Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011

NHƯ MỘT GIA ĐÌNH

Anna Trần Vũ Khánh Ly
             Giáo Xứ Đại Bình, Bình Định

Trích nội san “Hoa Biển” số 1
Câu lạc bộ sáng tác văn thơ Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn

Tôi không nghĩ là Hội trại Đặng Đức Tuấn 2010 đã khép lại, tôi cứ nghĩ mọi thứ chỉ mới xảy ra ngày hôm qua, thế mà… Chúng tôi, mỗi đứa trở về đúng vị trí của mình và chuẩn bị hành trang trên những con đường mới. Tưởng như mới ngày hôm qua, tôi còn “ngủ quên trên bục vinh quang”, tưởng như quá đê mê trong sự kiện tổ chức “đầu tay”, thế nhưng… Hàng vạn câu nói đang chen chúc trong tôi nhưng không tài nào tôi thốt lên được, vì có nói lên cũng là những câu nói trùng lặp: “Tôi nhớ và yêu hội trại quá!..”.
Tic tắc… Tíc tắc… Đã 11 giờ đêm… Suốt buổi tối, tôi nghĩ ngợi mãi về ngày mới. À, mà tại sao thế nhỉ? Tôi cứ mường tượng mình là một “nhóc tiểu thư” ngày mai sẽ rời “lâu đài” vài ngày để đi dự “yến tiệc”… Tôi không biết mình sẽ làm gì và phải làm gì, sẽ đem đi gì và để lại những gì… Tôi trằn trọc, đắn đo mãi rồi thiếp đi hồi nào cũng chả hay.
Đúng 9 giờ sáng, chúng tôi lên xe. Tôi vẫn nhớ một câu hát quen thuộc “Nào mình cùng lên xe buýt! Nào mình cùng đi chơi nhé!...”. Tôi sung sướng đến nỗi muốn thốt lên thành lời những câu hát thân thương ấy, nhưng làm sao có thể? Chắc tôi chết mất khi tôi là tâm điểm của mọi sự chú ý và eo ôi, má hồng rồi kìa! Thú thật, tôi là một cô nhóc mơ mộng ẩn đằng sau vẻ hời hợt và có chút nông nổi. Thật là buồn cười khi tôi ước lúc mở mắt ra tôi sẽ gặp những bạn bè rất ư  là xa lạ, và thật ngu ngốc khi tôi ước chiếc xe buýt là tấm thảm thần trong nháy mắt sẽ cho chúng tôi “hạ cánh”. Nhưng rồi chúng tôi cũng bon bon đến đúng địa điểm. Chúng tôi được đón tiếp nồng nhiệt và rồi kết thân với nhũng anh bạn,  cô nàng mà có lẽ, nếu không có hội trại, tôi chẳng bao giờ có thể gặp được.
Ôi thân thương làm sao những câu nói ngớ ngẩn của mấy em út, thân thương làm sao sự nhút nhát có chút e dè của mấy nàng “tiểu thư”, cũng như sự nhiệt tình hăng hái của những “cậu ấm”. Thân thương làm sao những khuôn mặt còn vấn vương vẻ mệt mỏi sau một chuyến đi. Tôi giật mình khi nghe tiếng “huy động lực lượng” của anh Tổ trưởng. “Mày bị sao vậy Ly, sao mày cứ mơ mộng hoài vậy? Về với hiện tại gấp!”- tôi đánh đầu mình vài cái đau điếng, miệng lẩm bẩm. Rồi 5 phút, 10 phút, 30 phút trôi qua. Trại ai mà đẹp thế ta? Mùa hè SÔI ĐỘNG, YÊU THƯƠNG, ĐOÀN KẾT đâu rồi!
Quy Nhơn, âu đã quá quen thuộc với tôi nên dường như khung cảnh nơi đây và các món ăn không còn mấy lạ lẫm và thú vị nữa. Tưởng đâu là thế, nhưng tôi đâu hay rằng có những ngóc ngách mà tôi chưa hề đặt chân đến, ngay cả nơi tôi vẫn thường lui tới: nhà thờ Chính Tòa.Ngay chiều hôm đó, dưới sự hướng dẫn tận tình của cha Quản lý, lần đầu tiên chúng tôi được đi thăm khuôn viên Tòa Giám Mục. Hình ảnh đập vào mắt tôi có lẽ là những ngôi nhà sàn đậm chất thôn quê. Chúng tôi được tận mắt chiêm ngưỡng “hiện thân” của những ngôi thánh đường đã hoang tàn. Tôi lấy làm tự hào vì là người con của giáo xứ giàu truyền thống mến đạo, nơi một thời có thể nói là trung tâm sầm uất của giáo phận như Gia Hựu, Đồng Dài, Đồng Quả…, nơi đã ghi tên  một linh hồn  thơ văn giáo phận  nói chung và của hội trại nói riêng –Đặng Đức Tuấn. Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi được nghe cha hướng dẫn thuyết minh về lịch sử Giáo hội Việt Nam, về những con người làm nên lịch sử Giáo phận, về những hình ảnh hết sức giản đơn của cha anh như cái cối giã gạo hay là cái cối lăn… Nhờ họ và nhờ những vật dụng đó, quê hương đã nuôi tôi lớn lên cả về thể chất lẫn tinh thần.
Tôi đã được đi trại không ít nhưng đốt lửa trại thì chưa bao giờ. Vì thế, đêm lửa trại ghi vào kí ức tôi một ấn tượng khó quên. Vui chơi nhưng không có nghĩa là quên Chúa, chúng tôi mở đầu đầy tâm tình với lời kinh Đức Chúa Thánh Thần, với nghi thức cầu lửa sốt sắng, tưởng tượng chúng tôi là dân chúng đi theo Elia vậy…Chúng tôi dường như  đang tràn ngập trong Giờ Trái Đất vậy. Tôi và mọi người tay trong tay, vai đan vai cùng cất tiếng hát quanh ánh lửa, lửa vẫn bập bùng như cũng đang đua tài với chúng tôi. Người bên cạnh (“À! Bạn và tôi mới quen hồi chiều phải không?”), cũng đang nắm chặt lấy tay tôi và cùng lắc lư với tập thể. Từ hơi ấm ngọn lửa, chúng tôi cùng nhau lan truyền, sưởi ấm cho nhau bằng hơi ấm của tình huynh đệ. Đan xen vào những trò chơi lửa trại tập thể, từng tổ ( được gọi tên theo mùa ) cùng nhau thi thố tài năng của đội mình với những tiểu phẩm hài kịch cười ra nước mắt, những bài hát thật hay và những tiết mục nhảy sôi động, dù chỉ được tập duyệt trong thời gian rất ngắn.
Hết một ngày… tràn ngập niềm vui phấn khởi lẫn sự hồi hộp. Tạ ơn Chúa!
Một ngày mới mở ra, tạ ơn Chúa đã cho con một đêm bình an!
Thú thật, chúng tôi nghe đến việc ngồi nghe thuyết trình một tí là ớn rồi huống hồ là…cả ngày! Nhưng phải “nuốt” thôi! Mà kì thật, mình học hỏi thêm nhiều kiến thức đâu phải là xấu mà tại sao thế nhỉ? Ý nghĩ đó dậy lên trong tôi và tôi hạ quyết tâm ngồi “lắng nghe”. Mà lạ nữa nè, bình thường, có lẽ tôi đang trên mây du ngoạn, nhưng hôm nay không hiểu tại sao tôi bị lôi cuốn vào những kinh nghiệm và những chia sẻ một cách kì lạ như vậy . Chắc hẳn, Chúa đang hiện diện trong tôi. Rồi chúng tôi “tự do bay nhảy”, chúng tôi tập tành sáng tác, sáng tác vài câu văn hàm súc, mấy câu thơ trau chuốt và những mẩu chuyện ngộ nghĩnh. Tuy chín người mười ý, nhưng chung quy lại tất cả cũng chỉ là cảm xúc về hội trại, những người mới kết thân và cái cảm giác nhớ nhà. Và cũng thật may mắn, bài tôi được OK đó! Chúng tôi mỗi lúc càng hiểu nhau hơn, gắn bó nhau hơn và quan tâm đến nhau nhiều hơn qua những sinh hoạt, đặc biệt là trong giờ làm báo tường. Chúng tôi tha hồ nghĩ ngợi, vẽ vời và sáng tạo.
Quỹ thời gian cứ dần cạn đi, tôi cố níu kéo nhưng chẳng thể cưỡng lại. Phần quan trọng nhất trong hội trại cũng đến, lễ trao giải và phát thưởng. Tôi đang đứng trên “bục vinh quang”. Cảm giác trong người sao đó, khó tả lắm! Đó là sự hồi hộp, náo nức, lẫn với niềm vui khôn tả… Tôi như muốn òa khóc lên vậy! Âm điệu Trại ca vang lên, chúng tôi cùng Nối vòng tay lớn, cái siết tay sao dễ làm con người ta xúc động thế nhỉ? Tôi, một lần nữa phải nén nước mắt lại… Tôi cứ có cảm giác mình phải chia tay ngay lúc này vậy!
Buổi tối đó, trước khi yên giấc, chúng tôi trò truyện với nhau đến quá nửa đêm. Các “nàng” mà tụ lại là hỡi ôi, là cái chợ rồi nè! Nhìn mặt đứa nào đứa nấy, trong điệu bộ chăm chú lắng nghe của tụi nó, trông thật mắc cười. Chúng tôi cùng rùng mình với mấy mẩu chuyện kinh dị, một tràng cười sảng khoái với những câu chuyện hóm hỉnh và cùng vắt óc suy nghĩ tìm ra đáp án cho những câu đố hóc búa… Ngày mai, ngày mai tôi phải xa bạn rồi, không biết khi nào sẽ tái ngộ nhưng tôi sẽ mãi nhớ về tối hôm nay, nhớ về những nhóc “siêu quậy”.
Tôi thiếp đi lúc nào không hay…
Bánh xe thời gian cứ quay mỗi lúc một nhanh, ngày cuối cùng của hội trại. Mọi cảm xúc ùa về trong tôi, hôm nay ngày cuối cùng chúng tôi bên nhau nhưng cũng là ngày tôi thích nhất, tôi được đi hành hương. Đúng 7 giờ 30 phút, “xe ta bon bon trên dặm đường”. Lúc này, tôi mới mạnh dan hát lên câu hát: “Nào mình cùng lên xe khách, nào mình cùng đi chơi nhé!!!”. Nào, cùng hò vui nào! Hát lên nào!
- Cái bạn này, sao mà hát hay thế!
- Ơ hay, cái con này, sao nhà ngươi thuộc nhiều bài quá vậy!
- Tội nghiệp! Khan cổ rồi mà hát sung ghê gớm!
- Sến quá đi!!!
“Mùa Xuân ấm áp” và “Mùa Hè sôi động” cùng nhau cất tiếng hát, nở nụ cười và quên bẵng đi nhưng “con sóng vỗ”.
Đây rồi, nhà thờ Vĩnh Thạnh đây rồi! Lần đầu tiên tôi đặt chân lên khuôn viên nhà thờ, nơi ghi dấu Thánh Stêphanô Thể, được tận mắt chứng kiến nơi Ngài làm thánh lễ cuối cùng trước khi chịu tử vì đạo. Rồi chúng tôi tiến về linh địa Gò Thị, viếng nhà thờ, pose hình trên đồi Thánh Giá tại Nhà tổ Gò Thị, Hội dòng MTG Quy Nhơn, được viếng mộ Thánh Năm Thuông. “Thánh Giá tôi tôn thờ, tôi không thể bước qua”, câu nói này cứ khắc mãi trong óc và ghi mãi vào tim tôi.
Và kìa! Trước mắt chúng tôi là Tung tâm Thánh Thể và Thánh Mẫu. Tôi có nhiều dịp ghé thăm nơi đây nhưng cảm giác không lần nào giống lần nào. Và lần này, trong vai trò “ những vì sao Thập Tự” thì càng nhiều điều đáng nói. Thật là tiếc khi chúng tôi không thể viếng mộ Hàn Mặc Tử. Nhưng thay vào đó, chúng tôi được đến thăm phòng lưu niệm của nhà thơ nơi ông sống những ngày cuối đời. Thăm các dì Phan Sinh Thừa sai Đức Mẹ. Chúng tôi được thấy công trình Góp gió thành bão được xây dựng từ những tem thư sắp phải bỏ đi. Đúng thật là…
- Giờ ăn đến rồi!
- Cơm canh có rồi!
Thật “lãng mạn”! Ngồi bên bờ biển và ăn cơm trưa với bạn bè thì tuyệt cú mèo! Gió rít lên, làm dịu đi cái nóng oi bức của trưa hè.
- Nhường tôi miếng đậu đi!
- Đổi đi!
- Ăn bớt cơm của tui nè!
Những giây phút của bữa ăn chung cuối cùng làm sao có thể quên!
Lửa cháy rồi phải tàn, có hội ngộ thì phải có chia li, tạo hóa đã sắp đặt như vậy. Một lần nữa, cho tôi ngắm lại gương mặt của bạn nào! Tôi sẽ mãi nhớ nét tinh nghịch của mấy cậu nhóc, nhớ những gương mặt xịu lại, nhớ cả em út dễ thương đêm qua khóc vì nhớ nhà, nhớ nụ cười thân thương của bạn… Tôi sẽ mãi nhớ…
-Anh chị em ơi! Ơiiiiiiiii!
- Đặng Đức Tuấn! Tiếnnnnnnnnnnn!
Những cái bắt tay chia li,những âm điệu vang lên làm tôi òa khóc, tôi không nén lại được nữa! Làm sao tôi có thể kìm lại được khi lát nữa đây, tôi phải chia tay Gia Đình, xin phép cho tôi được gọi hai tiếng thiêng liêng và thân thương này! Người ta bảo rằng: “Khi hiểu hết một ai đó thì cũng là lúc nói lời tạm biệt họ”, và đúng như vậy. Hai ngày hôm trước, chúng tôi còn e dè, không biết ai là ai, thì hôm nay, khi chúng tôi đã hiểu nhau, cảm thông nhau, gắn kết nhau thì cũng là lúc chúng tôi phải nói lời tạm biệt.
Tôi ghi lại những bức ảnh như là sự cố gắng cuối cùng để níu kéo thời gian.Tôi cũng vội xin chữ kí, email và số điện thoại của các bạn đồng hành với tôi trong ba ngày vừa qua. Rồi, những cái ôm, những cái vẫy tay… đã khép lại Hội trại Đặng Đức Tuấn 2010.
Giờ đây, tôi có thêm những bạn mới qua mail, điện thoại…,những người luôn đồng cảm với tôi, chia sẻ với tôi những cảm xúc chân thành. Tôi quý trọng tình bạn ấy, như một “Gia đình mới” của tôi. Tôi cám ơn Hội trại rất nhiều!
           
Nhớ Hội trại! Hẹn ngày tái ngộ!