn khác nhau. (1) The Mad Man: His Parables and Poems (Gã khùng: các dụ ngôn và thơ của hắn), chương 36, in năm 1918, và Jesus, the Son of Man (Giêsu, con của người), chương 1, in năm 1928.

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

LẠI TIẾNG ANH ...


Nguyễn Văn Tuấn
Nhân đọc một bài về sự cẩu thả trong tiếng Anh tại cột cờ Lũng Cú, tôi chợt nhớ đến tiếng Anh của Bộ Ngoại giao.  Mấy tháng trước tôi có chỉ ra sự cẩu thả trong spokesman và spokeswoman, nay thì trang nhà Bộ Ngoại giao đã sửa sai sót đó, nhưng vẫn còn đầy rẫy những sai sót khác. Những sai sót này có thể ảnh hưởng đến hình ảnh và thể diện quốc gia.
Từ tiếng Anh tại cột cờ Lũng Cú 
Trong entry về tiếng Anh tại cột cờ Lũng Cú, blogger Mai Thanh Hải chỉ ra rằng chữ “Tỉnh Hà Giang” bị dịch sang tiếng Anh là “Ha Giang Provine” (đúng ra là Ha Giang Province, hay theo tôi thì trang trọng hơn là Province of Ha Giang). Nhưng đọc kĩ dòng chữ khắc trên chân cột cờ tôi còn phát hiện vài điều bất bình thường khác.  Xin “vạch lá tìm sâu” vài điểm đó:
Một là thiếu nhất quán giữa tiếng Việt và tiếng Anh.  Trong phần tiếng Việt, tâm bia viết là “Huyện Đồng Văn – Tỉnh Hà Giang” (huyện trước, tỉnh sau), nhưng trong phần tiếng Anh người ta đảo ngược thứ thự, với tỉnh trước, huyện sau: Ha Giang Provine, Dong Van District.  Đó là một sự thiếu nhất quán.


Hai là chữ “NATIONAL FLAG-POLE”.  Theo chuẩn tiếng Anh,  flag và pole là hai từ riêng lẻ, nhưng có thể viết liền (flagpole), hoặc viết rời (flag pole).  Không ai viết với cái gạch như cách viết của Việt Nam cả.  Thật ra, tôi nghĩ từ National (trong National Flag-Pole) không cần thiết. Cột cờ quốc gia có nghĩa là gì?  Đó là cái sai thứ hai, một lần nữa thể hiện tính thiếu cẩn thận.
Thứ ba là thông tin về vị trí.  Trong khi các thông tin khác thì viết tiếng Việt và tiếng Anh, nhưng đến thông tin về kinh độ, vĩ độ, và độ cao thì chỉ viết bằng tiếng Việt!  Như thế là thiếu nhất quán.  Ngay cả viết tiếng Việt cũng khó hiểu.  Tôi tự hỏi có bao nhiêu người biết Đ đằng sau con số kinh độ, hay B đằng sau con số vĩ độ. Tại sao không viết thẳng là Đông và Bắc cho người ta hiểu? 
Ở đây, cũng nên nhớ rằng qui ước chung là viết đơn vị đo lường và số cách nhau một khoảng trống. Không nên viết “1488,73m” mà phải viết đúng là “1488,73 m”. Một lần nữa, cẩu thả.
Còn chữ “Well come to Dong Van” thì … miễn bàn :-).  Sai sót quá hiển nhiên.
Cần nói thêm rằng hôm nọ, tôi cũng phát hiện một sai sót tiếng Anh khác trong bia cây số đường Trường Sơn. Nay đến sai sót này. Tôi nghĩ bất cứ cái gì khắc trên bia đá thì phải rất cẩn thận. Bia đá là những cấu trúc có giá trị lâu dài (giống như bia tiến sĩ). Chúng ta cần phải tỏ ra có đầu tư thời gian để làm cho tốt. Cẩn thận trong suy nghĩ và thực hành. Cách thiết kế, phông/kiểu chữ, màu, và nhất là từ ngữ trong bia phải được chọn cẩn thận. Nhưng trong thực tế thì chúng ta thấy sai hết chỗ này đến chỗ khác. Thật đáng tiếc!
đến tiếng Anh của Bộ Ngoại giao
Nhưng sai sót tiếng Anh tại một tỉnh lẻ thì có thể thông cảm được, còn sai sót tiếng Anh của một bộ như Bộ Ngoại giao thì mới đáng trách.  Cách đây vài tháng, tôi có chỉ ra một sai sót hiển nhiên trong trang nhà của Bộ Ngoại giao về chữ spokesman khi đề cập đến bà Nguyễn Phương Nga.  Tôi có đề nghị nên viết trịnh trọng là “Ministry of Foreign Affairs of Viet Nam”. Hôm nay, tôi ghé qua trang nhà thì thấy các “đồng chí” đã sửa lại.  Hoan hô Bộ Ngoại giao!
Nhưng đọc qua một vài chỗ tôi lại phát hiện nhiều sai sót khác.  Một số điểm cũng không hẳn là sai sót, mà chỉ là cách hành văn không đúng chuẩn mực tiếng Anh mà thôi.  Ở đây, tôi chỉ ra vài sai sót đáng chú ý như sau:
Cần chú ý đến cách viết tên nước.  Chúng ta viết “Việt Nam” bằng tiếng Việt, nhưng còn tiếng Anh thì hình như chưa có qui định chung.  Có lẽ chính vì thế mà có khi chúng ta viết Vietnam, nhưng có khi lại Viet Nam, Viet nam, hay thậm chí Việt Nam. Tôi chưa biết cách viết nào đúng nhất, nhưng cá nhân tôi vẫn hay viết Vietnam.  Nhìn qua trang nhà, tôi thấy các “đồng chí” trong Bộ chưa nghiêm chỉnh khi viết tên nước.  Điển hình là có lúc họ viết
Viet Nam attends 7th ASEAN People’s Forum 04-05-2011
lại có khi
Viet-nam's response to the statement by the Acting Deputy Spokesperson of the US Department of State
và ngay dưới đó thì lại viết
VN sets development example, says ADB President 04-05-2011
Cách viết tắt VN chỉ có người Việt mới hiểu, chứ có bao nhiêu người nước ngoài hiểu. 
Bộ Ngoại giao mà viết tên nước tùy tiện như thế là rất đáng trách.  Tên quốc gia mà viết còn không nghiêm chỉnh tức là mình không tôn trọng mình, vậy thì hỏi ai tôn trọng mình?  Không chấp nhận được.
Sai văn phạm.  Chắc ai cũng đồng ý rằng Bộ Ngoại giao của một nước 87 triệu dân mà viết sai văn phạm tiếng Anh là rất... khó coi.  Có rất nhiều chỗ sai văn phạm trong trang nhà của Bộ Ngoại giao, không thể nào kể ra đầy đủ ở đây.  Nhưng có thể lấy vài ví dụ ra để minh chứng. Ngay từ trang đầu của website, cò dòng chữ nhảy nhót “ACHIEVEMENT IN THE PROTECTION AND THE PROMOTION OF HUMAN RIGHTS IN VIETNAM”.  Sai sót ở đây là thừa mạo từ the (trong the promotion).  Ngoài ra, đáng lẽ phải là achievements (số nhiều) chứ không phải achievement.
Không biết các bạn thì sao, nhưng tôi rất ghét những trang nhà có những hình ảnh nhảy nhót.  Những hình ảnh đó chẳng những làm đau mắt người đọc, mà nó còn cho thấy người chủ trang nhà có tính… trẻ con.  Trẻ con hay khoe khoang kĩ xảo làm website bằng những hình ảnh màu mè và gây chú ý.  Trang web của Bộ Ngoại giao không nên màu mè trẻ con như thế.
Cách viết thiếu chuẩn mực.  Có thể tìm hàng trăm câu văn thiếu chuẩn mực tiếng Anh trong trang nhà của Bộ Ngoại giao.
Ngay cả cách viết ngày tháng mà cũng … sai.  Ví dụ như bản tin
Answer on the conflict between Thailand and Cambodia on April 22nd 2011
Không ai viết ngày tháng tiếng Anh như thế cả.  Cách viết chuẩn là:
April 22, 2011
22nd April 2011
22nd April, 2011
22 April 2011

Thật ra, ngay cả cách dùng chữ “Answer” trong tiêu đề cũng không… ngoại giao chút nào.  Answer cũng có nghĩa là phát biểu mang tính chống trả lại một vu cáo. Nên nhớ rằng chữ answer cũng có khi hiểu là đánh trả. Do đó, dùng chữ answer trong trường hợp của Bộ Ngoại giao là rất dễ gây hiểu lầm.  Ngoài ra, answer on thường dùng trong văn nói, ít ai dùng trong văn viết trịnh trọng.  Tiếng Anh có nhiều chữ trang trọng hơn là văn nói như answer để trình bày quan điểm chính thức của một quốc gia.
Văn chương lòng vòng.  Đọc qua vài văn bản, tôi có thể nói cách viết tiếng Anh của Bộ Ngoại giao rất khó hiểu.  Khó hiểu không phải vì sai văn phạm, hay lệch chuẩn tiếng Anh, mà vì câu văn có khi quá dài dòng.  Câu văn dài có lẽ là do người ta dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh, nhưng dịch chưa thoát ý.  Chúng ta thử đọc qua đoạn văn sau đây:
“Implementing the foreign policy line of independence, self-reliance, peace, cooperation and development and the foreign policy of openness and diversification and multilateralization of international relations, Viet Nam has established diplomatic relations with 178 countries. For the first time in history, Viet Nam is now entertaining normal relations with all major powers and UN Security Council’s Permanent Members. (Herein the directory, readers can find basic information on Viet Nam’s relations with other countries in the world).”  (Nguồn: http://www.mofa.gov.vn/en/cn_vakv/#QSlC7kZVDbf7)
Đoạn văn này chỉ có 2 câu văn.  Câu thứ nhất có 34 từ.  Câu thứ hai có 41 từ.  Câu văn dài như thế là “đại kị” trong viết tiếng Anh.  Câu văn dài rất phức tạp và làm cho người đọc khó hiểu.  Thật vậy, câu văn đầu có đến 4 liên từ and!  Cách viết này chứng tỏ người viết hoặc là “tham vọng” dồn nhiều ý tưởng trong một câu văn, hoặc là lúng túng không biết mình viết gì.  Khái niệm independence (độc lập) và self-reliance (tự lực) thật ra có khác gì nhiều đâu! Tôi tưởng rằng international relations thì phải là đa phương rồi, vậy thì từ multilateralization có cần không? Chưa thấy ai viết entertaining normal relations!  Lưu ý rằng entertaining thường sử dụng trong văn nói (chẳng hạn như tôi hay nói trong hội nghị: Today, I am going to entertain a topic …) chứ ít ai viết trong văn bản ngoại giao.
Trong câu trên, người viết dùng từ herein sai.  Herein có nghĩa tiếng Anh là in here (và tiếg Việt có nghĩa là ở đây, ví dụ: Our analyses suggest that alendronate usage, as herein described …).  Trong bối cảnh câu văn trên herein có nghĩa là trong tài liệu này. Do đó, viết Herein the directory là thừa – thừa cụm từ the directory.
Chỉ một câu ngắn như trên mà đã có quá nhiều vấn đề.  Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi nhiều văn bản khác cũng được soạn với một văn phong rất bí hiểm, và rất… Việt Nam.
Tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ của chúng ta.  Vì thế việc vài cá nhân sai sót trong tiếng Anh là chuyện… bình thường.  Ngay cả nhiều người ở ngoài này cả mấy mươi năm, làm việc trong môi trường nói và viết tiếng Anh (như người viết bài này) mà vẫn thỉnh thoảng viết sai tiếng Anh.  Nhân vô thập toàn.  Nhưng một Bộ Ngoại giao đại diện cho một quốc gia 87 triệu dân mà viết sai tiếng Anh thì đó là điều cần bàn.  Ở đây, không phải chỉ sai vài chỗ hay sai sót ngẫu nhiên, mà là sai có hệ thống.  Sai từ những điểm nhỏ nhất như đánh vần, cách viết ngày tháng, cách viết tên nước, đến sai về văn phạm, và quan trọng nhất là văn phong rất thiếu chuẩn mực.  Tại sao Bộ Ngoại giao không mướn hẳn một người ngoại quốc nói tiếng Anh biên tập những văn bản ngoại giao và trang web?  Đài VTV làm được thì không có lí do gì Bộ Ngoại giao không làm được.
Mấy năm gần đây, xuất hiện một "bệnh", tạm gọi là bệnh hời hợt và cẩu thả… Nhưng hời hợt và cẩu thả trong văn bản ngoại giao thì có lẽ ảnh hưởng còn lớn hơn: thể diện quốc gia.
Đây không phải là vấn đề sai về cách chọn hay sử dụng từ, mà còn ảnh hưởng đến ý nghĩa của phát biểu.  Dùng từ sai có thể gây ra hiểu lầm cho người đọc, và nếu đó là văn bản ngoại giao thì hiểu lầm có thể gây ra nhiều hệ quả phiền phức.  Khổng Tử từng nói (và tôi tạm dịch): “Nếu ngôn ngữ không đúng, thì những gì nói ra sẽ không phản ảnh chính xác ý của người nói; nếu ý của người nói không được phản ảnh chính xác, thì những gì cần phải làm sẽ không thực hiện được; và những gì không thực hiện được đạo đức và nghệ thuật sẽ suy đồi.”  Nhìn từ góc độ đó, vấn đề tiếng Anh trong website Bộ Ngoại giao không phải là vấn đề cười được, vì nó ảnh hưởng đến thể diện quốc gia.