Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

TẢN MẠN VỀ "NỮ HOÀNG BÉ NHỎ"

 Nguyên Thanh

 SGTT Xuân 2012 - Sau thế chiến thứ 2, trong giai đoạn mà nhà kinh tế học Jean Fourastié gọi là “ba mươi năm vinh quang”, kinh tế Pháp đã tăng trưởng liên tục và nhờ thế, vào đầu những năm 1970, dân Pháp đạt đến mức sống khá cao mà bằng chứng rõ nhất là hầu hết các hộ gia đình đều có xe ôtô riêng, nhất là ở nông thôn. Kết quả là người Pháp ngày càng thờ ơ với xe đạp mà trước đó họ âu yếm gọi là “petite reine” (nữ hoàng bé nhỏ).

 Cũng như ở nhiều nước phát triển khác, từ bốn thập kỷ này ôtô đã dần dà thay thế cho xe đạp, nhất là ở các đô thị. Thế mà như mọi người đều biết, xe đạp là phương tiện giao thông không những không gây tiếng ồn và ô nhiễm mà còn rất có lợi cho sức khoẻ (chống bệnh béo phì, tim mạch, đái tháo đường…)

 Do phần lớn người dân đều ở trong các căn hộ, họ thường không có chỗ để chứa xe đạp và nhất là không tìm ra bãi gửi xe; chẳng những thế đi xe đạp còn rất nguy hiểm, đặc biệt vào những giờ cao điểm.



 Hệ thống Vélib’

 Sau khi được bầu làm đô trưởng Paris vào năm 2001 nhờ liên minh với các đảng cánh tả khác trong số đó có đảng Xanh (đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ môi trường), ông Bertrand Delanoë (thuộc đảng Xã hội) đã đề ra chính sách giảm số xe ôtô lưu thông và giảm ô nhiễm bằng những biện pháp như xây tuyến đường xe điện tramway, tăng thêm các lối đi cho xe đạp và các hành lang an toàn dành cho xe buýt, xe taxi, xe đạp và xe khẩn cấp (chữa cháy, cảnh sát, cứu thương…)

 Nhưng thành công được báo chí Pháp cũng như thế giới nói đến nhiều nhất là việc thiết lập hệ thống xe đạp tự phục vụ được gọi là Vélib’.

 Thực ra Paris không phải là thành phố đầu tiên có hệ thống xe đạp tự phục vụ: năm 1965, phong trào cực tả Provo ở Amsterdam đã lập ra hệ thống cho mượn xe đạp miễn phí, nhưng thất bại ngay. Riêng ở Pháp, vào năm 1974, đô thị biển La Rochelle (176.000 dân) đã lập ra lần đầu một hệ thống giống như Vélib’, nhưng nhỏ hơn nhiều: chỉ có 350 xe sơn màu vàng cho thuê ở ba trạm.

 Do công ty quảng cáo JCDecaux thực hiện, hệ thống Vélo’v được khởi động ở Lyon (475.000 dân) vào tháng 5.2005. Khá hiện đại nhờ dùng các thiết bị điện tử, nó khá lớn: với 4.000 xe và 300 trạm.

 Cũng do JCDecaux thực hiện, hệ thống Vélib’ của Paris lớn gấp năm lần hệ thống Vélo’v của Lyon: với 20.600 xe và 1.450 trạm.

 Theo báo Ça m’intéresse, hợp đồng về Vélib’ giữa JCDecaux và toà đô chính (TĐC) Paris như sau: trong mười năm (2007 – 2017), TĐC được JCDecaux trả khoảng 35 triệu euro tiền thuế định kỳ và được hưởng khoảng 200 triệu tiền thuê bao; ngược lại JCDecaux ước tính sẽ thu được 569 triệu euro từ việc quản lý 1.628 bảng quảng cáo. Như vậy, để có được Vélib’, TĐC thực ra phải chi khoảng 334 triệu euro trong mười năm (569 – 235 triệu), tức là bình quân phải chi 1.621 euro cho mỗi xe.

 Tiền thuê bao tương đối rẻ: 1,7 euro/ngày, 8 euro/tuần, 29 euro/năm.

 Nhằm khuyến khích việc dùng xe vélib’ đi những đoạn đường ngắn, giá biểu thuê xe được quy định theo nguyên tắc “càng dùng lâu càng mắc”: dưới 30 phút không phải trả tiền, 1 euro từ 30 phút đến 1 giờ, 3 euro từ 1 giờ đến 1 giờ 30, 7 euro từ 1 giờ 30 đến 2 giờ… Với một giá biểu như thế, tiền thuê xe thu được không đáng kể vì đa số người dùng đều dừng lại ở mức miễn phí!

 Ngay trong năm đầu, số người thuê bao xe Vélib’ lên đến 200.100. Nhưng từ mùa xuân 2010, nó giảm xuống 160.000, rồi tăng lên 180.186 từ tháng 7.2011. Từ tháng 7.2007 – 6.2011 đạt 110.000 lần thuê/ngày.

 Cho đến tháng 8.2009, 16.000 xe bị trộm hay bị phá hư, trong số đó có 8.000 xe bị trộm!

 Do nạn phá và trộm xe quá nghiêm trọng, cuối năm 2009, TĐC và JDCaux đã phải thương lượng lại: TĐC chấp nhận chi 400 euro cho mỗi xe bị phá (nếu vượt tỷ lệ 4%, cho đến 25%). TĐC phải trả cho JDCaux từ 35 – 50% tiền thuê bao.

 Theo thông báo của TĐC và JCDecaux công bố vào cuối tháng 4.2011, từ năm 2000 số vụ trộm và phá xe có khuynh hướng giảm: chỉ còn khoảng 1/3.

 Do ảnh hưởng của Paris, từ bốn năm nay phong trào “vélib’” đã dấy lên rầm rộ ở Pháp: để tạo cho mình bộ mặt “thân thiện với môi trường, hiện nay nước này có cả thảy 37 hệ thống xe đạp tự phục vụ. Phong trào này cũng lan sang nhiều nước khác: Đức (Frankfurt, Köln, Berlin, Hamburg…), Bỉ (Bruxelles…), Canada (Montreal…), Trung Quốc (Thượng Hải, Thành Đô…), Tây Ban Nha (Barcelona, Sevilla…), Anh (London, Newcastle…), Ý (Milan…), Mỹ (Washington, Boston…)

 Nhờ có Vélib’, nên dù có tỷ lệ di chuyển bằng xe đạp chỉ khoảng 5% (rất thấp so với Copenhagen: đến 55%!), Paris được tổ chức Copenhagenize xếp thứ sáu trong số 20 “đô thị thân thiện với xe đạp” (bicycle friendly cities), sau Copenhagen, Amsterdam, Barcelona, Tokyo, nhưng hơn Munich, Montreal, Dublin, Budapest, London, San Francisco, New York…

 Hà Lan: thiên đường của xe đạp

 Nhưng ở mức độ quốc gia, phải nói Hà Lan mới là “thiên đường” của xe đạp! Hà Lan thường được ca ngợi là nước duy nhất trên thế giới có số xe đạp nhiều hơn số dân: 1,1 xe đạp cho mỗi người.

 Bình quân, dân Hà Lan thực hiện 26% các di chuyển bằng xe đạp: kỷ lục thế giới! Ở nhiều đô thị Hà Lan, tỷ lệ đó vượt 30%: 37% ở Zwolle (111.000 dân), 40% ở Amsterdam (780.000 dân), 55% ở Groningen (187.000 dân)… Trong khi Strasbourg, dù có tỷ lệ cao nhất Pháp, chỉ đạt 12%!

 Sở dĩ dân Hà Lan đi xe đạp nhiều trước hết là vì đất nước của họ toàn là đồng bằng. Hơn nữa không gian cư trú của họ rất tập trung (45% người Hà Lan ở cách ga khoảng 3km), nên thích hợp với việc đi bộ và đi xe đạp. Để đi từ nhà đến các ga, 33% người dân dùng xe đạp, 33% khác đi bộ; chỉ khoảng 16% dùng xe ôtô và 16% khác dùng một phương tiện vận tải công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm.

 Nhờ nhà cầm quyền rất quan tâm đến sự an toàn của người đi xe đạp (chủ yếu bằng cách tạo rất nhiều lối đi riêng và hành lang dành cho xe đạp) và nhờ có “văn hoá xe đạp” cao, Hà Lan có tỷ lệ tai nạn xe đạp thấp nhất châu Âu.

 Ở tất cả các nhà ga đều có bãi gửi xe đạp thường miễn phí và rất lớn: 20.000 chỗ ở ga trung ương của Amsterdam và của Leiden (118.000 dân), 17.500 chỗ ở Utretcht (312.000 dân), 15.000 chỗ ở Groningen (180.000 dân)…

 Trong khuôn khổ chương trình Không gian cho xe đạp (1999 – 2012), công ty đường sắt Hà Lan Prorail đã tạo 125.000 chỗ gửi xe và đã canh tân 125.000 chỗ đậu cũ. Sắp tới họ sẽ tạo thêm 50.000 chỗ gửi mới.

 Hiện tượng duy nhất trên thế giới: giữa Breda (173.000 dân) và Etten-Leur (40.000 dân) có xa lộ dành cho xe đạp dài 7km!

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

9.171 KM ĐƯỜNG BAY VÀ NỖI NHỚ NHÀ

EuroDisneyland, Paris

Khánh Linh
Báo Nhịp Cầu Thế Giới

Bố mẹ ơi,
Sáng nay nói chuyện với bố mẹ qua yahoo chat, nghe mẹ tíu tít kể lịch đi biếu quà Tết họ hàng ra sao, về thăm mộ các cụ hai bên ngày nào, con gái bố mẹ lại tủi thân muốn khóc rồi. May mà năm nay anh trai con đã sắp xếp được để từ Đức về ăn Tết với Bố Mẹ. Con đã phải cố để tỏ ra cứng rắn và “chỉ đạo từ xa” rằng Bố phải cố mua được cành đào cho anh trai con ngắm, Mẹ phải đưa anh con đi lại bằng taxi cho an toàn đấy nhé.
Nhưng vào những giờ phút thế này con chỉ muốn bỏ hết, vứt hết để về với bố mẹ thôi. Con muốn về đi ăn bữa thịt chó tất niên với Bố, để nhận phong bì lì xì to và uống ly champagne đêm 30 Tết, để đưa Mẹ đi Chùa sáng mồng 1.
Không, thậm chí con muốn về hẳn với đời tự do sung sướng của con khi ở nhà với bố mẹ. Sáng mở mắt ra đã có buffet tự chọn phở cháo bún miến của mẹ rồi. Chiều chiều tan giờ làm thì lê từ quán cà phê này sang quán cà phê khác, chán chê mới về ăn tối. Xong thì nào đi xem kịch, nào nhà hát nhớn, nào triển lãm, nào phim ảnh.
Tuần có 7 buổi tối thì có đến già 4 buổi con lượn ngoài phố. Đấy là chưa kể hàng tháng con bay lượn như chim từ Hà Nội vào Đà Nẵng rồi ra Sài Gòn. Việc chăm sóc con nhỏ con khoán hoàn toàn cho Mẹ. Làm mẹ trẻ con mà nhàn hạ như con thì ối gái thích đẻ con một mình mẹ nhỉ.
Mấy năm trước khi sang Châu Âu công tác và gặp một vài nhóm người Việt ở Đức, con cứ băn khoăn không hiểu làm sao họ có thể sống mãi cuộc đời như thế: đi làm từ tờ mờ sáng đến tối mịt. Thú vui duy nhất là cuối tuần tụ tập nấu nướng tán phét và say. Lần tụ tập nào cũng là dạ dày luộc, dạ dày xào, và lại dạ dày quay… Không du lịch, không phim ảnh, không kịch cọt, không triển lãm, không sách truyện gì sất.
Thậm chí bố mẹ bên này còn không có cả thời gian để nói chuyện với con cái mình. Con cứ thấy sao mà họ tội nghiệp, họ đáng thương đến thế. Con tự nhủ thà mình quanh năm chen lấn xô đẩy trong khói bụi xe cộ Hà Nội còn hơn là phải sống đời tha hương buồn tẻ như người Việt xứ người. Thế mà giờ đây con đang ngồi cách xa bố mẹ đến chính xác là 9.171 km đường bay và cũng đang tự hỏi “mình vác con trai tha hương thế này để làm gì?”.
Khi quyết tâm mang cháu sang Tây, con đã tự lừa dụ mình rằng cuộc sống ở nhà thế này thì bế tắc lắm, bởi không khí thì ô nhiễm khói bụi, chất lượng giáo dục thì mông lung mơ hồ, giá trị đạo đức, văn minh xã hội thì thế nọ thế kia. Hồi mới sang, dù Châu Âu không phải là quá xa lạ với con, nhưng con cũng hoan hỉ ghê lắm.
Đường phố thì sạch tinh, con người thì xếp hàng từ tốn, nói cảm ơn xin lỗi ríu rít suốt ngày như cái máy. Trật tự xã hội thì đâu vào đấy, chế độ phúc lợi xã hội thì tuyệt hảo. Trường lớp giáo dục thì khỏi phải chê câu nào. Con hỉ hả vì chỉ vài tháng sau cháu ngoại ông bà đã nói được tiếng Tây như gió, được đi thăm hết bảo tàng này đến khu rừng nọ, lại còn đi trượt tuyết nữa chứ.
Chưa hết choáng ngợp với không khí Tây con đã vội trở lại Hà Nội thăm Bố Mẹ. Năm ấy trở về với không khí tắc đường quen thuộc, với tiếng ồn và khói bụi quen thuộc, những khuôn mặt căng thẳng quen thuộc, những câu chửi thề quen thuộc của đồng bào, con đã gào lên chê bai hết nhời hết nhẽ. Nhưng quay lại Tây chỉ được vài ba ngày là con quên hết, con lại muốn bay về.
Hà Nội vẫn thế, vẫn đầy mâu thuẫn giữa yêu thương và trách móc, giữa ồn ào ngoài kia phố xa và bình yên trong này gia đình, giữa căng thẳng của đồng bào “tham gia giao thông” và hồn hậu đáng yêu của các bà các chị ngoài chợ. Thế nên con xa Hà Nội để quay về vì yêu, rồi lại xa vì chút dỗi hờn.
Mỗi lần con nhụt “ý chí chiến đấu”, Mẹ lại động viên con cố gắng vượt qua mọi thử thách vì tương lai của cháu bà. Rằng ngày xưa, xưa lắm cái ngày nhà mình còn nghèo, bố có cơ hội đi làm bác sĩ ở Angeria và Angola (nếu bố đi lúc đấy thì nhà mình sẽ có đầy tiền), nhưng bố đều từ chối vì cả hai lần đều sát đến kỳ thi vượt cấp quan trọng của con. Thôi thì vì trót giương cao ngọn cờ truyền thống học hành của gia đình mình, con phải cố nhịn những niềm vui khi được sống ở quê nhà để làm một người Mẹ cho tử tế. Đầu tư vào giáo dục là đầu tư có chiều sâu mà.
Nếu đất nước nào cũng phát triển giàu mạnh như nhau, thể chế chính trị xã hội đều ổn định như nhau, chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa đều tốt như nhau thì người Việt Nam cứ yên trí sống ở Việt Nam, người Châu Phi cứ nói cười nhảy múa thoải mái ở Châu Phi mà không bị kỳ thị, không phải vật vã chen chúc vào trật tự xã hội khép kín của phương Tây thế này. Nếu được thế chắc chẳng có ai muốn rời bỏ đất nước mình, làng quê bản quán của mình, gia đình thân yêu của mình để tha hương xứ khác đâu bố mẹ nhỉ.
Trong đêm Giao thừa cả nhà quây quần bên nhau nhớ uống hộ con và cháu một ly champagne thật đầy nhé. Năm nay con không về nhưng một ngày kia rất gần con sẽ về hẳn để lo một Tết này và nhiều nhiều cái Tết khác cho bố mẹ. Cố khỏe chờ con về, hai trái chuối 75 tuổi còn xanh nõn của con ơi! 

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

VÂN TIÊN NGỒI NÚP BỤI MÔN ...


Đào Hiếu

Truyện kể rằng ngày xưa có chàng thư sinh tên là Lục Vân Tiên, văn võ song toàn, trên đường ra kinh ứng thí chàng gặp bọn cướp Phong Lai đang uy hiếp một chiếc kiệu. Lúc ấy Lục Vân Tiên đi hai tay không nên chàng bèn bẻ cành cây làm vũ khí đánh đuổi bọn cướp, giải cứu người ngồi trong kiệu.

Vân Tiên ghé lại bên đàng
            Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô
            Kêu rằng bớ đảng hung đồ
            Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân

Sau đó:

Vân Tiên tả đột hữu xung
            Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dương

Khi bọn cướp tháo chạy, Vân Tiên đến gần chiếc kiệu thì mới biết người mình vừa cứu là một người đẹp tên Nguyệt Nga.

Giả sử lúc đó Vân Tiên sợ bọn cướp, hoặc vì “vô cảm” dửng dưng trước tội ác mà phớt lờ bỏ đi thì chẳng ai thèm đọc Lục Vân Tiên cả. Việt Nam mất một Nguyễn Đình Chiểu, mất luôn tác phẩm và nhân vật Lục Vân Tiên. Cũng may cả cụ Đồ Chiểu lẫn Lục Vân Tiên đều là người quân tử (mà ngày nay người ta quen gọi là “trí thức”) nên thần tượng Lục Vân Tiên mới được ngưỡng mộ đến bây giờ.

Tóm lại Vân Tiên là một người “trí thức thứ thiệt”. Cái điều làm nên một Lục Vân Tiên trí thức chính là thái độ “kiến nghĩa bất vi vô dõng dã, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng” (thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải là “dũng”, gặp cảnh nguy nan mà không cứu thì không phải là anh hùng.)

Vậy thì chúng ta có gì phải cãi cọ dài dòng về “trí thức”?

Nếu một người “văn võ song toàn” như Vân Tiên mà “kiến nghĩa bất vi” thì dù sau này anh ta có đỗ trạng nguyên cũng chỉ là một phường giá áo túi cơm mà thôi. Nếu như lúc ấy Vân Tiên thấy Nguyệt Nga “lâm nguy” mà anh ta lại “bất cứu” thì sau này gặp lại Nguyệt Nga cũng bị nàng nhổ vào mặt cho dù lúc ấy Vân Tiên đã đỗ tiến sĩ và làm quan lớn.

Những kẻ có chút học vị, chút thành công đã vội tự nhận mình là trí thức, tuyên bố vung vít, phủ dụ tùm lum nhưng họ quên rằng trí thức là danh hiệu rất cao quý, nó là sự kết hợp giữa hai ý niệm “học giả” và “anh hùng” vì vậy các anh chàng có chút học vị này nọ khoan hãy mơ mộng làm trí thức đã, mà hãy gắng sửa mình để làm người. Vì làm người cũng đã khó lắm rồi. Bởi vì nếu hôm ấy Lục Vân Tiên mà phớt lờ bỏ đi thì anh ta cũng không đáng mặt làm người, nói chi tới chuyện trí thức hay không trí thức.

Một thuộc tính rất quan trọng nữa của trí thức là biết xấu hổ. Đó là trường hợp của nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới Kevin Carter.

Kevin Carter (sinh:13.9.1960 – mất: 27.7.1994) phóng viên ảnh, công dân nước cộng hòa Nam Phi. Ông chụp bức ảnh con kền kền lẽo đẽo đi theo một bé gái da đen sắp chết đói để chờ em chết thì ăn thịt. Bức ảnh đó được chụp vào khoảng đầu tháng 3.1993 tại làng Ayod, miền Nam Sudan. Sau đó tờ The New York Times đã mua lại và công bố vào số báo ra ngày 26.3.1993. Ngày 12.4.1994 (tức hơn một năm sau khi ảnh được công bố) Carter được thông báo thắng giải Pulitzer.

Nhưng ngày 27.7.1994 Kevin Carter tự tử vì bị dư luận lên án đã không cứu em bé mà chỉ lo chụp hình rồi bỏ đi.

Kevin Carter đã tự sát vì biết xấu hổ. Nhưng với hành động tự sát này, anh thực sự là một người trí thức.

*

Còn một giả định cuối cùng về Lục Vân Tiên, tuy hơi “tiếu lâm” nhưng rất quan trọng, bởi vì ở Việt Nam hiện nay có vài kẻ tự nhận mình là trí thức đã rơi vào trường hợp giả định này. Đó là:

-Vân Tiên không xông vào cứu Nguyệt Nga, Vân Tiên cũng không phớt lờ bỏ đi, nhưng Vân Tiên lại “ngồi núp bụi môn” chờ cho bọn cướp Phong Lai lột sạch vòng vàng, nhẫn kim cương, bông tai hột xoàn, laptop, điện thoại di động…và “vui vẻ” với Nguyệt Nga xong, bỏ đi hết, thì chàng ta mới xuất hiện để “hưởng xái”. Hành động “núp bụi môn để chờ hưởng xái” này, giang hồ gọi là “cơ hội” và trong Blog Quê Choa của Nguyễn Quang Lập được mô tả qua một lời nhắn:

“Phát biểu của Châu, dù vô tình đi chăng nữa, sẽ làm cho đám trí thức trùm chăn được thể vênh vang, tiếp tục trùm chăn kĩ hơn nữa, trong khi vẫn có cớ để dè bĩu và chỉ điểm những trí thức chân chính.”

Đó là Nguyễn Quang Lập. Còn ở cái xứ Bình Định của tôi thì trong dân gian có lưu truyền câu ca dao tiếu lâm (chỉ để đùa chơi) về Lục Vân Tiên như sau:

Vân Tiên ngồi núp bụi môn
Chờ khi trăng lặn … Nguyệt Nga

Nghe hai câu ca dao hài hước này chắc chúng ta hết mơ được “phong hàm trí thức”. Có lẽ chúng ta nên cố gắng sửa mình để sống cho ra con người và đừng có “núp bụi môn, chờ khi trăng lặn” đã là quý lắm rồi. 

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

CÁCH PHÂN BIỆT VÀ THƯỞNG THỨC RƯỢU VANG




Vietnamplus


Tác dụng của rượu vang

            Rất hiếm người trên thế giới uống vang để được bảo vệ trước chứng nhồi máu cơ tim.

            Nhưng tại chủ đề: Dinh dưỡng cho sức khỏe, kênh truyền hình Mỹ CBS từ năm 1991 đã trích dẫn những kết quả từ các cuộc nghiên cứu những thực phẩm không tốt cho sức khỏe đối với đàn ông Pháp và so sánh với những nghiên cứu tương tự ở Mỹ.

            Kết quả nghiên cứu cho thấy, đàn ông Pháp hút thuốc nhiều hơn đàn ông Mỹ,chơi ít thể thao và dùng nhiều chất béo như bơ, pho-mát, thịt hun khói.

            Tuy nhiên, người Pháp uống vang đỏ vào bữa trưa, lượng vang tiêu thụ nhiều hơn 10 lần. Và những người mắc bệnh nhồi máu cơ tim ít hơn từ 30 đến 50%.

            Chất ta-nanh (là một loại axit) có tác dụng bảo vệ tim. Nó đẩy mạnh quá trình sản xuất protein HDL và làm giảm một lượng cholesterin nguy hiểm sản sinh từ protein LDL rất phổ biến.

            Ở những thực phẩm chứa nhiều chất béo chúng bám chặt lấy thành tim và ngăn ô-xy, cản trở dòng lưu thông máu, đến khi các cơ tim bị mệt. Vang đỏ với hàm lượng lớn chất tananh đã ngăn ngừa được quá trình này. Ngày nay các bác sỹ thường khuyên nên sử dụng mỗi ngày 2 li vang (0,1l)đối với phụ nữ và 3 ly đối với đàn ông.

            Thức nào rượu nấy

            Đối với đồ ăn và rượu vang, thì độ mạnh của vị giác phải bổ sung cho nhau. Bữa ăn càng nặng, thì vang cần mạnh và nặng. Bữa ăn càng nhẹ, thì vang cần nhẹ hơn và yếu hơn (tươi, trái cây và nồng độ cồn thấp).

            Thịt và nước sốt cũng quyết định loại rượu vang cần dùng. Nếu các món có thịt không dùng nước sốt, thì thịt sẽ quyết định cho việc chọn vang, nếu có nhiều hoặc không nhiều nước sốt lắm, thì nước sốt nhất định sẽ quyết định việc lựa chon rượu, chứ không phải thịt.

            Nguyên lý là: vang trắng dùng với loại thịt sáng màu, vang đỏ dùng với loại thịt tối màu. Về cơ bản thì nguyên lý này đúng, nhưng nhiều trường hợp cũng không thể áp dụng.

            Vang dùng đối với các món ngọt như món tráng miệng hoặc kem ngọt tốt nhất là loại vang ngọt cuối mùa (thường là loại vang nho muộn, ngọt, sâm banh nửa chát, rượu mùi ngọt).

            Những loại vang ngon và có giá trị hơn thường được xếp dùng thứ tự theo chất lượng. Những loại rượu chất lượng thấp hơn dùng trước những loại cao. Một chủ nhà sành ẩm thực không nên dùng sâm banh khi bắt đầu, mà luôn dùng khi kết thúc một bữa ăn vui vẻ. Có thể nói, đó là sự lên ngôi của bữa tối.

            Tương tự, nhiệt độ của rượu vang cũng ảnh hưởng đến mùi vị. Nếu vang có nhiệt độ quá thấp sẽ làm giảm cảm giác về thính và vị giác, nếu nhiệt độ quá cao sẽ lấy đi hết độ tinh khiết và làm người thưởng thức cảm thấy nhàm chán sau một vài ngụm. Khi ăn nhiều thực vật thì không nên uống vang cùng. Hãy thưởng thức vang vào những giờ phút có ý nghĩa.

            Một số mùi hương cần biết

            Những loại vang được sản xuất từ một vùng trồng nho sẽ có vị đặc trưng về độ thuần khiết của loại đó. Đặc biệt đối với vang trắng, đặc trưng về chủng loại là tiêu chí đánh giá chất lượng.

            Người Pháp đã gọi đây là trò chơi tập thể của vị trí, đất và khí hậu vì hương thơm đặc trưng của một loại sẽ thay đổi từ vùng trồng nho này đến vùng khác. Ngay cả khi vang được chiết xuất ở cùng một vùng trồng nho, thì nhiều loại vang cũng chỉ giống nhau chút ít.

            Vang trắng có các mùi hương đặc trưng sau:

- Chardonnay: Hương hạnh nhân, dưa bở, chanh, bưởi, chuối.
- Chenin Blanc: Hương táo, hạnh nhân, quít.
- Các hương liệu của gia vị: Hoa trà, nhãn, bồ đề, bánh mì.
- Gruener Veltiner: Hương ớt Đà Lạt, hạt tiêu.
- Pinot Blanc: Hương lê, trà.
- Pinot Gris: Khoai tây, bánh mỳ, hạnh nhân cháy, mỡ lợn muối.
- Riesling: Anh đào, mơ, dưa bở, xăng.
- Sauvignon Blanc: Ớt Đà Lạt, cà chua xanh, phúc bồn tử đen, dâu.
- Welschriesling: Táo, hương keo.

            Còn đối với vang đỏ thì hương vị đa dạng hơn rất nhiều do được làm từnhiều vùng trồng nho khác nhau. Vang Cabernet Chile, Sauvignon đặc trưng ở chỗlàm người ta nhớ đến một vị bạc hà hoặc bạch đàn - kẹo ngậm.

            Những người uống vang kinh nghiệm có thể nhận ra Cabernet ở đặc điểm này. Một Cabernet vùng Bodeaux không bao giờ có vị bạch đàn, thay vào đó là gỗ bá hương.

            Các mùi hương đặc trưng của vang đỏ là:

- Blauer Zweigelt: Nước đào, cẩm chướng.
- Blaufraenkisch: Ngũ da bì, Kon-fit-tuya anh đào, xạ hương, sôcôla đắng.
- Cabernet Franc: Dâu xanh, hạt tiêu xanh, nước ớt Đà Lạt, cỏ.
- Cabernet Sauvignon: Sơ ri, gỗ bá hương, tiêu Thuỵ Sỹ, cẩm chướng, bạchđàn.
- Merlot: Dâu, sơ ri, mận, xạ hương
- Pinot Noir: Ngũ da bì, mứt đào nhừ, mận, cẩm chướng.
- Pinotage: Anh đào chua, mận, chuối, tiêu, quế.
- Syrah (Shraz): Phúc bồn tử Thụy Sĩ, nấm củ, thịt, đồng thảo.
- Tempranillo: Dâu (quả mâm xôi), quất, gỗ đàn hương, xạ hương.
- Zinfandel: Phúc bồn tử Thụy Sĩ, nước mận, chuối, tiêu.

            Bạn biết gì về nút chai vang?

            Nhiệm vụ chính của nắp chai là đảm bảo tính nguyên bản của vang - thời cổ đại việc làm giả vang rất phổ biến. Ngoài ra nắp chai cũng làm giảm quá trình trao đổi giữa vang trong chai với môi trường bên ngoài. Cuối cùng nắp chai còn có thể bảo vệ rượu trước một sự phá hoại nguy hiểm: Mọt nút

            Nút bấc là gì?

            Nút bấc - là những tế bào đã chết của vỏ cây sồi chuyên dùng để làm nút bấc. Thành phần bên trong của tế bào là chất nitơ, còn vỏ tế bào là suberin. Suberin là một chất không thấm nước, chúng ngăn chất lỏng từ trong nút bấc chảy ra. Vì vậy chai được đóng bằng nút bấc rất thích hợp để làm chín muồi rượu vang. Ngoài ra nút bấc cũng có tính đàn hồi.

            Nút bấc tự nhiên

            Hầu hết các chai vang đều được đóng nút bấc tự nhiên. Vì nó được làm từ vỏ của sồi chuyên dùng làm nút bấc "Quercus suber", nên nó cũng là loại nútđắt nhất.

            Nút bấc được ép chặt vào trong cổ chai, rất bền, mùi trung tính và là một sản phẩm của tự nhiên – cũng như vang. Những lỗi nút bấc đa phần bắt nguồn từquá trình chế biến và bảo quản.

            Trên 50% nút bấc chai xuất xứ từ Bồ Đào Nha. Một số ít từ Sardinien, Nam Phi, Tây Ban Nha và Pháp. Tuy nhiên do ngành sản xuất rượu vang phát triển không ngừng nên vật liệu làm nút bấc đang ngày càng trở nên khan hiếm.

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

1 VÀ 99: KHOẢNG CÁCH CÓ ĐÁNG SỢ KHÔNG?








Lan Anh
Theo TBKTSG
 

 Những năm gần đây, khi đăng bài về tình hình kinh tế Việt Nam và để nhấn mạnh khoảng cách giàu nghèo đang ngày một lớn, báo chí phương Tây thích đưa hình ảnh những cửa hàng đồ hiệu sang trọng, thường là Louis Vuitton hoặc Chanel, đi kèm là hình ảnh một ông xe ôm nằm ngủ gật trên yên xe máy, hoặc một bà bán rong đội nón, gánh thúng lủi thủi đi ngang.

 Khi nhìn những hình ảnh này, tôi thường nhớ đến bài học chính trị năm lớp 10. Một thời chúng ta được dạy để tin vào sự bình đẳng trong xã hội, khi tất cả mọi người trong xã hội đều như nhau. Nhưng lịch sử dường như đã và đang diễn ra không theo bài học tôi được học. Việt Nam mở cửa với nền kinh tế thị trường, thay đổi chóng mặt trong vòng hơn 20 năm qua. Đi kèm với những đổi thay đó là khoảng cách ngày một lớn giữa các tầng lớp có thu nhập khác nhau trong xã hội. Điều đáng nói là, câu chuyện của Việt Nam cũng là câu chuyện chung của thế giới, của cả những nước lớn như Mỹ, Trung Quốc. Liệu khoảng cách giàu nghèo có phải là một mối đe dọa đến an ninh xã hội, hay là một hiện tượng hiển nhiên?

 Phong trào "Chiếm phố Wall" nở rộ ở các thành phố lớn của Mỹ kể từ hồi tháng 9-2011 được coi như là một "cuộc chiến giai cấp" đang nổ ra trong lòng xã hội Mỹ. "99% chúng ta" - tức là đa số dân cư trong xã hội, chống lại "1% chúng nó", những người có thu nhập cao nhất xã hội, được cho là nắm đa số tài sản xã hội trong khi phần đông còn lại không có gì. Những người biểu tình tự cho là đại diện cho 99% không có yêu sách gì cụ thể, nhưng thành công thấy rõ của họ là bày tỏ được nỗi bất bình đang ngày càng tăng lên trong xã hội Mỹ, vào thời điểm nền kinh tế sa sút, khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp cao, nhiều gia đình nợ nần chồng chất.

 Mặc dù vậy, 1 và 99 có thể là những con số mang tính ước lệ để gây ấn tượng hơn là chính xác. Không có những thống kê chính xác để chứng minh rằng 1% dân số là những người giàu nhất ở Mỹ đang nắm 99% của cải trong xã hội. Theo một kết quả điều tra về giới giàu có của nước Mỹ do Harrison Group và American Express Publishing công bố, những người giàu nhất ở Mỹ được xác định là có khoảng 668.000 hộ gia đình, chiếm 0,6% dân số, với thu nhập trung bình trên 950.000 đô la/năm và tài sản trung bình khoảng 4,5 triệu đô la. Còn theo danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ do tạp chí Forbes bình chọn, người giàu nhất là Bill Gates với 59 tỉ đô la, và người "nghèo" nhất danh sách này có tài sản trên 1 tỉ đô la. Bốn trăm người giàu nhất Mỹ này chiếm tỷ lệ rất nhỏ - 0,0000013% trong tổng dân số Mỹ.

 Chưa biết chắc "1% chúng nó" có nắm hết 99% tài sản hay không, nhưng nhìn cách họ tiêu xài là "99% chúng mình" thấy bực mình rồi. Doanh số bán các loại xe đắt tiền như Rolls-Royce, Bentley, Lamborghini, Porsche và Maybach trên toàn thế giới có giảm một chút vào năm 2007 nhưng từ đó đến nay liên tục tăng. Tình hình kinh tế tuy có khó khăn sa sút, nhưng chi tiêu của giới giàu có không hề sụt giảm. Theo một nghiên cứu thị trường của Bain & Company và hiệp hội hàng xa xỉ Ý Fondazione Altagamma, trong năm 2010, doanh số bán hàng xa xỉ ở Mỹ tăng 12%, ở châu Âu tăng 6%, châu Á tăng 22% và Trung Quốc tăng 30%.

 Nói đến khoảng cách bất bình đẳng trong xã hội, Trung Quốc có thể coi là một trong những quốc gia có khoảng cách giàu nghèo lớn. Tốc độ phát triển kinh tế đáng kinh ngạc ở quốc gia này trong thời gian qua đã đi kèm với sự trỗi dậy của giới tư bản tư nhân. Khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc được cho là cao hơn cả Mỹ, với chỉ số bất bình đẳng ở mức 0,47 (mức 0 là hoàn toàn bình đẳng, và mức 1 là cực kỳ bất bình đẳng). Khoảng 50,3% dân số Trung Quốc (khoảng 674 triệu người) sống ở khu vực nông thôn, có thu nhập trung bình trong năm 2010 ở mức 898 đô la/người, chưa bằng một phần ba mức thu nhập trung bình của người sống ở khu vực thành thị (2.900 đô la/người).

 Tổng số người thuộc diện chính sách nghèo đói ở Trung Quốc hiện vào khoảng 128 triệu người, tức là khoảng trên 13% dân số nước này. Cùng lúc, Trung Quốc là nơi có nhiều người giàu mới nhất thế giới. Tuy tổng số tỉ phú ở nước này ở mức 115 người năm 2011, còn thấp hơn nước Mỹ, nhưng Trung Quốc lại có nhiều tỉ phú mới nhất, 54 tỉ phú "mới ra lò" trong năm ngoái, theo danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes. Như đã dẫn các số liệu ở trên, Trung Quốc hiện là thị trường hấp dẫn nhất đối với các công ty hàng xa xỉ vì những nhà giàu mới nổi không ngại chi tiêu, hưởng thụ những gì được coi là tốt nhất, đắt nhất.

 Ở Việt Nam, câu chuyện phổ biến nhất cho khoảng cách này có lẽ vẫn còn là chuyện về tô phở bò có giá gần 1 triệu đồng ở Hà Nội, gây xôn xao dư luận hồi đầu năm 2011. Một triệu đồng, hay 50 đô la, có thể không phải là một khoản chi tiêu lớn với nhiều người, nhưng đã bằng nửa tháng lương tối thiểu của một công nhân may ở Bình Dương. Câu chuyện được kể vào thời "bão giá" khi những người thu nhập thấp phải vật lộn với giá cả leo thang gây ra nhiều tâm trạng bất bình trong xã hội. Nhưng cùng lúc, báo chí "lá cải" với nhan nhản các tin tức về đại gia đi xe "khủng", người đẹp chân dài xài đồ hiệu... dường như đã giúp cho công chúng làm quen và chấp nhập cái khoảng cách đang ngày càng gia tăng ấy. Cô diễn viên Lý Nhã Kỳ không ngần ngại khoe chiếc váy Alexandra McQueen giá 40.000 đô la, một điều cũng trở nên bình thường như một người bán hàng rong đi qua cửa tiệm Louis Vuitton, biết hay không biết chiếc túi treo trong tiệm có thể trị giá bằng thu nhập cả sự nghiệp bán hàng rong của mình. Giàu nghèo là chuyện của muôn đời. Tại sao cái khoảng cách đang tăng lên ấy phải khiến chúng ta suy nghĩ?

 Kinh tế thị trường đi kèm với cơ hội kinh tế cho mọi người, trong đó sẽ có người thành công và có người không. Sẽ có những người làm ông chủ, và có người làm nghề phục vụ. Điều đáng quan tâm, không phải là có một khoảng cách tồn tại giữa những tầng lớp thu nhập khác nhau, mà là khoảng cách ấy được tạo ra như thế nào, và liệu thể chế xã hội có đảm bảo được sự phát triển cân bằng không, khi sự bất bình đẳng trở nên quá lớn? Steve Jobs, khi còn sống, nằm trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ, và xứng đáng như vậy với tầm nhìn và những sản phẩm ông đã tạo ra cho thế giới. Thế nhưng có phải người giàu có nào ở Việt Nam cũng có thể tự nhận là xứng đáng với tài sản mà họ có được không? Rằng trong quá trình tích lũy tài sản, họ đã tạo ra được giá trị mới cho xã hội? Rằng họ đã chia sẻ lại cho xã hội một phần những gì họ giành được?

 Ý tưởng về một xã hội hoàn toàn bình đẳng trong bài học lớp 10 dường như còn xa xôi. Nhưng khi chứng kiến đám đông những người biểu tình "Chiếm phố Wall" ở Mỹ, ít nhất người viết bài này thấy một mong muốn chung: mong muốn một xã hội mà ai cũng có cơ hội bình đẳng để vươn lên.


Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

THÁCH THỨC NGOÀI ĐỜI, THÁCH THỨC TRONG SÂN



Phan Hồng giang
vietstudies

(không chỉ là bóng đá ...)
Trong đời mỗi người cũng như trong lịch sử mỗi dân tộc dường như lúc nào cũng dễ gặp những trắc trở, những chướng ngại vật bất ngờ hiện ra với lời thách đố: Phải vượt qua chúng, nếu như còn muốn vươn lên về đích.

Trong lịch sử nước nhà, kể từ khi các vua Hùng và con cháu khởi nghiệp dựng nước ở châu thổ sông Hồng, dân tộc ta đã đối diện với mối hiểm họa ngoại xâm từ người láng giềng khổng lồ phương Bắc. Rồi để tồn tại, không thể không khắc chế bão lũ thiên tai mùa hạ, giá lạnh rét mướt mùa đông... Gần ngàn năm Bắc thuộc như chỉ càng tô đậm thêm "phong tục Bắc Nam cũng khác"; và chúng ta vẫn là "Việt Nam" - nghĩa là "vượt về phía Nam" men theo bờ Biển Đông, dọc theo dãy Trường Sơn mà lớn mạnh thêm, mà mở rộng thêm bờ cõi...

Trong cuộc đấu tranh kéo dài hàng ngàn năm ấy hầu như chúng ta luôn bị đặt vào "cửa dưới": ta đất hẹp, họ rộng mênh mông; ta người ít, họ "đông như quân Nguyên"; ta nghèo cái ăn và vũ khí, họ dư thừa của cải và khí tài... Thế rồi, kỳ lạ thay, cái kết cục "châu chấu đá xe" ấy lại là: "tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng"! Bạch Đằng giang mấy lần cuộn sóng, sông Như Nguyệt còn lưu dấu tích oai hùng, Chương Dương Độ, Hàm Tử Quan, Chi Lăng, Ngọc Hồi, Đống Đa, Điện Biên Phủ dưới đất và trên không..., khó kể hết những địa danh rạng rỡ chiến công.

"Lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều" - điều gì đã làm nên chiến thắng? Ấy là sức mạnh của chính nghĩa, thuận "lẽ Trời", "lấy chí nhân mà thay cường bạo". Là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trên dưới một lòng. Là biết địch biết ta, lấy thủy khắc hỏa, lấy chậm đối với nhanh, tránh chỗ mạnh nhằm chỗ yếu, dùng mưu không dùng sức, bảo toàn lực lượng, chắc thắng mới ra đòn... Bài học lịch sử nói gọn lại thì có vẻ đơn giản nhưng thực tế thì thật là cao diệu, đòi hỏi sự sáng tạo biết bao nhiêu! Đó là điều chẳng mấy xa lạ với mỗi người dân chúng ta...


... Ngày xuân, hoa lại nở, cái lạnh dần qua, không muốn triền miên trong những điều to tát; từ chuyện nghiêm túc xa xưa lại muốn ghé sang chuyện ... bóng đá tầm phào. Thế rồi hóa ra trong trò chơi có vẻ như vô thưởng vô phạt này vẫn có thể tìm thấy những điều ... to tát.

Hai đội với 22 chàng trai quần đùi áo số ra sân, mỗi đội 11 người, sau tiếng còi của vị vua áo đen, bắt đầu lao vào cuộc tranh giành một quả bóng da duy nhất, cốt sao đưa được bóng vào khung thành đối phương. Cuộc đấu không khoan nhượng, bên nào cũng cố đè bẹp sự kháng cự của đối thủ, cố đưa được bóng vào lưới đối phương nhiều hơn ít nhất một lần. Cuộc đấu trên sân cỏ đã gợi nhớ đến một cuộc đối đầu ngoài chiến trận...

Và cũng như trong một cuộc chiến tranh, không phải cứ theo những tiêu chí định lượng bên ngoài mà "mạnh được, yếu thua". Không phải đội nào danh tiếng nổi như cồn, có nhiều cầu thủ cao to, lực lưỡng, sút khỏe, kỹ thuật cao cường, chạy nhanh, bền sức, hừng hực khí thế đánh nhanh thắng nhanh như muốn "ăn tươi nuốt sống" đối thủ... thì hễ vào sân là đương nhiên giành chiến thắng. Dự đoán đội nào giành thắng lợi chung cuộc là việc làm đầy rủi ro của các nhà cái . Bất ngờ là thuộc tính của bóng đá; nếu trận bóng nào cũng có thể biết trước kết quả thì bóng đá đã mất hết sự hấp dẫn y như là hậu quả của nạn "đi đêm", dàn xếp tỷ số.

Ký ức bóng đá không thiếu những cuộc đụng độ "châu chấu đá xe" như trong lịch sử chiến tranh đã nhắc ở trên. Hơn 60 năm về trước, tại World Cup đầu tiên sau Thế chiến lần II tổ chức tại Brazil, đội của nước chủ nhà - một siêu cường bóng đá - tưởng đã chắc chắn lên ngôi vô địch khi đã thắng như chẻ tre để nghênh tiếp "nạn nhân" cuối cùng là đội bóng đại diện cho nước láng giềng Uruguay đất nhỏ người thưa. Thế rồi hàng chục vạn khán giả của sân Marakana khổng lồ ở xứ sở lấy "túc cầu giáo" làm "quốc giáo" ấy đã phải ủ rũ lũ lượt bước theo sau vị Tổng thống nước mình cúi đầu đi bộ rời sân tiếp tục gậm nhấm nỗi đau bại trận 1-2 trước người hàng xóm tý hon!

Bốn năm sau sự kiện bất ngờ ấy, năm 1954 tại Thụy Sĩ, thế giới lại một lần nữa sửng sốt trước thất bại không tưởng của đội tuyển Hungary, đội tuyển tưởng chừng như vô đối, từng làm mưa làm gió mấy năm liền trên sân cỏ châu Âu trước đó. Ở trận chung kết, Hungary đã nhận phần thua đau đớn trước đội tuyển CHLB Đức, đội mà chỉ ít ngày trước, họ đã đè bẹp với tỷ số 8-3 ở vòng đấu bảng!

Gần đây hơn, tại Euro Cup 1992, lên ngôi vô địch là đội Đan Mạch, đội bóng "lót đường" phút chót được lọt vào vòng chung kết bằng vé vớt - với tư cách thay thế đội Nam Tư bị gạt bỏ vì lý do chính trị mà Phương Tây áp đặt.

Hàn Quốc, tại World Cup 2002, cũng đã khiến người hâm mộ hởi lòng hởi dạ khi lần đầu tiên là đội bóng châu Á - "vùng trũng" trên bản đồ bóng đá thế giới xưa nay - bỏ lại đằng sau những cường quốc bóng đá như Italia, Tây Ban Nha để chiếm vị trí thứ tư không kém phần danh giá.

Euro Cup 2004 chứng kiến một sự kiện còn bất ngờ hơn: vượt qua các đại gia của làng túc cầu châu Âu, đất nước nhỏ bé Hy Lạp đã đàng hoàng chiếm vị trí quán quân với lối chơi kiên trì, nhẫn nhịn, chậm chắc, biết chớp thời cơ - một chiến thắng mang đậm dấu ấn của nhà cầm quân lão luyện người Đức - "Thánh" Otto Rehhagen.

Năm 2010, đội FC Barcelona hùng mạnh, dù kiểm soát bóng tới 70% thời gian trong trận bán kết với Inter Milan của "người đặc biệt" Jose Mourinho, cuối cùng vẫn bị đội này loại, đành ngậm ngùi nhìn địch thủ vào chung kết và xứng đáng đoạt Cúp vô địch sau đó trước "Hùm xám" Bayern Munich.

Đội tuyển Việt Nam chúng ta, dù chưa bao giờ không là "thấp bé nhẹ cân", cũng đã nhiều lần gây bất ngờ trước các đối thủ mạnh. Năm 2006, họ từng hạ đo ván "đệ tứ anh hào" Hàn Quốc trong một trận đấu ở Tây Á khiến huấn luận viên đội này bị sa thải. Năm sau, họ hiên ngang lọt vào số tám đội mạnh nhất Giải vô địch châu Á. Năm 2008, họ thắng "ông kẹ" Thái Lan sau 2 lượt trận để đoạt chức vô địch Đông Nam Á - Cup Suzuki lần đầu tiên sau 50 năm!

Có một điểm chung trong tất cả các chiến thắng kể trên: Đội được coi là yếu hơn đã giành phần thắng trước các đội được đánh giá là mạnh hơn. (Tất nhiên sẽ là thú vị hơn rất nhiều nếu ta được coi là đội mạnh, là "cửa trên" và... chiến thắng. Nhưng đó còn là chuyện ở thì... tương lai, không dễ gì sớm đạt tới, nếu trước hết không biết vượt qua chính mình!).

Những đội được cho là yếu hơn ấy - và trên thực tế, nhìn tổng thể trong một thời gian đủ dài, họ cũng quả thật là yếu hơn - tại sao cuối cùng vẫn có thể giành thắng lợi?

Ấy là do, trước khi vào trận, họ không hề đánh mất sự tự tin vào sức mạnh đoàn kết của toàn đội; tất cả kết thành một khối sẵn sàng đứng vững trước mọi thử thách. Chấp nhận vị thế "cửa dưới", tuân thủ nghiêm ngặt sự chỉ đạo của huấn luyện viên, họ kiên nhẫn chịu trận, tổ chức chủ động phòng thủ tầng tầng lớp lớp, pressing áp sát đối thủ trên 2/3 phần sân nhà như kè đá tảng liên tục làm dội ngược trở ra mọi đợt sóng tấn công, làm phá sản chiến thuật "đá nhanh, thắng nhanh" của đối thủ, khiến "quân địch" phải nản lòng. Phòng thủ chặt mà không quên ra đòn "hồi mã thương", khi đối phương ỷ thế mạnh rất dễ rơi vào mất cảnh giác. Đòn phản công chớp nhoáng đó là tuyệt chiêu khiến "kẻ yếu" được ca khúc khải hoàn vào lúc không ai ngờ nhất.

Quả là "biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng"! Chủ động đón nhận thách thức, không ngủ quên trên vinh quang quá khứ, thấy và biết sửa cái dở của mình, - bằng tinh thần đoàn kết khoan hòa, bằng mưu trí và lòng kiên trì, bằng khát vọng sánh vai cùng thiên hạ, chúng ta có thể đi tới thành công.

Đó chắc không phải chỉ là những lời suông rỗng.

Đó chính là khả năng thích nghi với hoàn cảnh nghiệt ngã, tìm đúng cách khả dĩ biến thách thức thành cơ hội để có thể đạt tới cái đích hằng mong ước.

Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012

VĂN HÓA ĐỌC





Nguyễn Lệ Uyên


Không phải ngẫu nhiên mà người xưa đã nâng sự đọc (sách) lên hàng nghệ thuật, ngang tầm với cầm-kỳ-thi-hoạ, và có câu để đời rằng: “một ngày mà không đọc một trang sách, khi mở miệng ra, nói lắm câu khó nghe”. Có lẽ vì vậy mà các bậc thức giả ngày trước, mỗi khi đọc sách đều tắm gội sạch sẽ, mặc áo dài, khăn xếp; xông trầm trước khi ngồi vào án thư mở quyển. Cốt cách nho phong ấy còn lưu giữ lại ở một số đông các học giả, nhà thơ mà gần đây nhất là thi sĩ Đông Hồ. Khi còn là giáo sư thỉnh giảng ở trường Văn Khoa, mỗi khi lên giảng đường giảng dạy cho đám môn sinh, ông đều xông trầm. Khói hương phảng phất như cuốn như bay theo những câu đường thi cổ kính, khiến hàng trăm môn sinh lặng phắc lắng nghe từng câu, từng từ như thể được uống ly “bồ đào mỹ tửu”  đến ngây ngất.

 Tự mình đọc rồi suy gẫm nghĩa lý trong sách là cái thú; được các học giả, nhà văn, nhà thơ đưa ra những chủ kiến cá nhân, khiến người nghe cảm thấy thú vị khi đối chiếu với những suy nghĩ của mình (về một trích đoạn hay nguyên một tác phẩm), lại càng thấy như ta đang bước vào rừng văn, bể sách để khám phá những điều mới lạ hơn.

 Đọc sách, nói thơ cũng đã được nhà văn Nguyễn Tuân tái hiện một cách tài hoa qua các truyện Đánh Thơ, Thả Thơ trong tập tuỳ bút Vang Bóng Một Thời. Những nhân vật cụ Nghè Móm, cô Tú, những Mộng Liên, Mộng Huyền, Mộng Thu, ông Kinh Lịch … mỗi khi đọc lại, lắng nghe hành động và ngôn ngữ của họ, ta có cảm giác như được sống lại không khí thuở xa xưa, thấy thấp thoáng đâu đó những Thất Hiền, Bát Tiên trên các bình, bát sứ cổ.

 Ở phương Tây, con người thực tế hơn, họ không đi tìm kiếm cái xưa cũ như kiểu “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo” mà nói ngay, đọc ngay những cái hiện có. Vì vậy họ lập ra những salons littéraires để được nghe đọc rồi xúm xít lại cùng nhau bình một tác phẩm văn chương. Nhưng khổ thay, những salons này không được quảng đại quần chúng cho lắm, nó chỉ dành riêng cho giới quý tộc, những bà mệnh phụ phu nhân cho nên chỉ rầm rộ trong khoảng thế kỷ XIX và đầu XX rồi ngỏm.

 Tại Việt Nam, hình thức đọc và nghe không phát triển ồn ào, không có những salons, giới thượng lưu chẳng mấy mặn mòi; ngược lại đám trung lưu và bình dân thì có vẻ hào phóng với thời gian với sách vở. Họ đọc được tác phẩm hay, bèn kéo vài thân hữu ngồi bên chén trà bình luận, cốt để thoả mãn tính chủ quan và khách quan mỗi khi đưa ra những nhận định cá nhân về nhân vật, về tác phẩm, tìm kiếm cái đẹp trong thế giới văn chương, để tâm hồn dịu lại. Dịu lại để điều chỉnh, tu dưỡng đạo đức, nhân cách con người.

Không nói đâu xa, chỉ từ khoảng năm 1986 trở về trước, khó khăn là thế, cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm, hiếm hoi lắm mới với được chai bia nhỏ đã là điều sang trọng, vậy mà sách in ra cung không đủ cầu. Mỗi đầu sách lúc đó in đâu chỉ lèo tèo 500 hay 1.000 bản như thời bây giờ mà có đến hàng ngàn, hàng vạn! Xoay qua trở lại không kịp tới hiệu sách Nhân Dân vèo một cái hết ngay. Vậy là có “chiến dịch” đi mượn sách của bạn rồi giữ làm của riêng, của gia bảo! Bạn có hỏi bảo quên, có khi chối leo lẻo “mượn hồi nào?” (chỉ vì đó là quyển sách quý)!  Hỏi mượn là điều chính đáng, nhưng cũng có nhiều vị không cần hỏi mượn, chờ chủ nhân lơ đãng là vội vàng cầm sách bỏ vào trong áo. Hành vi ấy, xét cho cùng chẳng có gì là xấu, bỡi nhu cầu đọc của con người quá lớn mà túi tiền thì có hạn!

 Nay thì văn hoá đọc gần như bị triệt tiêu phần lớn. Cơ sở để đưa ra nhận xét này, trước hết là nhìn vào số lượng in, được ghi cụ thể ở trang bên dưới và sau cùng của quyển sách: nhiều nhất 2.000 bản, trung bình 1.000, còn loại 500 bản thì chiếm số đông. Sách tái bản hoạ hoằn lắm mới có vài cuốn mà ta quen gọi là best seller. Sao vậy nhỉ? Đâu còn khó khăn như cách đây trên 20 năm? Hay tại sách không hay, giá bìa cao so với thu nhập bình quân? Không phải! Chắc là có một nguyên nhân sâu xa nào đó mà ta chưa lý giải được, đến nỗi các phương tiện truyền thông đại chúng đồng loạt gào lên rằng: “văn hoá đọc đã bị xoá sổ rồi”. Một lời than não nuột! Cũng phải thôi. Cứ nhìn cách học sinh ngày nay học văn rồi làm văn thì thấy rõ ngay. Nhân vật Kiều của cụ Nguyễn Du được các sĩ tử bình như thế này: “Kiều là người phụ nữ có nhan sắc mặn mà, có đức tính chung thuỷ của người phụ nữ Việt Nam. Nàng đã thủ tiết thờ chồng. Sau khi Từ Hải bị giặc bắt đưa xuống tàu đày đi Côn Đảo, nàng ở vậy nuôi con…”, đúng là thế hệ bây giờ chẳng còn biết Kiều là ai, Nguyễn Du là ai qua lời tự thán tiền định của chính cụ “bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”. Chưa đến 200 năm ngày cụ mất (1820) mà những người đang học cụ đã quên phéng nói chi đến 300 năm thì tác phẩm truyện Kiều sẽ được nhớ lan man thành truyện Vân Kiều, tên cụ sẽ là Nguyễn Văn Du hay thị Du gì gì nữa không chừng!

 Điều này cũng chẳng trách các em, bỡi có một giáo sư văn học hẳn hoi giải thích câu thơ của Thôi Hộ (trong sách văn học lớp 11, nxb Giáo Dục năm 1993): đào hoa y cựu tiếu đông phong = cánh hoa đào từ năm ngoái đã khô trên cành đến nay vẫn còn treo lủng lẳng, cười với gió đông!? (nguyên văn bài thơ: Khứ niên kim nhật thử môn trung/Nhân diện đào hoa tương ánh hồng/Nhân diện bất tri hà xứ khứ/Đào hoa y cựu tiếu đông phong). Chữ xưa, tích xưa mà giải thích như vậy thì nay, trách chi các em học sinh kêu Lão Tử = chết già, Tử Lộ = chết ngoài đường, Tử Cống = chết dưới cống dưới lù, Trang Tử = người chết thờ trên trang… cũng không sai. Hay như câu  Chiều chiều ra đứng lầu tây/ Thấy cô gánh nước tưới cây ngô đồng rất có thể sẽ được giải thích rằng: gánh nước tưới cây ngô đồng = gánh nước tưới cây ngô (cây bắp) ngoài đồng ruộng!?

 Cứ theo đà này, thì hai câu: Ngô đồng nhất diệp lạc/ Thiên hạ cộng tri thu sẽ được giải nghĩa là: ngô đồng = bắp ngoài đồng ruộng / nhất diệp lạc = có được dịp vui mừng / thiên hạ cộng = nhiều người họp lại (hợp tác xã) / tri thu = biết trước sẽ được bội thu. Rồi sẽ cao hứng dịch thành thơ: Vui mừng ruộng bắp trỗ bông/ Phen này hợp tác ắt là bội thu.  Hay như cuối đời Trần, Hồ Quý Ly khi lên ngôi đã đổi quốc hiệu là Đại Ngu mà  lại đi giải thích là ngu lớn, ngu to, ngu quá là ngu thì chỉ còn có nước kêu trời.

 Mới đây, trên Văn Nghệ Phú Yên số xuân Đinh Hợi có bài thơ Ngọn Cỏ Tịch Điền của nhà thơ Trần Huiền Ân, bài thơ không có gì làm xuất sắc, chỉ gửi gắm tâm sự của chính mình qua hình ảnh con trâu già, cũng đồng thời là tuổi thất thập Đinh Sửu của ông nhưng do có từ tịch điền, lại có thêm con trâu già chân què… thì có người giải thích ngọn cỏ tịch điền =  ngọn cỏ trên cánh đồng chết thì quả là oan cho vua Nghiêu vua Thuấn của Trung Quốc và triều Trần, Lê cũng như vua Minh Mạng ở Việt Nam sau này, là những triều đại, những ông vua khuyến dân chăm lo việc cày cấy để bảo đảm đời sống no ấm, quốc gia thịnh trị, và sau đó trở thành điển tích: “Tịch Điền là thửa ruộng vua tự thân, đốc xuất việc cày cấy để lấy thóc mà cúng tế. Thường đầu năm, vua dự cuộc cày cấy đầu tiên trên thửa ruộng của vua, gọi là tịch điền. Hán thơ có câu: “Khai tịch điền, trẫm thân xuất canh” (khai ruộng tịch điền, trẫm thân chinh đốc xuất việc cày cấy). Trong Đại Nam Quốc Sử có câu: “Ban hành luật canh tịch điền”  (GS. Trịnh Vân Thanh, Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Từ Điển, trg 1224, Nam Chi Tùng Thư 1965). Rồi ở Việt Nam, thời Lê trung hưng có đặt ra phép Tĩnh điền là thửa ruộng chung, tức ngoài phần ruộng của mỗi cá nhân tự canh tác, ở chính giữa có một phần ruộng chung mà mọi người dân trong làng đều phải góp công sức cày cấy, chăm sóc. Hoa lợi trên phần ruộng này sẽ được dùng vào việc tế tự hàng năm của làng đó. Vậy nhưng nếu không hiểu về phong tục tập quán, lễ hội cổ truyền của tổ tiên ngày xưa, ắt sẽ giải thích bừa bãi Tĩnh điền =  thửa ruộng bỏ hoang!?

 Đọc sách là món ăn tinh thần bổ ích, giúp cho con người củng cố tri thức, thu lượm những tinh hoa văn hoá, KHKT…của nhân loại Đọc sách là việc làm không thừa. Vậy nhưng sau khi học, đọc xong hiểu nó như thế nào cho đúng mới là điều đáng quan tâm. Bỡi có những người lấy cái sở học của mình để lý giải nghĩa lý ở đời để tự răn mình và làm đẹp cho đời là điều đáng trân trọng, nhưng cũng không ít kẻ có cái sở học lam nham, cụt đầu dài mõm chỉ mới vơ vội mấy chữ bé tí đã vội lên gân, lên cốt nắn gân thiên hạ, không ngờ chỉ tổ làm trẹo mồm chính mình mà thôi. Nói như học giả Nguyễn Hiến Lê :Sách là tinh hoa, tinh túy của nhân loại… Đọc đẻ bổ khuyết những chỗ hổng trong kiến thức của mình. Nhưng sách viết một đằng, người đọc hiểu một nẻo rồi nhân đó mà tán rộng ra, suy diễn lung tung, rồi vội vã lên án, đả kích thì thật khổ thân cho tác giả đã mang nặng đẻ đau ra nó đã đành mà có vẻ như còn báng bổ cái bản sắc văn hoá dân tộc nữa là khác. Bước vào hầu hết các thư viện, không ai là không nhìn thấy câu đại tự treo trên cao, trong  phòng đọc Học, học nữa, học mãi của V.I. Lenin.

 Ôi, sao cái văn hoá đọc ngày nay nó xập xềnh làm vậy?


Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

NGÀY XUÂN, LẠI NÓI CHUYỆN THÁNG GIÊNG



Phạm Cao Dương
Vietthuc

Nói chuyện tháng Giêng là đề tài tôi viết để gửi đăng trên một số các báo xuân ở hải ngoại cách đây nhiều năm. Câu chuyện xoay quanh một số các từ ngữ từ sau năm 1975, vì lý do này hay lý do khác, hầu như không còn được dùng nữa. Người ta, đặc biệt là một số các xướng ngôn viên của các đài phát thanh, đã dùng những từ ngữ khác để thay thế. Trong số đó có từ ngữ tháng Giêng, từ ngữ dùng để gọi tháng đầu tiên của một năm. Thay vì gọi hay đọc tháng này là tháng Giêng, người ta gọi hay đọc nó là tháng Một. Lý do có lẽ là vì khi viết người ta dùng số 1 cho tiện dụng . Từ đó, tháng Chạp trở thành tháng Mười Hai, viết bằng số 12, và tháng Một tất nhiên không còn là tháng Mười Một nữa. Nhớ lại bài học thuộc lòng mà tôi có dịp học hồi còn nhỏ trong đó có các câu:

Tháng Giêng ăn tết ở nhà…
  Tháng một, tháng chạp nên công hoàn toàn.

mà thỉnh thoảng tôi vẫn thấy các thầy cô ở các trường Việt ngữ hiện tại thường nhắc tới, tôi không khỏi bùi ngùi khi thấy một chuyện bình thường người ta không nên để xảy ra, vẫn xảy ra. Đây không phải là chuyện bảo thủ hay không bảo thủ dù là chuyện liên hệ tới ngôn ngữ, mà ngôn ngữ vốn có tính chất qui ước và luôn thay đổi. Có điều qui ước hay không qui ước, thay đổi hay không thay đổi, người nói vẫn không thể vì lý do gì đi chăng nữa làm mất đi tính cách chính xác và phong phú của ngôn ngũ mình sử dụng. Một thí dụ điển hình là người Mỹ nói riêng, và dân của những nước nói tiếng Anh, nói chung, cũng ở vào trường hợp tương tự nhưng họ đã không làm như vậy. Khi viết để cho tiện họ và không chính thức họ vẫn dùng các con số 1 cho tháng Giêng, 2 cho tháng Hai … liên tục cho đến số 12 cho tháng Chạp trong cách ghi ngày tháng của họ. Nhưng khi phải ghi một cách đầy đủ một cách hình thức và tránh nhầm lẫn họ vẫn viết rõ là January, February … December. Còn khi nói, khi đọc, chính thức hay không chính thức, họ luôn luôn dùng các tiếng này chứ không bao giờ dùng các con số thay thế.

Thoáng đó, nhiều năm đã trôi qua. Vì bận rộn với cuộc sống thường ngày, tôi không có dịp theo dõi chuyện này và bây giờ, khi viết bài này, chúng ta đang ở tháng Giêng của năm mới tây nhưng tháng Giêng của năm mới ta thì chưa tới, nên tôi chưa thể nói là bà con ta hiện tại có còn cái tật sử dụng tiếng Việt một cách bừa bài, cẩu thả như vậy nữa không. Nói như vậy vì nói tới tháng Giêng tây nhiều người đã dùng chữ Một, tháng Một và tôi hy vọng các vị này dành hai chữ tháng Giêng cho tháng đầu năm âm lịch. Tuy nhiên nhiều vị khác cũng cảnh cáo tôi là đừng lạc quan hão, đồng thời thỉnh thoảng tôi cũng thấy có người đề cập đến vấn đề này như nói đến một nỗi buồn tiếng Việt. Sự trong sáng và phong phú của ngôn ngữ của chúng ta dường như mỗi ngày một bị thui chột trước cuộc sống mới nặng về thực tế và lúc nào cũng tất bật, vội vã. Người ta đã nại đủ cớ, kể cả ngang ngược tự cho mình là đúng để muốn nói sao thì nói, muốn viết sao thì viết không theo một nguyên tắc nào cả, nhất là khi mọi người, vì lý do này hay lý do khác, kể cả lười biếng, thiếu suy nghĩ, dễ dãi chạy theo thời thượng hay để phá bỏ những gì thuộc một thời xưa cũ.

Bây giờ nói tới chuyện mới. Gọi là mới, nhưng thực sự thì chuyện này đã xảy ra từ hơn mười năm trước. Hồi đó là năm 1995, hai mươi năm sau khi chế độ cộng hòa ở Miền Nam không còn nữa. Để tưởng nhớ tới biến cố quan trọng nhưng vô cùng phức tạp đối với dân tộc Việt Nam này, đài BBC của người Anh, một dân tộc nổi tiếng là lạnh lùng và thực tế, khác hẳn với người Pháp, đã phỏng vấn một số người Việt về sự khác biệt trong cuộc sống của người Việt Nam ở hai miền Nam, Bắc sau hai chục năm thống nhất đầy bi thương này. Một trong số những người được phỏng vấn là Giáo Sư Sử Học Trần Quốc Vượng thuộc trường Đại Học Quốc Gia Hà Nội. Tôi không nhớ rõ là để trả lời câu hỏi nào Giáo Sư Vượng đã có dịp đưa ra nhận xét của mình khi đề cập tới tiếng Việt ở Miền Nam. Đại khái câu nói của ông là ông và nhà văn Nguyễn Tuân, một nhà văn rất nổi tiếng trong thời tiền chiến với lối viết tùy bút vô cùng ý nhị, vô cùng bóng bẩy, nặng tính chất hoài cổ của ông, rất lấy làm đắc ý về một câu nói của đồng bào Miền Nam là “vậy mà không phải vậy”. Phát biểu thế thôi, Giáo Sư Vượng đã không giải thích thêm. Người nghe muốn hiểu sao thì hiểu và áp dụng vào khía cạnh nào của cuộc sống thì áp dụng, trong đó có cả sự kiện Miền Bắc đã dùng bạo lực đánh bại Miền Nam để thống nhất đất nước và tình trạng thống nhất hai chục năm sau đó. Thay vào đó, với thói quen nói lên sự thực của một người dạy và viết sử và với bản tính bộc trực, ông đã thêm một chữ khác hay được dùng ở miền Nam là chữ “nên” khác với chữ “phải” ở Miền Bắc. Với chữ “phải” này, ông chú thích thêm rằng “Đó là tiếng của cán bộ”. Tôn trọng Giáo Sư Trần Quốc Vượng dù cho bây giờ ông đã không còn nữa và để độc giả được thong thả suy luận, theo đúng với tinh thần ra vô thong thả của người Miền Nam, tôi chỉ thuật lại nội dung đại khái của cuộc phỏng vấn này và không bàn rộng hơn nữa.

Trở lại chuyện mùa xuân và tháng giêng. Cũng trong bài học thuộc lòng kể trên, câu thứ hai của bài này là:

Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè…

Hội hè trong sinh hoạt cổ truyền ở Miền Bắc Việt Nam tượng trưng cho tinh thần và cuộc sống hồn nhiên, vui tươi, thoải mái, hoàn toàn tự do không bị ràng buộc của người Việt truyền thống, sau những ngày lao động vất vả với đầy dẫy những lo âu mà trên từ vua chúa, quan lại, dưới đến các nhà đạo đức tôn sùng Khổng giáo hay các bô lão ở các xã thôn đều phải tôn trọng. Người ta đã mở hội để không chỉ riêng dân trong làng vui chơi mà luôn cả dân từ các làng khác hay từ các thành phố về tham dự.

Mùa xuân ấy ông tôi lên tận tỉnh
             Đón tôi về xem hội ở làng bên…

Những hội hè này trong suốt thời Pháp thuộc vẫn đều đặn được mở với tất cả những tiết mục mà một số vượt ra ngoài trí tưởng tượng của người trẻ của thế hệ hiện tại. Trừ một số hội chùa hay một số hội đền, đa số các hội được người ta “trẩy” là để vui chơi, để gặp gỡ và nếu có phải lễ thì lễ ít hơn là hội. Chữ lễ do đó hầu như không được dùng mà chỉ có chữ hội hay hội hè hay hội hè đình đám cho cả trăm hội ở khắp trong nước, ở miền núi cũng như khắp miền xuôi, từ hội đền như Hội Đền Hùng, Hội Đền Kiếp Bạc, … hội chùa như Hội Chùa Hương, Hội Chùa Keo, … hội phủ như Hội Phủ Giầy… đến các hội làng. Tất cả đều là hội. Không hề có hội lễ. Lý do rất đơn giản. Đó là vì hội là mục đích chính và lễ là phụ. người trẩy hội là để vui chơi, để xem hội. Còn có lễ thì càng tốt mà không lễ thì cũng chẳng sao, không bắt buộc. Người Việt bản chất rất bao dung về tôn giáo, tín ngưỡng. Không phải chỉ qua ngôn ngữ bình thường mà qua thi ca, sau này là tiểu thuyết ….người ta cũng thấy phản ảnh rõ rệt điều này. Nhưng đó là chuyện của quá khứ. Sau một thời gian bị lãng quên vì chiến tranh và vì cách mạng, các hội hè cổ truyền của người Việt, do nhu cầu bảo tồn truyền thống của dân tộc, nhu cầu phát triển du lịch hay nhu cầu thuần túy chính trị…, đã được mở lại. Đây là một cố gắng đáng khích lệ. Nhưng từ hội hè theo đúng tinh thần của những biến cố đặc trưng cho một nếp sống đã tồn tại từ nhiều ngàn năm, đổi sang lễ hội, người ta đã vô tình làm mất đi ý nghĩa hồn nhiên, căn bản ban đầu của một hình thức biểu hiện cuộc sống tập thể ở nông thôn thời xưa của người Việt vậy.

Ngôn ngữ là phương tiện để truyền đạt nhưng không phải chỉ là thuần túy truyền đạt mà còn là một biểu hiện của tinh thần, của nếp sống và rộng ra là của văn hóa của người sử dụng và của dân tộc sử dụng ngôn ngữ ấy. Coi là phương tiện, người ta có thể sử dụng nó một cách tùy hỷ nhưng điều này chỉ nên áp dụng cho những gì liên hệ tới cuộc sống tạm bợ hàng ngày. Đối với những phạm vi khác liên hệ tới quá khứ và tương lai lâu dài hơn, người sử dụng phải vô cùng thận trọng hầu tránh làm mất đi những tính cách chính xác, trong sáng và phong phú của ngôn ngữ mà mình yêu mến và có may mắn được dùng vậy. Việc làm nói ra thì dễ nhưng thực hiện và thường xuyên thực hiện, bắt đầu tự nhắc nhở là nhắc nhở người khác không dễ chút nào.