Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

"KHIẾP ĐẢM" SỨC CÔNG PHÁ CỦA HOẢ HỔ TÂY SƠN



Báo Đất Việt

Ngoài đại bác, quân Tây Sơn còn được trang bị một loại vũ khí đặc biệt là Hỏa hổ - súng tung lửa, biến địch thành cây đuốc sống.
Theo sử sách, Hỏa hổ của quân Tây Sơn là một loại vũ khí hình ống, được mô tả: “Hỏa đồng còn có tên là hỏa hổ, có bầu lớn dài chừng một thước, khi lâm trận phun lửa, trong ống tống nhựa thông ra, trúng phải đâu, lập tức bốc cháy...”.
Loại vũ khí đặc biệt này được trang bị cho tất cả binh chủng lục quân, thủy quân của Tây Sơn.
Sách Hổ trướng khu cơ ghi: Hỏa hổ chính là hỏa tiễn (vì lửa cháy dữ dội, nên gọi là hỏa hổ). Sử sách thời Nguyễn thường gọi Hỏa hổ là hỏa phún đồng. So sánh cách chế tạo, thì thấy loại vũ khí này được cải tiến từ các hỏa đồng (ống lửa) hạng nhỏ thời Lê sơ. Trong tay nghĩa quân Tây Sơn, nó được dùng một cách tập trung, ồ ạt, tạo thành hỏa lực giáp chiến hết sức lợi hại. Song, điều đáng nói là vua Quang Trung đã chế tạo ra hỏa hổ bằng những ống tre, trở thành một khí cá nhân có tính sát thương lớn. Nếu đem so với những khẩu súng hỏa đồng của quân nhà Trịnh hay súng pháo lớn cần hàng chục người vận chuyển của nhà Minh, nhà Thanh thì sáng tạo này của Quang Trung đã tiến xa cả về công nghệ, lẫn ý nghĩa thực tiễn trong chiến đấu.
Theo sách Những khám phá về hoàng đế Quang Trung, vào năm 1786, khi quân Tây Sơn ra Thăng Long chặn đuổi bọn quan lại nhà Lê, lính Bắc Hà đã tận mắt chứng kiến sức mạnh của Hỏa hổ Tây Sơn: “Các đội quân Trịnh thấy mũi giáo Tây Sơn quá sắc liệu không chống nổi, cố sức lấy súng lớn bắn ra, quân Tây Sơn đều cúi đầu tránh đạn mà nhảy vào. Chúa Trịnh mặc nhung phục, đứng trên voi phất cờ hồng thúc các quân. Quân Tây Sơn lấy ông Hỏa hổ tung ra, quân Trịnh đều tan vỡ, vứt gươm, bỏ giáo, xô nhau chạy trốn thể như núi đổ…”
Quân Thanh nghe tiếng Hoả hổ của Tây Sơn cũng khiếp sợ, nên trong 8 điều quân luật, có điều thứ 5 để chống lại Hoả hổ như sau: “Quân Nam không có sở trường gì khác, toàn dùng ống phun lửa làm lợi khí, gọi là hoả hổ. Khi hai quân giáp nhau, trước hết họ dùng thứ đó để đốt cháy quần áo người ta, buộc người ta phải rút lui. Nhưng tài nghệ của họ cũng chỉ có thế thôi, so với súng ống của ta thì họ kém rất ra… Hiện nay, ta chế sẵn vài trăm lá chắn da trâu sống. Nếu gặp Hoả hổ của người Nam phun lửa, thì quân tay cầm lá chắn ấy đỡ lửa một tay cầm dao chém bừa chắc rằng chúng bỏ chạy tan tác”.
Một số tài liệu cũng cho biết, trong lục chiến, vua Quang Trung thường dùng tượng binh phá kỵ binh, dùng hỏa hổ gây rối loạn bộ binh, rồi xông lên xáp la cà. Còn trong thủy chiến, nhà vua rất hay dùng lối đánh áp sát để hạn chế sức sát thương của đại bác địch, rồi triển khai hỏa công để đốt tàu địch, tức dạng Hỏa hổ có tên gọi Rồng cỏ - thực chất là một loại bãi cháy dùng đánh hoả công để vây đốt binh thuyền của địch, mà điển hình và ngoạn mục nhất là trận đánh hoả công do Nguyễn Huệ chỉ huy, đã đốt cháy tàu chiến của Manuel ở chiến trường Gia Định vào năm 1782.
Khi đó, Nguyễn Ánh thông qua Bá Đa Lộc nhận được viện trợ quân sự của Pháp - Bồ Đào Nha, tập hợp được một lực lượng gần 3 vạn thủy quân đi trên gần 500 chiến thuyền trong đó có 2 tàu chiến kiểu châu Âu và 3 tàu Bồ Đào Nha: mỗi tàu có 10 đại bác và được bọc đồng. Đội tàu châu Âu do một sĩ quan Pháp là Manuel chỉ huy.
Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Nguyễn Huệ, lợi dụng chiều gió, quân Tây Sơn ào ạt áp sát chiến thuyền quân Nguyễn - Pháp, dùng Rồng cỏ lợi hại tấn công, khiến chiến thuyền của Manuel bị vây trong vòng vây và bị đốt chìm. Manuel tử trận, thủy quân của Nguyễn Ánh bị đánh tan tác, chỉ còn một số ít chạy dạt xuống Phú Quốc.
Như vậy, rõ là trong nghệ thuật quân sự thời xưa, việc dùng lửa tiêu diệt quân địch là một chiến thuật kinh điển, cho phép sử dụng tối thiểu sức người, hạn chế thương vong nhưng vẫn đạt uy lực tiêu diệt địch một cách tối đa.
1. Trong lịch sử Việt Nam có duy nhất hai vị tướng bách chiến bách thắng, cả đời cầm quân chưa thua trận nào, đó là Phạm Ngũ Lão và vua Quang Trung.
Nguyễn Huệ (1753-1792) sinh năm 1753, còn có tên Nguyễn Quang Bình; là em út trong gia đình có ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ. Tổ của Nguyễn Huệ họ Hồ, nhưng khi khởi nghĩa ở Quy Nhơn, lấy họ mẹ (Nguyễn).
Sách Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện chép, Nguyễn Văn Huệ có tiếng nói như chuông, mắt lập lòe như ánh điện; là người thông minh, giỏi chiến đấu. Ông cầm quân từ năm 17 tuổi, đánh đông dẹp bắc toàn đều toàn thắng nhờ vào phương châm chiến thuật: bí mật và thần tốc, lấy chính binh làm chủ, kỳ binh làm phụ. Đỉnh cao nhất là trận phá quân Xiêm - Nguyễn ở Rạch Gầm - Xoài Mút và chiến dịch đại phá 20 vạn quân Thanh.
Vua Quang Trung mất ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (16 tháng 9 năm 1792), vào khoảng 11-12h đêm, ở ngôi 4 năm, thọ 40 tuổi, miếu hiệu là Thái Tổ Vũ hoàng đế. Hiện nay, có đền thờ tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. 
2. Theo Binh thư yếu lược, bài thuốc súng và cách chế Hỏa hổ rất giống nhau: dùng một cái ống (bằng sắt hoặc bằng tre, gỗ) dài khoảng 25cm, nạp thuốc thành nhiều nấc.
Nấc đầu tiên là liều thuốc bắn, giã nén chặt dày khoảng 4cm, sau đó tiếp nấc thứ hai là liều thuốc phun, giã nén chặt, dày khoảng 12cm. Sau đó, nạp đạn ghém gồm các vật liệu sát thương, dày khoảng 4cm. Phần ống còn lại nạp dầy thuốc phun.
Gặp địch, người dùng hỏa hổ châm ngòi, cầm cán tre chĩa vào, thuốc phun và đạn sẽ phóng ra đốt cháy sát thương đối phương. Dùng xong lại có thể lấy ống đó nạp liều thuốc khác