Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

TIN GIÁO PHẬN QUI NHƠN THÁNG 12

Ø   ĐỨC CHA PHÊRÔ CHỦ SỰ THÁNH LỄ MỪNG ĐẠI LỄ GIÁNG SINH TẠI NHÀ THỜ CHÍNH TÒA
Tối ngày 24.12.2011, vào lúc 21g30 Đức Cha  Phêrô đã chủ sự thánh lễ vọng mừng Giáng Sinh. Thời tiết tốt nên Thánh lễ cử hành ngoài trời tại đài thánh Giuse Nhà thờ Chính tòa. Đoàn đồng tế có Đức Cha phó, cha sở, cha phó sở Chính tòa và một vài cha lân cận. Thánh lễ diễn ra sốt sắng và tràn đầy niềm vui. Có rất đông cả lương lẫn giáo tụ họp trong sân nhà thờ. Trước lễ có canh thức Giáng sinh.
Mở đầu thánh lễ Đức Cha Phêrô nói rằng «Hôm nay trên khắp hành tinh chan hòa ánh sáng và âm nhạc mừng đại lễ Giáng sinh, mà ta thường gọi là lễ Noel. Thường trong ngày lễ nầy người ta qui tụ bên nhau để hưởng những giây phút yêu thương và thanh bình bên những người thân. Nơi đâu dù đang có chiến tranh thì hai bên cũng tạm gác một bên để tìm những khoảnh khắc quý giá của hòa bình. Gia đình nào dù đang có trục trặc cũng tìm cách để nối lại yêu thương. Những ai đang có giận hờn, người ta cũng dễ dàng tha thứ cho nhau để tìm an bình trong tâm hồn…
Thưa anh chị em, Lễ Giáng Sinh, tràn ngập ánh sáng muôn màu và âm nhạc du dương. Đây là lễ của niềm vui và tình yêu bởi vì Con Thiên Chúa Giáng sinh là để đem lại cho thế gian bình an và yêu thương. Bình an và yêu thương đó Chúa ban cho tất cả mọi người không trừ một ai. Những ai thành tâm thiện chí, những ai biết để tâm lắng nghe Lời Con Chúa thì được tràn đầy sự an bình- hạnh phúc. Vì vậy, chúng ta đừng để ngày mừng Giáng sinh hôm nay trôi qua vô ích. Cuộc đời của mỗi người có ý nghĩa biết bao nếu biết đem lại cho nhau niềm vui và yêu thương thật lòng. Đó cũng chính là sứ điệp nòng cốt mà Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng Sinh gởi đến cho mỗi người chúng ta hôm nay».
Trong bài giảng lễ, Đức Cha Phêrô nói lên ý nghĩa Ngôi Lời Nhập thể và bổn phận của người tín hữu là giới thiệu Chúa cho mọi người bằng những việc làm cụ thể.
Ø   SINH HOẠT GIÁO HẠT BÌNH ĐỊNH
- Làm phép hang đá Đức Mẹ và đài Thánh Giuse tại Giáo họ Phước Thiện.
Sáng 8.12.2011, vào lúc 09g00 tại nhà thờ Giáo họ Phước Thiện, giáo xứ Gò Thị, tổ chức Thánh lễ mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm đồng thời làm phép hang đá và đài Thánh Giuse. Đức cha chính Phêrô đã chủ sự nghi lễ làm phép nầy. Ngay sau đó là thánh lễ đồng tế do Đức Cha chủ sự và giảng lễ với sự hiện diện của cha Tổng Đại Diện, cha sở Gò thị và 6 cha trong giáo phận. Đầu lễ Đức Cha Phêrô nói rằng «Chúng ta vừa làm phép hang đá Đức Mẹ và đài Thánh Giuse trong bầu khi hân hoan của ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Chúng ta nên biết Đức Mẹ và Thánh Giuse là hai gương mặt tiêu biểu trong Mùa Vọng. Mùa vọng Hội Thánh đề cao Đức Mẹ và Thánh Giuse không chỉ vì các Ngài có liên hệ trực tiếp với Chúa Cứu Thế mà còn vì các Ngài sống hết sức khiêm nhường biết sẵn lòng và chuẩn bị tích cực để đón Chúa đến. Noi gương các ngài, chúng ta hãy quyết tâm từ bỏ tội lỗi và hăng say dọn đường cho Chúa đến bằng những việc lành phúc đức».
Sau Thánh lễ một vị đại diện giáo họ đã có lời cảm ơn Đức cha và cộng đoàn. Đáp lại Đức Cha cũng có đôi lời huấn từ như sau «Chúng ta cám đội ơn Chúa vì đã ban cho giáo họ Phước Thiện nhiều ơn lành. Nhân đây tôi cũng xin hết lòng cám ơn Cha sở và các cha phó Gò Thị đã tận tình lo lắng cho giáo họ nầy mỗi ngày được thăng tiến hơn về nhiều mặt. Nhà thờ Phước Thiện có bộ mặt như hôm nay cũng là nhờ công lao của bao người trong giáo họ và các ân nhân xa gần đã tận tình góp công sức lo việc nhà Chúa. Nhân dịp nầy chúng ta cám ơn tất cả và xin Chúa trả công cho quý cha, quý anh chị em và ân nhân xa gần đã góp phần xây dựng giáo họ Phước Thiện.
Phước Thiện là quê nội của tôi và để lại trong tôi nhiều kỷ niệm. Phước Thiện tuy nhỏ bé nhưng theo truyền khẩu là nơi được hưởng nhiều ơn lộc. Hơn nữa, trong thực tế có nhiều người thành danh xuất thân từ nơi nầy. Theo tôi được biết, khoảng năm 1926, tức 85 năm về trước, cố Hồng đã đến đây để bắt đầu công cuộc truyền giáo và dần dần hình thành họ đạo nầy. Tại giáo họ nầy khởi đầu có ông Câu Lới là con ông Trùm Phê. Ông Trùm Phê sinh ông Câu Lới và ông Quyển là ông nội của tôi. Ông Câu Lới sinh ông Hương mục Chẩn và ông Hương bộ Huệ. Ông Hương mục Chẩn sinh ông Câu Thám, ông xã Tín, bà Tăng, Soeur Louise Ngọ, Cha Bảo và bà xã Phước. Ông câu Thám là thân phụ của Cha Phất, Cha Lãm, Soeur Thám và Soeur Thu. Ông xã Tín thân phụ Bà Lành là thân mẫu của Cha Thức, Cha Việt và Soeur Loan. Bà xã Phước là bà nội cha Tuấn. Ông Nhuệ sinh ra ông biện Hồng là cha ông Biện Khánh, thân phụ Cha Trường và Soeur Thi. Em ông Hồng là chị Bốn Long thân mẫu Cha Quốc.
Tóm lại, từ đầu tại giáo họ Phước Thiện có ông Câu Lới, ông Quyển, ông Hương bo Huệ, ông xã Tín, ông Thám cộng tác với các cha lo cho giáo họ nầy và sau đó nhiều người tiếp tay để xây dựng giáo họ bền vững cho đến hôm nay. Và tại mảnh đất nhỏ bé nầy cũng có nhiều người dâng mình cho Chúa trong ơn gọi tu trì.
Kính thưa anh chị em, nhắc lại một chút lịch sử để chúng ta thấy ơn Chúa luôn tuôn đổ dồi dào trên mảnh đất thân yêu nầy và lòng nhiệt thành Nhà Chúa của bao lớp người ở Phước Thiện không bao giờ phôi pha. Chúng ta cùng cám đội ơn Chúa và tri ân các tiền nhân. Qua đó mỗi người càng ý thức để giữ gìn và phát huy những truyền thống đạo đức tốt đẹp xưa nay của giáo họ nầy.
Nguyện xin Chúa, qua lời bầu cử của Đức Mẹ và Thánh Giuse, tiếp tục ban muôn ơn lành cho tất cả và cầu chúc giáo họ Phước Thiện trở nên điểm sáng trong đời sống đạo đức và trong công cuộc truyền giáo của giáo phận».
 - Thánh lễ kỷ niệm 20 năm xây dựng hang đá Đức Mẹ Lộ Đức, Nhà thờ Chính Tòa.
Vào lúc 17g00 ngày 8.12.2011, nhân dịp lễ Đức Mẹ vô Nhiễm Đức Cha Phêrô đã chủ sự thánh lễ kỷ niệm 20 năm xây dựng hang đá Đức Mẹ Lộ Đức. Đây cũng là lễ quan thầy giáo họ Vô Nhiễm, Giáo xứ Chính tòa. Nhân dịp nầy giáo xứ cũng công bố sự ban khen và ghi công đức của giáo phận đối với 6 quý chức trong giáo xứ. Thánh lễ diễn ra thật sốt sắng với sự tham dự của Đức Cha Phó và một số cha lân cận. Trong bài giảng lễ, Đức Cha Phêrô đã nói lên ý nghĩa ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm đồng thời nhắc lại sự kiện xây dựng hang đá Đức Mẹ cách đây 20 năm với chủ ý của Đức cố Giám Mục Phaolô Huỳnh Đông Các.
- Thánh lễ Tạ ơn giáp năm ngày thụ phong linh mục.
Ngày 10.12.2011 vào lúc 05g00 tại Nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn đã tổ chức thánh lễ tạ ơn nhân kỷ niệm giáp 1 năm ngày thụ phong linh mục của 8 cha trong giáo phận. Trừ cha Giuse Phan Thế Vinh đang làm việc tại Chính Tòa, 7 cha còn lại đã về nhà thờ Chính Tòa từ các nhiệm sở khác nhau là: Luy Huỳnh Anh Trung (Bàu Gốc), Gioakim Nguyễn Đức Vinh (Tân Dinh), Simon Trần Văn Đức (Gia Chiểu), Luy Nguyễn Xuân Vũ (Phù Mỹ), Phêrô Nguyễn Ngọc Thắng (Chủng Viện Qui Nhơn), Gioan B. Nguyễn Kim Ngân (Gò Thị) và Phêrô Bùi Huy Ngọc (Tuy Hòa). Thánh lễ tạ ơn đã diễn ra thật sốt sắng do Đức Cha phó Matthêô chủ sự và giảng lễ. Có một số cha lân cận trong giáo phận đã về hiệp dâng thánh lễ tạ ơn và chia vui với quý cha trong bầu khí huynh đệ.
- Lễ tuyên hứa của Hội Đồng Giáo Xứ Sông Cạn.
Sáng Chúa nhật, 11/12, vào lúc 7 giờ, Đức Cha phó Matthêô đến nhà thờ giáo xứ Sông Cạn để cử hành thánh lễ Chúa nhật III mùa vọng cùng với cha sở Phêrô Võ Thanh Nhàn, cha phó Giuse Nguyễn Bá Thành và cộng đoàn giáo xứ. Nhân dịp này cha sở tổ chức lễ tuyên hứa và nhận nhiệm vụ của Hội Đồng Giáo Xứ mới được bầu theo quy chế của giáo phận. Hội Đồng Giáo Xứ tân cử gồm có 50 thành viên, trong đó có 3 phụ nữ. Sau phần tuyên hứa, Đức Cha trao cho mỗi vị một chứng thư và một bản qui chế Hội Đồng Giáo Xứ. Tiếp đến, 13 vị chức việc đã phục vụ giáo xứ  và nay đã nghỉ việc được cấp bằng khen thưởng và ghi công đức theo quyết định của Đức Cha Phêrô. Cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện cho các thành viên trong Hội Đồng Giáo Xứ mới được dồi dào ơn Chúa để chu toàn nhiệm vụ được giao.
- Lễ mừng kim khánh xây dựng nhà thờ Xuân Quang.
Sáng 25 tháng 12, vào lúc 9 giờ 30, Đức Cha chính Phêrô đến nhà thờ giáo xứ Xuân Quang để dâng lễ mừng Chúa Giáng Sinh và hiệp ý với cộng đoàn giáo xứ tạ ơn Thiên Chúa nhân dịp kỷ niệm 50 năm xây dựng nhà thờ. Cùng đồng tế với Đức Cha Phêrô có Đức Cha phó Matthêô phụ trách giảng lễ, cha Tổng Đại diện, cha Hạt trưởng Bình Định, cha sở Phaolô Lê Văn Nhơn, và 9 cha trong thành phố Qui Nhơn. Ngoài ra còn có sự hiện diện của các soeurs dòng Mến Thánh Giá, dòng thánh Phaolô, dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, và đông đảo giáo dân trong và ngoài giáo xứ.
 Đầu lễ Đức Cha Phêrô lược qua đôi dòng lịch sử về việc xây dựng nhà thờ và giáo xứ. Đức Cha nói rằng «Hôm nay chúng ta vui mừng dâng thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh và tạ ơn Chúa nhân dịp kỷ niệm 50 năm xây dựng nhà thờ giáo xứ Xuân Quang.
Nhà thờ Xuân Quang tuy không bề thế như nhiều nhà thờ khác trong giáo phận nhưng nhờ ơn Chúa đã tồn tại qua 50 năm dù có rất nhiều khó khăn. Theo lịch sử giáo phận, từ năm 1959 Cha Giuse Trần Ngọc Châu cùng với ông Louis Nguyễn Đức Bạng cố gắng làm một nhà thờ, lúc đầu dự tính lợp tranh vách đất, nhưng nhờ có Cha chính Phêrô Nguyễn Đình Tịch và anh em công chức công giáo trợ giúp, nhà thờ đã được xây dựng bằng táplô, lợp ngói, có diện tích 65 mét vuông, tường chỉ cao 2 mét rưỡi. Nhà thờ được khánh thành vào năm 1961, tính đến nay đúng 50 năm. Ngày nay, nhà thờ đã khang trang hơn, đẹp đẽ hơn là nhờ ơn Chúa và công sức của Cha sở cùng với nhiều giáo dân.
Trong qua khứ, dù có thời gian giáo xứ gặp rất nhiều khó khăn vì thời thế nhưng nơi nầy không vắng linh mục, đã từng có nhiều cha đến dâng Thánh lễ luân phiên tại đây. Hôm nay, sinh hoạt giáo xứ đã ổn định và sốt sắng hơn. Tất cả là nhờ hồng ân của Chúa. Chúng ta cùng hiệp ý dâng lên Chúa lời Tạ ơn và cầu nguyện cho giáo xứ được ngày càng thêm ơn nghĩa với Chúa».
Đức Cha phó Matthêô giảng trong thánh lễ. Cuối thánh lễ, sau bài cám ơn của vị đại diện giáo dân, Đức Cha có đôi lời chúc mừng cha sở và bà con giáo dân, kính chúc giáo xứ tiếp tục phát triển. Ngài nói «Giống như làng quê nghèo Nazaret hay nơi hang đá nhỏ Bêlem  ngày xưa, Nhà thờ và giáo xứ của chúng ta lớn hay nhỏ có lẽ không quan trọng cho bằng nơi đó có sự hiện diện của Chúa. Chính Chúa mới đem lại cho chúng ta bình an và sức sống. Giáo xứ Xuân Quang nầy tuy bé nhỏ và có hoàn cảnh khó khăn nhưng các Đấng Bản Quyền vẫn lưu ý cho các linh mục không ngừng đến phục vụ. Đặc biệt tôi nhận thấy giáo xứ nầy có hiệp nhất và yêu thương nhau. Đó là những dấu chỉ có Chúa hiện diện sống động giữa anh chị em. Xin anh chị em quý trọng những ơn Chúa ban và không ngừng tìm những sáng kiến để giới thiệu Chúa cho người khác».
Sau thánh lễ, cha sở chiêu đãi hai Đức Cha, quí cha, quí soeurs, đại diện giáo dân và khách mời một bữa tiệc thật thịnh soạn để bày tỏ niềm vui và tâm tình tri ân.
- Đức cha Phêrô chủ sự thánh lễ mừng Giáng Sinh tại giáo xứ Qui Đức.
Cũng trong ngày 25.12 lúc 16g00 Đức cha Phêrô đến chủ sự thánh lễ mừng Giáng sinh tại giáo xứ Qui Đức. Cha Tổng Đại Diện đã tổ chức thánh lễ thật sốt sắng và trang nghiêm. Các trẻ em làm Thiên thần trong đoàn rước và lo việc giúp lễ, dâng lễ vật…tạo nên bầu khí thêm thiêng liêng và vui tươi.
Đầu lễ Đức cha nói rằng «Đêm qua chúng ta hân hoan cử hành mầu nhiệm Con Thiên Chúa đến viếng thăm dân người. Thiên Chúa đến với con người thật lạ lùng trong hình hài một trẻ sơ sinh quấn tã và đặt nằm trong máng cỏ. Hài nhi bé nhỏ nhưng đem lại cho chúng ta hy vọng lớn lao, bình an và sự sống vĩnh cửu. Thiên Chúa đâu chỉ viếng thăm trong chốc lát mà còn là “Ở Cùng Chúng Ta” vì Ngài là Đấng Emmanuel.
Anh chị em thân mến, chỉ với con tim rộng mở chúng ta mới có thể nhận ra Thiên Chúa đến viếng thăm và ở lại trong suốt đời mình. Chính trong niềm vui Chúa đến với con người mà hôm nay chúng ta cử hành trọng đại thánh lễ nầy. Hội Thánh dành suốt một tuần tức là bát nhật mừng Giáng sinh như muốn kéo dài niềm hân hoan đó. Niềm vui càng gấp bội đối với những người thành tâm và biết chia sẻ cho người khác».
Sau Thánh lễ, đức Cha cũng có đôi lời đáp từ «Đây là lần thứ hai trong năm nay tôi đến thăm giáo xứ nầy. Lần nào tôi cũng nhận thấy sự quan tâm đặc biệt của cha Tổng Đại Diện và anh chị em đối với cá nhân tôi. Tôi xin hết lòng cám ơn cha Tổng và anh chị em đã dành cho tôi những tình cảm và lời cầu chúc tốt đẹp. Hòa chung niềm vui của Hội Thánh toàn cầu, tôi xin chúc mừng Giáng Sinh đến cha Tổng Đại Diện và anh chị em hết thảy.
Anh chị em thân mến, mỗi lần cứ đến lễ Giáng Sinh là có rất nhiều người chú ý đến giáo xứ Qui Đức. Sự chú ý đó cũng phải lẽ, vì tại giáo xứ nầy vừa có nhiều người giỏi vừa có sự hiệp nhất một lòng để lo công việc chung chuẩn bị lễ Giáng sinh. Trong đêm vọng Giáng Sinh, Qui Đức là một trong hai nơi thu hút đông đảo người lương lẫn giáo từ nhiều nơi tuôn đến. Thấy như vậy giúp chúng ta mỗi năm có sự chuẩn bị lễ giáng sinh kỹ lưỡng hơn, chu đáo hơn vì đây cũng là dịp để chúng ta giới thiệu Chúa cho người khác.
Chúa Giêsu đã đến ở luôn với con người và chúng ta có rất nhiều cơ hội để giới thiệu Chúa cho người khác. Chúng ta thấy rằng Chúa chấp nhận thân phận con người như chúng ta, thì một khi đón nhận Chúa, chúng ta cũng phải chấp nhận dấn thân để Chúa “lớn lên” nơi tâm hồn người khác. Chúa lớn lên khi chúng ta biết yêu thương nhau vì Thiên Chúa là tình yêu».

Ø   SINH HOẠT GIÁO HẠT QUẢNG NGÃI
-    Đại lễ Giáng Sinh Giáo hạt Quảng Ngãi.
            Cũng như những năm trước, đại lễ Giáng Sinh được tổ chức rất hoành tráng ở các nhà thờ giáo xứ. Hang đá thường làm rất lớn, và hầu hết các giáo xứ đều có diễn nguyện canh thức trước thánh lễ đêm. Đông đảo đồng bào bên lương đến tham dự lễ đêm 24, vì thế buổi diễn nguyện thường chủ ý trình bày các mầu nhiệm Giáng Sinh sao cho người ngoại có thể tiếp cận được. Vì lượng xe cộ đông đảo hướng về các nhà thờ trong đêm Giáng Sinh, nên các con đường gần nhà thờ được cảnh sát giao thông bảo vệ an toàn. Dịp này có giáo xứ tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho các cụ già, gia đình nghèo. Có xứ phát quà Ông Già Noel cho các cháu thiếu nhi lương dân đến tham dự. Cũng như năm trước, những tờ bướm giáng sinh do cha G.P. Khánh thực hiện được trao tặng cho anh em lương dân. Đây là cơ hội quy tụ đông đảo anh em lương dân. Các nữ tu MTG của hai cộng đoàn Phú Hòa và Quảng Ngãi giúp các ca đoàn hát lễ và diễn nguyện ở các giáo xứ Bàu Gốc, Kỳ Tân, Phú Hòa và Quảng Ngãi. Tạ ơn Chúa, mọi người đều bình an và mọi sự đều tốt đẹp, thật là “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.

Ø   SINH HOẠT GIÁO HẠT PHÚ YÊN
- Giáng Sinh tại giáo xứ Tuy Hòa.
Tuy Hòa là nhà thờ duy nhất trong thành phố, nên Lễ Giáng Sinh cũng là dịp để giáo dân Tuy Hòa giới thiệu cho người ngoại giáo hiểu biết và tiếp cận với ý nghĩa của ngày Chúa xuống thế. Chính vì thế mà khuôn viên nhà thờ được trang hoàng lộng lẫy với ánh đèn rực rỡ đủ màu sắc, các hang đá ngoài trời và hình tượng ông già Noel. Thêm vào đó là các tấm paneaux lớn giới thiệu ngắn gọn về mầu nhiệm Nhập Thể. Từ những ngày trước Lễ Giáng Sinh, nhà thờ Tuy Hòa đã thành một điểm đến hấp dẫn cho người dân thành phố Tuy Hòa.
Cao điểm của ngày lễ là Thánh lễ Đêm ngày 24 được cử hành trước tiền đường nhà thờ. Phần diễn nguyện trước thánh lễ đã thu hút được số người tham dự rất đông, lương dân cũng như giáo dân. Các tiết mục được xây dựng nhằm diễn tả cách hình tượng tâm tình mong chờ Đấng Cứu Thế. Thánh lễ bắt đầu ngay sau đó vào lúc 8g30.
Phần đầu của bài giảng, cha Hạt trưởng Tuy Hòa đã dành riêng để nói với những người ngoại giáo đang hiện diện trong buổi lễ:
"Tôi muốn dành những lời đầu tiên nầy để chia sẻ với quý anh chị em không cùng niềm tin với chúng tôi, những người ngoài Kitô giáo. Kính thưa quý vị, có một khúc hát của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh mang tựa đề: “Lạy Chúa con là người ngoại đạo” mà trong đó có những ca từ rất dễ thương: Lạy Chúa tôi con người không đạo, Nhưng tin có Chúa ở trên cao… Tôi tin rằng, tự sâu thẳm cõi lòng quý vị hôm nay và giờ nầy cũng đang thưa với Thiên Chúa của người Kitô hữu những lời chân tình như thế: “Lạy Chúa con là người ngoại đạo, nhưng con tin có Chúa ngự trên cao”. Mà nào Thiên Chúa có ở trên cao đâu nào ! Quý vị đang thấy đó: Ngài đã giáng sinh làm người trong thân phận của một em bé nghèo hèn trong hang lừa máng cỏ, giữa cha mẹ nghèo khổ Giuse-Maria và giữa những chú mục đồng tiểu tốt vô danh.... Ngài đã biểu lộ tình yêu thương cách đặc biệt đối với những thân phận tật nguyền, bệnh hoạn cả thể xác lẫn tinh thần khi sẵn sàng dùng các phép lạ như dấu chỉ tình thương cứu độ của Thiên Chúa tình yêu ... Và sau cùng, Ngài đã kết thúc cuộc đời yêu thương và loan báo chân lý bằng cái chết tủi nhục trên thập giá ở giữa 2 người kẻ trộm.
Vâng, Thiên Chúa không ở trên cao đâu quý vị.... Với sự hiện diện đông đảo và thân tình của Quý vị trong giờ phút linh thiêng nầy, chúng tôi tin rằng “ngày Giáng Sinh của Chúa Giêsu”, niềm vui Noel, đã nối kết tất cả chúng ta, để chúng ta có thể mạnh mẽ tuyên bố rằng: cho dù có khác biệt về niềm tin, về ý thức hệ, về quan niệm sống, về truyền thống văn hoá…, thì chúng ta vẫn có thể nói chung một ngôn ngữ - ngôn ngữ của tình bạn, tình người; vẫn có thể để cùng đọng lại một tâm tình - tâm tình yêu thương, nhân ái; và vẫn có thể chung xây một ước nguyện - ước nguyện cho hòa bình, hiệp nhất, tự do và huynh đệ. Đó cũng chính là cùng đích của cuộc Giáng Sinh của Đấng Cứu Thế cách đây hơn 2000 năm, như chính Đức Giêsu trong cuộc đời công khai sau đó đã mạnh mẽ tuyên bố: “Ta đến để chiên Ta được sống và được sống dồi dào”, “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 28)
Thánh lễ kết thúc trong tiết trời se lạnh, mọi người ra về trong hân hoan mang theo sự bình an trong tâm hồn và niềm vui của ngày Chúa Giáng Sinh. 
- An táng thân phụ của cha Giuse Lê Thu Thâu.
Khi những giờ khắc cuối cùng của năm đang dần trôi đi, thì một tin buồn đã đến với Cha sở Tịnh Sơn Giuse Lê Thu Thâu: ông cố Phaolô Lê Văn Thái đã qua đời cách êm ái tại tư gia thuộc Giáo xứ Sơn Nguyên. Vào lúc 9 giờ sáng thứ Năm ngày 30/12/2011, Đức cha phó Matthêô đã đến tận tư gia để cử hành thánh lễ an táng, cùng đồng tế có các cha Hạt trưởng Phú Yên, cha Hạt trưởng Phú Bổn, các cha trong và ngoài giáo phận, cùng với sự tham dự của các nữ tu Mến Thánh Giá Qui Nhơn và rất đông anh chị em giáo dân trong giáo xứ và các giáo xứ lân cận.
Mở đầu thánh lễ, Đức cha phó đã nói những lời dẫn nhập: "Hôm nay trong mùa Giáng sinh, mùa chúng ta cử hành niềm vui Thiên Chúa đã sinh hạ làm con loài người như chúng ta. Cách riêng hôm nay lễ kính Thánh Gia Thất, là lễ nhắc chúng ta nhớ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ngôi Hai đã từ gia đình Ba Ngôi xuống hạ sinh trong gia đình nhân loại. Giờ đây, Chúa muốn đưa ông cụ Phaolô Lê Văn Thái từ gia đình nhân loại về lại với gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi. Đó chính là sự trao đổi kỳ diệu như là Thiên Chúa đã mặc lấy thân phận con người của chúng ta để ban cho chúng ta tước vị làm con Chúa thế nào thì giờ đây sau 94 năm cuộc đời, ông cố Phaolô đã được làm con Thiên Chúa. Giờ đây Chúa đã thương dẫn đưa ông cố về với Chúa, hưởng hạnh phúc muôn đời với Ngài, đó chính là một ân huệ lớn lao mà sự mất mát hôm nay chúng ta cùng chia sẻ đó chỉ là một việc nhỏ so với hồng ân lớn mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Vì thế, cho dầu những giọt nước mắt có tuôn ra, cho dầu nỗi buồn có sâu đậm thế nào đi nữa, thì chúng ta còn phải tạ ơn Chúa thật nhiều bởi vì Chúa đã thương ban rất nhiều ơn lành chẳng những trong suốt 94 năm cuộc đời mà ngay cả trong việc ông cố được Chúa đưa về với Chúa và cử hành lễ an táng trong chính ngày lễ Thánh Gia như hôm nay".
Trong bài giảng lễ, cha Hạt trưởng Phú Yên đã chia sẻ về ý nghĩa Kitô giáo của sự chết: "Chính thực tại sự chết này đã cho nhân loại thấy sự hữu hạn chóng qua của kiếp người như tác giả Tv 102 trong bài đáp ca: đời sống con người chóng qua như cỏ .... thế nhưng trong những ngày này khi ngôi sao Bêlem vẫn còn rực sáng trong các hang đá nơi các thánh đường, hình ảnh thân thương trìu mến của gia đình Thánh Gia, khi câu chuyện em bé Giêsu vẫn tiếp tục được nhắc đến, thì đối với niềm tin Kitô, sự chết không phải là một sự chia xa vĩnh viễn, mà chỉ là một sự đi về với một niềm hy vọng lớn lao như lời của bài thánh ca: Khi Chúa thương gọi tôi về, hồn tôi hân hoan như trong một giấc mơ ..."
Xin chia buồn với cha Giuse Lê Thu Thâu và gia đình. Trong niềm cật trông vào lòng nhân từ của Chúa, Nguyện xin Chúa sớm đón nhận linh hồn ông cố Phaolô về hưởng nhan thánh Chúa trên Thiên đàng.
Ø   TIN DÒNG MTG QUI NHƠN
- Mục vụ Giáo xứ.
Chan hòa niềm vui trong phụng vụ Mùa Vọng, năm nay, chị em khấn sinh Nhà Mẹ và khối học viện Ghềnh Ráng chia nhau từng nhóm nhỏ hai, ba người đến các giáo xứ vùng sâu, vùng xa phục vụ và chia sẻ niềm vui giáng sinh với giáo dân trong chương trình canh thức kỷ niệm Thiên Chúa giáng sinh làm người tại các giáo xứ Phù Mỹ, Kiên Ngãi, Phú Hữu, Sông Cạn, Huỳnh Kim, Gia Chiểu, Gò Duối, Đa Lộc, Trà Kê. Trong suốt những ngày cuối tuần trọn tháng 12, chị em khăn áo và hành trang lên đường để cùng các thiếu nhi chuẩn bị tập dợt.
Tuy chỉ là những sinh hoạt rất phụ thuộc, nhưng lại là không thể thiếu trong tâm lý của tuổi thơ và niềm hân hoan của cộng đồng Giáo xứ trong Đại lễ Giáng Sinh. Đó đây, trong không khí se lạnh của đêm đông năm nay, chương trình canh thức được biết là thành công, số người tham dự đông đảo và có được một bầu không khí thánh thiêng cho người có đạo cũng như lương dân.
- Y tế & Bác ái.
Ngày 15/12/201, ban y tế xã hội của Hội dòng gồm 5 Sơ đã đến giáo xứ Sông Cầu phối hợp cha sở Sông Cầu, hai bác sĩ cùng  5 nhân viên dược sĩ, y sĩ, y tá được trạm y tế phường Xuân Phú thuộc xã Sông Cầu gởi đến thực hiện buổi khám bệnh, cấp phát thuốc từ thiện cho khoảng 500 dân nghèo. Được biết tại đây, năm nay số người già mắc bệnh cao huyết áp và tai biến gia tăng.
Ngày 16/12/2011, chị em tiếp tục lên đường đến Giáo xứ Trà Kê, một giáo xứ vùng xa và cao nhất của Giáo phận Qui Nhơn. Có khoảng hơn 500 người được khám bệnh và phát thuốc. Cảm thương bà con dân nghèo chân chất, bệnh hoạn, chị em vơi đi nỗi nhọc mệt đã miệt mài làm việc với tất cả tấm lòng “lương y như từ mẫu”, không kể giờ giấc chia sẻ một chút yêu thương trong mùa Giáng Sinh.
Ngày áp lễ 24/12/2011, thật cảm động các bà tại Cộng đoàn Hưu dưỡng Ghềnh Ráng, ngoài những lời cầu nguyện và hy sinh của tuổi già, các bà đã để dành gom góp những đồng tiền từ thiện để mua gạo, mì, sữa, dầu, đường, nước mắm … và chị Jacinta Lê Thi Sen đã đích thân đến trao thăm những người già quanh xóm, họ là những người bệnh đau lâu ngày mà chị hằng tuần trao ban Mình Thánh Chúa hoặc là những người ngoại giáo nghèo neo đơn. Những bàn tay nhăn nheo, những bước chân yếu ớt tìm đến nhau, thăm nhau, chia sẻ cho nhau một chút gọi là tình người. Chúa Hài Đồng sẽ bớt giá lạnh và mỉm cười khi nhìn thấy những tấm lòng con người tìm đến với nhau trong dịp mừng Chúa giáng sinh.

130 NĂM THĂNG TRẦM CHỮ VIỆT: BÀI 2

Một trang trong cuốn giáo lý "phép giảng tám ngày"

AI HỌC CHỮ VIỆT ĐẦU TIÊN
Những người Việt trong nhà thờ

Theo Đỗ Quang Chính ghi nhận trong văn khố Dòng Tên ở Roma có “một bức thư của thầy Igesco Văn Tín gửi cho linh mục Marini, viết ngày 12-9-1659” và “một tập lược sử nước Annam và một lá thư viết ngày 25-10-1659 của thầy Bento Thiện gửi linh mục Marini” hoàn toàn bằng chữ Việt (tập Lịch sử nước Annam).

Những chữ Việt trong các tài liệu này tuy khác xa với chữ viết hôm nay nhưng tiếng Việt thời này đã thành một hệ thống đủ để thông tin và ghi chép. Thầy Văn Tín viết “ơn Thài xưa dạy dõ tôy nhèu đàng cho nên thàn mà ráp cậi thày cho nen chãng hai bai giờ vứang thày tôy càng buồn hơn nữa mà ướoc au cho được thai mạt Thài như con tlon mẹ vè cho được bú bại...” (ơn thầy xưa dạy dỗ tôi nhiều đàng cho nên thánh mà ráp cậy thầy cho nên chẳng hay bây giờ vắng thầy tôi càng buồn hơn nữa mà ước ao cho được thấy mặt thầy như con trông mẹ về cho được bú vậy).

Thứ hai là bức thư của thầy giảng Biển Đức Thiện (Bento Thiện) viết tại Đàng Ngoài (ở Thăng Long) ngày 25-10-1659 cũng gửi cho linh mục G.F.de Marini cùng một thời gian với thư của thầy Văn Tín nên chữ viết tương tự. Đáng chú ý là tập Lịch sử Annam bằng tiếng Việt. Chỉ dài có 12 trang chữ nhỏ li ti khổ 19x28 (trang cuối khổ 12x6 và chỉ có chín dòng chữ) nhưng chứa đựng khá nhiều thông tin về lịch sử nước Việt ở các lĩnh vực chính trị, xã hội, thi cử, hành chính từ thời Lạc Long Quân cho đến thời Trịnh Nguyễn. Có thể coi đây là bản sơ thảo về lịch sử Việt Nam đầu tiên viết bằng chữ Việt sau khi quyển từ điển tiếng Việt đầu tiên ra đời năm 1651.

Còn Thanh Lãng trong Biểu nhất lãm văn học cận đại phát hiện Filiphé Bỉnh (1759-1832), một linh mục Dòng Tên người Việt, là người viết chữ Việt, hơn 100 năm sau đó. Filiphé Bỉnh có thể rời Việt Nam năm 1794 và cư ngụ tại Bồ Đào Nha 30 năm. Thanh Lãng chưa tìm thấy tiểu sử của Filiphé Bỉnh nhưng tìm thấy khá nhiều tài liệu bằng chữ Việt của ông lưu trữ tại Lisbon, Bồ Đào Nha.

Tới thành Macao thơ có lẽ là bài thơ bằng tiếng Việt đầu tiên do Filiphé Bỉnh sáng tác vào ngày 4 tháng chạp năm 1794. “Tôi đang gưỡi gắp (gửi gắm) chốn Ma cao. Hai chữ thanh nhàn xiết kễ bao. Hôm sớm phần hồn dầu mặc sức. Tháng ngày việc chác chẳng tơ hào. Xây dần (xoay vần) ám tiết hằng no ấm. Đáp đổi tứ mùa khỏi khát khao. Gần chợ gần soũ (sông) gần núi bể. Trăm mùi khôn chút vẻ tanh tao”.

Vào thế kỷ 18 mà chữ nghĩa của Filiphé Bỉnh đã tiến gần với chữ Việt ngày nay cho thấy sự phát triển của chữ Việt khá mạnh mẽ trong suốt 100 năm trước đó.

Sau Filiphé Bỉnh là những ai đã học chữ Việt? Ít nhất chúng ta biết được một người, đó là linh mục Phillipe Phan Văn Minh, người đã góp sức cùng giáo sĩ Taberd viết cuốn Tư vị Taberd tại Ấn Độ và cũng là người mang cuốn sách này về Việt Nam. Linh mục Phan Văn Minh (1815-1853) đồng hương với Trương Vĩnh Ký ở Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long (nay là Bến Tre).

Linh mục đã góp phần viết Khái luận về tiểu từ và đại từ (Tractatus de variis particulus et pronominibus), Cách đếm (Nomina numeralia, 10 trang), Thực vật chí Đàng Trong (Hortus Floridus Cocincinœ), Lược bày niêm luật làm văn làm thơ (Compendium versificationis anamiticœ)... Ông còn để lại một số tác phẩm bằng quốc ngữ như Nước trời ca, Phi năng thi tập...

Sau linh mục Phan Văn Minh là ai nữa? Chưa biết. Nhưng chúng ta biết chắc rằng chữ Việt đã được gieo, nảy mầm và lớn lên trong lòng người Việt.

Theo bước Đắc Lộ

Hơn 100 năm sau, giám mục D’Adran tức giáo sĩ người Pháp Pierre Pigneaux de Béhaine còn được gọi là Bá Đa Lộc hay đức Cha cả (sinh năm 1741 tại Pháp, mất năm 1799 tại Sài Gòn), người từng giúp Nguyễn Ánh chống lại Tây Sơn, là người phương Tây học chữ Việt tiếp theo mà chúng ta biết. Ông đã biên soạn bộ tự vị Việt - La tại Sài Gòn từ tháng 9-1772 đến tháng 6-1773, với sự giúp đỡ của một số giáo sĩ người Việt và Pháp. Phần chính văn 662 trang là từ điển song ngữ, tiếng Việt được ghi theo hai lối viết (Nôm và quốc ngữ) xếp theo vần a, b, c, được giải nghĩa bằng tiếng Latin.

Điểm đáng lưu ý là chữ quốc ngữ trong bộ tự vị này gần như hoàn toàn giống với chữ quốc ngữ hôm nay, các phụ âm đôi như bl, ml... của tiếng Việt thế kỷ 17 đã biến mất hẳn. “Điều thú vị là tuy biên soạn cách đây hơn 200 năm nhưng khi lật lại cuốn từ điển này, chúng ta không chỉ thấy được diện mạo của tiếng Việt thế kỷ 18, không chỉ phần nào hiểu được bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội, chính trị nước ta vào thời kỳ đó mà còn thấy được từ ngữ cơ bản trong tiếng Việt hiện đại” (Võ Thị Minh Hà - tạp chí Ngôn Ngữ và Đời Sống số 7/2006).

“Cái mới của tự vị Bá Đa Lộc là loại hẳn cách viết của Đắc Lộ và không còn thấy những nhóm phụ âm đầu mnhầm, mlầm. Nhóm bl như trong blái cũng không còn. Nhóm tl chỉ còn một từ tla. Sách có “lầm” mà không có “nhầm”, có “lanh” mà không có “nhanh”, có “lời” mà không có “nhời”. Có “nhơn” mà không có “nhân”; có “ơn” mà không có “ân”; nhưng vừa có “mần” vừa có “làm”...(Mien Ngoc - sachxưa.net).

Sau Bá Đa Lộc, “học trò chữ Việt” là giáo sĩ Taberd. Ông này đã soạn bộ Nam Việt dương hiệp tự vị, thường được gọi là Tự điển Taberd, in năm 1838 tại Ấn Độ. Từ điển Taberd gồm ba phần. Phần mở đầu có 46 trang văn phạm, nghiên cứu âm vị tiếng Việt, mô tả tiếng Việt, nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt, mô tả cấu trúc lời nói, câu văn tiếng Việt và chỉ dẫn cách làm thơ.

Phần thứ hai: chính văn gồm 620 trang, mỗi trang hai cột, thu thập 4.959 mục tự theo vần a, b, c, mỗi mục xếp theo trật tự Nôm - quốc ngữ và dịch nghĩa bằng tiếng Latin, tiếp theo là dẫn ra các từ ghép có chứa từ mục tự (từ đơn) nêu trên, ví dụ: mục tự “dương” được dẫn ra các từ ghép như: “thới dương, khí dương, dương gian, dương thế...”.

Phần ba: có 39 trang phụ lục về tên gọi các loại cây cỏ, hoa trái miền Nam và công dụng của nó trong y thuật và 135 trang phụ lục ghi các từ Hán Việt thông dụng. “Một lần nữa người làm từ điển muốn điển chế hóa tiếng nói và chữ viết Việt Nam (ở phía Nam, ở Sài Gòn).

Mọi từ tiếng Việt trong từ điển đều ghi bằng hai thứ chữ Nôm và quốc ngữ, được phân bố theo thứ tự a, b, c và được dịch nghĩa tương đương sang tiếng Latin... Chữ Nôm của Taberd cũng như của De Béhaine vẫn được phân bố lệ thuộc theo âm quốc ngữ chứ không được phân bố theo số nét và các bộ chữ Hán” (Trần Văn Giàu, Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt - Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh tập II, NXB Thành Phố Hồ Chí Minh 1988).

Nét đặc biệt của Tự vị Taberd là “dạy làm thơ, hò vè, phú...” điều mà hầu như chưa có từ điển nào làm.

Thế nhưng suốt 200 năm, kể từ 1651-1861, do chính quyền cấm đạo, do giới trí thức nho học bỏ qua hoặc không để ý tới, do bị nghi kỵ thứ “chữ của người nước ngoài”, chữ Việt vẫn chìm trong “bí mật” và chỉ phát triển quanh quẩn trong các nhà thờ, các xứ đạo Thiên Chúa giáo. Trong thời gian này, chữ Việt dần hoàn thiện. Những học trò chữ Việt sau đó như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký đã góp phần làm cho chữ Việt hoàn chỉnh một bước nữa. Và đến khi chữ Việt được xuất hiện công khai trên tờ Gia Định báo năm 1865 thì đã tiến gần sát với chữ Việt ngày nay.

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

130 NĂM THĂNG TRẦM CHỮ VIỆT: BÀI 1



 TRẦN NHẬT VY
Báo Tuổi Trẻ
TT - Ngày 1-1-1882, cách nay gần 130 năm, là ngày chính quyền thực dân Pháp đã buộc người Việt ở Nam kỳ “phải dùng chữ quốc ngữ”. Nội dung quan trọng này nằm trong nghị định ra ngày 6-4-1878 “về việc dùng tiếng An Nam bằng mẫu tự Latin” do thống đốc Nam kỳ Lafont ký.

HAI THẾ KỶ VÀ MỘT QUYẾT ĐỊNH

Vì sao người Pháp ra nghị định 6-4-1878?

Điều này được nói rõ trong nội dung nghị định. Nguyên văn như sau:

“Xét rằng chữ viết của tiếng An Nam bằng mẫu tự Latin ngày nay đã khá phổ thông trong các tỉnh Nam kỳ, là thứ chữ dễ học hơn chữ Nho và tiện lợi nhiều so với chữ Nho trong việc làm cho những giao dịch giữa các quan cai trị với dân bản xứ được trực tiếp hơn. Xét rằng việc dùng hợp pháp thứ chữ đó chỉ làm cho dân chúng dễ đồng hóa với chính quyền ta, và vì thế thật là một đường lối chính trị tốt nếu bắt buộc dùng nó trong các giao dịch chính thức. Tuy nhiên, xét rằng một cải cách quan trọng như thế không thể thực hiện được ngay tức khắc, và để thực hiện nó cần có sự cộng tác của những tầng lớp lãnh đạo trong dân chúng. Chiếu đề nghị của quyền giám đốc nội vụ, sau khi hội đồng tư vấn đã được hội ý kiến, nay ra nghị định:

Điều 1: kể từ ngày 1-1-1882 tất cả những văn kiện chính thức, nghị định, quyết định, sắc lệnh, phán quyết, chỉ thị...sẽ được viết, ký và công bố bằng chữ mẫu tự Latin.

Điều 2: kể từ ngày trên, không một tuyển dụng nào được thi hành, không một thăng trật nào được cho phép, trong ngạch phủ, huyện, tổng đối với bất cứ ai không ở trong tình trạng viết được chữ quốc ngữ. (Nguyễn Văn Trung - Chữ, văn quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc)

Đến đầu năm 1881, thống đốc Nam kỳ lúc đó là Le Myre de Vilers đã ký quyết định “nhắc lại” việc dùng chữ quốc ngữ trong hệ thống hành chính. “Vì lời nghị ngày mồng 6 tháng 4-1878, từ ngày mồng 1 janvier 1882, về các tờ giấy làm việc quan buộc phải viết ra bằng quốc âm chữ Langsa; Xét vì lời nghị nầy phải thi hành lần lần, vì trong lúc người ta biết chữ quốc âm Langsa đủ dùng trong các tổng” (Gia Định Báo ngày 21-2-1881). Và ngày 24-10-1881 cũng trên tờ Gia Định Báo phần tạp vụ, văn phòng Nha nội vụ đã đăng thông báo “nhắc lại”. “Ông directeur de l’interieur (giám đốc Nha nội vụ, người đương thời gọi là quan lại bộ thượng thơ), làm lời rao cho ai nấy đặng hay, lời nghị ngày mồng 6 avril 1878, buộc từ ngày mồng 1 janvier 1882 trong những giấy lá việc quan mà viết theo tiếng An Nam đều phải dùng chữ Langsa mà thôi”.

Và ngày 30-1-1882, thống đốc Nam kỳ Le Myre de Vilers ra nghị định nhắc lại lần cuối cùng: “kể từ ngày hôm nay, việc chỉ dùng những mẫu tự Pháp trở thành bắt buộc trên toàn cõi Nam kỳ thuộc Pháp, trong những giấy tờ chính thức viết bằng tiếng An Nam”. (Nguyễn Văn Trung - Chữ, văn quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc).

Có thể nói, kể từ ngày 1-1-1882, người Việt bắt đầu chính thức sử dụng thứ chữ viết từng được gọi là “chữ quốc ngữ, quốc ngữ hay tiếng An Nam dùng chữ Langsa”, thứ chữ viết hôm nay người Việt dù sống ở đâu, trên đất nước VN hay nơi nào đó trên thế giới đều xem là văn tự chính thống của người Việt.

Để có được điều đó, chữ Việt đã trải qua nhiều thăng trầm.

Ngược dòng chữ Việt

Chúng ta đều biết chữ Việt do những giáo sĩ phương Tây tới Việt Nam truyền đạo sáng tạo vào thế kỷ 17. Và người được vinh danh nhiều nhất chính là giáo sĩ Alexandre de Rhodes.

Ngoài bức tượng nhỏ của ông dựng trong khuôn viên 161 Lý Chính Thắng (quận 3), ông còn có tên đường ở ngay trung tâm TP.HCM. Thực tế có phải Alexandre de Rhodes là người duy nhất sáng tạo chữ Việt? Không hoàn toàn như vậy.

Sáng tạo ra chữ Việt là công trình của nhiều người với mục đích ban đầu chỉ để truyền đạo. Theo Giáo sĩ Đắc Lộ và tác phẩm quốc ngữ đầu tiên của Nguyễn Khắc Xuyên, chữ Việt manh nha xuất hiện từ năm 1625-1626 trong một bức thư của giáo sĩ F. Buzomi, người Ý. Năm 1627, giáo sĩ Baldinotti đã xuất bản một bản Điều trần về xứ Đàng Ngoài có ghi một vài chữ quốc ngữ. Năm 1631, trong quyển Điều trần về xứ Đàng Trong của giáo sĩ Cristoforo Borri, người Ý, đã xuất hiện nhiều câu quốc ngữ như scin (xin), ciàm (chẳng), gnoo (nhỏ), chiam (chăng), tlom (trong), bua (vua)...

Tuy nhiên, công lớn lại thuộc về các giáo sĩ Bồ Đào Nha. Giáo sĩ được đương thời coi là “thầy tiếng Việt” là Francesco de Pina. Hai “học trò” của Pina được thừa nhận có công lớn là giáo sĩ Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa. Hai giáo sĩ này là người đầu tiên viết từ điển Việt - Bồ và Bồ - Việt. Hai ông sau khi rời Hội An, định cư ở Macau gần 10 năm. Không may Gaspar d’Amaral tử nạn trên biển Macau vào tháng 2-1646 khi trên đường đến VN. Antonio Barbosa cũng mất một năm sau đó.

Trước khi mất họ để lại trong nhà thờ San Pauli ở Macau những quyển từ điển Việt - Bồ - Latin mà họ đã sáng tạo. Và giáo sĩ Alexandre de Rhodes là người mang từ điển đó về châu Âu (Phạm Văn Hường - Đi tìm nguồn gốc chữ quốc ngữ). Đến năm 1651, quyển Từ điển Việt - Bồ - La ra đời dưới cái tên tác giả Alexandre de Rhodes. Và đây là cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên xuất hiện trên thế giới và ông Đắc Lộ (tên tiếng Việt của Alexandre de Rhodes) được công nhận là người có công trong việc sáng tạo chữ Việt.

Những sáng tạo của các giáo sĩ phương Tây không thể không có sự góp phần của người bản xứ. Nhiều tài liệu đã nhắc tới “những người thầy không tên” của các giáo sĩ. Theo xơ Jean Berchmans Minh Nguyệt trong tập san MISS của Vatican, giáo sĩ Đắc Lộ đã học tiếng Việt với “một người thầy trạc 10-12 tuổi”, người sau này trở thành thầy giảng đạo giúp việc cho các giáo sĩ.

Giáo sĩ Đắc Lộ đã nói về “thầy” của mình: “Chỉ trong vòng ba tuần lễ, chú bé đã dạy tôi học biết tất cả các cung giọng khác nhau của tiếng Việt và cách thức phát âm của từng chữ”.

Những tài liệu khác cũng cho biết “thầy” của các giáo sĩ Amaral và Barbosa có tới 14 người. Những cái tên như Trâm, Văn Triều, Sang, Văn Tang, Cai, Văn Nhất... xuất hiện trong một tài liệu của Dòng Tên mang tên “Chung quanh mô thức rửa tội bằng thổ ngữ An Nam” (Huỳnh Ái Tông - Nguồn gốc chữ quốc ngữ).

Chữ Việt thời kỳ đầu khác xa với chữ Việt hôm nay, thậm chí hôm qua. Những từ “oũ” (ông), “kẻ hằii” (kẻ hầu), “bên đoũ đa” (bên Đống Đa)... vẫn còn nhiều âm hưởng nước ngoài đối với người Việt. Tới khi xuất hiện trong Từ điển Việt - Bồ - La năm 1651 cũng còn những khoảng cách xa với chữ Việt mà chúng ta đang dùng: “bao nheo” (bao nhiêu), “tôi blả bấy nheo” (tôi trả bấy nhiêu), “muấn” (muốn), “đức chúa Blời” (đức Chúa Trời), “iêo” (yêu), “khoăn đã nao” (khoan đã nào), “nếo” (nếu)...

Không chỉ có Từ điển Việt - Bồ - La, giáo sĩ Đắc Lộ còn được ghi nhận là có công đầu trong việc sáng tạo chữ Việt từ quyển Phép giảng tám ngày (1651) và phần “tiểu lược về tiếng An Nam hay tiếng Bắc kỳ” còn gọi là cuốn văn phạm VN đầu tiên (in chung với cuốn từ điển). Nếu Phép giảng tám ngày là cuốn sách chuyên về đạo đầu tiên của quốc ngữ thì cuốn văn phạm là sự sáng tạo không còn nghi ngờ gì nữa và là của riêng ông.

“Tất cả tinh thần của tiếng nói là ở các dấu lên xuống” - giáo sĩ Đắc Lộ nhận xét. Có thể chính nhờ cuốn văn phạm này mà các giáo sĩ, người học chữ Việt đời sau cảm thấy dễ dàng hơn.

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

TRIỂN LÃM BẢN "MƯỜI ĐIỀU RĂN" CỔ XƯA NHẤT

Bản "mười điều răn" cổ xưa nhất được triểm lãm


Theo Washington Times, bản sao “Mười điều răn của Chúa” cổ xưa và hoàn chỉnh nhất được biết tới hiện nay sẽ được trưng bày lần đầu tiên tại triển lãm Discovery Times Square từ ngày thứ 6, ngày 16/12 vừa qua trước khi được đưa về Isarel.

  “Mười điều răn” là một phần của bộ Kinh Thánh được tìm thấy bên bờ Biển Chết vào năm 1952, được coi là bộ Kinh Thánh cổ xưa nhất được tìm thấy cho tới nay. Bản thảo này bao gồm 4 phần hoàn chỉnh và 2 phần khác đã bị hư hỏng. Tuy nhiên, đây là bản thảo “Mười điều răn” cổ xưa hoàn chỉnh nhất được tìm thấy.

  Risa Levitt Kohn, giáo sư trường Đại học San Diego, người tổ chức triển lãm cho biết: “Bản thảo ‘Mười điều răn’ này được bảo quan trong điều kiện rất tốt, niên đại của nó lên tới 2.000 năm”. “Nếu như một người nào đó biết tiếng Hebrew thì họ hoàn toàn có thể hiểu được những gì ghi trên bản thảo này”, Risa Kohn nói thêm.

  Bản thảo “Mười điều răn” được viết trên chất liệu da, dài 45,7 cm, rộng 7,6 cm và rất dễ bị phá hỏng do ánh sáng và nhiệt độ. Vì vậy, những người tham quan triển lãm chỉ được nhìn ngắm chứ không được chạm trực tiếp vào bản thảo Kinh Thánh cổ xưa nhất thế giới này.

  Risa Levitt Kohn cũng cho biết, tại triển lãm lần này, người ta sẽ trưng bày hơn 900 phần bản thảo của Bộ sách Biển Chết được tìm thấy từ năm 1947 tới năm 1956 tại các hang động ở Qumran, thuộc bờ tây sông Jordan đổ ra Biển Chết.

  Triển lãm sẽ kéo dài cho tới ngày 2/1 tới đây.

 Theo Vannghesongcuulong


Xem video tại đây


Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

VỀ NGUỒN GỐC ĐẠI HỌC



Đại học Sorbonne, Paris

Nguyễn Xuân Sanh
Theo Vietsciences
(1)
Năm 2010, Đại học Berlin của nước Phổ (tiền thân nước Đức), nay còn được gọi là Đại học Humboldt, kỷ niệm 200 năm ngày thành lập. Một sự kiện có ý nghĩa đối với “sức khỏe” của xã hội toàn thế giới. Vì sao? Đại học Berlin là bà mẹ của các đại học hiện đại thế giới. Đó là đại học lấy nghiên cứu, khám phá kết hợp với giảng dạy, tự do giảng dạy và tự do học làm trọng tâm hoạt động, mà không có sự can thiệp của nhà nước.
Cái tên Đại học Humboldt thực ra để kỷ niệm cả hai anh em ruột Wilhlem và Alexander von Humboldt. Cả hai đều là những nhân vật tên tuổi của Phổ thế kỷ 18-19. Alexander, người em, là nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên và thám hiểm, đi ra thế giới bên ngoài, trong khi Wilhelm là nhà chính trị, nghiên cứu ngôn ngữ và cải cách giáo dục, đi vào nội tâm. Chính Wilhelm là người xây dựng đại học Berlin và cải tổ nền giáo dục Đức. Ông Wilhelm chỉ thua Alexander một việc: là không điển trai bằng ông em thôi. Các Anh Chị có lên internet nhớ phân biệt. Cũng như nhớ phân biệt Đại học Humboldt ở Berlin với đại học Humboldt State University của Hoa Kỳ! Đã có nhiều sự nhầm lẫn thú vị.
Còn vì sao đại học lại hệ trọng cho “sức khỏe” của xã hội? Vì nó tạo ra tri thức mới để làm giàu cho xã hội, tạo ra công nghệ, high-tech, cung cấp các nhà lãnh đạo quốc gia, tạo ra tầng lớp trí thức có nhân cách mạnh mẽ, làm cho quốc gia hùng cường. GS Steven Weinberg, nhà vật lý lý thuyết Hoa Kỳ đọat giải Nobel phát biểu: Tôi tin rằng không có các đại học nghiên cứu lớn, mô hình bắt đầu từ Đức thế kỷ 19, chúng ta ở Hoa Kỳ sẽ phải tự nuôi sống bằng cách trồng đậu nành, và giới thiệu Grand Canyon cho du khách từ Đức và Nhật Bản.

(2)
Trong tình thế nào, Đại học Berlin đã ra đời? Trong sự thất trận trước Napoléon, nỗi đau và tủi nhục quốc gia, sự lạc hậu của đất nước, sự thoái trào của đại học Đức trước khuynh hướng khai sáng thực dụng đang thắng thế, và đang có nguy cơ bị thay thế bởi các trường chuyên nghiệp. Đại học Berlin ra đời nhằm lấy sức mạnh tinh thần để bù đắp những mất mát về vật chất: đó là kỳ vọng to lớn mà các nhà cải cách Phổ đã đặt vào đại học Berlin để vực dậy đất nước, bằng con đường trí tuệ. Đại học Berlin chính là đại học trồng người cho mục tiêu đó - trồng người trăm năm theo đúng nghĩa, một dự phóng rất xa. Phát triển con người toàn diện, hướng đến hoàn hảo, đó là khẩu hiệu của giáo dục.
 Nhưng đại học Berlin lại không phải là tác phẩm của các công chức nhà nước, mà thoát thai từ tinh thần và sứ mệnh cao cả của hai giới tinh hoa Đức: các nhà văn lãng mạn, thấm nhuần chủ nghĩa tân-nhân văn; và các nhà triết học duy tâm Đức. Người Đức tuy là một dân tộc chiến binh nhưng không tự ví mình như những người La Mã, mà thấy gần gủi hơn với người Hy Lạp, một dân tộc đã thiết lập sự vĩnh cửu của mình trong thế giới ý tưởng của triết học, khoa học, văn học và nghệ thuật, hơn là trong quân sự hay chính trị.
Người Đức có đặc thù là phát triển văn hóa, nghệ thuật và triết học trước khi phát triển ý thức chính trị. Để mượn lời nhận xét của GS Wolf Lepenies, Berlin: “Vương quốc nội tâm kia mà nền triết học của chủ nghĩa duy tâm Đức cũng như nền văn chương của trường phái cổ điển Weimar đã xây dựng, đã đi trước sự thành lập vương quốc chính trị (của Đức) hơn một trăm năm”. Nhà đại văn hào Schiller khẳng định trong một bài thơ văn xuôi mang tên Cái lớn lao của Đức rằng nhân phẩm và tính chất quốc gia của Đức độc lập với chính trị. Tôi xin đọc vài câu: “...người Đức sống trong/ một ngôi nhà sắp sụp đổ, nhưng bản thân anh ta/ là một cư dân cao cả, và trong khi/ Vương quốc chính trị chao đảo/ phẩm chất tinh thần vẫn tiếp tục được dựng xây/ củng cố bền chặt và hoàn hảo hơn.”
Đó là những nét hết sức đặc thù của dân tộc Đức. Jürgen Mittelstraß, một  GS về lịch sử đại học, có một nhận xét khá độc đáo: “Hoặc là đại học có một lý thuyết, và lý thuyết đó là duy tâm. Hoặc không có đại học”!  Chỉ có những đại học với những nguyên lý ngoại hạng như đại học Berlin mới tạo ra những kết quả ngoại hạng, và chỉ có kết quả ngoại hạng mới có tác dụng lên diện rộng của xã hội như Humboldt nói.
Tuy nền giáo dục đại học Đức chưa bao giờ có đầy đủ các tính chất Humboldt; tự do hàn lâm chỉ có trong vòng chấp thuận của chính trị và tôn giáo, như Max Weber nói, nhưng đại học Đức đã phát triển mạnh mẽ, và đã làm rạng danh quốc gia, đã đưa nước Đức thành cường quốc về công nghiệp và khoa học vào hậu bán thế kỷ 19. Trong vòng khoảng 30 năm, Đại học Đức đã mang về 30 giải Nobel, một kỳ tích chỉ có Hoa Kỳ mới vượt qua được sau này. Cuộc cách mạng khoa học thứ hai của thế kỷ 19 sẽ khó hình dung dược nếu không có các đại học nghiên cứu Đức theo mô hình Humboldt. Cuối thế kỷ 19, mô hình đại học Humboldt đã ảnh hưởng lên toàn thế giới. Chúng ta có thể nói về một Liên đoàn đại học Humboldt thế giới. Thế giới khen ngợi không tiếc lời.

(3)
Xin nói một chút về đại học Anh quốc trước khi nói về đại học Hoa Kỳ. Anh quốc có truyền thống đại học rất sớm. Oxford là một trong 3 đại học châu Âu đầu tiên thế kỷ 12, bên cạnh Bologna và Paris. Nhưng Đại học Anh, mà đại diện là Oxford và Cambridge, có truyền thống nhân văn rất mạnh, đặt nặng việc đào tạo sinh viên thành người có văn hóa hơn là người thông thái; đào tạo công chức cho nhà thờ và nhà nước là chính. Người phát ngôn nổi tiếng nhất của đại học Anh của thế kỷ 19 là nhà thần học John Henry Newman, với cuốn sách nổi tiếng từ đó đến nay của ông: Ý niệm của một Đại học xuất bản khoảng 50 năm sau đại học Humboldt, đề cao tri thức nhân văn, là cứu cánh tự thân, hơn là tri thức hữu dụng là phương tiện đi đến mục đích. Ông cũng không xem đại học là nơi nghiên cứu. 
John Stuart Mill, đồng nghiệp của Newman, có một bài diễn văn khai mạc nổi tiếng chứa đựng tinh thần nhân văn tuyệt vời. Ông viết:
Đại học không phải là chỗ của giáo dục nghề nghiệp. Các đại học không chủ ý dạy tri thức đòi hỏi để làm cho con người phù hợp với các cách kiếm sống nào đó. Mục tiêu của đại học không phải tạo ra các luật gia, bác sĩ hay kỹ sư có kỹ năng, mà tạo ra những con người có năng lực (tư duy) và có văn hóa.[…]
 Con người là con người, trước khi con người là luật gia, bác sĩ, nhà kinh doanh, hay nhà sản xuất; và nếu chúng ta làm cho họ thành những người có năng lực và nhạy cảm (capable and sensible), họ sẽ tự làm cho họ thành những luật gia hay bác sĩ có năng lực và nhạy cảm.
John Stuart Mill
 Trong những lúc lo lắng vì nền giáo dục nhân văn trên thế giới bị thua thiệt trước giáo dụng thực dụng ngày càng bành trướng trên, các học giả thường tìm lại cái tháp ngà nhân văn ấm áp của hai vị này để được an ủi.
  
(4)
Đại học Hoa Kỳ. Lịch sử như đã thay ca giữa Đức và Hoa Kỳ. Hai quốc gia này đã luân phiên nhau chiếm ngự vũ đài tri thức thế giới trong hai thế kỷ liền bằng các đại học tinh hoa của họ, đưa khoa học lên những đỉnh cao rực rỡ, và tạo nên sự phồn vinh chưa từng có cho thế giới. Năm 1933, thời điểm Hitler lên nắm quyền, cũng là lúc nền đại học Đức cáo chung để chuyển ngọn đuốc sang bên kia bờ Đại Tây dương.
Đại học Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ trong hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất vào cuối thế kỷ 19, với đạo luật Morrill cấp đất cho đại học, với tinh thần trí thức Đức được các nhà lãnh đạo đại học Mỹ du nhập vào, và chủ nghĩa dân túy Hoa Kỳ, muốn phục vụ rộng rãi xã hội. Ở đây tinh thần đại học của Hoa Kỳ đã hiện rõ, có khác biệt với châu Âu. Nhưng cho đến thế chiến thứ nhất và cả thứ hai, đại học Hoa Kỳ vẫn chưa thật sự là đại học xuất sắc.
Giai đoạn thứ hai, và là giai đoạn hoàng kim, diễn ra sau thế chiến thứ hai, với nhiều nhân tố thuận lợi, như luật hỗ trợ các quân nhân giải ngũ đi vào đại học, sự tăng trưởng sinh sản mạnh mẽ, cái sốc sputnik, sự di tản của lực lượng khoa học hàng đầu từ châu Âu sang Hoa Kỳ, và báo cáo nổi tiếng của Vannevar Bush mang tên“Khoa học: Biên giới vô tận” đưa chính sách nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học cơ bản, về các trường đại học dân sự - phù hợp với tinh thần đại học của Humboldt.
Đại học Hoa Kỳ là kết tinh của ba nhân tố: Là đại học nhân văn (Anh) trong chương trình đào tạo cử nhân, đại học nghiên cứu (Đức) trong chương trình đào tạo thạc sĩ và nhân sự nghiên cứu, và là đại học dịch vụ (Hoa Kỳ) trong mục tiêu phục vụ xã hội.
“Ý tưởng đại học” trước đây như một cái làng với các thầy tu nay phát triển lên thành “Ý tưởng của multiversity”, đa đại học, với một thành phố tri thức có sự đa dạng bất tận.
 Tính từ năm 1950 là thời điểm phôi thai, 55 phần trăm tất cả giải Nobel và Fields của thế giới được trao về tay những học giả thường trú tại Hoa Kỳ; Hoa Kỳ trở thành trung tâm thế giới của đào tạo thạc sĩ. Năm 2005 các đại học danh giá Hoa Kỳ thu hút đến 70 phần trăm số khoa học gia giải Nobel đương thời, một con số cực kỳ to lớn. (Nhớ đến Berlin đã từng có 14 khoa học gia giải Nobel sống đương thời!)
 Năm 1963 Clark Kerr, nhà quản lý đại học lỗi lạc của Hoa Kỳ, đã cho rằng tri thức giờ đây là “khu vực đầu tàu” của sự tăng trưởng kinh tế, như ngành đường sắt ở hậu bán thế kỷ 19, và ngành công nghiệp ôtô đầu thế kỷ 20 đã từng làm.

(5)
 Đại học là một trong ít các định chế của xã hội tồn tại lâu đời nhất trong lịch sử nhân loại, lâu hơn cả các vua chúa, lãnh chúa phong kiến, không những không tàn lụi đi mà ngày càng phát triển mạnh mẽ thêm. Hầu hết các đại học thời Trung cổ vẫn còn hiện hữu tại vị trí cũ của chúng, như Clark Kerr nhận xét.
 Ý tưởng giáo dục châu Âu đã có từ khoảng 2500 năm trước tại Hy Lạp cổ đại. Hàn lâm viện của Platon có thể được xem là hạt nhân của học thuật đầu tiên của châu Âu, hội tụ đầy đủ các tính chất học thuật: đi tìm cái tốt, cái chân lý, bằng khoa học, bằng sự đối thoại trong không khí tự do, bằng sự tự nguyện, thầy và trò bình đẳng nhau, thầy và trò tìm đến nhau. Đó thực tế là những hạt giống ý tưởng đại học của các nhà cải cách đại học Đức Fichte, Humboldt và Schleiermacher sau này.
Nhưng đại học có tổ chức và tinh thần gần gủi với đại học chúng ta ngày nay chỉ xuất hiện vào thế kỷ thứ 12 tại Tây Âu, với các đại học đầu tiên là Bologna, Paris và Oxford. Mục tiêu của đại học là mối quan tâm học thuật, khoa học, mong muốn đạt đến nhận thức và tri thức, hơn là từ lý do kinh tế.
Dần dần nhà thờ và nhà nước thấy tính chất hữu ích của các tổ chức đại học, ra sức bảo hộ và giúp đỡ. Tôi xin đọc một đoạn trong hiến chương của Đại học Naples:
 “Chúng ta mong muốn rằng, trong tất cả các phần đất của Vương quốc nhiều người sẽ trở thành uyên bác và thông thái, bằng cách tiếp cận được suối nguồn của tri thức, và trường học của niềm tin, để cho những người tốt nghiệp phục vụ cho công lý thánh thiện, và sẽ trở thành hữu ích cho chúng ta, cho nền hành chánh của công lý và luật pháp mà chúng ta thúc giục mọi người tuân thủ.” (Naples 1224)

(6)
Nhưng câu hỏi quan trọng: tinh thần nào đã nuôi dưỡng đại học châu Âu thời Trung cổ cả ngàn năm qua? Xin thưa: đó là tinh thần khoa học. Tinh thần này đã bắt nguồn từ thời cổ đại Hy Lạp, sau khoảng một ngàn năm, tái xuất hiện trong cuộc dịch thuật vĩ đại diễn ra cùng lúc. Trong vòng gần 100 năm, đội quân dịch thuật quốc tế mà phần lớn là học giả Ả Rập đã dịch sang tiếng La tinh các tác phẩm quan trọng của các nhà khoa học Hy Lạp và Ả rập: Aristote, Euclid, Ptolemy, Y khoa của Hippocrate và các tác phẩm Quang học, Đại số học của các học giả Ả rập.
Châu Âu đã đưa kho tàng tư liệu này vào trong chương trình giảng dạy để làm động lực phát triển. Galilei, Newton và tất cả các nhà khoa học tên tuổi khác của châu Âu, đều phải trải qua việc học tập các tác phẩm kinh điển của Aristote trong thời sinh viên.
Khoa học có thể được tìm thấy ở nhiều nền văn hóa trên thế giới, như tại khu vực Islam hay Trung Hoa thời Trung cổ, nhưng đã không được thể chế hóa để phát triển bền vững.

(7) 
Ở phương Đông, như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, các thể chế giáo dục cổ điển cao cũng được hoàn thiện mặt hình thức vào thế kỷ 12 tại Trung Quốc. Chu Dy và các học giả khác xây dựng chủ nghĩa tân-khổng giáo của nhà Tống, tiêu chuẩn hóa các bộ sách Tứ thư, Ngũ kinh, và các sách này được dùng cho các kỳ thi hoàng gia để chọn nhân tài phục vụ nhà nước, kéo dài đến đầu thế kỷ 20.
Việt Nam cũng có đại học đầu tiên vào cùng thời kỳ: Văn Miếu năm 1070, Quốc Tử giám năm 1076, với mục đích lo việc đào tạo quan chức phục vụ bộ máy hành chánh của nhà vua, lấy Nho Giáo làm hệ tư tưởng và chính trị, tương tự như Trung Hoa.
Nhưng điểm khác biệt rất cơ bản là đại học Trung Hoa không có khoa học như đại học châu Âu. “Trung Hoa có nhiều (môn) khoa học, nhưng không có khoa học, không có một quan niệm (concept) duy nhất để bắt cầu cho toàn thể các khoa học”. Các nhà triết học Trung Hoa không có tư duy hệ thống cho các khoa học như Aristote và các môn đệ đã làm. Vật lý là môn khoa học nền tảng, nhưng nhà nghiên cứu lịch sử khoa học TQ Needham cho rằng có ít tư duy vật lý một cách hệ thống ở Trung Hoa, “khó có thể nói về một khoa học vật lý phát triển” ở đó. Do đó người ta không thể chờ đợi một cuộc cách mạng khoa học hiện đại như ở châu Âu thế kỷ 17.
(8)
Ý tưởng đại học Humboldt, hay của châu Âu tuy đã có mặt tại VN hơn nửa thế kỷ trước bởi những học giả Tây học thuộc “thế hệ vàng”, nhưng nó không được thể chế hóa, theo đuổi và phát triển một cách liên tục. Nhìn chung, đại học VN dường như đã mất đi rất nhiều truyền thống quốc học lẫn Tây học. Thế hệ vàng của những trí thức VN Tây học yêu nước thế kỷ 20 lẽ ra đóng vai trò chuyển đổi nền đại học cổ truyền VN sang nền đại học hiện đại để đi vào quỹ đạo đại học thế giới. Nhưng hoàn cảnh lịch sử đã đánh mất đi vai trò lịch sử của họ.
Bây giờ, muốn đổi mới đại học một cách sâu xa, xã hội VN cần có một cuộc dịch thuật vĩ đại như thời Trung cổ ở châu Âu hay thời Minh Trị ở Nhật Bản, để đưa tinh hoa văn hóa thế giới vào đất nước. Điều này đòi hỏi xã hội phải có một thái độ cởi mở. Đại học phải lấy nghiên cứu làm đầu tàu. Đại học cần có giao lưu thường xuyên với đại học thế giới, và có cùng thước đo học thuật. Cơ chế chính trị cần phải từng bước tương thích với nhu cầu phát triển của đại học, phù hợp với quy luật thế giới, vì lợi ích sống còn của quốc gia. Đại học phải có nhiều quyền tự chủ hơn. Và điều sống còn: là đại học phải có văn hóa trọng đãi nhân tài. Phá hủy văn hóa này, là phá hủy nền đại học. Nói tóm lại, đại học Việt Nam phải có tính chất Humboldt, vừa tinh hoa, vừa phục vụ.
Kết luận. Với hàn lâm viện của Platon, ngôi nhà minh triết được phát họa như bản thảo học thuật đầu tiên cho nhân loại. Với sự xuất hiện của đại học Trung cổ thế kỷ 12 tại châu Âu, ngôi nhà đó được xây dựng thành các thể chế bền vững. Cả hai, hàn lâm viện và đại học, đều có chung lý tưởng là đi tìm chân lý bằng phương pháp khoa học. Khoa học trở thành động cơ của học thuật châu Âu.

Trong thế kỷ 21, sự cạnh tranh giữa các quốc gia để đạt tới đại học trác việt đã bùng nổ, xuất phát từ sự cạnh tranh kinh tế quyết liệt và từ quan niệm xem đại học như đầu tàu của công nghệ và đổi mới, tạo ra và truyền bá tri thức tinh hoa cho xã hội. Đại học chiếm ngự cả thế giới, cả những quốc gia với hệ thống chính trị không tương thích.
 Chiếm được trọn thế giới, nhưng đại học lại có nguy cơ mất đi linh hồn và lý do tồn tại của nó: sự minh triết, vốn là động lực phát triển nội tại gần 2500 năm qua, để trở thành công cụ thuần túy của công nghiệp và thương mại.
Đại học VN không thể đứng ngoài cộng đồng đại học thế giới, không thể không được trao cho sứ mạng vinh quang mà các nhà cải cách Phổ đã đặt vào nó 200 năm trước: đó là sứ mạng trồng người, xây dựng con người nhân văn, xây dựng khoa học, sứ mệnh canh tân quốc gia, lấy sức mạnh tinh thần để bù đắp những thua thiệt vật chất từ hàng thế kỷ qua, vượt lên mọi lợi ích cục bộ nhất thời, để xây dựng lại giang san.