Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

TRUYỀN GIÁO TRÊN QUÊ TÔI

(Nhà thờ Gò Chung, Mằng Lăng)


Lm. Giuse Nguyễn Đình Bút
Cha sở Gia Chiểu

Quê tôi là những gì tôi lớn lên cưu mang, nơi đó có cha mẹ ông bà anh chị em tôi. Có ruộng lúa nương dâu, có con trâu đàn cò, xa xa ánh chiều xuống, lũ ếch nhái lên đàn. Tôi yêu quê tôi biết bao. Ở đâu có một quê hương không bao giờ trở thành quá khứ ? Thiên đàng, Thiên đàng và Thiên đàng. Chốn ấy phải có cha có mẹ có người thân và bạn bè. Hôm nay tôi truyền giáo.
PHÁT XUẤT TỪ SỰ ĐÓN NHẬN ƠN CHÚA
“Vâng lệnh Chúa Cứu Thế và theo thể thức Người dạy chúng ta dám nguyện rằng: Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến…”
Vâng, khởi sự loan báo Tin mừng đi từ Thiên Chúa. Ngài là khởi điểm và cùng đích “từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa”. Thánh Phaolô vị Tông đồ dân ngoại nói riêng và các Thánh qua mọi thời nói chung đã đi con đường như vậy và kết quả được như Giáo hội hôm nay. Thường người ta chú ý hay nói về Thánh Phaolô bắt đầu từ cú ngã ngựa trên đường Damax. Nhưng nhìn kỹ chúng ta thấy rằng Thiên Chúa đã chọn Ngài từ ngàn xưa để làm tông đồ dân ngoại rồi. Thứ nhất, Ngài được sinh ra đúng nơi đúng thời mà lệnh truyền của Chúa Giêsu “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ  giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” còn nóng hổi có phải là điều ngài muốn là được không. Thứ hai, kinh nghiệm của ngài về Đức Giêsu là một kinh nghiệm duy nhất có một không hai cũng không bởi ngài mà có. Thứ ba, lời rao giảng của ngài được dân ngoại đón nhận mau mắn nhờ sự biến đổi từ kẻ bách hại đạo Chúa trở thành người rao giảng cho Thiên Chúa. Chính ngài cũng không ngờ quá khứ của mình lại trở nên lợi hại trong rao giảng như thế. Rõ ràng, cuộc đời của Phaolô nằm gọn trong chương trình của cứu độ của Thiên Chúa.
Mỗi chúng ta hôm nay cũng vậy, được sinh ra, lớn lên trong môi trường hiện tại cũng không do ý của chúng ta. Hoàn cảnh và môi trường có khác so với thời của Phaolô nhưng lệnh truyền của Chúa Giêsu về rao giảng vẫn còn mới như hôm qua đây. Cánh đồng vẫn bao la và phong phú không kém. Sự khao khát đợi chờ Tin mừng (tin tốt lành) của dân ngoại vẫn cháy bỏng. Ai không biết tiền bạc của cải vật chất đời này là bọt nước đông rồi lại tan. Nhưng người ta vẫn phải lao theo nó là vì người ta mất phương hướng bị cuốn hút bởi trào lưu hưởng thu, mê tín hay vô thần. Không nói ra, tự trong thâm tâm họ rất cần được cứu vớt. Họ mỏi mệt rả rời chạy theo những giả tạo trần thế. Càng vun đắp càng trống rỗng, càng kín múc càng không có gì trong túi tham không đáy của họ. Thay vào đó những tháng ngày chất lên tuổi đời mà không sao ngăn chặn được. Khắp nơi đều có tiếng “ai đó cứu tôi”, cánh đồng các linh hồn đang chín vàng.
Vì phát xuất từ ơn Chúa, chúng ta không được xem thường những gì mình đã có và đang có. Quá khứ chúng ta có là gì cũng không đến nổi như Phaolô ôm áo cho người ta ném đá Stephanô. Vậy đừng ai bảo rằng mình không xứng để rao giảng hay không có khả năng để giới thiệu Chúa Giêsu cho người anh em mình.
Ra đi phải phát xuất từ Chúa và cho Chúa. Ví dụ hôm nay tôi đi thăm người anh em với mục đích mời gọi anh em đó đón nhận Tin mừng của Chúa, tôi nên dành ít phút cầu nguyện trước khi xuất hành cho mình biết việc phải làm và cho anh em mình được Chúa Thánh Thần soi sáng mở lòng mở trí đón nhận Tin Mừng của Chúa. Khi chúng ta cầu nguyện như thế chắc chắn Thiên Chúa làm việc trước trong anh em mình. Và chính anh em mình cũng cảm nghiệm được một sự rộng mở lạ lùng khi chúng ta cầu nguyện cho họ. Trước khi làm việc gì biết chạy đến với Chúa sẽ giúp chúng ta tập trung vào công việc mà không bị xao lảng. Mất tập trung rất có thể chúng ta sẽ bị ma quỉ đánh lừa. Thay vì nói chuyện niềm tin thì chúng ta nói chuyện của những kẻ làm kinh tế hay chính trị từ trong nước ra ngoài nước… cuối cùng đi về mới nhận ra rằng mình bị ma quỉ lừa dối. Có nhiều người định nói điều đó từ nhà nhưng đến nơi thì lại không mở miệng ra được là như vậy
TRANG TRẢI ƠN HUỆ CHÚA BAN BẰNG MỘT TÌNH YÊU THÔI THÚC
Tôi chỉ có thể yêu người thật sự khi tôi cảm nghiệm sâu sắc Thiên Chúa đã yêu tôi trước và yêu hơn tôi yêu người khác nhiều. Đúng vậy, Thánh Phaolô đã cảm nghiệm được điều đó trước khi Ngài ra đi rao giảng “có gì chúng ta có mà đã không đón nhận đâu”. Ra đi trong một cảm nghiệm như thế còn là một bổn phận vì “đã nhận nhưng không thì cũng phải cho nhưng không”. Cho nhưng không là đặc tính của tình yêu.
Hãy để cho ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa đốt lên trong ta ngày nào được cháy sáng mãi trong lòng chúng ta. Nếu tình yêu Thiên Chúa là dầu được rót đầy trong lòng chúng ta qua Cầu nguyện và Thánh lễ thì chất liệu để dầu bốc cháy là những cố gắng, hy sinh và bác ái trong đời sống chúng ta. Được tình yêu thôi thúc cũng có nghĩa là được Thiên Chúa thôi thúc vì “Thiên Chúa là tình yêu” (Ga14, 1). Tình yêu sẽ bảo đảm cho chúng ta một cách an toàn và tự do đến độ không sợ gì cả “yêu đi rồi muốn làm gì thì làm” (Augustino).
Cuộc sống hôm này văn minh và thuận lợi nhiều mặt trong cuộc sống nhưng xem ra khó khăn mỗi ngày một hơn. Muốn hưởng thụ, con người phải chay theo cho kịp để hít thở sự văn minh và hưởng thụ đó. Ai chậm trễ sẽ không có sự hưởng thụ kia. Vì vậy một đứa bé còn trong lòng mẹ mà người ta đã huấn luyện cho nó kỉ năng ra ngoài chạy đua với cuộc sống. Nào là nghe nhạc, nào là người mẹ phải uống sửa nào cho con mình thông minh… và khi chập chửng đến trường, trên lưng đã phải cỏng chiếc cặp táp đến 3-4 kg. Lớn lên, phải bôn ba học hành, không có ngày Chúa nhật để người ta có bằng gì mình cũng phải có bằng đó. Ra cuộc sống phải bon chen bất kể luồn cúi cấp trên hay chà đạp kẻ dưới.  Chúng ta đang sống trong một xã hội như thế, làm sao chúng ta tránh được sự chi phối của môi trường. Việc đạo dễ bị gạt ra ngoài cuộc sống của một Kitô hữu. Chính người Kitô hữu cũng không ngại khi nói rằng “đi lễ có xu nào đâu”. Mọi thứ được đánh giá dựa trên cái túi. Túi càng lớn càng được người ta táng thưởng và nịnh hót.
Theo Chúa Kitô là chấp nhận thiệt thòi vì danh Chúa và vì người khác. Theo Chúa Kitô không có nghĩa là tiêu cực hay iếm thế. Thật sự theo Chúa Kitô là mưu ích phần rỗi cho tôi và cho các linh hồn. Theo Chúa Kitô là điều chỉnh sự văn minh và khích lệ sự tiến bộ trong sự sống. Văn minh không có sự sống là thứ văn minh điên rồ. Là Kitô hữu, tôi phải có bổn phận kêu gọi và giành lại sự sống. Vì bổn phận này mà tôi phải chịu thiệt thòi hơn, thiệt thòi để xít lại gần hơn những khoảng cách giàu nghèo, hòa chung niềm vui trong sự khác biệt chủng tộc màu da tôn giáo. Dành lại những đôi chân rả rời vì phải chạy theo những ảo ảnh của trần thế. Bổ sức cho những đôi vai gánh nặng và những tâm hồn tan vỡ. Chúa Kitô là một định hướng mới được canh tân những bước chạy trên thao trường. Được tách rời khỏi vòng nô lệ tội lỗi.
“Ngày đó Chúa sẽ đền bù những thiệt thòi hôm qua hôm nay” đó là lời của một bài hát mà chúng ta hay hát trong thánh lễ. Là người loan báo Tin mừng không thể không thiệt thòi hôm nay nhưng xác tín rằng tôi sẽ được đền bù gấp trăm nghìn lần trong mai sau. Xác tín niềm tin nảy sinh tình yêu, không đòi hỏi, không cau nệ, không nản chí khi phải đối diện với khó khăn và thay vào đó là hăng say, tin yêu và dấn thân hơn nữa. Rồi chúng ta chúng ta sẽ thuộc trọn về Chúa khi nhận ra rằng “tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là chính Đức Kitô sống trong tôi”(Gl 2, 20). Không có tình yêu Đức Kitô sẽ không thể nào lý giải được sự dấn thân loan báo Tin mừng cho anh em mình một cách điên rồ được. Bản chất của tình yêu là cho không thì đòi hỏi của tình yêu là không được chậm trể “khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin mừng”(1 Cr 9, 16). Sắc thái của tình yêu là niềm vui. Nhìn vào nổi buồn trong quá khứ, người ta có thể buồn thêm nhưng nhìn lại niềm vui trong quá khứ người ta đâu thể vui thêm lần hai. Niềm vui chỉ có ở hiện tại với những sống động của nó. Niềm vui không có ngồi đó nhìn mà phải làm gì đó cho hôm này và chính giờ phút này.
TRUYỀN GIÁO NGHỀ DẠY NGHỀ
Có lẽ không ai trong chúng ta không bị thôi thúc bởi lời mời gọi của Chúa Giêsu “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”. Nhưng đa số trong chúng ta hay ngần ngại vì sợ mình không có khả năng và dễ trở thành trò cười cho thiên hạ. Không sao “vạn sự khởi đầu nan” là chuyện bình thường. Những lần ra ruộng đầu tiên làm sao không vụn về khi cầm lưỡi hái. Nhiều khi bị đứt tay đổ máu nữa. “Đừng sợ” là hai từ thường dùng nhất của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II khi nói chuyện với giới trẻ. Bên chúng ta luôn có Thiên Chúa làm việc và đồng hành. Về phía chúng ta, loan báo Tin mừng nghề sẽ dạy nghề.
Có thể chúng ta nhìn vào kết quả tốt đẹp ở hiện tại làm niềm vui nhưng không ai được phép nhìn vào những thất bại hiện tại mà chán nản. Nếu bi quan với hiện tại trái ý đã không có câu “thất bại là mẹ thành công”. Vậy trong những thất bại lần đầu tự nó đã tiềm ẩn những thành công chờ ngày nở rộ.
Ai trong chúng ta không cảm nghiệm được sự vụn về của lần đầu tiên làm công việc loan báo Tin mừng. Khó nói chuyện và khó đề cập vô cùng. Nhưng rồi tất cả chúng ta đều đã làm được. Chúng ta khôn ngoan và can đảm lên từ bao giờ không biết có lẽ Chúa Thánh Thần nói và làm việc trong chúng ta. Sự cố gắng luôn luôn được bù đắp xứng đáng. Ngược lại, không có sự cố gắng của chúng ta để Thiên Chúa làm nền như năm chiếc bánh và hai con cá chắc chắc Thiên Chúa không ban ơn. Không có ơn hoán cải người khác mà chính mình cũng bị mất dần “ai có cho thêm, kẻ không có ngay cái nó có cũng sẽ bị lấy đi”.
ĂN CÂY NÀO RÀO CÂY ĐÓ
Thường người ta trồng được nhưng bảo quản và chăm sóc ít khi người ta làm được. Có những nguyên do của nó:
Bệnh thành tích là một trong những căn bệnh lây lan khắp nơi trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Chúng ta đang sống trong một xã hội mà mọi người đều chạy theo thành tích làm sao chúng ta không bị ảnh hưởng. Thành tích gắn liền với con số. Làm sao cho con số được tăng lên để ăn nói. Vì quá chú trọng vào con số nên bỏ qua hay không coi trọng phần chăm sóc. Thất thoát là điều đương nhiên. Một người trở lại đạo coi như chúng ta hết trách nhiệm. Con đã giao cho cha rồi công việc con chừng ấy. Chúng ta đâu biết hành trình trở lại mà bí tích Rửa tội chỉ là khởi đầu, một khởi đầu rất cần được hướng dẫn, đồng hành và nâng đỡ. Một cô giáo dạy văn cấp III kể cho tôi nghe về niềm vui của cô khi thấy người công giáo biết yêu thương và tận tình phục vụ. Người thân của con mất các họ đạo đã đọc kinh liên tục không mệt mọi đến nỗi giờ con cũng biết lần chuỗi luôn đó cha. Cô giáo ấy mới trở lại đạo mà chính tôi dạy giáo lý cho cô. Sau hơn hai năm cô ấy mới biết lần chuỗi nếu không có dịp đám tang người thân của cô thì có lẽ đến giờ cô ấy cũng chưa biết lần chuỗi. Bệnh thành tích làm chúng ta vội vàn không dạy dỗ và hướng dẫn một cách kỉ càn. Cây trồng không chuẩn bị tốt khâu làm đất chắc chắn tỉ lệ sống không cao và nếu có sống cũng không sinh hoa kết quả nhiều. Khi gặp gió bão nó dễ trốc gốc vì rễ bám không sâu.
Cùng với căn bệnh thành tích là sự hưởng thụ. Khi người ta kí được một hợp đồng trước hết là phải nhậu. Con cái thi đậu là phải khao chòm xóm bạn bè. Làm về mệt là đương nhiên chiều được đi nhậu. Có những cô vợ không ngại nói với chồng “làm sao làm cứ ngày có 100 nghìn đưa đây là được”… Trong công việc tông đồ chúng ta cũng vậy, sau khi tìm được một người trở lại mặc nhiên chúng ta được giai lao và khoát lác. Nên nhớ Chúa Giêsu Thầy chúng ta làm việc liên lỉ “Cha ta làm việc liên lỉ, ta cũng vậy”. Hưởng thụ khác với niềm vui, hưởng thụ là đòi hỏi và kiêu ngạo, niềm vui là sự khích lệ để tiếp tục làm việc hăng say hơn. Niềm vui thật sự là niềm vui trong sâu thẳm của lòng mình như Mẹ Maria “linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, Thần trí tôi hớn hở vui mừng..”
Cũng phải thừa nhận chăm sóc khó hơn trồng “theo đạo thì dễ giữ đạo thì khó”. Chăm sóc cần thời giờ mà chúng ta lại quá bận bịu với bao nhiêu công việc của cuộc sống. Khó tránh khỏi sự mọi mệt ương lười. Mặc khác về phía anh chị em mới trở lại đạo, họ cũng có những giới hạn của họ, giới hạn đến từ gia đình, bạn bè, dòng tộc và xã hội nữa. Họ thường xuyên bị tấn công “sao mầy trở lại đạo, gia đình mầy có thiếu thốn gì đâu, ông bà cha mẹ mầy zầy mà mầy zẫy…”. Họ bị tấn công nhiều cũng có nghĩa họ cần được nâng đỡ ủi an thường xuyên. Khi cộng đoàn chúng ta không đáp ứng được nhu cầu đó, họ có cảm giác chúng ta bắt đầu bỏ rơi họ.
Chúng ta đã trồng hãy cố gắng chăm sóc và bảo quản nếu không sẽ luống công. Anh chị em mới trở lại rất cần sự thăm viếng diều dắt và nâng đỡ. Họ đang bị tấn công tư bề “ma quỉ như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé”.
Quê hương tôi yêu lắm nhưng bám víu như thể không bao giờ qua đi tôi lại đánh mất chính mình và dẫn ngươi khác tiếp tục lầm lạc. Tôi yêu quê hương này là quán trọ để từ quê hương này tôi vào chốn QUÊ HƯƠNG VĨNH CỮU. Nơi đó phải có anh chị em mình, Thiên đường có mình ta một Thiên đường buồn biết mấy. Chúng ta cùng rao giảng Tin mừng và khi chúng ta làm điều đó Thiên đường phủ xuống trên đời sống chúng ta rồi.