Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

TUY PHƯỚC TRONG TÔI


Tháp Bánh ít


Người con sinh ra trên đất Phù Mỹ, lang bạt bước chân ấu thơ nơi mảnh đất Quy Nhơn và được lớn lên bởi những cái gì có thể nuôi sống con người nơi mảnh đất Tuy Phước.
Tuy Phước trong tôi không phải là Tuy Phước của địa dư hành chính, không hẳn là một huyện bao quanh thành phố Quy Nhơn. Tuy Phước là mảnh đất của sự sống, của cuộc đời và của mọi sự thăng trầm của thời ấu thơ.
Ngày xưa Tuy Phước rộng lắm, nó bao quanh thành phố Quy Nhơn chứ không như hiện nay nhiều vùng đất ngày xưa “đã lên Thành Phố”. Từ cầu Đôi đi về hướng Bắc vùng Lương Nông - Đông Định là Phước Hậu. Theo đường 19 cũ nhằm hướng tây qua ngả ba Ông Thọ đi chợ Dinh cũng thuộc Phước Hậu. Ngả ba ông Thọ rẽ trái về hướng đường Quang Trung là Phú Quề (nói theo tiếng địa phương ) cũng thuộc Tuy Phước. Rồi Phước Hải, Phước Lý gì đó nay là khu kinh tế Nhơn Hội cũng thuộc Tuy Phước. Theo nhìn nhận của cá nhân thì Tuy Phước kém An Nhơn về những cánh đồng lúa với một diện tích lớn so với huyện An Nhơn. Nhưng với dân làm nghề cá ( chài bộ ) như tôi thì Tuy Phước là mảnh đất thiên nhiên có nhiều ưu đãi. Phía Nam là sông Hà Thanh với những dòng chảy ngoằn ngoèo qua những xóm làng và ruộng đồng tạo ra nhiều vùng trũng chứa nhiều cá và có lẽ nói về cá đồng thì không đâu ngon bằng Tuy Phước. Rồi dòng sông Côn chảy từ cầu bà Di theo hướng Đông qua Phước Lộc – Phước Hòa – Phước Thắng xuôi ra biển ở đập Kiến Thiết tạo ra những cánh đồng tươi mát.
Ngày xưa, khi còn nhỏ mẹ tôi sai đi chợ Tháp Đôi mua rau muống. Mẹ tôi dặn đi dặn lại lá phải mua đúng rau muống chợ Dinh. Tôi vòng qua các nơi bán rau, lật tìm những bó rau nào có hai chữ chợ Dinh thì mới chịu mua. Nhưng có loại rau muống nào có chữ như vậy đâu.
Phải nói vùng chợ Dinh là nơi chuyên trồng rau muống và là nơi cung cấp rau cho thành phố Quy Nhơn ngày ấy. Rau được trồng không thành luống, mà đa số ở các vùng đất trũng nước xăm xắp chừng vài cm. Người trồng rau rất coi trọng cây rau, họ bó rau bằng sợi dây chuối chứ không bằng lạt tre, vì sợ rau bị dập ở thân không ngon. Mỗi sáng, rất nhiều xe lam ba bánh chở đầy ắp rau muống từ hướng chợ Dinh xuôi về thành phố. Rồi những cô thiếu nữ tuổi mười tám đôi mưoi gánh rau muống xanh mơn mởn như các cô nàng. Rau muống chợ Dinh cọng nhỏ, thân mềm khi luộc lên có màu xanh mượt. Theo lời người dân kể thì do đất vùng này hạp với loại rau muống, hơn nữa bón phân bò ( phân hóa học thời đó rất ít ) nên cọng rau nhỏ và mảnh. Khi luộc xong nước rau muống trong xanh và chỉ thêm mấy vắt chanh thì đã có món canh dân dã trong các bữa ăn gia đình. Nhưng tuyệt vời nhất khi có những cơn mưa đầu mùa, sáng ra thịt ếch bán đầy các chợ. Thịt ếch băm nhỏ, xào lướt qua, đem nấu canh với loại rau muống chợ Dinh thái nhỏ thì không chê vào đâu được.
ĐẤT GÒ BỒI.
Cho đến giờ tôi vẫn chưa biết vì sao người ta gọi nơi đó là Gò Bồi. Những địa danh của tỉnh Bình Định có quá nhiều nơi có chữ Gò như Gò Gai, Gò Găng, Gò Chim, Gò Sành… Theo nghĩa thông thường Gò là miếng đất nhô lên hơi cao so với xung quanh, rất nhiều nơi lấy nơi đây làm nơi chôn cất người qua đời. Nhưng cũng có nơi Gò là mảnh đất gần chân núi, nơi đó người ta không cấy được lúa, chỉ trồng các loại hoa màu như củ nghệ, củ mặc, củ mỡ, củ kiệu, củ gừng, mía… như vùng Mỹ Cát, Mỹ Tài, Mỹ Quang, Mỹ Chánh của huyện Phù Mỹ và Cát Tài, Cát Minh của huyện Phù Cát. Ta vẫn thường nghe từ “ đất Gò ” có lẽ nói về trường hợp này chăng ?
Tôi không phải là dân Tuy Phước nên cũng không biết nguồn gốc địa danh Gò Bồi thuộc xã Phước Hòa cũng là điều dễ hiểu.
Gò Bồi là khu vực nằm bên bờ của nhánh sông Côn chảy từ cầu Bà Di thuộc xã Phước Lộc theo hướng Đông qua xã Phước Hòa và ra đầm Thị Nại. Gò Bồi có lẽ là tên một vùng đất, một khu vực chứ không phải là tên của một thôn. Tôi chỉ nghe thôn Huỳnh Giản, Tân Giản và Tùng Giản…chứ không thấy tên thôn Gò Bồi.
Qua khỏi Gò Bồi về hướng Bắc là xã Phước Thắng, xã cuối cùng của huyện Tuy Phước giáp với xã Cát Chánh huyện Phù Cát, nơi có địa danh Gò Chim.
Bờ của nhánh sông Côn chảy qua khu này khá cao. Phía bờ Bắc có một con đường chạy dọc theo mé sông xuống giáp với đầm Thị Nại.
Những năm đầu mới giải phóng, người dân Gò Bồi lưu lạc khắp nơi bắt đầu trở về chốn cũ. Người dân nơi đây sống bằng đủ thứ nghề chứ không thuần nông hay thuần biển. Những người lớn tuổi thời ấy hay nói về sự nổi tiếng của nước mắm “ Dạn Gò Bồi ”. Người địa phương gọi là Dạn thay cho Vạn có nghĩa là làng chài.
Tôi không biết ngày xưa nước mắm Gò Bồi ngon, nổi tiếng đến mức nào. Nhưng cũng phải thừa nhận là nhà nhà nơi đây đều có làm nước mắm. Bà con nơi đây những năm chiến tranh tản cư vào Quy Nhơn tụ tập khá đông tại đường Bạch Đằng, phía sau Nhà Đèn ( Sở Điện Lực nằm trên đường Trần Hưng Đạo hiện nay ), một trong những khu vực chế biến nước mắm nổi tiếng ở Quy Nhơn.
Tôi chưa hề quan sát qui trình làm nước mắm của người dân nơi đây. Chỉ nghe kể và thưởng thức các loại mắm và nước mắm của vùng đất Gò Bồi. Tôi thấy họ muối cá trong một cái thùng gỗ tròn to lắm, đường kính miệng cỡ 3 – 4m cao quá đầu người. Thùng này được ghép lại bằng nhiều thanh gỗ bề ngang bằng gang tay. Xung quanh được trét một loại dầu như dầu Rái dùng để trét ghe, sõng, không cho nước mắm rò rỉ ra ngoài.
Cá có nhiều loại thì mắm cũng phải có nhiều thứ.
Con cá Cơm thì làm mắm nhĩ, mắm cái ( còn nguyên con cá ). Cá Nục thì làm mắm đục cả mắm trong luôn. Cá Ngừ phần ngon nhất để làm mắm là phần ruột, nên có món mắm ruột. Mắm này chỉ sử dụng trong thời gian ngắn. Mắm ruột chưng lên, cà dĩa xắt ( thái ) mỏng quết vào thì hỡi ôi còn gì ngon hơn nữa. Mỗi khi về quê trở lại miền Nam tôi đều mang theo món mắm này làm quà. Anh em quê Nghệ An, Hà Tĩnh rất khoái món mắm rất đơn sơ và tuyệt vời này. Cá Thu làm mắm ở phần thân, còn phần đầu thì nấu ngọt với trái thơm cũng không thể chê vào đâu được. Nước mắm cá Thu thuộc loại hàng cao cấp trên thị trường ngày đó.
Người dân Gò Bồi chỉ dùng nước mắm nguyên chất, họ không dùg nước mắm đã được pha chế với các loại gia vị khác như tỏi, chanh, đường , bột ngọt …
Những năm tháng trôi dạt đến vùng đất Gò Bồi, tôi không mang theo gì cả. Mua lon gạo thần nông 732 hay lúa thơm, mượn cái nồi nhóm bếp bên hàng tre dọc sông. Vài con cá nướng lên dằm với nước mắm, cộng với những thứ rau tập tàn quanh ruộng như rau dền , rau sam, đọt nhãn lồng là đã có bữa cơm ngon lành rồi.
Người dân Gò Bồi có cách thử nước mắm rất chuyên nghiệp. Chỉ cần cho nước mắm vào cái chén sành, lắc qua lắc lại cho nước mắm sóng sánh trên thành chén, nhìn những gợn nước mắm chảy xuống là có thể biết nước mắm ngon hay dở. Cũng có người thử bằng lát đu đủ hay bằng mắt thường.
Chuyện bây giờ mới kể.
Cách đây vài năm, tôi đưa con về quê ngang qua Gò Bồi. Tôi ghé lại thăm những người quen năm xưa.
Ghé vào một cái quán ngay dưới chân cầu Gò Bồi, anh bạn chỉ kêu có một món duy nhất đãi cha con tôi : Thịt heo luộc cuốn bánh tráng.
Thật tình mà nói thì món này không là cao lương mỹ vị. Rất dân dã là đằng khác. Nhưng đối với Gò bồi nó có một điều đặc biệt mà nơi khác không thể có : chấm với nước mắm cá Thu.
Thằng con tôi ngơ ngác với dĩa rau sống. Những lát chuối chát ( chuối hột ) xắt mỏng dài theo trái chuối, rồi mấy lát khế và rau thơm.
Sinh ra và lớn lên trên đất miền Đông Nam bộ, có bao giờ nó thấy rau sống có chuối chát và khế đâu. Nước mắm là nước mắm chanh pha chế rất điệu nghệ theo cách ăn của người miền Nam. Mỗi lần ăn người ta khuấy lên cho đều thấy hạt ớt xoay tròn theo vành cái thẩu đựng nước mắm. Lần đầu tiên cu cậu thấy nước mắm lấy từ trong thùng mắm ra.
Nghe anh bạn tôi nói như đinh đóng cột rằng : nước mắm nơi đây chỉ ăn một lần là không thể nào quên. Nể lời anh bạn tôi, thằng con tôi mới chịu ăn nước mắm cá Thu nguyên chất, dằm thêm trái ớt kim vào chén nước mắm. Những cuốn bánh tráng thịt heo, thêm lát chuối, lát khế, thong thả chấm nhẹ vào chén nước mắm… Vị ngọt và béo của thịt, vị chua của khế, vị chát của những lát chuối chát…hòa lẫn với hương vị nước mắm cá Thu nguyên chất… nước mắt giàn giụa khi ăn, mới thưởng thức nó ngon thế nào.
Từ dạo ấy nước mắm trong bữa ăn hằng ngày được gửi từ ngoài quê vào. Thương hiệu nước mắm Tám Phú, Mười Thu, Tam Quan, Gò Bồi luôn có trong nhà. Chỉ một lần và chỉ một lần duy nhất, con tôi đã biết hương vị của nước mắm nguyên chất Gò Bồi. Có ai từ ngoài quê vào ghé thăm, các con tôi đều hỏi “ Có mang cho nhà con nước mắm và mắm ruột không ? ”. Đơn giản chỉ có thế , nhưng phải mất nhiều năm con cái tôi mới có thể biết thưởng thức những món ăn mang dấu ấn quê nhà. Nhưng chậu rau cải Rổ luôn được chăm sóc cẩn thận. Những lùm là giang luôn được tưới nước thường xuyên. Đâu ai có thể ngờ rằng dây lá giang mọc tùm lum trên những đồi trọc của đất miền Trung, nấu canh với thịt gà là món đặc sản. Thỉnh thoảng cũng nấu canh lá giang với mắm ruốc nguyên chất từ quê gửi vào. Chuyện con cái bắt chước và biết thưởng thức món ăn dân dã của mảnh đất gốc gác nguồn cội là một niềm vui nho nhỏ của những người xa xứ .
Một ai đó đã nói rằng : Vị mặn trong máu là dấu vết ngàn đời của biển cả còn lưu lại nơi đời sống của con người, thì trong những vần thơ của thi sĩ tài hoa Xuân Diệu, ắt hẳn có mang hương vị mặn Gò Bồi.
Gò Bồi – Tuy Phước như một định lý về vòng tròn, được khép lại giữa sắc màu lóng lánh và hương vị của biển, với dòng nhựa tươi ròng chất lãng mạn trong thơ .