Thứ ba Tuần Thánh tại nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn
(19-04-2011)
Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,
Anh em được sống vui vầy bên nhau,
Như dầu quí đổ trên đầu
Xuống râu xuống cổ áo chầu Aharon,
Như sương từ đỉnh Khécmôn
Tỏa trên đồi núi Xion lan tràn,
Nơi đây ân huệ Chúa ban,
Chính là sự sống chứa chan muôn đời.
Đó là lời thánh vịnh 133, rất phù hợp với khung cảnh thánh lễ chúng ta đang cử hành hôm nay, được mệnh danh là Thánh Lễ Làm Phép Dầu. Theo truyền thống Thánh Kinh, dầu tượng trưng cho sức mạnh, niềm vui, sự thánh hiến và ơn Chúa Thánh Thần. Như dầu quí đổ trên đầu, chảy xuống chòm râu, ướt cả áo chầu Aharon, trong ngày ông được thánh hiến làm thượng tế của giao ước cũ, thì dầu Thánh Thần cũng tuôn đổ xuống trên Đức Giêsu thành Nadarét để tấn phong Ngài làm Thượng Tế của giao ước mới và làm Đấng Kitô, tức là Đấng Được Xức Dầu để đem lại sự chữa lành, sự sống, cho mọi người, như lời loan báo của ngôn sứ Isaia trong bài đọc I (x. Is 61,1-3a) và lời xác nhận của chính Đức Kitô trong đoạn Tin Mừng hôm nay (x. Lc 4,17-21).
Đức Kitô là Đầu của Hội Thánh là Nhiệm Thể của Ngài, nên dầu Thánh Thần đổ xuống trên Ngài cũng tràn lan trên toàn thân thể là Hội Thánh, như dầu chảy “xuống râu xuống cổ áo chầu Aharon, như sương từ đỉnh Khécmôn tỏa trên đồi núi Xion lan tràn”. Đó là “ân huệ Chúa ban”, đó là “sự sống chứa chan muôn đời”. Cách riêng, các giám mục và linh mục, những người được thánh hiến bằng dầu thánh trong bí tích truyền chức thánh để trở thành người đại diện cho Đức Kitô là Đầu, càng được tràn đầy dầu Thánh Thần hơn nữa, để có thể chia sẻ cho cộng đoàn tín hữu. Cụ thể, trong thánh lễ hôm nay, Đức Giám Mục sẽ làm phép ba loại dầu để ngài và các linh mục xức trên toàn thể dân thánh Chúa. Thứ nhất là dầu dự tòng dùng để xức trên những người sắp lãnh nhận bí tích rửa tội; thứ hai là dầu thánh dùng để xức trên những người vừa được rửa tội để họ trở thành con cái Chúa, trên những người chịu phép thêm sức để họ trở thành tông đồ, và trên các tiến chức để họ trở thành linh mục của Chúa; và cuối cùng là dầu bệnh nhân dùng để xức trên các bệnh nhân nhằm tăng cường sức mạnh giúp họ có sức đương đầu với bệnh tật và cái chết.
Nếu Đức Giáo Hoàng là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất trong Hội Thánh hoàn vũ, thì Đức Giám Mục giáo phận cũng là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất tại Hội Thánh địa phương. Trong thánh lễ hôm nay, Đức Giám Mục hiện diện giữa linh mục đoàn và cộng đoàn để thể hiện sự hiệp nhất ấy, một sự hiệp nhất trong tình huynh đệ như lời thánh vịnh trên đây: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau”. Chính chức linh mục đã nối kết Giám Mục, các linh mục và giáo dân lại với nhau thành cộng đoàn hiệp thông huynh đệ, thành hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa, như chúng ta vừa nghe trong bài đọc II trích sách Khải Huyền (x. Kh 1,6). Vì thế chủ đề suy niệm chính của thánh lễ hôm nay là chức linh mục. Tuy nhiên ý nghĩa và vai trò của chức linh mục thừa tác chỉ có thể được hiểu trong tương quan với Đức Kitô và Hội Thánh, bởi vì cả ba cùng mang ba chiều kích: mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ, như chủ đề của Năm Thánh 2010 mà ngày hôm nay Hội Thánh Việt Nam còn đang tiếp tục triển khai và thực hiện.
Ba chiều kích mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ, trước hết được nhìn thấy nơi chính Đức Kitô. Ngài là con người của mầu nhiệm, vì qua cuộc Nhập Thể, Ngài vừa là con người thật, vừa là Thiên Chúa thật; Ngài là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình; nơi Ngài, mầu nhiệm Thiên Chúa và mầu nhiệm con người được bày tỏ trọn vẹn và nối kết với nhau, đến độ không thể biết Thiên Chúa là ai nếu không biết Đức Kitô và cũng không thể biết con người là ai nếu không qui chiếu về Đức Kitô. Đức Kitô là con người của sự hiệp thông, vì Ngài luôn kết hiệp với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, luôn thi hành thánh ý Chúa Cha và luôn bước đi theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần; đồng thời Ngài cũng luôn kết hiệp với Hội Thánh như Hôn Phu với hiền thê và như Đầu với thân mình. Chính Ngài đã phá đổ bức tường ngăn cách giữa các dân tộc và qui tụ muôn dân thành một cộng đoàn hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau. Đức Kitô là con người của sứ vụ, vì chính Ngài đã được Chúa Cha sai đến trần gian để thi hành sứ vụ cứu độ nhân loại; chính Ngài là vị thừa sai của Chúa Cha, là người rao giảng Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất, là gương mẫu tuyệt hảo của tất cả các nhà truyền giáo mọi nơi và mọi thời.
Ba chiều kích mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ của Đức Kitô được thể hiện và tiếp nối nơi Hội Thánh là thân mình của Ngài. Hội Thánh là mầu nhiệm vì Hội Thánh vừa có đặc tính trần thế, vừa có đặc tính thần linh, vì Hội Thánh chính là sự nối dài mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Kitô trong dòng lịch sử nhân loại, và là nơi hiện diện của Thiên Chúa giữa loài người. Hội Thánh là hiệp thông vì Hội Thánh là cộng đoàn các kitô hữu hiệp thông với Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần và hiệp thông với nhau trong tình bác ái. Đồng thời Hội Thánh cũng là khí cụ Thiên Chúa dùng để qui tụ nhân loại thành một gia đình duy nhất. Hội Thánh là sứ vụ vì bản chất của Hội Thánh là truyền giáo, vì Hội Thánh đã được Đức Kitô thiết lập và sai đi loan báo Tin Mừng Nước Trời và phục vụ tha nhân. Hội Thánh có bổn phận ra đi khắp tứ phương thiên hạ để biến mọi người trở thành môn đệ Đức Kitô. Hội Thánh không chỉ là sự nối dài mầu nhiệm Đức Kitô nhập thể, mà còn là sự nối dài mầu nhiệm Đức Kitô được xức dầu, tức được thánh hiến và sai đi.
Các linh mục, đến lượt mình, cũng phải có đầy đủ 3 chiều kích mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ như Đức Kitô và Hội Thánh. Linh mục là người của mầu nhiệm, bởi vì linh mục được đặt làm tư tế, tức làm trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại. Làm trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại, linh mục là con người của sự thánh thiêng, vì linh mục là người của Chúa, là người thay mặt Chúa và được trang bị bởi quyền năng của Thiên Chúa để công bố Lời Chúa và làm cho Chúa hiện diện và hoạt động qua các bí tích. Linh mục là người của sự hiệp thông, bởi vì trong sự hiệp nhất với giám mục và linh mục đoàn, linh mục xây dựng sự hiệp thông giữa cộng đoàn Hội Thánh, xây dựng Hội Thánh thành gia đình hiệp nhất trong tình yêu và tình huynh đệ, trong sự đối thoại chân thành, trong sự lắng nghe và tôn trọng mọi ý kiến khác biệt. Cuối cùng, linh mục là con người của sứ vụ, vì linh mục tiếp nối công cuộc cứu độ của Đức Kitô, Đấng đã được xức dầu Thánh Thần và được Chúa Cha sai đi loan báo Tin Mừng.
Trở thành linh mục là nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Khi linh mục càng trở nên giống Chúa Kitô, càng để cho mầu nhiệm Đức Kitô tỏ lộ nơi mình, đồng thời càng hiệp thông gắn bó với Hội Thánh là nhiệm thể của Ngài, thì sứ vụ của linh mục càng sinh nhiều hoa trái, vì Chúa Giêsu đã nói: “Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5).