Thứ Ba, 21 tháng 9, 2010

PHÚ YÊN, 40 NĂM SAU BIẾN CỐ VĂN THÂN

(Trích dịch “Quarante ans de Phu Yen”, Mémorial de Quinhon, số tháng Ba 1927,tr. 30-36; số tháng Năm 1927, tr. 52; số tháng Sáu 1927, tr. 58-59)

Sau đợt bách hại năm 1885, Toà Giám Mục vẫn còn ở tại Qui Nhơn, vào năm 1887 cha Guitton được gởi vào Phú Yên với các cha phó là cha Huề và cha Đạt: người thứ nhất coi sóc phần phía Tây (Cây Da) và người thứ hai lãnh phần phía Nam (Hoa Vông). Trong tỉnh vẫn còn 800 giáo dân, họ từ Qui Nhơn trở về hoặc từ chỗ ẩn nấp trên núi xuống.
Ngày 10 tháng Tư năm sau đó (1888), cha Lacassagne từ Hồng Kông về Phan Rang và từ Phan Rang trở về được sai làm cha sở toàn tỉnh với toàn quyền tự do lựa chọn trung tâm cho mình, hoặc ở Mằng Lăng, hoặc ở Hoa Vông. Ngài đã chọn Mằng Lăng. Vì có sẵn cơ sở ở Hoa Vông, ngài cố gầy dựng lại phước viện cũ tại Mằng Lăng.
Theo báo cáo vào tháng Chín 1888, Đức Cha Van Camelbeke đã chia tỉnh này thành hai địa sở: Mằng Lăng với cha Lacassagne làm cha sở và cha phó Huề ở Cây Da; cha Guitton làm cha sở Hoa Vông và cha Đạt làm cha phó.
Cha Guitton không thích có cha phó; Quán Cau và các địa sở chung quanh nhập về sở Mằng Lăng cùng với cha Đạt. Hơn nữa, cha Guitton muốn ở tại Hóc Gáo để tránh khỏi phải lo cho các nữ tu ở tại Hoa Vông. Ngày 17 tháng Mười, Đức Cha Van Camelbeke gọi về các nữ tu đang ở Làng Sông và Gò Thị.
Trong tháng Chín và kéo dài suốt nhiều tháng sau đó đã có nhiều vụ kiện cáo về của công ở Mằng Lăng hoặc Hoa Vông. Vào khoảng cuối năm thì Đức Cha Van Camelbeke đi Pháp và cha Fourmond trở thành bề trên của miền truyền giáo. 
Sau lễ Phục Sinh năm 1889, phân chia ranh giới làng Trà Kê và Tân Bình, làm đám xây nhà cho tu viện ở Mằng Lăng (khởi công xây dựng). Cuối tháng Năm, cha Nhuận đến thay thế cho cha Đạt ở Quán Cau, tuy nhiên cha Đạt vẫn còn ở trong địa sở. Vào tháng Mười thì các nữ tu đến ở tại Mằng Lăng.
Tháng Sáu 1890, Đức Cha Van Camelbeke từ Pháp trở về, cuối tháng Bảy ngài gọi cha Phục từ Bình Thuận về và sai đi Quán Cau thay thế cha Nhuận, cũng làm cha phó cho cha Lacassagne. Cuối năm đó, cha Degrange (Trọng) đến học tiếng Việt tại Quán Cau và cha Phục trở thành cha phó cho cha Guitton và được gởi đến các xứ mới như Đất Đỏ, Đồng Cam, Hoa Châu vv…
Ngày 12 tháng Giêng 1891, cha Degrange chết tại Mằng Lăng và được chôn cất ở đó. Gần ngôi mộ bằng vôi của ngài là mộ của thầy Trạng, thầy giảng, chết ít lâu sau đó. Cuối cuộc tĩnh tâm tháng Hai, cha Lacassagne bị bệnh nên phải đi Đà Nẵng, cha Huề coi sóc địa sở. Vào tháng Tám, có cuộc khởi nghĩa của Bá Sự, ông bị bắt vào tháng Giêng 1892 và bị xử tử. Đầu tháng Năm năm ấy (1892) bắt đầu xây móng và tháp nhà thờ Mằng Lăng.

Vào ngày 13 tháng Giêng 1893, tân linh mục Nhi được gởi đi Cây Da và cha Huề đi Cũng Sơn. Với sự đồng ý của Đức Cha, cha Guitton đổi đi Ninh Hoà nên cha Huề thay thế ở Phú Điền, cha Nhi chuyển đến thay thế ở Cũng Sơn. Cha Bản từ Ninh Hoà về nhận sở Cây Da thế cho cha Nhi.
Sau cuộc tĩnh tâm ngày 20 tháng Hai 1895, cha Dubulle được bổ nhiệm ở Hoa Vông với cha Phục làm cha phó; cha Huề đi Ninh Hoà thay thế cho cha Guitton trở về Pháp. Cùng thời gian này, cha Wendling được bổ nhiệm và đi đến địa sở Cây Da của mình vào ngày 4 tháng Tư, cha Nhi làm cha phó ở tại Tịnh Sơn. Cha Bản vẫn làm cha phó cho cha Lacassagne ở tại Gò Duối.
Năm 1896, Cha Lacassagne đi Hồng Kông sau cuộc tĩnh tâm để phục hồi sức khoẻ và để điều chỉnh lại một trong những sáng chế của ngài (động cơ vĩnh cửu). Cha Wendling phải tạm thời thay thế nhưng thực tế thì chỉ có mình cha Bản coi sóc mà thôi. Cha Lacassagne trở về vào ngày 20 tháng Năm 1896.
Tháng Tám 1897, cha Hương đến thế cha Bản ở Gò Duối để cha Bản đi Đồng Quả. Vào tháng Chín, cha Labiausse đến học tiếng ở Sông Cái.
Cuối tháng Ba 1898, cha Labiausse làm cha phó cho cha Blais ở Kỳ Bương. Vào tháng Tám, cha Cao vừa được phong chức đến thế cha Hương để cha Hương đi Đồng Quả.
Tháng Giêng 1899, cha Jean thế cha Dubulle ở Hoa Vông để cha Dubulle về Nam Bình (đổi sở). Cuối tháng Tám, cha Dụng đi Hoa Châu để thế cho cha Phục được bổ nhiệm ở Mằng Lăng.         
Cuối tháng Tư và tháng Năm 1900 xảy ra cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ. Vào tháng Sáu, cha Phục chết ở Mằng Lăng. Ngày 1 tháng Tám, cha Lacassagne qua đời tại Đà Nẵng khi được 44 tuổi và phục vụ tại Mằng Lăng được 12 năm. Cha Wendling thay thế ngài và cha Perreaux được bổ nhiệm xứ Cây Da.
Sau cuộc tĩnh tâm tháng Hai 1901, cha Porcher được bổ nhiệm xứ Cây Da và cha Perreaux đi Sông Cầu để chuẩn bị cho cô Paullette de Blainville, con gái ông Công Sứ, được rước lễ lần đầu vào lễ Phục Sinh ngày 7 tháng Tư tại Mằng Lăng. Ngày hôm sau, cha Perreaux lên đường đi chủng viện Đại An. Trong tháng Tư và Năm và cho đến ngày 14 tháng Sáu, cha Panis đi ban bí tích Thêm sức trong toàn tỉnh Phú Yên. Cả tỉnh chưa có lễ ban bí tích Thêm sức từ năm 1883. Ngày 14 tháng Bảy, cha Nhi được đổi đi và được cha Cẩm thay thế ở Tịnh Sơn. Ngày 20 tháng Chín, di hài cha Lacassagne được đem từ Đà Nẵng về và chôn cất trong nhà thờ Mằng Lăng. Ngày 9 tháng Mười Một, Đức Cha Van Camelbeke qua đời tại Làng Sông và ngày 19 cùng tháng ấy cha Fourmond thở hơi cuối cùng tại Sàigòn.
Ngày 15 tháng Tư 1902, cha Geffroy, bề trên miền truyền giáo, đã đến Mằng Lăng để đi thăm mục vụ tỉnh Phú Yên. Ngày 19 tháng Ba, cha Grangeon được chọn làm giám mục và được tấn phong tại Làng Sông ngày 17 tháng Tám, sau cuộc tĩnh tâm chung của các thừa sai.
Tháng Giêng 1904, tân linh mục Huấn được sai đi làm cha phó cho cha Jean ở Hoa Châu. Ngày 7 tháng ba, sau cuộc tĩnh tâm trở về, có đám khánh thành nhà thờ Sông Cầu. Những người tham dự gồm các cha Guéno, Seiller, Dubulle, Wendling, Jean, Labiausse, Vallet, Porcher, Perreaux, Souverbielle, Bonnal, Lalanne, Cao, Dụng, các quan và một số người Âu châu. Buổi tối có bắn pháo hoa và trình diễn văn nghệ. Ngày hôm sau là lễ làm phép nhà thờ Sông Cầu và sau đó mọi người đi Mằng Lăng. Chỉ có các cha Labiausse và Perreaux là đi Làng Sông ngay sau đó. Cha Dụng ở Hoa Châu được bổ nhiệm ở Mằng Lăng (Thầy Đông). Vào tháng Năm, cha Huề trở thành cha sở Tịnh Sơn thay cha Cẩm. Cuối tháng Bảy, Đức Cha gọi Bà Nhất Tuyên đi Gò Thị, Bà Nghi về Mằng Lăng, chẳng bao lâu sau đó thì Bà Tựu thay thế Bà Nghi.
Ngày 15 tháng Năm 1905, cha Degas làm phó cho cha Jean và ở tại Hóc Gáo. Ngày 30 tháng Năm 1905, thầy Cách di chuyển quả chuông lớn của Mằng Lăng từ bờ biển về nhà thờ. Cùng năm ấy, nhà thờ xong phần mái. Tháng tám, cha Giảng làm cha phó cho cha Porcher ở Cây Da và cha Porcher định cư ở Đồng Tre ngày 10 tháng Tám và vào tháng Giêng 1906 thì chuyển về một ngôi nhà mới.
Cuối tháng Tám 1906, các cha Wendling và Jean đi Hồng Kông và trở về Mằng Lăng vào ngày 14 tháng Giêng 1907.
Tháng Giêng 1907, cha Degas được bổ nhiệm đi Ninh Hoà và mất ngày 27 tháng bảy. Tháng Tư, cha Porcher đi Làng Sông để xin Đức Cha về ban bí tích Thêm sức.
Ngày 8 tháng Tư, Đức cha Grangeon đến Gò Duối cùng với các cha Hamon, Dubulle và Porcher. Cha Wendling đón các ngài ở đấy. Lễ ban bí tích Thêm sức ở đấy vào ngày 9. Ngày 10 đi Sông Cầu thăm ông Trú Sứ và vào đến Mằng Lăng trước đêm. Chúa Nhật ngày 14 làm phép nhà thờ và chuông. Ngày 15, Đức Cha đi Đồng Tre (cha Hamon trở về Bình Định), ngày 18 đi Trà Kê và ngày 20 làm phép nhà thờ Trà Kê. Ngày 22 đi Tịnh Sơn. Đức cha bị té xuống một rãnh nước ở dốc Trà Kê nhưng không có gì nguy hiểm. Họ ăn tối tại Gia Bá, nghỉ chân tại Đá Trắng và cuối cùng đến Tịnh Sơn. Ngày 24 ở Hoa Châu, ngày 27 ở Hóc Gáo và ngày 28 làm phép nhà thờ Hoa Vông. Ngày 3 tháng Năm trở về Mằng Lăng rồi đi Suối Ré vào ngày 5 rồi sau đó trở về Làng Sông.
Vào tháng Tư 1908, cha Cẩm được bổ nhiệm làm cha phó ở Hoa Vông và ngày 23 tháng Tám cha Guillot đến làm cha phó ở Mằng Lăng. Cuối năm đó thì nhà các thầy giảng và cô nhi Mằng Lăng được xây dựng xong.
Ngày 29 tháng Giêng 1909, cha Guillot đi Thầy Đông (hoặc Sai Đông) và cha Dụng thay thế ngài tại Mằng Lăng.
Cuối tháng Giêng 1910, cha Jean xin đổi xứ, ngày 3 tháng Hai ngài rời xứ Hoa Vông đến Mằng Lăng để đi Làng Sông. Ngày 23 cùng tháng ấy, cha Guillot rời Thầy Đông để đi lên xứ người Thượng, Cha Lalanne được bổ nhiệm cha sở Hoa Vông, ngài đến Mằng Lăng ngày 7 tháng Ba và khởi hành vào chiều thứ Sáu ngày 11 cùng với cha Cẩm đến đón ngài. Cha Cao được bổ nhiệm cha phó Thầy Đông và cha Linh thay thế ngài ở Gò Duối. Ngày 1 tháng Năm, cha Giảng đi làm cha phó Bàu Gốc và cha Dung thay thế ngài ở Trà Kê.
Tháng Giêng 1911, cha Huấn được bổ nhiệm cha sở Tịnh Sơn thay thế cho cha Huề đi nghỉ hưu. Tân linh mục Ban được bổ nhiệm làm cha phó ở Hoa Vông.
  Cuối tháng Hai 1912, cha Cao đổi đi làm cha phó cho cha Panis. Vào tháng Năm, cha Dụng được bổ nhiệm làm cha sở Lệ Sơn và cha Cẩm ở Phú Điền đến thế cho ngài ở Mằng Lăng. Ngày 24 tháng Mười, tân linh mục Tuyên đến Mằng Lăng để đi Hoa Vông làm cha phó cho cha Lalanne.
Tháng Bảy 1913, cha Cẩm bị bệnh nên đi về gia đình tại Nha Trang để nghỉ dưỡng và chết ở đó ngày 4 tháng Chín. Tân linh mục Châu đến thế cha Cẩm làm cha phó tại Mằng Lăng. Cuối tháng này, cha Lalanne đi Hồng Kông và trở về vào tháng Hai 1914.
Đầu tháng Giêng 1914, cha Ban được sai đi xứ Thượng. Từ ngày 18 tháng Hai cho đến 16 tháng Tư, Đức Cha Jeanningros đi thêm sức tại Phú Yên.
Ngài đi xe hơi đến Gò Duối cùng với cha Bonhomme vào chiều ngày 18 tháng Hai. Các cha Wendling và Porcher đi trước Đức Cha cho đến Thạch Khê. Cha Bonhomme trở về vào ngày 20 và Đức Cha đã ban bí tích Thêm sức tại Gò Duối cùng ngày. Sáng ngày 21, Đức Cha đi Sông Cầu sau khi ghé thăm Lệ Uyên. Ngày 22 ngài ban bí tích Thêm sức tại Sông Cầu rồi đi bằng xe hơi đến Mằng Lăng vào buổi chiều. Ngày 22, cha Lalanne đến Mằng Lăng và Đức Cha ban bí tích Thêm sức vào các ngày 26, 27, và 28. Chiều thứ Sáu ngày 27, Đức Cha đi thăm Diêm Điền và thứ Bảy ngày 28 đi thăm Xóm Làng, Chợ Mới và Đồng Cháy. Chiều Chúa Nhật ngày 1 tháng Ba, ngài thăm Thầy Đông bằng thuyền. Sáng thứ Ba ngày 3 tháng Ba ngài đi thăm Đồng Thổ và dùng bữa trưa tại Sông Cái. Buổi chiều ngài đến Đồng Tre.
Lễ Thêm sức tại Đồng Tre vào các ngày thứ Năm ngày 5 và Chúa Nhật ngày 8. Sáng thứ Bảy ngày 7 ngài đi thăm Suối Ré và Chúa Nhật làm phép nhà thờ Đồng Tre. Thứ Hai ngày 9 ăn trưa ở Cây Da; buổi chiều ghé thăm Suối Ké và đến Trà Kê. Lễ ban bí tích Thêm sức vào các ngày thứ Tư ngày 11 và thứ Năm ngày 12. Ngày cuối cùng đi thăm Trại Lét và ăn trưa ở Cà Lúi. Thứ Sáu ngày 13 thăm Suối Bạc vào buổi chiều.
Chiều Chúa Nhật 15 đi Tịnh Sơn ghé thăm Đá Trắng và làm lễ Thêm sức ở Tịnh Sơn ngày 18. Chiều 19 đi Hoa Châu để làm lễ Thêm sức vào Chúa Nhật ngày 22. Cùng ngày, ngài đi thăm Đồng Cam. Thứ Hai ngày 23 ăn trưa ở Định Chỉ và trở về qua ngõ Đồng Lâm. Chiều thứ Tư ngày 25 đi Hóc Gáo; thứ Bảy ngày 28 làm phép nhà thờ và thêm sức ở Hóc Gáo. Chiều cùng ngày ngài ghé thăm Phú Điền và Phú Cốc rồi đến Hoa Vông. Ngày 31 tháng Ba và 1 tháng Tư lễ thêm sức tại Hoa Vông; ngày 2 ghé thăm Cây Me và ăn trưa ở Quán Cau; buổi chiều thăm Tân Lập rồi về Mằng Lăng. Đoạn đường trở về từ Hoa Vông đến Mằng Lăng đi bằng xe hơi.
 Chúa Nhật ngày 5 đi thăm Gò Chung bằng thuyền; ngày 7 lễ Thêm sức tại đó. Lễ Phục Sinh ngày 12 có thánh lễ trọng thể tại Mằng Lăng. Ngày 14, Đức Cha đi Sông Cầu và ghé ngang qua thăm Lò Giấy. Hôm sau, thứ Năm ngày 16, Đức Cha Jeanningros từ Gò Duối trở về Bình Định.
Ngày 17 tháng Tư, cha Châu được bổ nhiệm đi Cây Da (Bình Định). Cha Thiên đi làm cha phó ở Mằng Lăng ngày 12 tháng Sáu.
  Ít ngày sau ngày 15 tháng Tám 1915, cha Thiên bị bệnh phải đi chữa bệnh tại gia đình ở Mương Lỡ và trở về ngày 31 tháng Mười Hai. Trong thời gian ngài vắng mặt, có cha Cao thay thế; ngài đi nhà thương vào tháng Giêng 1916 và cuối tháng Hai được bổ nhiệm làm cha phó Hộ Diêm.
Tháng Hai 1916, cha Jean, cha quản lý, cha Dorgeville, Wendling, Porcher, Lalanne tĩnh tâm tại Mằng Lăng. Cuộc tĩnh tâm bắt đầu ngày 21 tháng Hai và kết thúc vào chiều 24. Cha Porcher ra đi ngày thứ Sáu, cha Lalanne ngày thứ Bảy và các cha Bình Định khởi hành chiều ngày 28.
Ngày 12 tháng Chín tại Mằng Lăng có cuộc tĩnh tâm dành cho các cha Annam và kết thúc vào sáng ngày 16. Tham dự gồm có cha Thiên và Linh ở Mằng Lăng, cha Dung ở Đồng Tre, cha Huấn ở Tịnh Sơn. Chỉ thiếu cha Tuyên ở Hoa Vông.
Ngày 10 tháng Mười, cha Tuyên được bổ nhiệm đi Trà Kiệu. Cha Huấn làm cha sở Hoa Châu và Tịnh Sơn.
Tháng Tư 1917 trong thời gian cha Lalanne bị động viên quân dịch, cha Linh coi sở Hoa Vông. Ngày 1 tháng Tư, cha Lalanne đi Sàigòn bằng đường bộ.
Ngày 16 tháng Năm 1918, Đức Cha Jeanningros đi cùng với cha Jannin đến Gò Duối để làm bí tích Thêm sức. Lễ Thêm sức vào ngày 17 và buổi chiều đi Sông Cầu. Ngày 18 ăn trưa ở Délégation (cơ quan hành chánh đặc biệt gọi là Đại Lý do một ông Bang tá cầm đầu), ngày 19 lễ Thêm sức tại Sông Cầu rồi đi Mằng Lăng vào buổi chiều cùng ngày. Lễ Thêm sức tại Mằng Lăng vào các ngày 21, 22, 23. Cùng ngày cha Jannin lên đường đi Qui Nhơn và buổi chiều Đức Cha đến dùng bữa tại nhà ông Quan Phủ Khôi. Ngày 25, cha Khiêm đến làm cha phó Mằng Lăng thay thế cho cha Thiên được bổ nhiệm làm cha sở Vạn Giã.
Ngày 27 khởi hành đi Đồng Tre làm bí tích Thêm sức vào các ngày 28 và 29. Ngày 30 đi Trà Kê có ghé qua thăm Cây Da và thêm sức ở Trà Kê vào các ngày 31 tháng Năm và 1 tháng Sáu. Ngày 2 tháng Sáu có rước kiệu lễ Mình Máu Chúa và ngày 3 đi Tịnh Sơn ghé thăm Đá Trắng. Ngày 4 thêm sức ở Tịnh Sơn và ngày 5 đi Hoa Châu để làm lễ Thêm sức vào ngày 7. Ngày 8 đi thuyền đến Thành Nghiệp rồi từ đó đi ngựa. Ăn trưa ở Hóc Gáo và buổi chiều thì đến Phú Điền dưới cơn mưa rào. Làm phép Thêm sức vào sáng ngày 10 rồi đi Hoa Vông để thêm sức vào ngày 11.
Ngày 12, Đức Cha Jeanningros đi về phía Nam. Các cha Wendling và Porcher tháp tùng ngài cho đến Tuy Hoà dùng bữa trưa tại nhà ông Sonnic.
Ngày 15 tháng Bảy, các cha Jean và Dorgeville đến Mằng Lăng; ngày hôm sau đến phiên cha Porcher đến và rồi ra đi vào ngày 19. Ngày 4 tháng Tám, hai người đồng sự của chúng tôi cùng với cha Wendling dùng thuyền đi lên La Hai rồi từ đó đi bộ lên đến Đồng Tre và đến nơi vào sáng ngày 5. Ngày 9 trở về và dừng chân ở Hạ Bằng mãi cho đến trưa mới về Mằng Lăng. Ngày 12, hai cha đi xe kéo về Bình Định.
Từ ngày 9 đến 13 tháng Chín có cuộc tĩnh tâm ở Mằng Lăng dành cho 4 linh mục Annam là các cha Khiêm, Dung, Huấn và Linh.
Ngày 11 tháng Chạp 1918, cha Porcher được bổ nhiệm làm cha sở Hoa Vông và đi nhận nhiệm sở mới. Cha Linh tạm thay thế ở Hoa Vông thì được sai đi Hộ Diêm. Ở Đồng Tre, cha Porcher để cho cha phó của mình là cha Dung làm cha sở cả Đồng Tre – Trà Kê.
Ngày 26 tháng Năm 1919, cha Jean về tạm thay thế ở Mằng Lăng và cha Wendling đi Sàigòn ngày 2 tháng Sáu. Ngày 15 tháng Chín, theo lệnh bác sĩ, cha Wendling lên tàu về Pháp. Ngày 6 tháng Chạp, cha Châu được bổ nhiệm làm cha sở Đồng Tre.
Từ Pháp trở về, cha Lalanne ghé qua Mằng Lăng vào ngày 7 tháng Hai để đi lấy hành lý ở Hoa Vông. Ngày 10 tháng Chín, Đức Cha Jeanningros từ phía Nam trở về Mằng Lăng rồi ra đi vào thứ Ba ngày 14. Ngày 26 tháng Chín là hoàn tất nhà nguyện của phước viện Mằng Lăng.
Ngày 14 tháng Tám 1922, cha Nho được bổ nhiệm làm cha phó trú tại Mằng Lăng và sáng ngày 16 cha Khiêm đi Sông Cầu. Tháng Tám xây nhà vuông Sông Cầu. Các ngày 10 và 11 tháng Mười Một, lụt ngấp nghé hè nhà vuông Mằng Lăng; nước vào đến phòng ngủ phước viện.
 Ngày 16 tháng Tư 1923, Khâm Sai Toà Thánh là Đức Cha Lécroart đi vào thăm tỉnh Phú Yên. Cha Jean đi đón ngài tại Làng Sông. Phái đoàn dừng chân ở Sông Cầu lúc 7g30 và đến Hoa Vông vào lúc 9g30, cha Porcher chào đón phái đoàn lúc vừa bước chân ra khỏi xe hơi bằng cờ hiệu, trống etc. Sau cơm trưa, họ khởi hành vào lúc 11g30. Gặp cha Salomez ở phái bên kia Sông Ba nhưng chiếc xe hơi quá nhỏ nên cha Jean phải tiếp tục hành trình cho đến khi gặp cha Thiên ở vịnh Vũng Rô ở Khánh Hoà, từ đó trở về Hoa Vông lúc 4g10.
Ngày 4 tháng Sáu 1923, cha Thiên được bổ nhiệm và đi Trà Kiệu; không còn ai ở Sông Cầu. Ngày 16 cùng tháng, các Đức Cha Grangeon, Marcou, Allys và Gordaliza đi Sàigòn, đón cha Jean ở bến Phường Lụa và mọi người ăn trưa ở Hoa Vông. Vào lúc 13g15 họ tiếp tục hành trình đi Sàigòn.
Ngày 6 tháng Tám 1923, Đức Cha Grangeon đến Mằng Lăng và ở lại ngày hôm đó. Ngài dẫn cha Cao đang yếu sức theo để nghỉ ngơi tại nhà người em là ông thầy Tám (Tài). Ngày 5 tháng Chín, cha Châu ở Đồng Tre được bổ nhiệm cha sở và đi nhận nhiệm vụ ở Châu Me. Ngày 9 cùng tháng, làm phép các cơ sở mới của phước viện Mằng Lăng: nhà lớn, lẫm lúa và tập viện. Ngày 24 tháng Mười, cha Cao qua đời tại nhà em mình là Thầy Tám. Ngày 5 tháng Mười Một có điện tín và thư của Đức Cha đến Mằng Lăng thông báo về cái chết của cha Wendling ở Monbethon vào ngày 3.
Ngày 10 tháng Năm 1924, cha Huấn bị bệnh nên cha Jean phải đưa xe hơi lên Tịnh Sơn đón về chăm sóc tại nhà các Thầy.
Có bão lớn vào lúc 5 giờ sáng ngày 23 tháng Mười 1924. Nhà thờ bị tốc mái làm hư hỏng hàng ghế ngồi. Nhà cửa bị bay hết ngói, nhà lẫm hư hại một nửa. Ngựa bị chôn vùi trong đống đổ nát của chuồng ngựa phía Nam. Cô nhi viện bị tàn phá: hai người chết. Ở phước viện thì chỉ có nhà nguyện còn đứng vững; nhà lẫm sập tường và bay mất ngói.
Tại các xứ đạo, trừ nhà thờ Đồng Thổ còn đứng vững thì không còn ngôi nhà nào. Nhà nguyện phước viện – nhà ngủ của các nữ tu – dùng làm nhà thờ ở Mằng Lăng. Phía Bắc Sông Cầu có sóng thần, nhà thờ bị phá huỷ, nhà xứ thì còn. Ở Lệ Uyên, nhà thờ bị sập và bị sóng cuốn đi. Ở Gò Duối thì không còn gì. Ở Diêm Điền có 7 người chết dưới đống đổ nát; ở Lệ Uyên 9 người bị sóng thần cuốn đi. Ở các miền còn lại trong tỉnh có gió rất mạnh nhất là phía Bắc.
Ngày 28 tháng Năm 1925, cha Guéno đi nhận nhiệm sở ở Hà Dừa, ngài đến Mằng Lăng vào lúc 11g và ngày hôm sau đi Hoa Vông. Ngày 28 tháng Tám, cha Phước cũng ghé qua Mằng Lăng để đi Đồng Tre. Cha Vallet đi đà Lạt cũng ghé nghỉ đêm tại Mằng Lăng vào ngày 6 tháng Mười Một.
Ngày 3 tháng Ba 1926, các cha Solvignon và Le Darré từ Đà Lạt về ghé Mằng Lăng; cha Gagnaire ghé từ ngày 22 cho đến 27 tháng Tư; các cha Garrigue vè Gallioz đi xe hơi từ Hộ Diêm ghé ngày 21 tháng Năm; các cha Escalière và Cretin ghé ngày 16 tháng Bảy.
Ngày 5 tháng Chín, nhà thờ Mằng Lăng đã được sửa sang và đã có thể dâng thánh lễ tại đó. Ngày 26, cha Phước ở Đồng Tre được bổ nhiệm đi Trà Kiệu. Ngày 11, cha Jean nhắc lại lời xin đổi việc. Đức Cha bổ nhiệm ngài về sở quản lý và cha Saulot đến thay thế ngài tại Mằng Lăng sau vài tháng nghỉ hè.
Nhưng ngày 25 tháng Hai, cha Saulot lại phải xắp xếp hành lý vì được bổ nhiệm đi Đà Nẵng, lúc này chỉ có mình cha ở Mằng Lăng. Cha Porcher đến thay thế ngài ở Mằng Lăng ngày 14 tháng Ba nhưng chưa thể chuyển giao sở Hoa Vông của ngài cho người kế nhiệm vì cha Phiến chưa đến. Ngày 17 tháng Ba, cha Perreaux tháp tùng cha Jean đến Mằng Lăng để tính sổ và giao xứ. Nhân dịp này, cha Nho lên Đồng Tre để làm cha sở - một sở mới tách biệt với Trà Kê, và cha Luận đến ở Mằng Lăng với nhiệm vụ cha phó tại chỗ.
Các thầy
Sau cuộc bách hại, vào năm 1887, người ta thấy có các thầy sau đây: 1) tại Hoa Vông với cha Guitton: thầy Nhi chỉ ở vài tháng rồi đến thầy Nho và thầy Thiết. Thầy Thiết sau đó về Kim Châu năm 1894 để dạy tiếng Việt cho cha Wendling, rồi theo ngài đi Kiều Đông và năm 1895 ở Phú Yên. 2) tại Mằng Lăng với cha Lacassagne có thầy ba Hiệp, thầy Định, thầy Hứa, thầy Cậy. Thầy Cậy được gọi làm linh mục và được thầy Châu thay thế nhưng chẳng bao lâu sau thì thầy Châu cũng được gọi đi học thần học và được thầy năm Nhi đến thế. Với cha Degrange thì có thầy Trạng cũng chết ít lâu sau cha Degrange và được chôn bên cạnh ngài tại nghĩa trang Mằng Lăng (mả vôi).
Thầy năm Nhi sau khi lãnh chức phó tế đã trở về Mằng Lăng. Ngày 12 tháng hai thầy được phong chức linh mục. Thầy Sô đến thay thế cùng với thầy Tài là người vào những năm 1895 và 1896 đã thành lập các sở như Sông Cầu, Gò Duối …
Cha Wendling đã gọi đến Mằng Lăng các thầy ba Hiệp, chết vào ngày 9 tháng Giêng 1902; thầy An lập gia đình ở Xóm Quán vào năm 1903  và thầy Sô. Từ trên Cây Da xuống, cha Wendling dẫn theo thầy Cách, thầy lập gia đình và chết ở Mằng Lăng. Vào tháng Mười Một 1901, thầy Hiệu chết và được mai táng ở Thầy Đông. Thầy Sang người gốc Nha Trang đã chết ở Mằng Lăng vào tháng Giêng 1905.
  Năm 1906 ở Mằng Lăng có các thầy: thầy Lập kết hôn vào tháng Tám 1908 tại Mằng Lăng; thầy Sô lập gia đình tháng Mười Một 1907 tại Mằng Lăng và chết ở Đồng Cháy, và thầy Phò.
Vào tháng Chín 1911 thầy Quảng đến thay thế thầy Hạnh người đã lập gia đình ở Mằng Lăng. Thầy Quảng sau đó được sai đi Kiều Đông và được thầy Chẩn thay thế vào tháng Chín 1912, tháng Bảy 1913 thầy Chẩn trở về chủng viện. Cuối tháng Chạp năm ấy thầy Thế đến Mằng Lăng. Cả ba thầy trên đều lập gia đình: thầy Quảng tại Đồng Dài, thầy Chẩn tại Gò Thị và thầy Thế tại Thầy Đông vào năm 1918.
Thầy Hiển ở Mằng Lăng từ tháng Hai 1918 đã đổi đi và được thầy Cao thay thế vào ngày 5 tháng Chín 1919, ngày nay là cha Luận. Ngày 16 tháng Chín cùng năm ấy có thầy Lai đến. Ngày 18 tháng Tám 1920 thầy Cao được gọi về Đại An mà không có ai thay thế. Tháng Mười Một 1920, thầy Mẹo bị cho về. Tháng Ba 1921 thầy Lai bị bệnh nên đi Qui Nhơn mà không trở lại. Thầy Phò trở về gia đình và giúp cho cha sở Thác Đá; tháng Bảy thầy Thành ra trường đã đến thay thế cho thầy Phò; vào tháng Tám thầy Kinh đến thế cho thầy Hùng được sai đi sở Tân Dinh.
Tháng Tám 1923, thầy Kinh được gọi về Đại An, thầy Xuân đến thế vào tháng Tám 1925 sau đó cũng được gọi về và thầy Đô đến thế. Đức Cha đã đổi thầy Thành vào tháng Mười Hai và được thầy Sâm đến thay thế giờ còn ở Mằng Lăng. Thầy Đô về nhà vào đầu năm 1927 này.
Trong vài hàng ghi chép này, còn thiếu chính xác nhiều và cũng chưa phải là hoàn hảo. Chúng tôi xin đón nhận những sửa sai và thông tin bổ túc. Xin các đồng sự khác chỉ bảo cho chúng tôi những thông tin có liên quan đến địa hạt của mình để dần dần sẽ viết nên lịch sử của miền truyền giáo của chúng ta

  chuyển ngữ
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính