Ngày 14 tháng 9 năm 2010, tại Philadelphia, Pennsylvania
Phạm Nguyên Trường dịch
Phạm Nguyên Trường dịch
Xin chào Philadelphia! Thật là tuyệt vời. Tôi ở đây để chào mừng tất cả các bạn và chào mừng học sinh trên toàn nước Mĩ trở lại trường học – và tôi nghĩ là để làm việc này thì không có nơi nào tốt hơn là Masterman. Các bạn là một trong những trường tốt nhất ở Philadelphia – là trường đi đầu trong việc giúp đỡ học sinh để họ có thể theo kịp được bài học trong lớp. Tuần vừa qua, do những thành tích của mình, các bạn được công nhận là trường National Blue Ribbon School. Đấy là lời chứng cho tất cả mọi người có mặt ở đây – cả học sinh lẫn phụ huynh, cả các thày cô giáo lẫn những người lãnh đạo nhà trường. Và đây là trường xuất sắc, tôi tin là các cộng đồng trên khắp nước Mĩ sẽ làm theo.
Cách đây vài tuần bà Michelle và tôi đã sửa soạn cho Sasha và Malia tựu trường. Tôi đoán là nhiều người trong các bạn cũng có cảm giác như hai cô con gái tôi. Các bạn cảm thấy hơi buồn bì mua hè đang trôi qua, nhưng các bạn cũng cảm thấy phấn khích trước những cơ hội của năm học mới. Cơ hội có những người bạn mới và củng cố tình bạn đã có sẵn. Cơ hội tham gia câu lạc bộ trong trường và lập ra các đội thể thao. Cơ hội trở thành người học trò giỏi hơn và tốt hơn và làm cho gia đình các bạn có thể tự hào.
Nhưng tôi biết rằng một số bạn có thể lo lắng về sự khởi đầu của năm học mới. Có thể bạn vừa nhảy từ trường phổ thông cơ sở lên trường trung học cơ sở hay từ trường trung học cơ sở lên trường trung học phổ thông và lo lắng không biết nó sẽ như thế nào. Có thể bạn vừa mới bước chân vào một ngôi trường mới và không biết mình có thích nó không. Có thể bạn là người học lớp trên và cảm thấy lo lắng về quá trình học tập, và không biết mình nên thi vào trường nào và có đủ sức theo không.
Và ngoài tất cả những lo lắng đấy ra thì tôi biết là nhiều người trong số các bạn còn cảm thấy sự căng thẳng của giai đoạn khó khăn này. Các bạn biết những chuyện đang được nói tới trong các chương trình thời sự và cuộc sống của chính gia đình các bạn. Các bạn đã đọc về cuộc chiến ở Afghanistan. Các bạn đã nghe nói về cuộc suy thoái mà chúng ta đang trải qua. Các bạn thấy điều đó trên nét mặt cha mẹ mình và cảm nhận được nó trong giọng nói của họ.
Nhiều người trong các bạn phải hành động như những người già dặn hơn tuổi của mình, phải mạnh mẽ hơn để bảo vệ gia đình mình trong khi anh hay chị của bạn đang phục vụ ở hải ngoại, phải trông em trong khi mẹ bạn đi làm ca hai hay phải làm việc bán thời gian khi cha bạn thất nghiệp.
Có nhiều việc phải giải quyết, nhiều hơn là đáng lẽ bạn phải làm. Và đôi khi nó làm cho bạn phải tự hỏi tương lai của mình sẽ như thế nào, liệu bạn có tiếp tục theo học được hay không, liệu bạn có phải hạ bớt tham vọng, và điều chỉnh lại mơ ước của mình hay không. Nhưng tôi đến Masterman để nói với bạn rằng ngoài bạn ra, sẽ chẳng có ai có thể quyết định được số phận của bạn. Tương lai của bạn nằm trong tay bạn. Bạn tạo ra chính cuộc sống của mình. Và không có gì – hoàn toàn không có gì – nằm ngoài tầm với của bạn. Miễn là bạn còn muốn ước mơ. Miễn là bạn còn tiếp tục tập trung vào việc học tập.
Phần sau này là cực kì thiết yếu bởi vì học vấn chưa bao giờ lại quan trọng đến như thế. Tôi tin chắc rằng trong vài tháng tới có lúc các bạn sẽ phải thức khuya để làm cho xong bài tập, mãi vẫn không chui ra được khỏi giường trong một buổi sáng mưa tầm tã và tự hỏi là có đáng phải làm thế hay không. Tôi xin nói với bạn rằng không được đặt vấn đề như thế. Không có gì có thể gây ảnh hưởng tới thành công của bạn hơn là học vấn.
Càng ngày những cơ hội mở ra trước mắt bạn càng phụ thuộc vào thời gian theo học của bạn. Nói cách khác, bạn càng học nhiều thì bạn càng tiến xa hơn trên đường đời. Đồng thời, trong khi các nước khác đang cạnh tranh với chúng ta quyết liệt hơn trước đây, trong khi các học sinh trên toàn thế giới đang làm việc tích cực hơn trước đây và học tốt hơn trước đây thì thành tích của bạn trong trường học cũng sẽ góp phần quyết định thành công của nước Mĩ trong thế kỉ XXI.
Cho nên các bạn phải có trách nhiệm với chính mình, và nước Mĩ có trách nhiệm bảo đảm là bạn sẽ nhận được một nền học vấn tốt nhất có thể. Và việc bảo đảm để bạn có một nền học vấn như thế buộc tất cả chúng ta phải nắm tay nhau cùng làm việc.
Điều đó động chạm đến tất cả chúng tôi ở trong chính phủ - từ Harrisburg đến Washington – phải làm công việc của mình để chuẩn bị cho các học sinh, tất cả học sinh, gặt hái được thành tích, trong nhà trường phổ thông, trong trường đại học và trong nghề nghiệp nữa. Nó sẽ động chạm đến những thày hiệu trưởng, các thày cô giáo, tương tự như các thày cô ở trường Masterman này; những thày cô giáo làm hết sức mình vì học sinh của mình. Và nó cũng sẽ động chạm đến các vị phụ huynh, những người hết lòng vì sự học tập của các bạn.
Đấy là những điều chúng tôi phải làm cho các bạn. Đấy là trách nhiệm của chúng tôi. Đấy là công việc của chúng tôi. Nhưng đây là công việc của các bạn. Đến trường đúng giờ. Trong lớp chú ý nghe giảng. Làm bài tập về nhà. Chuẩn bị cho các kì thi. Đừng dính vào những chuyện rắc rối. Đấy là kỉ luật và nghị lực – là làm việc chuyên cần – cực kì cần thiết nếu muốn thành công.
Tôi biết vì không phải lúc nào tôi cũng làm được như thế. Khi còn trẻ không phải lúc nào tôi cũng là học trò giỏi nhất; tôi đã mắc một số khuyết điểm. Tôi vẫn còn nhớ câu chuyện với mẹ tôi khi tôi học trường phổ thông trung học, khi tôi khoảng tuổi của một số bạn ở đây hôm nay. Chúng tôi nói về việc điểm của tôi cứ thấp dần, vì sao tôi lại không chuẩn bị cho kì thi đại học, tại sao tôi lại hành động – như mẹ tôi nói là “được chăng hay chớ”. Câu chuyện này tôi ngờ rằng nghe có vẻ quen đối với một số bạn và một số vị phụ huynh đang có mặt ở đây hôm nay.
Tôi cho rằng thái độ của tôi cũng là thái độ của tất cả các thanh thiếu niên trong những cuộc nói chuyện kiểu đó. Tôi không cần nghe tất cả những chuyện đó. Cho nên tôi bắt đầu nói như thế và bà ngắt lời tôi ngay lập tức. Con không thể ngồi xuống và nhìn lại mình hay sao, bà nói như thế. Bà bảo rằng tôi có thể vào học bất cứ trường nào trên đất nước này, nếu tôi gắng thêm một chút. Sau đó bà nghiêm khắc nhìn tôi và nói thêm: “Hãy nhớ điều đó nghĩa là gì? Cố gắng?”
Điều mẹ nói có làm tôi hơi choáng váng. Nhưng cuối cùng thì những lời của bà đã có tác dụng. Tôi học hành nghiêm túc hơn. Tôi đã cố gắng. Tôi bắt đầu chú ý đến điểm số - và tương lai của tôi – đã được cải thiện. Và tôi biết rằng lao động chuyên cần có thể tạo ra sự khác biệt cho tôi thì nó cũng có thể tạo ra sự khác biệt cho các bạn nữa.
Tôi biết rằng một số bạn có thể hoài nghi chuyện này. Bạn có thể tự nhủ là một số người chắc chắn là giỏi hơn bạn về một số môn nào đó. Và đúng là mỗi người chúng ta đều có những tài năng và thiên phú riêng của mình, chúng ta cần phát hiện và chăm sóc chúng. Nhưng chính vì bạn không phải là người làm tốt nhất một việc gì đó ngày hôm nay thì điều đó cũng không có nghĩa là bạn không thể trở thành người như thế vào ngày mai. Thậm chí nếu bạn không nghĩ rằng mình là người giỏi toán hay giỏi khoa học thì bạn vẫn có thể trở thành người xuất sắc trong những môn này nếu bạn cố gắng. Và bạn có thể phát hiện ra rằng mình có những tài năng mà bạn không hề mơ tới.
Như các bạn đã thấy, xuất sắc trong học tập và trong cuộc sống chủ yếu không phải là do thông minh hơn người khác. Đấy chỉ là do làm việc chăm chỉ hơn người khác mà thôi. Đừng có lảng tránh những thách thức mới – hãy đi tìm chúng, hãy bước ra khỏi khu vực mà bạn cảm thấy thoải mái, đừng ngại nhờ người khác giúp đỡ, các thày cô giáo và gia đình sẵn sàng hướng dẫn bạn. Đừng có nản chí hay bỏ cuộc nếu bạn không làm tốt một việc gì đó – hãy thử một lần nữa và hãy học từ chính sai lầm của bạn. Đừng sợ nếu bạn bè của bạn làm tốt, hãy tự hào về họ và xét xem bạn có thể rút ra được bài học gì từ những việc làm thành công của họ.
Đấy là nền văn hóa của sự vượt trội mà các bạn đang cổ vũ ở trường Masterman này; và đấy cũng là hình thức vượt trội mà chúng ta cần khuyến khích trong tất cả các trường học ở Mĩ. Đấy là lí do vì sao hôm nay tôi tuyên bố cuộc thi Thách thức lần thứ hai. Nếu trường các bạn là người chiến thắng; nếu các bạn cho chúng tôi thấy các thày giáo, học sinh và phụ huynh đang làm việc cùng nhau để chuẩn bị cho con em vào đại học và nghề nghiệp như thế nào; nếu các bạn cho chúng tôi thấy các bạn đang đền đáp lại cộng đồng của mình và đất nước của chúng ta như thế nào thì tôi sẽ đến chúc mừng các bạn và nói chuyện tại lễ phát phần thưởng của các bạn.
Nhưng sự thật là học tập không chỉ nhắm vào trường đại học tốt hay công việc tốt sau khi ra trường. Đấy là tạo điều kiện cho tất cả mọi người và từng người một cơ hội thực hiện lời hứa của chúng ta: trở thành người hữu ích nhất mà ta có thể. Và một phần của điều đó có nghĩa là cư xử với người khác như là mình muốn họ đối xử với mình – tử tế và tôn trọng họ.
Tôi biết rằng không phải lúc nào cũng được như thế. Nhất là ở các trường trung học cơ sở và phổ thông trung học. Tuổi mới lớn là giai đoạn khó khăn. Đấy là giai đoạn mà ta phải vật lộn với nhiều thứ. Khi tôi bằng tuổi các bạn tôi phải vật lộn với những câu hỏi: tôi là ai, là con của người mẹ da trắng và bố da đen có nghĩa là như thế nào, và những câu hỏi về việc không có người cha trong cuộc đời mình nữa. Một số bạn có thể đang giải quyết những câu hỏi của mình ngay trong lúc này và tìm thấy điều làm cho bạn trở thành khác biệt.
Tôi biết rằng giải quyết những chuyện đó thậm chí càng khó hơn nữa khi trong lớp của bạn có những kẻ đầu bò đầu bướu, những kẻ tìm cách lợi dụng những sự khác biệt đó để chế giễu hoặc đưa bạn ra làm trò cười; làm cho bạn cảm thấy mình là người chẳng ra gì. Ở một số nơi vấn đề còn nghiêm trọng hơn. Có những khu vực ở thành phố Chicago quê hương tôi, trẻ con còn đánh nhau nữa. Ở Philly này cũng có hiện tượng như thế.
Cho nên điều tôi muốn nói với các bạn hôm nay – điều tôi muốn tất cả các bạn mang theo từ bài nói chuyện của tôi là cuộc đời rất đáng quí mà một phần vẻ đẹp của cuộc sống lại nằm ở sự đa dạng của nó. Không việc gì phải ngượng vì những thứ làm chúng ta khác biệt với người khác. Chúng ta phải tự hào vì chúng. Vì những thứ làm chúng ta khác biệt với người khác cũng chính là những thứ làm nên chúng ta. Sức mạnh cũng như đặc điểm của đất nước chúng ta luôn luôn xuất phát từ khả năng nhận ra chính con người mình trong tha nhân, dù chúng ta là ai, dù chúng ta từ đâu tới, dù chúng ta trông như thế nào, hoặc chúng ta có hoặc không có khả năng gì thì cũng cũng thế.
Tôi nhớ lại ý tưởng đó khi đọc bức thư của cô bé Tamerria Robinson, 11 tuổi, ở bang Georgia. Cô bé kể cho tôi nghe cô làm việc chăm chỉ như thế nào, cô kể về tất cả những việc mà cô cùng với người anh trai đã làm cho cộng đồng. Và cô viết như thế này: “Tôi cố gắng thực hiện ước mơ của mình và giúp những người khác thực hiện ước mơ của họ. Thế giới cần phải hoạt động như thế”.
Tôi đồng ý với Tamerria. Thế giới phải hoạt động như thế. Vâng, chúng ta phải tích cực làm việc. Vâng, chúng ta phải có trách nhiệm với việc học tập của mình. Nhưng điều làm nên chúng ta ở đây, trên đất nước này, là chúng ta không chỉ thực hiện ước mơ của mình mà chúng ta còn giúp người khác thực hiện ước mơ của họ nữa. Đây là đất nước cung cấp cho tất cả những người con gái, con trai của nó cơ hội như nhau. Cơ hội tạo làm được nhiều việc nhất trong cuộc đời của mình. Cơ hội hoàn thành những tiềm năng mà Thượng đế đã ban cho họ.
Và tôi tuyệt đối tin tưởng rằng nếu tất cả các học sinh của chúng ta - ở Masterman này và trên khắp nước Mĩ – tiếp tục làm phần việc của họ, nếu các bạn tiếp tục chiến đấu cho ước mơ của mình và nếu tất cả chúng tôi đều giúp đỡ để bạn đạt được ước mơ của mình, thì bạn không chỉ thành công trong năm học này và trong phần còn lại của cuộc đời mình mà nước Mĩ cũng sẽ thành công trong thế kỉ XXI nữa.
Xin cám ơn các bạn, xin Chúa phù hộ các bạn, xin Chúa phù hộ nước Mĩ.