Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

THÁNH HIẾN “LƯỢT” BÁNH THÁNH THỨ HAI




Lm. Edward McNamara
Giáo sư Phụng vụ Ateneo Pontificio Regina Apostolorum

Trong một thánh lễ có đông người tham dự, đến lúc hiệp lễ, một linh mục đồng tế thấy thiếu Mình Thánh Chúa, ông sang bàn thờ phụ đọc lời thánh hiến trên “lượt” bánh thánh và rượu mới rồi cho giáo dân hiệp lễ. Sau đó ông giải thích rằng mình có quyền làm việc này vì thánh lễ chưa chấm dứt. Điều đó có thành sự và hợp pháp không?

Hẳn nhiên vị linh mục này đã sai lầm mặc dù ông làm với điều này với lòng tin đúng đắn, tin rằng mình hành động đúng.
Sự kiện ông thánh hiến cả bánh và rượu cho thấy rằng ông biết Giáo Luật cấm thánh hiến hai hình bánh và rượu riêng biệt nhau.
Giáo Luật 927 nói rằng: “Cho dù nhu cầu khẩn thiết tột độ, tuyệt đối cấm chỉ truyền phép một chất thể này mà không có một chất thể kia, hoặc truyền phép cả hai chất thể ở ngoài thánh lễ
Rõ ràng ông tin rằng khi truyền phép thêm bánh và cả rượu trong Thánh Lễ thì mình không vi phạm điều cấm này.
Thực chất, điều ông làm là cử hành một thánh lễ khác trong một thánh lễ, vì truyền phép các chất thể mới bao hàm một hy tế mới. Tuy nhiên, ông mâu thuẫn với phần thứ hai của điều khoản Giáo Luật là truyền phép các chất thể ở ngoài thánh lễ (đang cử hành) mặc dầu ông cử hành một thánh lễ khác.
Trường hợp này cũng đã được tiên liệu trong “Quy chế tổng quát” của Sách lễ Roma, số 324, khi vì một vài lý do nào đó mà rượu được thánh hiến không đúng:
 Nếu sau khi truyền phép hoặc lúc rước lễ, vị tư tế mới nhận ra không phải rượu được rót, mà là nước, thì hãy đổ nước đó trong một bình, rồi rót rượu và nước vào chén thánh, đọc phần trình thuật liên quan đến truyền phép chén, mà truyền phép rượu đó, không buộc truyền phép bánh lần nữa
Cũng áp dụng nguyên tắc này, khi mà sau Thánh Lễ, giáo dân thông báo với linh mục rằng trong Thánh lễ ông đã quên truyền phép rượu. Tiến trình này cần thiết để hy tế, và do đó là Thánh Lễ, được hoàn tất.
Về tính thành sự của các bánh thánh trong lần truyền phép thứ hai, tôi nói rằng các bánh thánh ấy thành sự để Hiệp Lễ, và có sự hiện diện thật sự của Chúa.
Vậy thì linh mục phải làm gì trong trường hợp tương tự khi thiếu bánh thánh khẩn cấp như vậy?
Tôi nghĩ rằng giải pháp tốt nhất là chỉ xin lỗi về những gì xảy ra. Đôi khi các linh mục tìm đến những “giải pháp” quá mức trong khi chuyện cần phải làm là nhìn nhận sự thiếu sót và lỗi lầm của mình.
Đặc biệt trong những trường hợp như vừa kể trên, khi mà hệ quả của việc không rước lễ trong những hoàn cảnh như vậy chẳng gây thiệt hại thiêng liêng nghiêm trọng gì lắm cho giáo dân và khi mà một giải pháp thay thế khác có thể được tìm thấy trong thời điểm khác trong ngày.

Các giải đáp có liên quan
Có linh mục đề nghị một giải pháp khác trong trường hợp thiếu bánh thánh: chấm bánh chưa được truyền phép vào trong chén thánh như là một cách hiệp lễ dưới hình Máu Thánh.
Đề nghị này hiển nhiên là hay đó nhưng không thể thực hiện được vì rõ ràng bị cấm trong số 104 của Huấn thị  "Redemptionis Sacramentum":
“Người hiệp lễ không được phép tự mình chấm bánh thánh vào chén thánh, cũng không được nhận bánh thánh đã chấm Máu Thánh trên tay. Đối với bánh thánh được dùng để chấm, phải được làm bằng chất liệu hợp lệ và đã được truyền phép; cấm không được dùng bánh chưa truyền phép hay bằng chất liệu nào khác.”
 “Trước khi cho hiệp lễ, chủ tế bảo người giúp lễ mang ra một bình nước rồi đổ thêm nước đó vào phần rượu đã được thánh hiến để bảo đảm có đủ Máu Thánh cho hơn 300 người hiệp lễ. Làm như vậy có phương hại đến tính toàn vẹn của Máu Thánh Đức Kitô không? Thánh lễ này có thành sự vì đã thêm nước vào Máu Thánh không?”
Một lần nữa, hành động này là bất hợp pháp nhưng không ảnh hưỏng đến tính thành sự của Thánh Lễ. Tuy nhiên, tuỳ vào lượng nước thêm vào Máu Thánh, tính toàn vẹn của chất thể có thể bị hư hoại và như thế không có sự hiện diện thật sự của Đức Kitô nữa.
Thực tế điều này đã xảy ra nếu lượng nước được thêm vào quá một nửa. Trong trường hợp như thế, những ai nhận lãnh hỗn hợp này thì coi như chỉ nhận Mình Thánh Đức Kitô khi hiệp lễ mà thôi. Vị linh mục đó mang trách nhiệm nặng nề vì đã đưa giáo dân đến chỗ vô tình phạm phải một hành động thờ ngẫu tượng (idolatry) khi lãnh nhận một hỗn hợp không phải là Máu Thánh Đức Kitô. 
Sự hư hoại của các chất thể thì không chắc chắn lắm trong trường hợp lượng nước ít hơn. Thế nhưng điều này cũng không thể biện minh cho sự thiếu tôn kính đối với Thiên Chúa chúng ta khi thêm các chất liệu chưa được hiến thánh (dầu là nước hay rượu) vào trong Máu Thánh chỉ vì lý do tiện lợi.
Bên cạnh đó, việc làm này không cần thiết, ngay cả khi thấy không đủ Máu Thánh cho những người hiện diện. Không bao giờ buộc phải cho rước lễ dưới hai hình. Cũng như trường hợp thiếu Bánh Thánh ở trên, giải pháp tốt nhất trong trường hợp này là vị linh mục chỉ cần nói lên lời xin lỗi.
Một linh mục hỏi: “Rước lễ dưới hai hình có cần thiết để thành sự cho các linh mục dâng lễ đồng tế không? Nếu một linh mục không rước lễ dưới hai hình (chỉ một hình) trong thánh lễ mà mình đồng tế, ông vẫn nhận bổng lễ được chứ?”
Nói cho cùng, trừ trường hợp vị linh mục đau yếu, đã được giám mục cho phép đặc biệt để chịu lễ dưới một hình, việc chịu lễ dưới hai hình là cần thiết cho các linh mục đồng tế để cử hành thánh lễ đó hợp pháp. Nhưng thường điều này không được đòi hỏi để thành sự khi mà Thánh Lễ được cử hành có thánh hiến đầy đủ (cả hai hình bánh và rượu) và ít nhất vị chủ tế đã rước lễ hai hình.
Vì thế, do một lý do nào đó, linh mục đồng tế không thể rước chén Máu Thánh được, ông vẫn được nhận bổng lễ bình thường (nếu ông được nhận bổng lễ trong thánh lễ đồng tế đó).
Việc dâng thánh lễ đồng tế có thể đặt vấn đề không thành sự khi một linh mục tham gia với tư cách một vị khách không mời hoặc không tham gia đầy đủ và hợp pháp ngay từ đầu.
Rủi thay tôi đã từng thấy việc này xảy ra trong các Thánh lễ giáo hoàng khi mà các linh mục tham dự lôi dây các phép từ trong túi ra rồi đọc lời truyền phép. Có vài lý do phụng vụ và thần học để từ chối tính thành sự của tiến trình này mặc dù vấn đề vẫn chưa được bàn luận cách chính thức.

chuyển ngữLm. Phaolô Nguyễn Minh Chính