Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

CHỈ CÓ TRỜI BIẾT!


Trịnh Nhật, PhD
Khi viết văn liên hệ đến một sự kiện, một biến cố gì mà không muốn cho người đọc biết lí do tại sao, tôi thường viết câu có tính cách châm biếm, ra điều bí mật là “Chỉ có Trời biết”—châm biếm bởi vì chính tôi cũng biết nữa chứ, đâu phải “chỉ có Trời”. Trong những trường hợp như thế, tôi thường ‘chua’ thêm tiếng Anh là “Only God knows”. Đúng theo tinh thần dịch sát câu tôi nói, đúng ngữ pháp, văn phạm tiếng Anh, chẳng ai chê được nào!
Thế nhưng, khi hội ý với một chị nhà giáo người Úc dạy tiếng Anh–chị này từ mấy chục năm trước, khoảng giữa thập niên 1980, đã có dịp học tiếng Việt với tôi ở Trường Cao Đẳng Milperra College of Advanced Education (Milperra CAE)–thì chị cho biết là người Úc họ thường nói “God only knows”.
Vì được sinh sống ở nước nói tiếng Anh là tiếng bản ngữ, nên mỗi khi nghi ngờ, hay còn thắc mắc về một nhóm chữ, cụm từ tiếng Anh nào, là tôi bèn tìm một người Úc có học, mà hỏi, mà kiểm tra cho ra.
Tin tưởng ở chị nên từ đó trở về sau, mỗi khi muốn nói đến “Chỉ có Trời biết” là tôi thêm nghĩa tiếng Anh “God only knows”. Cũng có thể tôi vì méo mó nghề nghiệp—do nghiên cứu lâu năm về kết hợp ngữ (collocations) trong tiếng Anh và tiếng Việt (1)—nên “xính” dùng những cụm từ cố định (fixed expressions) như trong trường hợp này chăng?
Xin được trích dẫn một đoạn văn dưới đây để làm bằng cớ:
“…Chuyến du lịch tìm về chốn cũ của tôi kéo dài tất cả là 5 tuần lễ: 2 tuần trong Nam và 3 tuần ngoài Bắc. Trong Nam thì có ra Vũng Tàu, ngoài Bắc thì có đi Lạng Sơn, Hải Phòng, Đồ Sơn. Mua vé máy bay khứ hồi Sài Gòn-Hà Nội tốn hơn 5 triệu đồng VN. Thời gian bay là 1giờ 45 phút.
Cũng phải nói thêm là từ cuối năm 2008 trở về trước, thì hầu như năm nào tôi cũng về, có năm lại còn về cả 2 lần nữa cũng không chừng. Lí do tại sao mà lâu không về… bển, thì … Chỉ có Trời biết! (God only knows!).”
Khi đưa lên Mạng thỉnh ý bạn bè về bài viết nói trên có tựa đề là “Chuyến đi dối già?”, thì ngoài chuyện gì khác, họ đã có phản hồi liên quan đến cụm từ “God only knows” (Chỉ có Trời biết). Người đầu tiên là anh Chu Xuân Viên ở Virginia, Hoa Kì. Anh viết:
Người Pháp nói: Dieu seul le sait.
Tôi đã nghe quen câu này từ thủa học trường Bưởi, lúc 13, 14 tuổi và sau này trong khi chuyện trò với bạn bè hay bà con người Pháp. Chả cần tra từ điển nào.
Tôi không rõ có phải người Anh, Mỹ dịch câu này hay tự nhiên nói như người Pháp. Nhưng phải chú ý đến “le” trong “Dieu seul le sait”. Như vậy tôi nghĩ mấy câu sau đây đều đúng:
Only God knows it
Only God knows why
Heaven knows
God only knows (God only là “subject”)
Anh Frank Hải Phạm, một loại Từ điển Mạng “Sống”, ở Bắc Cali, lại có nhận xét:
Có hai cách nói: “Dieu seul le sait” và “Seul Dieu le sait”. Tôi “do a little research” thì thấy rằng “Dieu seul le sait” có tính cách tôn giáo, thánh kinh, vì trong Mathew 24:36 có câu:
« Cependant personne ne sait quand viendra ce jour ou cette heure, pas même les anges dans les cieux, ni même le Fils; le Père seul le sait. » (Matt. 24 : 36).
Cả hai “Seul Dieu le sait” và “Dieu seul le sait” đều đúng. Anh Nhật không phải đang nói về thánh kinh, tôn giáo, không giảng đạo, nên “Only God knows” thích đáng hơn “God only knows”. Cũng như “God Almighty” và “Almighty God” trong tiếng Anh–khi nói về đạo thì dùng chữ “God” trước.
Anh Hải cũng xin anh Viên giải thích lý do anh nghĩ trong “God only knows”, “God only” là ‘subject’(chủ từ). Anh cũng cho biết theo anh nghĩ, thì trong tiếng Anh, không bắt buộc phải thêm “it” (“Only God knows it”/ “God only knows it”) như “le” trong tiếng Pháp (“Seul Dieu le sait” / “Dieu seul le sait”)
Anh Viên trả lời:
Tôi nói “God only” là ‘subject’ hàm ý “phrasal subject”. Only là ADJ (you’re the only one) mà cũng là ADV. Ở đây nó là ADV.
“ca appartient a lui seul” = “this belongs to him only”.
Dân gian nói “God only knows” hay “Dieu seul le sait” là do thói quen, họ không dịch cái gì hết. Tôn giáo không can dự vào đây.
Đến lượt tôi, khi hỏi 2 người Úc, anh Mark Davidson và chị Lorraine Patrick, thì tôi lại được ý kiến ngược lại. Họ cho rằng “God only knows” thường thấy nói hơn, còn “Only God knows”, khi gặng hỏi, thì họ cho biết có cảm tưởng (impression) mang màu sắc tôn giáo.
Còn anh Dave Gilbert, cũng thuộc loại Úc ròng (Dinki-di Aussie), thì lại bảo “God only knows” đôi khi được dùng ám chỉ những hiện tượng liên quan đến triết lý, sự kiện hay khoa học. Anh viết:
[Only God knows' is sometimes used in relation to philosophical, factual or scientific related phenomena, for example, 'only God knows the meaning of life', 'only God knows how big the universe really is', 'only God knows why he was taken away from us' (in the event that someone had died) etc.]
Anh còn cho biết: Nói vậy thì nói, chứ thường thường người ta nói ‘God only knows’, vì nhóm từ này đối với dân Ăng-lê phát âm dễ hơn là nhóm từ kia “Only God knows’, miệng lưỡi dễ uốn hơn khi nói:
[but usually, people will say 'God only knows'. I believe this to be the case because of the ease of phonetics associated with the combination of words more than anything. 'God only knows' rolls off the Anglo-Saxon tongue a lot easier than 'Only God knows'.]
Ngoài ra, trong câu sau, chủ yếu nhấn mạnh vào phần trước của câu nói thay vì phần sau, rồi anh cho thí dụ:
[Also, with the latter, the emphasis is on the first part of the sentence rather than what follows, for example 'Only God knows why the car won't start' sees the emphasis on the word 'God' whereas 'God only knows why the car won’t start' sees the emphasis shift to 'the car'.]
Cũng để biết thêm Dave Gilbert là ai, có thẩm quyền gì trong chuyện tiếng Anh, tiếng Việt này không, xin Quí vị đọc tiếp đoạn mở đầu lá thư anh mới viết cho tôi:
Tôi hiện đang ở Melbourne, sắp học xong Học kì Thứ 2 của Văn bằng Cao học Xã hội học (về Thông ngôn và Phiên dịch):
[… Great to hear from you. I am currently in Melbourne finishing off the 2nd semester of my Master’s Degree in Social Science (Interpreting and Translation).]
Anh nói tiếp là anh cũng chẳng hiểu tại sao mà anh lại quyết định đi theo con đường ấy, nhưng có điều thấy mình cũng học hỏi được nhiều. Theo anh, ở Úc, người ta có khuynh hướng dùng cụm từ “God only knows” nhiều hơn là dùng “only God knows’, dù rằng nghe ai diễn tả kiểu nói ấy thì thấy có vẻ hơi kì kì:
['God only knows' why I decided to go down this path, but I'm learning a lot. We, in Australia, would be inclined to use that rather than 'only God knows' although it would not appear odd to a listener to hear it expressed that way.]
Anh còn nói thêm “God only knows” gợi thêm cho người ta sự thắc mắc, hoang mang là tại sao, tại sao mà lại thế:
[As you probably know, it carries the sense of bewilderment in relation to why somebody did something or why something happened.]
Trước khi bài lên Mạng, anh Viên còn cho biết:
Trong bài, tôi có nói “phải chú ý đến “le” trong “Dieu seul le sait” mà chưa giải thích tại sao. Nay nói thêm lý do cho rõ:
1. Không bao giờ có ai tự dưng nói câu này, nghĩa là khi không thốt ra câu này.
2. Câu này bao giờ cũng được thốt ra sau một câu khác tỏ ý nghi ngờ việc/chuyện gì đó.
3. Vì vậy “le” ám chỉ cái ý nói trước đó.
4. Trong tiếng Pháp, không ai nói: “Dieu seul sait” hay “Seul Dieu sait”. Nhưng họ có thể nói mở đầu: Dieu sait que le monde souffre.
5. Trong tiếng Anh, thông thường người Mỹ nói: “God only knows” vì thuận tai hơn là “Only God knows”, tuy cũng đúng.
6. Anh để ý thấy rằng câu này (Dieu seul le sait hay God only knows) thường tiếp theo sau một câu khác. Nhưng, họ có thể mở đầu câu chuyện: God knows that … Dieu sait que …
7. Tôi không nghĩ câu này liên quan gì đến tôn giáo.
Phật tử có bao giờ nói: “Chỉ có Phật biết”?
Anh Viên viết mà tôi xin tạm diễn nghĩa là nếu chúng ta dùng chữ “God” trong nghĩa trừu tượng là ai đó có sức mạnh vạn năng, có hiểu biết toàn thức, có cho lòng thương yêu và đức công bằng, thì mọi tín ngưỡng (Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo, v..v…) đều đồng ý với nhau và đồng cảm với cùng một Đấng gọi là God (= Thượng Đế, Trời, Phật):
[If we think of God (Trời) in abstract terms such as God is omnipotent (all powerful), God is omniscient (all knowing), God is loving and just, etc., then all faiths (Christianity, Judaism, and Islam...) appear to be in agreement and relating to the same God.
Từ điển Le Petit Larousse định nghĩa Dieu = être suprême, créateur de toutes choses, et sauveur du monde.
Merriam Webster định nghĩa God = the Being perfect in power, wisdom, and goodness who is worshipped as creator and ruler of the universe.]
Với cụm từ: “Chỉ có Trời biết! “ hay “Trời mới biết được!”, thì người Úc, người Mỹ nói làm sao, nói thế nào, xin được tạm ngưng ở đây, sau một hồi “vòng vo tam quốc”, “cà kê dê ngỗng”.
Nếu Quí vị nào thấy ph
n trình bầy bài viết còn “as clear as mud” (= sáng như đêm ba mươi), thì kẻ hèn này xin được “mở rộng vòng tay”… đón nhận tôn ý. Đa tạ.
 (1) English and Vietnamese Collocations: A Contrastive Analysis (doctoral thesis), Frank N. Trinh, Macquarie University, Sydney, Australia, 2002.