Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

NGHỆ THUẬT DẤU NGẮT CÂU



NINH-HÀ N.Q
(Theo Le Nouvel Observateur)

Mọi chuyện bắt đầu từ một bài báo của Rue89 (báo điện tử Pháp), số ra ngày 1/4 mang tựa đề: “Điện Elysée khởi động chiến dịch cứu sống dấu chấm phẩy”. Bài viết giải thích rằng tổng thống Nicolas Sarkozy “muốn phục hồi vị trí của dấu chấm phẩy trong văn bản của các cấp chính phủ”.
Tất nhiên, đó chỉ là một câu chuyện “bịa đặt” - một “con cá tháng Tư” nữa của cánh nhà báo Pháp, nhưng bài viết đã gióng lên “hồi chuông báo động”, khiến không ít người giật mình nhìn lại để nhận thấy quả thực dấu chấm phẩy đang ngày càng ít được sử dụng, có nguy cơ... bị tuyệt chủng!
Bằng chứng là, trước đó, trong một cuộc phỏng vấn của Đài Phát thanh Quốc tế Pháp France Inter, Sylvie Prioul – đồng tác giả cuốn sách “L’Art de la ponctuation” (tạm dịch là “Nghệ thuật dùng dấu ngắt câu”), cùng với tác giả Olivier Houdart – cho hay đã tìm dấu chấm phẩy “mỏi mắt” trên các trang báo của “Le Nouvel Observateur” (tạp chí Người quan sát mới), cuối cùng thì tìm được nó trong mục thư gửi bạn đọc! Hay như trong tờ L’Humanité (báo Nhân đạo), số ra ngày 22/12/2005, người ta chỉ tìm thấy một dấu chấm phẩy duy nhất “ngụ” tại bài xã luận. “Tình cảnh” của dấu chấm phẩy đúng là đáng lo ngại. Nếu “tần suất” sử dụng nó không “đạt” được một ngưỡng cần thiết nào đó thì dấu chấm phẩy có nguy cơ bị xóa sổ.
Các nhà chuyên môn đã cất công tìm hiểu nguyên nhân xem vì sao nên nỗi và nhận thấy rằng lý do khiến dấu chấm phẩy “không được yêu mến” có lẽ là do tính “lai tạo”, “mập mờ”, “phẩy mạnh chấm yếu” của nó: Không hoàn toàn là một dấu chấm mà cũng chẳng hẳn là một dấu phẩy!
Dùng dấu chấm phẩy ở đâu? Lúc nào? Liệu đó có là một cái dấu của giới “élite”? Hay văn chương, ngôn ngữ ngày nay đang nghèo đi (những câu văn dài “lâm chung”, nhường chỗ cho lối hành văn ngày càng ngắn)?... Khi không hiểu rõ ý nghĩa, công dụng của dấu, người ta khó mà dùng được nó một cách chính xác.
Cho đến tận cuối thời kỳ Trung cổ, dấu chấm phẩy vẫn có vai trò như dấu chấm câu ngày nay. Sang thế kỷ XVIII, nó trở thành một loại dấu... lưng chừng giữa dấu chấm và dấu phẩy; hoặc để phân cách hai bộ phận có nội dung khác nhau nhưng liên quan với nhau trong cùng một câu (vai trò của dấu chấm, hay “có tính chấm nhiều hơn phẩy”); hoặc để giúp cho cấu trúc câu được rõ ràng, sáng sủa, khi mà trong câu đã có nhiều dấu phẩy (vai trò của “siêu dấu phẩy”, hay “có tính phẩy nhiều hơn chấm”).
Các tác giả của L’Art de la ponctuation đã liệt kê những chức năng chủ yếu dấu chấm phẩy. Có thể tham khảo thêm nguyên tắc ngữ pháp tiếng Pháp.
Dẫu vậy, cũng còn một điều an ủi là hiện tại, dấu chấm phẩy vẫn được sử dụng thường xuyên trong các văn bản hành chính và các chương trình tin học, nhất là sự hiện diện rất sống động của dấu chấm phẩy trong “ngôn ngữ” của thế giới “e-mail” và “chat”, nơi nó tượng trưng cho... cái nháy mắt!
Cuối cùng, theo tờ Guardian của Anh - có phần đùa cợt, “Chỉ ở nước Pháp mới có thể xảy ra một cuộc tranh luận tương tự, nơi người ta dành cho các nhà trí thức (intellectuel) một vị trí mà người khác dành cho các cầu thủ bóng đá, vợ cầu thủ bóng đá hay các ngôi sao nhạc rock”. Nhiều người bày tỏ sự đồng tình với “Chiến dịch giải cứu dấu chấm phẩy”, chống lại việc đơn giản hóa cách sử dụng dấu ngắt câu đặc biệt này...