Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

MÙA XUÂN, VUI VỚI “VĂN HOÁ ĐI” CỦA CA DAO



Nguyễn Thanh Mừng
Xưa & Nay, số Xuân Tân Mão 2011


Xưa nay, bên cạnh bên cạnh việc ăn, mặc, ở... dân gian Việt Nam đã tạo  dựng một dòng văn hóa ứng xử trong việc bước ra đường, tức là sinh hoạt đi lại, bây giờ gọi theo ngôn ngữ hiện đại là '”tham gia giao thông”. Khi người mẹ bảo ban con cái: “Ra đi mẹ dặn lời này. Sông sâu chớ đợi, đò đầy chớ qua”, là người mẹ đã phát tín hiệu cảnh báo những hiểm nguy rình rập, cái thời nay người ta giới thuyết bằng biển báo, quy chế và luật lệ. Sự cảnh báo ấy còn được định danh trong bời tỏ tình: “Thương anh em cũng muốn vô. Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Gianghoặc bộc bạch “Theo anh em cũng muốn theo. Sợ truông cát nóng, sợ đèo đá dăm”. Chúng ta biết rằng câu ca thứ nhất, các địa danh “truông Nhà Hồ” và “phá Tam Giang” là hai địa điểm ''nóng'' ở Đàng Trong thời mở cõi, một nơi trộm cướp hoành hành, một nơi sóng to nước cả. Người con gái đã nhận được một  “lý giải trực tuyến”: “phá Tam Giang ngày rày đã cạn – Truông nhà Hồ Nội Tán cấm nghiêm”, một đằng về thiên nhiên, nước rút, một đằng về hội, chúa Nguyễn đã giao quan Nội Tán ổn định an ninh khu vực. Tiếp tục những “lý giải trực tuyến”, người con trai trong câu ca thứ hai vận động theo nội lực chính mình: Đá dăm anh đã lượm rồi. Còn truông cát nóng, anh bồi bùn non!”. Thật dễ thương, người con gái khó có lý do gì để chối từ, không “tham gia giao thông” tiến về miền đất hứa, tiến về trái tim người con trai tình cảm dạt dào!
Khúc ruột miền Trung thật lắm dốc nhiều đèo, chẳng thế mà Hồ Xuân Hương đã đếm “Một đèo một đèo lại một đèo”. Ai cũng biết, theo dòng lịch sử văn hóa, từ đầu thế kỷ XIV, Huyền Trân công chúa đã bên xe hoa về Chiêm đô, bà đã ''tham gia giao thông" một chặng đường ngút ngàn sông núi biển khơi ''xuyên Việt” kết nối Thăng Long - Đồ Bàn, bây giờ là Hà Nội - Bình Định. Sự kiện này được dân gian tạo tác trong bài ca Nam Bình, câu ca thấm đẫm bụi thiên lý. “Nước non ngàn dặm - ra đi - Cái tình chi ? – Mượn màu son phấn - Đền nợ Ô Ly - Đắng cay vì – Đương độ xuân thì - Bởi oan khiên, hay là nợ duyên gì - Má hồng da tuyết - Quyết liều như hoa tàn trăng khuyết Vàng lộn theo chì... Đặng vài phân – Vì lợi cho dân - Tình đem lại mà cân -  Đắng cay muôn phần”. Món quà sính lễ mà vua Chiêm, Chế Mân dâng cho Đại Việt là hai châu Ô Lý, từ bắc sông Thu Bồn ra miền Thuận Hóa, trong đó ngất ngưởng con đèo Hải Vân, đệ nhất hùng quan: “Hải Vân bát ngát nghìn trùng - Hòn Hồng đấy là trong Vịnh Hàn - Xưa nay qua đấy còn truyền - Lối đi lô giản thẳng miền ra khơi”. Cái đèo Hải Vân được in dấu trong tâm thức người bản địa thời kỳ này như cánh cửa then chốt của địa linh, mở tương lai gánh gồng giang san Đại Việt. Sự hiểm trở của vừa là gợi mở vừa là thách thức cho cuộc trường chinh mở cõi. Chẳng thế mà chúa Tiên Nguyễn Hoàng từng dặn người con kế nghiệp: “Đất Thuận Quảng phía Bắc có đèo Ngang và sông Gianh hiểm trở, phía nam núi Hải Vân và núi Đá Bia vững bền. Núi sẵn vàng, sắt, biển có cá, muối, thật là đất dụng của người anh hùng”. Một vùng non nước mở ra, phải nói là đầy thử thách cho chí khí, từ lời ca hun hút tâm cảm “Chiều chiều dắt mẹ qua đèo - Con chim kêu (nớ/ bên nớ) - úy, oà, chi rứa - chi chi rứa - ức, ức... Con vượn đèo (ni) bên ni”, đến sự hùng tâm tráng khí: “Làm trai cho đáng nên trai – Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng”. Thật thú vị, những từ cổ như “tang bồng”, “chinh phu”, “xa giá”, “trường chinh”, “mở cõi” ... đều dung chứa nội hàm của sự đi, tức “tham gia giao thông”. Những vua quan, thái tử, danh tướng, mỹ nhân, binh lính, sĩ nông công thương, ngư tiều canh mục đều vận hành bằng nhiều phương tiện khác nhau, trong đó bao hàm cả thương tiện muôn đời là đôi chân để “đi”. “Đi bộ thì khiếp Hải Vân - Đi thuyền thì khiếp sóng thần Hang Dơiđó cũng là những “biển báo giao thông thủy bộ”, địa danh ''thường xảy ra tai nạn" được đúc kết để cảnh giác ''người tham gia giao thông” cẩn thận. Cho nên đi tới nơi về tới chốn ở thung thổ Đàng Trong đã nãy sinh một tình cảm dạt đào: ''Rồng chầu xứ Huế, ngựa tế Đồng Nai - Nước sông trong đổ lộn sông ngoài - Thương người xa xứ lạc loài tới đây”.
Riêng các câu ca truyền thống miền đất võ: ''Ai về Bình Định mà coi - Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền”, đã biểu hiện cái sự đi, bằng cách mời gọi, thưa rủ. Cho dù có lúc không dằn nổi e ngại: ''Muốn ăn bánh ít lá gai - Lấy chồng bình Định sợ dài đường đi”. Nhưng cái văn hóa đi biểu hiện biết bao ân tình đưa tiễn: ''Chàng ơi đưa gói thiếp mang – Đưa gươm thiếp vác cho chàng đi không”. Nhiều lúc thể hiện khí phách: ''Lên non tay vịn chưn trèo - Nương theo nhành quế có nghèo cũng thơm”. Lắm khi độ ân tình lan tỏa biết mấy cho vừa: ''Anh ra về em biết lấy gì đưa - Lạy trời trăm lạy đừng mưa trơn đàng”.


Theo dòng lịch sử, Huyền Trân công chúa từng ''đi" trong thế: “hồng đền nợ quân vương - Thẳng tay chống đỡ miếu rường là ai”. Các nghĩa sĩ cũng từng ''đi" đầy cảm khái: “Anh đi theo chúa Tây Sơn - Em về cày cuốc mà thương mẹ già”. Nhân dân ''đi" đầy tình nghĩa: “Nghĩa nhơn ba gánh tràn trề - Gánh từ Tuy Viễn, gánh về bồng Sơn - Mẹ cha nào kể thiệt hơn- Bạc vàng  nặng ít nghĩa nhơn nặng nhiều”. Đôi lúc bi thương. ''Tiếng ai than khóc nỉ non - ấy vợ chú lính trèo hòn Cù Mông”. Chàng Lía, một hào kiệt cũng tìm cách “đi” trong tình cảnh quá đỗi ngặt nghèo: “Chiều chiều én liệng Truông Mây - Cảm thương chàng Lía bị vây trong thành”. Và ông mang trên lưng tấm phản với bao vòng dây trói oan nghiệp để vượt thoát mọi trở lực, dù bất thành.

Người Bình Định trong lịch sử đã từng bận tâm, đã từng nặng lòng với các cuộc “xê dịch”. ''Anh về bình Định thăm cha - Phú Yên thăm mẹ, Bình Hòa thăm em”, không ít thử thách bởi đường trường. ''Đèo nào cao bằng đèo Cây Cộc - Dốc nào ngược bằng dốc Mỹ Cang - Một tiếng anh than hai hàng lệ nhỏ - Em mẹ già biết bỏ cho ai”. Với thung thổ đèo dốc sông nước, người Bình Định đi bằng nhiều loại phương tiện: ''Chiều chiều mượn ngựa ông Đô - Mượn kiều chú xã đưa về nguồn”, ''Cây me cũ bến Trầu xưa- Dẫu không nên tình nghĩa cũng đón đưa cho trọn niềm”. Có lúc nhanh lúc chậm, tùy hoàn cảnh dù lúc ấy không bị “bắn tốc độ”: ''Ngựa ô đi tới vườn cau - Ngựa hồng đủng đỉnh đi sau vườn dừa”. Dù trong cảnh giao thương rộn rịp, vẫn không bị ''hạn chế tầm nhìn”: ''Anh về dưới Giã bao lâu – ngó lên Cây Cốc thấy lầu ông Tây - Chợ Đình An Thái gần đây - Chị em buôn bán đông tây nhộn nhàng”. Người Bình Định cũng hết sức lưu ý đến ''đặc sản quê hương” khi lưu thông nhiều ngả (nói vui là khi tham gia giao thông có thồ hàng, ''an toàn tiến tới hạnh phúc”): ''Anh về Bình Định thăm nhà – Tháng hai trở lại, tháng ba cưới nàng – Cưới nàng đôi nón Găng – Xấp lãnh An Thái, một khăn trầu nguồn”, hoặc ''Về nguồn lấy cải làm dưa – xay bột làm bánh hái dừa làm nhưn (nhân)”. Và cũng không ít cảnh báo, ẩn trong một loại ''phương tiện giao thông” là ''đò dọc”: “Trồng trầu thả lộn dây tiêu – Con đi đò dọc, mẹ liều con ”.
Tự bao đời, cái sự ''đi" trong ca dao, trong kho tàng văn học nghệ thuật dân gian thật phong phú và đa dạng. Nó biểu hiện vừa trực tiếp vừa gián tiếp tưởng, phong cách của một hình thái hoạt động quan trọng trong sinh hoạt đời người liên kết với xã hội, thiên nhiên. Cái sự ''đi" ở vùng Đàng Trong địa hình phức tạp và cơ cấu chính trị - xã hội sóng gió biến động của lịch sử văn hóa, mộtmặt in dấu những thử thách, thể nghiệm, mặt khác nó chứng minh một tâm cảm, một thế con người. Nó dẫn dắt từ cái cụ thể đến cái trừu tượng, từ tính cá thể đến tính phổ quát, mối liên hệ giữa cá nhân và cộng đồng.
"Đi" là một trạng thái hoạt động bao gồm hai yếu tố chính ''con người” và "con đường", bên cạnh đó có nhiều phương tiện để đạt mục đích. Đi đường là hoạt động văn hoá quan trọng. "Đi cho biết đó biết đây - ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”, và cái sự ''đi" đương nhiên phải đầy ý tứ đắn đo, trải nghiệm. "Ra đi thì sự đã liều - Mưa mai chẳng quản; nắng chiều cũng cam", cho dù dân gian nói đến từ ''liều" đi nữa, cũng là một loại ý tứ thể hiện sự quyết tâm, không quản ngại đường dài và sự khó khổ. Dân gian nhiều khi phê phán trực tiếp: ''Những ai chưa nói đã cười - Chưa đi đã chạy là người vô duyên”.  Nếu diễn nôm theo ''văn hóa đi” tức là trước khi nhập cuộc “tham gia tốc độ” phải từng bước đàng hoàng bài bản. Mức độ vừa phải được lưu ý. "Rượu nhạt uống mãi cũng say - Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”. Ý thức của con người về con đường cũng đã hình thành sơ khai ngay trong những lời dọa dẫm, giễu cợt trong trò chơi của trẻ con nơi thôn dã: "Tao đi ngõ đây có bông có hoa - Mày đi ngõ đấy có ma chặn đường!”, "Tao đi ngõ đây bụi chùm chày - Mày đi ngõ đấy ngày cọp ăn!”.
Cái sự ''đi" trong ngày xuân, trong các hội lễ, trong những nơi đông người... càng được dân gian chú ý. Bình Định có nghệ thuật hát bội làm say mê bao người ''Nghe tiếng trống chiến không khiến cũng đi - Nghe tiếng trống chầu đâm đầu mà chạy”. Bình Định có nhiều vùng đặc sản: "Muốn ăn đi xuống - Muốn uống đi lên - Dạo khắp bốn bên - Chợ Thành, chợ Giã - Chợ Dinh bán chả - Chợ Huyện bán nem”, “Ai về Tuy Phước ăn nem – Ghé qua Hưng Thạnh mà xem Tháp Chàm". Bình Định Chợ Gò nổi tiếng, họp vào mồng 1 Tết, "Rượu ngon Trường Úc mê ly - Gặp nem chợ Huyện bỏ đi không đành”. Và dân gian lưu ý uống rượn đừng để say sưa nguy hiểm: "Ăn một miếng trầu, năm ba lời dặn - Uống một chén rượu, năm bảy lời giao. Anh chớ nghe ai sóng bổ ba đào, Em đây quyết giữ niềm tiết hạnh, anh chớ lãng xao em buồn”.
Đôi điều tản mạn quanh ký ức lịch sử sinh hoạt trong tâm thức dân gian về cái sự ''đi", chúng tôi muốn góp vài ý liên tưởng khi cái s"an toàn giao thông'" được đặt lên hàng đầu, nó đòi hỏi bao nhiêu ý thức của bao nhiêu tầng lớp với cầu ước, chúc tụng ''chân cứng đá mềm", ''Đi đến nơi về đến chốn”. Chẳng thế mà người mẹ Việt Nam đã đưa vào câu hát ru, cho con tiếp xúc từ thuở còn nằm nôi. Người mẹ Bình Định cũng không nằm ngoài ý thức ấy, "văn hóa đi” được hết sức chú trọng trong di sản tiền nhân, bởi "Đi một ngày đàng học một sàng khôn". Và hệ thống văn hóa của cái sự ''đi” trong ca dao nói riêng, trong kho tàng văn hoá dân gian nói chung là hệ thống những kinh nghiệm tích luỹ của trí tuệ, tình cảm đất nước và từng địa phương, có những gợi mở không ít đối với các vấn đề văn hóa xã hội hiện tại.