T. L. Frazier
Tạp chí “This Rock”, tháng Chín, 1994
Tạp chí “This Rock”, tháng Chín, 1994
Có lẽ á bí tích điển hình nhất của Công giáo là chuỗi Mân Côi, một tràng hạt gắn liền với thánh giá. Jimmy Swaggart đã viết trên trang bìa của cuốn sách chống Công giáo “Catholicism and Christianity”[1] của ông rằng “Chuỗi Mân Côi (hay lần hạt) là do Phêrô Ẩn sĩ bày ra vào năm 1090 A.D., sao chép lại tràng hạt của người Ấn giáo và Hồi giáo (sic). Việc đếm những kinh cầu là một thực hành ngoại giáo và rõ ràng đã bị Đức Kitô lên án (Mt 6, 5-7)”.[2]
Ngoài sự kiện chuỗi Mân Côi là chuỗi hạt kinh cầu, Swaggart chẳng đúng điều gì cả. Điều này thật đáng tiếc vì cách hiểu sai lầm thô thiển như vậy đã làm cho những Kitô hữu thiếu hiểu biết xa lánh hình thức trợ giúp cầu nguyện và suy niệm này.
Truyền thống không gắn liền chuỗi Mân Côi với Phêrô Ẩn sĩ mà là với thánh Đaminh (1170-1221), người ta cho rằng chính Đức Trinh Nữ Maria đã trao cho ngài tràng chuỗi để chiến đấu với lạc giáo Albigeois. Truyền thuyết này được trích dẫn từ bài viết Alan de la Roche (1428-1475), cũng là một nhà truyền bá chuỗi Mân Côi thuộc dòng Đaminh. Nhiều học giả hiện nay thuộc dòng Đaminh cũng như những người khác đã vạch ra cho thấy một lịch sử phức tạp hơn nhiều, tuy nhiên không có liên hệ gì với tràng chuỗi của người Ấn giáo và Hồi giáo.
Các tu sĩ thời Trung cổ hằng ngày thường cầu nguyện bằng cách đọc 150 thánh vịnh. Vì có những tu huynh mù chữ nên không thể đọc thánh vịnh, thay vào đó họ đọc 150 kinh Lạy Cha. Người ta dùng tràng hạt để đếm kinh. Thực hành này lan rộng trong giáo dân và rồi những kinh dễ nhớ khác được thêm vào. Đến thế kỷ 15 và 16 thì chuỗi Mân Côi định hình với hình thức hiện tại, bao gồm các kinh Tin Kính, Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh.
Kinh Tin Kính Các Tông Đồ lần đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ thứ 2 ở Roma như là kinh tin kính đọc khi chịu bí tích rửa tội, và có hình thức như hiện nay vào khoảng những năm 400. Mặc dầu kinh này không do các tông đồ viết ra nhưng mọi người đều đồng ý rằng nguyên thuỷ nó xuất phát từ các tông đồ.
Chỉ lần một hạt kinh Lạy Cha duy nhất chia cách các nhóm gồm chục hạt khác. Mọi Kitô hữu đều quen thuộc với kinh này được tìm thấy trong Mt 6, 9-13. Thật là ý nghĩa khi đoạn này cùng nằm trong đoạn Kinh Thánh mà Đức Giêsu nói rằng: “Khi cầu nguyện, đừng lập đi lập lại vô ích như dân ngoại. Vì họ nghĩ rằng cứ nói nhiều là được nhận lời” (Mt 6, 7). Dựa vào chính câu này mà Jimmy Swaggart lên án việc “đếm những kinh cầu” là “một thực hành của ngoại giáo”. Dầu chính Đức Giêsu dạy cho chúng ta kinh Lạy Cha, nhưng những người theo chủ trương Cơ bản thuyết (Fundamentalism) không khuyến khích các Kitô hữu đọc kinh ấy cũng như bất kỳ kinh nguyện nào khác vì họ cho rằng đấy chỉ là “sự lập đi lập lại vô ích”.
Nhưng cứ xét lại ngữ cảnh của câu nói về “sự lập đi lập lại”. Mt 6, 5-6 nói về những thực hành kinh kệ của người Do Thái; Đức Giêsu chế giễu họ như những người giả hình. Ngài không lên án những lời kinh lập đi lập lại của người Do Thái, có vô số những lời kinh như vậy. Ví dụ, sách Thánh Vịnh là bộ sưu tập những thánh ca và những kinh nguyện lập đi lập lại được dùng trong cử hành phụng vụ Do thái giáo mà chính Đức Giêsu cũng từng tham dự. Lễ Vượt Qua mà Đức Giêsu cử hành trước khi chịu đóng đinh cũng có những kinh cố định được lập lại hằng năm. Rồi sau bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đến Vườn Giếtsêmani để cầu nguyện đến ba lần cũng chỉ bấy nhiêu lời (Mt 26, 39-44) “Ngài để mặc các ông mà đi cầu nguyện lần thứ ba, nói lại cũng một lời đó” (Mt 26, 44).
Trong hai câu tiếp theo, Đức Giêsu cảnh cáo những thực hành kinh kệ của người ngoại giáo, họ xem lời kinh có tính ma thuật và chính những kinh kệ lập đi lập lại của họ mà Ngài lên án. Mt 6, 7: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lập đi lập lại như dân ngoại”. Ở đây có sự hiểu nhầm. Từ battalogeo[3] trong tiếng Hy Lạp nên hiểu là “lải nhải”. Vậy thì Đức Giêsu không lên án việc lập đi lập lại – một điều mà Ngài thường hay làm như những người Do Thái đạo đức khác – mà là sự lải nhải như của dân ngoại.
Dân ngoại lải nhải như thế nào? Hãy xem 1 Các Vua 18, 26-29, khi các ngôn sứ ngoại giáo lên núi Carmêlô để cầu khẩn thần Baal suốt cả ngày, lập đi lập lại danh thần và nhảy múa: “Họ kêu cầu danh thần Baal từ sáng tới trưa: “Lạy thần Baal, xin đáp lời chúng tôi!”. Nhưng không một tiếng nói, không một ai trả lời, và họ nhảy khập khểnh bên cạnh bàn thờ mà họ đã dựng.… Họ càng kêu lớn tiếng hơn và theo thói tục của họ, họ dùng gươm giáo rạch mình đến chảy máu. Quá trưa rồi mà họ vẫn tiếp tục nói liên miên cho tới giờ dâng lễ; nhưng vẫn không một tiếng nói, không ai trả lời, không người để ý”. Khi các ngôn sứ ngoại giáo bỏ cuộc thì Elia tiến đến và cầu khẩn Thiên Chúa của Israel, lập tức lời cầu của ông được chấp nhận.
Lời cầu của các ngôn sứ ngoại giáo là “vô ích” vì sau khi kêu cầu danh thần trọn cả ngày cách điên rồ, Baal vẫn không đáp lời. Thần ấy không phải là Chúa thật như Thiên Chúa của Israel, Đấng luôn đáp lại những lời cầu nguyện chân thành. Quan điểm của Đức Giêsu trong Mt 6, 7 là chúng ta không cần phải dành trọn cả ngày để nhảy múa trước bàn thờ, rạch mình rạch mẩy và kêu gào để thấu đến tai Chúa Cha trên trời. Ngài nghe lời cầu nguyện của chúng ta mà không cần loại kinh nguyện nào: dài hay ngắn, dọn sẵn hay ứng khẩu, tập thể hay cá nhân, lập đi lập lại hay chỉ một lời.
Vì thế, Đức Giêsu nói tiếp: “Đừng bắt chước họ vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì trước khi anh em cầu xin” (Mt 6, 8). Điều này không có nghĩa rằng vì Thiên Chúa đã biết những nhu cầu của chúng ta nên không cần phải cầu xin gì cả. Như Đức Giêsu đã dạy trong dụ ngôn người goá phụ kiên trì (Lc 18, 1-8), chúng ta cần phải dai dẳng khi cầu nguyện, cầu nguyện cách tự do và luôn lập lại lời cầu xin của chúng ta trước ngai ân sủng.
Thánh Phaolô nói rằng chúng ta phải “cầu nguyện không ngừng” (1 Tx 5, 17). Một trong những lợi điểm của chuỗi Mân Côi là đưa chúng ta đến với lời cầu nguyện không ngừng cũng như những suy niệm trong Kinh Thánh.
Nếu ai đó chợt nghi ngại rằng chắc là Chúa không đếm xỉa gì đến những lời kinh cứ lập đi lập lại mãi thì hãy đọc sách Khải Huyền 4, 8-11, ta thấy rằng đám đông ở trên trời “ngày đêm” luôn lập lại lời kinh trước ngai toà Đấng Toàn Năng (“Thánh, Thánh, Chí Thánh! Đức Chúa, Thiên Chúa toàn năng”), và tiếp sau đó các vị Kỳ Mục lập lại bài tụng ca.
Kinh Kính Mừng là tâm điểm của chuỗi Mân Côi và được đọc từng loạt mỗi chục kinh, có 15 chục kinh Kính Mừng và cả thảy là 150 kinh, như con số các thánh vịnh. Phần đầu của kinh gồm 2 đoạn Kinh Thánh: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng bà” (Lc 1, 28) và “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ” (Lc 1, 42).
Phần còn lại của kinh: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử. Amen”. Như khi còn ở dưới thế, Mẹ là đối tượng của ân sủng (Lc 1, 28) thì nay trên trời Mẹ là đấng thánh hiển vinh, thế nên gọi Đức Maria là “Thánh”.
Tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” (Theotokos trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “người mang Thiên Chúa”) là một tước hiệu xa xưa. Một mảnh bản chỉ thảo được tìm thấy ở Ai Cập có niên đại từ 250-270 kêu cầu sự can thiệp của Theotokos.[4] Người Công giáo khẳng định rằng người được Đức Trinh Nữ Maria sinh ra là Ngôi Hai trong Ba Ngôi, là Ngôi Lời (Logos) và vì thế là Thiên Chúa (Ga 1, 1.14). Vì Đức Giêsu là Thiên Chúa, nhân tính và thần tính kết hiệp trong một Ngôi vị, nên Mẹ của Đức Giêsu là Mẹ Thiên Chúa (chứ không phải là người sáng tạo ra); Mẹ là Theotokos.[5]
Nhiều người không Công giáo phản đối việc cầu xin các thánh trên trời, ngay cả cầu xin với Đức Maria. Họ thường viện dẫn 1 Timothê 2, 5: “Vì chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Giêsu Kitô”. Họ lý luận rằng vì Đức Giêsu là trung gian duy nhất của chúng ta nên không cần phải cầu xin Đức Maria (hoặc bất kỳ vị thánh nào cả). Với kinh cầu: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử”, người Công giáo đã xúc phạm đến vai trò trung gian duy nhất của Đức Kitô. Thế nhưng ý tưởng này chỉ đúng nếu ta tin rằng sự chết tạo nên một hố ngăn cách giữa các tín hữu còn sống và các tín hữu qua đời.
Người Công giáo tin rằng các tín hữu khi chết không chia lìa với Đức Kitô hoặc với người khác (Rm 8, 38-39). Thân thể Đức Kitô “chỉ là một nhưng lại có nhiều bộ phận” (1 Cr 12, 12), và người tín hữu không bị cắt bỏ khỏi Thân Thể này khi họ ở trên trời. Cũng không có hai Giáo Hội, một ở trên trời một ở dưới đất, do sự chết chia lìa và như thế không thể thông hiệp được với nhau. Giáo Hội là Hiền Thê của Đức Kitô (Kh 21, 9 tt), và Đức Giêsu là người độc thê nghiêm nhặt.
Như kinh Tin Kính đã khẳng định, người Công giáo tin rằng “các thánh thông công”. Điều này có nghĩa là vì tất cả chúng ta là một trong Đức Kitô nên ta có thể cầu xin các thánh trên trời nguyện cầu cho chúng ta cũng như ta có thể xin những anh chị em trong Chúa còn ở trên mặt đất này cầu nguyện cho chúng ta. Vì chúng ta được truyền lệnh phải cầu nguyện cho nhau (1 Tm 2, 1; Ep 2, 1; Dt 4, 16), và vì lời Chúa “đứng vững vàng ở trên trời” cũng như dưới đất (Tv 119, 89), chúng ta không vi phạm Kinh Thánh khi xin lời cầu nguyện của các thánh ở trên trời. Chính nhờ sự trung gian của Đức Kitô mà các tín hữu trên trời có thể cầu nguyện cho những người còn ở dưới đất.
Chúng ta biết rằng các thánh trên trời biết những gì xảy đến cho chúng ta (Lc 15, 7) và họ dâng lời cầu nguyện cho chúng ta (Kh 5, 8-10; 8, 3), gồm cả lời cầu xin Chúa can thiệp những việc trên mặt đất (Kh 6, 9-10). Thư Do Thái 12, 22-24 nói rằng chúng ta không chỉ tới cùng Đức Giêsu là “vị trung gian của giao ước mới”, nhưng “cả thành Giêrusalem trên trời” và “toàn thể các con đầu lòng Thiên Chúa đã được ghi danh trên trời” cũng như “linh hồn của những người công chính đã được nên hoàn hảo”. Chúng ta không ngần ngại xin họ cầu nguyện vì “lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực” (Gc 5, 16b).
Nhiều người cho rằng các thánh là người đã chết và Kinh Thánh cấm liên lạc với người chết (Lv 19, 31; 20, 6.27) qua trung gian hay các phương tiện thần bí như thuật gọi hồn (necromancy).
Nhưng người Công giáo không lấy thông tin từ các hồn vía như khi lên đồng. Giáo Hội lên án những thực hành thần bí. Hơn nữa, các thánh không phải là “người chết”; họ còn sống hơn cả bạn và tôi, Đức Giêsu trích đoạn sách Xuất Hành: “Ta là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, và Thiên Chúa của Giacob. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to!” (Mc 12, 26-27). Nếu Đức Giêsu không có ý định nói rằng các thánh trên mặt đất có thể thông hiệp với các thánh trên trời, thì chắc hẳn không đời nào Ngài dẫn chứng bằng cách hiện ra với Phêrô, Giacôbê và Gioan trên núi (Mt 17, 1-8).
Nhiều người theo Cơ bản thuyết nói rằng phía Công giáo coi trọng Đức Maria hơn Thiên Chúa vì đọc đến 10 kinh Kính Mừng sau chỉ mỗi một kinh Lạy Cha. Nói như vậy không chỉ xúc phạm đến người Công giáo mà còn cho thấy lý luận như thế là lệch lạc. Cứ giở Kinh Thánh ra, sách Tông Đồ Công Vụ nêu tên thánh Phaolô đến 126 lần, còn tên Đức Giêsu thì chỉ có 68 lần, như vậy tác giả sách Tông Đồ Công Vụ muốn nói rằng thánh Phaolô quan trọng gấp hai lần Đức Giêsu sao? Hoặc sách Esther không có một từ “Chúa” hoặc “Thiên Chúa” nào cả, vậy thì tác giả sách này là một người vô thần sao? Những “bằng chứng” có tính thống kê như vậy không chứng minh được điều gì cả. Chuỗi Mân Côi là một việc làm đạo đức để tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria là người được Thiên Chúa linh hứng đã nói tiên tri rằng mọi thế hệ sẽ khen mình là người diễm phúc (Lc 1, 48). Khi làm việc đạo đức này, người Công giáo hiện thực lời tiên tri, nhắc nhớ rằng Thiên Chúa sẽ chúc phúc cho chúng ta khi chúng ta chúc phúc cho những người mà Ngài đặc biệt yêu mến (Kn 12, 3; 27, 29; Ds 24, 9).
Sau chục kinh Kính Mừng là kinh Sáng Danh. Đây là bài tán tụng ca được sử dụng từ khi có những cuộc tranh cãi về Chúa Ba Ngôi trong Giáo Hội sơ khai: “Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen”.
Song chuỗi Mân Côi không phải là lời kinh “tràng giang đại hải” mà còn có suy niệm Tin Mừng. Mỗi chục kinh được gắn liền với một “mầu nhiệm”, suy niệm một đoạn Kinh Thánh. Có 15 mầu nhiệm được phân chia làm 3 nhóm: Vui, Thương và Mừng. (Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II thêm vào 5 sự Sáng).
Các mầu nhiệm vui là Truyền Tin (Lc 1, 26-38), Đức Mẹ thăm viếng bà Elisabeth (Lc 1, 39-56), Sinh nhật (Lc 2, 1-20), dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh (Lc 2, 22-38), và tìm kiếm Chúa Giêsu trong Đền Thánh (Lc 2, 41-52).
Các mầu nhiệm thương là hấp hối trong vườn Giếthsêmani (Lc 22, 39-53), chịu đánh đòn (Ga 19, 1; Is. 53, 5), đội mão gai (Mc 15, 17-20), vác thánh giá (Mc 15, 20-22), và chịu đóng đinh (Ga 19, 18-30).
Các mầu nhiệm mừng là: Phục Sinh (Ga 20, 1-29), Thăng Thiên (Cv 1, 6-12), Chúa Thánh Thần hiện xuống (Cv 2, 1-13), Đức Mẹ lên trời (Kh 12, 12), Đức Mẹ đăng quang trên trời (Kh 12, 1-2, 5).
Hãy lưu ý rằng tất cả 15 mầu nhiệm, trừ hai mầu nhiệm cuối cùng, đều được dạy rõ ràng trong Kinh Thánh. Chúng ta sẽ xem xét hai mầu nhiệm này.
Việc thân xác Đức Maria lên trời lúc cuối đời thì không được Kinh Thánh nói rõ ràng nhưng cũng không phủ nhận, mặc dầu Kinh Thánh cũng có nói đến những người trước đó như thư Do Thái 11, 5 đề cập đến sự lên trời của Ênốc; 2 Các Vua 2, 1- 13 nói về trường hợp tiên tri Êlia; Thánh Phaolô công nhận sự lên trời của thân xác chúng ta trong 2 Cr 12, 2-4. Không có dấu hiệu nào cho thấy hài cốt của Đức Maria được tôn kính như một thánh tích (đây là một thực hành quen thuộc của Giáo Hội sơ khai), song cả Đông phương (Chính Thống Giáo) và tây phương (Công Giáo) đều tin Đức Maria lên trời cả hồn lẫn xác.
Trong tư tưởng Công giáo, Đức Maria được nhìn nhận như là Kitô hữu tiên phong (proto-Christian) và là biểu tượng cho toàn thể Giáo Hội. Vì thế, sự lên trời của Đức Maria được nhìn nhận như là dấu hiệu cho đích đến cuối cùng của Giáo Hội: Ngày tận thế, Đức Kitô sẽ đến để đón tiếp Hiền thê vào nước trời và vinh danh nàng (1 Tx 4, 16-17). Niềm tin Đức Mẹ Lên Trời được mọi cộng đoàn Kitô giáo nhìn nhận, những cộng đoàn có mối dây liên hệ với Giáo Hội cổ xưa mà chính Chúa của chúng ta đã hứa dẫn đưa đến sự thật toàn vẹn (Ga 16, 12-13; cf. Mt 16, 18; 28, 20). Niềm tin này được lan truyền rộng rãi từ rất lâu đời nay, và những người phủ nhận giáo huấn này thì họ không đưa ra được bằng chứng Kinh Thánh để chứng minh, lại nữa, các Kitô hữu phải tuân theo tất cả các truyền thống tông đồ, dầu được viết hay không được viết trong Tân Ước (2 Tx 2, 15).
Việc đăng quang của Đức Maria trên trời nên được hiểu dựa trên bối cảnh Do thái giáo của Kitô giáo thời sơ khai. Ở Giuđa, chính vì Điều Răn Thứ Tư (Xh 20, 12), thân mẫu của vua được xức dầu có một tầm quan trọng đáng kể, và tên của bà được ghi lại trong các biên niên sử khi nhà vua lên ngôi.[6] Thân mẫu của nhà vua được mang lấy tước hiệu Gebirah[7] và nhận vinh dự ở vào bậc cao nhất. Bà có chỗ chính thức ở trong triều đình, là bà chủ của cung cấm, có đủ quyền lực để điều khiển quốc gia (như bà Athaliah vào năm 842 B.C., 2 V 11, 1-3), hoặc cũng bị lưu đày cùng với nhà vua (như bà Nehushta vào năm 597 B.C., Gr 29, 2), và cũng có thể bị truất phế (như bà Maacah, bà nội sùng kính ngẫu tượng của vua Asa, người trước kia là bà hoàng thân mẫu trong triều đại của con mình là vua Abijam, 1 V 15, 2; 10,13; 2 Sb 15, 16). Gebirah là thuộc thể chế quân chủ, có ngai vàng và triều thiên.[8]
Khi Đức Giêsu là vị Vua của dân Do Thái, thực hiện trọn vẹn lời tiên báo trong 2 Samuel 7, 10-17, và thật sự lạ lùng nếu Đức Maria không được lãnh nhận triều thiên như một bà hoàng. Bản tính quân chủ của Nước Thiên Chúa, với bà hoàng thân mẫu, điều này có thể làm cho những ai sống trong nền văn hoá dân chủ thấy khó đánh giá được vị trí của bà, nhưng đây là điều được xem như là tự nhiên trong thế giới Kitô giáo sơ thời, đã được văn chương và nghệ thuật chứng minh.
Trong 1 V 1, 16.31 chúng ta thấy nữ hoàng Bathsheba quỳ gối phủ phục cầu xin chồng mình là vua Đavít, “Đức vua Đavít chúa thượng của tiện thiếp muôn muôn năm!”. Đây là nghi thức ngoại giao thông thường trong triều quân chủ Đông phương.
Chương tiếp theo lại là một cảnh trái ngược hẳn. Trong 1 V 2, 13-20, con vua Đavít là Solomon lên ngôi. Adonijah đến gần bà “Bathsheba thân mẫu vua Solomon” cầu xin: “Xin bà nói với vua Salomon vì người không ngoảnh mặt từ chối bà đâu”. Bathsheba hứa can thiệp với vua Solomon cho ông (so sánh với Ga 2, 1-11, khi Đức Maria can thiệp với Đức Giêsu) mà không nhận ra âm mưu tiếm ngôi của Adonijah. “Vì thế bà Bathsheba vào yết kiến vua Solomon để thưa chuyện với vua giúp cho Adonijah”. Cách dùng tước hiệu “Vua Salomon” ám chỉ rằng Solomon hành động với trọn vẹn quyền năng chính thức của mình (câu 23).
Thay vì bà Bathsheba sấp mặt xuống đất như trước kia bà đã từng làm trước vua Đavít thì Vua Salomon “đứng lên, ra đón và sấp mình chào bà; đoạn vua ngồi trên ngai đồng thời cũng truyền đặt một ngai cho bà thái hậu, bà ngồi bên hữu vua. Bà nói: “Có một điều nhỏ mọn mẹ xin với con; con đừng ngoảnh mặt đi”. Vua nói với bà: “Thưa mẹ, mẹ cứ xin, vì con sẽ không ngoảnh mặt từ chối mẹ (cc. 19-20). Vua Solomon không chỉ là một người con ngoan. Tập quán của thế giới cổ đại là đặt bên hữu một ghế ngồi danh dự và đó cũng là chỗ dành cho người được uỷ quyền, chính vì thế mà Tân Ước nói Đức Kitô ngồi bên hữu Chúa Cha. Địa vị của bà Bathsheba trong xã hội đã thay đổi; bà đã trở thành “thân mẫu của nhà vua”.
Kinh Thánh dạy rằng các hình bóng trong Cựu Ước (như con chiên Vượt Qua, Nạn Hồng Thuỷ, Hagar và Sarah) sẽ được thực hiện trọn vẹn trong Tân Ước (Ga 1, 29; 1 Pr 3, 18-21; Gl 4, 21-31). Như Đức Kitô trỗi vượt hơn con chiên Vượt Qua là hình bóng của mình, sự hoàn tất hình bóng luôn cao cả hơn chính hình bóng. Người Công giáo nhìn nhận rằng Đức Giêsu Kitô, Con của Vua Đavít và là vị Vua “cao cả”, là sự viên mãn của Vua Solomon, người con nguyên thuỷ của Đavít. Người Công giáo cũng nhìn nhận rằng Đức Trinh Nữ Maria làm trọn vẹn vai trò của mẹ vua Solomon, một Gebirah nguyên thuỷ đã tiên báo cho mẹ của Đấng Cứu Thế.
Người Công giáo tin rằng Đức Giêsu đã đứng lên khỏi ngai vàng trên trời và, cũng như Solomon, đã bước xuống để gặp mẹ và đưa mẹ lên trời với mình. Ngài đã đưa mẹ đến ngai vàng dành cho mẹ ở bên hữu, một vị trí có quyền uy và vinh dự đặc biệt (đăng quang). Chính tại ngai toà này, giống như bà Bathsheba, Mẹ đã can thiệp cho chúng ta với tư cách là Bà hoàng thái hậu của Giáo Hội, một dân Israel thiêng liêng (Rm 11, 17ff; 1 Pr 2, 9). Từ một nữ tỳ thấp hèn của Thiên Chúa được cất nhắc lên làm Gebirah của Nước Trời: “Vì Ngài đã nhìn đến phận hèn của nữ tỳ; vậy từ nay muôn đời sẽ khen tôi có phúc. Vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều trọng đại … Ngài đã đặt người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ” (Lc 1, 48-49. 52).
Chuỗi Mân Côi trong tiếng Latinh là “rosarium”, nghĩa là “vườn hoa hồng” và như thế có ý muốn nói rằng khi chúng ta lần hạt là dâng cả một tràng hoa hồng lên Đức Mẹ của chúng ta.
Đó là tất cả ý nghĩa của việc Mẹ của Đức Vua lãnh nhận triều thiên (Kh 12, 1). Chính vì kiên trì trong đức tin mà chúng ta hy vọng cũng sẽ được nhận lãnh triều thiên của chúng ta (Kh 2, 10), và không có một thực hành đạo đức nào vượt qua được chuỗi Mân Côi để đạt được mục đích này cũng như lãnh nhận thêm những ơn cần thiết. “Phàm là tay đua thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát” (1 Cr 9, 25).
chuyển ngữ
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Trích “Bản Thông Tin” Giáo phận Qui Nhơn
số tháng 9/2010
số tháng 9/2010
[1] Jimmy Swaggart, Catholicism and Christianity, Baton Rouge: Jimmy Swaggart Ministries, 1986.
[2] Ibid., tr. 160-161.
[3] Battalogeo là một từ hiếm trong tiếng Hy lạp, có lẽ có liên hệ với battal trong tiếng Aram, có nghĩa là ‘vô ích”. Battal được dùng trong bản chỉ thảo bằng tiếng Aram ở Qumran với nghĩa “mà không có hiệu quả”. Bản thảo tiếng Syriac của sách Matthêu dịch câu này là: “Đừng nói những điều vớ vẩn”.
[4] Papyrus 470 trong thư viện John Rylands, Manchester, Anh quốc.
[5] Nếu cần một bản văn Kinh Thánh để minh chứng cho tước hiệu “Theotokos”, thì nên tìm cuộc thăm viếng của Maria đến nhà bà chị Elizabeth, người vừa thấy Maria đã kêu lên rằng: “Tại sao tôi được diễm phúc mẹ của Chúa tôi đến viếng thăm tôi (ha mater tou kyriou mou)?”. Những ai quen thuộc với Kinh Thánh đều biết rằng tước hiệu “Chúa” đồng nghĩa với Thiên Chúa của Israel (Tv 110, 1-4). Thật vậy, khi các dịch giả bản Cựu Ước Hy Lạp (bản Septuagint) thấy từ “YHWH” (Yahweh) trong văn bản tiếng Do Thái thì họ dịch là “Chúa” (kyrios), mặc dầu đúng ra kyrios phải là từ dịch của “Adonai” trong tiếng Do Thái.
[6] 1 V 14,21; 15, 2.10; 22, 42; 2 V 8,26; 9, 6-7.22; 12, 1; 14, 2; 15, 2.33; 18, 2; 22, 1; 23, 31.36; 24, 18.
[7] Dịch là “bà hoàng” hay “bà chủ”, được dùng 6 lần trong Kinh Thánh và luôn là tước hiệu của một nữ hoàng dầu cho đó là vợ của vua (1 Kgs. 11:19) hoặc thâm mẫu của vua (1 V 15, 13; 2 V 10, 13; 2 Sb 15, 16; Gr 13, 18; 29, 2). Cũng nên lưu ý rằng trong những tham chiếu trên thì tước hiệu này chỉ một lần được dùng cho vợ vua, nhưng ngay cả trong trường hợp này thì được dùng cho bà Tahpenes là nữ hoàng Ai Cập chứ không phải nữ hoàng của Giuđa, nơi mà tước hiệu này thường được gán cho thân mẫu của vua.
[8] So sánh với Gr 13, 18 lúc mà vị ngôn sứ loan báo cho ông vua 18 tuổi Jehoiachin và bà hoàng thái hậu Nehushta rằng: “Hãy nói với vua và hoàng thái hậu: ‘Xuống chỗ thấp mà ngồi đi, vì vương miện huy hoàng đâu còn trên đầu các người nữa’”.