Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

OAN ĐÀ ĐIỂU


  BÙI TRỌNG LIỄU
(Nguyên GS Đại học Paris, Pháp)

Trong văn hóa, văn học Việt Nam, ta thường nghe nói đến nỗi “oan Thị Kính” (1). Nhưng Thị Kính còn được giải oan. Còn đà điểu bị oan từ thượng cổ, lại nằm trong khung cảnh văn hóa, văn học, phổ quát toàn cầu, có tầm cỡ lớn hơn mà vẫn chưa được giải oan (2).
Nhắc lại có nhiều loại đà điểu, nhưng nói chung, đây là loài chim chạy, không phải là loài chim bay, sống ở xứ nhiệt đới, ví dụ như loại đà điểu châu Phi, tên chữ là Struthio camelus. Đà điểu có thân hình cao khoảng từ 1,70m đến 2,80m, chạy nhanh, tốc độ trung bình 30 km/giờ, nhưng có thể đạt tới 70km/giờ, sống lâu khoảng 70 tuổi.
Nhưng mục đích của tôi không phải là tả hình dáng con đà điểu. Tôi muốn nói chuyện khác: Đó là truyền thuyết sai về đà điểu, làm nó bị mang tiếng oan, do sự hiểu sai của một số người. Từ thuở xa xưa, nó đã mang tiếng. Và cho đến ngày nay, thường nghe thấy mấy nhà chính trị, đảng phái, nhà báo, …, đối lập nhau, phê phán, phản biện nhau về cái mà họ gọi là “đường lối (chính trị) của con đà điểu” (3) - theo nghĩa vấn đề (thân thể) lù lù ra đó, mà cứ tưởng rằng che đậy được, bằng cách bưng tai bịt mắt không thấy (rúc đầu xuống lỗ).
Kỳ thật ra con đà điểu không “ngu” như vậy. Có nhiều lý do về việc con đà điểu cúi đầu hay rúc đầu xuống cát: khi có triệu chứng bão cát, đà điểu cúi đầu xuống thấp để nghe tiếng động, để tự vệ; đà điểu rúc đầu trong cát để chăm lo đống trứng - (đà điểu đẻ chung trứng trong một lỗ),...
Nhưng có một thuyết rất “hấp dẫn”, nêu trong một bài của tuần báo hoạt họa Journal de Mickey cho trẻ em (số báo đó xuất bản cách đây đã gần 40 năm rồi) (4).
Thuở đó, đứa con đầu của tôi mới biết đọc; tôi đặt mua để hai bố con cùng xem. Một hôm, nó bảo: “Bố ơi, có bài viết về con đà điểu, hay lắm!”. Tôi cầm báo đọc, quả là bài báo rất hấp dẫn. Nội dung bài đó như sau:
Khi đà điểu sống trong môi trường tự do của nó, tôi không nói đà điểu được người nuôi - khi vì mặt trời, khí nóng bốc lên, nhìn từ xa thường thấy một “ảo ảnh” (mirage) như một bức màn lung linh phủ từ mặt đất đến một chiều cao khoảng 1,50m gì đó. Đà điểu biết hiện tượng này, nên nó chỉ cần cúi đầu xuống thấp hơn cái màn ảo ảnh đó, thì ở xa không thấy được nó. Tôi không biết thuyết này chính xác tới đâu, nhưng hẳn là có cơ sở (5).
Như vậy, đà điểu đâu có ngu, chẳng qua nó bị mang tiếng oan. Nhưng ngay cái oan của nó cũng có ích lợi: khi người ta phê phán nhau là “như con đà điểu rúc đầu xuống cát”, thì cũng có nghĩa là người ta đang còn có một không gian tự do tư duy, bàn cãi, phản biện nhau.
Do đó, đà điểu đáng được tôn trọng.


--------------------------------------------------------------------------------
(1) Tóm tắt nhắc lại chuyện Quan âm Thị Kính: Thị Kính xinh đẹp, lấy chồng là Thiện Sĩ, dòng dõi thi thư. Một đêm, Thiện Sĩ học khuya, mệt, chợt ngủ. Thị Kính, ngồi cạnh may vá, thấy chồng có chiếc râu mọc ngược, định dùng dao để xén nó đi cho chồng. Thiện Sĩ chợt tỉnh giấc, ngỡ là vợ định giết mình, hô hoán lên. Bị nhà chồng đuổi đi, bố mẹ đẻ cũng trách móc, Thị Kính phải giả trai xin vào chùa đi tu.
Thị Mầu, con một nhà giàu, lên lễ chùa, thấy chú tiểu xinh đẹp, phải lòng mê, tìm cách dụ chú tiểu, bị chú tiểu cự tuyệt. Nhưng lòng dục bốc lên, Thị Mầu không nén được nên gian díu với người đầy tớ.
Khi có mang, sợ tai tiếng, đổ riệt cho chú tiểu là bố đứa bé; khi sinh con đem lên chùa “trả” cho Thị Kính. Thị Kính thương đứa trẻ, đành chịu tiếng oan, nuôi dưỡng nó. Mấy năm sau, Thị Kính mất, lúc khâm liệm mới biết là gái giả trai. Cuối cùng, được giải oan.
 (2)  Tôi viết bài này vào dịp bước từ năm Kỷ Sửu (tương ứng với khoảng 2009-2010) sang năm Canh Dần (tương ứng với khoảng 2010-2011). Dưới mắt tôi, Sửu là năm của con Trâu (tượng trưng cho đám dân nghèo nai lưng làm việc), và Dần là năm của con Hổ (tượng trưng sự dũng mãnh, hung hăng của bọn “đại gia”). Chuyện đà điểu này, xen vào, để giành một chỗ nhỏ cho những người muốn có tư duy độc lập và muốn có khả năng phản biện.
 (3)  Tiếng Pháp là “politique de l’autruche”.
 (4) Đây là báo ở Pháp, không phải là bản dịch của tờ báo hoạt họa Mỹ. Tuần báo Journal de Mickey cùng tuổi với tôi, trẻ hơn tôi non 1 tháng. Tôi không tìm ra số báo nói trên vì đã quá lâu, vả lại Journal de Mickey 2 lần đánh số: số 1 ngày 18/10/1934, và (đánh số lại) số 1 ngày 29/5/1952.
 (5) Ngay ở Pháp, ai đi xe hơi trên xa lộ mùa hè, cũng thường thấy ở xa, mặt đường tráng nhựa có một ảo ảnh lung linh như mặt đường đang bị ướt.