Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

CHUYỆN ĐẠO VĂN




 Phunutoday
 

(Trái hay Phải)- Ra ngoài thực tế cuộc sống, nếu đạo văn thì đương nhiên có luật pháp can thiệp và khi đó, cả một sự nghiệp có thể đi tong chỉ vì chuyện đạo văn.
Chuyện đạo văn ở Việt Nam quá phổ biến. Chưa đầy một tích-tắc sau khi gõ từ khóa về thông tin bạn cần, có thể thấy hàng loạt bài báo giống nhau, được sao đi chép lại nhiều lần, có chỗ ghi nguồn trích dẫn, nhưng đại bộ phận là không ghi ở đâu cả. Người viết may ra được nhận tiền nhuận bút ở một tờ báo là may lắm rồi, còn sau đó thì những đứa con tinh thần cứ trôi nổi khắp nơi. Nhiều người cho rằng chuyện đạo văn ở ta “xưa như trái đất” và chuyện sao chép của người khác thậm chí cả đoạn văn, cả trang dài mà không trích dẫn, được coi là đương nhiên. Những người bị đạo văn thường được an ủi một câu “Việt Nam mà, làm thế nào được!”
Thông thường có hai khả năng đạo văn. Thứ nhất, người đạo văn không hiểu thế nào là đạo văn; thứ hai, biết đạo văn là vi phạm Luật bản quyền tác giả mà vẫn cứ làm.  
Trường hợp thứ nhất có lẽ bắt nguồn từ triết lý giáo dục của Khổng Tử. Học sinh có trách nhiệm phải học chữ thánh hiền, học thuộc lòng thật nhiều chữ của thày và tích lũy thành tri thức của mình, chính là đạt được mục đích học tập. Tuy nhiên, với tư duy của nền giáo dục Tây phương thì việc “đứng trên vai người khổng lồ” là rất nên làm, nhưng phải ghi nhận công lao của người khổng lồ đó. Có nghĩa là dùng tri thức của người khác thoải mái nhưng phải trích dẫn tên tuổi và công trình họ làm ra. Trường hợp thứ hai, biết là phạm luật nhưng vẫn cứ làm vì như thế sẽ rút ngắn đường đi tới đích lại tốn kém ít thời gian và công sức.
Điều này thực hiện khá dễ dàng với công nghệ “cắt dán” bằng máy tính và thời buổi anh bạn Google mang đến thông tin chúng ta cần chỉ chưa đầy một giây sau cái nhấn chuột. Quan trọng hơn cả là không mấy ai kiểm chứng nguồn thông tin sao chép và việc đạo văn được dễ dàng chấp nhận như một lẽ thường tình.
Chuyện đạo văn không chỉ phổ biến ở nước ta. Ở Hoa Kỳ, thực trạng chung là sinh viên ngoại quốc, nhất là từ Trung Quốc, Ấn độ sang học tại các trường đại học của Mỹ cũng vô tình sao chép thông tin nhưng không trích dẫn nguồn. Theo Giáo sư Ross Feldberg, nguyên Chủ nhiệm khoa Sinh học, Đại học Tufts, Massachusetts, sinh viên cao học và tiến sỹ, thậm chí các nhà khoa học khi trích dẫn từ các công trình đã nghiên cứu trước đây, cũng mắc phải chuyện đạo văn. Điều này có thể hiểu được vì tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ, nên họ khó có thể diễn đạt ý tưởng của mình bằng vốn từ tiếng Anh hạn chế đó.
Để cho an toàn, họ dùng lại những từ hay thuật ngữ trong văn bản họ đọc được vào trong công trình nghiên cứu của mình. Đó chính là đạo văn. Những ai muốn có được tấm bằng tốt nghiệp cả đại học và sau đại học ở Hoa Kỳ, phải học cách trích dẫn nguồn và không được đạo văn. Nói cách khác, dù bạn viết có dở một chút nhưng phải đúng là lời lẽ của bạn, nếu trích dẫn ý tưởng hoặc lời văn, câu chữ của ai, bạn phải ghi rõ ra theo những cách trích dẫn đã được hướng dẫn thống nhất trong từng ngành học.
Việc đạo văn ở Mỹ là không thể chấp nhận nên ngay từ nhỏ các em học sinh đã được dạy về đạo đức trong học tập là phải trung thực khi viết bài, không đánh cắp ý tưởng hoặc sao chép thông tin của người khác. Nếu dùng thông tin của người khác thì cần phải có lời trích dẫn tên và nguồn trích dẫn. Học sinh tiểu học đã được dạy về bản quyền tác giả.
 Nếu ai muốn viết báo hoặc chụp ảnh, ghi hình về một lớp học ở trường tiểu học, tác giả phải xin phép phụ huynh học sinh. Mỗi học sinh sẽ mang một tờ Giấy cam kết về nhà cho cha mẹ ký, đồng ý cho phép con em họ được chụp ảnh và đưa lên phương tiện thông tin đại chúng. Chỉ cần một trong số học sinh của cả lớp không đồng ý cho đưa ảnh của mình lên mặt báo thì bức ảnh đó sẽ hoặc là không được dùng, hoặc ảnh của người không đồng ý bị che đi.
Lên đại học, điều đầu tiên sinh viên năm thứ nhất được dạy là “Không được đạo văn”. Lời cảnh báo này được để ngay trên trang mạng của trường, và nó được lặp đi lặp lại trong các buổi hướng dẫn phương pháp học ở đại học. Đương nhiên, giáo sư là người luôn nhắc nhở, phát hiện, giúp sinh viên hiểu thế nào là đạo văn và tránh làm điều đó. 
Các trường đại học thường có biện pháp chống đạo văn của sinh viên. Cũng theo giáo sư Ross Feldberg, Đại học Tufts đã dùng dịch vụ của công ty Turnitin để kiểm tra thông tin bài viết có bị đạo văn hay không. Quy trình như sau: trước tiên, sinh viên gửi bài kiểm tra, bài luận, hoặc bài thi tới công ty này. Họ dùng phần mềm để so sánh bài viết với các thông tin có sẵn trên Internet và gạch đỏ những đoạn văn nào được coi là sao chép. Sau đó họ sẽ gửi lại cho giáo sư. Khi giáo sư kiểm tra, nếu sinh viên có ghi nguồn trích dẫn thì bài viết đạt yêu cầu. Nếu không ghi rõ thì sinh viên đó đã đạo văn và bài thi không đạt yêu cầu.  
Ra ngoài thực tế cuộc sống, nếu đạo văn thì đương nhiên có luật pháp can thiệp và khi đó, cả một sự nghiệp có thể đi tong chỉ vì chuyện đạo văn. Ở Việt Nam, luật pháp có không? Có chứ! Luật Báo chí, Luật Bản quyền Tác giả, Luật Sở hữu Trí tuệ. Có đủ cả. Nhưng vấn đề ở chỗ là luật không được tôn trọng. Kể cả người làm báo cũng coi thường pháp luật.  
Một ví dụ cho thấy, một cộng tác viên của báo Hoa Học trò đã ngang nhiên dùng thông tin, ảnh và bài viết của một nhóm tác giả ở Mỹ, để viết bài của mình. Bài báo đó mới viết ra đang trao đổi trong nhóm để chỉnh sửa đã bị lấy và đăng thành bài của mình đánh cắp. Khi bị phát hiện, cộng tác viên này không hiểu đó là đạo văn mà chỉ là “sơ ý trong khi khai thác thông tin”. Để sửa chữa “khuyết điểm không đáng kể” này, người đó đề nghị vẫn giữ nguyên bài báo của mình, chỉ trích dẫn tên của tác giả bài báo gốc mặc dù 100% thông tin không phải do tác giả đó tự thu lượm.
Trên thực tế người đó không có mặt ở sự kiện trong phóng sự của mình mà đọc nguồn tư liệu chưa xuất bản của người khác để sử dụng cho mình. Rất may, tòa soạn báo Hoa Học trò đã nghiêm khắc xử lý vụ việc và dỡ bỏ bài báo đó ngay lập tức.
Nghiêm trọng hơn là ngay cả những người có học vị tiến sỹ và giữ vai trò chủ chốt trong Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng còn đạo văn một cách vô tư. Người viết bài này trong một lần tìm kiếm thông tin về giáo dục đại học Việt Nam đã đọc được bài viết của một vị tiến sỹ có tựa đề “Vietnam Higher Education – Reform for the Nation’s Development” (NTLH, 2008). Nói về những hạn chế và yếu kém của hệ thống giáo dục (tr. 3 & 6), tác giả đã sao chép ba đoạn văn từ văn bản “Vietnam Higher Education Reform Agenda 2006 – 2020” (3) tại trang 6, không sai đến một dấu chấm và không hề trích dẫn (xem các đường dẫn kèm theo).
“Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Ở các trường đai học có biết bao nhiêu chuyện về dịch vụ làm luận văn tốt nghiệp. Có những nhà máy sản xuất đồ án tốt nghiệp và luận văn cao học chỉ mất một tuần. Người làm việc này chuyên cắt dán thông tin, xào xáo và cho ra lò hàng loạt công trình nghiên cứu rởm. Và đương nhiên, sản sinh ra hàng loạt các nhà khoa học rởm với những tấm bằng rởm. Ở một trường đại học danh tiếng, hàng năm có hàng trăm luận văn tốt nghiệp chung một đề tài. Chỉ cần ra hàng photocopy trong trường với vài triệu đồng là có thể có một luận văn trong tay. Vậy bao giờ chúng ta mới theo kịp được các nước trên thế giới? Mục đích của Chiến lược Phát triển Giáo dục Đại học giai đoạn 2006-2020 là đến năm 2020, chúng ta phải lọt vào top 200 trường đại học hàng đầu thế giới. E rằng, chỉ cần Turnitin ra tay, thì hàng triệu công trình khoa học rởm xuất hiện, không biết đặt nền đại học nước nhà ở chỗ nào?
Một xã hội văn minh là phải biết tôn trọng các giá trị trí tuệ, tôn trọng pháp luật và làm việc mang tính chuyên nghiệp. Chúng ta đang tiến đến xã hội văn minh đó. Vậy phải có cách nào ngăn chặn được hành vi kém hiểu biết, kém văn minh là đạo văn trong sinh viên đại học? Làm sao ngăn chặn được lối đạo văn bừa bãi của một số cộng tác viên non tay, mới bước vào nghề làm báo? Làm sao cho các trường đại học được nghiêm chỉnh và báo chí nước nhà phải chuyên nghiệp và tôn trọng pháp luật.
Theo số thống kê của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), hàng năm Việt Nam có khoảng 15 nghìn sinh viên du học tại Mỹ. Nhiều sinh viên học tập tại Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Châu Âu. May mắn cho sinh viên học ở nước ngoài được dạy về ý thức tuyệt đối không đạo văn.
Tuy nhiên, con số này rất nhỏ so với 2,1 triệu sinh viên hiện nay của nước ta. Giáo dục đại học có mục đích cung cấp nguồn lực có trình độ, kỹ năng và nhân cách cho sự phát triển phồn vinh của mỗi quốc gia. Mục đích nữa là nó tạo ra một bản sắc của quốc gia đó. Nếu cứ để tình trạng sinh viên mặc nhiên đạo văn và không coi đó là điều phạm pháp thì chúng ta khó có thể thay đổi được nền giáo dục và nâng tầm của đất nước. Tương tự như vậy nếu cứ để tình trạng đạo văn lan tràn trong giới báo chí thì không biết bao giờ chúng ta mới thực hiện được “sống và làm việc theo pháp luật”.

  Bảo Hưng (Boston, Hoa Kỳ)



Ghi chú:

(1) http://www.nuffic.nl/international-organizations/international-education-monitor/country-monitor/asia-and-the-pacific/vietnam/documents

(2) Vietnam Higher Education Reform Agenda 2006 – 2020

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

QUYỀN LỰC PHẢI SONG HÀNH HÀI HÒA VỚI TRI THỨC




Thu San Nguyễn Thế Hùng

Khái niệm “nền kinh tế tri thức” được nhắc đến nhiều trong các năm qua dưới những cách diễn đạt khác nhau, nhưng quan điểm thông thường cho rằng nền kinh tế tri thức là nền kinh tế trong đó “sự sản sinh, truyền bá và sử dụng tri thức” trở thành yếu tố quyết định nhất giúp phát triển kinh tế và không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nền kinh tế tri thức1, theo Ngân hàng thế giới “là nền kinh tế sử dụng hiệu quả tri thức cho sự phát triển kinh tế và xã hội, bao gồm việc thu nhận và khai thác nguồn tri thức toàn cầu cũng như thích ứng và sáng tạo tri thức để dùng cho các nhu cầu riêng”; còn theo Tổ chức OECD, nền kinh tế tri thức “Là nền kinh tế dựa trực tiếp vào việc tạo ra, phân phối và sử dụng tri thức và thông tin.” (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, OECD).
Các cách hiểu trên có thể dẫn đến một kết luận rằng muốn xây dựng một nền kinh tế tri thức thì cần phải có nhiều tri thức, nhiều người sáng tạo, sở hữu và truyền bá tri thức, hoặc đơn giản phải có nhiều người lao động trí óc, trong đó có nhiều nhà trí thức2.

Tích và tản tri thức

Chắc chắn rằng không phải chờ đến khi hình thành nền kinh tế tri thức thì các nhà trí thức mới có vai trò phục vụ cho sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Ngay trong lịch sử nước ta, từ xa xưa đã có những nhà trí thức đóng vai trò vô cùng quan trọng trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Đơn cử ngay như Nguyễn Trãi, một vị anh hùng dân tộc, cũng đồng thời là một nhà trí thức sáng ngời nhân cách. Ông sinh trưởng trong một gia đình khoa bảng. Ông cùng cha thi đỗ tiến sỹ năm đầu triều Hồ. Khi giặc Minh xâm chiếm nước ta, thành Thăng Long thất thủ, Nguyễn Trãi lưu lạc trong dân gian 10 năm trước khi vào Lam Sơn tham nhập cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi. Ông được Lê Lợi tin dùng, bày mưu tính kế trong tổng hành dinh đầu não của cuộc khởi nghĩa. Chiến lược của ông là không đánh thành mà đánh vào lòng người, lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, thu phục được sự đoàn kết nhất trí của nhân dân, lung lay ý chí của kẻ thù, đem lại cho Lê Lợi hiệu quả sánh ngang trăm vạn hùng binh.
Một nhà trí thức nổi tiếng khác là Đào Duy Từ, lúc nhỏ cực kỳ thông minh, học đâu nhớ đấy, vô cùng sáng dạ. Nhưng lớn lên ông không được đi thi vì vấn đề lý lịch3. Do đó, ông bỏ chúa Trịnh ở Đàng Ngoài để theo chúa Nguyễn, trở thành người bày mưu tính kế ở cơ quan quyền lực cao nhất ở Đàng Trong. Ông được chúa Nguyễn coi là Thầy. Chiến lũy ở Quảng Bình do ông chỉ huy xây đắp được gọi là lũy Thầy. Nhờ kế sách của ông mà vương quyền họ Nguyễn đứng vững trước những cuộc công phá liên tục của chúa Trịnh, không những thế còn vươn xa về phương Nam, làm cho nước Việt có diện mạo hình chữ S như hiện nay.
Như vậy, cuộc đời của hai nhà trí thức Nguyễn Trãi và Đào Duy Từ, dưới góc nhìn trí thức, đều có những nét tương đồng. Đó là họ đều tích luỹ đến mức cao nhất và rộng nhất những tri thức đương thời, cả trong sách vở, cả trong cuộc sống thực tiễn. Khi tích đã đủ họ đều tản những tri thức ấy dưới dạng các tư tưởng và chiến lược từ các trung tâm quyền lực cao nhất.
Xem xét hai ví dụ trên chúng ta thấy người trí thức chỉ thành hình khi có đủ hai quá trình:

- Quá trình thứ nhất - Quá trình tích: Một nhà trí thức cần phải tích luỹ tri thức liên tục, tích lũy trong mọi hoàn cảnh, trước hết phải tích lũy thật sâu tri thức thuộc một lĩnh vực chuyên biệt nào đó. Khi đã đạt đến một mức nào đó, nhà trí thức tương lai có thể thi lấy một tấm bằng (tiến sỹ chẳng hạn), hoặc chẳng cần mảnh bằng nào hết. Sau khi đã tích khá khá, anh ta dần dần phải tìm hiểu được các quy luật phổ biến và vĩnh hằng đang chi phối cuộc sống nhân loại tại thời điểm anh ta đang sống. Nhờ việc hiểu rõ một số quy luật, anh ta bắt đầu có thể mở rộng sự hiểu biết của mình sang các lĩnh vực khác ngoài chuyên môn. Quá trình đào sâu và mở rộng tri thức cũng vẫn là quá trình tích lũy, những ở trình độ cao hơn, nhiều sáng tạo hơn. Quá trình này đối với một nhà trí thức là không có điểm kết. Anh ta không được phép dừng lại sau khi đã đạt đến một học vị, một bằng cấp nào đó. Nếu dừng lại anh ta sẽ được gọi là một vị "cựu trí thức". Nhưng khác với với các "cựu quan chức", các "cựu trí thức" có thể quay lại "sở nhiệm" của mình bất cứ lúc nào, chỉ cần anh ta khởi động lại quá trình tích luỹ.
- Quá trình thứ hai - quá trình tản: Một trí thức phải tản kiến thức của mình đã tích luỹ theo nghĩa đóng góp nhiều hơn và tốt hơn cho cuộc sống hiện tại. Nhiệm vụ của anh ta không đơn thuần là nâng cao chất lượng cuộc sống của cá nhân, gia đình và dòng họ, mà hơn hết, thước đo nhân cách của nhà trí thức là anh ta có nghĩa vụ mang lại hạnh phúc cho một cộng đồng xã hội to lớn hơn cái nhóm nhỏ được tạo nên từ gia đình, bạn bè, cạ cụm,... xung quanh anh ta. Ví dụ, các nhà phát minh sáng chế, họ đã tản kiến thức thu được dưới dạng các sản phẩm hữu ích (vật thể hoặc phi vật thể) để tạo ra năng suất lao động cao hơn, biến lao động trở thành niềm vui sáng tạo, chứ không phải là các công việc khổ sai.
Tuy nhiên, quá trình tản của trí thức có nhiều cấp độ. Cấp độ một là ở bục giảng, trên sàn diễn hay trong các phòng thí nghiệm. Ở cấp độ này, nhà trí thức làm việc gần giống các nhà chuyên môn. Cấp độ hai là nhà trí thức đã thức nhận được các luật vĩnh hằng và phổ quát. Họ có thể viết sách để truyền bá các tư tưởng ấy. Sách của họ có thể là các tác phẩm bằng chữ, bằng hình ảnh, bằng âm thanh, v.v. Cấp độ ba là nhà trí thức hoá thân thành trung tâm trí tuệ để tích thu tri thức cộng đồng. Nhà trí thức lúc đó không còn là một cái tôi bé nhỏ. Họ trở thành các trung tâm trí tuệ không ngừng mở rộng, không ngừng thu nạp thêm tri thức mới, không ngừng toả sáng truyền bá hiểu biết đến những góc khuất của cuộc sống.

Khi trí thức song hành hài hòa cùng quyền lực
Có thể tạm hình dung sự kết hợp giữa quyền lực và trí thức theo nguyên lý âm-dương. Trung tâm trí tuệ mang đặc tính âm, luôn có tiềm năng kết hợp một cách hài hoà với trung tâm quyền lực mang đặc tính dương. Trong một cộng đồng cụ thể, khi có sự kết hợp hài hoà giữa hai trung tâm quyền lực và trí tuệ thì sẽ tạo nên một sức mạnh cực kỳ to lớn thúc đẩy sự phát triển của cả cộng đồng.
Cái may của Nguyễn Trãi, cũng là phúc lớn của dân tộc Việt nam là tài năng của Ông đã lọt vào mắt xanh của Lê Lợi. Sự kết hợp ấy được thể hiện trong câu "Nguyễn Trãi vi thần, Lê Lợi vi quân". Sự kết hợp hài hòa giữa hai trung tâm, Lê Lợi- trung tâm quyền lực, Nguyễn Trãi - trung tâm trí tuệ, đã tạo nên sức mạnh to lớn, đưa đến chiến thắng vang dội quét sạch giặc Minh khỏi bờ cõi, làm cho nước Việt không phải làm quận huyện của nước Tầu một lần ngàn năm nữa.
Ở tầm mức cao nhất, trí thức là phần âm, giúp bổ khuyết những phần còn thiếu của quyền lực để tạo ra sự hài hòa âm dương của sự phát triển. Vì vậy, quyền lực, với tư cách một vương quyền hay một thể chế, không nên coi trí thức là kẻ thù để đến nỗi phải nêu khẩu hiệu "đào tận gốc, trốc tận rễ", mà ngược lại phải coi trí thức như là nỗi khao khát tìm kiếm suốt đời của mình. Thiếu sự hỗ trợ của tri thức, quyền lực có thể bị tha hóa, biến nhà chính trị thành kẻ quái dị đáng thương vây quanh bởi những kẻ xu nịnh rẻ tiền. Không chỉ ở quy mô quốc gia, ở những quy mô hẹp hơn, đối với bất cứ cá nhân, tổ chức nào mà sự kết hợp giữa trí tuệ và quyền lực không hài hoà thì đều tất yếu dẫn đến sự tan rã, suy kiệt và sụp đổ.

Tri thức thúc đẩy tiến bộ như thế nào?
Nhìn lại quá trình chuyển đổi phương thức sản xuất lần thứ nhất của nhân loại, chúng ta thấy rằng đây là thời điểm loài người chuyển từ kinh tế săn bắn hái lượm sang kinh tế nuôi trồng. Lúc đó, loài người đã tích lũy được một khối lượng tri thức rất lớn về vật nuôi, cây trồng, về giống cây, giống con, về thời tiết, phân tro, về sâu bệnh, dinh dưỡng, về chế biến, bảo quản,... Rõ ràng rằng lúc đó các bộ lạc còn sống bấp bênh nhờ hái lượm đã từng thèm khát và khâm phục gọi các bộ lạc có nền kinh tế nuôi trồng là các nền kinh tế uyên bác. Thực vậy họ gọi những người nuôi trồng là những kẻ "cultiver" (những người có văn hoá). Sự khâm phục ấy đã biến đổi động từ "trồng trọt" thành danh từ "văn hóa". Tại thời điểm đó, khối lượng tri thức của nhân loại đã tăng lên một cách đột biến. Quá trình chuyển đổi phương thức sản xuất lần thứ nhất này dẫn đến sự hình thành nhiều trung tâm văn minh nhân loại từ Ai Cập, Lưỡng Hà, đến Ấn Độ, Trung Hoa, v.v.
Lịch sử lại thêm một lần chuyển đổi phương thức sản xuất lần thứ hai, mới chỉ xảy ra cách đây vài trăm năm, là quá trình thay thế sức sản xuất từ cơ bắp sang sức máy. Lúc đó, công suất của những cỗ máy hơi nước, của các động cơ điện thường hay được so sánh với sức ngựa kéo (HP hay CV). Cách so sánh này vẫn được ghi trên nhãn mác của những cỗ máy hiện đại nhất tại thế kỷ 21 này. Tại lần chuyển đổi thứ hai này, tri thức của loài người về các quá trình lý hoá, cơ điện, nhiệt động, kết cấu, lắp ghép, v.v, cũng tăng lên đột biến. Quá trình chuyển đổi phương thức sản xuất lần thứ hai gắn liền với sự lớn mạnh của chủ nghĩa tư bản, sự bành trướng toàn cầu của chủ nghĩa thực dân.
Hiện nay, chúng ta bắt đầu đi vào quá trình chuyển đổi phương thức sản xuất lần thứ ba, có bản chất là sự tối ưu hóa sản suất bằng các con chíp điện tử. Trong công cuộc chuyển đổi này, mọi hoạt động sản xuất, văn hóa, thể thao, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật, v.v, đều thấp thoáng bóng dáng sự hỗ trợ của các con chíp điện tử. Tốc độ chuyển đổi phương thức sản xuất lần thứ ba rất nhanh, phạm vi rất rộng, không trừ một góc khuất nào trên khắp hoàn cầu.
Nhiều hiện tượng mới, cả tích cực và tiêu cực đều đồng thời diễn ra. Hơn nữa, nhận thức của chúng ta về quá trình chuyển đổi mày có lẽ đã, đang và sẽ còn rất nhiều khiếm khuyết. Bởi vì, đơn giản là chúng ta đang sống trong chính quá trình chuyển đổi đó. Đứng bên cạnh con voi đã rất khó khăn để mô tả về Con voi, thế thì đứng trong bụng con voi lại càng khó nói về nó hơn. Cái gọi là "nền kinh tế tri thức", thực chất chính là một cuộc chuyển đổi lớn lao, mạnh mẽ và vô cùng dồn dập về phương thức sản xuất, trong đó hiểu biết của loài người về mọi phương diện đang tăng lên theo cấp số nhân giống như hai lần chuyển đổi trước đây.

Nguy cơ tụt hậu

Nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy rằng trong lần chuyển đổi phương thức sản xuất thứ nhất, những bộ lạc khư khư giữ phương thức hái lượm nhanh chóng bị thôn tính và xoá sổ, mất đất, mất tên. Tương tự như vậy, tới lần chuyển đổi thứ hai, nhiều quốc gia chậm tiến đã bị các nước phát triển hơn thôn tính làm thuộc địa. Nhật Bản là một trong những dân tộc hiếm hoi, do đã nhanh chóng tăng cường tri thức về máy móc, nên mới thoát hiểm không bị nhấn chìm bởi làn sóng thuộc địa hoá.
Điều này dẫn đến một suy đoán là, trong lần chuyển đổi phương thức sản xuất thứ ba này vốn đang diễn ra với tốc độ vô cùng khẩn trương, các dân tộc và quốc gia không nỗ lực thay đổi, thích nghi, thì tất yếu bị tụt hậu xa hơn. Nếu như người lãnh đạo các nước này nhận thức sai về nền kinh tế trí thức, nếu họ chỉ ưa các mỹ từ, không nhìn sâu vào quá trình chuyển đổi, không biết ứng dụng nguyên lý lớn (nguyên lý tích tản) để mổ xẻ các vấn đề thời cuộc, nhất định họ đã và sẽ còn chìm lâu trong sự trì trệ.
Vậy vấn đề thời cuộc lớn nhất hiện nay là gì? Đó chính là vấn đề nhận thức cho đúng hạt nhân phát triển, bao gồm quyền lực (Power – P) và trí tuệ (Intellectual – I), hay có thể gọi là hạt nhân (P,I). Nhận thức về hạt nhân (P,I) cho phép chúng ta từ bỏ cách xài cụm từ "sử dụng chất xám". Chất xám với tư cách là một con người không thể bị sử dụng thông qua một hợp đồng lao động với đồng lương rẻ mạt. Quan niệm như vậy sẽ giết chết sự sáng tạo. Chất xám, hay nhà trí thức, phải được trân trọng ở tầm mức cao nhất. Bất cứ một tổ chức hay cá nhân nào tạo ra được một hạt nhân (P,I) đều có thể xác lập một cơ hội phát triển mạnh mẽ. Hạt nhân (P,I) luôn luôn có trách nhiệm, và về nguyên lý nhất định phải lãnh trách nhiệm, trong việc tìm ra cách thức mới để sáng tạo ra sản phẩm phục vụ cuộc sống theo cách tốt đẹp hơn, nhân văn hơn. Cũng là sản phẩm lúa gạo, nhưng trong nền kinh tế tri thức một tổ chức có hạt nhân (P,I) sẽ sản xuất ra lúa gạo với năng suất cao hơn, hiệu quả hơn, hủy hoại môi trường ít hơn. Ngược lại, một tổ chức độc quyền không có hạt nhân (P,I), sẽ sản xuất xăng dầu, xi măng, điện năng, gỗ giấy, v.v, với chi phí ngày càng tăng, làm cạn kiệt tài nguyên, và hủy hoại môi trường ngày càng nhiều.
Cuối cùng, chúng tôi đề xuất một định nghĩa: "Nền kinh tế tri thức" là nền kinh tế sản xuất ra những sản phẩm phục vụ cho cuộc sống con người bằng các qui trình ngày càng trí tuệ hơn, nhờ vào việc nền kinh tế ấy đang xây dựng và mở rộng ngày càng nhiều các hạt nhân phát triển (P,I). Ngược lại, những quốc gia hoặc khu vực nào chưa có ý thức tạo dựng các hạt nhân phát triển (P,I) thì nhất quyết chưa thể xếp vào hạng các nền kinh tế tri thức.

---

1. Tri thức: Những hiểu biết mà người ta phải học mới có, học cả trong sách vở lẫn trong thực tế. Tri thức giúp một con người hoặc một cộng đồng hành động đúng trong một bối cảnh nào đó. Khi bối cảnh thay đổi tri thức ấy cũng thay đổi theo. Vậy tri thức la các luật nhỏ (local laws).

2. Trí thức là người thức nhận được các luật lớn (permanent and universal laws) bằng một trong hai cách:

- Cách tuần tự: học tập dần dần để tích lũy các luật nhỏ
- Cách đốn ngộ: suy ngẫm để đi đến việc xé bỏ màng vô minh
Nói chung trí thức là người thức tỉnh khỏi vô minh nhờ rèn luyện tâm trí. Rất nhiều người có bằng cấp cao nhưng chưa thức tỉnh thì chưa là trí thức. Họ đang trên đường đi đến. Nhưng có thể vì tâm hẹp hòi, u xám, mà họ ngày càng rời xa quá trình thức tỉnh.

3. Cha mẹ Đào Duy Từ làm nghề ca xướng, thành ra theo quy định của chế độ cũ ông không được đi thi.

Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

CẦN GIÁO DỤC LIÊM SỈ CHO CÔNG CHỨC


(Kienthuc.net.vn) - Việc một doanh nghiệp tặng xe trị giá 2,6 tỷ đồng cho Bộ Giao thông Vận tải, sau đó đã "trúng thầu", theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương là "điều lạ". Ông cho rằng, cần phải làm rõ động cơ của việc tặng quà này?

 Dư luận đang "nóng" lên chuyện một doanh nghiệp dầu khí tặng xe cho Bộ Giao thông Vận tải và có thông tin doanh nghiệp này trúng thầu một công trình của ngành giao thông. Ông thấy sao?
Tôi có biết thông tin này qua báo chí. Tôi thấy, việc "tặng", "cứu trợ", "viện trợ", "giúp đỡ" thì đã có trong xã hội từ trước tới nay. Tuy nhiên, trường hợp này là một điều hơi lạ.
Nghĩa là, khi còn đương chức, ông không thấy có hiện tượng nào như thế?
Đúng vậy.
Vì sao ông lại thấy nó "lạ"?
 Bởi lẽ như tôi đã nói, việc trao tặng nhau thường nằm trong chương trình viện trợ, cứu trợ, thường của những người có điều kiện hơn giúp đỡ người khó khăn hơn. Trường hợp này hơi khác khi một doanh nghiệp "quan tâm" đến cơ quan Nhà nước.
Nhưng thông thường, sự quan tâm thì không hẳn đã là xấu?
 Đương nhiên. Ví như chúng ta quan tâm tới bạn của mình, hỏi han, giúp đỡ khi bạn gặp khó khăn thì là điều nên làm chứ! Tuy nhiên, cần phải xem xét động cơ.
 Bộ Giao thông Vận tải có nghèo đến mức thiếu xe không? Vì sao Bộ lại nhận xe? Có phải đơn thuần về mặt tình cảm? Nếu Bộ nghèo, thiếu xe thật thì doanh nghiệp đó đã thật sự giàu chưa? Họ lấy đâu ra tiền mua xe đó? Tiền đó có ảnh hưởng đến thu nhập của chính người lao động trong công ty đó không? Tất cả những cái đó cần phải làm rõ.
 Nghĩa là, ông nghi ngờ động cơ của việc tặng quà này?
 Tôi không muốn võ đoán. Hãy để người trong cuộc tự trả lời. Tuy nhiên, tôi e rằng việc tặng quà này không đơn thuần là sự vô tư. Và tôi cũng nghĩ, Bộ không thiếu xe để mà cần được tặng đâu!
Không thể cái gì cũng đổ thừa cho cơ chế
 Nhưng thực tế, chúng ta đã có quy chế về việc tặng quà, nhận quà rồi còn gì? Ngay ông Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng đã xác nhận với báo chí rằng, quy định hiện hành chưa có hướng dẫn cụ thể trường hợp nào doanh nghiệp không được tặng xe và cơ quan quản lý không được phép nhận! Thế thì họ cứ tặng thôi.
 Đúng là chúng ta đã có những quy định cụ thể (Quyết định số 64 ngày 10/5/2007 của Thủ tướng ban hành quy chế về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức; Quy định số 47-QĐ/TW ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm).
Tuy nhiên, cần phải xem lại việc phổ biến những văn bản trên và các hướng dẫn thực hiện đã đến được với đông đảo người dân chưa? Những người trong cơ quan công quyền đã chủ động tìm hiểu chưa? Các cơ quan quản lý đã giám sát việc đưa quy định vào cuộc sống chưa?
Vả lại, không thể cái gì cũng đổ thừa cho cơ chế rằng cơ chế còn bất cập, chưa đầy đủ... mà phải xem xét cả động cơ thực hiện nữa.
Nhưng chính cơ chế định hướng cho động cơ đấy chứ?
 Đúng vậy. Nhưng cơ chế thôi chưa đủ. Sự định hướng động cơ ấy còn nằm trong nhận thức, lòng tự trọng, tính liêm sỉ của mỗi người. Thế nên mới có chuyện, có những người nghèo khó nhưng khi nhặt được của rơi sẵn sàng trả lại người mất.
Vì sao lại thế? Vì họ có tính liêm sỉ đấy! Còn như những người có chức quyền, giàu sang rồi mà vẫn tham lam, nhận biếu xén này nọ, thậm chí những người đến nhờ cậy, quà cáp cho họ còn đang phải chật vật lo miếng ăn thì thật đau lòng. Vì con người đối với nhau như thế thì không còn gì là liêm sỉ nữa.
Người làm công vụ phải có liêm sỉ trước tiên
Theo ông, trong xã hội bây giờ, người liêm sỉ có nhiều không?
 Tôi nghĩ rằng người tốt vẫn còn nhiều. Tuy nhiên, kẻ vô liêm sỉ cũng không ít, đáng lo nhất trong số đó có một bộ phận có chức quyền.
Điều đó có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển chung của xã hội?
 Nó dẫn đến một xã hội thiếu đi sự văn minh, công bằng và minh bạch. Cho nên cần phải giáo dục tính liêm sỉ cho mọi người.
 Nhưng giáo dục bằng cách nào?
 Phải giáo dục từ trong nhà trường, phải làm thường xuyên. Trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thì người đứng đầu phải nêu gương. Người làm công vụ phải có liêm sỉ trước tiên. Muốn vậy thì phải làm tốt từ khâu tuyển chọn cán bộ, viên chức.
 Theo ông, giáo dục tính liêm sỉ cho cán bộ, viên chức có khó không?
Khó đấy nhưng không có nghĩa là không làm được. Đã có nhiều tài liệu, sách vở nói về điều này. Vấn đề là người ta có chịu khó đọc và thực hiện nghiêm túc không? Tự bản thân người ta có ý thức cần liêm sỉ không? Có coi rèn luyện tính liêm sỉ giúp mình thành người tử tế không?
 Cấp trên nên quan tâm tới cấp dưới
 Ông nghĩ sao về việc cấp dưới tặng quà cho cấp trên?
 Tôi cho rằng cần phân biệt quà đó là gì và nên khuyến khích cấp trên quan tâm, giúp đỡ cấp dưới, nhất là những người gặp khó khăn.
Cấp trên quan tâm cấp dưới? Liệu ông có đòi hỏi cao quá, vì có những khi cấp dưới lên tới hàng trăm, hàng nghìn người, làm sao mà quan tâm cho xuể?
Điều đó chẳng có gì là khó khăn cả. Người lãnh đạo giỏi ngoài chuyên môn, năng lực thì rất cần có tấm lòng. Cái đó chính là liêm sỉ đấy!
Thưa ông, sẽ khó có cơ chế nào quy định được chi tiết việc tặng quà cũng như món quà đem tặng. Bởi cuộc sống thì muôn vẻ, mà việc tặng quà nhiều khi chỉ mang yếu tố tình cảm, dễ bị người ta lợi dụng để mưu cầu những mục đích khác. Nên chăng ta cấm tiệt việc tặng quà sẽ hạn chế tiêu cực?
Đừng nghĩ cấm đoán theo kiểu cực đoan như thế. Bởi như chị vừa nêu, tặng quà nhiều khi là vì tình cảm thật sự trong sáng, tốt đẹp.
 Vậy theo ông, làm gì để có thể tránh việc biến tướng khi tặng quà cho sếp, cho các cơ quan công quyền?
 Như tôi vừa nói, phải giáo dục tính liêm sỉ. Thứ nữa, phải hoàn thiện pháp luật. Nhưng quan trọng nhất vẫn là tính liêm sỉ. Khi có liêm sỉ thì người ta sẽ biết mình nên làm gì và không nên làm gì cho đúng với lương tâm.
 Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

LỄ NHẬM CHỨC TẠI QUẢNG NGÃI NGÀY 26/04/2012


Một vài hình ảnh về lễ nhậm chức cha sở và hạt trưởng Quảng Ngãi của cha Giuse Trương Đình Hiền tại Nhà thờ Quảng Ngãi vào lúc 9 giờ sáng ngày 26/04/2012






Tân Quản xứ Quảng Ngãi tuyên xưng đức tin





Mở cửa Nhà Tạm...


Cựu Quản xứ Phêrô Đặng Son cám ơn Đức Cha, Quý Cha và từ biệt giáo dân


Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn ban huấn từ

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

NÓI NGHĨA LÀ GÌ?




Lê Văn Siêu

NÓI diễn tình ý của mình bằng những tiếng từ miệng ra, là vạch trần mưu định và tình ý của người. Nói còn là khai ra sự thực: Việc xảy ra thế nào hãy nói ra như thế; dạy bảo: Giời có nói gì đâu! nói gì đâu! đoán quẻ: Ông thầy bói này nói hay lắm; ra giá: Nói giá cao quá; cãi cọ: Kẻ nói người nghe; mắng nhiếc: Tôi mới nói cho một trận nên thân nhé.

Gom gọn lại, thì nói là cái cách dùng những lời như những phương tiện để diễn tình và ý của mình, trong cuộc sống. Nó là đầu mối sự gián tiếp giữa người nọ với người kia. Nó còn là dấu hiệu của sự sống nữa như hơi thở vậy. Người còn lẩm bẩm nói một mình được, hay đã chẳng nói chẳng rằng gì nữa rồi, nhưng còn nói thầm trong bụng để mình tự nhận biết được, thì người ấy vẫn còn sống. Chỉ khi nào hết nói, hết tri giác, hết thở và tim ngừng đập, thì người ấy mới thật là hai năm mươi. Để nếu có nói thì là hiện hồn về nói qua lời của cô hồn, hay cô hồn bịa ra mà nói, cũng chưa biết chừng.

Hồn rằng hồn thác ban ngày
Thương cha nhớ mẹ hồn rày thác đêm.

Vậy rằng là nói, xưng là nói, thưa là nói gởi, là nói, trình là nói, báo là nói, thưa thốt, truyền phán, chỉ dạy, bảo ban, thú nhận, ra miệng cũng là nói, và tâu nộp, mách lẻo, tố giác, tán tỉnh, đấu hót, ba hoa chích choè… cũng là nói nữa. Nghĩa là cuộc sống xã hội càng phức tạp, sự gián tiếp càng cần tinh tế để nhận xét tình ý của người và biểu lộ tình ý của mình, thì những cách để diễn tình ý ấy cũng lại càng nhiều. Nhiều cho đến vô tận như sau đây:


A. Nói lời

NÓI LỜI hay nói câu là diễn một tình ý bằng những tiếng có bố cục thành câu:

Nói lời thì giữ lấy lời
Đừng như con bướm đậu rồi lại bay.

LỜI NÓI thì lại là những câu nói ấy:

Lặng nghe lời nói như ru
Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng
Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Cái lời, tức là cái câu ấy, đối với người Việt, không phải chỉ là vừa lòng nhau, mà còn nguôi lòng nhau nữa:

Chẳng được miếng thịt miếng xôi
Cũng được lời nói cho nguôi tấm lòng.

Ấy thế là lời nói có tính cách đỡ đói, tính cách vừa lòng hả dạ và cho nhau một lời nói còn giá trị hơn là cho nhau một miếng ăn nữa. Có lẽ vì thế chăng, mà người ta đã có thể đánh giá lời nói bằng nhiều cách.

1. Người ta chắc đã đánh giá được bằng lưỡi thì mới biết vị ngọt của nó (Nói ngọt thì lọt đến xương).

Cười cười nói nói ngọt ngào
Hỏi rằng chúng ở nơi nào lại chơi.

Hay vị chua của nó:

Mồ cha con bướm trắng
Đẻ mẹ cái ông vàng
Khen ai uốn lưỡi
Để cô nàng nói chua.

Hay vị mặn nhạt của nó:

Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.

Và:

Anh chàng nói nhạt như nước ốc


2. Người ta chắc còn đánh giá được bằng mũi nữa thì mới biết được mùi của nó: thằng cha nói không ngửi được.
3. Và nhất là còn đánh giá bằng mắt thì mới biết được số lượng nhiều ít của nó:

Ăn lắm thì hết miếng ngon
Nói lắm thì hết lời khôn hóa rồ.

Hay màu sắc của nó: Nói trắng ra.
Hay sự cách biệt gần xa của nó:

Kẻ nói đơn người nói kép.

Sự thiếu thừa của nó:

Yêu ai thì nói quá ưa
Ghét ai nói thiếu nói thừa như không.

Cả chiều hướng của nó:

Dù ai nói Đông nói Tây
Thì ta vẫn vững như cây giữa rừng.

Lẫn cả thế đứng của nó nữa:

Dù ai nói ngả nói nghiêng
Thì ta vẫn vững như kiềng ba chân.

4. Cuối cùng người ta chắc còn đánh giá nó cả bằng óc nữa thì mới biết giá trị của nó:

Một lời nói quan tiền thùng thóc
Một lời nói dùi đục cẳng tay

Cùng phân biệt về trọng lượng của nó:


Kim vàng ai nỡ uốn câu
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời.

Và phân biệt về tuổi già non của nó:

Chuông già đồng điếu chuông kêu
Anh già lời nói em xiêu tấm lòng.

Thật đã đáng lấy làm kinh khủng cho người nghe, khi chỉ thoáng một cái đã phải nhận định cho ra nhiều thứ đến thế. Nhưng đâu đã hết! Còn phải nhận định ra sự phải trái “Nói phải củ cải nghe cũng lọt”; “Nói phải gãi chỗ ngứa”, nhận định ra sự hay dở: “Nói hay hay hơn nói”; Nói dở như cám hấp”; nhận định ra sự dại khôn:

Ai mà nói dối cùng ai
Đến khi nói dại mặt ngay cán tàn.

Nhận định ra sự thật dối:

Ai mà nói dối cùng ai,
Thì Trời giáng hạ cây khoai giữa đồng.

Và nhận định ra sự xấu tốt: Nói xấu nói tốt.
Thuộc phạm vi của sự nói lời ấy, để đặt vào trong vòng nhận thức như vậy, ta thấy còn hết sức nhiều nghĩa nữa.
Ở khía cạnh trình diễn trên sân khấu ta thấy:

NÓI LỐI là nói những lời dẫn thính giả đến một câu hát ở trên sân khấu. Những lời dẫn ấy kể lể đến truyện tích lịch sử là nói sử, than thở về thân phận hẩm hiu của con người là nói than, kết cấu về những sự việc đã qua là nói vãn, mà nói thành những câu có vần là nói vè hay nói dáo vè. Tất cả đều không phải là hát nói. Hát nói lại là tên một điệu hát Ả đào sau câu mưỡu, để tác giả nói lên cái ý mình cho cô đào hát.

Thuộc phạm vi sự nói lối để trình diễn trên sân khấu này, còn có nói bông lơn do một vai hề khích bác để làm vui cho thính giả trong khi sửa soạn nghe một điệu hát mới; lối nói ấy cũng gọi là nói bông phèng. Tỷ dụ như: Đại phong là gió lớn, gió lớn thì đổ chùa, đổ chùa thì tượng lo, tượng lo là lọ tương vậy.

Thuộc phạm vi mỹ từ pháp thì có:

Nói chữ không hẳn là nói toàn chữ trong sách, mà còn như người ta thường bảo nói dài dòng văn tự, nó là một cách dẫn điễn này tích nọ mãi rồi mới đến một kết luận nào, Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ. Nói chữ theo thời nay còn có nghĩa là văng tục: nhà văn có khác, thích nói chữ thế! Nói chữ ở đây có nghĩa như xổ Nho vậy.

Nói lái là nói đảo ngược tiếng cho âm tiếng nọ vào với bộc âm của tiếng kia va đổi cả thanh nữa, cho người nghe vô tình không hiểu ngay ý của người nói: Mịt quả mốt là một quả mít. Còn nói lỡm thì lại là một cách nói để bẫy người ta cho bị hớ mà cười: Như chuyện Trạng Quỳnh thấy bà Chúa đi trên đường thì chạy xuống ao khỏa chân. Bà hỏi Trạng làm gì thế? Trạng đáp: Ấy, tôi chẳng có việc gì làm thì xuống ao đá bèo chơi!

Kể vị trí của kẻ nói và người nghe thì lại có:

Nói leo là chưa được địa vị xứng đáng đã dám bày tỏ ý kiến: trẻ con đừng nói leo vào chuyện của người lớn; và người ta thường mắng là: Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe. Nói hỗn, nói láo là nói leo mà còn có ý xấc với người trên. Nói mất lựa là nói với những chưa xứng đáng. Nói khó là tự hạ mình để xin cho được việc: Nói khó cho qua buổi chợ. Nói khan là nói tâng bốc người (không giống với nói nựng là uốn giọng để hỏi chuyện đứa trẻ đang tập nói. Trẻ lên ba cả nhà học nói, là vì thế: Âu! Âu! ác gai bạo mày là coong tó đấy mà!). Nói nhũn là nói điều không gây gổ để hòa giải và cho xong việc. Nói hớt là nói trước cái điều người ta sắp nói đến: Rõ nam mô hớt chửa! Nói đỡ lời là ngắt ngang câu nói của người khác để thêm ý ào cho lý luận vững chắc hơn. Còn trẻ con mà cũng giở giọng giảng luân lý như người đã cay chua nhiều với cuộc sống, thì là nói như ông cụ non.

Kể về nội dung câu chuyện thì có:

Nói thật là trình bày sự thật, ngược lại, giấu giếm sự thật đi là nói dối.

Đi nói dối cha, về nói dối chú.

Nói ngay cũng là sự thật thế nào thì nói ra thế. Nó gần đồng nghĩa với nói thẳng. Nói thẳng là nói không rào đón, không sợ mất lòng như nói toạc móng heo. Còn nói cho phải xấu hổ và mang tai mang tiếng, thì là nói ngay vào mặt, nói vỗ vào mặt, nối đốp vào mặt, nói giữa dạ. Nói đúng là trình bày rõ ý người ta nghĩ hay rõ sự việc xảy ra, ngược lại là nói sai. Nói sai là nói không ngờ toàn điều lầm lạc điều lầm lạc cả. Nói điêu hay điêu toa là cố ý nói sai, dành riêng cho kẻ ít tuổi, kẻ ở bề dưới. Còn người lớn và bề trên thì là nói dối. Nói lầm là nói không đúng cách. Nói lẫn là trỏ người già cả nói câu được câu chăng. Nói gở là nói những gì không hay nó vận vào mình hay vào người, khi gặp người lỡ nói như thế thì người ta phải thui cái xui xẻo ấy đi và gọi là nói phỉ thui hay nói dại nào! Nói dại là nói những điều lỡ xảy ra thật thì tai hại, trong còn hàm ý mong không xảy ra: nói dại, cháu có bề nào thì xin bác gỡ giùm cho. Nói khôn là nói những ý hay và phải. Nói phải là nói đúng lẽ như vậy. Còn phải nói là có ý kiến cần phải trình bày ra. Nhưng hiểu về nội dung câu chuyện thì người Việt Nam đã không chịu hiểu một cách quá đơn giản đâu. Người ta đã hiểu theo cái lối vẫn nói là con ruồi bay qua mà biết được con đực con cái kia.

Riêng về mục nói sai đã có:

Nói mò là đoán sai và nói sai hết sự thật “ăn ốc nói mò”.

Nói không là việc biết rằng không có cũng cứ nói là có, còn gọi là nói chua sinh chua tử ăn không nói có hay nói dựng đứng, muốn nói không làm chồng mà nói. Nói vu cũng có nghĩa ấy là không có mà đổ diệt tội lỗi cho người. Gặp trường hợp này thì người ta sẽ nguyền rủa: Một lời nói một đọi máu, ấy là rủa rằng hễ nói không và vu oan thì hộc máu mồm ra. Nói ngoa là có ít xít ra nhiều, thổi phồng câu chuyện cho thêm to, thêm quan trọng: Muốn nói ngoa làm cha mà nói.

Nói quấy nói quá là chỉ nói qua loa đại cương và vùn vụt như gió không có gì rõ ràng cả:

Tay mang túi bọc kè kè
Nói quấy nói quá người nghe ầm ầm.

Nói phiệu hay bố phiệu là chỉ nói vẩn vơ, không có gì đích xác cả.
Nói đi nói lại là chỉ người tiền hậu bất nhất không giữ lời hứa:

Quân tử nhất ngôn là quân tử dại
Quân tử nói đi nói lại là quân tử khôn.

Khiến người ta phải rao hẹn: Thôi nhé, đừng có nói oong đơ gì nữa đấy! Do chữ Pháp oong đơ nghĩa là một hai. Nó không giống hẳn với lời nói đi thì nhẹ, lời nói lại thì nặng, vì bị thêm thắt khi có người nhắc lại. Cũng không giống với nói nước đôi hay nói phân hai là nói lưỡng để đàng nào mình cũng phải: Tài trai nói phân hai dễ chối.

Nói giăng nói cuội là nói toàn điều sai lầm dối trá cả (do tên Cuội là nhân vật trong chuyện cổ tích chỉ chuyên nói dối).

Đến mục nói thêm lên và thổi phồng sự thực thì có:
Nói khoác hay nói khoác lác khuếch khoác hay nói một tấc đến giời là khoe những cái tài mà mình không có.

Cấm người giả lịnh giả thị
Chẳng ai cấm người mang bị nói khoác.

Nói cha hươu mẹ vượn nói dông dài nói toàn điều vớ vẩn chẳng biết đàng nào mà tin được nữa. Nói thánh nói thần hay nói trên không chằng dưới không rễ cũng có nghĩa ấy. Đó là cái lối nói mà không biết ngược.

Nói phách hay phách lối là khoe cái địa vị và quyền lực mình không đáng. Nói hợm là có địa vị và quyền lực nhưng hay khoe để khinh người; còn nói phét là chẳng có gì cả mà dám khoe khoang. Ấy là cái lối:

Nói thì đâm năm chém mi
Đến bữa tối trời chẳng dám ra sân.

Cũng là cái điệu nói ba hoa chích choè như thế không ai tin được, nhưng quá đáng lắm, quá đáng đến độ cả ông trạng như Trạng Quỳnh, cũng không nói được, thì người ta bảo: Nói như trạng mẹ nghĩa là cái ông trạng còn đẻ ra được ông Trạng kia. Và nói vơ vào để khoe hay khoe giỏi cho thiên hạ chẳng ai ra quái gì hết, hay là chỉ để cho vui, thì là nói mỹ tự: Ấy thằng chú Huyên nó nhà tôi cũng có cái áo mưa kiểu ấy, nhưng toàn đi xe hơi thì có được dùng đến lần nào đâu! Nói mỹ tự cũng là nói mẽ. Còn chỉ vơ vào để cầu lợi là Nói giọng kẻ Bưởi cuốc vào: Áo này tôi mặc vừa đáo để. Bác định cho tôi ấy à?

Đến mục nói để thêm oai, mà bây giờ người ta gọi là để lấy “le”, thì có:

Nói hống hách là nói lời nạt nộ: Ông ấy hống hách gớm nhỉ. Nói dõng dạc là nói dằn từng tiếng cho người ta nghe rõ để mình thêm oai. Và để cười cái oai ấy, cả những điệu bộ ấy, người ta mỉa mai là Nói như ông tướng Quảng Lạc (do tên rạp hát tuồng Tàu ở Hà Nội hồi đệ nhất thế chiến, người ta thích đến xem các ông tướng diễu võ dương oai). Nói dọa là nói để cho người ta sợ. Nói đe là dọa đánh đòn trẻ con để cho nó vào khuôn phép. Nói ức hiếp người ta để lấy phần nói phải là nói đè đầu đè cổ, nói như cha người ta ấy. Hễ không nghe lại còn được thể để bảo là nói như nước đổ lá khoai, như nước đổ đầu vịt. Nói sẵng là nói gần như măng mỏ. Còn mắng mỏ không tiếc lời là nói như táo đổ mặt mâm, nói như chan cánh canh đổ mẻ vào mặt, mà nói chẳng còn dành một chút tử tế nào với nhau nữa, là nói cạn tàu ráo máng.

Đến cái mục nói khéo thì là:

Nói rắn trong lỗ bò ra nghĩa là khéo đến độ người ta không bằng lòng cũng phải thuận theo, như con rắn nằm yên trong hang mà cũng phải bò ra vậy.

Nói như rồng cũng là nói khéo như thế. Đó là cách người ta gọi là nói như khướu bách thanh trong còn hàm thêm ý mỉa mai nữa. Nói xẻ cửa xẻ nhà là làm như thương yêu quý mến nhau lắm để chia sẻ cơm áo cho nhau đấy, nhưng kỳ thực là hão cả, cũng như nói nhân nghĩa và Tú Đễ [1] , người ta thường bảo nói trăm voi không được bát nước sáo. Và người nói ấy được người ta cho là đồ bẻm mép để sẽ tìm cách mà nói chữa thẹn. Nói vuốt đuôi là nói tử tế lại sau khi đã có thái độ không tốt với người. Nói đãi bôi là nói lời ân nghĩa thủy chung chẳng phải tử tế gì với gia chủ mà chỉ để nói cho lọt miếng xôi trôi miếng thịt mà thôi. Nói có duyên là nói vui, dễ nghe và ai cũng mến. Nói vụng (hay vụng về) là nói mà để nhiều sơ hở thiếu sót, không phải nói vụng (trộm) là nói lén.

Còn nói để đấu khẩu thì lại tinh vi ghê gớm lắm. Khi tự vệ thì dùng một chiến thuật. Khi tấn công lại dùng một chiến thuật khác. Có khi tưởng là tự vệ mà hóa ra lại tấn công lúc nào không biết đấy, chẳng hạn như:

Nói mát là nói vứt mình đi, để tâng bốc người ta, mà làm người ta phải đau đớn. Thí dụ như: Ấy bên bác thì có bao giờ phải ăn đến rau muống! Nói mỉa là dài môi nhắc lầm lỗi của người ta cho phải xấu hổ!

Nói xa nói gần là kể những chuyện đâu đâu ấy cho người ta nhẩn nha.

Nói bóng nói gió hay nói xa xôi bóng gió, nói xỏ, nói xiên, nói xéo, cũng vậy. Đó là lối nói:

Sấm bên Đông động bên Tây
Tuy rằng nói đấy nhưng đây động lòng.

Sự động lòng ở đây, người ta còn cụ thể hóa hơn một tầng nữa, để gọi là nói trúng tim đen, nói lật tẩy, nói chạm nọc, chạm vía.

Nói chạm vía là nói xa xôi để nhắc đến những lầm lỗi kín đáo của người ta cho mà sợ hãi. Không giống với nói trộm vía là nói lén với nhau sợ có điều gì gở: Nói trộm vía, thằng bé lớn như thổi!

Nói bâng quơ là nói không chỉ đích người nào, nói cứ lơ lơ lửng lửng làm người ta tức anh ách, mà không lẽ ra miệng thế nào bây giờ! Cũng là nói Đổng Kim Lân do tên một võ tướng trong tuồng San Hậu hay diễn vào dịp đầu năm cho người ta đi xem để bói tuồng. Vai tuồng chắc hay nói bâng quơ, nói lơ lửng giữa trời, nên tên mới được dùng thành một phẩm từ như thế. Nói ậm ừ là nói nửa ra nhận mà nửa ra không, nói ỡm ờ lại là nói cợt nhả lẳng lơ, còn nói lửng lơ hay lơ lửng hay thêm nữa nói lơ lửng con cá vàng là nói giữa trời để ai có tật giật mình. Chính nó là nói buông lơi, nói phất phơ, nói chơi, nói chuyện phiếm nói mà là không nói, không nói mà là nói vậy.

Nói xin ông (hay bà) để ngoài tai thì thật ra đã đáng tức cười vì người ta làm như vậy có thể gắp được những lời gì bỏ vào trong hay bỏ ra ngoài tai vậy. Chính ra thì đây là một cách nói xin lỗi trước về những lời sắp nói ra, nó sẽ có thể chướng tai và phật lòng ông hay bà đấy. Nói khi vô phép, nói bác tha lỗi, hay nói thế này khi không phải, đều là một công thức như nhau cả. Nói phòng hờ: hay phòng xa, hay nói thòng là nói khôn, phòng xa đến cả trường hợp có thể sẽ xảy ra khác nữa.

Nói buông lửng là nói một phần thôi, còn phần sau để người ta phải đoán ra. Nói hồ đồ là nói bậy bạ lung tung không có giá trị. Nói hàm hồ là nói đụng chạm đến nhiều người làm mất cả hòa khí, gần giống như nói đổ cả hương án bàn độc. Nói đổ cả hương án bàn độc là nói lời bạc bẽo làm mất cả cái tử tế của người.

Nói có quỷ thần hai vai là vừa nói vừa thề, với lời cầu xin quỷ thần chứng giám cho lời nói đúng.

Nói có vong hồn của ai đó vừa là nói vừa cầu vong hồn người quá cố làm chứng cho lời nói đúng.

Nói có ngọn đèn tắt tôi tắt là vừa nói vừa thề độc đến có thể chết được nếu sai sự thật. Nói của đáng tội là nói cho phải giá không thêm bớt: nói của đáng tội thì anh ta cũng có bụng tham.

Thật chưa có tiếng nôm nào lại nhiều nghĩa linh động đến như thế. Nói đâm hông là nói xa xôi nhưng đau đớn như xiên vào hông người ta; không giống với nói đâm ngang hay nói ngang là nói bẻ quẹo câu chuyện để lảng ra phía khác.

Nói ngang cành bứa, ngang như cua lại là nói bướng, không đúng lẽ và chướng tai; người ta còn gọi là nói cù nhầy và bảo nói với nó như đánh bùn sang ao hay tức quá thì bảo: nói với nó như đánh bùn sang ao hay tức quá thì bảo: nói với nó thà vạch đầu gối ra mà nói chuyện. Nói đay hay nói nghiến là day dứt cho người nghe phải đau buồn khổ sở; nói đay nghiến như dứt từng miếng thịt; nói nghiến như một ấy không sao chịu nổi! Nói móc họng là nói phăng ngay cái xấu mà đối phương giấu giếm để không còn mở miệng ra sao được nữa.

Nói xóc óc, lộng óc cũng là ý ấy. Nói châm nói chọc hay nếu trêu còn thêm ý để cười nữa. Nói đâm bị chọc thóc bị gạo thì lại là khích bác bên này một câu, bên kia một câu, cho người ta cãi nhau. Đó là cái lối suỵt chó vào bụi rậm, hay ném xương cho chó cắn nhau.

Xem thế đủ biết thủ đoạn của người Việt Nam về phương diện nói thật đã là cao cường vậy.

Nói dèm là viện dẫn các lý do để chê bai. Nói xiểm là dèm cho người ta ghét kẻ khác. Nói lảng là thấy vẻ không thành thì liệu đi tới đi lui, nói thách là đặt giá cao cho người ta mặc cả dầu. Bán hàng nói thách, làm khách trả rẻ. Nói thớt cao dao bầu cũng cùng một ấy, nhưng có ý mỉa mai; nói một giời tiền cũng vậy, nhưng còn thêm ý chê trách. Nói hờ là lỡ ra giá quá thấp một món hàng. Hiểu rộng ra là lỡ nói điều thiệt cho mình. Nói vào nói ra là đưa những ý kiến lôi thôi rắc rối cho người ta ngã lòng.

Cũng thuộc về mục đấu khẩu, lại còn cái trò nói đưa hơi là nói để cho phải bốc nóng lên mà xông ra cãi nhau hay đánh nhau. Không giống với đưa lời: Mượn chén đưa lời là cái cách giả say rượu để thóa mạ người mà nếu có bị bắt lỗi thì vẫn có cớ để không phải chịu trách nhiệm, vì ai cũng cho rằng: nói với người say như vay không trả, và người giả say thì sẽ: ấy xin lỗi các ngài, rượu nó nói đấy ạ!

Những mánh khóe của người Việt Nam thật đã man mác nhiều vô kể. Có khi đóng cửa ở trong nhà nói nhau, mắng mỏ chửi bới nhau, mà lại là để cho người hàng xóm nghe, lấy làm hết sức đau đớn. Đấy là cái phép “Trong dậy ngoài lậy”để làm người ta chết điếng đi. Có khi là đá thúng đụng nia, chửi mèo quéo chó. Không còn biết đâu mà lường được nữa.

Nói rào đón là ngăn ngừa những ý nghĩ gì người ta có thể nghĩ được về câu chuyện mình sắp nói để bác và chặn trước đi. Nói thớ lợ là nói giọng tử tế ngoan ngoãn bề ngoài cho người ta thương mến và không chê trách được mình. Nói đưa đẩy hay đưa đà là bắt đầu với những lời ngoài lề cho thêm mạnh miệng. Còn có sao nói vậy là nói nỡm ra. Nói ướm hay nói dạm là đưa thử một vài ý kiến để dò tình ý đối phương. Nói mà không hy vọng được còn nhờ may là nói Gia Cát cầu phong.

Đến mục nói chuyện thường thôi, cũng có những lối thật là lạ. Nói tào lao là nói không thành câu chuyện đứng đắn gì cả. Nói thao thao là nói trôi chảy. Nói ấp úng hay ấp úng như ngậm hột thị là nói bối rối không được ý nghĩ gì rõ ràng, cứ ngập ngà ngập ngừng hay dấp da dấp dính mãi. Nói ấm ớ hay nói ấm ớ hội tề là nói lưỡng lự không rõ ý muốn dứt khoát là trắng hay đen. Gốc ở tiếng hội tề là tên tổ, chức hành chính ở vùng giữa khu kháng chiến và khu đã theo Tây mà người trong tổ chức ấy đã không dám có thái độ dứt khoát ngả theo phía nào. Còn nói rối mù lên chẳng đâu vào đâu cả là nói ba sí ba tú. Nói úp mở là nói nửa thực nửa hư, để đối phương thoáng nhận ra.

Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay không phải để dành riêng cho giới tu sĩ mà để kể chung mọi người khi nói tranh nhau lấy phần phải về mình. Còn người ta nói một đàng lại hiểu quàng một nẻo thì là Ông nói gà bà nói vịt.

Nói đưa đẩy hay đưa duyên là lựa ý người nghe mà nói cho vui vẻ cả làng. Nói xuôi theo là theo lời và ý của người ta mà tán thêm. Chính đó là nói lựa. Thầy bói nói dựa. Nói cho sướng miệng, nói thích khẩu, nói lấy được là láy đi láy lại mãi để mắng mỏ, dạy khôn hay để lấy phần phải về cho mình, khiến người nghe sốt ruột lên, còn để nhấn mạnh cho người ta thấy lời mình đoán hay ngừa trước đã rất đúng, thì người ta lại bảo: Mồm mẹ mẻ nói không sứt.

Nói lấp liếm theo lối cả vú lấp miệng em là nói không ngừng cho người ta không kịp lúc nào cãi lại được nữa. Nói như đinh đóng cột. Nói chắc như cua gạch là nói nhất định hẳn một chiều, không gì lay chuyển được ý định nữa.

Nói để bụng là nói mà đừng nhắc lại. Nói để đấy là hứa hẹn mà chẳng bao giờ làm theo, đó là cái chuyện lời nói không đi đôi với việc làm của các vị “chính khách” và nói trước quên sau. Người ta sẽ chép miệng bảo: Nói vậy biết vậy! Nói có sách mách có chứng là trình bày câu chuyện thật rõ ràng có chứng cớ hẳn hoi không cãi vào đâu được, cứ ắng: người ra, cho người ta cười là ăn làm sao nói làm sao bây giờ?

Nói vanh vách là nói hết những điều người ta tưởng giấu được: Đạp đồng lên, nó nói vanh vách như mẹ Ranh ấy.

Nói cho ngay là tiếng của miền Nam tương đương với nói cho đúng của miền Bắc; đó là một thành ngữ để trợ từ, thực không cần phải có công dụng trong câu, chỉ là để có thêm một chút thời gian suy nghĩ. Cũng như nói chung nói riêng cho phép người ta phát ngôn trước công chúng dùng để lời nói thêm lưu loát. Nhưng lâu dần thành bệnh để những viết cũng lại cứ nhai nhải nói chung với nói riêng! Miền Nam nói chung, xã hội Saigon nói riêng rồi lại xã hội Saigon nói chung, dân chúng đô thành nói riêng… thật là sốt ruột vậy.

Đến cái mục đàm thoại để cho vui mà bây giờ được người ta gọi là đấu hót bốc lê xa bút (đánh võ mồm) hay bốc thối bốc thơm thì nói chơi là để cho vui:


Nói chơi cho đỡ vui lòng
Ăn có chốn tựa loan phòng có nơi.

cũng cùng một nghĩa với nói bỡn, nói cợt:

Nói bỡn mà chơi nói cợt mà chơi
Áo ai người mặc có mùi gì đâu.

hay nói đùa, nói giỡn, nói bông, nói bông phèng cũng vậy, hay quá hơn nữa là tán gẫu, tán hươu, tán vượn và có vẻ Tây hơn nữa là tán phó-mát nghĩa là tán để ăn phó-mát hay tán để nghiền bột cục phó-mát ra cũng được cả. Vì phó-mát lại là loại thực phẩm nặng mùi như mùi mắm tôm của ta, nên tán phó-mát còn hàm thêm ý tán thối nữa. Nói lần khân là dùng lối cợt nhả để trì hoãn một công việc. Nói bờm sơm là lợi dụng lúc vui để leo thang câu chuyện mà người ta vẫn mắng là chơi chó, chó liếm mặt đấy. Nói lươn khươn là nói lòng vòng rồi cũng đến đích. Nói đểu là nói một cách thô bỉ cho đến người ta có thể mắng là đồ ăn nói mất dạy. Nói tục là dùng lời thô bỉ nói những chuyện tục tĩu như chuyện tiếu lâm tân thời chẳng hạn.

Đến mục thể cách nói, để giao thiệp ở đời cho người ta khỏi chê là ăn không nên đọi nói chẳng nên lời thì:

Nói mớm là nói để dọ ý và khích cho người nghe phải bộc lộ ý mình ra. Nói mớm là truyền thụ khéo những lời khôn cho kẻ khác nói.

Mái bên gió đã bồi hồi
Kìa ai vú lép mớm lời cho con.

Ấy là cái cách nói vẽ đường cho hươu chạy.

Nói dè chừng là nói ngừa trước những việc không hay:

Sinh rằng hay nói dè chừng
Lòng đây lòng đấy chưa từng hay sao.

Nói dai hay nói nhai nhải là nhắc đi nhắc lại mãi chỉ có một câu chuyện đó thôi: Nói dai như chó nhai giẻ rách, nói dai như chão rách. Tức cũng là cách nói lài nhài, nói rặng đa bà cụ vậy. Nói cộc lốc hay nói trống không là nói hỗn hào không thưa gởi lễ phép gì cả. Nói xách mé cũng vậy. Nói thô là nói không lựa lời cho dễ nghe; ấy là cái việc mà người ta gọi là Nói cộc cằn, nói như dùi đục chấm mắm cáy hay là ăn nói dóng một. Nói đâm ba chẻ củ là nói châm chọc một cách dấm dẳn cho ai cũng phải có chịu. Nói nhảm là bộc lộ những gì không nên cho biết: Im đi nói nhảm nào! Còn nói lảm nhảm là nói một mình những chuyện không ra đâu vào đâu cả: Ông ta bây giờ đã giở chứng, cứ nằm nói lảm nhảm suốt ngày. Nói lẩm cẩm cũng là ý ấy để trỏ người già lão nói lẫn lộn lung tung? Nói quàng hay bắt quàng hay nói đầu cua tai nheo là đương chuyện đằng này dằng dây qua chuyện khác. Không như nói quàng xiên là nói điều càn dỡ, láo lếu, bậy bạ.

Nói bạo là nói ra vẻ ta không sợ gì cả.

Nói liều là biết rằng đáng sợ nhưng cũng nói bừa đi. Nói nhăng, nói ẩu tả, nói sàm, nói tầm bậy, tầm phào nói không nghe được, nói không lọt lỗ tai:

Hâm rằng ông quán nói nhăng
Dẫu cho hay lắm cũng thằng bán cơm.

Đó là những nghĩa dễ hiểu về nội dung, trong mục nói lời.

B. Nói tiếng

Qua mục nói tiếng để hiểu về hình thức, ta thấy cũng man mác nhiều nghĩa lắm.
Nói tiếng là phát ra một âm thanh, chưa cần có bao hàm một tình ý gì cả.

Tiếng nói là cái âm thanh ấy:

Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn tiếng nói dịu dàng dễ nghe

Người thanh tiếng nói cũng thanh
Chuông kêu sẽ đánh bên thành cũng kêu.

Chơi thì chơi chốn thập thành
Lời ăn tiếng nói nhẹ mình như tên.

Nói năng là biểu lộ một âm thanh:

Hòn đất mà biết nói năng
Thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn.

Ăn nói cũng là phát biểu ý mình qua âm thanh ấy; Con bé này, ăn nói mới hay chứ!

Nói tiếng ta, tiếng Tây, tiếng Tàu là dùng tiếng nói của ta hay của người ngoại quốc: Cô ta nói tiếng Mỹ như gió. Còn nói tiếng Tây giả cầy là nói pha lẫn cả tiếng ta. Bây giờ lại có thêm một tiếng lóng nữa: nói tiếng Đức, ấy là nói văng tục có những tiếng gì viết đầu bằng chữ Đ đấy. Nói lóng là nói những tiếng chỉ riêng cho một giới nào hiểu. Nói nhỏ là nói cho vừa tai người lắng nghe. Nói nhỏ nhẻ hay thỏ thẻ lại là cố ý làm cho lời nói êm ái dịu dàng dễ thương: Nó nói nhỏ nhẻ (hay thỏ thẻ) như con gái ấy. Còn gọi là nói ỏn ẻn. Nói thầm là ghé miệng vào tai mà nói cho lời nói không thành ra tiếng khiến người khác không nghe được.

Nói xôn xao là nhiều người cùng nói một lúc khiến người nghe không phân biệt nổi là nói những gì:

Trong nhà người nói xôn xao
Nào con nào mẹ ồn ào gọi nhau.

Nói léo xéo hay léo nhéo là nói không thành câu chuyện gì từ ở đàng xa: Tôi cũng thấy họ nói léo xéo cái gì mất cắp mất trộm đấy. Nói to, nói lớn là phát ra những tiếng lớn. Còn nói lớn lối lại là không có mà nói thêm lên cho ra vẻ hống hách, cũng như phách lối vậy. Nói nặng là nói giọng trầm nghe thấy vẻ vất vả: Nói nặng như dân làng Bịu (không phải nói nặng lời là sỉ vả) “Giợi đật ơi, tội như đêm dây như đật thệ này, thì đi đâu được”. Nói ngọng là vì bộ máy phát âm hư hỏng nên nói không đúng tiếng người ta thường phải nói. Nói sõi là nói rõ ràng từng tiếng một: Thằng bé nói sõi đáo để. Nói lơ lớ là nói gần gần giống giọng: Anh ta nói lơ lớ giọng Tàu. Nói bập bẹ là nói được một vài câu gần giống tiếng người bản xứ: Anh ta dạo này đã nói bập bẹ được ít tiếng “Cám ơn ông”! Nói lắp là nói líu ríu mãi mới bật ra một tiếng. Nói lắp bắp hay lắp ba lắp bắp là mấp máy môi cho tiếng nói cứ ấp úng trong miệng không phát ra được rõ. Nói lẩm bà lẩm bẩm cũng vậy. Nói bí ba bí bô là trỏ những con trẻ mới. Nói nhiều, nói lắm là nói luôn miệng:

Cách bức chẳng được nói luôn
Những người bên ấy có buồn cùng chăng.

Nói chậm nói nhanh là quen tính cho nhịp điệu của tiếng nói phát ra chậm hay nhanh.
Nói như pháo ran là nói lép bép, nhiều, và nhanh như pháo nổ.
Nói dàn cung mây là nói lung tung cả, cho người ta gọi là cái máy nói. Nói như khướu bách thanh là nịnh nọt như khướu hót bên tai. Còn một tiếng mới nữa vừa thịnh hành, ấy là nói như vẹm nghĩa là nói dối cứ xoen xoét mà vẫn ra vẻ có lý đáo để.

Nói xoen xoét hay lem lém là nói trôi như nước để chối cãi một điều gì. Nói dấm dẳn là nói không trôi chảy, tiếng nói có vẻ gì như dúm dó từng quãng nói dấm dẳn như váy ba bức, hay dấm dẳn như chó cắn ma. Nói trơn là nói không vấp váp tức là nói giảo hoạt: nói trơn như nước chảy.

Nói lè nhè là dài môi nói giọng người say rượu.

Nói nhịu là nói lẫn tiếng sang những tiếng tục: Gái đẻ không nên nói chuyện với người ở cách phòng, kẻo về già sinh ra nói nhịu.

Nói đớt là nói có vẻ gì ngường ngượng ở miệng, không hẳn là nói ngọng nhưng cũng không hẳn là nói đúng. Nói thơn thớt là nói trơn tru tử tế ngoài môi:

Bề ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong nham hiểm giết người không gươm.

Nói thẽo thọt là nói buông lỏng những tiếng ra khiến sai cả thanh âm và không thành câu cú gì cả.

Nói ú ớ là nói ấp úng trong miệng, tiếng nói không thành ra được: Người gần chết thì nói ú ớ.

Nói khàn khàn như vịt đực là nói cho tiếng phát ra nhiều bằng cổ họng.

Nói pha tiếng là bắt chước một cách vụng dại tiếng nói của người ta, để cho thành trò cười: Chửi cha không bằng pha tiếng. Nói nhại là bắt chước đúng giọng và tiếng nói của người. Nói trại là nói chệch tiếng đi vì vô tình hay cố ý. Nói trọ trẹ là nói giọng người địa phương xứ Nghệ, uốn lưỡi nhiều và nặng: Môn là cựa, cựa ra cựa vô, không phại là cựa ga cựa vịt. Nói ra miệng là bộc lộ một mưu định.

Còn nói đi không phải vừa nói vừa đi, mà là giục nhau phát biểu ý kiến, và đi nói theo miền Nam lại là đi hỏi vợ.

Học nói là tập phát âm: Trẻ lên ba, cả nhà học nói. Nhưng học nói cũng còn là học cách nói năng cho khéo léo nữa: Học ăn học nói cho tầy người ta.


C. Nói điều

Đến cái mục khác là mục nói điều, thì nói điều là kể về cái khía cạnh hay dở xấu tốt nào đó.

Ở ăn thì nết cũng hay
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già.

Nó cũng có nghĩa là nói đến cái gì hay hay dở dở: Chúng tôi nói điều gì không phải, xin các ngài đánh chữa đại xá đi cho!
Đất xấu trồng cây khẳng khiu
Những người thô tục nói điều phàm phu.

Có khi cái điều ấy là một câu chuyện:


Khôn ngoan chẳng lọ là nhiều
Người khôn mới nói nửa điều đã khôn.

Bởi vậy Nguyễn Du mới có quyền viết:

Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Nói người là kể xấu người:

Nói người chẳng ngẫm đến ta
Thử sờ lên gáy xem xa hay gần.

Người ta nói là thiên hạ xầm xì bàn tán: Người ta nói đã rát cả tai ra đấy. Nghe nói là hình như có ai nói thế: Nghe nói bây giờ cô ấy lấy Mỹ.

Nói chuyện là kể lể và có sự đáp ứng nhau về một sự việc đã xảy ra. Còn kể truyện chỉ là một người biết truyện và kể lại bằng văn xuôi hay văn vần.

Nói vậy là thành ngữ để kết luận mà chiều hướng lại khác với dự tưởng của người ta: Nói vậy, chớ tao mặt nào làm như thế! Nó đồng nghĩa với tiếng tuy nhiên hay giản dị hơn và nôm na hơn, là nói thì nói chờ đời nào tao làm thế.

Nói vậy không thể lầm với tiếng vậy không thôi, là tiếng để kết luận theo chiều hướng lý luận đã dẫn.

Vậy, xin các bạn đọc ghi nhận cho: tiếng nói của một nước mà nhiều nghĩa đến như thế, thì đủ rõ đời sống tinh thần của nước ấy phong phú thế nào.

Và bạn đọc khi công nhận điều ấy là phải, thì sẽ trả lời: Thôi, còn phải nói! Nghĩa là: Thôi, điều ấy còn cần gì phải nói nữa, điều ấy thì khỏi phải nói, hay hết nước nói rồi, de người ta dịch ra tiếng Tây giả cầy là “phi-ni lô đia” vậy.


[1]Bà Tú Để chắc xưa là một người khéo nói và giả nhân giả nghĩa giỏi lắm nên mới nổi tiếng như vậy.

Nguồn: Tạp chí Văn, Nghiên cứu và Phê bình văn học, năm thứ nhất, đệ nhất tam cá nguyệt 1967, tập 1, trích từ trang 12 đến trang 30.