Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

PHÁP -DÂN TỘC "KHÓ CHỊU" NHẤT THẾ GIỚI

Bảo tàng Louvre
 Hoàng Nhu
Tia sáng
Bạn tôi làm điều phối cho một tổ chức tình nguyện ở Việt Nam khăng khăng quả quyết rằng “Pháp là một trong những dân tộc khó chịu nhất thế giới”! Tôi ở Hà Nội, ít khi gặp và tiếp xúc với người Pháp và do sự quả quyết tuyệt đối của cô bạn, tôi đã… rất đồng tình về điều mà tôi còn chưa từng mắt thấy tai nghe.
May mắn giành được suất học bổng tình nguyện qua Pháp, để chuẩn bị cho chuyến đi, tôi cũng “google” về Pháp, về đi lại, về ăn uống, mua sắm, con người, văn hóa, tất tần tật… Tôi cũng đọc cả những kinh nghiệm của những người từng du lịch Pháp, rằng ở Paris bạn phải thật cẩn thận với nạn móc túi, gây gổ, cướp giật..., phần lớn liên quan đến người da màu...
Cảm xúc đầu tiên của tôi khi đặt chân tới Paris là... chuếnh choáng như vừa uống phải rượu. Từng con đường, từng căn nhà ở nơi đây sao mà đẹp và thơ mộng tới vậy. Những căn nhà với ban-công treo đầy giọ hoa lãng mạn theo một lối rất cổ điển. Mặc dù va-li hành lý lỉnh kỉnh nhưng tôi sống chết vẫn phải mở túi, lấy máy ảnh ra chụp vài kiểu mở hàng. Đang mải mê chụp choẹt, tôi bỗng nghe có tiếng người như nói với mình “Shut your bag” (Khóa túi đồ của bạn lại), tôi nhìn xuống túi thì đúng là tôi vẫn chưa kéo khóa lại vì nghĩ để trước bụng rồi, ai lấy được nữa, tính chụp vài kiểu ảnh rồi lại cất đi, mở ra đóng vào phiền chết. Tôi quay lại nhìn người vừa nói với mình thì đó là một phụ nữ da màu. Trong lúc tôi còn mải nghĩ tới lời nhận xét của những người bạn về người da màu ở Paris thì người phụ nữ kia đã quay lưng bỏ đi. Chợt nhận ra mình chưa nói lời cám ơn, tôi vội rối rít nói với theo “merci, merci”.
Paris có hệ thống tàu điện ngầm chằng chịt với tổng số bến tàu nhiều thứ 3 thế giới, chỉ sau hệ thống tàu điện ngầm ở New York và Seoul. Metro Paris phục vụ đi lại cho khoảng 4,5 triệu lượt người mỗi ngày và do đó đường phố trên mặt đất ở Paris khá thông thoáng bởi mọi người đều… chui hết xuống lòng đất rồi! Một điều rất ngạc nhiên và thú vị ở Paris là dù tín hiệu báo người đi bộ phải dừng lại, nhưng các phương tiện như ô tô, xe máy đều dừng lại nhường cho người đi bộ qua hết họ mới đi. Tôi nói chuyện với một người bạn Pháp về điều này, anh kể tôi nghe rằng dân Thụy Sĩ còn “khủng khiếp” hơn thế. Dù cho bạn chả buồn sang đường và cứ muốn đứng ì một chỗ thì ô tô cũng “thi gan” đứng lì một chỗ cho tới khi bạn băng qua đường mới chịu đi. Tôi tưởng tượng nếu người Pháp hay Thụy Sĩ sang Việt Nam, họ buộc phải học cách... cướp đường, giành đường hoặc không thì công an sẽ hỏi thăm bạn bởi bạn đang là nguyên nhân gây ra tắc đường cục bộ…
Người Pháp nổi tiếng thế giới về lòng tự tôn ngôn ngữ của mình và do vậy không thèm học, không thèm nói, không chịu nói tiếng Anh, hoặc nếu có nói thì “như một người Pháp nói tiếng Anh”. Trước chuyến đi tôi lại chẳng chịu update mấy câu tiếng Pháp vì cứ nghĩ, ôi dào, chẳng nhẽ dân Pháp không một ai biết nói tiếng Anh, mà đâu phải khách du lịch nào cũng nói được tiếng Pháp. Vâng, đúng là tôi đã có những trải nghiệm vô cùng thú vị khi tôi hỏi một người Pháp một câu bằng tiếng Anh, họ trả lời tôi một tràng bằng tiếng Pháp. Tôi ngẩn người vì… có hiểu gì đâu, họ thấy tôi vậy thì nói bằng tiếng Anh rằng “I don’t speak English, sorry”. Rõ ràng họ phải hiểu được câu nói của con bé tội nghiệp như tôi đang lớ ngớ tìm đường thì mới nói được một tràng dài bất tận như thế chứ. Nhưng sau khi thấy bộ mặt quá ư tội nghiệp của tôi thì họ chỉ tôi ra một quầy thông tin ở gần đó và nói rằng “you go there for information”. Vâng, người Pháp “khó chịu” một cách đáng yêu như thế đấy ạ! Tôi lại luống cuống “merci, merci beaucoup”.
Vâng, còn đàn ông Pháp thì lãng mạn đến mức “khó chịu” ạ! Nhưng đó lại là câu chuyện của cá nhân tôi rồi. Nếu các bạn vẫn còn hoài nghi về những điều tôi kể, hãy tới Pháp để cảm nhận và trải nghiệm sự “khó chịu” đáng yêu đó của người Pháp!