Thứ Hai, 31 tháng 1, 2011

TIN GIÁO PHẬN QUI NHƠN THÁNG O1/2011


ØTIN BAN TU SĨ
- Ban Tu Sĩ Hạt Bình Định đã có cuộc gặp mặt vào thứ 4 ngày 12. 01. 2011, từ 14g00 đến 16g00 tại Nhà Mẹ của Hội Dòng MTG Qui Nhơn. Nội dung chính như sau:
·         Ngày lễ cầu nguyện cho đời sống thánh hiến 02/02 trùng vào ngày 30 tết, nên không tổ chức theo cấp Giáo Hạt được (vì không đủ nhân sự), chỉ tổ chức theo cấp giáo xứ.
·         Vấn đề truyền giáo: Tuy mỗi Dòng Tu có một nét riêng, nhưng mong muốn sao cho có một điểm chung. Xét thấy nền tảng “nhân bản” của các Tu Sĩ góp phần lớn cho thành công của công việc truyền giáo, nên Ban Tu Sĩ Hạt Bình Định dự kiến, mỗi tháng sẽ có một bài nói về “nhân bản” gởi tới các cộng đoàn dòng tu trong Hạt Bình Định.
·         Học hỏi và rút kinh nghiệm cho buổi văn nghệ và thánh lễ 03.12 cử hành năm thánh với các Dòng tu vừa qua.
·         Cha Gioakim Đỗ Sĩ Hùng, Dòng SVD: thư ký của Ban Tu Sĩ Hạt Bình Định.
·         Dự định ngày 26.01 (23 tháng chạp) Ban Tu Sĩ Hạt Bình Định sẽ thăm và chúc tết đến quý Soeurs nhà Hưu dưỡng Ghềnh Ráng và Qui Hòa, thăm và chúc tết Cộng Đoàn Phao lô và SVD. (N.B. Việc thăm viếng và chúc tết này đã thực hiện tốt đẹp như dự định)
- Ban Tu Sĩ Hạt Phú Yên gặp mặt vào 15g00 đến 16g00 ngày 25.01.2011, ngày kết thúc tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất. Nội dung chính:
·         Được sự khích lệ của Cha Hạt Trưởng, Ban Tu Sĩ hạt Phú Yên sẽ tổ chức ngày lễ nến vào sáng 02. 02. 2011 tại nhà thờ Tuy Hòa. Vì là ngày cuối năm âm lịch nên nhiều tu sĩ đã về quê dịp tết, nhưng sẽ có một số tu sĩ và các em dự tu các dòng khác nhau về nghỉ tết trong địa bàn giáo hạt Phú Yên. Đây là dịp may hiếm có để các tu sĩ nhiều dòng “thắp nến” cử hành phụng vụ cầu nguyện cho đời sống thánh hiến và sau đó “ăn tất niên” với nhau.
·         Ban Tu Sĩ Hạt Phú Yên sẽ tổ chức họp định kỳ 3 lần trong mỗi năm vào tháng 4, tháng 8 và tháng 12. Địa điểm sẽ thay đổi luân phiên để có dịp gặp mặt, cảm thông và hiệp thông với nhau.
·         Khuyến khích nhau sống hiệp nhất loan báo Tin Mừng Nước Trời, mời gọi nhau cộng tác trong việc chung của Ban Tu Sĩ Giáo Hạt (cụ thể là công việc truyền thông). Cuối cùng là chúc tết các thành viên Ban Tu Sĩ Giáo Hạt trong niềm vui chuẩn bị đón tết đến!

Ø  BẾ MẠC NĂM THÁNH GIÁO PHẬN QUI NHƠN
Ngày 03/01/2011, vào lúc 17g00 tại nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn đã diễn ra Thánh lễ bế mạc năm thánh cấp giáo phận. Lễ bế mạc nầy diễn ra sớm hơn một ngày theo chương trình của giáo phận đã định từ đầu vì để quý cha và giáo dân có thể tham dự trọn vẹn chương trình bế mạc năm thánh do HĐGM Việt Nam tổ chức lại La Vang bắt đầu vào chiều ngày 04/01 đến ngày 06/01.
Đức Cha chính Phêrô đã chủ sự thánh lễ bế mạc với Đức Cha Phó Matthêô, khá đông quý cha trong giáo phận đồng tế và đủ các thành phần dân Chúa tham dự sốt sắng. Trong lời đầu lễ Đức Cha chính Phêrô đã nói rằng: “Nhân dịp kỷ niệm 350 năm thiết lập hai giáo phận tông tòa Đàng Ngoài và Đàng Trong (1659-2009), 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm tại Việt Nam (1960-2010), Ban Thường Vụ Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã xin Đức Thánh Cha qua Toà Ân Giải tối cao, cho phép Giáo Hội Việt Nam mở Năm Thánh đặc biệt và đã được Toà Ân Giải tối cao chuẩn nhận.
Năm Thánh được khai mạc vào ngày 24 tháng 11 năm 2009 và sẽ kết thúc vào lễ Chúa Hiển Linh ngày 6 tháng 1 năm 2011. Giáo phận chúng ta kết thúc năm thánh vào ngày hôm nay, chúng ta tạ ơn Chúa một năm qua biết bao ơn lành đã ban xuống cho chúng ta. Mặc dầu Năm Thánh đã kết thúc, nhưng “Chúa luôn ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”. Chúng ta tận dụng hết trí lòng và sức lực để giới thiệu Chúa cho muôn dân, để Nước Chúa lan rộng khắp mọi tâm hồn và để con người nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa nơi tha nhân, những người anh chị em đồng loại của mình».
Trong bài giảng lễ Đức Cha Phó Matthêô đã khéo léo dùng ngôn ngữ kiến trúc để diễn tả sự phát triển và trưởng thành của Giáo Hội tại Việt Nam và cách riêng giáo phận Qui Nhơn. Qua đó, Đức Cha mời gọi mọi thành phần dân Chúa hãy tiếp tục dâng lời tạ ơn Thiên Chúa trong cuộc sống hàng ngày.

Ø  GIÁO PHẬN QUI NHƠN THAM DỰ ĐẠI LỄ BẾ MẠC NĂM THÁNH GIÁO HỘI VIỆT NAM VÀ ĐẠI HỘI HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG LẦN THỨ 29
Đại Lễ Bế Mạc Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam và Đại Hội Hành Hương Đức Mẹ La Vang lần thứ 29 đã diễn ra tại Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang từ ngày 04 đến ngày 06/01/2011. Hiện diện trong cuộc Đại Lễ này ngoài các Giám Mục Việt Nam, đông đảo linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân từ khắp mọi miền đất nước, còn có 2 Giám Mục từ Lào, 1 Giám Mục từ Kampuchia, 1 Giám Mục từ Pháp, 1 Giám Mục từ Úc, 1 Giám Mục từ Hàn quốc, Đức Cha Mai Thanh Lương (Hoa Kỳ), cha Tổng Đại Diện giáo phận Kuala Lumpur (Malaysia). Đặc biệt, có sự hiện diện của Phái đoàn Tòa Thánh do vị Đặc sứ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI là ĐHY Ivan Dias, Tổng trưởng Thánh bộ Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc, dẫn đầu cùng với Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương tháp tùng. Trong phái đoàn này cũng có sự hiện diện của 2 linh mục tại Việt Nam là cha Antôn Dương Quỳnh, Chưởng ấn Tòa Tổng Giám Mục Huế, và cha F.X. Vũ Phan Long, Bề trên giám tỉnh Dòng Phanxicô tại Việt Nam.
Đoàn hành hương của giáo phận Qui Nhơn gồm có: Đức Cha phó Matthêô, ba cha hạt trưởng Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, 25 linh mục, một số nữ tu Dòng MTG Qui Nhơn, Dòng thánh Phaolô và một số giáo dân.
Đại Hội được khai mạc với lễ trọng kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội được cử hành vào lúc 17 giờ ngày 04/01, do Đức Cha Matthêô chủ sự và giảng, cùng với nghi thức rước kiệu Đức Mẹ La Vang và lần hạt Mân Côi vào lúc 20 giờ.
Sáng ngày 05/01, lúc 06g00, thánh lễ kính Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh do Đức Cha Giuse Võ Đức Minh chủ sự và giảng. Sau đó vào lúc 10 giờ, thánh lễ kính Đức Mẹ đi viếng Bà Êlisabeth do Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản chủ sự và giảng.
Buổi chiều vào lúc 15g30, HĐGM tiếp chính quyền trung ương và địa phương, rồi tất cả cùng đến linh đài để dự nghi thức làm phép tượng mới Đức Mẹ La Vang do ĐHY Ivan Dias chủ sự. Tiếp đến mọi người di chuyển ra lễ đài để dự nghi thức chào mừng. Lễ đài mới được xây dựng rất lớn nằm ở tận cùng khu đất về phía nam, quay mặt về quảng trường mới phía sau tháp cổ. Tại đây HĐGM chào mừng phái đoàn Tòa Thánh, phái đoàn chính quyền, đại diện các HĐGM ngoại quốc, đại diện các tôn giáo bạn và các vị khách quí. Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, chủ tịch HĐGM, đọc diễn văn chào mừng  ĐHY Đặc sứ đáp từ và cuối cùng là lời chúc mừng của ông Nguyễn Thiện Nhân, phó thủ tướng chính phủ. Vào lúc 19 giờ 30 một chương trình diễn nguyện rất hoành tráng và đặc sắc được thực hiện tại lễ đài và được kết thúc bằng nghi thức tôn thờ Thánh Thể.
Ngày 06/01, lúc 8 giờ sáng, thánh lễ bế bạc Năm Thánh được cử hành trọng thể tại lễ đài do ĐHY Ivan Dias chủ sự và giảng, với sự hiện diện của 41 giám mục, hơn 1200 linh mục, đông đảo tu sĩ và hơn 300.000 giáo dân. Sau phần giới thiệu các phái đoàn, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Tổng thư ký HĐGM, tuyên đọc sứ điệp của ĐTC Bênêđictô XVI. Trước khi kết thúc thánh lễ, ĐHY Ivan Dias làm phép viên đá đầu tiên để xây dựng Vương Cung Thánh Đường La Vang và 27 viên đá tượng trưng cho 26 giáo phận tại Việt Nam và cộng đồng công giáo Việt Nam hải ngoại. Cuối cùng, Đức Cha phụ tá Huế tuyên đọc nội dung tấm bia kỷ niệm Năm Thánh. Tiếp đến là bài cám ơn của Đức TGM Stêphanô Nguyễn Như Thể. Thánh lễ kết thúc bằng phép lành Tòa Thánh do ĐHY Đặc sứ chủ lễ và tất cả các giám mục đồng tế cùng ban.
Sau khi dùng cơm trưa và trước khi trở về, Đức Cha Matthêô cùng với các Giám mục Việt Nam gặp gỡ ĐHY Ivan Dias rồi họp riêng với nhau để bàn về một số việc sắp tới. Trên đường về Đức Cha và một số cha nghỉ đêm tại nhà xứ Quảng Ngãi để hôm sau (07/01) về giáo xứ Phù Mỹ cử hành thánh lễ tạ ơn Chúa về nhà thờ mới cùng với các khách hành hương của các giáo phận từ La Vang trở về và nghỉ đêm tại đó.
Ø MỪNG XUÂN TÂN MÃO HAI ĐỨC CHA GIÁO PHẬN
Theo như truyền thống tốt đẹp, các linh mục trong giáo phận đã tề tựu về Toà Giám Mục Qui Nhơn để chúc Tết mừng Xuân hai Đức cha giáo phận vào ngày thứ Tư 26/01. Tại phòng khách Toà Giám Mục, Cha Tổng Đại Diện thay mặt linh mục đoàn và nam nữ tu sĩ đã chúc mừng hai Đức Cha:
“Tất niên và tân niên là múi thời gian linh thiêng và ân tình của đời người mọi dân tộc. Người ta không chỉ nghĩ tới chu kỳ năm tháng, tống cựu nghinh tân, mà đó còn là giây phút nhiệm mầu để đánh giá và xây dựng đời người, quan hệ đến hai chữ tồn vong, thăng trầm và phải chăng của cuộc sống.
Với ý nghĩa cao quý đó, hôm nay, linh mục đoàn, tu sĩ nam nữ và chủng sinh chúng con quay về gia đình giáo phận, nơi chúng con có hai đức cha là bậc thượng phụ thân mẫu để làm lễ chúc thọ và bày tỏ đạo làm con như truyền thống luân lý dạy. Nhưng trước tiên như lời hai đức cha trong thư Tết Nguyên Đán Tân Mão, chúng con xin được cùng hai đức cha cám tạ ơn Chúa vì bao ơn lành: đức tin vững mạnh, đức cậy vững bền, đức ái sắt son, Năm Thánh sốt sắng, giáo dân gia tăng, thêm số linh mục, tín hiệu đáng mừng. Chúng con không quên cám ơn khi nói lên niềm an ủi và sự mạnh tiến của gia đình giáo phận: có hai đức cha như cha với mẹ. Còn gì quý bằng khi hai đức cha là tiêu biểu ơn hiệp nhất gia đình giáo phận, hai đức cha đồng tộc, song Nguyễn, cùng quê, cùng chọn một thần đức mà như thánh Phaolô xác định là vĩnh tồn ở trần thế cũng như thiên đình: Amor et Caritas. Xin cho điều tuyển chọn làm của riêng hai đức cha được phong phú và sung mãn, vì ubi caritas et amor, Deus ibi est, ở đâu có Thiên Chúa ở đó có tình yêu. Như thế năm Tân Mão sẽ là thiên đàng dương thế cho gia đình giáo phận và sẽ báo hiệu thiên đàng mai sau…
Chúng con cũng không dám quên kính lão đắc thọ, vô cổ bất thành kim, tất cả chúng con xin mừng tuổi quý cha trưởng lão trong linh mục đoàn giáo phận. Cầu chúc quý cha khi trẻ đã khoẻ thì xin cho tuổi già cũng trẻ và khoẻ như vậy để vui hưởng ơn Chúa nơi tuổi già”.
       Sau lời đáp từ của Đức cha Phêrô, cha Hạt trưởng Phú Yên đã thay mặt linh mục đoàn cám ơn và mừng tuổi cha Tổng Đại Diện: “Chúng con vui mừng tạ ơn Chúa đã cho chúng con một cha Tổng Đại Diện sâu sắc, tình cảm, hiệp thông. Hôm nay trước thềm năm mới, chúng con xin mừng tuổi cha. Xin Đức Chúa Trời ba ngôi phù hộ giúp sức cho cha Tổng được mọi sự lành hồn xác”. Và rồi như một mùa Xuân đến sớm, mọi người đã vui vẻ trao nhau những lời cầu chúc tốt đẹp nhất cũng như những ước nguyện cho một tương lai tươi sáng của giáo phận nhà.   
  
Ø  SINH HOẠT GIÁO HẠT BÌNH ĐỊNH.
- Tin Ban Văn Hoá Bình Định: Tiếp tục theo hướng họp mặt thường kỳ tại những địa điểm khác nhau, Ban Mục Vụ Văn Hoá Hạt Bình Định đã tổ chức họp mặt đầu năm tại giáo xứ Phù Mỹ. Đúng 8 giờ Chủ nhật ngày 09/01/2011 các thành viên Ban Văn Hoá đã có mặt tại nhà thờ Phù Mỹ, cùng tham gia có một số bạn Khoa Văn ĐH Qui Nhơn và các tác giả trẻ từ các giáo xứ Chính Toà, Đại Bình, Ngọc Thạnh, Cây Rỏi, Gò Thị…
Đoàn nhanh chóng di chuyển đến giáo họ Nước Nhỉ, cùng với giáo dân giáo họ tham dự Thánh lễ Chúa nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa ngay trên mộ linh mục Đặng Đức Tuấn – nhà văn hoá Công giáo Việt Nam. Cùng đồng tế với cha sở Phù Mỹ có cha Khánh – trưởng ban Mục Vụ Văn Hoá hạt và cha Quang - cha sở Cây Rỏi.
Sau Thánh lễ đoàn quay về nhà xứ Phù Mỹ và tiến hành cuộc họp. Anh Xuân, chủ nhiệm Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn nhận xét sinh hoạt câu lạc bộ có phần đi vào chiều sâu, giới thiệu nội san Hoa Biển 2 với nhiều tiến bộ về nội dung lẫn hình thức và phát thưởng cho hai tác giả trẻ có bài xuất sắc. Cũng dịp này cha Khánh giới thiệu tập thơ mới xuất bản, tập “Khi em cầu nguyện”, của một thành viên Câu lạc bộ là bác sĩ - nhà thơ Lê Quang Hận (Sông Vệ, Quảng Ngãi) và gởi đến mọi thành phần tham dự tập thơ được tác giả ký tặng.
Trong buổi cơm trưa do cha sở Phù Mỹ khoản đãi, cha cho biết sẽ rất vui nếu BVH tiếp tục chọn Phù Mỹ làm nơi tổ chức họp mặt. Cha cũng nhấn mạnh hoạt động của BVH là một cách hữu hiệu làm sáng danh Chúa và tạo điều kiện thăng tiến con người trong đức tin và văn hoá, góp phần cho các giáo xứ có thêm nhân sự ưu tú phục vụ.
Đầu giờ chiều, cuộc họp tiếp tục với nhiều tranh luận sôi nổi về việc phân công và cách thức chấm giải ĐĐT lần II.
Chia tay nhà thờ Phù Mỹ, đoàn đến thăm nhà nhà thơ Công giáo Hằng Thi (giáo xứ Phù Mỹ). Trên đuờng về Qui Nhơn, đoàn ghé thăm viếng di tích nhà thờ họ Nhà Đá (giáo xứ Phù Mỹ) và nhà thờ đang xây giáo họ Hoà Dõng (giáo xứ Phù Cát). Hai địa điểm với các đặc điểm khác nhau tạo nhiều ấn tượng sâu sắc cho việc sáng tác của các thành viên trong đoàn.
- Lễ giỗ cha cố TĐD Anrê Huỳnh Thanh Khương. Như đã thông báo trong dịp tĩnh tâm tháng, vào lúc 09g00 ngày 13/01/2011, cha sở Vườn Vông Gioakim Trần Minh Dũng đã tổ chức thánh lễ giỗ nhân dịp 6 năm ngày qua đời cha Cố TĐD. Thánh Lễ do Đức cha phó Matthêô chủ sự với 20 cha trong đoàn đồng tế. Ngoài bà con giáo dân, còn có một số nữ tu đến tham dự rất sốt sắng. Cha giám đốc chủng viện Giuse Huỳnh Văn Sỹ, trong bài giảng lễ chia sẻ ý nghĩa của việc tổ chức lễ giỗ: một hành động hết sức lành thánh của niềm tin, một bổn phận thảo hiếu đáp đền, một nghĩa cử rất tình nghĩa của những người tham dự và lễ giỗ cũng có giá trị hiện thực với người quá cố và cả người đang sống. Sau thánh lễ có bữa cơm thân mật tại nhà xứ Vườn Vông.
- Thánh lễ khai mạc tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô hữu. Ngày 18/01/2011 vào lúc 05g00 tại nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn có tổ chức thánh lễ khai mạc tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô hữu. Thánh lễ do Đức Cha Phó Matthêô chủ sự với khá đông các cha trong đoàn đồng tế. Trong bài giảng lễ Đức Cha phó đã nêu lên vài mốc lịch sử dẫn đến việc chia rẽ trong Giáo Hội cũng như những sáng kiến cố gắng để hàn gắn sự chia rẽ đó. Đức cha mời gọi mọi người hãy ý thức để cầu nguyện và góp phần mình vào việc xây dựng sự hiệp nhất trong Giáo Hội, một sự hiệp nhất trong đa dạng.
- Đức cha phó Matthêô thăm mục vụ giáo xứ Phú Thạnh và giáo họ Long Mỹ. Ngày 02/01/2011, lễ Hiển Linh, lúc 15g30, Đức Cha phó đến thăm mục vụ giáo xứ Phú Thạnh. Cha sở Luca Nguyễn Huy Kỳ, các nữ tu dòng thánh Phaolô và đông đảo bà con giáo dân đón Đức Cha tại cổng nhà thờ và cùng nhau tiến vào nhà thờ để chủ sự thánh lễ đồng tế. Trong bài giảng Đức Cha trình bày ý nghĩa của lễ Hiển Linh và kêu gọi cộng đoàn trở thành ánh sao sáng cho lương dân bằng đời sống thánh thiện, yêu thương và đoàn kết. Sau thánh lễ, Đức Cha ra nhà xứ tiếp một số giáo dân, rồi cùng với cha sở đến thăm cộng đoàn các nữ tu dòng thánh Phaolô ở phía bên kia đường, đối diện với nhà thờ. Sau đó cha sở hướng dẫn Đức Cha đi thăm cộng đoàn các nữ tu MTG/QN tại giáo họ Long Mỹ. Mỗi ngày Chúa nhật cha sở đến dâng lễ tại nhà nguyện cộng đoàn và có các giáo dân đến tham dự, vì giáo họ chưa có nhà thờ riêng. Đức Cha ở lại dùng cơm tối với cộng đoàn rồi trở về.
Chúa nhật, ngày 23/01/2011, lúc 09g00, một lần nữa Đức Cha trở lại Long Mỹ để gặp gỡ và cử hành thánh lễ cho giáo dân. Giáo họ Long Mỹ thuộc khu kinh tế mới, giáo dân sống rải rác vì đường sá xa xôi cách trở và đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Đức Cha đã chủ sự thánh lễ cùng với cha sở, với sự tham dự của các nữ tu MTG tại cộng đoàn và một số từ Qui Nhơn lên, cùng với hơn 100 giáo dân. Sau thánh lễ Đức Cha gặp gỡ, thăm hỏi một số giáo dân và dùng cơm trưa do các nữ tu khoản đãi.

Ø  SINH HOẠT GIÁO HẠT QUẢNG NGÃI.
- Đức cha phó thăm mục vụ Tết Tân Mão tại giáo hạt Quảng Ngãi. Theo thông lệ hằng năm vào dịp Tết, và cũng như năm ngoái, năm nay Đức Cha Phó thăm các cơ quan chính quyền tỉnh, vào buổi sáng ngày 21. 01 (18 tháng Chạp). Tháp tùng Đức Cha, có Cha Hạt trưởng và một số cha trong Hạt.
Trước bữa tiệc mừng vào 11g trưa, Cha Hạt trưởng và các cha trong hạt, cùng với các nữ tu MTGQN và các chức việc giáo xứ Quảng Ngãi, giáo họ An Hội đã mừng Tết Đức Cha. Cha Hạt trưởng thay mặt giáo hạt chúc mừng Đức Cha Phó sắp tròn một năm ngày tấn phong Giám mục của ngài (nhằm 02 Tết Tân Mão). Và vì đường xá xa xôi và công việc mục vụ cuối năm rất bận bịu ở các giáo xứ, Cha Hạt mạo muội xin Đức Cha Phó chuyển lời các cha chúc mừng Năm Mới đến Đức Cha Chính Phêrô. Đáp từ, Đức Cha Phó thông cảm hoàn cảnh xa xôi chuẩn chước cho các cha, rồi ngài nhắc nhớ Hội Thánh đang ở trong tuần lễ cầu xin ơn hiệp nhất các Kitô hữu, ngài mời gọi mọi người sống hiệp nhất, và lấy hình ảnh con mèo được nêu trong thư mục vụ của hai Đức Cha nhân dịp tết nguyên đán Tân Mão, ngài cầu chúc mọi người gìn giữ và phát triển kho tàng đức tin hầu đem ánh sáng Tin Mừng soi chiếu vào môi trường sống.
- Mừng lễ Quan Thầy Cha Phaolô Nguyễn Thọ. Mặc dù vẫn chọn ngày lễ Hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô làm Bổn mạng, nhưng để không trùng ngày với nhiều cha trong Hạt, hầu cho anh em linh mục có thêm ngày vui vầy bên nhau, Cha Thọ thường mời các cha vào ngày lễ Thánh Phaolô trở lại. Lần này, cùng hiện diện trong bữa cơm trưa huynh đệ, có Cha Hạt trưởng, Cha Bề trên, và gần đông đủ các cha dòng, triều.

Ø SINH HOẠT GIÁO HẠT PHÚ YÊN
- Đức Cha Phó thăm mục vụ Tết Tân Mão giáo hạt Phú Yên. Tết Nguyên Đán là dịp để thắt chặt mối liên hệ qua việc thăm viếng và cầu chúc nhau nhân ngày đầu Xuân. Giữa các linh mục và các đức giám mục của mình, mối liên kết này trở nên cần thiết để nói lên sự hiệp nhất của một giáo phận. Chính vì thế mà vào ngày thứ Tư 19/01, Đức cha phó Matthêô đã vào Phú Yên để thăm mục vụ Tết Tân Mão giáo hạt Phú Yên.
Vào lúc 5g sáng, các tân linh mục vừa chịu chức tháng 12 vừa qua đã dâng thánh lễ Tạ Ơn tại nhà thờ giáo xứ Tuy Hoà cùng với các linh mục trong giáo hạt như khúc mở đầu cho ngày gặp gỡ này. Trong bài giảng lễ, cha sở Đồng Tre đã chia sẻ những cảm nghĩ về chức linh mục và con người linh mục trong xã hội hôm nay.
 Lúc 7g30, Đức cha Matthêô đã từ Qui Nhơn vào đến Phú Yên. Sau khi thăm Tết các cơ quan chính quyền Tỉnh, Đức cha đã về nhà xứ Tuy Hoà để linh mục đoàn, các tu sĩ, các giáo chức đến chúc mừng Đức Cha nhân dịp Xuân Tân Mão sắp đến theo như phong tục rất tốt đẹp của người Việt Nam từ bao đời nay. Cuộc chuyện trò rộn rã kéo dài cho đến bữa tiệc mừng Xuân vào buổi trưa với các món đặc sản của rừng và biển càng làm đậm đà thêm tình đất tình người của vùng trời này đúng như ý nghĩa của câu ca dao xưa: “Phú Yên đi dễ khó về…”  

Ø  TIN DÒNG MTG QUI NHƠN
- Khám phát thuốc cho dân nghèo: Ngày 15.12.2010, Ban Y Tế Xã Hội Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn gồm 9 chị em đã đến tại trạm y tế Xuân Đài thuộc Thị Xã Sông Cầu để khám bệnh và cấp phát thuốc cho khoảng 700 dân nghèo. Tiếp tục chương trình phục vụ, ngày 7-8.01.2011, Ban Y Tế Hội Dòng đã hướng dẫn phái đoàn y tế của Thành Phố Hồ Chí Minh gồm 33 người, trong đó có 5 bác sĩ cùng các dược sĩ, y tá và sinh viên thực tập đến phục vụ tại Gò Thị và Cây Rỏi, 300 người dân ở Cây Rỏi và 800 người dân nghèo ở Gò Thị đã được giúp đỡ tận tình. Niềm vui rạng rỡ trên gương mặt mọi người, người được giúp cũng như người phục vụ, nhất là các bác sĩ, y tá và sinh viên ở thành phố, được tiếp xúc và tận tay khám cùng phát thuốc cho những người dân nghèo miền Trung chất phác, họ rất cảm động. Với tình bác ái Kitô và tấm lòng nhân ái của nghiệp vụ, tất cả đã hết lòng ân cần, nhiệt tình, vui tươi, dù điều kiện xung quanh không mấy thuận tiện.
Bên cạnh đó, các chị em còn gói 100 phần quà cho các hộ dân nghèo nhất ở Gò Thị, và 40 phần cho các hộ nghèo thuộc họ đạo Nhơn Lý gồm nhu yếu phẩm, quần áo và giày dép. Ước mong góp một chút niềm vui đến với người dân nghèo trong dịp Tết Tân Mão đang tới.

THƯ CHA JEANNINGROS VỊ (1912-2006)

BTTVHQN xin dịch và giới thiệu bức thư của cha Pierre Jeanningros (cố Vị) gởi cho anh Nguyễn Thanh Huân (ở Úc) để trả lời đôi điều về Đại chủng viện Đại An. Là cháu của Đức Cha phó Constant Jeanningros Vị (1870-1921), cha Pierre Jeanningros sinh năm 1912, chịu chức ngày 4/7/1937 và đi nhận nhiệm vụ trước hết ở Qui Nhơn ngày 14/9/1937. Phục vụ nhiều nơi tại Đà Nẵng, Qui Nhơn và Nha Trang, nhiệm sở cuối cùng của ngài tại Việt Nam là tuyên uý Trại phong Qui Hoà trước khi bị trục xuất vào năm 1975. Ngài mất ngày 2/9/2006 tại Nhà hưu dưỡng của Hội truyền giáo ở Lauris, miền Nam nước Pháp, hưởng thọ 94 tuổi.   

v³v


Lauris, Ngày 30 tháng 8 năm 2004

          Anh bạn thân mến,
          Nhận được lá thư dài của anh, tôi thích thú đọc đi đọc lại và cố gắng trả lời được chừng nào hay chừng ấy.
           Lúc ấy tôi là một giáo sư trẻ ở Tiểu chủng viện Làng Sông từ năm 1942 đến 1945; và chính ở đấy có một lần tôi đến thăm làng Đại An. Tôi nhìn thấy những hoang tàn của Đại chủng viện cũ, nơi mà ông bác của tôi là Đức Cha Constant Jeanningros đã làm bề trên cho đến năm 1912 và sau đó làm Giám mục phó cho Đức Cha Grangeon mãi cho đến khi ông mất vào năm 1921.
           Tôi không thể nói gì hơn nữa về Đại An vì cuối năm 1945 tôi phải rời Qui Nhơn đi Huế sáu tháng; sau đó về Tourane, Đà Nẵng, rồi Trà Kiệu. Vào năm 1956, tôi trở về địa phận Nha Trang, làm bề trên Tiểu chủng viện Sao Biển, cha sở Hà Dừa, và cuối cùng vào những năm từ 1972 đến 1975 tôi làm tuyên uý cho Trại phong Qui Hoà. Sau 3 năm ở Paris, tôi đã đi Nouvelle Calédonie từ năm 1978 đến 1989. Sau vài năm làm việc cho địa phận Besançon của mình, từ sáu năm nay tôi lưu trú tại Nhà hưu dưỡng của các cựu thừa sai Hội Truyền Giáo Hải Ngoại. 92 tuổi, sức khoẻ kém dần đi thế nhưng tôi vẫn còn có thể sống trong cộng đoàn (chúng tôi gồm khoảng 25 đến 27 người). Trong số các cựu thừa sai ở Qui Nhơn, chẳng còn mấy ai nữa chỉ còn cha Mollard (cố Lễ) và cha Lagrangre (cố Quang). Cha Gauthier (cố Báu) đã mất cách đây 3 năm.
           Tôi vẫn còn đi đứng dễ dàng và dâng lễ hằng ngày. Tôi dùng nhiều thời gian để đọc sách và ngày tháng trôi qua trong kinh nguyện, tạ ơn và lễ dâng cho Thiên Chúa. Có biết bao ý cầu nguyện, tôi thường hay nhớ đến những năm tháng đẹp đẽ tại Việt Nam trong 38 năm.
           Đấy là những tin tức hy vọng làm anh khuây khoả. Xin cầu nguyện nhiều cho nhau. Chúc anh sức khoẻ, bình an và hạnh phúc trong Chúa Giêsu Kitô.
                        Jeanningros

          Tái bút: Lúc còn ở Nouvelle Calédonie, có đôi ba lần tôi quá cảnh tại phi trường Sydney. 


Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011

CẢM NHẬN VỀ MÙA XUÂN


Maria Bùi Thị Kim Phiên
Giáo xứ Đồng Tre
Bài đạt giải triển vọng môn văn giải thưởng Đặng Đức Tuấn lần I


Sáng sớm hôm nay thức dậy sao mình có cảm giác lạ quá nhỉ? Hình như hôm nay trời xanh và cao hơn, hình như mình có nghe một chút se se lạnh, gió thổi nhè nhẹ. Trên tầng không đàn én đang đua nhau chao liệng. Một khung cảnh thật nên thơ. Và mình nhận ra một điều rằng mùa xuân xinh đẹp đã về! Thế là mình sắp đón nhận một cái Tết nữa – Tết 2010 – Canh Dần. Mùa xuân năm nay thật là một mùa xuân đáng nhớ và đầy ý nghĩa đối với giáo xứ Đồng Tre thân yêu.


Mùa xuân là mùa của hội ngộ, của yêu thương, của hạnh phúc. Xuân đến, con người, cảnh vật cũng trở nên căng tràn sức sống. Những cơn mưa xuân dù không nhiều cũng làm cho cây cối xanh tươi khoe mình dưới ánh sáng mặt trời. Mùa xuân là mùa hội ngộ, mùa sum hợp gia đình. Những đứa con làm ăn xa quê, bà con dòng họ lâu ngày không thể về thăm quê, dù thế nào đi nữa cũng nao nao, sắp xếp để về lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Ai ai cũng sốt sắng, nao nao mong đến ngày trở về quê nhà sau một thời gian dài xa cách, có thể là một năm, có thể là vài ba năm, nhưng cũng có thể là vài chục năm. Phiên chợ quê em cũng trở nên nhộn nhịp hơn hẳn mọi ngày!
Phiên chợ Tết ở quê thật đơn sơ nhưng dẫu đi xa quê ai cũng nhớ. Phiên chợ Tết biết bao nhiêu là gian hàng, dù ít hay nhiều thì mỗi nhà điều phải sắm sửa cho mình những vật dụng cần thiết, sắm sửa, trang hoàng cho ngôi nhà thêm đẹp hơn, ấm áp hơn. Chợ ngày Tết với hàng loạt các gian hàng: nào quần áo, bánh kẹo, rau quả, và em thích nhất là hàng hoa, … với nhiều loại đa dạng, phong phú. Xuân về, Tết đến cũng là lúc nhiều người, kể cả những người ở rất xa tập trung về tảo mộ, viếng những người đã khuất. Mùa xuân là mùa của trăm hoa đua nở, nhà nhà đều thấy đủ các loại hoa, nào cúc, nào vạn thọ, đặc biệt là mai vàng rực rỡ, tô điểm sắc mùa cho cả một vùng không gian rộng lớn của sân vườn. Nếu nói về mùa xuân ở quê em – giáo xứ Đồng Tre chắc có lẽ không bao giờ cạn lời bởi có biết bao mùa xuân đã đi qua và đặc biệt là mùa xuân hiện tại đầy ý nghĩa.
Bây giờ mùa xuân đã đi qua, từng đàn én chao liệng, trăm hoa đua nở nhường chỗ cho những cánh sen đầu tiên bắt đầu nở, cái khí trời oi nồng của mùa hè đang xâm lấn cả không gian. Đó cũng là quy luật 4 mùa tất yếu của tạo hóa, thiên nhiên, vũ trụ. Người dân Đồng Tre quê em lại tất bật, vất vả, lo toan cho những mùa vụ mới, những công việc mới.
Mảnh đất Đồng Tre vẫn còn nghèo lắm, nghèo vật chất, nghèo của cải xa hoa nhưng không hề nghèo tình người. Người dân sống chủ yếu bằng nghề nông, quanh năm chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà vẫn không thấy khá giả, chỉ đắp đổi qua ngày. Nhưng cái đáng quí, đáng trân trọng hơn cả vẫn là tình làng nghĩa xóm, tình cảm giữa các Kitô hữu trong cộng đoàn Giáo xứ. Giáo xứ chính là sợi dây thiết thực kết nối những trái tim cùng nhịp đập hướng về Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong ngôi nhà đầy ắp tình yêu thương của Chúa, bà con Kitô hữu gặp nhau tâm tình để ngày càng hiểu nhau hơn, cùng giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống trên mảnh đất khô cằn sỏi đá này.
Nhờ hồng ân Thiên Chúa đã trải khắp mọi nhà, ban xuống trên Giáo xứ nên mùa xuân và cái Tết 2010 thật ý nghĩa biết bao! Trung tâm mục vụ của Giáo xứ cuối cùng đã hoàn thành, có ý nghĩa rất lớn, là nơi tập trung các sinh hoạt của giáo dân. Công trình này là hiện thân, là kết quả của sự nổ lực to lớn, không ngừng nghỉ của Cha xứ, ban quản xứ và cộng đoàn Kitô hữu. Công trình hoàn thành là nhờ có sự đóng góp ngày công, sức lực, của giáo dân. Không chỉ có thế, trước khi đến Tết Canh Dần, bà con Giáo xứ Đồng Tre còn được đón nhận việc khánh thành và đưa vào sử dụng hệ thống nước lọc tinh khiết. Hệ thống đưa vào sử dụng là một niềm phấn khởi, tạo nên bước ngoặt to lớn trong việc chăm sóc, cải thiện sức khỏe, chất lượng cuộc sống nơi vùng quê nghèo Đồng Tre. Bởi lẽ, chính cuộc sống cơ cực, lo lắng bộn bề làm sao có đủ thời gian mà bà con giáo dân nơi đây nghĩ đến chất lượng cuộc sống hay như thế nào là chất lượng cuộc sống?, họ chỉ có thể nghĩ đến phải làm như thế nào để đủ ăn, đủ mặc, đủ ngày ba bữa là tốt rồi. Có người đã từng trêu đùa nghe như có vẻ bình thường nhưng khi dừng lại trong khoảng lặng suy nghĩ mới thấy thật xót xa biết bao! Họ trêu đùa rằng “Dân Đồng Tre cười không dám cười”. Mà có lẽ đúng thật! Nước ở đây không được đảm bảo, chứa quá nhiều phèn, chất cặn làm răng người dân nơi đây không còn được trắng nữa, nó ngả sang vàng ố đi, đó là chưa nói đến những bệnh tật có thể xảy ra vì dùng nước lâu ngày mà không qua xử lí. Trong mối quan hệ có tính quy luật “Đất Nước – Con người” thì vai trò của nước là vô cùng to lớn. Chính vì thế, trong tâm tình ấy, Thiên Chúa đã thấu hiểu và ban hồng ân xuống trên Giáo xứ để ngày hôm nay thông qua hệ thống lọc nước tinh khiết, những giọt nước trong suốt tinh khiết đã lần lượt đến tay bà con trong cộng đoàn Giáo xứ. Đây quả thực là một công trình đầy ý nghĩa. Đó là tín hiệu đáng mừng cho cuộc sống nơi đây, là một dấu hiệu tốt đẹp cho thế hệ tương lai của Giáo xứ, một cuộc sống mang đúng ý nghĩa là cuộc sống chất lượng. Là người con của Giáo xứ, của Thiên Chúa, em rất tự hào về Giáo xứ Đồng Tre thân yêu!
 Xuân đã đi qua nhường vị trí cho mùa hè oi bức nhưng xuân 2010 vừa qua là một mùa xuân vui tươi và tràn đầy ý nghĩa đối với bản thân em nói riêng và cả cộng đoàn Giáo xứ Đồng Tre nói chung. Là con của Giáo xứ, mỗi chúng ta hãy thường xuyên đi lễ, đi chầu, …, cùng chung tay góp sức dù là một phần sức lực nhỏ bé của mình để xây dựng Giáo xứ ngày càng phát triển hơn, để thể hiện sự tri ân chân thành trong tình yêu của Thiên Chúa.

Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

MÙA XUÂN, VUI VỚI “VĂN HOÁ ĐI” CỦA CA DAO



Nguyễn Thanh Mừng
Xưa & Nay, số Xuân Tân Mão 2011


Xưa nay, bên cạnh bên cạnh việc ăn, mặc, ở... dân gian Việt Nam đã tạo  dựng một dòng văn hóa ứng xử trong việc bước ra đường, tức là sinh hoạt đi lại, bây giờ gọi theo ngôn ngữ hiện đại là '”tham gia giao thông”. Khi người mẹ bảo ban con cái: “Ra đi mẹ dặn lời này. Sông sâu chớ đợi, đò đầy chớ qua”, là người mẹ đã phát tín hiệu cảnh báo những hiểm nguy rình rập, cái thời nay người ta giới thuyết bằng biển báo, quy chế và luật lệ. Sự cảnh báo ấy còn được định danh trong bời tỏ tình: “Thương anh em cũng muốn vô. Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Gianghoặc bộc bạch “Theo anh em cũng muốn theo. Sợ truông cát nóng, sợ đèo đá dăm”. Chúng ta biết rằng câu ca thứ nhất, các địa danh “truông Nhà Hồ” và “phá Tam Giang” là hai địa điểm ''nóng'' ở Đàng Trong thời mở cõi, một nơi trộm cướp hoành hành, một nơi sóng to nước cả. Người con gái đã nhận được một  “lý giải trực tuyến”: “phá Tam Giang ngày rày đã cạn – Truông nhà Hồ Nội Tán cấm nghiêm”, một đằng về thiên nhiên, nước rút, một đằng về hội, chúa Nguyễn đã giao quan Nội Tán ổn định an ninh khu vực. Tiếp tục những “lý giải trực tuyến”, người con trai trong câu ca thứ hai vận động theo nội lực chính mình: Đá dăm anh đã lượm rồi. Còn truông cát nóng, anh bồi bùn non!”. Thật dễ thương, người con gái khó có lý do gì để chối từ, không “tham gia giao thông” tiến về miền đất hứa, tiến về trái tim người con trai tình cảm dạt dào!
Khúc ruột miền Trung thật lắm dốc nhiều đèo, chẳng thế mà Hồ Xuân Hương đã đếm “Một đèo một đèo lại một đèo”. Ai cũng biết, theo dòng lịch sử văn hóa, từ đầu thế kỷ XIV, Huyền Trân công chúa đã bên xe hoa về Chiêm đô, bà đã ''tham gia giao thông" một chặng đường ngút ngàn sông núi biển khơi ''xuyên Việt” kết nối Thăng Long - Đồ Bàn, bây giờ là Hà Nội - Bình Định. Sự kiện này được dân gian tạo tác trong bài ca Nam Bình, câu ca thấm đẫm bụi thiên lý. “Nước non ngàn dặm - ra đi - Cái tình chi ? – Mượn màu son phấn - Đền nợ Ô Ly - Đắng cay vì – Đương độ xuân thì - Bởi oan khiên, hay là nợ duyên gì - Má hồng da tuyết - Quyết liều như hoa tàn trăng khuyết Vàng lộn theo chì... Đặng vài phân – Vì lợi cho dân - Tình đem lại mà cân -  Đắng cay muôn phần”. Món quà sính lễ mà vua Chiêm, Chế Mân dâng cho Đại Việt là hai châu Ô Lý, từ bắc sông Thu Bồn ra miền Thuận Hóa, trong đó ngất ngưởng con đèo Hải Vân, đệ nhất hùng quan: “Hải Vân bát ngát nghìn trùng - Hòn Hồng đấy là trong Vịnh Hàn - Xưa nay qua đấy còn truyền - Lối đi lô giản thẳng miền ra khơi”. Cái đèo Hải Vân được in dấu trong tâm thức người bản địa thời kỳ này như cánh cửa then chốt của địa linh, mở tương lai gánh gồng giang san Đại Việt. Sự hiểm trở của vừa là gợi mở vừa là thách thức cho cuộc trường chinh mở cõi. Chẳng thế mà chúa Tiên Nguyễn Hoàng từng dặn người con kế nghiệp: “Đất Thuận Quảng phía Bắc có đèo Ngang và sông Gianh hiểm trở, phía nam núi Hải Vân và núi Đá Bia vững bền. Núi sẵn vàng, sắt, biển có cá, muối, thật là đất dụng của người anh hùng”. Một vùng non nước mở ra, phải nói là đầy thử thách cho chí khí, từ lời ca hun hút tâm cảm “Chiều chiều dắt mẹ qua đèo - Con chim kêu (nớ/ bên nớ) - úy, oà, chi rứa - chi chi rứa - ức, ức... Con vượn đèo (ni) bên ni”, đến sự hùng tâm tráng khí: “Làm trai cho đáng nên trai – Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng”. Thật thú vị, những từ cổ như “tang bồng”, “chinh phu”, “xa giá”, “trường chinh”, “mở cõi” ... đều dung chứa nội hàm của sự đi, tức “tham gia giao thông”. Những vua quan, thái tử, danh tướng, mỹ nhân, binh lính, sĩ nông công thương, ngư tiều canh mục đều vận hành bằng nhiều phương tiện khác nhau, trong đó bao hàm cả thương tiện muôn đời là đôi chân để “đi”. “Đi bộ thì khiếp Hải Vân - Đi thuyền thì khiếp sóng thần Hang Dơiđó cũng là những “biển báo giao thông thủy bộ”, địa danh ''thường xảy ra tai nạn" được đúc kết để cảnh giác ''người tham gia giao thông” cẩn thận. Cho nên đi tới nơi về tới chốn ở thung thổ Đàng Trong đã nãy sinh một tình cảm dạt đào: ''Rồng chầu xứ Huế, ngựa tế Đồng Nai - Nước sông trong đổ lộn sông ngoài - Thương người xa xứ lạc loài tới đây”.
Riêng các câu ca truyền thống miền đất võ: ''Ai về Bình Định mà coi - Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền”, đã biểu hiện cái sự đi, bằng cách mời gọi, thưa rủ. Cho dù có lúc không dằn nổi e ngại: ''Muốn ăn bánh ít lá gai - Lấy chồng bình Định sợ dài đường đi”. Nhưng cái văn hóa đi biểu hiện biết bao ân tình đưa tiễn: ''Chàng ơi đưa gói thiếp mang – Đưa gươm thiếp vác cho chàng đi không”. Nhiều lúc thể hiện khí phách: ''Lên non tay vịn chưn trèo - Nương theo nhành quế có nghèo cũng thơm”. Lắm khi độ ân tình lan tỏa biết mấy cho vừa: ''Anh ra về em biết lấy gì đưa - Lạy trời trăm lạy đừng mưa trơn đàng”.


Theo dòng lịch sử, Huyền Trân công chúa từng ''đi" trong thế: “hồng đền nợ quân vương - Thẳng tay chống đỡ miếu rường là ai”. Các nghĩa sĩ cũng từng ''đi" đầy cảm khái: “Anh đi theo chúa Tây Sơn - Em về cày cuốc mà thương mẹ già”. Nhân dân ''đi" đầy tình nghĩa: “Nghĩa nhơn ba gánh tràn trề - Gánh từ Tuy Viễn, gánh về bồng Sơn - Mẹ cha nào kể thiệt hơn- Bạc vàng  nặng ít nghĩa nhơn nặng nhiều”. Đôi lúc bi thương. ''Tiếng ai than khóc nỉ non - ấy vợ chú lính trèo hòn Cù Mông”. Chàng Lía, một hào kiệt cũng tìm cách “đi” trong tình cảnh quá đỗi ngặt nghèo: “Chiều chiều én liệng Truông Mây - Cảm thương chàng Lía bị vây trong thành”. Và ông mang trên lưng tấm phản với bao vòng dây trói oan nghiệp để vượt thoát mọi trở lực, dù bất thành.

Người Bình Định trong lịch sử đã từng bận tâm, đã từng nặng lòng với các cuộc “xê dịch”. ''Anh về bình Định thăm cha - Phú Yên thăm mẹ, Bình Hòa thăm em”, không ít thử thách bởi đường trường. ''Đèo nào cao bằng đèo Cây Cộc - Dốc nào ngược bằng dốc Mỹ Cang - Một tiếng anh than hai hàng lệ nhỏ - Em mẹ già biết bỏ cho ai”. Với thung thổ đèo dốc sông nước, người Bình Định đi bằng nhiều loại phương tiện: ''Chiều chiều mượn ngựa ông Đô - Mượn kiều chú xã đưa về nguồn”, ''Cây me cũ bến Trầu xưa- Dẫu không nên tình nghĩa cũng đón đưa cho trọn niềm”. Có lúc nhanh lúc chậm, tùy hoàn cảnh dù lúc ấy không bị “bắn tốc độ”: ''Ngựa ô đi tới vườn cau - Ngựa hồng đủng đỉnh đi sau vườn dừa”. Dù trong cảnh giao thương rộn rịp, vẫn không bị ''hạn chế tầm nhìn”: ''Anh về dưới Giã bao lâu – ngó lên Cây Cốc thấy lầu ông Tây - Chợ Đình An Thái gần đây - Chị em buôn bán đông tây nhộn nhàng”. Người Bình Định cũng hết sức lưu ý đến ''đặc sản quê hương” khi lưu thông nhiều ngả (nói vui là khi tham gia giao thông có thồ hàng, ''an toàn tiến tới hạnh phúc”): ''Anh về Bình Định thăm nhà – Tháng hai trở lại, tháng ba cưới nàng – Cưới nàng đôi nón Găng – Xấp lãnh An Thái, một khăn trầu nguồn”, hoặc ''Về nguồn lấy cải làm dưa – xay bột làm bánh hái dừa làm nhưn (nhân)”. Và cũng không ít cảnh báo, ẩn trong một loại ''phương tiện giao thông” là ''đò dọc”: “Trồng trầu thả lộn dây tiêu – Con đi đò dọc, mẹ liều con ”.
Tự bao đời, cái sự ''đi" trong ca dao, trong kho tàng văn học nghệ thuật dân gian thật phong phú và đa dạng. Nó biểu hiện vừa trực tiếp vừa gián tiếp tưởng, phong cách của một hình thái hoạt động quan trọng trong sinh hoạt đời người liên kết với xã hội, thiên nhiên. Cái sự ''đi" ở vùng Đàng Trong địa hình phức tạp và cơ cấu chính trị - xã hội sóng gió biến động của lịch sử văn hóa, mộtmặt in dấu những thử thách, thể nghiệm, mặt khác nó chứng minh một tâm cảm, một thế con người. Nó dẫn dắt từ cái cụ thể đến cái trừu tượng, từ tính cá thể đến tính phổ quát, mối liên hệ giữa cá nhân và cộng đồng.
"Đi" là một trạng thái hoạt động bao gồm hai yếu tố chính ''con người” và "con đường", bên cạnh đó có nhiều phương tiện để đạt mục đích. Đi đường là hoạt động văn hoá quan trọng. "Đi cho biết đó biết đây - ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”, và cái sự ''đi" đương nhiên phải đầy ý tứ đắn đo, trải nghiệm. "Ra đi thì sự đã liều - Mưa mai chẳng quản; nắng chiều cũng cam", cho dù dân gian nói đến từ ''liều" đi nữa, cũng là một loại ý tứ thể hiện sự quyết tâm, không quản ngại đường dài và sự khó khổ. Dân gian nhiều khi phê phán trực tiếp: ''Những ai chưa nói đã cười - Chưa đi đã chạy là người vô duyên”.  Nếu diễn nôm theo ''văn hóa đi” tức là trước khi nhập cuộc “tham gia tốc độ” phải từng bước đàng hoàng bài bản. Mức độ vừa phải được lưu ý. "Rượu nhạt uống mãi cũng say - Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”. Ý thức của con người về con đường cũng đã hình thành sơ khai ngay trong những lời dọa dẫm, giễu cợt trong trò chơi của trẻ con nơi thôn dã: "Tao đi ngõ đây có bông có hoa - Mày đi ngõ đấy có ma chặn đường!”, "Tao đi ngõ đây bụi chùm chày - Mày đi ngõ đấy ngày cọp ăn!”.
Cái sự ''đi" trong ngày xuân, trong các hội lễ, trong những nơi đông người... càng được dân gian chú ý. Bình Định có nghệ thuật hát bội làm say mê bao người ''Nghe tiếng trống chiến không khiến cũng đi - Nghe tiếng trống chầu đâm đầu mà chạy”. Bình Định có nhiều vùng đặc sản: "Muốn ăn đi xuống - Muốn uống đi lên - Dạo khắp bốn bên - Chợ Thành, chợ Giã - Chợ Dinh bán chả - Chợ Huyện bán nem”, “Ai về Tuy Phước ăn nem – Ghé qua Hưng Thạnh mà xem Tháp Chàm". Bình Định Chợ Gò nổi tiếng, họp vào mồng 1 Tết, "Rượu ngon Trường Úc mê ly - Gặp nem chợ Huyện bỏ đi không đành”. Và dân gian lưu ý uống rượn đừng để say sưa nguy hiểm: "Ăn một miếng trầu, năm ba lời dặn - Uống một chén rượu, năm bảy lời giao. Anh chớ nghe ai sóng bổ ba đào, Em đây quyết giữ niềm tiết hạnh, anh chớ lãng xao em buồn”.
Đôi điều tản mạn quanh ký ức lịch sử sinh hoạt trong tâm thức dân gian về cái sự ''đi", chúng tôi muốn góp vài ý liên tưởng khi cái s"an toàn giao thông'" được đặt lên hàng đầu, nó đòi hỏi bao nhiêu ý thức của bao nhiêu tầng lớp với cầu ước, chúc tụng ''chân cứng đá mềm", ''Đi đến nơi về đến chốn”. Chẳng thế mà người mẹ Việt Nam đã đưa vào câu hát ru, cho con tiếp xúc từ thuở còn nằm nôi. Người mẹ Bình Định cũng không nằm ngoài ý thức ấy, "văn hóa đi” được hết sức chú trọng trong di sản tiền nhân, bởi "Đi một ngày đàng học một sàng khôn". Và hệ thống văn hóa của cái sự ''đi” trong ca dao nói riêng, trong kho tàng văn hoá dân gian nói chung là hệ thống những kinh nghiệm tích luỹ của trí tuệ, tình cảm đất nước và từng địa phương, có những gợi mở không ít đối với các vấn đề văn hóa xã hội hiện tại.

Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

BỒI DƯỠNG MINH TRIẾT ĐỂ NỐI TIẾP TRỊ BÌNH

 

 
Nguyễn Khắc Mai
Xưa & Nay, số Xuân 2011, tháng 1/2011
Tr. 13-14

Có hàng triệu lượt người đi vào Quốc Tử Giám. Nhiều người vào để ngắm Khuê Văn các những người khác, nhất là giới trẻ hay đến sờ đầu những con rùa đội bia Tiến sĩ, có cả những vị cán bộ cao cấp vào dự những lễ nghi nào đó. Mọi người đều xăm xăm bước vào. Chẳng mấy ai để ý đến một câu đối có ý nghĩa. Đó là tuyên ngôn cô đúc nhất về cái mục tiêu của Quốc Tử Giám. Mọi nghi thức, mọi biểu tượng, mọi thờ phụng, kể cả gác Khuê Văn, bia Tiến sĩ, nhà Bái đường, nhà Thái học với lầu trống và gác chuông ở hai bên, kể cả những cuộc tế lễ xuân thu nhị kỳ bao đời cũng chỉ là để hướng tới hai điều đó. Quả thật tiền nhân rất tinh tế đã cho khắc treo ở nhà Bái đường Quốc Tử Giám:
Dục anh tinh sử năng, Quốc Tử Giám cao huyền khải,
Dưỡng minh triết dĩ kế trị, Thăng Long kinh trường tụ tinh hoa
Dịch nghĩa:
Nuôi dưỡng anh tài để sử dụng năng lực, Quốc Tử Giám treo cao mẫu mực;
Bồi dưỡng minh triết đặng tiếp nối trị bình, kinh đô Thăng Long tụ mãi tinh hoa.
Đôi câu đối có nhiều lớp nghĩa, đối xứng nhau. Dục đối với Dưỡng trở thành một nghĩa kép vừa nuôi, vừa dạy. Nuôi - dạy vừa là công việc đại sự của quốc gia vừa là nghĩa vụ của gia đình. Anh tài đối với Minh triết, Sử năng (sử dụng năng lực, tài năng) đối với Kế trị (tiếp nối cuộc trị bình); Quốc Tử Giám cao huyền khải đối với Thăng Long kinh trường tụ tinh hoa. Những cụm từ, những khái niệm, những ý tứ đối nhau khiến cho các ý tứ đối nhau, cận kề, thúc đẩy nhau làm nên sự thăng hoa của trùng trùng lớp nghĩa. Như nói Dục anh tài nhi sử năng thì vế đối là Dưỡng minh triết dĩ kế trị. Điều tinh tế và sâu sắc, theo tôi, ở hai phần đối này là ở chỗ: Cái năng lực cá nhân và xã hội của anh tài phải thăng hoa, tích tụ thành Minh triết. Nếu anh tài có thể nuôi dạy (dục) mà nên thì trái lại Minh triết chỉ hình thành nhờ dưỡng (bồi dưỡng). Quả thật mọi nền giáo dục đều có khả năng “dục”' - dạy dỗ nên những tài năng, nên những thợ giỏi, thầy tài ba, nên bác học. Nhưng để có Minh triết trong một con người trong một xã hội thì phải “'dưỡng''. Cho nên André Gide có lý khi nói rằng: “Minh triết không tồn tại trong duy lý mà trong tình yêu”. (La sagesse n’est pas dans la raison, mais dans l’amour).



Nhân loại từ rất sớm đã biết đánh giá cao giá trị Minh triết (Sagesse, Wisdom). Người Hy Lạp xưa đã khẳng định cái tinh hoa của trí tuệ con người là “tình yêu minh triết'”. Họ sáng tạo ra chữ “philosofia” mà Philo nghĩa là tình yêu, lòng ái mộ, còn Sofia thì nghĩa gốc là minh triết. Về sau Philosofia được hiểu nghiêng dần thành triết lý, triết học. Cho nên một triết lý, một nền triết học thiếu vắng những giá trị minh triết, phần cốt lõi làm nên nhân tính nhân cách con người, làm nên cốt tủy tinh anh của xã hội thì cũng chỉ là '”sự tráo trở của phép biện chứng”, giống như tên gọi một tác phẩm văn chương Mỹ - La tinh. ở phương Đông, hai chữ Minh, Triết được ghép lại thành khái niệm Minh triết đã được sử dụng rất sớm, trong Kinh thi, thiên Chưng dân có câu “Ký minh thả triết dĩ bảo kỳ thân”, nghĩa là vừa minh (sáng suốt) vừa triết (nghĩ đến nơi đến chốn, khúc chiết, mạch lạc...) thì đủ để giữ gìn thân mệnh. Trong câu thơ trên xuất hiện đã hơn 2.500 năm nói người tài đức có minh triết đủ để giữ gìn thân mệnh. Tuy nhiên có thể suy ra không chỉ một thân mệnh cá nhân mà còn có thân mệnh một quốc gia dân tộc, một chế độ nhà nước một chính đảng hay hẹp hơn là của một công ty, xí nghiệp, một tập đoàn kinh tế, một đơn vị xã hội nào đó nữa. Quả thật chí lý, muốn giữ gìn thân mệnh phải có minh triết. Nhận thức cái hay, cái đúng, cái tốt, cái ích của Minh triết, ở trong nước ta thì như đôi câu đối nói trên ở cổng Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội (mà nhiều người đã thờ ơ đi qua) còn có thể nói đến quan niệm của Ngô Thì Nhậm, một danh nho, một nhà chiến lược, nhà ngoại giao, nhà thiền học thế kỷ XVIII, vị quân sư của vua Quang Trung. Trong bài phú Thiên quân thái nhiên (Cái tâm thanh thản) nói về thái độ ứng xử của kẻ trí thức, ông đã đề cao Minh triết:
Cung kính nhi sự thượng, như phong tòng hổ, vân tòng long.
Minh triết dĩ bảo thân, cứ vu lê, khốn vu thạch.
Có nghĩa là: Kẻ trí thức cung kính phụng sự bề trên (quốc gia, dân tộc, đạo nghĩa...) phải tự do tự tại như gió theo hổ, mây theo rồng. Có Minh triết thì đủ giữ gìn thân mệnh, không sợ gì chông gai, đá núi. Minh triết đã là cái tố chất của con người để tự do, tự tại và để vượt lăn gian nguy trở ngại.

Trong thời hiện đại, trước những thử thách của cuộc đời, trước những suy đồi cá nhân và xã hội tầm vóc toàn cầu, trước sự thất vọng với các triết thuyết, người ta đang quay lại đi tìm Minh triết. “Ngày nay trước sự thất vọng đối với các triết thuyết, Minh triết đã trở thành luổng tư duy chính đương đại”. (Dẫn theo Wikipédia). Người ta dẫn câu nói nổi tiếng của Thomas Jefferson (vị Tổng thống thứ tư của Hoa Kỳ và cha đẻ của Tuyên ngôn độc lập Mỹ) '”Nếu biết phối hợp minh triết với quyền lực, sẽ ít dùng quyển lực mà hiệu quả lớn”. Tiến sĩ Lloyd Bruce (Anh quốc, chuyên gia về lý thuyết điều hành lãnh đạo) cũng khuyên: “Các nhà lãnh đạo nếu không hiểu minh triết và không biết ứng dụng Minh triết, họ sẽ trả giá đắt cho sự vô tâm của mình”.
Cha ông ta đã mách bảo, để chúng ta đừng vô tâm với Minh triết. Xin tìm học để ứng dụng vào kinh tế, vào chính trị, vào văn hóa giáo dục, vào lối sống và tâm linh con người.