Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

BỒI DƯỠNG MINH TRIẾT ĐỂ NỐI TIẾP TRỊ BÌNH

 

 
Nguyễn Khắc Mai
Xưa & Nay, số Xuân 2011, tháng 1/2011
Tr. 13-14

Có hàng triệu lượt người đi vào Quốc Tử Giám. Nhiều người vào để ngắm Khuê Văn các những người khác, nhất là giới trẻ hay đến sờ đầu những con rùa đội bia Tiến sĩ, có cả những vị cán bộ cao cấp vào dự những lễ nghi nào đó. Mọi người đều xăm xăm bước vào. Chẳng mấy ai để ý đến một câu đối có ý nghĩa. Đó là tuyên ngôn cô đúc nhất về cái mục tiêu của Quốc Tử Giám. Mọi nghi thức, mọi biểu tượng, mọi thờ phụng, kể cả gác Khuê Văn, bia Tiến sĩ, nhà Bái đường, nhà Thái học với lầu trống và gác chuông ở hai bên, kể cả những cuộc tế lễ xuân thu nhị kỳ bao đời cũng chỉ là để hướng tới hai điều đó. Quả thật tiền nhân rất tinh tế đã cho khắc treo ở nhà Bái đường Quốc Tử Giám:
Dục anh tinh sử năng, Quốc Tử Giám cao huyền khải,
Dưỡng minh triết dĩ kế trị, Thăng Long kinh trường tụ tinh hoa
Dịch nghĩa:
Nuôi dưỡng anh tài để sử dụng năng lực, Quốc Tử Giám treo cao mẫu mực;
Bồi dưỡng minh triết đặng tiếp nối trị bình, kinh đô Thăng Long tụ mãi tinh hoa.
Đôi câu đối có nhiều lớp nghĩa, đối xứng nhau. Dục đối với Dưỡng trở thành một nghĩa kép vừa nuôi, vừa dạy. Nuôi - dạy vừa là công việc đại sự của quốc gia vừa là nghĩa vụ của gia đình. Anh tài đối với Minh triết, Sử năng (sử dụng năng lực, tài năng) đối với Kế trị (tiếp nối cuộc trị bình); Quốc Tử Giám cao huyền khải đối với Thăng Long kinh trường tụ tinh hoa. Những cụm từ, những khái niệm, những ý tứ đối nhau khiến cho các ý tứ đối nhau, cận kề, thúc đẩy nhau làm nên sự thăng hoa của trùng trùng lớp nghĩa. Như nói Dục anh tài nhi sử năng thì vế đối là Dưỡng minh triết dĩ kế trị. Điều tinh tế và sâu sắc, theo tôi, ở hai phần đối này là ở chỗ: Cái năng lực cá nhân và xã hội của anh tài phải thăng hoa, tích tụ thành Minh triết. Nếu anh tài có thể nuôi dạy (dục) mà nên thì trái lại Minh triết chỉ hình thành nhờ dưỡng (bồi dưỡng). Quả thật mọi nền giáo dục đều có khả năng “dục”' - dạy dỗ nên những tài năng, nên những thợ giỏi, thầy tài ba, nên bác học. Nhưng để có Minh triết trong một con người trong một xã hội thì phải “'dưỡng''. Cho nên André Gide có lý khi nói rằng: “Minh triết không tồn tại trong duy lý mà trong tình yêu”. (La sagesse n’est pas dans la raison, mais dans l’amour).



Nhân loại từ rất sớm đã biết đánh giá cao giá trị Minh triết (Sagesse, Wisdom). Người Hy Lạp xưa đã khẳng định cái tinh hoa của trí tuệ con người là “tình yêu minh triết'”. Họ sáng tạo ra chữ “philosofia” mà Philo nghĩa là tình yêu, lòng ái mộ, còn Sofia thì nghĩa gốc là minh triết. Về sau Philosofia được hiểu nghiêng dần thành triết lý, triết học. Cho nên một triết lý, một nền triết học thiếu vắng những giá trị minh triết, phần cốt lõi làm nên nhân tính nhân cách con người, làm nên cốt tủy tinh anh của xã hội thì cũng chỉ là '”sự tráo trở của phép biện chứng”, giống như tên gọi một tác phẩm văn chương Mỹ - La tinh. ở phương Đông, hai chữ Minh, Triết được ghép lại thành khái niệm Minh triết đã được sử dụng rất sớm, trong Kinh thi, thiên Chưng dân có câu “Ký minh thả triết dĩ bảo kỳ thân”, nghĩa là vừa minh (sáng suốt) vừa triết (nghĩ đến nơi đến chốn, khúc chiết, mạch lạc...) thì đủ để giữ gìn thân mệnh. Trong câu thơ trên xuất hiện đã hơn 2.500 năm nói người tài đức có minh triết đủ để giữ gìn thân mệnh. Tuy nhiên có thể suy ra không chỉ một thân mệnh cá nhân mà còn có thân mệnh một quốc gia dân tộc, một chế độ nhà nước một chính đảng hay hẹp hơn là của một công ty, xí nghiệp, một tập đoàn kinh tế, một đơn vị xã hội nào đó nữa. Quả thật chí lý, muốn giữ gìn thân mệnh phải có minh triết. Nhận thức cái hay, cái đúng, cái tốt, cái ích của Minh triết, ở trong nước ta thì như đôi câu đối nói trên ở cổng Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội (mà nhiều người đã thờ ơ đi qua) còn có thể nói đến quan niệm của Ngô Thì Nhậm, một danh nho, một nhà chiến lược, nhà ngoại giao, nhà thiền học thế kỷ XVIII, vị quân sư của vua Quang Trung. Trong bài phú Thiên quân thái nhiên (Cái tâm thanh thản) nói về thái độ ứng xử của kẻ trí thức, ông đã đề cao Minh triết:
Cung kính nhi sự thượng, như phong tòng hổ, vân tòng long.
Minh triết dĩ bảo thân, cứ vu lê, khốn vu thạch.
Có nghĩa là: Kẻ trí thức cung kính phụng sự bề trên (quốc gia, dân tộc, đạo nghĩa...) phải tự do tự tại như gió theo hổ, mây theo rồng. Có Minh triết thì đủ giữ gìn thân mệnh, không sợ gì chông gai, đá núi. Minh triết đã là cái tố chất của con người để tự do, tự tại và để vượt lăn gian nguy trở ngại.

Trong thời hiện đại, trước những thử thách của cuộc đời, trước những suy đồi cá nhân và xã hội tầm vóc toàn cầu, trước sự thất vọng với các triết thuyết, người ta đang quay lại đi tìm Minh triết. “Ngày nay trước sự thất vọng đối với các triết thuyết, Minh triết đã trở thành luổng tư duy chính đương đại”. (Dẫn theo Wikipédia). Người ta dẫn câu nói nổi tiếng của Thomas Jefferson (vị Tổng thống thứ tư của Hoa Kỳ và cha đẻ của Tuyên ngôn độc lập Mỹ) '”Nếu biết phối hợp minh triết với quyền lực, sẽ ít dùng quyển lực mà hiệu quả lớn”. Tiến sĩ Lloyd Bruce (Anh quốc, chuyên gia về lý thuyết điều hành lãnh đạo) cũng khuyên: “Các nhà lãnh đạo nếu không hiểu minh triết và không biết ứng dụng Minh triết, họ sẽ trả giá đắt cho sự vô tâm của mình”.
Cha ông ta đã mách bảo, để chúng ta đừng vô tâm với Minh triết. Xin tìm học để ứng dụng vào kinh tế, vào chính trị, vào văn hóa giáo dục, vào lối sống và tâm linh con người.