Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2010

CHA IRIBARNE THÀNH (1859-1885)


Nos missionnaires, précédés d’une étude historique sur la Société des Missions Étrangères
Adrien Launay
Retaux-Bray, Paris, 1886

chuyển ngữ
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

I
Dominique sinh ngày 8 tháng Bảy 1859 tại Ossès. Ngài đã trải qua những tháng năm đầu đời nơi thung lũng nhỏ hẹp này dầm mình bên dòng sông Nive luôn gầm réo.
Chính ngài cũng thường hay kể lại Thiên Chúa đã bắt ngài như thế nào.
“Lúc đó tôi được 12 tuổi, có cha Larre hay lui tới Ossès đến gặp tôi tay đang cầm cuốc một mình ở giữa cánh đồng. Tôi nôn nóng làm cho xong việc mẹ đã chỉ cho.
Cha Larre nói: - Này Dominique, con có muốn làm linh mục không?
Tôi bật dậy như chạm phải điện, tóc dựng lên.
- Sao? Thưa cha, con mà làm linh mục ư? Làm sao được? Mẹ con chỉ có mỗi mình con thì ai sẽ làm việc đồng áng chứ?”
Nhưng phản đối này không ngăn trở vị linh mục thánh thiện kia: ông đã thuyết phục bà mẹ, ông chinh phục đứa bé còn dễ dàng hơn và đem nó về chỉ bảo một thời gian, sau đó ông gởi vào ký túc xá của các thừa sai ở Hasparren. Dominique lưu lại ba năm tại cơ sở này. Cha giám đốc đã nói với Bà Iribarne rằng: - Đó là thỏi vàng mà bà đã trao cho chúng tôi; đứa trẻ này sẽ là niềm vinh dự của chúng ta và là niềm hạnh phúc cho bà và chúng tôi.
 Iribarne vào lớp bốn tiểu chủng viện Larressore và cũng đã làm cho các giáo sư hài lòng. Thẳng thắn và rất trung thực, cách cư xử luôn đúng đắn và sự thanh khiết của tâm hồn không nhường chỗ cho bất kỳ nghi ngại nào, ngài luôn giữ được tính năng động của một người xứ Basque chân chính. Không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào, ngài chỉ muốn chinh phục nó hoàn toàn và ngay lập tức. Đôi khi ngài cũng lấy làm buồn vì học hơi chậm tiếng Pháp, ngôn ngữ này ngài chưa được học lúc còn nhỏ. Thế nhưng điều đáng tiếc này không biến thành nước mắt hay nỗi buồn vô vọng mà là nỗ lực gấp đôi. Ngài hỏi giáo sư: - Con không thể trở thành một tí người Pháp nào được sao? Vậy hãy nói xem con phải làm gì vì con sẽ sẵn sàng cắt đi một nửa cái lưỡi để dạy cho nửa kia phải biết vâng lời con.
Tuy nhiên, anh chủng sinh trẻ mạnh mẽ và can trường này lại nghi ngờ sức mạnh và lòng can đảm của mình. Khi ý tưởng đi làm nhà truyền giáo xuất hiện trong đầu thì câu hỏi đầu tiên mà ngài đặt ra là: “Liệu tôi có thể chịu tử đạo nổi không?” Thế là ngài tưởng tượng ra mọi sự thiếu thốn và cực nhọc rồi buộc mình phải luyện cho thân thể nên cứng cáp và tâm hồn mạnh mẽ. Một ngày kia, sự nhiệt tâm của người tân binh đã thúc đẩy cậu đi quá đà, một sự thái quá chỉ vì tình yêu thập giá. Cậu đổ đầy một chậu nước sôi rồi ngâm cả chân vào đấy, kết quả là phải nằm liệt giường trọn một tháng.
Mặc cho sự nhiệt tâm này hay đúng ra có thể là vì nó, trái tim vẫn có lề luật riêng của nó. Dominique Iribarne run sợ trước ý tưởng làm sao thông báo cho mẹ mình biết dự định này. Trong năm cuối tiểu chủng viện, ngài xin phép về nhà vài ngày để chuẩn bị cho gia đình sẵn sàng đón nhận hy sinh. Ngài ở lại đến hai mươi ngày và rồi ra đi mà chẳng dám nói đến một lời. Vào đại chủng viện, ngài giao cho một người bạn làm công việc này. Bà Iribarne vừa hay biết công chuyện thì vội vàng đi Bayonne; năm mươi cây số không ăn không uống, bà băng ngang qua những con đường trong thành phố mà chẳng nói với ai một lời và xông thẳng vào chủng viện: - Cho tôi gặp con tôi, cha Iribarne! Vị linh mục bước xuống. Cuộc nói chuyện tựa như dông bão. Bà mẹ ra lệnh dứt khoát và trịnh trọng. Đứa con cầu xin, năn nỉ, nói về Thiên Chúa, về các linh hồn, về ơn gọi của mình; bà mẹ nhắc lại lệnh cấm, chính xác và quyết liệt hơn. Lúc ấy đứa con quỳ gối xuống, nói thấp giọng nhưng đầy cương quyết: - Mẹ ơi! Hãy nói đi, hãy nói rằng mẹ không muốn con ra đi thì con sẽ để chiếc áo dòng này dưới chân mẹ, con sẽ theo mẹ về và cầm lại cây cuốc.
Bà mẹ nhìn sửng con mình ít lâu; nét mặt bà nhíu lại, một nỗi thất vọng không diễn tả được đã xuyên thấu tâm hồn bà, bà tái đi như chết và rồi nói chậm rãi dường như mỗi lời lấy đi của bà cuộc sống:
- Con ơi! Con như đã chết đối với mẹ ngay từ giây phút này, con hãy làm những gì Thiên Chúa muốn.
Và bà Iribarne trở về Ossès; bà đã hy sinh, chẳng bao giờ thốt ra một lời phàn nàn hay trách móc.
II
            Sau ba năm ở chủng viện Thừa Sai Hải Ngoại, cha Iribarne được chỉ định đến Đông Đàng Trong. Ngài nói với cha phó ở Ossès: - Cha nhìn thấy tôi xúc động và rất vui mừng như thấy cánh cửa Thiên Đàng mở ra trước mắt. Ở đây thì tôi không chắc gì làm được một cha sở tốt lành thánh thiện nhưng tôi hy vọng mình sẽ là một thừa sai tốt; nguồn gốc miền núi của tôi cũng không tệ lắm, tôi tin rằng Chúa Nhân Lành đã gọt giũa tôi để dành cho những người còn sơ khai và chết cho họ!
            Đến miền truyền giáo, ngài bắt đầu học tiếng, đây là công việc đầu tiên cho mọi người mới bắt đầu làm việc tông đồ: làm một linh mục thánh thiện và biết ngôn ngữ, hai việc chính yếu cho nhà truyền giáo, hai việc cần thiết để đem dân ngoại trở về, để dạy dỗ và điều hành các Kitô hữu.
Tiếng Annam thì độc âm và có giọng điệu. Hầu như mỗi từ đều được phát âm đến sáu giọng khác nhau và đều có ý nghĩa riêng biệt. Sáu giọng là: ngang, hỏi, sắc, huyền, ngã, nặng.
Lấy ví dụ chữ ma: không dấu thì có nghĩa là ma quỷ; có dấu hỏi thì có nghĩa là ngôi mộ; có dấu ngã thì có nghĩa là con ngựa; dấu sắc thì có nghĩa là cái má; mang đấu huyền thì là một liên tự; cuối cùng, nếu mang dấu nặng thì có nghĩa là cây lúa non.
Một trong những thừa sai đến xứ Annam đã so sánh ngôn ngữ này với tiếng chim líu lo; có phần nào đúng khi so sánh như vậy.
 Cha Iribarne hăng say làm việc, ngài học tiếng Annam nhanh hơn khi làm học trò tiếng Pháp ở Hasparren. Sau năm sáu tháng học tập, ngài đã có thể giải tội và dạy giáo lý cho con trẻ.
Năm 1884, ngài truyền giáo ở địa hạt Quán Cau, trong tỉnh Phú Yên. Ngài viết: “Đây là vùng đặc biệt nghèo khổ, ở mỗi sở họ tôi chỉ tìm thấy có 4 gia đình đủ sống, đủ sống ở đây có nghĩa là thu hoạch mùa màng đủ để khỏi phải chết đói nhưng rồi còn phải đi buôn bán quanh năm suốt tháng; tuy nhiên tôi không khiếu nại về số phận của mình, đấy là công việc Chúa làm, miễn là cứ làm trọn việc của mình thì tôi tin chắc rằng Đấng Quan Phòng sẽ ban cho tất cả để làm rạng danh Ngài”.
  Điều mà Đấng Quan Phòng phải làm để làm rạng danh Ngài thì không ai thấy trước được, dầu tâm hồn như đã linh cảm được những ngày u ám sắp tới, và cha Iribarne cũng như những đồng sự khác, tuy thấy tương lai đầy hiểm nguy, họ cũng không dám ngờ rằng nỗi bất hạnh kinh khủng lại đổ ập xuống trên miền truyền giáo Đông Đàng Trong.
Chỉ mới được 18 tháng hăng hái làm việc trong vườn nho mà giám mục giao cho mình khai khẩn, Iribarne đã hạnh phúc đổ máu mình ra vì Đức Kitô.
III
Đức Cha Van Camelbeke viết: “Tin về cái chết của cha Iribarne đã khiến tôi không một chút mảy may nghi ngờ. Đã xảy ra cuộc thảm sát vào ngày 19 tháng Tám ở cách sở Quán Cau của ngài không xa. Không thể ở lại giữa đám tro tàn của ngôi làng này và thấy đám phản loạn vây quanh, ngài đã quyết định dùng ngựa để trốn đi. Với hy vọng tìm thấy ở cảng gần đấy một chiếc thuyền để đi ra biển, những rủi thay không có chiếc nào cả nên ngài phải quay trở về nơi xuất phát. Kẻ thù đã chờ đợi ở đấy. Lập tức ngài bị xô xuống ngựa và bị đâm hai nhát lao. Các đao phủ còn muốn ngài phải chịu đau đớn lâu hơn cũng như để làm mãn nhãn đám người đến xem cái chết của ngài, bằng sự dã man cuối cùng, họ trói ngài lại và khiêng ra chợ. Vị linh mục tội nghiệp và thân yêu đã bị chém đầu ở đấy trước mặt đám đông đang phấn khích. Họ treo đầu ngài trên cành cây lớn và xác ngài thì họ chặt ra rồi nướng như thịt lò mổ. Người thầy giảng tháp tùng cũng chịu chung số phận cùng với đám đông giáo dân ở nơi ấy”.
Khi bà Iribarne hay tin về cái chết của con mình, hai giọt nước mắt, chỉ hai giọt thôi, lăn dài trên khuôn mặt, một mảng tối lướt qua vầng trán, môi mấp máy lời kinh, chỉ có thế. Bà hầu như thinh lặng, có lẽ trong giây phút quá đau thương này bà hồi tưởng lại lúc con mình quỳ gối xuống trong phòng khách đại chủng viện Bayonne, và tận thâm tâm, bà nghe như vang vọng lại lời nói đáng giá này: “Con ơi, hãy làm những gì Thiên Chúa muốn”.