Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

TIN TỨC GIÁO PHẬN QUI NHƠN THÁNG 3

          Ø TIN TĨNH TÂM LINH MỤC
Từ ngày 5 đến ngày 8 tháng Ba 2012, các linh mục trong Giáo phận đã tề tựu về Tòa Giám Mục để tham dự tuần tĩnh tâm năm 2012. Hướng dẫn tuần tĩnh tâm năm nay là Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục Giáo phận Phát Diệm.
Chiều ngày thứ Hai, 05/3/2012, các linh mục đã quy tụ tại phòng khách Tòa Giám Mục để chào hai Đức cha giáo phận và Đức cha giảng phòng. Cha Tổng Đại Diện đã thay mặt linh mục đoàn ngỏ lời chào hai Đức cha Giáo phận: “Những lần hội ngộ huynh đệ như thế này thật là đặc biệt và ấn tượng, vì không chỉ là tuân luật mà là tất hữu. Bởi lẽ, cấm phòng năm như là hành trình vào hoang địa để suy niệm, tự kiểm, cầu nguyện và đưa ra những quyết định cần thiết cho đời sống thiêng liêng. Đã vậy, ở đó còn có hai đức cha cố vấn, thương lo và đồng hành mọi nẻo, như xuất hành của Do Thái có Chúa là “columna nubis, columna ignis” (cột mây, cột lửa) trong sa mạc, ở đó còn có tình huynh đệ linh mục giáo phận cùng cộng tác linh thao. Xin cầu nguyện cho chúng con biết hưởng dùng ơn tuần phòng như lòng hai đức cha mong ước …”
Với Đức cha giảng phòng, cha Tổng Đại Diện nói: “Duyên đạo và tình thắm Qui Nhơn-Phát Diệm đã được xe tơ kết tóc gần cả trăm năm. Thực vậy vào hậu thượng bán thế kỷ 20, Đức Cha J.B. Nguyễn Bá Tòng, Giám mục Việt Nam đầu tiên của Phát Diệm đã nối kết hai giáo phận thâm tình đạo đời qua cuộc giảng cấm phòng năm cho cố tây và cha ta Qui Nhơn bằng cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt. Ân nghĩa và danh thơm còn lưu cửu, đạo đức và hùng biện vẫn còn ghi chép và khẩu truyền. Thời gian và không gian có xa vì hoàn cảnh và địa lý, nhưng duyên nợ thì làm sao phai mờ. Nay Đức Cha vui lòng nhận lời mời của Đức Cha Phêrô về đây như để nối kết hai bờ yêu thương qua chia sẻ Lời Chúa và linh đạo tĩnh tâm để tô thắm nghĩa cũ tình xưa. Hôm nay, sau gần trăm năm xa cách chờ mong, chúng con tin tưởng cuộc tái lâm linh thiêng này như hiện thực hẹn ước, đem lại một kết quả như ý tưởng Rm  9, 9: “Ad hoc tempus veniam, et erit Sarae filius” (cũng vào thời kỳ này, ta sẽ trở lại và Sara sẽ có một con trai) và như một thỏa mãn hứa ban theo Jn 16, 22: “iterum autem videbo vos” (nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em)”
Trong bối cảnh Giáo phận chuẩn bị mừng kỷ niệm 400 năm đón nhận Tin Mừng, với chủ đề của tuần tĩnh tâm là “Phúc Âm hóa bản thân để loan báo Tin Mừng”, Đức cha giảng phòng đã trình bày qua các đề tài:
1. Bài học từ lịch sử loan báo Tin Mừng.
Thế giới hôm nay: tục hóa, khoa học, kỹ thuật, một thế giới trơ lì với loan báo Tin Mừng. Nhưng, đó cũng là tình trạng thế giới của các Kitô hữu đầu tiên.
2. Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của công cuộc truyền giáo.
Dù khó khăn, truyền giáo là công việc của Chúa Thánh Thần. Chính Ngài đóng vai trò chủ động, còn chúng ta chỉ là người cộng tác.
3. Linh mục được mời gọi nên thánh.
Thà ít linh mục mà thánh thiện còn hơn là có nhiều nhưng kém phẩm chất (Piô IX). Canh tân Giáo Hội bằng cách canh tân hàng giáo sĩ.
4. Linh mục trong sự hiệp thông với Đức Kitô.
Lý do chính yếu và nền tảng cho sự tận hiến cuộc đời trong ơn gọi linh mục là vì đã được tình yêu Chúa Giêsu chinh phục. Vì thế, sự trung tín và nhiệt thành trong đời linh mục tùy ở chỗ mình sống tương quan tình yêu với Chúa như thế nào (x. Pl 3, 7-9).
5. Truyền giáo như dấu chỉ của Đức Ái mục tử.
Linh mục loan báo Tin Mừng là do lòng nhiệt thành vì các linh hồn. Là hiện thân của tình yêu Đức Kitô, linh mục yêu thương, cảm thông, nhân hậu, đón tiếp những người “bé nhỏ”, có con tim sẵn sàng và cởi mở, biết lưu tâm đến những vấn đề của họ, thao thức loan báo Tin Mừng.
6. Hiệp thông trong sứ vụ.
Hiệp thông không chỉ nhằm đạt tới hiệu năng của công việc, mà hơn thế nữa, đó là đòi hỏi của bản chất Kitô giáo.
Kết thúc tuần tĩnh tâm, Đức cha Phêrô đã huấn dụ các linh mục trong giáo phận rằng: “Chúng ta còn 6 năm chuẩn bị cho việc cử hành Năm Thánh giáo phận (2018) để kỷ niệm 400 năm giáo phận đón nhận Tin Mừng. Mỗi năm sắp đến chúng ta có một chủ đề sống. Chủ đề sống năm 2012 là sám hối – thanh tẩy. Ai trong chúng ta cũng cần sám hối và người linh mục càng cần phải đi bước trước trong công việc này. Việc sám hối và thanh tẩy phải toàn diện và triệt để. Sám hối và thanh tẩy phải bắt đầu từ chiều sâu nội tâm; không chỉ một vài phương diện nào đó mà phải bao gồm mọi chiều kích của cuộc sống, đặc biệt là sứ vụ của người linh mục; không chỉ một khoảng thời gian nào đó mà phải thực hiện thường xuyên trong cuộc đời, không chỉ trong mối tương quan với Chúa mà còn với chính bản thân mình, không chỉ với anh em linh mục với nhau mà còn với bề trên và với giáo dân …”   
Ngỏ lời cám ơn với Đức cha giảng phòng sau bài giảng cuối cùng, Cha Tổng Đại Diện nói: “Được nghe, thấy, biết và gần gũi nhất là Chúa Giêsu và Đức Maria. Ngôi Ba Thánh Thần thì lại ít và có lẽ là siêu hình. Nhưng sau khi Chúa Giêsu lên trời, thì Chúa Thánh Thần là sự sống của Hội Thánh, Hội Thánh được sai đi.
Đức cha đã nhận lời xin của Đức cha Phêrô là nói về truyền giáo để giúp chúng con thành men cho chính mình và cho cả giáo phận mừng kỷ niệm 400 năm Tin Mừng đến Nước Mặn – Qui Nhơn. Thực, không thể truyền giáo mà không có Chúa Thánh Thần, dù kết quả hiện tại hay tương lai, vì Ngài là tác nhân chủ yếu của công cuộc truyền giáo. Cho nên bằng mọi cách, bằng chứng lý Thánh Kinh, bằng gương mẫu thánh truyền, bằng suy tư cầu nguyện và kinh nghiệm cá nhân, suốt tuần phòng Đức cha đã cho chúng con biết rõ tác động của Chúa Thánh Thần và mối tương giao giữa linh mục và Thánh Thần, đối thoại để trở nên dụng cụ, hay có thể nói “in persona Spiritus Sancti” hay bạo dạn hơn cách nào đó là “Spiritus Sancti”. Bằng mời gọi nên thánh, hiệp thông với Đức Kitô, có đức ái mục tử. Như vậy lại một lần nữa, chúng con sẽ ý thức và cảm nghiệm đúng đắn và sâu sắc hơn bài học ex opere operantisex opere operato khi sống mầu nhiệm truyền giáo mà chúng con hướng tới nhân dịp mừng 400 năm. Như vậy, Đức cha đã gieo trồng, chúng con vun tưới, và Chúa sẽ cho mọc lên. Chúng con xin chân thành cảm ơn công khó của Đức cha. Và xin Chúa Thánh Thần tiếp tục ở trong Đức cha như đã ở cùng Đức cha”.
Kết thúc tuần phòng, ban Nghiên huấn cũng đã kịp gởi đến quý cha các tài liệu hướng dẫn và đề tài thực hiện sám hối theo từng tháng được triển khai trong năm 2012 dành cho linh mục và giáo dân. Với bao hành trang tinh thần được lãnh nhận, các linh mục trở về nhiệm sở với “một quả tim mới và thần khí mới” (Ed 36,26-27) để chuẩn bị sẵn sàng chào đón biến cố kỷ niệm 400 năm đón nhận Tin Mừng đến với Giáo phận, trước hết bằng việc sám hối và thanh tẩy.   
Ø PHÁI ĐOÀN NHA TRANG THĂM GIÁO PHẬN QUI NHƠN
Ngày 15.03.2012 vào lúc 15g00 Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, nguyên Giám Mục giáo phận Nha Trang và cha giám Đốc ĐCV Sao Biển Nha Trang Phêrô Phạm Ngọc Phi cùng vài cha giáo đã đến thăm giáo phận Qui Nhơn. Phái đoàn đã chào thăm Đức Cha chính Phêrô và Đức cha phó Matthêo. Cách riêng Đức Cha Phaolô đã có nhiều giờ trò chuyện thăm hỏi Đức Cha chính. Như chúng ta biết trước đây khi Đức Cha Phaolô đương chức chủ tịch thì Đức Cha Phêrô là Tổng Thư Ký của HĐGM Việt Nam. Phái đoàn cũng dành thời gian thăm nhà Hưu Dưỡng MTG tại Ghềnh Ráng. Sáng ngày 16.03 phái đoàn tiếp tục đi về thăm đài kỷ niệm truyền giáo tại Nước Mặn, đền thờ Stêphanô tại Vĩnh Thạnh, Nhà thờ Gò Thị và cộng đoàn MTG tại Gò Thị. Sau khi dùng cơm trưa tại TGM phái đoàn đã trở lại Nha Trang cùng ngày.
Ø MỪNG TRỌNG THỂ LỄ THÁNH GIUSE, QUAN THẦY GIÁO PHẬN
Ngày 19.3.2012 vào lúc 05g00 tại nhà thờ chính tòa Qui Nhơn đã cử hành thánh lễ đồng tế trọng thể mừng lễ thánh Giuse bổn mạng giáo phận. Đầu lễ Đức Cha Phêrô nói rằng «Hòa với niềm vui chung của Hội Thánh, hôm nay chúng ta hân hoan cử hành trọng thể lễ thánh Cả Giuse. Thánh Giuse đã được chọn làm quan thầy của giáo phận chúng ta cũng như của chủng viện và Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn. Chúng ta vẫn đọc trong kinh cầu Thánh Giuse rằng: “Thánh Giuse là Đấng vững vàng mạnh mẽ” và “làm quan thầy bàu chữa Hội Thánh”. Bởi vậy, có thể nói giáo phận chúng ta dù trải qua bao khó khăn nhưng đến nay vẫn được bình an là nhờ lời cầu bầu tuy âm thầm nhưng rất đắc lực của Thánh Giuse.
Nhiều cha trong giáo phận và nhiều người trong chúng ta cũng đã chọn thánh cả Giuse làm bổn mạng. Nhân đây, tôi xin chúc mừng quý cha và quý anh em đã chọn thánh Giuse làm quan thầy cho mình.
Mừng lễ Thánh Giuse hôm nay chúng ta khấn xin thánh cả tiếp tục cầu bầu cho chúng ta và bảo trợ những công cuộc của giáo phận đang tiến hành. Về phần mình, mỗi người chúng ta cũng hãy sống theo gương thánh Giuse để làm sáng danh Chúa». Trong bài giảng, Đức Cha làm rõ “Thánh Giuse gồm no mọi nhân đức”, đặc biệt là nhân đức vâng nghe Lời Chúa và âm thầm khiêm tốn phục vụ.
Ø LỄ THÁNH GIUSE BỔN MẠNG CHỦNG VIỆN QUI NHƠN
Thánh Giuse là bổn mạng của giáo phận và còn là bổn mạng của Chủng viện Qui Nhơn. Trong suốt tháng 3 tháng, kính thánh Giuse, mỗi ngày chủng viện đều làm việc kính thánh Giuse. Đặc biệt trong niềm hân hoan mừng lễ Thánh cả Giuse bổn mạng chủng viện Qui Nhơn, của cha Giám đốc và quý cha giáo, chủng viện đã tổ chức buổi văn nghệ vào Chúa Nhật 18.3.2012. Có tất cả 13 tiết mục được trình diễn, trong đó các chủng sinh đặc trách 10 tiết mục còn lại là Dòng Mến Thánh Giá (2 tiết mục) và cộng đoàn dòng Phaolô (1 tiết mục). Đến dự buổi văn nghệ có Đức Cha phó Matthêô, quý cha giáo như cha linh hướng Giuse Phạm Thanh, cha Phêrô Võ Tá Khánh, khá đông các nữ tu và bà con giáo dân và anh em Cựu Chủng Sinh Làng Sông Qui Nhơn. Hội trường chủng viện gần kín. Cha Giám đốc chủng viện Giuse Huỳnh Văn Sỹ đã có đôi lời khai mạc buổi văn nghệ, nhân đó ngỏ lời cám ơn hai Đức Cha giáo phận, quý cha giáo, quý nữ tu, ân thân nhân của chủng viện và bà con giáo dân. Cuối buổi diễn văn nghệ Đức Cha phó có đôi lời khích lệ và nhắn nhủ đối với các chủng sinh và những người tham dự. Theo Đức cha, nên tổ chức văn nghệ hàng năm vừa để tạo điều kiện phát triển năng khiếu vừa thể hiện mơ ước dâng hiến của các chủng sinh. Sau đó Đức cha đã ban phép lành kết thúc buổi văn nghệ vui tươi và bổ ích. Các tiết mục văn nghệ đã được trình diễn cụ thể như sau:
01. Hát: Sancte Joshep
02. Kịch: Những Chú Lùn Dễ Thương
03. Hát: Tâm Sự Của Con
04. Kịch: Hứa Hôn
05. Múa: Chiều Lên Bản Thượng
06. Vè: Nhà Ta
07. Kịch: Người Samari Thời Hiện Đại
08. Hát: Một Lần Tự Hối
09. Múa: Chân
10. Học Viện Mến Thánh Giá: Ông Tú Về Làng
11. Múa: Thắp Lửa Cho đời
12. Nhà Mẹ Mến Thánh Giá: Định Hướng
13. Cộng Đoàn Dòng Thánh Phaolô: Cầu Nguyện Với  Thánh Giuse.
Buổi văn nghệ thành công tốt đẹp phần lớn là nhờ sự nhiệt tình tham gia của một số nữ tu, sự kiên trì tập luyện của các chủng sinh dưới sự chỉ dẫn tận tình của cha đồng hành Phêrô Nguyễn Ngọc Thắng.
Ø HỌP CHUẨN BỊ HỘI NGỘ CCSLSQN QUỐC NỘI
Ngày 18.3.2012 vào lúc 14g00 tại chủng viện Qui Nhơn, một số anh em CCSLSQN đã tổ chức cuộc họp bàn về cuộc hội ngộ sẽ tổ chức vào trung tuần tháng 7.2012 sắp tới. Tham dự cuộc họp có cha linh hướng Giuse Huỳnh Văn Sỹ, anh chủ tịch F.x Hoàng Tý, một số anh em đại diện vùng Sài Gòn, Cam Ranh-Nha Trang, Đà Nẵng, Ban Mê Thuột và Qui Nhơn. Sau khi bàn luận, anh em đã thống nhất sơ bộ một chương trình hội ngộ với chủ đề Hiệp Nhất và đã gởi đến các anh em xa gần để đóng góp ý kiến. Cuộc họp cũng đã có sự phân nhiệm cụ thể lo việc phụng vụ, tiếp tân, cuốn Nội San, quyên góp tài chánh,… Đây là cuộc hội ngộ đã dự liệu, cứ hai năm một lần tổ chức tại quốc nội và bốn năm một lần cùng chung hội ngộ quốc nội và hải ngoại.
Để cuộc hội ngộ nầy đạt kết quả tốt như chủ đề Hiệp Nhất đặt ra, còn nhiều việc phải làm và cần những hy sinh cộng tác từ nhiều anh em trong nước cũng như hải ngoại. Sau khi thống nhất các chương trình cụ thể, sẽ thông báo đến hết thảy anh em xa gần.
Nhân dịp nầy, nhóm anh em CCSLQN nói trên phối hợp với các anh em tại Qui Nhơn cùng tham gia mừng lễ bổn mạng thánh Giuse tại Chủng viện thật sốt sắng và vui vẻ. Cũng trong ngày 19.3.2012 nhóm anh em CCSLSQN tại Qui Nhơn cũng đã nhóm họp để bàn về công việc cho cuộc hội ngộ nói trên.
Ø ĐỨC CHA PHÓ MATTHÊÔ ĐI CỬ HÀNH THÁNH LỄ TẠI CÁC GIÁO XỨ VÀ GIÁO HỌ
Ngày 19/3, vào lúc 9 giờ sáng, Đức Cha phó đã đến nhà thờ giáo họ Vân Canh thuộc giáo xứ Ngọc Thạnh để cử hành thánh lễ đồng tế kính thánh Giuse, Bạn của Đức Maria, là quan thầy của giáo họ. Tham dự thánh lễ có khoảng 200 giáo dân, trong số đó có mấy anh chị em dân tộc.
Buổi chiều cùng ngày, vào lúc 5g15, tại nhà thờ Chính tòa, Đức Cha cử hành thánh lễ kính thánh Giuse, quan thầy giới gia trưởng của giáo xứ, nhân kỷ niệm 3 năm thành lập. Ngoài các gia trưởng còn có sự tham dự đông đảo của giáo dân.
Sáng thứ bảy, 24/3, vào lúc 9 giờ, tại nhà thờ giáo xứ Kim Châu, Đức Cha cử hành lễ Truyền Tin và cũng là lễ Acies cho các anh chị em Legio Mariae thuộc Curia Kim Châu. Cùng hiệp dâng thánh lễ với Đức Cha có cha linh giám Curia Kim Châu Gioakim Nguyễn Hoàng Trí, các cha linh giám các praesidia trực thuộc: cha Phêrô Nguyễn Văn Kính và cha phó G.B. Nguyễn Kim Ngân, cha Giuse Nguyễn Bá Trung, cha Gioakim Nguyễn Đức Quang, cha Hiệp và thầy sáu Tín dòng Ngôi Lời, cùng với hơn 300 hội viên Legio Mariae hoạt động và tán trợ, và một số giáo dân. Hiện nay Curia Kim Châu gồm có 16 praesidia. Giáo xứ Kim Châu: 9; giáo xứ Phú Hữu: 3; giáo xứ Gò Thị: 1; giáo xứ Huỳnh Kim: 1; giáo xứ Cây Rỏi: 1; giáo xứ Sông Cạn: 1. Legio Mariae là một đoàn thể hoạt động tông đồ giáo dân rất đắc lực và hữu hiệu từ trước đến nay.
Sáng thứ hai, 26/3, vào lúc 9 giờ, Đức Cha đến nhà thờ giáo họ Nhơn Mỹ thuộc giáo xứ Ngọc Thạnh, để cử hành lễ Truyền Tin, bổn mạng của giáo họ. Tham dự thánh lễ có các soeurs Dòng Mến Thánh Giá và Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, với khoảng 150 giáo dân. Đây là một giáo họ nhỏ bé mới được thành lập năm 1960 đồng thời với giáo họ An Thạnh, gồm phần lớn là những người tân tòng. Nhà thờ cũng được cha Augustinô Nguyễn Thanh Long xây dựng vào năm ấy. Ngày nay, giáo họ Nhơn Mỹ chỉ có 4 gia đình với 22 giáo dân. Nhà thờ vẫn còn nhưng đã xuống cấp. Đất nhà thờ bị lương dân lấn chiếm cho đến sát tường nhà thờ, ngay cả sân trước cũng không còn. Trong khi đó giáo họ An Thạnh có 19 gia đình với 102 giáo dân, nhưng không còn nhà thờ, vì vậy từ thời cha sở Luca Nguyễn Huy Kỳ, giáo họ An Thạnh được sáp nhập vào giáo họ Nhơn Mỹ. Về sinh hoạt, hàng tuần giáo dân tập trung đọc kinh một lần tại nhà thờ vào tối thứ bảy. Mỗi năm có thánh lễ một lần vào ngày lễ Truyền Tin, bổn mạng của giáo họ.
Ø SINH HOẠT GIÁO HẠT BÌNH ĐỊNH
-          Lễ Truyền Tin, tổ chức lễ Acies của Legio Mariae tại Qui Nhơn
Ngày 26.3.2012 Lễ truyền tin, Cha hạt trưởng Bình Định đã tổ chức lễ Acies trọng thể cho hội Legio Mariae tại Nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn. Bắt đầu từ lúc 09g00 tại nhà thờ chính tòa cha phó Phaolô Võ Đình Hoài đã có một bài nói chuyện với các tham dự viên và sau đó là nghi thức lập lại lời hứa của các hội viên. Và đúng 10 giờ00 thánh lễ bắt đầu do cha hạt trưởng Bình Định chủ tế và giảng lễ, có 5 cha cùng đồng tế. Được biết có khoảng 370 tham dự viên trong đó có một số đại diện của Curia Kim châu.  
Ø SINH HOẠT GIÁO HẠT PHÚ YÊN
- Kỷ niệm 12 năm ngày thầy giảng Anrê PYên được phong chân phước
Chiều Chúa Nhật 4/3/2012, Chúa Nhật II Mùa Chay, một biến cố mục vụ quan trọng đã din ra tại nhà thờ Tuy Hòa và Trung Tâm Mục V Tổng Hợp Anrê Phú Yên: Giáo hạt PYên mừng kỷ niệm 12 năm ngày thầy giảng Anrê Phú Yên được phong chân phước (05/03/2000 – 05/03/2012). Trong dịp đặc biệt nầy, 12 đoàn giáo lý viên với khoảng 180 thành viên trong toàn giáo hạt đã tề tựu về nhà thờ Tuy Hòa để cùng nhau sinh hoạt và tham dự Phụng Vụ cách sốt sắng và chan hòa niềm vui hiệp thông. 12 đoàn giáo lý viên đó thuộc các giáo xứ : Gò Duối, Sông Cầu, Mằng Lăng, Đa Lộc, Đồng Tre, Trà Kê, Tịnh Sơn, Sơn Nguyên, Hoa Châu, Hóc Gáo, Đông Mỹ và Tuy Hòa. Chủ đề được chọn cho lần họp mặt đặc biệt nầy là “Lên cao và đi xa”, theo đúng ý nghĩa của sứ điệp Lời Chúa trong cử hành Phụng Vụ Chúa Nhật II Mùa Chay.
            Trong giờ khai mạc, cha Hạt trưởng Phú Yên, Giuse Trương Đình Hiền đã khai triển nội dung nầy cách khái quát, mời gọi các bạn giáo lý viên nỗ lực canh tân và đổi mới cuộc sống đức tin cũng như nhiệt tình dấn thân trên con đường phục vụ cho dù phải đối diện với bao nỗi khó khăn vất vả, theo mẫu gương “lên cao và đi xa” cách sống động và anh hùng của Á Thánh Anrê Phú Yên. Trong niềm vui giao lưu, gặp gỡ thân tình, các bạn giáo lý viên đã có những giây phút cùng hát ca những bài thánh ca vào đời, cùng đồng diễn những vũ điệu mang tâm tình và tư thế đạo đức, cùng thư giản với những trò chơi mang tính giáo dục kỷ năng sống.
Cao điểm của ngày lễ Kỷ Niệm đặc biệt này đó là Thánh Lễ tại lễ đài Á Thánh Anrê Phú Yên của Trung Tâm Mục Vụ Tổng hợp bên cạnh nhà thờ có rất đông giáo dân tham dự. Khởi đầu thánh lễ, cộng đoàn sốt sắng dành tâm tình kính nhớ và tôn vinh Á Thánh trong nghi thức dâng hương tưởng niệm. Chủ tế của thánh lễ là linh mục Giuse Trương Đình Hiền cùng với 3 linh mục đồng tế.  Trong bài giảng lễ, cha Phaolô Nguyễn Minh Chính đã nhấn mạnh ý nghĩa “lên cao và đi xa” của Á Thánh Anrê Phú Yên theo mẫu gương Tổ Phụ Abraham mà bài đọc Lời Chúa hôm nay đã khơi gợi. Và chính cuộc tử đạo thương đau và anh hùng của Á Thánh đã gắn kết mật thiết với cuộc khổ nạn của Đức Kitô để nhờ đó tiến vào vương quốc của sự sống, của vinh quang Phục Sinh.
Sau thánh lễ, các bạn đã có bữa cơm thân mật tại hội trường giáo lý và tiếp nối sau đó là chương trình chia sẻ cảm nghiệm và kinh nghiệm của mỗi đơn vị giáo xứ trong cuộc hành trình giáo lý viên của mình. Các bạn giáo lý viên đã nói lên những ưu tư khắc khoải trong công tác giáo lý: sự thiếu hụt phương tiện về cơ sở cũng như nhân sự, cuộc sống tất bật, vất vả của các anh chị giáo lý viên, các gia đình chưa quan tâm đủ đến việc học hỏi giáo lý của con em, sự thiếu hụt về kỷ năng sư phạm và được đào luyện thường xuyên…đã làm cho công cuộc huấn giáo gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, hầu hết các anh chị giáo lý viên, từ những người tóc đã hoa râm đang nặng gánh gia đình với con cháu đùm đề, hay các bạn giảng viên giáo lý mà tuổi đời mới vượt qua ngưỡng cửa thiếu niên…tất cả đều khát vọng được dấn thân phục vụ theo tinh thần của Á Thánh Anrê Phú Yên. Đó phải chăng là tín hiệu tích cực và là niềm hy vọng cho giáo xứ, Giáo Hội. Đan xen với các sẻ chia cảm nghiệm là những tiết mục hát, vũ, hoạt cảnh… mang tâm tình đạo đức sốt sắng.
Ngày sinh hoạt được kết thúc với phần tĩnh nguyện suy niệm, cầu nguyện với Lời Chúa và nghi thức lên đường. Với ánh nến lung linh rực sáng giữa màn đêm, các bạn giáo lý viên đã hát lên với tất cả tâm tình sốt mến và hăng say : vì con muốn là men, muốn là muối ướp cho mặn đời ; vì con muốn liều thân đem Tin Mừng đi khắp nơi. Lễ Kỷ Niệm 12 năm ngày phong Á Thánh Anrê Phú Yên tại giáo hạt Phú Yên đã để lại ấn tượng thật tốt đẹp trong tâm hồn của anh chị em giáo lý viên trong toàn giáo hạt. Hy vọng, cuộc hội ngộ đặc biệt nầy, với lời cầu thay nguyện giúp của Á Thánh Anrê Phú Yên, các bạn giáo lý viên sẽ “lên cao và đi xa” hơn để dấn thân trên con đường yêu thương và phục vụ.
-          Giáo xứ Tuy Hòa mừng lễ bổn mạng Thánh Giuse.
 Hằng năm cứ đến ngày 19/3, Giáo xứ Tuy Hòa lại có dịp chiêm ngắm diện mạo, tâm hồn và sự vinh hiển của Thánh Cả Giuse, Thánh Bổn Mạng của Giáo xứ,  cùng học theo các gương nhân đức của người. 
Ngoài những giờ cầu nguyện với thánh Cả  trong tháng ba, giáo xứ tổ chức đặc biệt tuần bảy ngày kính Thánh Giuse để suy gẫm về sự sùng kính thánh Giuse trong giáo hội:
Ngày thứ nhất về Lịch sử việc tôn kính Thánh Giuse.
Ngày thứ hai về Lý do tôn kính Thánh Giuse.
Ngày thứ ba về Những việc tôn sùng Thánh Giuse.
Ngày thứ tư về Thánh bảo trợ toàn thể Giáo hội.
Ngày thứ năm về Lý do tôn kính Thánh Giuse làm Đấng bảo trợ Giáo hội.
Ngày thứ sáu về Thánh bảo trợ các gia đình.
Ngày thứ bảy về Thánh bảo trợ ơn chết lành.
Ngày thứ tám cũng là ngày kết thúc tuần lễ kính, kiệu Thánh Giuse được rước từ Đền Giuse đi một vòng chung quanh nhà thờ và dừng tại đền Giuse. Đêm hôm nay các thành phần dân Chúa đều sốt sắng trang nghiêm tay cầm nến, miệng đọc kinh. Rồi những ngọn nến sáng được đưa lên cao cùng những lời ca nguyện cầu bay lên trước ngai vinh hiển: “Nguyện xin thánh cả giuse quyền cao sang, rày đang no đầy ân phúc trên ngai vàng, cứu giúp chúng con thế trần lầm than, ngày đêm mong về nơi yên vui phúc nhàn.
Trước đền Giuse, những thiếu nhi đơn sơ như thiên thần với những cử điệu hòa với hoa đèn thắp sáng tôn vinh Thánh Cả, tôn vinh những nhân đức của người luôn âm thầm, sống ẩn thân, chăm chỉ lao động, sống thinh lặng không một lời ca thán và hiến dâng cuộc đời cho Chúa Kitô. Gương nhân đức của Thánh Cả luôn là bài học cho mọi Kitô hữu:
- Biết hướng tâm lên biết yêu chúa thôi
- Giữa lúc nguy nan sống trong niềm tin
- Biết sống tâm linh hiến dâng hy sinh
- Biết sống phó dâng, biết sống nghèo hèn.
 Thánh lễ mừng kính trọng thể cử hành vào chính ngày. Tạ ơn Thiên Chúa đã đặt giáo xứ chúng con dưới sự che chở của Thánh Cả Giuse, xin người tiếp tục dìu dắt giáo xứ luôn biết kiên trung để tiến về bến bình an.
Hòa chung với niềm vui của giáo xứ, giáo dân Tuy Hòa hân hạnh được chúc mừng sinh nhật lần thứ 62 của cha chánh xứ. Trong không khí đầm ấm của đại gia đình giáo xứ, họ chia sẻ với nhau những món quà cũng như sung sướng khi được phần thưởng “xổ số may mắn, nhận quà Giuse”.

   Ø TIN DÒNG MTG QUI NHƠN
-          Thăm viếng mùa Chay
Ngày 14.3.2012, Ban Xã hội Mến Thánh Giá Qui Nhơn gồm 6 người do Soeur Tổng Cố vấn Anna Phạm Thị Cúc Hoa làm trưởng đoàn. Được biết, sáng hôm ấy các Soeurs đã thức dậy rất sớm để vượt đoạn đường dài từ Gò Thị đến Giáo xứ Trà Kê. Đúng giờ hẹn, xe đã lên đến nơi vào lúc 7g30 sáng, bà con đã tề tựu chờ đợi đông đủ tại Nhà Xứ gồm người lớn, trẻ nhỏ, cả lương lẫn giáo và người Dân tộc. Nhìn thấy bà con mong ngóng, nhộn nhịp, các Soeurs như quên hết nỗi nhọc mệt của đường xa! Sau khi nghỉ ngơi, chị em đã tiến hành khám bệnh và cấp phát thuốc, cha sở Phanxicô Phạm Đình Triều và giáo chức cũng hiện diện với anh chị em của mình và động viên tinh thần làm việc của các Soeurs.
Vì là giáo xứ miền núi xa xôi, sự có mặt của các Soeurs đã làm cho bầu khí núi rừng thêm vui và ấm áp. Với tấm lòng dân quê chơn chất, đầy tin tưởng, quý mến họ đã đơn sơ chia sẻ: “Thuốc các Sơ cho chất lượng, thuốc tốt, uống mau hết bịnh. Uống thuốc đau đầu, nhức răng của các Sơ cho là bớt liền!”. Sống trên vùng cao lạnh lẽo nên đa phần bà con mắc phải chứng bệnh thấp khớp và viêm xoang... Ngày hôm ấy, chị em đã khám và cấp thuốc cho hơn 400 người dân nghèo.
Sáng ngày 15.3.2012, đoàn được cha Sở và ban hành giáo hướng dẫn đến thăm một làng Dân tộc H’Roi thuộc thôn Tân Hiệp, xã Trà Kê. Người Dân tộc nghèo cơm áo, nhà ở và nước sạch, vì thế,  đây là điểm quan tâm mục vụ của Nhà xứ. Lần viếng thăm này, các Soeurs đã chở theo 20 tạ gạo chia thành 100 phần, gởi đến tận tay những người con núi rừng. Tuy rất bé nhỏ so với nhu cầu của bà con nhưng ước mong đáp lại lời mời gọi “hãy quan tâm đối với nhau” (Sứ điệp mùa chay 2012)

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

NGƯỜI VIỆT NÀO CŨNG MUỐN NHÌN THẤY VĂN HÓA VIỆT TRƯỜNG TỒN


 Nguyễn Văn Khoa 

(Diễn từ nhận giải thưởng dịch thuật Phan Châu Trinh)

Kính thưa Ban chủ tọa buổi Lễ trao giải,
Kính thưa Hội đồng Khoa học Quỹ Phan Châu Trinh,
Kính thưa Hội đồng Quản lý Quỹ Phan Châu Trinh,
Kính thưa quý vị và các bạn,



Mặc dù chỉ mới ra đời từ năm 2007, uy tín của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh đã là một hiện thực hiển nhiên. Chúng tôi rất hân hoan và hãnh diện nhận được giải thưởng về dịch thuật năm nay của Quỹ – nhất là khi Quỹ này lại mang tên một nhà chí sĩ yêu nước được nhân dân vô cùng kính yêu.
Thưa quý vị và các bạn,
Người Việt nào cũng muốn nhìn thấy văn hóa Việt trường tồn. Nhưng muốn vậy, như bất cứ dân tộc nào khác, chúng ta luôn luôn phải tìm giải đáp cho hai câu hỏi: phải vất bỏ cái gì của ta, và phải học hỏi cái gì từ kẻ khác, để có thể tồn tại lâu dài trong lịch sử nhân loại, như một nền văn minh? Bởi vì, ít nhất từ đầu thế kỷ XX, chúng ta đều biết: không chỉ có con người mới chết đi. «Chúng ta, những nền văn minh, nay ta đều biết rằng mình không hề là bất tử»[1]
Dịch kinh sách từ các nền văn hóa bên ngoài chính là phần thiết yếu nhất của câu trả lời cho trăn trở thứ hai : học hỏi kẻ khác để sống còn. Bởi vì, đúng như triết gia Pháp Paul Ricoeur đã nhận định, trong một luận văn viết cho UNESCO, phiên dịch chính là «mẫu hình cho tất cả mọi trao đổi, không chỉ giữa ngôn ngữ này với ngôn ngữ kia, mà còn giữa nền văn hóa này với nền văn hóa kia nữa»[2]
Nhưng tại sao tôi lại chọn Cổ Hy Lạp, tại sao lại chọn Socrates ?
Thưa quý vị và các bạn,
Nói về thằng tôi đã là điều đáng ghét. Nói về những xác tín của nó lại càng đáng ghét hơn – nhất là khi chúng có thể không đúng như ta hằng suy nghĩ. Dù sao, đã lên đây, cho tôi thổ lộ đôi ba điều vẫn thường tự nhắc nhở mình.
Thứ nhất : Hãy đoạn tuyệt với thứ văn hóa độc canh hay đơn sắc ; hãy đoạn tuyệt với loại «tư duy duy nhất». Có những nền văn minh tự xem mình là cái rốn của vũ trụ ; chúng ta đều biết chúng đã có số phận nào. Đừng tự tay xây nhà mồ, dù đồ sộ và lộng lẫy, cho chính mình.
Thứ hai : Hãy đoạn tuyệt với những cổ võ «về nguồn», với tâm thức luôn luôn lo sợ «mất bản sắc», với mộng mị khư khư «bảo tồn văn hóa dân tộc». Việt Nam ta không có hãnh diện được là một chiếc nôi của văn minh nhân loại. Ta không có chiếc nôi hoành tráng nào để trở về yên ngủ cả. Có nhiều nét văn hóa ta cứ ôm cứng vì ngỡ là của mình, xem kỹ lại hóa ra là bị áp đặt bởi kẻ khác. Hãy «chấn dân khí». Đất Pháp cũng không phải là một chiếc nôi của văn minh nhân loại: người Pháp viết bằng chữ cái Latin, tính toán bằng số Ả Rập. Điều đó không ngăn cản họ cống hiến cho nhân loại bao giá trị văn hóa lớn lao sau này.
Thứ ba : Đừng để bị cầm tù bởi ý niệm «bản sắc văn hóa». Trong cùng bài luận ở trên,Ricoeur còn viết : «Tôi hình dung bản đồ văn hóa thế giới như một mạng lưới nhiều nguồn sáng lan tỏa từ các trung tâm hay tổ văn hóa đan chéo vào nhau, và được định nghĩa không phải bằng chủ quyền của nhà nước quốc gia, mà bằng sức sáng tạo, bằng cái năng lực ảnh hưởng lên những nôi, tổ khác và tạo ra phản hồi». Như vậy, từ bỏ ý niệm biên giới trong quan hệ văn hóa, Ricoeur xem «bản sắc văn hóa» của mỗi quốc gia như một biến số lịch sử; ông đặt tên nó là «bản sắc trần thuật (tự sự)» rồi đặt nó đối lập trực diện với cái ý tưởng có một bản sắc bất biến ... «Nét đặc trưng của bản sắc trần thuật là nó được định nghĩa không phải bằng cái đồng nhất mà bằng cái chuyển biến: mỗi tập thể sinh động đều luôn luôn có một lịch sử để tường thuật, và câu chuyện kể là một trong những nẻo đường hợp thành sự tỏa sáng đan chéo vào nhau của các nền văn hóa»2.
Thứ tư : Đất nước ta may mắn có hàng ngàn cây số bờ biển, nhưng chúng ta chỉ mới nói đến kinh tế biển gần đây thôi. Hãy nhìn xa hơn những vấn đề kinh tế dù thiết yếu, mà nghĩ thêm về «văn hóa biển» – «văn hóa ra khơi». Đã nghĩ tới chuyện «hậu dân sinh», hãy hạ quyết tâm «khai dân trí». Chúng ta đã «giải phóng đôi vai và đôi tay»; hãy tự giải phóng nốt cái đầu, hãy «tự lực khai hóa» tiếp. Tự nhiên, mỗi công trình phiên dịch sẽ là một chiếc thuyền vượt trùng dương, để chở về bao giá trị lạ lẫm nhưng hay đẹp, và về lâu về dài, vô cùng hữu ích.
Thứ năm : Tôi tin rằng chúng ta cần học hỏi rất nhiều từ phương Tây. Thử nhìn quanh ta mà xem. Internet, điện thoại di động, thiết bị thu hình - phát sóng, ôtô, máy bay, xe lửa cao tốc, thuyền đại dương, tàu vũ trụ, v. v... Bao nhiêu thứ mỗi ngày vây quanh ta, là bấy nhiêu sản phẩm kinh tế gốc gác từ đây. Nhưng sức mạnh kinh tế của phương Tây chỉ là phần nổi của tảng băng, cái làm cho sức mạnh kinh tế ấy nổi cao như núi, nghĩa là cái phần chìm của băng sơn này, chính là những giá trị văn hóa – trong đó có tư duy lý tính, có tinh thần phê phán, có tư tưởng tự do, có tư tưởng dân trị hay dân chủ.
Và Cổ Hy Lạp chính là chiếc nôi của nền văn hóa ấy. Và Socrates chính là triết gia đầu tiên của dòng triết học muốn áp dụng lý tính vào mọi vấn đề con người, là nạn nhân đầu tiên của cuộc xung đột: triết học chống tôn giáo, phê phán chống bảo thủ, chuyển biến chống bất động,... trong thời Cổ Hy Lạp ấy.
Tất nhiên, chúng ta có thể chỉ nhại hàng hóa Tây phương, sản xuất ra những hàng giả, hàng dỏm của họ rồi quỵt luôn tác quyền, như có nơi đã làm. Nhưng tôi thực tình nghĩ rằng, để đạt đến tầm vóc thật sự của phương Tây, cần một nỗ lực học hỏi đích thực. Nhưng thế nào là học hỏi đích thực ?
Thưa quý vị và các bạn,
Ở đây, chúng ta có thể nhìn vào ngay lịch sử văn hóa của phương Tây, để thấy các nước Âu châu đã tự học hỏi như thế nào, hay nói cụ thể và chính xác hơn, đã tiếp thu những giá trị văn hóa của Hy Lạp xa xưa như thế nào.
Lịch sử chính trị cổ Hy Lạp xem như chấm dứt khi các thành quốc ở đây trở thành tỉnh Achaea của Đế quốc La Mã năm 27 TCN. Nhưng từ trước đó, những giá trị văn hóa của Athens đã lan tràn khắp nơi theo bước chân bành trướng của kẻ chinh phục. Đời sau gọi hiện tượng này là sự Hy Lạp hóa.
Thành Alexandria (Ai Cập) trở thành thủ đô văn hóa của thế giới Hy Lạp hóa này, và Thư viện Hoàng gia ở đây thành trung tâm học thuật của cả thế giới cổ đại. Kinh sách khắp nơi được đưa về Alexandria bằng mọi phương tiện, sách Hy Lạp được dịch ra các thứ tiếng khác và ngược lại. Nhưng khi Đế quốc Tây La Mã sụp đổ, văn hóa Hy Lạp cũng suy sụp theo. Tiếng Hy Lạp còn được sử dụng tại Byzantium (hay Đế quốc Đông La Mã), nhưng tư tưởng đã mất thế thống lĩnh, tác phẩm không còn được phiên dịch, giới học giả chú tâm nhiều hơn vào việc gìn giữ những văn bản Ki Tô giáo.
Sự khôi phục lại những giá trị văn hóa Hy Lạp ở phương Tây được thực hiện qua 3 đợt của «thời đại phiên dịch», trong bối cảnh chồng chéo của những cuộc chiến xâm lấn / giải phóng giữa các xứ Âu châu Kitô giáo và Ả Rập Hồi giáo.
– Đợt thứ nhất, từ chữ Hy Lạp sang chữ Ả Rập, kéo dài từ tk thứ VIII đến tk thứ IX. Nó xảy ra khi Đế quốc Ả Rập cũng bị những giá trị văn hóa của Hy Lạp thu hút, sau khi thôn tính nhiều xứ Hy Lạp hóa (Mesopotamia, Syria, Ai Cập) và các vùng phía nam Byzantium (Tây Ban Nha, Sicily). Tác phẩm triết học và khoa học bằng chữ Hy Lạp và cả Latin được giới học giả Ả Rập liên tục phiên dịch, bình luận, và phổ biến.
– Đợt thứ hai, từ chữ Ả Rập sang chữ Latin, trong suốt hai tk XII - XIII. Với sự xây dựng và phát triển của các đại học khắp châu Âu, văn bản thuộc các lĩnh vực khoa học được phiên dịch nhiều nhất, sau mới đến triết học và tôn giáo.  Khi công cuộc giải phóng các lãnh thổ bị Hồi giáo thôn tính thành tựu, học giả Âu châu khắp nơi đổ về Tây Ban Nha và Sicily để nghiên cứu học thuật và văn hóa Ả Rập. Tuy họ bất ngờ khám phá ra một ít văn bản bằng Hy Lạp còn giữ được, việc phiên dịch vẫn chủ yếu là từ chữ Ả Rập, trong khuôn khổ cũ.
– Đợt thứ ba, từ nguyên bản Hy Lạp sang chữ Latin, trong suốt thế kỷ thứ XV. Khi Byzantium bị Đế quốc Ottoman xâm chiếm (năm 1453), giới học thức từ đây đi lánh nạn tại các xứ lân cận mang theo một lượng lớn kinh sách bằng cả ba thứ tiếng (Ả Rập, Hy Lạp, Latin), đúng vào lúc tại nhiều nước Âu châu cũng nổi lên trào lưu «nhân bản» (lúc đầu phát sinh từ Ý và chỉ nhằm đổi mới việc dạy và học các bộ môn ngôn ngữ và văn học cổ, studia humanitatis = the humanities = les humanités). Thế nên các tác giả Hy Lạp được khám phá lại và dịch ra tiếng Latin từ chữ gốc...
«Nhân bản», từ đây, bao hàm tất cả mọi giá trị con người bắt nguồn từ Hy Lạp và La Mã cổ đại. Từ đây, thế kỷ «Phục Hưng» có thể lên đường, và với sự thúc đẩy của một biến cố cực kỳ quan trọng khác là sự phát minh ra máy in của Johannes Gutenberg (1455, Mainz), làm tiên đề cho thế kỷ «Khai Sáng».
Đấy, châu Âu đã tự học, đã tiếp thu những giá trị văn hóa của cổ Hy Lạp như thế đấy. Phiên dịch và phổ biến sâu rộng, bằng giáo dục.
Thưa quý vị và các bạn,
Giải thích sự thất bại của Việt Nam trong cuộc tiếp xúc với phương Tây (Pháp) mà ông xem là cuộc toàn cầu hóa lần thứ nhất, nhà văn Nguyên Ngọc viết: 
«Nếu thông minh và khôn khéo trong tiếp nhận văn hóa là đặc điểm quý của người Việt, thì không triệt để, không đi đến cùng, hời hợt, cũng là đặc điểm khác không hề kém quan trọng»...«Học lấy cái lạ đến từ bên ngoài cho yêu cầu sống còn tức thì của mình, nên rất thường chỉ “hớt” lấy cái cần, cái trên bề mặt mà học, và rồi chỉ dừng lại ở đó. Ngay đối với Phật giáo trước đấy cũng vậy, ở cấp triều đình chủ yếu cũng chỉ được khai thác cho mục đích cai trị, ở cấp nhân dân thì hòa trong đạo lý nhân ái dân gian của người bình dân, chẳng mấy khi tìm đến Phật giáo như một nền triết học uyên thâm bậc nhất của nhân loại, có lẽ chỉ trừ thời Lý Trần, dẫu đã cố gắng nhiều nhưng quả cũng chưa có mấy thành tựu lớn và sâu. Đối với Nho học cũng vậy, suốt một nghìn năm học Nho, nhưng Việt Nam không hề có được một nhà Kinh học như Hàn quốc hay Nhật Bản»[3]
Chia sẻ những nhận định trên của tác giả, tôi tin rằng muốn học hỏi thực sự những giá trị văn hóa của phương Tây, người Việt chúng ta cần tiếp thu chúng từ gốc rễ, chứ không thể tự bằng lòng với sự lắp ghép cành ngọn, hay tệ hơn nữa, sao chép những thành phẩm của người khác.
Bắt đầu từ chỗ phải bắt đầu, hay từ những điểm mốc. Kiên nhẫn làm công việc phiên dịch nghiêm túc tối đa có thể làm. Mạnh bạo đưa chúng vào chương trình giáo dục. Chỉ khi nào những giá trị văn hóa con người chân chính của phương Tây không còn là chuyện ngoại lai, mà được tiếp thu đến mức có khả năng trở thành động lực nội sinh, thì sự học hỏi mới có thể được xem là thành công.
Thưa quý vị và các bạn,
Phiên dịch sách vở là phần nào làm công việc của người hướng dẫn du lịch. Chỉ khác nỗi đây là một hành trình văn hóa. Nhưng phiên dịch kinh sách cổ từ 25 thế kỷ trước thì đúng là làm người hướng dẫn xem viện bảo tàng, với tất cả những rủi ro đáng thất vọng của nó.
Athens của «thế kỷ Perikles» nay đã đầy rêu phong. Và đường nét huyền ảo của Socrates giờ có thể còn lung linh hơn trước nữa.
Khu Agora hiện là nơi ngổn ngang bao di tích kiến trúc của một thời vàng son đã khuất – chỉ còn hòn đá đánh dấu ranh giới là vẫn nằm nguyên ở chỗ nó đã được đặt hai mươi mấy thế kỷ trước. Đưa độc giả vào đây chẳng khác nào đẩy du khách vào một viện bảo tàng lộ thiên. Chỉ mong rằng họ – đối tượng của mọi nỗ lực phiên dịch của tôi, những học sinh và sinh viên Việt Nam – cũng nghe được, từ đâu đây, thì thầm mấy câu thơ của Paul Valery khắc trên tường Viện Bảo Tàng Nhân học ở Paris:
«Tùy người bước vào đây
Mà tôi là nấm mồ hay kho tàng
Mà tôi lên tiếng hay câm nín
Điều này chỉ tùy thuộc nơi bạn thôi
Ai ơi, chớ bước vào đây mà không ham muốn gì»[4]           

Bởi vì không ham muốn chi thì chẳng được gì cả – từ hiểu biết hay tình yêu, đến hạnh ngộ hoặc khám phá.
Chỉ mong rằng họ cũng cảm nhận tương tự như một triết gia đương đại: đã dan díu với triết học, thì ít nhất cũng phải một lần trong đời, nghĩ về Socrates và cái chết của Socrates[5]. Vì sao? Cho tôi hỏi lại : Nhân cách và cái chết của Ông chẳng là lời chất vấn muôn đời đối với lương tri con người hay sao? Nhất là khi vụ án và cái chết của Socrates đâu chỉ là chuyện cổ tích : nó xảy ra ở khắp nơi, ngay trong thế kỷ 21 này.

--------------------------------------------------------------------------------

[1]«Nous autres, civilisations, nous savons maintenant que nous sommes mortelles» (Paul Valéry, La Crise de l’esprit, 1919)
[2] Paul Ricoeur,Cultures, du deuil à la traduction. Le Monde, 24 Mai, 2004 (Phát biểu tại «Những Trao đổi của Thế kỷ XXI : «Giá trị sẽ đi về đâu?», tổ chức ngày 28-4-2004 tại Unesco). Văn hóa : từ để trở sang phiên dịch. Bản dịch tiếng Việt của Phạm Trọng Luật (www.amvc.free.fr.)
[3] Nguyên Ngọc, Về chuyện bản sắc, bản sắc dân tộc.
[4]«Il dépend de celui qui passe/ Que je sois tombe ou trésor/ Que je parle ou me taise/ Ceci ne tient qu'à toi/ Ami, n'entre pas sans désir» (Câu thơ phương châm của Paul Valéry khắc trên tường Viện bảo tàng Con người - Musée de l’Homme - thuộc quần thể Palais de Chaillot)
[5]«Il faut bien, comme professeur de philosophie, avoir faire au moins une fois dans sa vie, un cours sur Socrate et la mort de Socrate» (Michel Foucault, sdttm, tr. 142).

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

CƯ DÂN MẠNG Ở VIỆT NAM



Gabe Sowa
Sinh viên khoa Tâm lý học, ĐH Western Washington, Mỹ

Tạp chí Tia Sáng
Lý Lan dịch



Sinh viên Việt Nam dường như tin vào khả năng của internet giúp được họ, cũng như đất nước họ, phát triển và đóng những vai trò quan trọng trên sân khấu toàn cầu.
Là một sinh viên Mỹ trưởng thành trong kỷ nguyên số, kỹ thuật internet và mạng xã hội đã đan quyện vào đời sống hàng ngày của tôi. Thông qua sự chia sẻ mọi thứ, từ hình ảnh đến ý kiến đến những câu chuyện, các mạng xã hội đã trở thành những phương tiện quan trọng đối với giới trẻ Mỹ không chỉ trong nỗ lực tạo lập các mối quan hệ mà còn làm cho chúng thêm phong phú.
Còn khi đặt chân đến thành phố Hồ Chí Minh tôi ngỡ ngàng về những chuyển động và trạng thái trong cách thức mạng xã hội được tiếp nhận và sử dụng, chẳng khác gì giao thông tít mù trên đường phố Sài Gòn.
Theo tài liệu tôi nghiên cứu khi còn ở Mỹ thì sự truy cập internet là tiện nghi bình thường ở những vùng đô thị như thành phố Hồ Chí Minh. Tôi cũng hiểu rằng mạng xã hội đóng một vai trò ngày càng lớn trong các mối quan hệ của giới trẻ. Tôi đã tìm được cứ liệu tin cậy cho là các mạng xã hội như Zing Me, Yume, và cả Facebook có hàng triệu thành viên ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi tôi bắt đầu phỏng vấn những bạn trẻ Việt Nam trang lứa ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Cần Thơ, tôi phát hiện là đối với người sử dụng, ít nhất là đối với những người trẻ, thì mạng xã hội không chỉ là một tiện nghi mà còn là một sự cần thiết. Từ những bạn trẻ nói với tôi là thế giới mà không có internet thì sẽ vô cùng “khủng khiếp”, đến những sinh viên thường trực lên mạng xã hội từ bất cứ nơi đâu thông qua điện thoại di động, thì rõ ràng mạng xã hội đã trở thành một kiểu thức truyền thông và định hình tính cách quan trọng đối với ngày càng đông người Việt trẻ.
Trong một hội thảo thân mật trong quán café Trung Nguyên ở Hà Nội, một sinh viên đã giải thích với tôi ở Việt Nam “cư dân mạng” nên được hiểu như thế nào. Anh nói là mặc dù gia đình anh làm chủ một tiệm café internet và anh chủ yếu lớn lên cùng máy tính, việc sử dụng internet đối với giới trẻ thường là một thói quen hơn là một ngoại lệ. Anh nói bây giờ ở Việt Nam hiếm ai nói họ không hề xài internet. Trò chuyện với nhiều sinh viên khác cũng hé cho tôi thấy một hệ quả khác của mạng xã hội, đó là quan điểm toàn cầu. Các sinh viên nhấn mạnh là mạng kỹ thuật số đang thay đổi không chỉ những cách thức mà họ tương tác với nhau, mà thay đổi cả cách họ giao tiếp với thế giới. Các bạn gặp ở cuộc hội thảo sốt sắng chỉ ra rằng internet đã cho họ điều kiện quan tâm đến không chỉ văn hóa Việt Nam mà cả văn hóa toàn cầu khi xuất hiện ở Việt Nam. Các bạn sinh viên ở quán café cũng nhấn mạnh sự kiện là người Việt đã thích nghi nhanh chóng với sự phổ biến của internet, dẫn chứng việc sử dụng internet từ nghe nhạc đồng quê đến nghiên cứu giải pháp cho các vấn đề môi trường rộng khắp thế giới.
Trong thời gian ở Việt Nam tôi nhanh chóng hiểu ra là giới trẻ Việt Nam – ít nhất là giới trẻ ở các thành phố lớn và có trình độ đại học – hội nhập cực kỳ tốt với điều được coi là nền văn hóa phi chính thống nổi trội: nền văn hóa internet. Tôi cũng đã nhận ra điều tương tự ở Mỹ, một nền văn hóa phi chính thống bắt nguồn từ việc sử dụng internet, và điều đó đã đóng vai trò quan trọng trong kết hợp kinh nghiệm toàn cầu và trải nghiệm cá nhân. Nhưng khám phá ra mạng xã hội Việt Nam còn có đặc điểm gì khác là một công việc đầy thách thức. Việc dùng internet để thám hiểm những ranh giới mới và những hình thức diễn cảm mới vốn không tồn tại trước khi mạng xã hội ra đời có thay đổi hay củng cố phẩm chất Việt Nam gì đó như thế nào?
Tôi đã cố gắng tìm hiểu điều này trong một cuộc phỏng vấn với những người quản trị mạng Yume.vn , một mạng xã hội ở thành phố Hồ Chí Minh có hơn ba triệu thành viên. Yume thể hiện nỗ lực tạo cho người Việt một lối thoát trên mạng để diễn tả suy nghĩ, cảm xúc, nhận định, phân tích những vấn đề thiết thân nhất đối với họ. Bằng cách cho bất cứ người viết Việt Nam nhiệt tình nào cũng mở được blog cá nhân trên mạng này, Yume nhấn mạnh vào kiểu thảo luận những vấn đề phức tạp nhưng mạch lạc mà internet cung cấp nếu sử dụng đúng. Cộng đồng và quan hệ cộng đồng, cũng giống như nhiều khía cạnh khác của xã hội Việt Nam, được mạng xã hội Yume chú trọng - và bằng một hình thức và một thiết kế chuyên nghiệp để cho mạng này hấp dẫn và dễ tiếp cận.
Những cuộc thảo luận sâu hơn với sinh viên Việt Nam cho thấy giới trẻ Việt Nam, cũng giống như giới trẻ Mỹ, muốn chia sẻ mọi thứ, với nhau và với cả thế giới. Sinh viên Việt Nam dường như tin vào khả năng của internet giúp được họ, cũng như đất nước họ, phát triển và đóng những vai trò quan trọng trên sân khấu toàn cầu. Là những người lãnh đạo tương lai của thế giới này giới trẻ có trách nhiệm làm cho đất nước mình, và thế giới, trở thành một nơi tốt đẹp hơn cho những thế hệ tương lai. Sự phát triển đã khiến thế hế chúng tôi trở thành “công dân mạng” cho thấy internet là phương tiện của tương lai để chia sẻ những câu chuyện, những ý tưởng, những viễn tượng về thế giới của chúng ta.  

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

PHÁP LUẬT THỰC DỤNG TỔNG QUÁT




(Buổi hội thảo pháp luật thực dụng tổng quát do hội thân hữu Việt Mỹ tổ chức vào ngày 25 tháng 2 năm 2012 tại thành phố Oklahoma City của tiểu bang Oklahoma)

PTế Nguyễn Mạnh San Tuyên Úy Trại Tù Cho
Tổng Giáo Phận Công Giáo Oklahoma City
khoahocnet



Kính thưa Quí Vị Quan Khách:

Thật là một điều hết sức vinh dự cho tôi, lại một lần nữa được Hội Thân Hữu Việt Mỹ mời tôi đến đây, để thuyết trình với quí vị về đề tài Pháp Luật Thưc Dụng Tổng Quát, bao gồm một số vấn đề rất thiết thực, có liên quan đến pháp lý, mà tôi đã thu thập hàng ngày sau hơn 32 năm liên tục, tôi đã được phục vụ trong ngành Tư Pháp Hoa Kỳ, với chức vụ là Phụ Tá Trưởng Phòng Tố Tụng tại Tòa Án Liên Bang tại thành phố Oklahoma City và như quí vi đã rõ là tôi mới về hưu cách đây hơn 3 tuần lễ. Vậy trước khi đi sâu vào từng vấn đề pháp lý của đề tài Pháp Luật Thưc Dụng Tổng Quát này, tôi xin thưa cùng quí vị, là có một số người không để ý tới sự khác biệt hoàn toàn giữa Chứng Chỉ Nhập Tịch (Certificate of Naturalization) với Chứng Chỉ Công Dân Mỹ (Certificate of Citizenship). Chứng Chỉ Nhập Tịch là chỉ cấp cho những công dân 18 tuổi trở lên, sau khi thi đậu cuộc khảo sát nhập tịch (Naturalization Test) và đã được tuyên thệ nhập tich tại Tòa Án Liên Bang Hoa Kỳ hay tại Sở Di Trú, còn Chứng chỉ Công Dân Mỹ là do Sở Di Trú cấp phát cho những con cái dưới 18 tuổi, sau khi Bố hoặc Mẹ đã tuyên thệ nhập tịch và sau đó đã nạp đơn N-600 cho con cái với Sở Di Trú. Nhưng khi bị mất chứng chỉ công dân Mỹ, người ta đến Tòa Án xin cấp phó bản chứng chỉ (Duplicate Certificate), đều nói là bị mất chứng chỉ nhập tịch, chứ không nói là bị mất chứng chỉ công dân Mỹ. Do đó, Tòa Án chỉ có hồ sơ của những người tuyên thệ nhập tịch, chứ không có hồ sơ của những người có chứng chỉ công dân Mỹ, chỉ có Sở Di Trú mới lưu giữ hồ sơ này mà thôi.

A. Vậy, nếu ai lỡ đánh mất chứng chỉ nhập tịch, mà đã có Sổ Thông Hành Hoa Kỳ (US Passport) rồi, thì không cần thiết phải nạp đơn xin lại Chứng Chỉ Nhập Tịch làm gì vô ích, vừa tốn tiền mà lại vừa phải chờ đợi lâu từ 2 tháng đến 6 tháng, để nhận được thư của Sở Di Trú mời tới ký tên vào phó bản Chứng Chỉ Nhập Tịch.

B. Nếu trong trường hợp bị mất chứng chỉ nhập tịch, mà chưa kịp xin US Passport và để đỡ tốn nhiều tiền, mất thì giờ chờ đợi lâu như lời giải thích ở đoạn A trên đây, nếu ai tuyên thệ nhập tịch ở Tòa Án, thì chỉ cần đến Tòa Án xin cấp bản sao Bản Án Nhập Tịch, có con Dấu Triện nổi thị thực của Tòa (Certified & Sealed copy of Court Order), để cấp cho đương sự tạm thời hội đủ điều kiện nạp đơn xin US Passport, thay vì phải kèm theo đơn với Chứng Chỉ Nhập Tịch.

C. Nhưng nếu mất chứng chỉ công dân Mỹ, mà chưa có US Passport, thì phải nạp đơn xin phó bản chứng chỉ với Sở Di Trú, chứ Tòa Án không có hồ sơ của bất cứ ai có chứng chỉ công dân Mỹ, vì Tòa Án không hề cấp chứng chỉ loại này, mà Sở Di Trú đặc quyền cấp phát loại chứng chỉ này, nên hồ sơ được lưu giữ tại Sở Di Trú.

D. Tuy nhiên cách đây khoảng trên 15 năm, Luật Di Trú được Quốc Hội Hoa Kỳ thay đổi, vì các vị Quan Tòa mắc bận xử các vụ kiện, phòng xử lại chật hẹp và thiếu nhân viên điều hành tại Tóa Án, không thể nào đáp ứng với số lượng nhu cầu ứng viên tuyên thệ nhập tịch mỗi ngày mỗi gia tăng, nên có những người sau khi thi đậu phần khảo sát nhập tịch, được phép tuyên thệ ngay tại Sở Di Trú hoặc tại một địa điểm nào khác, do Sở Di Trú điều hành tổ chức qua sự ủy quyền của Tòa Án, thì trong trường hợp này, Tòa Án cũng không có hồ sơ của những người nhập tịch, nên nếu bị thất lạc chứng chỉ nhập tịch, mà không tuyên thệ ở Tòa Án, thì đương sự phải đến Sở Di Trú địa phương nơi mình đang cư ngụ, để xin sao lục hồ sơ nhập tịch .

E. Điều nên nhớ sau khi Bố hoặc Mẹ tuyên thệ nhập tịch rồi, một trong hai người phải nạp đơn N-600 với Sở Di Trú, để xin cho con cái dưới 18 tuổi trở thành công dân Mỹ, thì con cái sẽ được Sở Di Trú cấp phát chứng chỉ loại này, nhưng nhiều bậc Bố Mẹ hiểu lầm là sau khi Bố hoặc Mẹ tuyên thệ nhập tịch rồi, thì con cái tự động trở thành công dân Mỹ, nên không cần phải nạp đơn xin cho con cái vô quốc tịch.

F. Trong những trường hợp có một số cơ quan công cũng như tư, đòi hỏi đương sự phải nạp giấy tờ chứng minh là công dân Hoa Kỳ, mà họ không chịu chấp nhận US Passport, mặc dầu US Passport chỉ cấp cho công dân Hoa Kỳ, trong khi đương sự bị thất lạc Chứng Chỉ Nhập Tịch hay Chứng Chỉ Công Dân Hoa Kỳ, chưa kịp xin cấp phó bản chứng chỉ đã bị mất, thì có thể đến Tòa Án, xin cấp bản sao hồ sơ nhập tịch có dấu triện nổi thị thực của Tòa, nếu đương sự tuyên thệ ở Tòa, hoặc đến Sở Di Trú địa phương, nếu tuyên thệ ở Sở Di Trú.

G. Theo Luật Di Trú mới, hai loại chứng chỉ kể trên, không cần biết chứng chỉ được cấp phát bao nhiêu lâu rồi và mặc dù trên chứng chỉ có ghi chú câu: Sao Lại Chứng Chỉ Là Vi Phạm Luật Pháp, đều được phép sao y bản chánh, để dùng làm chứng từ pháp lý (Legal Reference) nạp cho các cơ quan Công cũng như Tư đòi hỏi, nhưng không được phép dùng bản sao (copy) này vào mục đích công cộng.

H. Cách đây khoảng trên 20 năm về trước, 90% những người sau khi tuyên thệ nhập tịch rồi, không ai biết rằng mình phải đến Sở An Ninh Xã Hội (Social Security Service), để xin đổi (Change) tình trạng thường trú ( Status of Permanent Resident) trở thành tình trạng công dân Hoa Kỳ ( Status of US Citizenship). Chính tôi đặc trách tuyên thệ nhập tịch tại Tòa Án trong nhiều năm qua cũng không biết điều này. Mãi cho tới cách đây 12 năm cho tới hôm nay, mỗi khi có buổi Lễ Tuyên Thệ Nhập Tịch tại Tòa Án, đều có mặt nhân viên của Sở An Ninh Xã Hội, để điều chỉnh tình trạng tại chỗ cho mọi người vừa tuyên thệ xong, thì tôi mới biết điều này.Vậy nếu ai chưa thay đổi tình trạng của mình sau khi đã tuyên thệ nhập tịch, thì nên đến Sở An Ninh Xã Hội địa phương, để xin điều chỉnh tình trạng của mình, nhất là những người chỉ có chứng chỉ công dân Mỹ, thì hầu hết tình trạng của họ vẫn là thường trú nhân hoặc trong hồ sơ ghi chữ “Không Rõ” (Unknown). Sở dĩ phải nên đến Sở An Ninh Xã Hội xin thay đổi tình trạng như thế, là vì có một số quyền lợi khác biệt giữa một Thường Trú Nhân với quyền lợi của một Công Dân Hoa Kỳ. Một ví dụ như nếu một thường trú nhân (Permanent Resident) về sinh sống tại quê hương nguyên thủy của mình, tiền già sẽ KHÔNG được Sở An Ninh Xã Hội chuyển về cho mình dù mình yêu cầu, nhưng nếu mình là công dân Hoa Kỳ (US Citizen), thì tiền già sẽ được chuyển thẳng về cho mình nếu mình muốn. Một ví dụ khác, như mình hay con cái của mình đang được thụ hưởng một ngân khoản tài chánh nào đó của Sở An Ninh Xã Hội cung cấp tại tiểu bang mình đang cư ngụ, nhưng khi di chuyển sang một tiểu bang khác sinh sống, mà hồ sơ ở Sở An Ninh Xã Hội của người thụ hưởng không ghi chú là Công Dân Hoa Kỳ, thì người thụ hưởng vẫn phải đến cơ quan này xuất trình Chứng Chỉ Nhập Tịch hoặc Chứng Chỉ Công Dân Mỹ, hoặc US Passport, để xin điều chỉnh lại tình trạng, thì mới tiếp tục được thụ hưởng những quyền lợi như trước đây ở tiểu bang cũ.

I. Luật Di Trú cho phép mọi người được quyền đổi tên trước khi tuyên thệ nhập tịch, nhưng sau khi tuyên thệ rồi, nếu muốn đổi tên hoặc muốn đổi tên mới trở lại tên cũ, thì phải nạp thỉnh nguyện thư (Petition) tại Tòa Án Tiểu Bang, nơi mình đang cư ngụ. Riêng những con cái dưới 18 tuổi, nếu Bố hay Mẹ đã tuyên thệ nhập tịch và đã nạp đơn N-600 cho con cái, để được trở thành công dân Mỹ thì không được phép đổi tên tại Sở Di Trú như những người tuyên thệ nhập tịch, nếu muốn đổi tên thì phải nạp thỉnh nguyện thư tại Tòa Án Tiểu Bang.Theo kinh nghiệm bản thân tôi liên tiếp hơn 32 năm đặc trách tuyên thệ nhập tịch tại Tòa Án Liên Bang Hoa Kỳ, tôi nhận thấy không nên đổi tên, nhất là những người trung tuổi trở lên lại càng không nên đổi tên, vì sự đổi tên sẽ không đem lại lợi ích gì cho mình, mà trong tương lại có thể gây ra nhiều điều phiền toái cho mình và cho gia đình mình, mỗi khi phải bổ túc giấy tờ hành chánh cho các cơ quan, mà mình có những dịch vụ liên hệ đến công ăn việc làm của mình hay của những người thân thương trong gia đình mình. Ngoại trừ những trường hợp cần phải đổi tên Mỹ cho giới trẻ tuổi, là vì tên Việt khó cho người Mỹ phát âm đúng giọng tiếng Việt, trong khi giới trẻ này còn phải làm việc, tiếp xúc trực tiếp lâu dài nhiều năm bên cạnh những người Mỹ hoặc có những tên tiếng Việt làm cho người Mỹ phát âm nghe nó vừa tức cười lại vừa tục tĩu, chẳng hạn như tên Cư, Cự, Bùi v.v… thì hãy nên đổi tên.

K. Coi chừng đi shopping, nếu đổi giá tiền của một món hàng từ nhiều tiền xuống còn ít tiền, mà mình định mua sắm món hàng đó, nếu bị bắt quả tang có hành động đang đổi giá trên món hàng, có thể bị cáo buộc vào tội ăn cắp vặt (Shoplifting) và theo Đạo Luật mang số 21 điều 1731 của tiểu bang Oklahoma, nếu người vi phạm là vị thành niên 18 tuổi trở lên, có thể bị đóng tiền phạt vạ từ 50 Mỹ kim lên đến 500 Mỹ kim hoặc phải tình nguyện phục vụ một số giờ cho cộng đồng do Quan Tòa ấn định.

L. Một điều cuối cùng mọi người cần nên lưu ý: Những ai đang hưởng tiền Phụ Trợ Cấp Tiền Già SSI (Supplemental Social Income), nếu xuất ngoại quá 30 ngày, không trở về lại Hoa Kỳ, dù là vô quốc tịch rồi cũng không hội đủ điều kiện để tiếp tục được hưởng tiền già SSI nữa. Lý do là bất cứ ai là thường trú nhân, là công dân Mỹ nhập tịch, là người Mỹ chính gốc 100% sinh đẻ ở Hoa Kỳ, khi đến tuổi về hưu 65, mà không làm việc đủ 10 năm hoặc không làm việc đủ 40 quarters (120 tháng), thì không được lãnh tiền già SI (Social Income), mà chỉ được lãnh tiền Phụ Trợ Cấp Tiền Già SSI (Supplemental Social Income), vì nghèo không có lợi tức gì khác. Nhưng khi người lãnh tiền SSI này, sau khi quay trở về Hoa Kỳ, vẫn có thể nạp đơn xin lại tiền SSI như trước kia đã thụ hưởng.Vì tiền Phụ Trợ Cấp này chỉ cấp cho những người còn đang cư ngụ tại Hoa Kỳ mà thôi.

Trước khi kết thúc buổi thuyết trình này, ông Nguyễn Thiệu Hoằng, Chủ Tịch Hội Thân Hữu Việt Mỹ đã nhân danh HTHVM, trao tận tay cho tôi 2 khung hình: Một khung hình thứ nhất của Hội vinh danh những thành tích bác ái giúp đỡ Công Đồng Người Việt tại TP. Oklahoma City của tôi nói riêng trong nhiều năm qua và chính ông Chủ Tịch đã đọc lên cho khán thính giả nghe những lời tri ân được ghi trong khung hình này của Hội tặng cho tôi. Tiếp theo ngay sau đó, ông Chủ Tịch cũng trao tận tay cho tôi một khung hình thứ hai của Hội, đã lồng bài báo đăng trên tờ The Daily Oklahoman, nói về những thành tích và ngày hưu trí của tôi với hình ảnh tôi đang đứng thuyết trình tại Tòa Án Liên Bang Hoa Kỳ, trong buổi Lễ Tuyên Thệ Nhập Tịch cho 120 người trở thành công dân Hoa Kỳ, thuộc 48 quôc gia trên thế giới.

Đáp từ ông Chủ Tịch, tôi xin hết lòng cám ơn ông Chủ Tịch HTHVM và ông Giám Đốc Trung Tâm Tỵ Nạn Nguyễn Công Bình, đã ưu ái mời tôi đến đây để thuyết trình đề tài Pháp Luật Thực Dụng liên tục trong nhiều năm qua, do HTHVM tổ chức nhiều lần hàng nặm tại đây. Cuối cùng tôi cũng không quên cám ơn tất cả Khán Thính Giả đã bỏ thì giờ quí báu cuối tuần, sốt sắng đến đây đông đảo để nghe tôi thuyết trình liên tục trong nhiều năm qua. Vì nếu không có sự tham dự đông đảo của quí vị như thế này, chắc chắn tôi sẽ không có cơ hội được Hội Thân Hữu Việt Mỹ liên tục mời tôi đến đây, để tôi có nhiều cơ hội được chia sẻ cùng quí vị những kiến thức chuyên biệt về Pháp Luật Hoa Kỳ Thực Dụng, mà tôi đã nghiên cứu, học hỏi trong hơn 32 năm trong Ngành Tư Pháp, từ những công việc làm hàng ngày của tôi tại Tòa Án Liên Bang Hoa Kỳ. Chắc quí vị cũng đã rõ, Đức Tin mà không thực hành là Đức Tin chết, cũng như trường hợp của riêng tôi, những kiến thức chuyên biệt của tôi, nếu HTHVM không giúp tôi có cơ hội, mời tôi đến đây để chia sẻ những kiến thức của tôi với quí vị đã nhiều lần, từ nhiều năm qua cho tới ngày hôm nay, thì những kiến thức đó của tôi sẽ trở thành vô dụng, vì nó chẳng đem lại một chút ích lợi gì cho những ai đang cần tìm hiểu về Luật Pháp Hoa Kỳ.


Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

PHÁP LUẬT KHI LÀ MỘT THÀNH TỐ CỦA VĂN HÓA



Nguyễn Minh Tuấn

Bạn có thể tưởng tượng được không rằng thời nay ở nước Mỹ, một đất nước được cho là giàu có và văn minh nhất thế giới, ở bang California người ta cho phép người chồng được phép đánh vợ bằng thắt lưng da nhưng lại qui định cụ thể điều kiện dây thắt lưng không được rộng hơn 2 inch ( 1 inch= 2,54cm), cách đó không xa bang Michigan lại có qui định cấm đàn bà đi cắt tóc mà không xin phép chồng mình trước (1). Lạ hơn ở Afghanistan người ta có đạo luật áp dụng trong cuộc sống gia đình của người thiểu số Shia cho phép chồng có quyền bỏ đói vợ nếu bị từ chối sex (2). Ở nhiều nước Hồi giáo, luật pháp còn cho phép một người đàn ông có thể lấy tối đa những 4 vợ và hợp pháp hóa việc người chồng có quyền đánh vợ khi người vợ không phục tùng chồng (3).
Còn ở Diyarbakir, Thổ Nhĩ Kỳ, để có biện pháp giáo dục đối với một người đàn ông thường xuyên đánh vợ, Tòa án đã tuyên phạt ông ta một hình phạt rất “đáng yêu” là phải tặng hoa cho vợ mỗi tuần một lần trong vòng năm tháng để học cách tôn trọng cái đẹp. Ngoài ra ông còn phải đọc một cuốn sách mỗi tháng, trong vòng năm tháng về đề tài “quan hệ gia đình và giáo dục con cái” để biết cách làm thế nào để trở thành một ông chồng tốt (4).
Ai cũng biết, để thể hiện thái độ thân thiện, cởi mở trong giao tiếp ở nhiều nước Châu Âu, việc ôm, hôn khi gặp gỡ là việc làm rất bình thường, nhất là với người mình yêu mến, nhưng nếu bạn sống ở Malaysia mà có hành động như vậy ở nơi công cộng thì đó là hành động bất hợp pháp và bạn có thể phải ngồi tù 1 năm để suy nghĩ về hành động mà nhìn bề ngoài rất chính đáng của mình (5).
Còn nữa, nếu như ở Bỉ, Hà Lan, Luxemburg, người ta có đạo luật riêng về cái chết nhân đạo, cho phép áp dụng một cái chết nhẹ nhàng hơn đối với những người mắc bệnh hiểm nghèo không thể cứu chữa được, việc làm này đối với họ là nhân đạo vì tránh cho người bệnh đau đớn, tránh tốn kém tiền bạc (6). Nhưng ở Việt Nam, nhất là với truyền thống coi trọng chữ hiếu, luật pháp và đạo đức đều không cho phép điều đó, thậm chí còn bị trừng trị với tội danh giúp người khác tự sát.
Chưa hết, ở tộc người Eskimo ngày nay vẫn còn tồn tại một tập quán lạ kì mà không có điều luật nào ngăn cấm là vào những ngày đông lạnh giá, người khách đến nhà chơi, có thể được chủ nhà tỏ lòng hiếu khách “đặc biệt”, bằng cách mời ngủ lại với vợ y qua đêm. Khi làm việc đó, họ có lí do riêng của mình đó là phải đối xử tốt với khách, để người khách không phải chịu một đêm giá lạnh (7). Một điều nhiều người cho rằng rất đáng xấu hổ, đáng lên án, thậm chí là vi phạm luật pháp, vi phạm đạo đức ở một nền văn hóa này, đôi khi đối với tộc người khác, ở một cộng đồng cư dân khác lại là một việc làm được chấp nhận vì đơn giản, họ sống ở một không gian hoàn toàn khác, họ không suy nghĩ và làm theo những gì bạn đang nghĩ.
Luật pháp là một thành tố cấu thành của văn hóa, là một hình thức phản ánh đặc trưng văn hóa, suy nghĩ, thói quen, và sự lựa chọn khác nhau của những tộc người. Suy cho cùng thì mọi thứ tồn tại, vận động và phát triển trên thế giới này cũng đều có lý do riêng của nó và chừng nào còn những khác biệt về lịch sử, địa lý, trình độ phát triển giữa các nền văn hóa thì chừng đó vẫn còn tồn tại những sự khác biệt đầy hợp lý. 
Xã hội tự thân nó đã luôn đa chiều, vì thế nếu nhìn dưới góc độ văn hóa, người ta không phán xét vội vàng, chủ quan về sự cao thấp, mà nhìn nhận vấn đề trong tính đa dạng và khác biệt vốn có của sự vật. Điều được coi là giá trị, là chuẩn mực thậm chí được ghi nhận trong pháp luật ở nơi này đôi khi lại là điều tồi tệ, cấm kị ở một nơi khác. Đúng là cái gì hay ta nên học, cái gì xấu ta nên tránh, nhưng trước khi biết được hay dở thế nào, cần phải có một cái nhìn "khoan dung về văn hóa", đừng vội lấy ta là trung tâm mà áp đặt, phán xử mọi thứ theo lối ta đều tốt đẹp hơn người, vì có thể lại là ngược lại (8)
Thì cũng vậy, người nước ngoài có thể ghê sợ trước món mắm tôm Việt Nam, và bạn có thể chẳng thích thú gì với món bơ (butter) truyền thống của Châu Âu. 
Nhưng một ngày muốn làm bạn với nhau, muốn hiểu về nhau hơn, và đặc biệt muốn học hỏi những gì tốt đẹp của nhau, tất cả chúng ta đều phải tôn trọng sự khác biệt của nhau mà thay đổi cách suy nghĩ và hành động. 

------------

Chú thích:
(1). http://www.md.lp.org/weird_laws.php
(2). http://vnmedia.vn/newsdetail.asp?newsid=172028&catid=17
(3). Nhưng cũng qui định là người chồng phải chu cấp đầy đủ và công bằng cho cả 4 bà vợ này, nếu không, các bà vợ có thể kiện. Tham khảo tại http://answering-islam.org/Silas/wife-beating.htm
(6). Tham khảo tại http://en.wikipedia.org/wiki/Euthanasia_and_the_law
(8). Hiện nay vẫn tồn tại lối tư duy cho rằng: "Những gì phù hợp với cái mà bản thân tôi hoặc những qui định mà cộng đồng văn hóa của tôi thừa nhận là “đúng”, thì mới là “đúng”, còn những gì khác lạ, không phù hợp với cái bản thân tôi và những qui định của cộng đồng văn hóa của tôi cho là “đúng” thì ắt hẳn là "sai". Lối tư duy này cũng giống như trong một câu truyện vui, rằng khi được hỏi: “cây hoa nào đẹp nhất?”, một chú nhím liền trả lời ngay rằng cây hoa xương rồng là đẹp nhất, bởi vì cây hoa xương rồng có những điểm tương đồng với điều mà chú cho là đẹp, mà cụ thể là “vẻ đẹp” bên ngoài của chú nhím này. Thực chất những những qui định pháp luật cụ thể, thậm chí những tiêu chí phân định giữa “đúng” và “sai”, “đẹp” và “xấu”, “thiện” và “ác”…thường chỉ có giá trị trong khuôn khổ cộng đồng văn hóa nhất định, với tư cách là nền tảng định hướng tư duy và hành động cho tất cả các thành viên của nó