Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

CHA PHANXICÔ XAVIÊ HUỲNH CÔNG ẨN (1842-1923)

Mộ phần cha F.X. Huỳnh Công Ẩn tại nghĩa trang các linh mục ở Làng Sông
nhìn về nhà thờ Tân Dinh

Trích Mémorial de Quinhon,
số 23, Février-Mai 1923, tr. 161

Cha Phanxicô Xaviê Ẩn sinh ra năm 1842, tại họ Thác Đá; cha mẹ là Phanxicô và Matta Qưới. Khi khôn lớn, giúp cố Từ; cố cho vô trường Làng Sông; học đó một năm, đoạn qua Pi-nang học Latinh và sách đoán bảy năm.
Khi trở về, bề trên sai giúp Cha Chương ở Phú Thượng, rồi vô giúp cố chính Hân (Mgr. Van Camelbeke) ở Gia Hựu năm 1869. Năm 1872 dạy tiếng cố Kính tại Tân Quán; qua năm sau về trường Làng Sông dạy học trò. Năm 1878 học sách đoán tại Gò Thị; qua năm sau chịu chức cắt tóc, rồi trở vô trường Làng Sông dạy học trò; đến năm 1881 chịu chức bốn và chức thầy năm, đoạn ra coi nhà mồ côi Gò Thị. Năm 1882 Đức Cha Lợi đau về Tây, cố chính Hân sai người và thầy năm Nhứt vào Sàigòn chịu chức thầy sáu; qua năm 1883 cố chính Hân lại mời Đức Cha Mĩ (Mgr. Colombert) ra Bình Định phong chức thầy cả cho người tại Làng Sông.
Cha Phanxicô chịu chức đoạn, Bề trên sai vào coi sóc bổn đạo Phan Rí và Phan Thiết. Khi ấy Phan Rí và Phan Thiết có sáu sở mà thôi, số bổn đạo chừng bảy tám trăm; phần xác cũng đủ dùng, song phần hồn thì thiếu thốn lắm. Một mình cha lặn lội vào ra, thăm viếng các sở, khuyên răn dạy dỗ, giảng giải cho ai nấy đặng thấm thía đạo mầu; đàng sá xa xôi, khi thì phải qua những bãi cát rất mệt nhọc, lại đầy những quân cướp đón ngăn; khi lại phải đi đàng rừng rú giữa voi, cọp gấu rất đỗi hiểm nguy; song Cha cũng cứ ra vô luân chuyển cả năm, chẳng quản chi mệt nhọc nguy hiểm.
Năm 1885 Cha về Bình Định cấm phòng; chẳng may bị Văn Thân nổi loạn, Đức Cha, các Cha và bổn đạo chạy xuống trú tại Qui Nhơn, thì Cha cũng phải chạy theo xuống đó. Cách ít lâu nghe rằng Nha Trang và Phan Rang còn nhiều bổn đạo trốn ẩn trên núi, thì Đức Cha mướn một chiếc tàu và sai cố Bửu với cha Ẩn đi cứu bổn đạo Nha Trang. Tàu tới nơi hai Cha cất bộ lên đất, bắn tin cho bổn đạo các nơi, thì có chừng 700 người kéo xuống bãi; các cha bắt ghe chở ra tàu; khi ấy biết mọi người mừng rỡ cùng cám ơn Chúa là dường nào! Tàu chạy luôn tới Sàigòn, thì hai Cha đem bổn đạo lên đất; nhờ ơn Đức Cha Mĩ, các Cha và bổn đạo thấy kẻ bị gian nan khốn khó mà động lòng thương xót; kẻ giúp của ăn, người cho áo mặc, kẻ lo chỗ ở; nên cũng tạm an. Hai Cha lại trở về Qui Nhơn mà lo cứu kẻ khác.
Vậy Đức Cha lại mướn tàu khác và cũng sai hai Cha trở vô cứu bổn đạo Phan Rang. Tàu tới nơi, bổn đạo nghe tin, đâu đó rùng rùng kéo xuống bãi. Chẳng dè chúa tàu thấy đông đảo người ta thì tưởng là quân giặc, nên chẳng chịu cho tam bản lên rước; dầu hai Cha năn nỉ nài xin thể nào cũng chẳng nghe; khỏi ít giờ tàu kéo neo chạy ngay vào Sàigòn, bỏ bổn đạo cho quân dữ mặc sức đâm giết phân thây; biết khi ấy hai Cha đau đớn thương tiếc là dường nào!
Đến sau … Cha Phanxicô và bổn đạo cũng về, thấy mọi nơi quân giặc phá tan hoang bình địa… (Cha) phải cất lại nhà thờ nhà vuông các sở, phần thì phải giúp bổn đạo cho có nhà ở, có nghề nghiệp làm ăn; lại còn lo lập sở mới nữa. Cha chạy đủ phương, lo khai khẩn vỡ bạt, sắm trâu sắm bò, chia ruộng đất và trâu bò cho bổn đạo làm ăn; nhờ cha trợ giúp như vậy, thì lần lần được an cư lạc nghiệp.
Cách ít lâu Bề trên sai cố Đức vào Phan Thiết; bấy giờ hai Cha lại đồng công hiệp lực mà lập thêm nhiều sở mới; Cha Phanxicô cũng vô lập hai sở Cù Mi, La Gi, rồi trở ra Phan Rí, sau lại đổi về Phan Rang.
Năm 1904, Bề trên đổi về Bình Định coi sóc địa phận Tân Dinh. Cha ở luôn đây gần 20 năm làm việc sốt sắng hẳn hoi chẳng thua chi lúc ở Bình Thuận; lo sửa nhà thờ nhà thánh, dạy dỗ bổn đạo cho thuộc biết kinh thiên lẽ đạo; lập thêm một sở mới là Phong Thạnh tại Trường Úc. Thường hễ có rảnh thì Cha lãnh dạy chầu nhưng bao đồng; mấy điều mắc mỉu khằn khịu các thầy kéo không chạy, qua tay Cha đều xuôi cả. Cha có lòng thương kẻ khó cách lạ lùng, dầu lúc già cả yếu đuối cũng chống gậy lụm khụm đi thăm viếng; không nhà ở, Cha cho nhà; lợp không nổi, cha lợp giùm; không nghề làm ăn, Cha giúp vốn; đói khát, Cha chạy ngõ nầy mượn ngõ kia mà cho chác; như có năm kia cơ cẩn Cha mượn hết 100 vuông lúa của nhà trường mà phân phát cho bổn đạo; cho nên nói đặng như thánh Tông đồ rằng: Quis infirmatur, et ego non infirmor (“Có ai yếu đuối mà tôi không cảm thấy mình yếu đuối” - 2 Cr 11, 29). Bởi đó khi Cha qua đời thì ai nấy khóc lóc thương tiếc không làm chi cho khuây đặng.
Tính khí Cha cương trực khẳng khái; nhưng mà hằng vưng lời chịu luỵ Đứng bề trên; dầu sai đi đâu dạy làm việc gì, cũng chẳng khi nào thấy phàn nàn năn nỉ. Cách ở đơn sơ khó khăn, không ưa sự phô trương loè loẹt; có của bao nhiêu thì để làm phước làm phận; cho nên khi qua đời coi lại trong rương thì áo quần chẳng còn mấy cái, tiền bạc sạch trơn.
Cha Phanxicô đã đầy công nghiệp, nên Chúa định thưởng người. Vậy ngày 7 Februariô Cha phát đau nặng chừng hơn nửa tháng, nhờ tốt thuốc men may được khoẻ lại, đi ra đi vô trong nhà, ai nấy đều mừng, có bụng trông. Chẳng dè nhơn dịp chôn xác cố Thọ, Cha thấy vậy cũng động lòng, nhớ công ơn cố đã lo giảng cấm phòng đôi phen, nên ráng đưa cố tới phần mộ một phen sau hết; về đến nhà phát mệt nổi ho, đau đớn nhức nhối cả mình, lại tức tối lắm, đến đỗi nhiều lần muốn đứt hơi. Cha chịu làm vậy luôn một tuần, chẳng phàn nàn năn nỉ chút nào; ai vào thăm, Cha cũng chuyện vãn vui vẻ. Bịnh càng ngày càng nặng, nên Cha chịu các phép. Đến ngày 11 Martio, giờ thứ 6 chiều, Cha biết trong mình đã gần giờ lâm chung, thì biểu mấy người giúp rằng: “Chúng con hãy lần với Cha một chuỗi cho sốt sắng hết sức”. Lần hột rồi Cha biểu đem đèn soi coi sắc diện Cha ra thể nào, thì thấy đã ra khác lắm; các Cha vào thăm an ủi thì Cha trả lời tỉnh táo: sẵn sàng vưng theo thánh ý Chúa mọi đàng. Khi ấy bổn đạo đọc kinh tối vừa rồi cũng vào thăm, thì Cha biểu quỳ ngoài hè nhà vuông mà làm việc Đức Mẹ; làm việc gần rồi thì Cha biểu kêu hết vào trong nhà, đoạn dạy mấy người giúp đỡ Cha đứng dậy mà nói cùng bổn đạo rằng: “Ớ chúng con, bấy lâu nay Cha ở cùng chúng con, Cha có làm điều gì mất lòng chúng con thì xin chúng con thứ tha cho Cha; chúng con có bằng lòng chăng?” Mọi người thưa lại “Dạ”, thì Cha biểu đỡ nằm xuống, liền tắt hơi cách êm ái dịu dàng, không thấy hấp hối mệt nhọc bao lăm. Độ giờ thứ 9 tối, hưởng thọ 81 tuổi.
Sáng ngày 13 làm lễ qui lăng trọng thể, Cha Marinô Tú làm chánh tế, Cha Vêrô Huy phó tế, Cha Vêrô Phước tiểu phó tế; Đức Cha và các Cha tây nam chầu lễ hơn 20 đứng, có các học trò nhà trường và các chị nhà phước Làng Sông; bổn đạo các sở tựu tới đông lắm. Lễ rồi Đức Cha làm phép xác, đoạn Cha Cậy là anh bạn dì họ với Cha, cũng là đàn anh trong các Cha bổn quốc, đưa xác. Xác an táng tại thánh địa nhà trường, linh hồn Chúa cho về nơi tiêu sái.