Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

CÁC PHẢN HỒI TRÊN BÁO TUỔI TRẺ VỀ VIỆC THÊM CÁC CHỮ CÁI F, J, Z, W



Chờ hồi sau sẽ rõ
Tạm thời đây chỉ mới là chủ trương. Tôi nghĩ việc thêm các chữ cái đó vào bảng chữ cái tiếng Việt đúng hay sai còn tùy thuộc vào hiệu quả của nó mang lại. Nếu như sau khi có công văn chính thức cho phép sử dụng mà chúng ta thấy được ích lợi của nó thì tôi hoàn toàn ủng hộ.
Tiến Đạt

Tôi ủng hộ
Tôi nghĩ việc làm này là cần thiết. Trong bảng chữ cái nhà trường dạy không có những ký tự này nhưng trong gia đình lại có xe mang biển số: 52Z9-xxxx hay 37Z5-xxxx tôi không biết giải thích cho lũ trẻ con như thế nào. Nếu không phải là tiếng Việt sao các cơ quan quản lý lại sử dụng? Bảng chữ cái hiện nay đang sử dụng là tài sản quí giá của ngôn ngữ Việt Nam. Tuy nhiên tôi thấy vẫn còn một số bất cập. Ví dụ phụ âm “d”: cả thế giới đều biểu thị âm “đ” của chúng ta hoặc tương đương, ngoại trừ một số quốc gia không có âm này trong ngôn ngữ (họ sử dụng để biểu thị âm “t” như Trung Quốc, Han Quốc.. khi họ latinh hóa ngôn ngữ của họ). Chỉ riêng ngôn ngữ của chúng ta “d” là “d” nên người nước thật khó phát âm và phân biệt các tên riêng Bình Dương (tên tỉnh) và Bình Đường (tên của 2 ấp và 1 khu công nghiệp) khi bỏ hết các dấu và thanh. Ngay cả chúng ta hàng ngày cũng gặp khó khăn này khi nhận các tin nhắn và email viết không có dấu!
Lò Lâm Ngữ
Tôi ủng hộ đề nghị thêm F, J, W, Z
Trên thực tế các ký tự này đã và đang được sử dụng rộng rãi. Các ký tự này có đưa vào hay không thì trên thực tế chúng vẫn được sử dụng như 1 phần không thể thiếu. Nếu chúng ta công nhận các ký tự này thì sẽ tốt hơn cho việc hiểu và giải thích các hiện tượng ngôn ngữ. Hiện nay nạn tham nhũng đang quá tồi tệ nên bất kỳ ý kiến cách tân nào có lẽ cũng bị suy nghĩ theo xu hướng đó.
BÙI ĐỨC
Toàn diện và tầm nhìn
Bảng chữ cái Việt Nam mang tính đặc thù của Việt Nam, và là nền tảng để xây dựng cách viết, cách đọc cho cả một thế hệ. Trong khi đó các kí tự J, F, W, Z chỉ được biết như các kí tự đặc biệt và không gọi là cái nền cho bảng chữ cái được. Nếu lý luận như tiến sĩ thì chúng ta phải đưa hàng loạt kí tự dùng trong tin học vào bảng chữ cái nữa sao, ví dụ như: @, alpha, beta ... có mà vô số kể. Theo cá nhân tôi, cải cách phải mang tính toàn diện và và tầm nhìn, đừng nhìn về một khía cạnh riêng rẽ như thế.
Nguyễn Tăng Quang
Có thêm ký hiệu @ vào bảng chữ cái?!
Vậy có thêm ký hiệu @ vào bảng chữ cái?! "Vì trên thực tế, ở một số môn học trong nhà trường, nhóm ký tự trên cũng được sử dụng, nhất là môn toán. Trong nhiều văn bản, sách báo đều có sử dụng các ký tự trên. Ví dụ chữ viết tắt của từ “trung ương” (TW). Như vậy, không thể để nhóm ký tự đó nằm ngoài bảng chữ cái tiếng Việt và học sinh không biết gì về chúng".
PHẠM TRỌNG NHÂN
Bỏ cái suy nghĩ ấy đi
Mấy ổng nói cái từ Trung Ương mà được viết tắt là TW, cái này là lý do mấy ổng làm biếng. Trong kiểu gõ telex thì chỉ cần gõ 2 chữ W thì nó tự biến thành chữ Ư, nhưng mấy ổng làm biếng gõ, đôi lúc để luôn chữ W rồi nó thành thói quen... chứ Trung ương mà có viết tắt thì nó phải như thế này chứ TƯ.
Chí Phèo
NÊN THẬN TRỌNG
1. Tôi đồng ý với ông Ngọc rằng việc thêm các kí tự f, j, w, z vào bảng chữ cái là rất cần thiết cho tin học nước ta. Nhưng nhân đây tôi xin nói để ông Ngọc biết rằng có nhiều ngành khác không phải tin học cũng đang muốn đưa thêm kí tự hoặc thay đổi cách ghép vần cho các kí tự đã có; thí dụ có người đề nghị kí tự “v” đứng riêng trong văn bản thay cho chữ “vơ” trong chữ Giơ-ne-vơ, và còn nhiều nữa. Vì thế, khẳng định của ông Ngọc cũng như các đề xuất khác, tôi cho rằng nên được trình lên một uỷ ban chuyên môn có thẩm quyền để xem xét. Trên tinh thần “thuốc không thể thiếu cũng không thể thừa”, uỷ ban này, dựa trên tương quan giữa các ngành, các nhóm dân, sẽ biết phải thêm những kí tự nào, không thêm những kí tự nào.

2. Một chi tiết. Ông Ngọc cho rằng cần đưa chữ W vào bảng chữ cái vì “Trong nhiều văn bản, sách báo đều có sử dụng các kí tự trên. Ví dụ chữ viết tắt của từ “trung ương” (TW). Như vậy không thể để nhóm kí tự đó nằm ngoài bảng chữ cái tiếng Việt và học sinh không biết gì về chúng”. Về vấn đề này, tôi nghĩ rằng W, J, F, Z chỉ là kí tự riêng của một nhóm người trong đó có tôi, và chúng ta không thể bắt học sinh phải biết. Một thí dụ minh hoạ: tôi nhớ là không được học những kí tự này và nhiều kí tự lạ khác nữa khi bắt đầu học vỡ lòng nhưng không vì thế khi học lên tôi không biết đường trung tuyến AJ hay tâm quán tính w nằm ở đâu, trong khi bạn tôi rẽ ngang đi làm ở cuối cấp tiểu học đã may mắn không phải nhức đầu với w và j trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường.
3. Về mặt quyền hạn, tôi nghĩ có lẽ Bộ Giáo dục nếu có duyệt cũng không có quyền ban hành bộ chữ cái mới mà đó là quyền của Quốc hội.
Lưu Đình Tuân

Cái cần đổi thì không đổi
Mấy thứ mà ông cục trưởng gì đó đề nghị là trên quan điểm của 1 người sử dụng máy vi tính, chỉ toàn chuyên về ngành tin học, nên cái mà ông ta đề nghị chỉ bổ sung vào giáo trình tin học mà thôi. Nếu muốn nói là để cho tiện lợi khi làm việc với môi trường quốc tế thì phát âm của F, J, Z, W nó được phát âm trong tiếng nước nào (Anh, Pháp hay Việt?). Nếu phát âm theo nước ngoài thì mấy chữ cái khác, phát âm theo tiếng gì, đó là sự bất đồng bộ.
Trầm Thị Mi
Cải tổ
Ví dụ cho thêm vào vậy toàn bộ SGK phải chỉnh sửa à! Giáo dục VN giờ chưa đủ rắc rối à Thật là hài. Những chữ F, J, W, Z là những chữ cái nước ngoài thì làm sao thêm vào bảng chữ cái tiếng Việt. XIN HÃY ĐỂ LẠI BẢN SẮC NGÔN NGỮ VIỆT NAM.

Vẽ chuyện
Những chữ cái đó cho dù không đưa vào bảng chữ cái tiếng Việt thì các em học sinh chắc chắn cũng sẽ được học trong chương trình tiếng Anh. Đưa vào rồi lại lộn xộn về cách dùng. Đúng là vẽ chuyện!
MAI PHƯỚC LỘC
Bổ sung, cải tiến là cần thiết
Khi học môn "Tiếng Việt thực hành" ở đại học, thầy đố chúng tôi viết đúng chữ "gìn". Nếu đánh vần theo nguyên tắc ghép vần hiện này thì chữ "gìn" đọc là "gờ in gin huyền gìn", còn viết đầy đủ thì phải là "giìn" (2 chữ i ngắn). Đó chỉ là một ví dụ. Tôi ủng hộ việc bổ sung chữ cái vì sẽ viết nhanh hơn. Khỏi phải nói, lật tập các em học sinh từ cấp 2 trở lên sẽ thấy nhan nhản chữ "f" dùng thay cho chữ "ph", chữ "j" hay "z" thay cho chữ "gj"... vì tiết kiệm thời gian ghi 1 ký tự. Chữ quốc ngữ của chúng ta dùng hiện nay là vay mượn mẫu tự la tin, vì vậy cũng cần cải tiến, thay đổi sao cho hợp lý hơn. Và đây không phải là lần thay đổi đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển chữ quốc ngữ.
Nguyễn Quốc Bình
Nên không?
Theo tôi là không nên đưa thêm các chữ cái đã nêu vào bảng chữ cái tiếng Việt. Hiện nay chúng ta đang cần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và sự trong sáng của tiếng Việt, thế mà cứ chạy theo thế giới để làm gì? Tôi hỏi ông Ngọc là các nước sử dụng hệ chữ cái khác ví dụ như Nga chẳng hạn, thì họ cũng phải thêm mấy ký tự đó vào để sử dụng máy tính phải không? Còn các nước sử dụng hệ chữ tượng hình, để sử dụng CNTT thì họ phải thêm các chữ cái như thế nào?
Nguyễn Đăng Khoa
Tôi ủng hộ thêm F, J, Z, W vào bảng chữ cái
Tôi thấy việc thêm vào chỉ có lợi: phong phú, nhanh và vì nó đã quá phổ biến với thế hệ trẻ. Còn giữ gìn tiếng Việt thì là do ý thức và giáo dục thôi (ví dụ sợ viết gia thành za...), cái bàn phím cũng sẽ dễ chấp nhận hơn!
Phan Văn Bình
Người nông dân không có thời gian đi học thêm bốn kí tự mới
Tôi không đồng tình dự thảo này. Tiếng Việt của chúng ta hàng trăm năm nay vốn đẹp và trong sáng. Đó là một tài sản của cha ông ta để lại. Dẫu bảng chữ cái của chúng ta có những hạn chế nhất định nhưng đó không phải là những cản trở lớn, vả lại không một ngôn ngữ nào trên thế giới không có hạn chế. Thay đổi bảng chữ cái dể dễ dàng hòa nhâp? Tôi nghĩ đó không phải là lý do thuyết phục. Nó chẳng khác nào việc sơn sửa, làm mới lại một di tích cổ kính rồi chúng ta nói rằng: ta làm như vậy để nó đẹp và hiện đại hơn!

Việc thêm bốn kí tự này vào bảng chữ cái sẽ có ích gì? Sẽ có một chút ích lợi thật đấy, nhưng tôi không tưởng tượng nổi sự xáo trộn của nó trong cuộc sống của người dân.
Dân số nước ta phần đông là nông dân. Chúng ta vừa thực hiện xong chương trình phổ cập giáo dục tiểu học, họ vừa mới biết đọc biết viết thì nay những chữ họ học được đã trở nên lạc hậu. Xin nói: Người nông dân sẽ không có thời gian để đi học cách sử dụng bốn kí tự mới đó, vì họ còn phải lo cho bữa cơm của gia đình mình thời bão giá.
LÊ ĐẶNG
Phung phí ngân sách Nhà nước?
Việc thêm những chữ cái này vào bảng chữ cái tiếng Việt chỉ làm phức tạp thêm mà thôi. Chưa rõ lợi ích thu được là bao nhiêu, nhưng trước mắt Ngân sách Nhà nước đang bị phí phạm cho những cuộc hội họp, thảo luận, lấy ý kiến. Nên dành thời gian, chất xám và tiền của cho những cải cách đang thực sự cần thiết của nền giáo dục Việt Nam.
KEN
Đề nghị thêm các ký tự anpha, bêta, micro, phi,...
Nếu đã thêm các ký tự F, J, Z, W thì tôi đề nghị ông Ngọc cho thêm các ký tự anpha, bêta, micro, phi,...vào bản chữ cái. Thêm vô 1 lần cho đỡ rắc rối và tốn kém!
Long An
Tiếng Việt là của người Việt
Tiếng Việt là của người Việt, chừng nào tiếng Việt còn thì người Việt còn. Tôi là người Việt, tiếng Việt cũng là của tôi. Không một số nhỏ nào được phép thay đổi khi chưa có sự thống nhất chung của toàn người Việt. Ngôn ngữ không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là bản sắc văn hóa của dân tộc. Không thế lấy lý do "hòa nhập quốc tế" để thêm bớt bảng chữ cái tiếng Việt. Việc này, theo tôi do các nhà ngôn ngữ học và các nhà văn hóa quyết định.
Phương
Xem lại ý kiến trả lời của ông Quách Tuấn Ngọc
Cách nêu ví dụ của ông Ngọc tôi thấy không ổn. Chữ viết tắt của từ "Trung ương" là "TW" là sai. Vì nếu viết tắt cho đúng phải là "TƯ". Lâu nay báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng đã có sự nhầm lẫn về cách viết tắt của từ này rồi. Làm công tác quản lý giáo dục mà còn có sự sai lầm như vậy thì sao có thể đưa ra chính sách cải cách giáo dục, hướng dẫn cách sử dụng tiếng Việt được. Mong sao các nhà khoa học giáo dục, các nhà nghiên cứu hãy hết sức thận trọng khi soạn thảo Thông tư nói trên. Và nên nhớ rằng giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là bản sắc văn hóa của dân tộc không thể thay đổi, không thể vay mượn ở bất cứ đâu khác.
Bị thuần chủng?
Nếu nói FJWZ không thể nằm ngoài bảng chữ cái thì coi như chúng ta chấp nhận bị thuần chủng. Nếu nói đến CNTT thì trước tiên anh phải có khái niệm tiếng Anh mà bây giờ tiếng Anh đã là môn bắt buộc trong giáo trình mà trong bảng chữ cái Anh ngữ thì có đủ WJZF. Thiết nghĩ Anh ngữ và tin học như là 1 đôi thì tại sao lại thêm WF vào bảng chữ cái Việt để bị thuần chủng. Thiết nghĩ nếu tách Anh và TIN ra ngoài tiếng Việt thì chủ đích của người đưa WF vào tiếng Việt có lẽ là ngôn ngữ dùng riêng cho người đẻ ra nó hay có lẽ là thay đổi ngữ pháp chăng? Thật khó hiểu người ta nghĩ gì.
Quang
Nên thay thế
Tôi ủng hộ cách đưa 4 ký tự f, w, j và z vào bảng chữ cái tiếng Việt, vì như thế khi viết sẽ viết gọn và nhanh hơn. Theo đó chữ PH sẽ thay bằng chữ F, chữ GI sẽ thay bằng chữ J, chữ QU sẽ thay bằng chữ W và chữ D sẽ thay bằng chữ Z, còn chữ Đ sẽ là chữ D cũ.
Hoa Thành
Thêm là hiển nhiên
Thêm ký tự là hiển nhiên theo sự tiến hóa của ngôn ngữ khi ngôn ngữ thuần tiếng việt không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Việc giữ lại bản sắc tiếng việt phải nằm ở chỗ tên riêng không bỏ dấu và đảo lộn như hiện nay. Ví dụ vịnh "hạ long" thì viết lại thành "ha long" bay. Hoặc Lý Thị Hoa thì viết lại thành "Hoa Ly" theo quy tắc fist name. Điều này mới là hòa tan vì người việt đọc tên nước ngoài xuôi theo cách nước ngoài đọc thì tại sao người nước ngoài không đọc xuôi giống khi người việt đọc. Giữ bản sắc dân tộc là không thay đổi quy luật sử dụng ngôn ngữ của cha ông còn tiến hóa là điều cần thiết.
Mong các nhà ngôn ngữ học, lịch sử... nghiên cứu xác định cụ thể đâu là bản sắc dân tộc để giữ vững.
hùng
Không thể bao biện cho cái sai
Việc đưa các ký tự F,J,Z,W vào trong hệ thống chữ cái tiếng Việt theo tôi là không cần thiết, bởi vì trong hệ thống chữ cái tiếng Việt đã có các ký tự, các tổ hợp ký tự hoàn toàn có thể thay thế.
Ví dụ chữ F khi kết hợp với các nguyên âm thì sẽ không cần thiết vì có tổ hợp PH (đọc là "phờ") thay thế trọn vẹn. Còn hơn thế, việc thêm các chữ J,Z,W sẽ là rối loạn quá trình ghép vần của học sinh phổ thông. Họ cũng sẽ không thể hiểu cách phát âm chữ "Z" là theo cách nào khi kết hợp với các nguyên âm khác. Nó sẽ là "gi" hay "d". Cũng chưa khi nào nhà nước ta trong các văn bản chính thức co viết từ "Trung Wơng" thay cho "Trung Ương" cả.
Ông Ngọc cho rằng "Trong nhiều văn bản, sách báo đều có sử dụng các ký tự trên. Ví dụ chữ viết tắt của từ “trung ương” (TW)", như vậy là bao biện cho cái sai. Tôi cũng không thể chấp nhận cách giải thích của ông Ngọc khi ông cho rằng "Trong thời đại hiện nay, chúng ta phải làm việc trên máy tính rất nhiều, nhiều cơ quan, cụ thể là ngành GD-ĐT phải sử dụng rất nhiều các phần mềm quản lý. Nếu không chuẩn hóa tiếng Việt, cụ thể là các vấn đề nêu trên, máy tính sẽ không thể xử lý được".
Tôi biết ông là một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ vi tính và một trong nhiệm vụ của ngành này là xây dựng hệ thống phần mềm xử lý bằng Việt hóa nó. Nếu nói như ông thì các nước có hệ thống ngôn ngữ phi Latin cũng phải thêm các ký tự này để máy tính dễ xử lý?
Đỗ Quyết Thắng
 Hãy để tiền làm việc khác thiết thực hơn
Tôi không có ý kiến gì về việc thêm 4 chữ cái F,J, W, Z là đúng hay sai. Tôi chỉ biết rằng nếu việc này được thực hiện thì nhà nước sẽ lại tốn một khoản tiền không nhỏ cho việc thực hiển sửa đổi, phụ huyn học sinh lại tốn tồn để mua sách giáo khoa, nhiều thay đổi được thực hiện đi cùng với việc tốn kém tiền bạc; trong khi đó giáo dục Việt Nam còn nhất nhiều điều phải làm, nhiều trẻ em ở vùng sâu xa chưa được đi học, cơ sở vật chất thiếu thốn, ngay cả ở thành phố lớn cũng đã thiếu trường học công cho bậc mầm non, tiểu học; hoặc sao không chi tiền đổi nghiên cứu phương pháp dạy lịch sử mới và bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên sử. Đó là những việc cần làm hơn là việc thêm các chữ F, J, W, Z.
Vì nếu không thêm thì chúng ta cũng đã sử dụng các chữ cái này như là 1 phần của cuộc sống hàng ngày rồi, ta vẫn hội nhập quốc tế tốt, mọi người vẫn gõ bàn phím tốt mà; có thể đến 1 lúc nào đó, kinh tế chúng ta khá giả lên, có nhiều tiền thì làm.
Thanh Bình
Nên đưa vấn đề ra nhân dân
Tại sao không đưa vấn đề này ra nhân dân đề cùng bàn thảo. Tôi nghĩ rắng đây là một việc trọng đại, ảnh hưởng đến bản sách văn hóa tiếng Việt. Vậy thì sao chỉ cho một bộ phận các nhà giáo, nhà nghiên cứu được tham gia chỉnh sửa, ý kiến và quyết định. Tôi nghĩ chúng ta nên đưa việc này ra nhân dân, và làm theo sự biểu quyết của nhân dân. Chúng ta có thể thực hiện các cuộc khảo sát nhỏ trong trường học, trong các công ty, văn phòng, như vậy sẽ có được một cách nhìn khách quan và đồng thuận từ mọi người.
Võ Minh Thành
Thêm ký tự F, J, W, Z
Cứ quốc tế hóa đi vào tất cả mọi ngõ ngách của cuộc sống thì một ngày nào đó văn hóa Việt Nam sẽ chỉ còn là những vấn đề trong sử sách. Lúc đó dân tộc Việt Nam sẽ còn giữ lại được gì cho riêng mình đây?
sao sala
Cần hội thảo việc đưa ký tự F, J, Z, W vào bảng chữ cái
Tôi ủng hộ việc đưa các ký tự F,J,Z,W vào bảng chữ cái tiếng việt. Nhưng đây không phải là một việc làm đơn giản của ngành giáo dục, nó ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống văn hóa xã hội. Chúng ta nên sử dụng những ký tự này trong các trường hợp tiếng Việt chưa có, những từ ngữ mượn vay của nước ngoài trong giao tiếp. Không thay thế những từ đã sử dụng lâu đời được ghi nhận trong từ điển Việt Nam. Cần có nhiều cuộc hội thảo với các nhà khoa học của nhiều ngành để thống nhất việc sử dụng những ký tự này.
nguyễn tấn bửu
Cải cách?
Tôi không hiểu ông Alexandre de Rhodes sống dậy sẽ nói gì về vấn đề này, đã là chữ Việt thì đưa vào F, J, W, Z để làm gì?