Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

TIN BÃO NĂM THÂN

Trích báo « Lời Thăm » của Địa Phận Qui Nhơn,
năm thứ 14, số 24 ngày 15 Décembre 1932.


Bão ở Địa phận Qui Nhơn (Năm Nhâm Thân - 1932)
(Bài ký sự của Toà Giám Mục)


Thiên tai dồn dập, không đầy sáu tháng mà bị ba trận bão: thiệt, năm nay Chúa chí từ chẳng có quên địa phận Qui Nhơn mà!
Hôm 4 tháng Mai, tỉnh Phan Rang bị một trận đại phong rất dữ, nay nhớ tới còn hãy ngậm ngùi. Tiếp bữa 25 tháng Octobre tỉnh ấy còn bị một cơn gió chướng lại có lụt to nữa, mau chẳng thiệt hại chi cho quá. Có trận bão kinh hoàng thổi qua tỉnh Bình Định ngày 16 tháng Octobre đây thiệt nói không cùng.
Trận bão này, bao nhiêu tai hại gớm ghê đều dồn lại mà đổ xuống nội trong vòng tỉnh Bình Định, nhứt là khoảng giữa từ ngang kilomètre thứ 37 chổ Phù Cát ra tới kilomètre thứ 90 chỗ Tài Lương: mọi sự đều tan tành hết.
Những ai đã thấy cảnh tượng đàng quan sau khi trận bão qua rồi, thì mới hiểu được cho tường sức mạnh. Trên đàng thôi ngỗn ngang đủ thứ, nhánh gãy, cây xiêu, lớp to lớp nhỏ nằm la liệt, giây thép đứt đoạn, trụ sắt vòng cong chồng chất giăng găng; dứt trận thiên tai rồi, quan sức các làng lân cận dọn tới ba ngày mới trống ngõ thông lưu được. Ngày 17 và mấy ngày sau phải chi ai đi được từ dưới biển lên tới trên nguồn, trải qua mấy sở Nhà Đá, Nước Nhỉ, Thác Đá, Hội Đức, Đồng Hâu cho tới Đồng Quả, ắt là thấy ròng một cảnh tiêu điều này.
Rào dậu tan hoang, cửa nhà ngửa nghiêng sập nát; nhơn dân cả một xứ, mình trần thân trụi, ăn chịu ngoài trời, mặt mũi châu chan, tò mò nơi mấy đống nhà hư sập tìm coi còn có vật gì sót được với trận cuồng phong chăng, rất là thảm hại; ngoài vườn ngoài đồng, những bụi tre to nằm phơi rễ, cây cối lớp gãy ngang còn thân trụi, lớp trốc gốc ngã xiêng, cây nào còn lại, thì còn những nhãnh trơ, lơ thơ một đôi cái lá héo khô nám, những cây dừa nằm mẹp chinh chòng, cây nào còn đứng, thì như đứng mà chứng trận hoạ tai, ngọn xơ xải, lá tả tơi, tàu cúp xuống, chẳng khác nào là để tang cho lớp đã nằm sát đất; trên các gò nỗng ngó không khác gì rẫy mọi lúc dọn trĩa: đâu đó đầu người đầu vật đều rặc một màu thảm đạm dường như chết vậy. Có người đã thấy chốn sa trường bên Pháp quốc hồi đại chiến Âu Châu năm 1914-1918 nói rằng: cái thảm tượng này chẳng khác chi với chiến địa bên ấy năm xưa.
Phỏng tính số nhà hư sập mấy miền bị nặng hơn, như Mương Lở, Suối Nổ, Nhà Đá, Nước Nhỉ, Vạn Định, Thác Đá, Đại Bình, Đồng Hâu, Gia Chiểu, đổ đồng ra thì có từ 30 tới 90 phần trăm.
Cơn tai biến nầy, phần thiệt hại địa phận Qui Nhơn phải chịu thiệt là rất nặng.
Số 166 nhà thờ lớn nhỏ trong cả tỉnh, thì hết: 27 nhà sập nằm sát đất: 6 nhà về sở Nhà Đá, 3 nhà về sở Nước Nhỉ, 4 nhà về sở Đồng Quả, 3 nhà về sở Thác Đá, 2 nhà về sở Hội Đức, 2 nhà về sở Kỳ Bương, 2 nhà về sở Đồng Phó, 2 nhà về sở Kim Châu, ở ba sở Trường Cửu, Đại An, Kiều Đông mỗi sở một nhà. Năm nhà thờ chính năm sở Nhà Đá, Nước Nhỉ, Đồng Hâu, Thác Đá, Hội Đức, nhứt là nhà ba sở trước là nhà mới tinh ròng, ngó vẻn vang chắc chắn, rày chỉ thành một đống hư tàng tan hoang hết.
25 nhà hư nặng: là mái bay, vách đổ, cửa văng, gia cái gãy, chỉ còn những nguyên liệu trơ trơ không ra hình nhà nữa. Mấy nhà ấy mà sửa lại cho hoàn hảo thì không thua gì cất nhà mới. Mà có lẽ có nhiều nhà phải triệt hạ xuống hết mà cất lại nhà mới thì hơn.
Còn bao nhiêu nữa thì gần hết cái nào cũng có hư ít nhiều; tuy sửa lại được, mà phí hết thảy cọng tính lại cũng thành một số khá to.
Nhà thờ các sở xứ nầy, thì gần hết chỗ nào một bên cũng có nhà cho linh mục sở tại và kẻ giúp ở, sở chính thì nhà to, sở nhánh nhà nhỏ. Nhiều chổ còn có một nhà nhóm, một nhà lẫm con con, một trường học nữa. Bấy nhiêu nhà ấy cũng đồng một số rủi như các nhà thờ: mấy miền ngọn gió chướng trải qua thì các nhà ấy đều bình địa thành một đống đồ hư, cái nào còn đứng được thì cũng đã bại hoại với bão rồi.
May phước, mấy chỗ nhà chung, như Toà Giám Mục, nhà giữ việc, hai nhà trường lý đoán và Latinh, hai nhà dòng, nhà in, nhà hưu trí các linh mục bổn quốc, nhà thương, các nhà phước viện, các nhà cô nhi đều nằm về mấy khoản gió nhẹ ở hai đầu tỉnh, nên không bị chi cho lắm: có chút nhà hưu trí các linh mục ở Đại An và nhà dòng ở Kim Châu hư hao đôi ít mà thôi.
Phần giáo nhơn cũng bị hại không thua gì các nhà thờ. Trong số 12.000 người bị bão, kể có 3.000 người thình lình mà cửa nát nhà trôi, không nơi chui đụt, của cải lớp gió đánh hư, lớp nước đùa đi mất hết, một thân một áo, đêm đông gió lạnh giải dầu, ôm lòng chịu với ngọn mưa bấc mùa nầy không ngày nào là không vải xuống.
Có một điều cực thảm, mà các giáo nhơn khỏi bị, cũng thiệt là may. Là nội một huyện Phù Mỹ có tới đôi ba trăm người oan mạng, ở phủ Bồng Sơn tính có năm bảy chục người uổng tử. Ước lẽ giáo nhơn có hàng trăm hàng chục hoặc bị chôn lấp trong mấy nhà thờ sập chỗ người ta chạy tới náu nương khi gió thét, hoặc bị đè dập trong nhà tư, vì chạy không kịp hay là không dè. Song may Chúa chở che, chỉ có 3 người bị đè chết trong nhà tư mà thôi: là 1 người ở Nước Nhỉ, 2 người về sở Kỳ Bương. Các linh mục nhiều ông bị nguy hiểm lắm, song đều được toàn thân, kẻ giúp trong nhà các ông cũng chẳng hề gì. Cám đội ơn trên.
May chẳng hao mấy mạng người, mà lúa thóc, hoa màu, sản vật của người tư, từ khi các nhà thờ, đồ đạc của các linh mục ở mấy chổ tai ương xảy tới thì hư mất biết bao mà kể. Kìa nhà nọ vốn nhà khá giả dư ăn, rày không còn một hột lúa, không còn cái áo thay, nghe nói mà thảm thương cho mấy người nghèo khó vốn đã thiếu trước hụt sau! Vị linh mục nầy mất chén thánh, vị linh mục kia còn có nửa nhà thờ. Nghe nói mà chua xót!
Rồi đây không biết có khỏi cơ cẩn không? Có lẽ mà không khỏi, vì khi bão tới thì lúa sớm đã gặt rồi, còn lúa tri lúa gieo thì chưa trổ. Hiện nay như của người ta vớt lại được, nhờ có mùa tới đây không mất bỗng, nhờ ít nhiều của thiên hạ cứu độ, thì trông cũng đỡ giấc được. Mà hậu nhựt chẳng biết làm sao, cũng nên sợ. Vì dầu ruộng nương có được đi nữa, thì những thảo mộc trong vườn, như cau, chuối, mít, dừa bây giờ đang trụi gốc với lá úa nhành khô như cây chết, thì trong vòng đôi ba năm nữa cũng chưa trổ sinh được đi gì. Vậy mà ở mấy nơi đã xảy ra tai nạn thì nhơn dân một phần nhờ ở vườn tược làm kế sinh nhai.
Tả sơ mấy chuyện có thấm vào đâu với cảnh thật sự rất dữ dằn. Coi số thiệt hại các hạng Nhà Nước thông báo các nơi đây: 370 người chết, 237 người bị thương chở vào các sở nuôi bịnh, 406 ghe thuyền hư mất, 2.200 súc vật bị chết, bị trôi; 50.000 nhà tranh đổ nát, 44 nhà ngói xây gạch tiêu tan, mùa màng mất hết 40%. Tính hết thảy các khoản hư hại trong cả tỉnh Bình Định mất có hơn 1.000.000 bạc.
Trận bão ngày 4 tháng Mai trong tỉnh Phan Rang, địa phận Qui Nhơn bị hại có hơn 8.000 bạc, rày sửa chưa rồi. Tiếp trận bão ở Bình Định ngày 16 Octobre đây. Địa phận bị hại kể không cùng. Các linh mục và giáo hữu dầu đã quen với sự khổ sở xứ nầy rồi, mà phen ni cũng lấy làm quá sức. Biết bao người giáo hữu, biết bao vị linh mục rày mắt chưa ráo dòng châu, mặt còn nét thảm, vì sự nghiệp tan tành, nhà thờ hư sập. Nhưng thời gian là tay đại tác, cái gì rồi cũng qua đi, lời nói ấy cũng thật lắm. Ngày nay cơn khủng khiếp kinh hoàng lúc đầu đã dịu rồi đó, ai nấy lo hồi tỉnh lại nguyện xin Chúa nhơn lành ban ơn nhịn nhục chịu khó, lại vui lòng, vững chí cứ việc cậy trông ơn Chúa mà làm những sự quá sức phàm gian.
Đ. Q.