Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

SỨC MẠNH CỦA DỊCH THUẬT


 

Giáp Văn Dương 

 

“Tri thức là sức mạnh”. Tri thức là nền tảng phát triển của xã hội. Nhận định này từ lâu đã được thừa nhận như một chân lý. Nhưng khi bước chân vào hội nhập thế giới, người trẻ Việt Nam bỗng thấy mình trắng tay trước di sản trí tuệ của nhân loại. Trước bối cảnh đó, không còn cách nào khác là phải nhanh chóng đưa tinh hoa tri thức thế giới về khoa học, kỹ nghệ, kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa… về thông qua việc biên dịch những cuốn sách chuyên ngành tốt nhất ra tiếng Việt.

Kinh nghiệm Nhật Bản cho thấy, việc hiện đại hóa nước Nhật đã được bắt đầu bởi việc biên dịch các sách khoa học và triết học phương Tây ra tiếng Nhật, khởi đi từ nửa sau thế kỷ XVII và kéo dài từ đó đến nay. Nếu không có cuộc dịch thuật này, nước Nhật đã không thể hiện đại hóa thành công và phát triển thành cường quốc được cả thế giới ngưỡng mộ.

Các cuốn sách được biên dịch này đã có ảnh hưởng to lớn đến đời sống từng người dân Nhật Bản, và giữ vai trò quyết định đến sự thành công của đất nước này. Chính nhờ luồng tri thức mới có được qua việc dịch sách, nước Nhật đã xây dựng được một nền văn hóa mới mang đậm tinh thần khai minh, đặt cơ sở trên khoa học và sức mạnh của lý trí, sự khai phóng về tư tưởng, và sức sáng tạo của cá nhân; tạo ra hạ tầng tri thức vững chắc cho các ngành sản xuất, kỹ nghệ, kinh tế, văn hóa, giáo dục…, cũng như hình thành nên các cách thức tổ chức và vận hành xã hội mới, tiến bộ. Vì thế có thể nói, nếu không có cuộc dịch thuật của giới trí thức Nhật Bản trong hơn ba thế kỷ vừa qua thì nước Nhật đã không thể phát triển được như ngày nay.

Gần đây hơn, Hàn Quốc đã noi gương Nhật Bản trong việc đưa tri thức thế giới về nước để tạo tiền đề cho sự phát triển. Ngoài việc chiêu mộ nhân tài thì một trong số các việc quan trọng mà người Hàn Quốc thực hiện là biên dịch các sách khoa học, triết học và kỹ thuật tiên tiến nhất ra tiếng Hàn. Sự thành công của Hàn Quốc ngày nay chắc hẳn phải có sự đóng góp to lớn của việc dịch thuật này.

Sự thành công của hai tấm gương châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc, là minh chứng cho một nhận định đã được thừa nhận rộng rãi như một chân lý, rằng: Chính tri thức, trí tuệ, tài nguyên con người mới là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của một đất nước, chứ không phải tài nguyên thiên nhiên hay số phận thiên định như nhiều người nhầm tưởng hoặc bao biện.

Nhìn xa hơn sang các nước Âu Mỹ cũng thấy: Chính tri thức về khoa học kỹ nghệ, tinh thần khoa học của đại chúng là yếu tố quyết định giúp các nước này phát triển và giữ được vị trí ưu thế của mình so với các dân tộc khác trên thế giới.

Giờ nhìn lại lịch sử Việt Nam, thấy rằng: Tuy đã được tiếp xúc với khoa học từ nhiều chục năm nay, nhưng vì chiến tranh triền miên và nhiều lý do khác nhau, khoa học đã không có đủ điều kiện để phát triển và đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước; tinh thần khoa học vẫn chưa trở thành thường trực trong xã hội. Văn hóa khoa học, tinh thần khai phóng, sức mạnh của trí tuệ và ánh sáng của tri thức khai minh vẫn còn là điều xa lạ đối với đại chúng.

Những cuốn sách khoa học kinh điển tạo nên diện mạo văn minh của thế giới vẫn hầu như vắng bóng tại Việt Nam. Tác phẩm của những nhà khoa học lớn vẫn chưa tìm được nơi trú chân bén rễ trong ngành xuất bản. Việc tạo điều kiện cho lớp trẻ “đứng trên vai người khổng lồ”, thông qua tiếp cận với tác phẩm nguyên bản của những bộ óc lớn của nhân loại, vẫn còn là điều bất khả vì rào cản ngôn ngữ, tài chính và bản quyền. Hậu quả không chỉ là sự nghèo nàn trên diện rộng về tri thức và văn hóa, mà còn là sự đứt đoạn với truyền thống khoa học thế giới và sự cô lập với bầu không khí học thuật quốc tế, tạo ra tình trạng bế quan tỏa cảng trong nhận thức, tù đọng trong tinh thần – những nguyên nhân trực tiếp của sự lạc hậu, chậm phát triển.

Trong các giảng đường đại học, sinh viên Việt Nam vẫn phải học các giáo trình cũ kỹ, lạc hậu, nhiều khi được biên soạn từ những năm 1960 -1970 của thế kỷ trước, mà phần lớn các sách này lại được biên dịch từ nguồn tài liệu trước đó khá lâu. Điều này dẫn đến một thực tế: Những tri thức và kỹ năng được giảng dạy trong đại học Việt Nam phần lớn đã quá lạc hậu; các kỹ sư, cử nhân, bác sĩ, kiến trúc sư… tương lai được học các công nghệ nhiều khi đã bị thế giới thải loại từ lâu. Hệ quả tất yếu của những điều này là các nhà chuyên môn của Việt Nam khó tạo ra được các tri thức và công nghệ mới, bắt được nhịp với sự phát triển khoa học và kỹ thuật của thế giới, chứ chưa nói gì đến những sáng tạo đột phá lớn như mơ ước của nhiều người. Bằng chứng của thực tế đáng buồn này là cho đến nay, các ngành công nghiệp của Việt Nam, kể cả công nghiệp phụ trợ, không thể hình thành như mong đợi, và Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước chưa phát triển.

Khi bước chân vào hội nhập thế giới, người trẻ Việt Nam bỗng thấy mình trắng tay trước di sản trí tuệ của nhân loại. Việc kết nối tri thức, tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật… thành một hệ thống khả dụng để làm giàu đời sống tinh thần của cá nhân; hình thành các thang giá trị tiến bộ để định chuẩn cho sự vận hành của xã hội; xây đắp nền tảng tri thức cho các ngành khoa học và công nghệ, thông qua đó kiến tạo và thúc đẩy sự phát triển của đất nước, đã không thể thực hiện được.

Trước bối cảnh đó, chúng ta không khỏi giật mình và tự hỏi cần phải làm gì để cải thiện tình hình? Những tấm gương thành công xa gần đã mách bảo ta rằng: Không còn cách nào khác là phải nhanh chóng đưa tinh hoa tri thức thế giới về khoa học, kỹ nghệ, kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa… thông qua việc biên dịch những cuốn sách chuyên ngành tốt nhất ra tiếng Việt. Thực tế cho thấy, dịch thuật không chỉ là cách nhanh nhất để đưa tri thức thế giới về cho đất nước, mà còn làm phong phú thêm kho ngôn ngữ tiếng Việt. Thông qua dịch thuật, hệ thống thuật ngữ chuyên ngành bằng tiếng Việt sẽ được hoàn thiện dần, tạo cơ sở cho việc tư duy sâu sắc và chặt chẽ, hình thành dần văn hóa khoa học cho đại chúng. Nói cách khác, việc dịch các sách chuyên môn kinh điển của thế giới sang tiếng Việt là việc làm cần kíp không thể chần chừ.

Đây là công việc khó khăn, đòi hỏi không chỉ sự tận tâm, sự kiên trì mà còn nhiều nguồn lực nên không một cá nhân hay nhóm nào có thể thực hiện được. Việc biên dịch cũng không thể trông chờ vào việc xã hội hóa vì việc xuất bản các sách này không mang lại lợi nhuận trực tiếp nên sẽ khó thu hút được đầu tư của xã hội. Vì thế, để việc biên dịch và xuất bản các sách này được thành công, cần thiết phải có sự tham gia của bộ, ngành liên quan; các nhà xuất bản và sự góp sức của các chuyên gia trong và ngoài nước.