Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010

GÀ ẢO VÀ NHỮNG ĐỒNG TIỀN … BUỒN TỦI

Nguyễn Mỹ Nữ
Tuổi trẻ cuối tuần, ngày 5/12/2010

         
          Câu chuyện thứ nhứt
          Gia đình cháu sống ở một xứ đạo chỉ cách thành phố này khoảng mười lăm cây số. Xứ đạo được biết đến bởi một chủng viện rất nổi tiếng có tên là Làng Sông. Quê cháu bão lũ thường xuyên và mỗi năm thêm dữ dội hơn, tàn khốc hơn. Năm ngoái là cơn bão số 9, số 11 và liền sau đây là lũ lụt kinh hồn. Năm nay chỉ chưa đầy một tháng mà quê cháu đã mấy lần bị cô lập trong biển nước.
          Người Kitô giáo vẫn thường nhờ người trong bổn đạo làm cha mẹ đỡ đầu cho con mình khi đứa trẻ chào đời. Bé trai thì có cha và bé gái thì có mẹ. Tên thánh là tên thánh của cha mẹ đỡ đầu. Riêng cháu, chính chồng tôi lại còn được yêu cầu đặt cả tên giấy khai sinh nữa kìa! Cháu sinh ra và lớn lên ở nông thôn lại sống trong một gia đình đạo hạnh, nề nếp nên rất ngoan. Ở quê khổ hết biết. Hạn hán đất nứt nẻ, ruộng vườn cháy khô thì khổ theo hạn hán. Còn bão lũ lại đằm mình trong cái đói, nỗi sợ, cái lạnh và những lo toan. Cháu “đẹt” nhiều so với mấy đứa trẻ thành phố cùng cỡ tuổi, nhưng không đẹt chút nào khi cùng những người thân dang mưa dãi nắng kiếm ăn sau buổi học.
          Đã thành lệ, cứ cỡ tháng 9, tháng 10 khi gà nhà ấp nở, cháu luôn xin ba má một cặp và nuôi riêng để dành cuối năm đi tết “ông bỏ, bà vú”. Cháu luôn gọi chúng tôi như vậy. Năm ngoái, cũng những ngày mưa lụt thế này, không chỉ cặp gà của cháu mà cả đàn gà của nhà rồi lúa giống, cây trái, hoa màu … tuôn trôi hết theo lũ. Vợ chồng tôi về thăm gia đình liên sau đó. Thấy chúa ở trần ốm trơ xương, bận cái quần đùi còng queo đang dọn bùn non trên sân trước. Gặp, cháu nói: “Năm nay con không có đi tết cho ông bỏ, bà vú rồi”. Tôi vuốt đầu tóc cháu khô khòng dính dáp đầy bùn đất mà thương quắt lòng. Vẫn ráng cười, khi trả lời mà nước mắt ứa: “Có gà chứ sao không, con. Thì gà ảo”.
          Và năm nay nữa. Quà tết của đứa con đỡ đầu, của một cháu bé miền quê, vùng lũ dành cho chúng tôi, chắc hẳn vẫn là gà. Và tất nhiên lại là gà ảo!
            Câu chuyện thứ hai
          Thằng con bạn tôi là người thành phố mà tính thì nhà quê rặc ri. Ít dám đòi hỏi và hết sức căn cơ. Chắc do thấy cha mẹ khổ, nhà năm nào cũng bị nước ngập và mớ đồ đạc vốn đã lèo tèo lại thêm ít ỏi hơn vì giữ không kịp nên bị nước cuốn. Nhà nghèo vì lũ vì lụt mà. Sống chung với nước thường xuyên nên cả nhà bạn tôi cũng quen. Kể cả cái thằng nhóc mới qua cấp I này. Ngập ít và nước hiền, cháu điềm nhiên ở nhà với ba mẹ và sinh hoạt bình thường trong tình trạng nước luôn mấp mé tới bắp vế. Ngập nhiều và nước dữ, chúa được gởi về nhà ngoại. Gia đình khó khăn đâu có mấy khi cháu có được ít đồng trong túi, ngoại trừ tết nhât. Mà tiền lì xì của con nhà nghèo cũng đâu có nhiều nhặn gì. Trên trăm bạc là hết cở trong khi mấy con nhà giàu, nghe nói tiền mừng tuổi gì đâu mà tính bằng tiền đô và phải con số ngàn. Ngàn đô, tính ở thời điểm này đã bước qa ngưỡng hai mươi triệu đồng Việt Nam. Trời đất! Tiền lì xì gì mà dễ sợ? Rồi những gia đình trung lưu mà tôi biết, con cháu họ tiền mừng tuổi một đứa gộp lại cũng có cả bạc triệu. Đưa ra những con số trên để thấy mực chên lệch tiên lì xì ở một đứa con nít nhà giàu và một đứa trẻ nhà nghèo.
          Tiền ít nhưng được cái thằng con của bạn tôi biết cất giữ, dè sẻn nên hụt hao cũng không đáng kể gì. Cuối  năm ngoái, sau mấy đợt lũ dữ tràn về, cảnh nhà đã túng kẹt lại thêm nhiều phần túng bấn. Tết tới nơi mà thấy gia đình mình không một chút động chuyển, ba má cứ làm thinh khan, cháu có vẻ nóng ruột và một khuya, cháu cầm một trăm ngàn đưa cho má mà mếu máo: “Tiền mừng tuổi con còn giữ được từ bữa đầu năm. Con đưa để má coi mua được chút gì đó cho tết thì mua. Tiền này là tiền … buồn tủi đó má!”
          Tôi nghe bạn kể câu chuyện này từ những ngày cuối tháng chạp năm ngoái. Giờ, một năm nữa sắp qua. Lũ vẫn tràn về và lụt còn khủng khiếp hơn. Nghe nói do biến đổi khí hậu và đập thuỷ điện không dừng được đành phải xả lũ …