Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

BỐN CHỮ “D” VÀ MÔI TRƯỜNG VĂN HOÁ


GS. TRƯỜNG LƯU

1. Khi thế giới bước vào thiên niên kỷ thứ ba, nhiều nhà khoa học nhân bản và môi trường đã tìm ra những đặc trưng của lối sống nông nghiệp lạc hậu và khái quát thành bốn “chữ D” theo mẫu tự Latinh.
- Do dễ dãi, tùy tiện khi bắt tay vào làm một việc gì, nên dễ tự bằng lòng, đồng ý với việc đó (D’accord).
- Do đầu óc thiếu kế hoạch phân tích, tính toán, việc làm không dứt điểm nên luôn sai hẹn và cứ kéo dài đến ngày mai lại ngày mai (Demain).
- Việc làm không sòng phẳng, ảnh hưởng đến kế hoạch chung, nếu ai đó thúc giục thì nói đến bình tĩnh và bình tĩnh (Doucement).
- Lối sống như thế tất nhiên là khó thích nghi với thời đại khoa học kỹ thuật và không thể thành đạt trong công việc, khi hối hận thì đã thất bại và biểu thị tư tưởng “rất tiếc” (Dommage).
Người ta gọi các đặc trưng trên là căn bệnh “cù lần”, lần khân, hoặc dây dưa, quanh quẩn. Tác phong sống trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa không thể dung nạp lối sống cù lần. Chúng ta dù được sinh ra từ đâu, thứ bậc xã hội như thế nào, đang sống và làm việc trong những điều kiện và lĩnh vực nào, đều ít nhiều có chút máu “cù lần” trong người, do vốn là con đẻ từ một nước nông nghiệp lạc hậu lâu đời, từ một phương thức sản xuất châu Á trì trệ và bảo thủ mà triết học duy vật lịch sử đã phân tích.


Soi rọi vào một mặt nào đó trong bốn “chữ D” trên, chúng ta cũng thấy có mình trong đó. Thông thường, thấy bao giờ cũng dễ hơn phản tỉnh từ nhận thức, nói bao giờ cũng dễ hơn hành động thiết thực, chỉ có sự bức xúc do thực tiễn mang lại mới lay chuyển được cái cơ bản của lề thói, thói quen trì trệ đang tiềm ẩn trong mỗi con người và thành tố tổ chức.
Gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), dù muốn hay không, ta bước vào sân chơi bình đẳng với các quốc gia, trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa. Đó là sự bức xúc thường trực trong giai đoạn hiện nay của đất nước. Bức xúc cũng đồng thời là chất men kích thích sự thay đổi hoặc điều chỉnh các căn bệnh đã trở thành nếp dai dẳng trong lối sống của xã hội hiện tại. Chạy theo khối lượng thành tích hơn chất lượng cần có; chú trọng hình thức lôi cuốn hơn hiệu quả nội dung; chưa làm đã nghĩ đến lừa đảo, đến bôi bác và chiếm đoạt, chú trọng nói năng theo công thức cứng nhắc hơn sự năng động theo đối tượng và hoàn cảnh v.v...
Tất cả các mặt ấy đều liên quan đến bốn “chữ D” mà các nhà khoa học đã đúc kết. Những căn bệnh ấy cùng với xu hướng “đồng tiền là tất cả” và sự sùng bái vật chất thái quá đã liên minh thành lực lượng phá hoại, từng bước gặm nhấm các khuynh hướng lành mạnh và tiến bộ. Nó được ngụy trang dưới những hình thức láu cá, thông minh vặt và bài bản, kế hoạch.
2. Lâu nay ta nói nhiều về chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, về ý thức tự cường và tự hào dân tộc, nhưng đã đến lúc cần tìm ra những nhược điểm của con người Việt Nam để biết ta là ai và thích nghi với thời đại như thế nào là thích hợp. Cũng đã đến lúc nên nhìn nhận lại vấn đề xây dựng lối sống thường xuyên được phát động và cũng thường xuyên nói đến cái chung của phong trào, còn khi đi vào các hiện tượng cụ thể có nhiều gay cấn thì lối sống cũng chỉ dừng lại ở lý thuyết chay và ước muốn trừu tượng.
Chẳng hạn khi nói về khôi phục nếp sống thanh lịch của người Hà Nội, người ta không lưu ý đến cái khác nhau hoàn toàn của Hà Nội xưa và nay về dân số, dân di cư và thành phần xã hội, hệ tư tưởng và nền văn hoá, sự khép kín và mở rộng giao lưu, phương thức sinh sống và điều kiện sinh hoạt của cư dân... Cái lề thói, tập tục của Nho phong và gia phong trong cái nhịp điệu chậm rãi của guồng máy xã hội xưa bên cái yên bình của cảnh quan, tạo nên dáng vẻ thanh lịch của một cố đô, đâu có dễ hòa hợp với cái sôi động, hối hả đua tranh của cơ chế thị trường.
Hiện đại và văn minh của lối sống thanh lịch mà những người chủ xướng nêu ra rút cục chỉ nằm ở ý tưởng chung về lối sống có văn hoá, nổi rõ trong giao tiếp, kinh doanh và bảo vệ môi trường sinh thái. Cái thanh, cái lịch trở nên mơ hồ và trừu tượng. Từ thực tiễn đúc kết thành luận điểm rồi từ lý luận soi rọi vào thực tiễn, cái nguyên lý giản đơn đó, nhiều khi không được chúng ta coi trọng. Đó cũng là một mặt trong căn bệnh bốn “chữ D” tức dễ tự bằng lòng với lối làm việc đơn giản, nặng hình thức.
Lối sống dĩ nhiên là thuộc tính của văn hóa, song văn hóa phải được nhìn nhận đúng các yếu tố như nó vốn có. Không nên quá lệ thuộc hàng trăm định nghĩa văn hóa trên thế giới mà nên phân biệt các ý kiến khác nhau về cấu trúc văn hóa, mô hình văn hóa, quản lý văn hóa, định hướng văn hóa, văn hóa trong những giá trị khu biệt và vai trò hệ tư tưởng của văn hóa...
Dù ý kiến khác nhau, chưa một ai xa rời cái khái niệm nguồn gốc tạo ra văn hóa. Cần mở rộng nội hàm khái niệm văn hóa gắn với dân tộc và vận dụng phương pháp phân tích hệ thống theo nhãn quan trí tuệ và tầm nhìn về một thế giới văn minh trí tuệ để biện minh và trao đổi.
Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền văn hóa trong thời đại hội nhập và toàn cầu hóa, là một yếu tố khách quan, song sự phụ thuộc đó phải xuất phát từ giá trị một nền văn hóa đã được khẳng định, vì không thể có mô hình chung cho sự phát triển - tuy giá trị mô hình riêng mang tính phổ biến vẫn tác động đến mô hình tương tự.
Tham khảo ý kiến từ việc đúc kết bốn “chữ D” trên đây, là ý thức về xây dựng hệ giá trị văn hóa dân tộc trong giai đoạn hiện nay; mà trước hết là một lối sống lành mạnh biểu hiện là môi trường văn hóa. Văn hóa tự bản thân nó đã hàm chứa sự phát triển, nên nó phải được quan niệm như một quá trình “nuôi dưỡng” các giá trị, kể cả kinh nghiệm lịch sử và tài nguyên con người, cùng những tiềm năng của nó. Không thể có dân giàu, nước mạnh mà phẩm chất cuộc sống bị xem nhẹ, vì nếu thế đạo đức sẽ sa sút, đời sống tinh thần sẽ trì trệ và kéo theo nó là sự hạn chế của vai trò động lực ở con người. Còn bản thân các phạm trù công bằng, dân chủ và văn minh đã là chất lượng văn hóa không ngừng được nâng cao theo yêu cầu của giai đoạn.
3. Môi trường văn hóa được đề cập ở đây, một mặt phải đặt nó trong mối quan hệ với xây dựng lối sống gắn với định hướng của một nền văn hóa, mặt khác phải gắn với thời đại văn minh trí tuệ như hiện nay, mà Việt Nam với vị thế hiện tại không thể đứng ngoài. Nhân cách là đặc trưng nổi bật của lối sống trong khi lối sống là một yếu tố của văn hóa phát triển theo định hướng dân tộc, hiện đại và nhân văn.
Do đó xây dựng lối sống có văn hóa chính là xây dựng nhân cách sống của con người khi đất nước bước vào kỷ nguyên hội nhập và toàn cầu hóa. Nhân cách thông thường được hiểu như tư cách làm người, tư cách công dân, còn nhân cách là cách sống thể hiện trong nghề nghiệp, trong đối nhân xử thế của đời sống thị trường. Từ nhân cách con người đến phẩm chất và chất lượng cuộc sống, luôn đặt trong mối quan hệ gắn khít. Môi trường cần có cho phẩm chất cuộc sống thể hiện thành hiện thực, chính là đất nước ổn định về chính trị, dân chủ và công bằng xã hội được đề cao, mọi suy thoái phải được vực dậy và mọi tệ nạn phải được bài trừ.
Bốn “chữ D” trên đây giúp ta tham khảo trong cách vực dậy những mặt còn trì trệ, đồng thời góp phần khắc phục tệ nạn có nguyên nhân từ trì trệ.
Thời đại văn minh trí tuệ đã đánh thức tiềm năng sáng tạo ở con người và con người đang vươn tới nắm bắt những hiện tượng lâu nay còn nhiều bí ẩn trong thế giới tự nhiên, kỹ thuật, xã hội và tư duy. Không một trung tâm nghiên cứu, đào tạo nào có thể nhanh chóng đúc kết hệ thống thành công trình, giáo trình những đặc điểm sáng tạo như chưa từng dự báo. Do đó, một trong những vấn đề lớn được đặt ra trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay là xây dựng ý thực tự học, tự đào tạo suốt đời trong một xã hội học tập.
Tất nhiên là học đi đôi với hành và học tập trong môi trường văn hóa thuận lợi để phát huy mặt ưu trội và phát triển. Ta đã tiếp thu nhiều thành quả văn minh của loài người, ta cũng cần góp phần cống hiến cho nhân loại những sản phẩm tinh thần mang dấu ấn Việt Nam. Kỳ vọng đó không có gì là xa vời, nếu ta nghĩ đến tiềm năng trí tuệ của dân tộc được khơi dậy trong thời đại mới và đến một lúc nào đó sẽ đơm hoa kết trái. Tất cả đều liên quan trực tiếp tới môi trường văn hóa, đến cơ chế thông thoáng và sự đãi ngộ có văn hóa.
Không phải nói nhiều “hiền tài là nguyên khí quốc gia” thì hiền tài nảy nở. Cũng không phải nói “đào tạo nhân tài” thì nhân tài phát sinh và phát triển. Thấy được các mặt ấy là cần, nhưng cần thiết cơ bản và lâu dài hơn là tôn trọng thực tài và hiệu quả của sự cống hiến - chứ không phải làm một cách hình thức - và tạo môi trường văn hóa lành mạnh để ươm mầm tài năng.