Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

TIN GIÁO PHẬN QUI NHƠN THÁNG 7

Ø  KHOÁ HUẤN LUYỆN CHỨC VIỆC GIÁO PHẬN (13-15.07.2011)
+ Chiều ngày 13.07.2011, 170 quý chức của 40 giáo xứ trong giáo phận Qui nhơn đã tề tựu về Tòa giám mục, để tham dự khóa huấn luyện chức việc do Ban Giáo dân tổ chức. Sau lời chào của cha Trưởng Ban Giáo dân đại diện các chức việc, Đức cha Phêrô đã cho lời huấn dụ. Đức cha Phêrô đã công bố chính thức ký ban hành “Quy chế Hội đồng Giáo xứ” ngày 29.06.2011 và cho áp dụng thử nghiệm 4 năm kể từ ngày ký. Đức cha Phêrô mong muốn các Giáo xứ áp dụng Quy chế này để thống nhất trong toàn giáo phận.
+ Ngày 14.07.2011, Đức cha phó Matthêô Nguyễn Văn Khôi trong một tiết học cũng đã công bố chính thức với tất cả quý chức trong toàn giáo phận về việc ban hành “Quy chế Hội đồng Giáo xứ”, và cho áp dụng thử nghiệm 4 năm kể từ ngày ký (29.06.2011). Ngài giải giảng rất cặn kẽ chi tiết “Quy chế Hội đồng Giáo xứ”, để quý chức thấu hiểu hầu có thể áp dụng hiệu quả và phù hợp trong giáo xứ của mình. Sau giờ học, quý chức hội thảo theo tổ về “Quy chế Hội đồng Giáo xứ” rất sôi nổi, và đúc kết chung. Hầu hết quý chức đều rất mong muốn các Cha Sở cho áp dụng “Quy chế Hội đồng Giáo xứ” mới này.
+ Chiều cùng ngày, cha Phêrô Trương Minh Thái đã nói về “Vai trò người chức việc cộng tác với cha sở trong mục vụ Bí tích”, bài thuyết trình này đã làm sáng tỏ vai trò rất quan trọng của người chức việc, giúp các chức việc thấu hiểu phận vụ và công việc của mình trong mục vụ bí tích, giúp các chức việc thêm tự tin về vai trò của mình trong việc cộng tác với cha sở. Sau giờ học, quý chức hội thảo theo tổ về đề tài vừa được học hỏi và đúc kết chung. Quý chức hiểu được giá trị cao cả của mình khi cộng tác với cha sở trong việc trao ban bí tích cho giáo dân, và hiểu đầy đủ hơn về vai trò và những công việc mình cần phải làm.
+ Ngày 15.07.2011, các chức việc đã về đất Thánh Gò Thị để tham dự thánh lễ đồng tế do Đức cha Phêrô chủ sự, mừng kính trọng thể lễ Thánh Trùm cả Anrê Nguyễn Kim Thông, bổn mạng của các chức việc. Đức cha phó Matthêu giảng lễ. Cuối lễ, sau lời cám ơn của một đại diện chức việc toàn giáo phận, Đức cha Phêrô đã nói lên vai trò quan trọng của các chức việc trong giáo xứ, ngài mong muốn các chức việc hãy bắt chước gương thánh Anrê Kim Thông để các giáo xứ trong giáo phận ngày càng phát triển. Sau thánh lễ, quý chức có bữa cơm thân mật tại nhà xứ Gò Thị bế mạc khóa huấn luyện.

Ø THƯ ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN BAN HÀNH THỬ NGHIỆM QUY CHẾ HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ
Hội đồng Giáo xứ hay tổ chức tương tự đã có từ lâu trong giáo phận chúng ta. Từ sau Công đồng Vaticanô II và sau khi Tông huấn “Các Kitô hữu giáo dân” được ban hành (1988), công tác tông đồ giáo dân được chú trọng và đẩy mạnh hơn. Theo đó, giáo phận chúng ta cũng cần canh tân Hội đồng Giáo xứ theo hướng dẫn của huấn quyền và Giáo luật mới. Bản thử nghiệm Quy chế Hội đồng Giáo xứ Giáo phận Qui Nhơn là bước đầu làm nền tảng cho sự canh tân nầy.
Tôi xin trân trọng gởi đến Quý Cha, Quý Chức và anh chị em trong giáo phận bản Quy chế nầy và cho phép áp dụng thử nghiệm trong thời gian 4 năm kể từ ngày ký. Xin quý Cha và anh chị em tiếp tục đóng góp ý kiến để xây dựng một Quy chế Hội đồng Giáo xứ chính thức sau nầy.
Xin Chúa thương chúc lành cho những nỗ lực chung của chúng ta trong việc phục vụ Dân Chúa được tốt hơn.
TGM Qui Nhơn, ngày 29 tháng 6 năm 2011
X Phêrô Nguyễn Soạn
Giám mục Giáo phận Qui Nhơn

Ø  TIẾP SỨC MÙA THI
Từ ngày 1/7 đến 10/07/2011, Chủng viện Qui Nhơn đã tiếp nhận các thí sinh thi về tạm trú để thi đại học. Ban tiếp sức mùa thi Kontum đứng ra tổ chức như thường làm hàng năm. Ban điều hành 44 người gồm 1 linh mục, 12 thầy ĐCV, 5 nữ tu, 3 giáo viên, 3 nhân viên y tế, 20 sinh viên công giáo tình nguyện. Trong hai đợt thi, ban điều hành đã tiếp đón tổng số 1517 người, trong số đó có 1393 sinh viên ở tại Chủng viện. Sĩ số sinh viên công giáo là 691 và không công giáo là 826. Đa số là sinh viên Gialai và Kontum, còn tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi… chỉ có 293 thí sinh. Thí sinh dân tộc ít người là 151 em. Theo ban điều hành, năm nay số thí sinh ở tại Chủng viện cao hơn năm trước khá nhiều.
Ø  HUẤN LUYỆN LINH HOẠT VIÊN
Từ chiều ngày 18/07/2011 đến hết ngày 21/07/2011, Ban Mục vụ Giới Trẻ (BMVGT) giáo phận Qui Nhơn tổ chức khóa huấn luyện linh hoạt viên (LHV) tại chủng viện Qui Nhơn. Đây là lần đầu tiên BMVGT tổ chức khóa đào tạo này và đã qui tụ được 185 bạn trẻ đến từ các giáo xứ, trong giáo phận cùng các soeurs dòng MTG Qui Nhơn, các thầy, các chú thuộc chủng viện Qui Nhơn. Số lượng học viên được thống kê theo từng giáo hạt như sau:
Hạt Quảng Ngãi: 4 giáo xứ, 12 học viên
Hạt Phú Yên: 9 giáo xứ, 31 học viên
Hạt Bình Định: 17 giáo xứ, 89 học viên
Chủng viện Qui Nhơn: 41 học viên
Dòng MTG Qui Nhơn: 12 học viên
Ban huấn luyện trong khóa đào tạo LHV này gồm: Cha F.x Nguyễn Minh Thiệu (dòng SDB), anh Giuse Trịnh Vũ Minh (Sài Gòn) và Ban Mục Vụ Giới trẻ giáo phận Qui Nhơn gồm cha Trưởng ban Antôn Padua Trần Liên Sơn, cha phó ban nội vụ Phaolô Võ Đình Hoài, cha phó ban ngoại vụ Giuse Nguyễn Đức Minh, cha thư ký Giuse Nguyễn Bá Thành và soeur đặc trách phụng vụ Anna Nguyễn Thị Lệ dòng MTG Qui Nhơn.
Mở đầu khóa huấn luyện là đề tài khai mạc của Đức Cha Phó, ngài nói lên tầm quan trọng của việc mục vụ cho người trẻ hiện nay với những thuận lợi và thách đố khác nhau. Trong 3 ngày huấn luyện tiếp theo, ban giảng huấn đã huấn luyện nhiều kỹ năng khác nhau như: Kỹ năng sáng tác múa cộng đồng, kỹ năng sinh hoạt trong nhà và ngoài trời, kỹ năng làm báo chạy và thực hành, kỹ năng lập chương trình theo chủ đề, kỹ năng sinh động nhóm, kỹ năng thiết lập một chương trình văn nghệ, kỹ năng sử dụng các phương tiện truyền thông trong mục vụ giới trẻ, phương pháp hàng đội, hướng dẫn cắm hoa trong phụng vụ… Và các đề tài hội thảo liên quan đến giới trẻ như: Giới trẻ và game online, giới trẻ và điện thoại di động. Cùng với việc rèn luyện kỹ năng và các đề tài hội thảo là hướng dẫn các bạn trẻ cầu nguyện theo phương pháp Taizé, cầu nguyện Lectio Divina với hình ảnh minh họa và nhạc nền rất sống động.
Qua khóa huấn luyện LHV này, các bạn trẻ tham dự đã có được những kỷ năng nhất định trong công tác liên quan đến giới trẻ. Có thể nói, khóa học đã khơi nguồn nơi nhiều bạn trẻ tinh thần năng động của tuổi trẻ và lòng nhiệt huyết phục vụ trong các giáo xứ và các cộng đoàn. Và khóa học này cũng là dịp giúp cho giới trẻ trong các giáo xứ có dịp gặp gỡ chia sẻ và giao lưu với nhau trong tinh thần đoàn kết yêu thương. Khóa học kết thúc trong niềm lưu luyến không muốn chia xa của các bạn trẻ sau những ngày vui vẻ gắn bó với nhau.
Đây là lần đầu tiên Ban giới trẻ giáo phận nỗ lực tổ chức khóa huấn luyện nầy và hy vọng thời gian sau nầy sẽ có những khóa kế tiếp để nâng cao trình độ và kỹ năng hơn nữa.

Ø  ĐỨC CHA PHÓ THĂM MỤC VỤ - BAN BÍ TÍCH THÊM SỨC
Giáo hạt Bình Định
Sáng thứ tư, 29/6, vào lúc 9 giờ, Đức Cha về thăm mục vụ giáo họ Gò Dài, thuộc giáo xứ Gò thị, và cử hành Thánh lễ đồng tế trọng kính hai thánh Phêrô và Phaolô tông đồ, Bổn mạng của giáo họ. Hiện diện trong thánh lễ có nhiều thầy Đại Chủng Viện, các soeurs Dòng Mến Thánh Giá và đông đảo bà con giáo dân trong giáo họ, giáo xứ và ngoài giáo xứ đến hiệp ý cầu nguyện. Đầu lễ, Đức Cha mời gọi mọi người dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, cầu nguyện đặc biệt cho giáo họ và giáo xứ, cũng như cho Đức Cha chính, Cha Tổng Đại Diện, cha sở Gò Thị và một số cha đã từng phục vụ ở Gò Thị hay xuất thân từ Gò Thị có tên thánh là Phêrô hay Phaolô. Sau thánh lễ, Đức Cha cùng chia sẻ niềm vui ngày lễ Bổn Mạng với cha sở, quí cha, quí thầy và đại diện giáo dân trong bữa cơm thân mật.
Tối thứ sáu, 1/7, vào lúc 7 giờ, Đức Cha về thăm mục vụ giáo xứ Qui Đức và cử hành lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, Bổn mạng của giáo xứ. Qui Đức là giáo xứ có số giáo dân lớn nhất trong toàn giáo phận, nên các thành phần tham dự thánh lễ Bổn mạng rất đông đảo, chật ních nhà thờ, kể cả tầng trên và tiền đường, nhưng rất trang nghiêm sốt sắng. Đặc biệt nhiều bài hát trong thánh lễ, nhất là phần đáp ca, được hát cộng đồng. Trong dịp này cha sở cũng chọn ra 14 em xuất sắc nhất trong toàn giáo xứ về học lực và hạnh kiểm trong các lớp giáo lý vỡ lòng để cho rước lễ lần đầu. Sau thánh lễ, Đức Cha dùng cơm tối với cha sở và quí cha trong niềm vui ngày lễ Bổn Mạng của giáo xứ.
Sáng Chúa nhật, 10/7, lúc 7 giờ, Đức Cha về thăm mục vụ giáo xứ Cây Rỏi và cử hành thánh lễ đồng tế để cầu nguyện cho giáo xứ và đặc biệt cho quí Ban chức việc, nhân ngày lễ kính thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, Bổn mạng của các Ban chức việc, sắp đến (15/7). Trong dịp này cha sở cũng tổ chức trao giải thưởng của giáo xứ cho các em đạt giải văn thơ Lm. Đặng Đức Tuấn lần thứ hai, do Ban Truyền thông Văn hóa Giáo phận tổ chức, nhằm khuyến khích các em phát triển tiếng Việt. Được biết trong cuộc thi này, giáo xứ Cây Rỏi có 15 em dự thi, và đạt 1 giải nhất, cả 4 giải nhì, 1 giải ba và 4 giải triển vọng. Sau thánh lễ, Đức Cha chia sẻ niềm vui lễ Bổn mạng với các chức việc trong bữa cơm thân mật tại nhà xứ.
Sáng thứ bảy, 16/7, lúc 9 giờ, Đức Cha về thăm mục vụ giáo họ Mỹ Cang, giáo xứ Lục Lễ, và cử hành lễ Đức Mẹ núi Camêlô, Bổn mạng của giáo họ. Cùng đồng tế với Đức Cha, ngoài cha sở Phêrô Nguyễn Đình Hưng còn có cha Hạt trưởng Bình Định và 12 linh mục, trong đó có cha Micae Ngô Đình Vãn CSsR, quê Mỹ Cang, cha Phêrô Lê Thanh Quang từ Hoa Kỳ về và một cha già dòng Don Boscô trong đoàn hành hương La Vang. Giáo dân trong giáo họ và từ các nơi về hiệp dâng thánh lễ rất đông, theo truyền thống từ lâu của giáo họ. Sau thánh lễ là bữa tiệc thân mật do giáo họ khoản đãi.
Sáng Chúa nhật, 24/7, lúc 8 giờ, Đức Cha về thăm giáo xứ Phù Mỹ và cử hành thánh lễ ban phép thêm sức cho 70 em trong giáo xứ. Vì địa bàn giáo xứ Phù Mỹ đất rộng người thưa, nên cha sở phải tạo điều kiện để các em ở xa được về ăn ở tại nhà xứ để học giáo lý trong thời gian mấy tháng qua. Sau thánh lễ, các em được ở lại dự liên hoan có chương trình ca nhạc giúp vui. Đức Cha và các cha cũng chia vui với cha sở, cha phó và quí ban chức việc trong bữa cơm thân mật.
Chiều ngày 25/7, lúc 5 giờ 45, Đức Cha về giáo xứ Qui Hiệp để chủ sự thánh lễ kính thánh Giacôbê tông đồ, Bổn mạng của cha sở Giacôbê Đặng Công Anh. Có các soeurs Dòng MTG, Phan sinh Thừa sai Đức Mẹ và nhiều giáo dân cùng đến hiệp dâng thánh lễ để cầu nguyện cho cha Giacôbê. Cộng đoàn cũng hiệp ý cầu nguyện cho cha sở Kim Châu Gioakim Nguyễn Hoàng Trí đang hiện diện, vì hôm sau, 26/7, lễ thánh Gioakim là Bổn mạng của ngài. Sau thánh lễ niềm vui ngày Bổn mạng được tiếp nối bằng bữa tiệc thân mật tại nhà xứ.
Giáo hạt Quảng Ngãi
Ngày 12/7, vào lúc 8 giờ 30 sáng, Đức Cha đến nhà thờ Đức Mẹ Kỳ Thọ, giáo xứ Châu Me, để cử hành thánh lễ ban bí tích thêm sức cho 58 em, nhân dịp tạ ơn 5 năm xây dựng nhà thờ Kỳ Thọ. Trong bài cám ơn, cha sở Phêrô một lần nữa nhắc lại công ơn và sự đóng góp quảng đại của các ân nhân và giáo dân trong việc xây dựng thánh đường. Bữa cơm thân mật sau thánh lễ làm cho niềm vui ngày lễ được trọn vẹn.
Sau đó Đức Cha về nghỉ trưa tại nhà xứ Quảng Ngãi và lúc 13 giờ 30 Đức Cha có mặt giữa cộng đoàn giáo họ Phú Long thuộc giáo xứ Phú Hòa để cử hành nghi thức làm phép lại ngôi nhà thờ của giáo họ. Nhà thờ được xây dựng năm 1963, nhưng kể từ năm 1965 vì tình hình chiến tranh đã bị bỏ hoang, có lúc trở thành nơi chứa rơm. Gần đây cha sở Tađêô Lê Văn Ý đã tu sửa lại và cử hành thánh lễ vào mỗi ngày Chúa nhật. Hiện nay giáo họ có được hơn 50 gia đình và phần lớn ở gần nhà thờ. Hầu hết giáo dân đã tập trung trong nhà thờ để dự nghi thức làm phép lại. Sau khi nghi thức kết thúc, giáo dân ở lại trước tiền đường để gặp gỡ Đức Cha trong khung cảnh gần gũi thân thương.
Chiều thứ bảy, 16/7, Đức Cha ra Quảng Ngãi dùng cơm tối với cha Hạt trưởng và nghỉ đêm tại nhà xứ. Sáng Chúa nhật, 17/7, lúc 7 giờ, Đức Cha viếng thăm mục vụ giáo xứ Châu Ổ và cử hành lễ kính Chúa Cứu Thế, tước hiệu của Dòng Chúa Cứu Thế và cũng là bổn mạng của giáo xứ. Hiện diện trong thánh lễ có các cha Dòng Chúa Cứu Thế và đông đảo anh chị em giáo dân xa gần. Trong thánh lễ, cha Phaolô Nguyễn Thọ cũng cử hành nghi thức hôn phối cho hai đôi tân hôn. Sau thánh lễ, Đức Cha gặp gỡ một số chức việc và giáo dân các họ, sau đó dùng cơm với các cha, các thầy, các chức việc và đại diện các đoàn thể.
Lúc 10 giờ 45, Đức Cha đến thăm giáo họ Bình Hải do cha Giuse Phạm Minh Hảo coi sóc, với sự cộng tác của cha Phêrô Lê Thanh Phục. Mặc dù trời đã trưa, nhưng giáo dân tập trung đầy nhà thờ trong cái nóng oi bức của mùa hè. Đức Cha nghe vị đại diện giáo dân trình bày đôi nét về lịch sử và hiện tình của giáo họ và ban huấn từ cho họ. Sau đó vào lúc 11 giờ 45 Đức Cha đến thăm giáo họ Bình Thạnh do cha Gioan B. Nguyễn Thế Thiệp coi sóc. Giáo dân tập trung tại hành lang nhà nguyện để đón Đức Cha. Cuộc găp gỡ diễn ra trong hơn một giờ, bên ly chè và những đĩa trái cây. Giáo dân của hai giáo họ này phần lớn là những người nghèo, có người phải đi bộ 6 cây số để đến nhà nguyện dự lễ. Khoảng gần một giờ chiều, Đức Cha từ giã mọi người và trở về Qui Nhơn.

Ø  SINH HOẠT GIÁO HẠT BÌNH ĐỊNH.
- Lễ kỷ niệm 100 năm xây dựng nhà thờ Tân Quán. Ngày 1/07/2011 giáo họ Tân Quán (giáo xứ Tân Dinh) đã tổ chức trọng thể lễ bổn mạng Thánh Tâm Chúa Giêsu và đồng thời kỷ niệm 100 năm xây dựng nhà thờ Tân Quán (1911-2011). Bên cạnh các linh mục giáo phận, Thánh Lễ tạ ơn qui tụ khá đông các tu sĩ nam nữ và linh mục gốc Tân Quán trong cũng như ngoài giáo phận về tham dự. Ngoài ra có đông giáo dân xa gần gốc Tân Quán cũng nhân dịp nầy tụ họp về để dâng lời cảm tạ Thiên Chúa. Nhà thờ cũng mới sơn sửa lại cho khang trang hơn. Đặc biệt cha sở Tân Dinh đã cho đổ đất trước cổng nhà thờ giáp với bàu nước để mở rộng diện tích, tương lai có thể làm như một quảng trường khá nên thơ, thoáng đãng. Trong giáo phận có khá nhiều linh mục, chủng sinh và nữ tu xuất thân từ Tân Quán, trong đó có bà nội của Đức Cha chính Phêrô là người Tân Quán. Nhân dịp quan trọng nầy, một tập tài liệu về Tân Quán được ấn hành để kỷ niệm. Một thoáng lịch sử Tân Quán cũng được vị đại diện giáo họ Tân Quán đề cập trong bài cám ơn.
- Hội  trại tổng kết năm học giáo lý Giáo xứ Gò Thị. Theo thông lệ hằng năm, cuối năm học giáo lý, giáo xứ Gò Thị tổ chức tổng kết năm học giáo lý bằng hai ngày hội trại. Năm nay, hội trại tổng kết giáo lý được tổ chức vào ngày 5 và 6/07/2011 với gần 300 trại sinh từ khối Căn Bản đến khối Vào Đời.
Từ sáng sớm ngày 5 các lớp giáo lý đã tập trung dựng trại. Buổi chiều các lớp bắt đầu chính thức bước vào kỳ trại. Buổi tối là chương trình văn nghệ lửa trại tạo bầu khí vui vẻ cho các em và bà con trong giáo xứ với 13 tiết mục văn nghệ do các em học sinh giáo lý của các khối lớp biểu diễn.
Buổi sáng ngày 6 với phần thi đố vui giáo lý nhằm khuyến khích các em học sinh giáo lý chăm chỉ học hỏi giáo lý, tìm hiểu Kinh Thánh và thuộc nhiều các kinh sáng tối cần thiết. Buổi chiều với phần thi trò chơi dân gian rất sôi nổi tạo nên bầu khí vui vẻ và thi đua lành mạnh. Kết thúc ngày hội trại với thánh lễ tạ ơn tổng kết năm học giáo lý.
- Lễ Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông tại Giáo xứ Gò Thị. Ngày 15/07/2011, lễ kính trọng thể Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, vị thánh tổ tử đạo của Giáo phận Qui Nhơn, được tổ chức trọng thể tại giáo xứ Gò Thị, quê hương của ngài. Tham dự thánh lễ có Đức Cha Chính, Đức Cha Phó của giáo phận cùng 46 linh mục trong và ngoài giáo phận dâng thánh lễ đồng tế. Đức Cha chính chủ sự thánh lễ và Đức Cha phó chịu trách nhiệm giảng lễ. Trong lời đầu lễ Đức Cha Phêrô nhắn nhủ cộng đoàn rằng: “Hôm nay chúng ta long trọng mừng lễ Thánh Trùm Cả Anrê Nguyễn Kim Thông, xưa kia ngài đã cộng tác đắc lực với Thánh Stêphanô Thể, vị Giám mục thứ mười của Giáo phận Qui Nhơn trong công việc mục vụ và truyền giáo. Người đã sống đời tín hữu gương mẫu, nêu gương đạo đức, mến Chúa yêu người và hết sức nhân bản, đặc biệt yêu mến Đức Trinh Nữ Maria. Sau cùng đã bị lưu đày và chết vì đạo Chúa.
Hôm nay là ngày bổn mạng Quý Chức trong giáo phận chúng ta cùng toàn thể những ai giúp việc Nhà Chúa. Là con cháu, hậu duệ của ngài, chúng ta hãy ra sức học hỏi và theo gương sáng của ngài, đặc biệt là trong công việc truyền giáo. Chúng ta hãy cầu xin Chúa vì công nghiệp của Thánh Anrê, ban cho chúng ta biết đem đời sống đạo đức, thánh thiện, bác ái của chúng ta làm chứng nhân cho Đức Tin Kitô giáo và làm người giáo dân gương mẫu, để mọi người nhận biết Chúa và tin theo Chúa”.
Thánh lễ được cử hành thật trang nghiêm và sốt sắng với sự tham dự đông đủ của các thành phần dân Chúa trong giáo phận. Trong đó, có đông đảo quí thầy, quí soeurs học viện MTG Qui Nhơn và đặc biệt có đông đảo các chức việc của các giáo xứ trong toàn giáo phận cũng về tham dự lễ kính Thánh Anrê bổn mạng của các chức việc. Ngoài ra cũng có nhiều bà con xa gần về dự lễ kính vị thánh tử đạo người con ưu tú của giáo phận. Sau Thánh lễ, quý cha, quý nam nữ tu sĩ cùng quý chức dùng bữa cơm trưa thân mật tại nhà xứ. Buổi lễ kết thúc trong bầu khí vui vẻ, yêu thương và hẹn gặp lại vào ngày giỗ thánh tổ sang năm.
- Khánh thành Nhà thờ Hòa Dõng.Ngày 20/07/2011 tại giáo Họ Hòa Dõng, giáo xứ Phù Cát đã tổ chức trọng thể lễ khánh thành và làm phép nhà thờ mới xây dựng. Nhân dịp nầy cũng làm phép luôn tượng đài thánh Giuse. Hiện diện trong thánh Lễ do Đức Cha chính Phêrô chủ tế còn có Đức Cha Phó, cha Tổng Đại Diện, 35 cha trong và ngoài giáo phận. Khá đông bà con giáo dân và ân nhân xa gần về tham dự sự kiện đặc biệt nầy của giáo họ.
Địa thế nhà thờ Hòa Dõng khá đẹp, nổi bật trên cánh đồng rộng và thoáng. Cha sở Phù Cát Phaolô Nguyễn Văn Khiêm cho biết  nhà thờ Hòa Dõng trước đây được xây dựng năm 1969 dưới thời cha Augustinô Nguyễn Thanh Huệ và khánh thành năm 1970. Nhà thờ lúc ấy rất đơn sơ: tường gạch mái lá, chiều rộng khoảng 8m chiều dài khoảng 16m. Đến năm 1984 nhà thờ bị sập hoàn toàn trong một cơn bão số lớn năm ấy. Khi nhà thờ sập, khu đất này bỏ hoang nên xã Cát Tân quản lý. Đến năm 2008 cha sở Phù Cát Phaolô Nguyễn Văn Khiêm mới làm đơn xin phục hồi lại họ đạo này và đã được chấp nhận vào năm 2010. Nhà thờ mới được khởi công xây dựng vào ngày 31/05/2010 và khánh thành ngày 20/07/2011. Nhà thờ mới có diện tích là 450 mét vuông. chiều rộng là 15m chiều dài là 35m, tháp cao 25m. Ngày bổn mạng của họ đạo Hòa Dõng là 19/03.
- Họp tiểu ban Loan Báo Tin Mừng Hạt Bình Định lần 3. Ngày 28/07/2011 tại chủng viện Qui Nhơn đã diễn ra cuộc họp của tiểu ban Loan Báo Tin Mừng Hạt Bình Định lần thứ III. Chương trình được sắp xếp như sau.
Buổi sáng 07g30 khai mạc và ổn định lớp. Từ 08g00 đến 09g00 cha Phêrô Võ Tá Khánh thuyết trình đề tài “Chương trình truyền giáo qua truyền thông”. Từ 09g00 đến 10g00 cha F.x Lữ Minh Điểm thuyết trình về Cách truyền giáo theo kinh nghiệm cá nhân của cha. Và 10g00 đến 11g00 cha Giuse Nguyễn Đình Bút thuyết trình bài “Truyền giáo trên quê tôi”.
Buổi chiều lúc 13g30 cha Bút tiếp tục bài “Truyền giáo trên quê tôi”.
Đến 14g30 chia sẻ cảm nghiệm của những anh vừa trở lại đạo, hầu giúp chúng ta có một cái nhìn mới về những nhu cầu của những anh chị em lương dân. Phần nầy do anh Simon Võ Văn Quí và anh F.x Phạm Tuấn Tuyết trình bày.
Từ 15g00 đến 16g00 tham gia phát biểu, góp ý và định hướng cho lần họp tới. Sau cùng là được kết thúc với hát Thần Khí Chúa Đã Sai Tôi Đi.
- Ban tu sĩ Hạt Bình Định. Vào lúc 8h00 ngày 19.07.2011 tại cộng đoàn Ngôi Lời Kim Châu. Ban Tu Sĩ Giáo Hạt Bình Định có cuộc họp với nội dung:
  1. Ơn gọi:
-        Tìm kiếm ơn gọi.
-        Giáo dục ơn gọi tại Giáo xứ hay ở các cộng đoàn.
-        Định hướng về ơn gọi
-        Linh mục và Tu Sĩ là người làm chứng về ơn gọi của mình: lòng trung tín và đời sống vui…
2.       Bàn thảo và đi đến thống nhất sẽ ra mắt cuốn Giáo dục nhân bản dành cho các em tìm hiểu ơn gọi và dự tu… cuốn sách này sẽ được gởi đến quý cha và các cộng đoàn các Dòng góp phần trong việc giáo dục ơn gọi…
3.       Đón nhận thành viên mới: Sr Dung Dòng Phao lô thay cho Sr Khiết; Sr Dung Dòng Phan sinh thay Sr Cat.
4.       Chia tay với cha Gioakim Sỹ Hùng trong bữa cơm thân mật do Cha Hùng thiết đãi với sự hiện diện Cha sở Kim Châu, Cha trưởng ban Tu Sĩ Giáo Phận và tân Linh mục Tuấn, Dòng Ngôi Lời.
5.       Cuộc họp kỳ tới dự định vào đầu tháng giêng 2012 với nội dung Tu Sĩ Truyền Giáo.


Ø SINH HOẠT GIÁO HẠT PHÚ YÊN
   - Lễ Anrê Phú Yên tại Mằng Lăng. Là quê hương sinh trưởng của Á Thánh Anrê Phú Yên, ngày 26/7/2011, Giáo xứ Mằng Măng bỗng trở nên rộn ràng và xinh tươi hơn hẳn khi chuẩn bị đón mừng ngày sinh nhật trên trời lần thứ 367 của chứng nhân đức tin đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam. Từ sáng sớm đã có từng đoàn người từ khắp các giáo xứ hạt Phú Yên và Bình Định đổ về để tham dự thánh lễ. Chiều hôm trước, một số giáo lý viên đã dựng trại trong khuôn viên nhà thờ để sinh hoạt mừng ngày bổn mạng của Giáo lý viên. Gần 10g, xe đưa hai Đức Cha từ Qui Nhơn vào đến nơi, đội kèn đồng Nhà thờ Chính toà ra đón và đưa xe vào trong khúc nhạc vui tươi hùng tráng. Cha sở Mằng Lăng và các cha chào đón hai Đức Cha tận cổng nhà thờ và đưa vào giữa hai hàng giáo dân. Có lẽ hơi trễ so với chương trình dự định, nên sau giây phút nghỉ ngơi ngắn ngủi, đoàn kiệu bắt đầu rước ảnh và di tích của Á Thánh Anrê đi vòng quanh nhà thờ và bắt đầu thánh lễ đồng tế với hai Đức Cha và 39 linh mục trong giáo phận.
Mở đầu thánh lễ, Đức Cha chính Phêrô đã phác hoạ chân dung vị Á Thánh trẻ tuổi “đã dám sống dám chết vì đức tin và cho xã hội được tốt đẹp hơn. Chỉ bốn năm sống đời thầy giảng, thầy đã tỏ mình là một thanh niên lanh lợi, không những thông thạo kinh bổn trong đạo mà còn thuộc lòng sách các thánh hiền thời đó. Nơi thầy có sự hòa hợp văn hóa Á đông với giáo lý Kitô giáo… Chúng ta cảm đội Ơn Chúa vì đã thương ban cho chúng ta một vị Á Thánh được tôn vinh trên bàn thờ. Chúng ta luôn nhớ mình là con cháu của Ngài, có bổn phận kế tục sự nghiệp làm chứng nhân cho Tin Mừng trong thời đại chúng ta”.
Trong bài giảng lễ, cha Phaolô Nguyễn Minh Chính đã dựa vào thần học tử đạo, cái nhìn “khải huyền” của biến thiên lịch sử địa lý, các bài đọc trong thánh lễ và báo cáo của ban Sử Học trong hồ sơ xin phong Á Thánh, để tìm ra những nét đặc sắc trong cuộc đời của vị Á Thánh, đồng thời nêu lên một gương sống đức tin trưởng thành dầu tuổi đời còn rất nhỏ. “Với cái chết giữa tuổi thanh xuân, vị Á Thánh trẻ tuổi Anrê Phú Yên, đã khuyến khích mọi người chúng ta, nhất là những người trẻ, hãy can đảm làm chứng cho Đức Kitô trong đời sống thường ngày. Hẳn nhiên, Ngài không đòi hỏi chúng ta phải đổ máu mình ra nhưng ngay từ bây giờ hãy làm chứng cho chân lý trong cuộc sống thường ngày, giữa lòng một xã hội lãnh đạm với những giá trị siêu việt cũng như chủ nghĩa vật chất và khoái lạc chủ nghĩa thắng thế đang bóp nghẹt lương tâm mọi người”.
Trước ban phép lành kết lễ, Đức Cha Phêrô một lần nữa nhắn nhủ: “Hôm nay mừng ngày sinh nhật trên trời của người, là con cháu, chúng ta hãy noi gương người sống đức tin vững mạnh và đức ái nồng cháy, nêu gương mến Chúa yêu người. Giáo xứ Mằng Lăng, quê hương thân yêu của Á thánh Anrê, đang trổ sinh hoa trái thiêng liêng dồi dào, báo hiệu tương lai sẽ gặt được nhiều vụ mùa bội thu cho Giáo Hội và giáo phận. Chúng ta cầu nguyện và hy vọng từ Mằng Lăng, ngọn lửa nhiệt tình Nhà Chúa sẽ lan rộng hơn nữa, đốt nóng mọi tâm hồn để tất cả chúng ta say mê tình Chúa và sẵn sàng hy sinh cho phần rỗi các linh hồn theo gương anh dũng của Á Thánh Anrê Phú Yên”.
Sau thánh lễ, hai Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ và một số khách mời tham dự bữa tiệc mừng tại phòng hội của nhà xứ. Ngoài ra, mỗi người tham dự thánh lễ đều được nhận một phần quà chia vui từ cha sở Mằng Lăng. Thời gian vừa qua, cha sở Mằng Lăng Phêrô Nguyễn cấp đã đi dự Đại Hội Giáo Lý Việt Nam tại Hoa Kỳ được tổ chức tại Baton Rouge, bang Louisiana, từ ngày 24 đến 26/6/2011. Đại hội có mục đích kỷ niệm hai biến cố quan trọng của Giáo Hội Việt Nam: 350 hạt giống Tin Mừng được gieo rắc và vun tưới trên quê hương Việt Nam thân yêu, và 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Chủ đề của đại hội là: “Sức sống Đức Tin trong giòng lịch sử của người Công Giáo Việt Nam”. Cha Phêrô Nguyễn Cấp cũng tham gia một bài thuyết trình tại Đại hội với tiêu đề “Thầy giảng Anrê Phú Yên: Giáo Lý viên và Chứng Nhân Tin Mừng”.

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

CÔNG GIÁO VIỆT NAM: KẾT QUẢ CỦA HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ BẢN SẮC VĂN HOÁ

Ts. Phạm Huy Thông

Thomas Friedman, phóng viên của tờ New York Time cho rằng, thế giới đã trải qua ba lần toàn cầu hoá. Lần toàn cầu hoá 1.0 xảy ra khi Colombus giương buồm vượt biển về phía Tây và tìm ra châu Mỹ mở ra thời kỳ giao thương giữa thế giới cũ và thế giới mới, biến thế giới rất to lớn trở thành trung bình.

Toàn cầu hoá 2.0 diễn ra từ khoảng năm 1800 đến cuối thế kỷ XX với sự xuất hiện của đường sắt, điện thoại, cáp quang và phiên bản ban đầu của World wide web làm cho thế giới từ trung bình trở thành nhỏ bé.

Còn toàn cầu hoá 3.0 với sự ra đời của internet, phần mềm kỹ thuật số đang diễn ra hiện nay, bất đầu từ cuối thế kỹ XX, đã biến mọi người trên địa cầu thành láng giềng sát vách, thế giới trở thành nhỏ xíu. Như vậy, theo tư liệu lịch sử, đạo Công giáo được du nhập vào Việt Nam chính ở lần toàn cầu hoá 1.0. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử suốt 5 thế kỷ hiện diện trên đất nước này, đạo Công giáo Việt Nam là một thành quả của sự hội nhập quốc tế và giữ gìn bản sắc văn hoá Việt. Chúng ta có thể thấy rõ sự thể hiện của nó trong vài trò là chiếc cầu nối giao lưu giữa văn hoá phương Tây với Việt Nam và hội nhập văn hoá Việt để Việt hoá tôn giáo này.

1.      Chiếc cầu nối giao lưu giữa văn hoá phương Tây với Việt Nam

Đạo Công giáo ra đời ở Trung Á nhưng lại phát triển mạnh mẽ ở châu Âu và mang đậm văn hoá châu lục này. Bởi vậy khi đến Việt Nam nó trở thành sứ giả đem văn hoá, văn minh của Âu châu tới nước ta và cũng giới thiệu văn hoá Việt Nam ra quốc tế.

Thông qua đạo Công giáo, người Việt Nam không chỉ biết đến một tôn giáo mới với giáo lý khá nghiêm ngặt tạo ra lối sống mới như hôn nhân một vợ một chồng, cấm rượu chè, cờ bạc bê tha… mà còn có cơ hội được chiêm ngưỡng những tác phẩm hội hoạ lừng danh như Bữa tiệc ly của Leonard da Vinci, Đức Mẹ đồng trinh của Rafael, được thưởng thức các bản nhạc bất hủ như Ave Maria, Holly Night, Jingle bell. Rồi ở giữa những làng quê thanh bình hay thành thị tấp nập thấp thoáng những kiến trúc lạ mắt của các nhà thờ theo kiểu "gotic" với những tháp chuông nhọn hoắt vươn lên trời cao hay kiểu "roman" vuông vắn, khoẻ mạnh. Cùng với tháp chuông là những bộ chuông Tây vang lên những âm thanh mới và trở thành cảm hứng cho bao nhạc phẩm như Làng tôi của Văn Cao, Em ơi, Hà Nội-Phố của Phú Quang…

Các giáo sĩ đến Việt Nam truyền giáo thời kỳ đầu, hầu hết được đào tạo bài bản nên họ có kiến thức khoa học chuyên sâu nhiều lĩnh vực. Năm 1627, Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) đã biếu chúa Trịnh chiếc đồng hồ chạy bằng bánh xe và tặng chúa cuốn Kỷ hà nguyên bản của nhà toán học Euclide đồng thời giảng giải cho Trịnh Tráng nghe. Giáo sĩ Badinoti (người Ý) năm 1626 cũng được vời vào phủ chúa để giảng về thiên văn, địa lý và toán học. Các giáo sĩ Da Coxta, Langerloi đã đưa vào Đàng Trong phương pháp chữa bệnh theo lối Tây y nên được chúa cho mở nhà thương (bệnh viện). Có hai giáo sĩ là J.B Sanna (người Ý) và S. Piere ( người Bồ) được phong ngự vương dưới thời Minh Vương. Tại Kẻ Chợ, năm 1627, Đắc Lộ cũng nói tới việc lập một nhà thương ở Cầu Dền (Cầu Diễn?) để săn sóc cho người nghèo. Đây có lẽ là cơ sở từ thiện sớm nhất ở nước ta. Các giáo sĩ cũng phổ biến kỹ thuật dệt vải mịn và khổ rộng bằng khung dệt mang từ nước ngoài về để sản xuất tại dòng Mến Thánh giá Di Loan (Quảng Trị) và sản phẩm đã được trưng bày tại hội chợ Paris năm 1867. Công nghệ in của ta trước đây dùng bản khắc gỗ rất lâu công, các giáo sĩ đã du nhập kỹ thuật in bằng con chữ đúc bằng đồng hay chì tại nhà in Vĩnh Trị (Hà Nam) thời Giám mục Jacques Longer (1752-1831). Người ta cũng ghi nhận chính các giáo sĩ đã đưa giống cừu vào Phan Rang để nuôi và linh mục Henry (thuộc MEP) là người đã đưa cây phi lao về trồng ở xứ Hà Úc (Huế)…

Người Việt trước đây coi trọng nghề nông (dĩ nông vi bản) và xem khinh buôn bán, thương mại qua các xếp hạng: sĩ, nông, công, thương. Người ta cũng gọi những người làm nghề thương mại bằng từ khinh miệt: bọn con buôn. Các giáo sĩ đã giới thiệu cách làm giàu như rẻ mua, đắt bán hay cho vay lấy lãi vừa phải. Trong cuốn “Bổn dạy những sự kẻ giảng phải biết và giữ về phép rửa tội” xuất bản thời Giám mục Neez năm 1742 có đoạn viết: “Mùa nào rẻ thóc, rẻ hàng hãy mua, mùa nào mắc sẽ bán cũng nên… Hay là mua lãi cách này: hãy cho người nào thật thà 10 quan hay là 100 quan mặc lòng, mà vốn ấy trao cho người ấy mặc người ấy cầm trọn đời, cùng đời con cái, đời cháu chắt người mặc lòng; mà một năm nó trả như mười quan là hai quan năm, hay là ba quan lãi: một năm là 15, 30, chốc ấy cũng nên” (1).

Đạo Công giáo du nhập vào Việt Nam không chỉ làm xuất hiện những lễ hội mới càng ngày càng được ưa chuộng như lễ Noel, lễ Valentin mà còn xuất hiện cả cách tính lịch mới theo Dương lịch và tuần lễ 7 ngày, cách ghi nhạc mới 5 dòng 7 nốt, nhiều nhạc cụ “ Tây” và cả cách biểu diễn nhạc hiện đại qua các bản hoà tấu thánh ca hay các đội kèn đồng (mà ngày nay người ta vẫn còn gọi là đội kèn Tây). Đạo Công giáo cũng đi đầu trong việc đưa một loại hình thông tin mới là báo chí với sự ra đời của tờ Nam Kỳ địa phận ra số đầu ngày 26-1-1908 và nhiều nhà báo có nghề như Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Huỳnh Tịnh Của (1834-1907)… đem lại kiểu làm báo “Tây học”: “ nói viết như thường”. Bởi trước đây, nhiều tờ báo ở nước ta chỉ là dạng công báo chuyên đăng thông báo, văn bản của chính quyền cai trị.

Một ý nghĩa nữa không thể không nhắc đến là chính trào lưu tư tưởng tự do của phương Tây đã thổi vào Việt Nam thông qua nhiều tín đồ Công giáo và do họ không còn bị ràng buộc bởi ý thức hệ Nho giáo nên đã làm xuất hiện nhiều tư tưởng cải cách táo bạo như linh mục Đặng Đức Tuấn (1806-1874), sĩ phu Đinh Văn Điền ở Yên Mô, Ninh Bình và đặc biệt là Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) mà nhiều kiến nghị đổi mới của ông ngày nay vẫn mang tính thời sự.

Đạo Công giáo giới thiệu văn hoá, văn minh phương Tây vào Việt Nam thì nó cũng làm vai trò giới thiệu văn hoá Việt Nam ra thế giới bên ngoài.

Các giáo sĩ khi đến Việt Nam, hàng năm đều phải làm tường trình về MEP (Missions Étrangères de Paris) hay Roma về tình hình truyền giáo nên họ có nhiều ghi chép về đất nước, con người ở đây. Nhiều ghi chép của họ là những tác phẩm nghiên cứu về dân tộc, tôn giáo, lịch sử, địa lý có giá trị như các tác phẩm Truyện xứ Đông Kinh của Bunzomi, Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài; Hành trình truyền giáo của A. Rhodes hay các cuốn Địa lý lịch sử Quảng Bình qua thư tịch triều đình; Di tích lịch sử Quảng Bình; Dinh trấn các chúa Nguyễn trước Gia Long…của Leopold Cadiere (1869-1965). Các tác phẩm này khi được giới thiệu ở nước ngoài ví dụ bộ ba Từ điển Việt – Bồ – La; Ngữ pháp tiếng Việt; Phép giảng tám ngày của A. Rhodes được in ở Roma năm 1651, thế giới không chỉ biết thêm một chữ viết của người Việt mà còn làm thay đổi nhiều quan niệm của nước ngoài với Việt Nam, ví dụ quan niệm: “ngoài châu Âu ra thì toàn là man di, mọi rợ” hay “Trung Quốc là tất cả những gì đẹp đẽ nhất trái đất”. A. Rhodes đã đặt câu hỏi cho các nhà nghiên cứu ở châu Âu: “Tôi không biết vì sao đất nước rất xinh đẹp này lại không được biết tới, vì sao các nhà địa lý châu Âu không biết tên gọi và gần như không ghi trong bản đồ nào cả. Tuy họ chép đầy đủ tên các nước trên thế giới” (2). Một số giáo sĩ có những nhận xét khá sắc sảo về người Việt như Bunzomi, người Ý, đến Đàng Trong ngày 18-1-1615 đã so sánh người Việt với một số cư dân châu Á như sau: “Họ không nghiêng về văn chương, tính tình không thâm hiểm như người Tàu. Họ không nghiêng về quân bị, tính tình không độc ác như người Nhật. Cả về tầm thước cũng không cao như người Tàu song không thấp như người Nhật. Dễ nghe, dễ tin và nhiều mê tín nhưng người dân Việt dễ nhận ra lẽ phải, không kiêu căng hay tự tôn như người Tàu” (3).

Có những tài liệu của các thừa sai trước đây, bây giờ trở thành những bằng chứng về chủ quyền biên cương của Tổ quốc như ghi chép của Giám mục J. Louis Tabert viết trên tạp chí Journal of the Royal Asia society of Bengal tháng 9-1937: “Quần đảo Panacels mà người Việt gọi là Cát Vàng hay Hoàng Sa gồm nhiều đảo chằng chịt với những đảo nhỏ và bãi cát mà các nhà hàng hải khiếp sợ một cách chính đáng do người Việt xứ Đàng Trong chiếm cứ. Năm 1816, vua Gia Long cắm cờ trên quần đảo này”.

2. Hội nhập văn hoá Việt để Việt hoá đạo Công giáo

Trước hết, phải khẳng định không phải sau Công đồng Vaticanô 2, ở Việt Nam mới diễn ra tiến trình hội nhập văn hoá dân tộc mà ngay từ khi tôn giáo này du nhập vào Việt Nam. Bằng chứng là những tín hữu đầu tiên ở Thăng Long đã dùng thể thơ lục bát để ghi lại sự tích trong Kinh thánh. Ngày Tết, các gia đình Công giáo vẫn dựng cây nêu nhưng phía trên ngọn có thêm hình Thánh giá. Ngày lễ Lá, người ta dùng lá dừa thay cho lá ôliu…Hơn nữa tiến trình này cũng có sự hướng dẫn của Giáo hội chứ không phải là hoàn toàn đơn phương, tự phát. Rõ nhất là bản Monita ad Misinarios (Nhắn nhủ các thừa sai) mà Bộ Truyền giáo đức tin đã trao cho hai Giám mục tiên khởi là Francois Pallu và Lambert de la Motte đến Việt Nam năm 1659. Bản Monita viết:

“Chư huynh đừng bao giờ muốn sửa đổi, đừng tìm lý lẽ nào để buộc dân chúng sửa đổi những phép xã giao, tập tục, phong hoá của họ trừ khi nó hiển nhiên mâu thuẫn với đạo thánh và luân lý. Có gì vô lý và bỉ ổi hơn mang theo cả nước Pháp, Tây Ban Nha, ý hay bất cứ nước nào khác bên trời Âu sang cho dân á Đông chăng? Không phải mang thứ ấy cho họ mà là mang chân lý đức tin, một chân lý, không loại trừ nghi lễ và tập tục của bất cứ dân tộc nào, cũng không xúc phạm đến nghi lễ, tập tục ấy, miễn là chúng không xấu; ngược lại chân lý ấy muốn người ta bảo tồn và duy trì chúng là đàng khác”.

Thứ hai, tiến trình hội nhập văn hoá dân tộc của đạo Công giáo diễn ra trong thời gian dài với nhiều thăng trầm kể cả xung đột, bi kịch và phải trả giá khá đắt nhất là giai đoạn dưới triều Nguyễn ở nước ta. Đồng thời, dưới chế độ thực dân, không phải là thời kỳ thuận lợi để tôn giáo này hội nhập văn hoá dân tộc. Bởi một trong các điều kiện để hội nhập của đạo Công giáo là phải xây dựng được đội ngũ giáo sĩ người Việt. Thế nhưng, không ít thừa sai nước ngoài ngăn cản phong chức linh mục nhất là giám mục cho người Việt. Vì vậy, nếu lấy năm 1533 như Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi là năm đạo Công giáo được du nhập vào Việt Nam thì 135 năm sau tức năm 1668 mới có người Việt đầu tiên là linh mục và 400 năm sau mới có giám mục người Việt đầu tiên (năm 1933). Còn số lượng cũng rất hạn chế, từ năm 1863 đến năm 1945 chỉ có 153 tu sĩ người Việt được truyền chức linh mục, năm cao nhất là năm 1937 có 10 tân linh mục. Không ít lần chính quyền thực dân Pháp cũng muốn thay đạo Công giáo Việt Nam bằng đạo Tin Lành và thay cả các cơ sở từ thiện của Công giáo bằng cơ sở của Nhà nước. Ngày 14-5-1904, Thống sứ Bắc Kỳ Foures đã báo có với viên Toàn quyền Beau như sau: “Các cơ sở y tế tại các dòng tu phục vụ rất tốt. Hiện nay, hầu hết các bệnh viện dân bản xứ vẫn dùng các nữ tu S. Paul. Tìm các điều dưỡng viên là dân thường đảm nhiệm các công việc ấy cùng với một mức lương đó là điều rất khó. Bên giáo dục từ lâu nay, các dòng tu đã mở và điều hành được những trường tốt nhất, có thể nói là duy nhất…Mua lại các cơ sở ấy, hoặc xây dựng các cơ sở tương đương, thay thế nhân sự các dòng tu đang phục vụ tại các bệnh viện và nhà trường sẽ đưa đến hậu quả thảm hại cho ngân sách địa phương. Chính quyền không thể làm được các việc như các dòng tu đã làm mà còn là gánh nặng ghê gớm đối với tài chính quốc gia” (4).

Mặc dù trải qua những sóng gió gập ghềnh nhưng với tinh thần dân tộc của rất nhiều thế hệ người Công giáo, tôn giáo này đã hội nhập được với văn hoá dân tộc để tạo ra một tôn giáo gần gũi với người Việt từ kiến trúc, nghi lễ, lối sống đến nghệ thuật, phụng vụ Công giáo.

Bên cạnh các nhà thờ kiến trúc kiểu gotic, roman cũng có rất nhiều nhà thờ “Nam” mang đậm phong cách dân tộc như nhà thờ lớn Phát Diệm Ninh Bình) rất gần với kiến trúc đình chùa. Nhà thờ Cam Ly (Đà Lạt) dáng dấp như ngôi nhà sàn của đồng bào Thượng. Nhà thờ Pleichuet (Gia Lai) lại thiết kế như ngôi nhà rông của người Jrai, Bahnar… Đồng thời ngay cả các kiến trúc theo phương Tây như nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, nhà thờ Phú Nhai (Nam Định), nhà thờ lớn Hà Nội… người ta vẫn nhận ra bản sắc văn hoá dân tộc qua bàn tay thi công khéo léo của người thợ Việt. Nhà thờ nào cũng có kiến trúc phụ như núi đá, hồ ao, cây xanh như vũ trụ thu nhỏ theo triết lý của người phương Đông “thiên địa nhân nhất thể”. Các bức chạm khắc ở nhà thờ cũng đủ đào, cúc, trúc, mai; long ly, quy, phượng. Các gian nhà thờ cũng chọn con số lẻ 5,7,9. Còn chỗ ngồi trong nhà thờ thì chia ra “nam tả, nữ hữu”. Đây là điều chỉ thấy ở Việt Nam.

Quan sát một đám rước của người Công giáo cũng không khác rước làng bao nhiêu. Cũng trống, kèn, hội bát âm, cờ ngũ sắc. Cũng chú lùn đi kheo, múa trống. Các ông cũng khăn xếp, áo the. Các bà cũng áo dài tứ thân, nón lá. Có khác là thêm hội kèn Tây. Nhà người Công giáo bây giờ cũng thắp hương, bày hoa quả trước di ảnh người quá cố. Tại nhà thờ, tín hữu còn viết lời khấn nguyện ra giấy và đốt trước tượng ảnh nữa.

Trăn trở với nghệ thuật dân tộc, các hoạ sĩ, nhạc sĩ Công giáo cũng đã sáng tạo ra nhiều tác phẩm thuộc nghệ thuật thánh được dư luận đánh giá cao như các bức Madalena dưới chân Thập giá của Lê Văn Đệ, Đức Mẹ Việt Nam của Nam Phong, Giáng sinh của Nguyễn Gia Trí hay các nhạc phẩm Đêm đông của Hải Linh, Kinh hoà bình của Kim Long…Qua các tác phẩm đó, hình ảnh các thánh nhân đã mang vóc dáng người Việt và các làn điệu dân ca từ quan họ Bắc Ninh trữ tình đến các giai điệu Jarai, Bahnar bốc lửa đều có thể tìm thấy ở thánh nhạc.

Buổi đầu, các giáo sĩ theo giáo lý tôn giáo độc thần duy nhất vì vậy những người tiến bộ như Đắc Lộ vẫn coi tất cả các tôn giáo khác là mê tín là tà đạo và không chấp nhận nghi thức thờ cúng tổ tiên. Nhưng đó là điều khác với truyền thống văn hoá dân tộc. Bây giờ, đạo Công giáo gọi các tôn giáo khác là “tôn giáo bạn”. Người Công giáo được kết hôn với người khác đạo. Đây là điều mơ ước của bao đôi trai gái trước đây:

“Amen, lạy Đức Chúa Trời
Cầu cho bên đạo bên đời lấy nhau”

Tại rất nhiều vùng quê, người Công giáo và không Công giáo sống chan hoà với nhau mà người ta gọi một danh từ rất hay là “làng xôi đỗ”. Người Công giáo vẫn đến chùa ngày Phật đản, người không Công giáo lại đến chia vui với người Công giáo ngày chầu lượt và còn đóng góp cả tiền để sửa nhà thờ nữa.

Một số người vẫn cáo buộc đạo Công giáo phổ biến chữ quốc ngữ làm đứt đoạn văn hoá dân tộc. Thế nhưng chính các sĩ phu của nhóm Đông kinh nghĩa thục đã hết sức cổ vũ cho việc học chữ quốc ngữ và coi đó là một kế sách để mở mang dân trí. Việc bỏ chữ Hán, chữ Nôm không phải lỗi của Công giáo. Từ năm 1910, Thống sứ Bắc Kỳ ra nghị định buộc phải dùng chữ quốc ngữ trong giấy tờ hành chính và trong thi cử nên chữ Hán và chữ Nôm mai một dần. Nhưng ở nhiều chủng viện vẫn buộc chủng sinh phải học chữ Hán, chữ Nôm. Kho tư liệu về chữ Hán Nôm Công giáo để lại ngày nay cũng rất đồ sộ (5). Nhiều tác giả như Majorica (1591-1656) đã viết 45 tác phẩm chữ Nôm với 1, 2 triệu chữ.

Yêu nước là truyền thống của người Việt. Vì vậy yêu nước cũng là nét đặc trưng của người Công giáo. Bởi họ đã là người Việt trước khi trở thành tín đồ. Chính điều này đã tạo ra phong trào yêu nước của người Công giáo ngày càng sâu rộng. Ngay lúc đạo Công giáo bị cấm, Nguyễn Trường Tộ vẫn trăn trở dâng lên triều đình 58 bản điều trần những mong nước mạnh để có thể đánh đuổi Pháp xâm lược. Tiếp đó, nhiều người Công giáo đã theo Phan Bội Châu làm cách mạng và có người đã phải bị tù đày ở Côn đảo như các linh mục Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Thần Đồng, Đậu Quang Lĩnh. Ngay những ngày đầu tháng 8-1945, nhiều người Công giáo đã ủng hộ cách mạng và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Chính phủ, Quốc hội. Trong hai cuộc kháng chiến cũng như công cuộc đổi mới hiện nay, người Công giáo vẫn chủ trương “ đồng hành cùng dân tộc”, là công dân tốt và cũng là người Công giáo tốt.

Công giáo Việt Nam ngày nay là sản phẩm của sự giao lưu giữa văn hoá phương Tây và văn hoá dân tộc. Đây là thành công trong việc mở cửa giao lưu với quốc tế nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc. Điều này, có thể giúp chúng ta không quá lo lắng khi hội nhập với thế giới hôm nay để có thể vừa “chớp được thời cơ vàng” nhưng có thể vượt qua “thảm hoạ đen”.

----------------------------------

Chú thích:
1-Dẫn theo Nguyễn Khắc xuyên: Lịch sử địa phận Hà Nội 1626-1954, Paris 1994, tr.150
2-A. Rhodes: Hành trình truyền giáo, Đại kết 1994, tr.143.
3- Nguyễn Hồng: Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, tập 1, Hiện Tại, SG 1959, tr.55
4- Dt Nguyễn Thế Thoại: Công giáo trên quê hương VN, tập 2, Lưu hành nội bộ 2001, tr. 291
5- Theo Lm Nguyễn Hưng: Sơ thảo thư mục Hán Nôm Công giáo, Lưu hành nội bộ 2000, có tới 308 tác phẩm Hán Nôm Công giáo đã được sưu tầm.

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

"QUYỀN LỰC MỀM" GIÚP CHÚA NGUYỄN MỞ CÕI THÀNH CÔNG


Vân Nhi


Trong cuộc mở cõi trải dài về hạ lưu sông Cửu Long (Sài Gòn bây giờ), chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên là người đặt nền móng vững chắc ban đầu khi biến 2 công nữ Ngọc Vạn và Ngọc Hoa (con gái chúa) thành thứ "quyền lực mềm" đối với các hoàng đế lân bang.
Đồng lòng vì quốc gia đại sự
Ngọc Khoa và Ngọc Vạn không chỉ xinh đẹp mà còn tài chí, một lòng giúp phụ thân hoàn tất sứ mệnh mở mang cõi Việt.
Năm 1613, Nguyễn Phúc Nguyên lên thay Nguyễn Hoàng. Ông cho cải tổ lại bộ máy theo phiên chế của họ Nguyễn, bắt đầu ly khai chính quyền Lê Trịnh. Lúc này, Hạ lưu sông Cửu Long vốn là một vùng đất mênh mông, hoang vu hứa hẹn nhiều tiềm năng, vị chúa Nguyễn nổi tiếng tinh anh, từ lâu nung nấu sử dụng đường lối “dân đi trước, làng nước theo sau” để mở mang bở cõi. Ông cũng hy vọng biến nơi đây thành kho lương thực, tài sản quí giá cho người dân và “quốc gia” bé nhỏ của mình. Và ông suy tính, chỉ có thể dùng kế mỹ nhân mới ít phải hao tài, tốn lực. 
Đúng thời điểm đó, vua Chân Lạp Chey Chetta 2 muốn tìm một đối lực để chống lại lân bang Xiêm La nên xin cưới một công nữ, con chúa Nguyễn, làm hoàng hậu. Chúa Sãi chỉ đợi có thế ưng gả ngay nàng Ngọc Vạn, người con gái thứ 2, cho vị vua lân bang này. Và vào năm 1620, cuộc hôn thú có tầm "chính trị" này đã được thực hiện, có ảnh hưởng lớn lao đến vận mạng Chân Lạp sau này.
Không chỉ dừng lại ở đó, ông cho cô con gái út là Ngọc Khoa, vị công nương út, vốn nổi tiếng đẹp nhất trong các công nương, giả làm người đi buôn vào đất Chiêm Thành. Danh tiếng cô lái buôn xinh đẹp đến tai vua xứ này là Po Romé. Vua lập tức cho mời nàng đến. Vừa trông thấy Ngọc Khoa, Po Romé lập tức say mê, rước về làm vợ và phong tước là nàng Bia Út (hoàng hậu Út).
Giống như chị gái, Ngọc Khoa chấp nhận cuộc hôn nhân này và về sau hết lòng phụng sự công cuộc mở cõi của vua cha.
Quyền lực mềm của những mỹ nhân
Nàng Ngọc Vạn vốn xinh đẹp lại đức hạnh vì vậy được vua Cao Miên vô cùng yêu quý. Một mặt giúp chồng trị nước, nàng còn trở thành chiếc cầu nối đưa người Việt đến định cư ở đất nước này.
Nhờ ảnh hưởng của mình, hoàng hậu Ngọc Vạn xin cho nhiều người Việt Nam vào giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình. Bà cũng lựa lời xin cho nhiều người Việt Nam lập hãng xưởng và buôn bán gần kinh đô Oudong.
Năm 1623, lấy cớ để giúp chính quyền Miên gìn giữa trật tự, một sứ bộ của chúa Nguyễn đến Oudong yêu cầu được lập cơ sở ở Prey Kôr (tức Sài Gòn ngày nay) và được mở ở đó một sở thu thuế hàng hóa. Vua Chey Chetta cũng dễ dàng chấp thuận và triều đình Thuận Hóa khuyến khích người Việt di cư đến đấy làm ăn.
Ngoài ra, chúa Sãi còn pháo một tướng khác đến đóng ở Prey Kôr. Khi Chey Chatta mất, vùng đất từ Prey Kôr trở ra Bắc đến biên giới Chiêm Thành (tức là Sài Gòn, Bà Rịa, Biên Hòa ngày nay), đã có nhiều người Việt đến ở và khai thác đất đai.
Đổi lại, chúa Sãi hai lần giúp con rể (Chey Chetta 2) đẩy lui quân Xiêm sang xâm lược. Giáo sĩ người Italy tên Christopho Borri ở Quy Nhơn đã nhìn thấy viện binh từ Đàng Trong tiến sang Cao Miên, nên đã ghi lại trong cuốn hồi ký của mình (xuất bản năm 1631) như sau: “Chúa Nguyễn luôn luyện tập binh sĩ và gởi quân đội giúp vua Cao Miên, tức chàng rể chồng của con chúa. Chúa viện trợ cho vua Cao Miên thuyền bè, binh lính để chống lại vua Xiêm...”.

            Cũng nhờ những bước di dân đi trước này của chúa Sãi, trong đó người có công đầu là nàng công nữ Ngọc Vạn, mà công cuộc sáp nhập Cao Miên về với lãnh thổ Việt sau này có nhiều thuận lợi hơn.
Cũng giống như chị gái, Ngọc Khoa ở đất Chàm 20 năm đã giúp cho tình thân hữu hai nước khăng khít. Bà từng bước đưa người dân Việt vào khai khẩn, lập nghiệp. Nhưng năm 1651, đất nước này xảy ra một cuộc nội loạn, chia phe phái giết hại lẫn nhau, Hoàng hậu Ngọc Khoa và đức vua đều bị sát hại. Hiền Vương (sau này là vị chúa Nguyễn thứ 4 của chính quyền Đàng Trong) phải đưa quân vào cứu, dẹp tan loạn, rồi đặt người Việt giữ đất trị an. Từ đó, Chiêm Thành sáp nhập vào lãnh thổ Việt thành những tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phan Rang, Phan Thiết. 
Ca ngợi công lao của hai nàng, Á Nam Trần Tuấn Khải đã chấp bút đề thơ: 
Hồng Lạc ta đâu hiếm nữ tài
Nghìn xưa Trưng Triệu đã từng oai
Noi gương Khoa, Vạn, hai công chúa
Một sớm ra đi mở đất đai”…

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

TÍNH SỢ VỢ CỦA NHÂN LOẠI DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HOÁ



Theo các nghiên cứu mới nhất, sợ vợ là một truyền thống, một thói quen, một khoa học, và trên hết, một đặc trưng văn hoá mang tính phổ quát toàn nhân loại.

Tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới hiện nay đều bắt đầu đưa vào chương trình đào tạo môn "Sợ vợ học", do những giáo sư danh tiếng giảng dạỵ

Nhiều công trình nghiên cứu của họ đang được hội đồng xét giải Nô-ben chú ý. Chẳng hạn như viện sĩ A. Tylor người Anh với tập sách "Ảnh hưởng của tính sợ vợ trong phong cách kiến trúc Hy Lạp cổ đại", giáo sư H. Barbus người Pháp với luận án "Hội hoạ ấn tượng - một trường phái sợ vợ tiêu biểu", hoặc tiến sĩ V.V. Lu-ca-nốp người Nga với khảo cứu mang tựa đề "Sợ vợ và những ứng dụng của nó trong công nghệ sản xuất rượu vốt-ca".

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng có sự liên quan chặt chẽ giữa tỷ lệ người sợ vợ và nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, sự phát triển của nhiều ngành khoa học mũi nhọn đang phụ thuộc vào những hiện tượng liên quan đến việc sợ vợ tới mức khó hiểu. Chẳng hạn, công nghệ biến đổi di truyền chỉ mạnh ở những nước nào có nhiều người đàn ông sợ vợ trên 50 tuổi. Hoặc những thử nghiệm về tàu ngầm mang năng lượng hạt nhân đều thất bại khi thuyền trưởng chỉ sợ vợ vào ban ngày chứ không sợ vào ban đêm.

Vai trò của sợ vợ, vì thế, hiện nay là không thể bàn cãi. Các nhà sử học đang thảo luận về đề án phân chia lại lịch sử nhân loại thành bốn thời kỳ: thời kỳ đồ đá, thời kỳ đồ đồng, thời kỳ đồ sắt, và thời kỳ sợ vợ.

Các nhạc sĩ lại đòi chia âm nhạc thành hai thể loại: loại cổ điển và loại cao cấp dành cho đàn ông sợ vợ. Còn các nhà xã hội học thì định chia xã hội ra thành ba loại: xã hội nô lệ, xã hội phong kiến, và xã hội sợ vợ.

Khi áp dụng phương pháp hệ thống - loại hình vào nghiên cứu thì người ta thấy rất rõ sự khác biệt mang tính loại hình trong cách nhận thức, cách tổ chức và cách ứng xử về việc sợ vợ trong các truyền thống văn hoá khác nhau.

Để thống kê đầy đủ và phân tích cặn kẽ các hành vi này, hàng ngàn nhà văn hoá học với sự hợp tác của các nhà khoa học chuyên ngành khác, đang miệt mài thực hiện ngày đêm hàng trăm đề tài khoa học trọng điểm các cấp.

Trong giai đoạn đầu, các nhà khoa học nhất trí tập trung nghiên cứu văn hoá sợ vợ ở các dân tộc Châu Âu. Ở phương Đông thì tạm thời mới chỉ xét trường hợp Việt Nam là dân tộc có truyền thống văn hoá sợ vợ tiêu biểu.

Sau đây là những kết quả nghiên cứu sơ bộ được tổng kết và công bố trong Hội thảo quốc tế về sợ vợ học:


Đàn ông Pháp khi sợ vợ thường chui vào hầm rượu vang, uống cho thật say và nằm im. Đến khi tỉnh lại, họ kiếm một chai sâm-banh mang về tạ lỗi. 

Đàn ông Anh khi sợ vợ thường kiếm một đám sương mù thật dày đặc để chui vào. Trong đám sương đó, họ lén lút viết đơn xin ly dị và để rồi lén lút đốt đi khi sương tan.

Đàn ông Tây Ban Nha mỗi khi sợ vợ là chán đời đi đánh nhau với bò tót. Sợ càng nhiều, họ đánh lại càng hăng. Kết quả là các nhà vô địch sợ vợ đều ít khi trở về nhà sau mỗi trận đấu, hoặc nếu có trở về thì cũng khiến cho vợ thất vọng tràn trề vì “gia tài còn lại một vòi nước trong”.

Đàn ông Ý khi sợ vợ thường chui vào bếp nấu món mỳ ống. Nấu nướng xong, họ bưng lên, rắc cà chua và phó-mát vào, rồi ngồi chờ vợ cho phép mới dám ăn.

Đàn ông Ái Nhĩ Lan khi sợ vợ thường mang tấm khăn trải giường ra làm váy. Khi được vợ tha thứ, họ bèn mang tất cả váy ra làm khăn trải giường. Kết quả là váy của họ cứ nát ra thành từng miếng, gọi là váy ca-rô.

Đàn ông Đức mỗi khi bị vợ mắng là ra xe hơi nằm. Chính những lúc tâm hồn u uất, nằm suy nghĩ về những mối tương quan vật chất và tinh thần giữa vợ và xe ấy mà họ làm ra được những chiếc xe hơi nổi tiếng nhất thế giới về độ bền và độ an toàn.

Đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ khi sợ vợ đều nắm lấy một bộ phận gì đó trên thân thể mình mà vặn, xoáy. Đấy chính là nguyên nhân khiến ngày nay đàn ông ở đây đều có mũi bị sưng to và râu bị vểnh lên.

Đàn ông Bỉ hễ trông thấy vợ nổi giận là cảm thấy tương lai, hiện tại và quá khứ đều tối sầm. Cho nên nước Bỉ nổi tiếng vì có những sản phẩm bằng Sô-cô-la cực ngon, do màu Sô-cô-la là màu đen tối.

Đàn ông Đan Mạch khi bị vợ mắng thường chạy sang Thuỵ Điển, còn đàn ông Thuỵ Điển lại chạy sang Đan Mạch. Do đó, hai nước này có những chiếc phà cực lớn hoạt động suốt ngày đêm.

Đàn ông Việt Nam ngày xưa mỗi khi sợ vợ mà đất nước đang có chiến tranh thì trút giận vào kẻ thù, đất nước đang hoà bình thì rút lui vào một góc để làm thơ. Ngày nay mỗi khi bị vợ mắng thì nhăn răng ra cười làm lành, cười làm lành mà vợ vẫn không tha cho thì mắt trước mắt sau trốn đi nhậu nhẹt với đám bạn. Bởi vậy, các nhà khoa học thế giới tham gia hội thảo đều nhất trí nhận định rằng Việt Nam là đất nước của CHIẾN TRANH, đất nước của THƠ CA, đất nước của những NỤ CƯỜI, và đất nước của những cuộc “DZÔ TRĂM PHẦN TRĂM” bất tận!



Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

NGUYÊN TẮC CÚNG, KHẤN, VÁI, VÀ LẠY


I.          Nghi thức cúng Gia-Tiên
Khi cúng thì chủ gia đình phải bầy đồ lễ cùng với hoa quả theo nguyên-tắc “đông bình tây quả,” rượu, và nước. Sau đó, phải đốt đèn (đèn dầu, đèn cầy, hay đèn điện), thắp nhang, đánh chuông, khấn, và cúng trước rồi những người trong gia đình theo thứ tự trên dưới cúng sau.
Nhang (hương) đèn để mời và chuông để thỉnh tổ tiên. Khi cúng thì phải chắp tay đưa lên ngang trán khấn. Khấn là lời trình với tổ tiên về ngày cúng liên quan đến tên người quá cố, ngày tháng năm ta và tây, tên địa phương mình ở, tên mình và tên những người trong gia đình, lý do cúng và lời cầu nguyên, v.v.. Riêng tên người quá cố ta phải khấn rõ nhỏ. Sau khi khấn rồi, tuỳ theo địa vị của người cúng và người quá cố mà vái hay lạy. Nếu bố cúng con thì chỉ vái bốn vái mà thôi. Nếu con cháu cúng tổ tiên thì phải lạy bốn lạy. Chúng ta cần hiểu cho rõ về ý nghĩa của Cúng, Khấn, Vái, và Lạy.
II. Định nghĩa của Cúng, Khấn, Vái, và Lạy
a.      Cúng
Khi có giỗ Tết, gia-chủ bày hoa (bông) quả, nước, rượu, cỗ-bàn, chén bát, đũa, muỗng (thìa) lên bàn thờ rồi thắp nhang (hương), thắp đèn, đốt nến (đèn cầy), khấn, vái, hay lạy để tỏ lòng hiếu-kính, biết ơn, và cầu phước-lành. Đây là nghĩa rộng của cúng. Trong nghĩa bình-thường, cúng là thắp nhang (hương), khấn, lạy,và vái.
b.      Khấn
Khấn là lời cầu-khẩn lầm-rầm trong miệng khi cúng, tức là lời nói nhỏ liên-quan đến các chi-tiết về ngày tháng năm, nơi-chốn, mục-đích buổi cúng lễ, cúng ai, tên những người trong gia đình, lời cầu xin, và lời hứa.
Sau khi khấn, người ta thường vái vì vái được coi là lời chào kính-cẩn. Người ta thường nói khấn vái là vậy. Trong truyện Kiều, Nguyễn Du dùng từ khấn vái trong câu “Lầm rầm khấn vái nhỏ to,/ Sụp ngồi đặt cỏ trước mồ bước ra.” (câu 95-96)
c.       Vái
Vái thường được áp-dụng ở thế đứng, nhất là trong dịp lễ ở ngoài trời. Vái thay thế cho lạy ở trong trường hợp này. Vái là chắp hai bàn tay lại để trước ngực rồi đưa lên ngang đầu, hơi cúi đầu và khom lưng xuống rồi sau đó ngẩng lên, đưa hai bàn tay xuống lên theo nhịp lúc cúi xuống khi ngẩng lên. Tùy theo từng trường-hợp, người ta vái 2,3,4, hay 5 vái (xem phần sau).
d.      Lạy
Lạy là hành-động bày tỏ lòng tôn-kính chân-thành với tất-cả tâm-hồn và thể-xác đối với người trên hay người quá-cố vào bậc trên của mình. Có hai thế lạy: thế lạy của đàn ông và thế lạy của đàn bà. Có bốn trường hợp lạy: 2 lạy, 3 lạy, 4 lạy, và 5 lạy. Mỗi trường hợp đều có mang ý-nghĩa khác nhau.
* Thế lạy của đàn ông
Thế lạy của đàn ông là cách đứng thẳng theo thế nghiêm, chắp hai tay trước ngực và dơ cao lên ngang trán, cúi mình xuống, đưa hai bàn tay đang chắp xuống gần tới mặt chiếu hay mặt đất thì xòe hai bàn tay ra đặt nằm úp xuống, đồng thời quì gối bên trái rồi gối bên phải xuống đất, và cúi rạp đầu xuống gần hai bàn tay theo thế phủ- phục. Sau đó cất người lên bằng cách đưa hai bàn tay chắp lại để lên đầu gối trái lúc bấy giờ đã co lên và đưa về phía trước ngang với đầu gối chân phải đang quì để lấy đà đứng dậy, chân phải đang quì cũng theo đà đứng lên để cùng với chân trái đứng ở thế nghiêm như lúc đầu. Cứ theo thế đó mà lạy tiếp cho đủ số lạy (xem phần Ý-Nghĩa của Lạy dưới đây). Khi lạy xong thì vái ba vái rồi lui ra.
Có thể quì bằng chân phải hay chân trái trước cũng được, tùy theo thuận chân nào thì quì chân ấy trước. Có điều cần nhớ là khi quì chân nào xuống trước thì khi chuẩn-bị cho thế đứng dậy phải đưa chân đó về phía trước nửa bước và tì hai bàn tay đã chắp lại lên đầu gối chân đó để lấy thế đứng lên. Thế lạy theo kiểu này rất khoa-học và vững-vàng. Sở-dĩ phải quì chân trái xuống trước vì thường chân phải vững hơn nên dùng để giữ thế thăng-bằng cho khỏi ngã. Khi chuẩn-bị đứng lên cũng vậy. Sở-dĩ chân trái co lên đưa về phía trước được vững-vàng là nhờ chân phải có thế vững hơn để làm chuẩn.
Thế lạy phủ-phục của mấy nhà sư rất khó. Các Thầy phất tay áo cà sa, đưa hai tay chống xuống ngay mặt đất và đồng-thời quì hai đầu gối xuống luôn. Khi đứng dậy các Thầy đẩy hai bàn tay lấy thế đứng hẳn lên mà không cần phải để tay tỳ lên đầu gối. Sở dĩ được như thế là nhờ các Thầy đã tập-luyện hằng-ngày mỗi khi cúng Phật. Nếu thỉnh-thoảng quí cụ mới đi lễ chùa, phải cẩn-thận vì không lạy quen mà lại bắt chước thế lạy của mấy Thầy thì rất có thể mất thăng-bằng.
* Thế lạy của đàn bà
Thế lạy của các bà là cách ngồi trệt xuống đất để hai cẳng chân vắt chéo về phía trái, bàn chân phải ngửa lên để ở phía dưới đùi chân trái. Nếu mặc áo dài thì kéo tà áo trước trải ngay ngắn về phía trước và kéo vạt áo sau về phía sau để che mông cho đẹp mắt. Sau đó, chắp hai bàn tay lại để ở trước ngực rồi đưa cao lên ngang với tầm trán, giữ tay ở thế chắp đó mà cúi đầu xuống. Khi đầu gần chạm mặt đất thì đưa hai bàn tay đang chắp đặt nằm úp xuống đất và để đầu lên hai bàn tay. Giữ ở thế đó độ một hai giây, rồi dùng hai bàn tay đẩy để lấy thế ngồi thẳng lên đồng-thời chắp hai bàn tay lại đưa lên ngang trán như lần đầu. Cứ theo thế đó mà lạy tiếp cho đủ số lạy cần thiết (xem phần Ý Nghĩa của Lạy dưới đây). Lạy xong thì đứng lên và vái ba vái rồi lui ra là hoàn tất thế lạy.
 Cũng có một số bà lại áp dụng thế lạy theo cách quì hai đầu gối xuống chiếu, để mông lên hai gót chân, hai tay chắp lại đưa cao lên đầu rồi giữ hai tay ở thế chắp đó mà cúi mình xuống, khi đầu gần chạm mặt chiếu thì xòe hai bàn tay ra úp xuống chiếu rồi để đầu lên hai bàn tay. Cứ tiếp tục lạy theo cách đã trình bày trên. Thế lạy này có thể làm đau ngón chân và đầu gối mà còn không mấy đẹp mắt.
Thế lạy của đàn ông có vẻ hùng-dũng, tượng trưng cho dương. Thế lạy của các bà có tính cách uyển-chuyển tha-thướt, tượng-trưng cho âm. Thế lạy của đàn ông có điều bất-tiện là khi mặc âu-phục thì rất khó lạy. Hiện nay chỉ có mấy vị cao-niên còn áp-dụng thế lạy của đàn ông, nhất là trong dịp lễ Quốc-Tổ. Còn phần đông, người ta có thói quen chỉ đứng vái mà thôi.
Thế lạy của đàn ông và đàn bà là truyền-thống rất có ý-nghĩa của người Việt ta. Nó vừa thành-khẩn vừa trang-nghiêm trong lúc cúng tổ-tiên. Nếu muốn giữ phong-tục tốt đẹp này, các bạn nam nữ thanh-niên phải có lòng tự-nguyện. Muốn áp-dụng thế lạy, nhất là thế lạy của đàn ông, ta phải tập-dượt lâu mới nhuần-nhuyễn được. Nếu đã muốn thì mọi việc sẽ thành.
III . Ý nghĩa của Lạy và Vái
Số lần lạy và vái đều mang một ý-nghĩa rất đặc-biệt. Sau đây chúng tôi xin trình-bày về ý-nghĩa của vái và lạy. Đây là phong-tục đặc-biệt của Việt Nam ta mà người Tàu không có tục-lệ này. Khi cúng, người Tàu chỉ lạy 3 lạy hay vái 3 vái mà thôi.
Ý nghĩa của 2 Lạy và 2 Vái
Hai lạy dùng để áp-dụng cho người sống như trong trường-hợp cô dâu chú rể lạy cha mẹ. Khi đi phúng-điếu, nếu là vai dưới của người quá-cố như em, con cháu, và những người vào hàng con em, v.v., ta nên lạy 2 lạy.
Nếu vái sau khi đã lạy, người ta thường vái ba vái. Ý-nghĩa của ba vái này, như đã nói ở trên là lời chào kính-cẩn, chứ không có ý-nghĩa nào khác. Nhưng trong trường- hợp người quá-cố còn để trong quan-tài tại nhà quàn, người đến phúng- điếu, nếu là vai trên của người quá-cố như các bậc cao-niên, hay những người vào hàng cha, anh, chị, chú, bác, cô, dì, v. v., của người quá-cố, thì chỉ đứng để vái hai vái mà thôi. Khi quan-tài đã được hạ-huyệt, tức là sau khi chôn rồi, người ta vái người quá cố 4 vái.
Theo nguyên lý âm-dương, khi chưa chôn, người quá-cố được coi như còn sống nên ta lạy 2 lạy. Hai lạy này tượng-trưng cho âm dương nhị khí hòa-hợp trên dương-thế, tức là sự sống. Sau khi người quá cố được chôn rồi, phải lạy 4 lạy.
Ý nghĩa của 3 Lạy và 3 Vái
Khi đi lễ Phật, ta lạy 3 lạy. Ba lạy tượng-trưng cho Phật, Pháp, và Tăng. Phật ở đây là giác, tức là giác-ngộ, sáng-suốt, và thông hiểu mọi lẽ. Pháp là chánh, tức là điều chánh-đáng, trái với tà ngụy. Tăng là tịnh, tức là trong-sạch, thanh-tịnh, không bợn-nhơ. Đây là nói về nguyên-tắc phải theo. Tuy-nhiên, còn tùy mỗi chùa, mỗi nơi, và thói quen, người ta lễ Phật có khi 4 hay 5 lạy.
Trong trường-hợp cúng Phật, khi ta mặc đồ Âu-phục, nếu cảm thấy khó-khăn trong khi lạy, ta đứng nghiêm và vái ba vái trước bàn thờ Phật.
Ý nghĩa của 4 Lạy và 4 Vái
Bốn lạy để cúng người quá-cố như ông bà, cha mẹ, và thánh-thần. Bốn lạy tượng trưng cho tứ-thân phụ-mẫu, bốn phương (đông: thuộc dương, tây: thuộc âm, nam: thuộc dương, và bắc: thuộc âm), và tứ-tượng (Thái Dương,Thiếu Dương, Thái Âm, Thiếu Âm). Nói chung, bốn lạy bao-gồm cả cõi âm lẫn cõi dương mà hồn ở trên trời và phách hay vía ở dưới đất nương vào đó để làm chỗ trú-ngụ.
Bốn vái dùng để cúng người quá-cố như ông bà, cha mẹ, và thánh thần, khi không thể áp-dụng thế lạy.