Phương Tôn
Dù là người chưa bao giờ sử dụng đến bất kỳ một sản phẩm nào của Apple hay cũng có thể gọi là của Steve Jobs, từ các đời máy Computer Mac cho đến iPod, các thế hệ iPhone, iPad, iCloud cái chết của Stev Jobs hôm 6.10 cũng làm tôi xao động mạnh. Thật sự tôi đã theo dõi những biến chuyển sức khỏe của ông từ hàng năm nay khi biết được ông ta mắc phải căn bệnh quái ác Pancreas và đấy cũng chính là mối quan hệ duy nhất để có thể gây xúc cảm mạnh cho tôi khi nghe tin ông qua đời.
Thế giới có biết bao thay đổi trong vòng hai thập kỷ qua nhưng căn bệnh Pancreas vẫn còn y như hai mươi năm trước. Không một tiến triển y khoa nhỏ bé nào để có thể giúp chữa trị căn bệnh hiểm ác này. Pancreas không tha bất kỳ ai, dù già đến trẻ dù nghèo hay giàu. Nhưng dù vậy khi đọc lại một số đoạn trong bài Diễn văn của Steve Jobs dành cho các sinh viên tốt nghiệp đại học Stanford năm 2005, đây là bài diễn văn được đánh giá hay nhất trong các bài nói chuyện của ông ta, người được xem là một ‚Guru trong thế giới Show Business’, ta mới thấy sức sống mãnh liệt của Steve Jobs khi bị Pancreas lên án tử. Tôn trọng cái Chết nhưng cũng sẵn sàng đối diện, không sợ hãi.
Con quái vật Pancreas chỉ giết được thân xác nhưng không bẻ gãy được ý chí của những người biết sống để mưu cầu lợi ích cho xã hội.
Hôm nay tôi rất vinh dự hiện diện cùng các bạn trong buổi lễ tốt nghiệp của một trường đại học hàng đầu thế giới. Tôi không có cấp bằng đại học và đây là lần đầu tôi hiện diện trong một buổi lễ trao bằng đại học. Hôm nay tôi muổn kể cùng các bạn ba câu chuyện về cuộc đời của tôi. Tất cả chỉ có vậy. Chẳng lớn lao gì. Chỉ ba câu chuyện mà thôi.
Câu chuyện đầu tiên về việc kết nối sự kiện
Chỉ sau sáu tháng nhập học tôi đã bỏ trường Reed College. Thật ra tôi vẫn còn tiếp tục được xem như là khách viếng trường trong vòng 18 tháng tiếp theo sau đó trước khi tôi dứt khoát chấm dứt việc học. Thế thì tại sao tôi lại bỏ học?
Chuyện bắt đầu từ khi tôi chưa ra đời. Người mẹ ruột của tôi là một sinh viên College có chồng không giá thú. Bà quyết định cho tôi làm con nuôi. Bà đặt nặng vấn đề người nhận tôi làm con nuôi phải có cấp bằng đại học do đó bà tìm đủ mọi cách để sau khi sinh nở giao tôi cho một gia đình hành nghề luật sư. Nhưng không ngờ gia đình này chỉ muốn nhận một đứa bé gái mà thôi. Thế thì Cha Mẹ của tôi đang ở trong danh sách chờ đợi, nữa đêm khuya nhận được cú điện thoại hỏi: „Chúng tôi có một thằng bé ra đời ngoài ý muốn, ông bà có muốn nó không?“ Ông Bà trả lời ngay: „dĩ nhiên“. Mẹ ruột của tôi về sau mới truy ra được, Mẹ tôi chưa bao giờ hoàn tất bậc đại học và Cha tôi thì chưa xong bậc trung học. Bà từ chối ký giấy trao con nuôi nhưng vài tháng sau đó bà cũng phải chấp nhận khi Cha Mẹ tôi hứa rằng một ngày nào đó sẽ cho tôi đi học College.
17 năm sau đúng là tôi cũng bước chân vào College. Nhưng thật ngây thơ khi tôi chọn một trường College đắt tiền như Stanford, học phí nó ngốn hết số tiền tiết kiệm của Cha Mẹ tôi, những người thuộc tầng lớp thợ thuyền. Sau sáu tháng tôi không nhận ra giá trị về việc học. Tôi không biết, tôi muốn bắt đầu cuộc đời như thế nào. Tôi cũng không biết trường College có giúp được gì tôi trong chuyện này không. Và đấy chính là sự kiện cuộc đời tôi, khi toàn bộ số tiền Cha Mẹ tôi dành dụm suốt đời tiêu tan hết. Tôi quyết định chấm dứt và tự nhủ rằng, mọi chuyện rồi sẽ trở nên tốt đẹp. Thời gian đó tôi cũng tương đối sợ hãi nhưng nhìn lại thì đấy chính là một trong những quyết định tốt nhất của tôi. Khi ngưng việc học, tôi có thể không cần phải đi nghe những môn mà tôi không thích, để dành thì giờ đi dự những môn tôi ham thích mà thôi.
(…)
Vào thời đó có lẽ Reed College có chương trình giảng dạy về môn Kalligrafie (nghệ thuật viết chữ đẹp) tốt nhất trong nước do đó tôi quyết định ghi danh môn này để học cách viết chữ đẹp. Tôi học cách biến hóa với nét bút, về khoảng cách giữa các chữ, về nét nghiêng, nét đậm.
Thời gian đó, những thứ này dường như chẳng có chút cơ hội nào để có thể ứng dụng thực tế trong cuộc đời tôi. Nhưng mười năm sau, khi chúng tôi thiết kế bộ Computer Macintosh đầu tiên, mọi thứ như trở lại với tôi. Đó là máy tính đầu tiên có các kiểu chữ đẹp. Nếu tôi không theo khóa học đó của College, máy Mac sẽ không bao giờ có được nhiều kiểu chữ hoặc có được khoảng cách các chữ cân xứng như vậy.
(…)
Một lần nữa, bạn có thể hướng đến trước nhưng không không thể kết nối sự kiện, bạn chỉ có thể kết nối khi nhìn lui lại. Do đó bạn phải tin rằng, mọi sự kiện đều có liên hệ với nhau trong tương lai của bạn. Bạn phải có niềm tin vào một thứ gì đó như về số phận, cuộc đời, định mệnh hay bất cứ điều gì – cách nghĩ đó chưa bao giờ làm tôi thất vọng và cũng đã tạo nên những sự khác biệt quan trọng trong cuộc đời tôi.
Câu chuyện thứ nhì về tình yêu và mất mát
Tôi có may mắn, sớm nhận ra những gì tôi thích thực hiện trong cuộc sống. Woz ( tức là Steve Wozniak đồng sáng lập Apple) cùng tôi lập nên Apple trong Garage chứa xe của Cha Mẹ tôi khi tôi 20 tuổi. Chúng tôi làm việc căng thẳng để rồi chỉ trong vòng mười năm, Apple từ hai đứa chúng tôi trong một Garage trở thành Công ty-hai tỷ Dollar với hơn 4000 nhân viên. Vừa ngay khi chúng tôi cho ra đời thành quả sáng tạo – Macintosh – khi tôi mới bước sang tuổi 30, tôi lại bị sa thải. Làm thế nào để bạn có thể bị sa thải khi chính bạn là người tạo dựng nên nó? Khi Apple lớn mạnh lên, chúng tôi thuê thêm người mà tôi đã từng cho là người rất có tài năng để cùng tôi điều hành. Trong năm đầu tiên mọi chuyện trôi chảy tốt đẹp nhưng rồi viễn kiến về tương lai của chúng tôi lại khác biệt, đi đến gây gỗ. Ban điều hành công ty đứng về phía anh ta. Thế thì tôi phải ra đi khi đúng 30 tuổi. Những gì là trọng điểm trong cuộc đời ở vào tuổi trưởng thành đã biến mất, nó đã bị phá hủy.
(…) Tôi trở thành một người thất bại và đã từng suy tính chạy trốn khỏi Valley. Nhưng dần dần mọi việc trở nên rõ ràng hơn – tôi vẫn yêu thích những gì tôi đã làm. Bước ngoặt những gì xảy ra tại Apple không gây ảnh hưởng dù nhỏ nhặt nhất đối với tôi. Tôi bị sa thải nhưng tôi vẫn còn đam mê. Vì vậy tôi quyết định, làm lại từ đầu.
(…) Thỉnh thoảng bạn bị cuộc đời ném một viên gạch vào đầu. Hãy đừng đánh mất hy vọng. Tôi tin rằng, điều duy nhất giúp tôi tiếp tục làm việc là tôi vẫn yêu những gì tôi làm. Bạn hãy tìm cho ra, những gì bạn yêu. Một khi chưa tìm thấy, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng bất mãn. Đừng dừng lại. Như mọi mối quan hệ trong cuộc đời, nó sẽ trở nên ngày càng tốt đẹp hơn qua từng năm.
(…)
Câu chuyện thứ ba nói về cái chết
Vào độ tuổi 17 tôi đọc được một câu: „Nếu bạn sống mỗi ngày như là ngày cuối cùng, một ngày nào đó bạn sẽ tin chắc điều đó đúng.“ Đó là điểm gây ấn tượng cho tôi và 33 năm qua mỗi buổi sáng tôi nhìn vào trong kính và tự hỏi: “Nếu như hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời mình, liệu mình có làm những gì mà mình định làm ngày hôm nay không? Nếu như câu trả lời là ‚không’ kéo dài nhiều ngày thì tôi biết rằng, tôi phải thay đổi một cái gì đó.
(…)
Cách đây một năm, khám nghiệm cho biết tôi bị ung thư. Tôi được chụp Scan vào lúc 7g30 sáng, cho thấy rõ ràng có một khối u trong tụy tạng. Đến khi đó tôi vẫn chưa biết tụy tạng là cái gì. Các vị Bác sĩ nói rằng, họ tin chắc đó là một loại ung thư không chữa được và tôi có thể sống thêm từ ba đến sáu tháng. Bác sĩ khuyên tôi nên đi về để sắp xếp công chuyện, đây là một cách nói của giới bác sĩ cho việc ‚chuẩn bị cho cái chết’
(…)
Nguyên ngày hôm đó tôi chỉ suy nghĩ về lời phỏng nghiệm của bác sĩ. Đến chiều tối tôi được kiểm nghiệm Biopsie, họ đút một ống qua cổ họng xuống dạ dày qua ruột rồi đâm một cái kim vào tụy tạng để lấy một vài tế bào khối u. Tôi giữ thái độ bình thản, vợ tôi khi đó cũng có mặt, kể cho tôi rằng khi các bác sĩ dùng kính hiển vi xem tế bào khối u, họ khóc lên vì mừng vì đây là một dạng ung thư tụy tạng đặc biệt hiếm hoi có thể chữa trị được qua giải phẫu. Tôi chấp nhận giải phẫu và bây giờ sức khỏe của tôi tốt trở lại.
(…)
Không ai muốn chết. Ngay cả những người muốn lên thiên đàng cũng không muốn chết để được lên trên đó. Tuy nhiên cái chết là đích đến của chuyến du hành mà chúng ta đều tham dự. Không ai thoát được nó. Nó phải như vậy vì rõ ràng cái chết là một phát minh hay nhất của sự sống. Nó là lực chuyển động của sự sống. Nó loại bỏ cái cũ để dọn đường cho cái mới. Các bạn chính là thế hệ trẻ, nhưng ngày nào đó sẽ già đi và rời bỏ cuộc sống này…
Thời gian của các bạn có giới hạn, hãy đừng lãng phí thì giờ qua lối sống của người khác. Đừng để giáo điều trói buộc vì đó chỉ tương ứng với lối suy nghĩ của người khác. Đừng để những quan điểm ồn ào lấn át tiếng nói bên trong của riêng bạn. Và quan trọng nhất, hãy can đảm đi theo rung động của con tim và trực giác của các bạn. Như thế nào đó mà chúng đã biết được những gì bạn thật sự yêu thích. Ngoài ra tất cả chỉ là điều thứ yếu…