Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011

MỘT VỞ TUỒNG CỔ: MIÊU KHUYỂN ĐỐI THOẠI


Nguyễn Quảng Tuân
Kiến thức ngày nay, số Xuân Tân Mão 2011


Trong Thư Viện Anh Quốc (British Library) có một bộ tuồng cổ của Việt Nam, gồm 46 vở, đóng thành 10 tập, có dấu ấn Bảo tàng Vương quốc Anh (British Museum), dày 6.540 trang khổ 26 x 21cm, viết bằng chữ Nôm, nhưng đến nay vẫn chưa được phiên âm sang quốc ngữ để phổ biến cho các độc giả trong nước.
Nhân dịp Tết Tân Mão, chúng tôi chỉ xin giới thiệu tóm lược vở tuồng Miêu Khuyển đối thoại, dài 40 tờ a-b tức 80 trang, như sau:
Vào thời Khánh Nguyên, ở Nam Kinh có một thư sinh tên là Hồ Cầu, đến hang Bạch Hổ tìm thầy học đạo thánh hiền. Vốn tính phóng khoáng, chàng không ham lợi danh mà chỉ thích cầm kỳ thi tửu, tuyết nguyệt phong hoa và ngao du sơn thủy.
Một hôm rãnh việc học, chàng cùng vài ba tiêu đồng đi dạo chơi quanh miền ngắm cảnh đẹp, nghe  chim hót trên cành, xem cá lội dưới nước, rồi khi hoàng hôn xuống chạnh niềm tri kỷ chăng biết tìm ai giải bày tâm sự, chàng quay trở về nhà. Tới cổng làng, thấy cảnh đêm trăng thơ mộng, chàng bỗng trở nên vô cùng cảm xúc, tự hỏi sao trên đời này còn có biết bao nhiêu người cứ đua chen nhau vào vòng danh lợi? Chàng bèn ngâm nga mấy câu thơ, rồi nhìn ra bốn phía, thấy dưới ánh trăng suông có một xóm nhỏ với vài nóc nhà xung quanh cỏ mọc đầy sân. Chàng thong thả tiến lại gần. Bổng có tiếng thì thầm dưới đống củi, mỗi lúc nghe một rõ dần mà rất lạ, giọng nói lại khác với tiếng người. Thì ra một gã mèo lang đang năm gối đầu trên cỏ, bàn chuyện với một chú chó vàng dưới ánh trăng khuya.


Mèo rằng: “Trong cuộc sống này nếu không may gặp chủ nghèo thì phải cực khổ. Ngựa hay không gặp Bá Nhạc, ngọc qúi chẳng vào tay Biện Hoà, thì thật uổng phí. Tử Nha 80 tuổi còng lưng trên bến sông Vị, Bách Lý Hề 70 tuổi làm kẻ mục tử vì chưa gặp chúa. Người còn thế huống chi loài vật chúng mình. Anh vào nhà khó dẫu có tận tâm tận lực, ai biết đến cho? Sao anh không tìm sang nhà khác có phải hơn không, vì cổ nhân gặp lúc biến cũng phải tòng quyền mới khỏi hối hận về sau”.
Chó không đồng tình, cãi lại:
“Hẳn là thế, nhưng giàu nghèo sướng khổ ở đời cũng có số do trời định. Lòng ta quyết giữ trung nghĩa sắt đinh, dẫu Nghi, Tần sống lại cũng không lay chuyển được ta. Xưa Nhân Tử lo nhân, Phạm Lãi lo nghĩa, giàu sang không đổi tiết. Ta đây còn trẻ dại, đâu dám sánh vóc các bậc hiền nhân, nhưng gặp khó mới tỏ được lòng trung, có gió mạnh mới hay được cỏ cứng. Thánh hiền không gặp thời cũng thường huống chi ta, đừng lấy thế mà cười. Ta không buồn vì thời chưa gặp”.
Mèo cả cười:
“Anh lầm rồi. Tổ yến trên cây cao trong rừng, lửa cháy đến cũng phải lo. Anh cam chịu hầu hạ như vậy mà chỉ được cơm thừa canh cặn không đủ no, có ai biết cho anh công lao nguy hiểm thế đâu? Tôi thương anh mà nói thiệt, thái độ giữ tiết ấy của anh thật đáng nực cười”.
Chó thản nhiên diễn thơ xưa cho mèo nghe.
“Ta đây biết phận như Vệ Thần trong thơ Bắc nôm, Trang Khuơng với thơ Lục y vẫn làm tròn bổn phận, cùng chủ chia sẻ sướng khổ như đấng trượng phu tùng, bậc quân tử trúc. Vậy lời anh nói mới thực đáng buồn cười”.
Mèo lại tiếp tục chê chó:
“Anh nghĩ vậy thực là thiển cận. Anh phải biết công danh ở đời đâu phải một ngày mà làm nên. Tử Thôi sớm Tần chiều Sở, Sáng Đường tối Yên mà là người hiền Chiến quốc, còn Hàn Tín mãn đời góp công xây đựng triều Hán, lai không tránh khỏi tội vạ vì mấy lòi ''chim thở'. Hiểu sự việc trên, anh phải nhận mà theo câu ngạn ngữ ''lấy nước soi hình, lấy người soi việc''. Đừng xem thường việc no đói, vì chính đã khiến cho người ta mất đi liêm sỉ cha con bè bạn hết cả thuơng nhau. Huống nữa, khi chủ trở nên giàu sang, cần nuôi chó đẹp sẽ hắt hủi chó già như anh, dẫu chủ thương thì người ăn kẻ ở trong nhà cũng coi thường anh”.
Nghe mấy lời thuyết phục ấy, chó cảm thấy cay đắng trong lòng, tưởng như muốn rơi lệ. Mèo đắc ý, tiếp tục lên mặt dạy đời:
“Như anh là chó đẹp, tài ba, lẽ nào cứ cam chịu đói lạnh, khổ sở mãi một bề, khác nào hạt châu nơi xó tối, ngựa ký phải kéo xe. Chim khôn phải chọn cành mà đậu chứ anh? Chủ của em giàu sang tiếng, lại rộng lòng, trong khi em chả có tài cán gì mà cũng được hưởng sự sung sướng. Nếu ạnh chịu như Phạm Thư rời Triệu vào Tần, Trần Bình bỏ Sở theo Hán, em dẫu bất tài vẫn thể tiến cử anh, chắc chắn chủ em sẽ thương mến anh, cho dù anh không muốn hưởng sự giàu sang thì cảnh giàu sang cũng tự khắc đến”
Chó không đồng tình mà bảo rằng:
“Hãy nhớ lấy đây: Khi gặp tai biến, kiến không loạn tôn ti, nhạn không bay sai hàng mình sao lại đổi tiết, thế thì phải chẳng bằng ngựa Hồ chim Việt ư? Ở đời lân phụng và sài lang là hai thái cực. Chúng ta sống đời cũng vậy, cần lấy ân nghĩa làm trọng. Xin cám ơn những ý kiến bất chính của anh và xin miễn thứ cho tôi đã phải có những lý lẽ chống đối lại. Thôi, đừng bàn cãi nữa, ích thôi”
Nghe vậy, mèo đổi giọng xin lỗi về những ý kiến của mình đã phạm đến lòng trọng nghĩa của chó, và xin chó bỏ qua đi cho.
Chó bèn chê mèo là ích kỷ, lòng tham chưa hết, liền ngoảnh mặt đi rồi nói rằng:
“Ta đối với chú một lòng, dẫu chủ không biết đã trời đất chứng minh”.
Mèo nghe ra, xin bái phục.
Hồ sinh nghe thấy câu chuyện đối thoại của mèo và chó, lấy làm cảm động, về phòng khách, chạnh than rằng: “Chó gặp nhà nghèo, bị đói chẳng quên chủ, thật đáng khen vậy. Cầm thú còn biết ăn ở như thế, huống chi người. Quên ơn bỏ nghĩa thật đáng chê”.
Vì vậy, ghi lại đây để nguội đời xem chơi. Thơ rằng:
Mình thú lòng người may hoạ có,
Mặt người lòng thú khó lường thay
Rằng: Mới biết bần không quên chủ,
Dẫu khi cơ chẳng có quên nhà.
Lạ thay giống vật thế mà,
An bần giữ nghĩa thực là vững thay
Lòng ngán ngẩm vì nay ngẫm nghĩ
Cười những người bội nghĩa vong ân.
Tiếc thay sinh trên trần,
So cùng cầm thú phần hận nhan.
Thấy chuyện lạ không bàn chẳng phải,
dám đâu khảng khái khoe nhời.
Nôm na xin chớ vội cười,
Lại ngâm câu phú để người tỏ thay