Chu Việt
Trong các chức năng sinh lý cơ thể giúp nuôi sống con người để tồn tại và sinh sôi trên mặt đất này, ăn uống có lẽ chiếm địa vị quan yếu hàng đầu. Không ăn uống con người không thể sống. Thở cũng quan trọng, có khi còn hơn cả ăn uống, vì người ta có thể nhịn ăn nhiều ngày, nhưng nhịn thở chỉ được vài phút. Tuy nhiên, tạo hóa dường như đã sắp đặt để cho con người một nguồn cung cấp gần như vô tận về khí trời và nước uống mà không cần phải trả giá hay chỉ trả giá rất ít. Duy chỉ có miếng ăn là con người phải vất vả lao động hay đấu tranh mới có. Thành thử, kể từ thuở còn “ăn lông ở lỗ”, mối quan tâm thường trực của xã hội loài người bao giờ cũng là miếng ăn, và dưới bất cứ hình thức văn minh, kỹ thuật nào, dù là lượm hái, săn bắt, nông nghiệp, hay kỹ nghệ, hoạt động căn bản của con người trước hết bao giờ cũng hướng vào mục đích kiếm ăn.
Vì tính cách quan yếu và cơ bản của nó đối với đời sống con người từ thuở ban sơ, “ăn” chắc hẳn phải là một trong những ý niệm đầu tiên có mặt trong sự hình thành của ngôn ngữ khi con người bắt đầu sống quần tụ và có nhu cầu trao đổi, tìm hiểu nhau.
Có lẽ rất ít người Việt chúng ta để ý đến sự kiện “ăn” là một từ bao hàm nhiều nghĩa nhất và cũng được sử dụng nhiều hơn cả trong sự cấu thành các từ ngữ, thành ngữ, hay tục ngữ có liên quan hay không đến ăn, hiểu theo nghĩa đen, nghĩa là bỏ thức ăn vào miệng, nhai và nuốt. Các văn liệu phổ thông hiện đại mà ta có đã chứng minh sự kiện này. “Việt Nam Tự Điển” của hội Khai Trí Tiến Đức xuất bản tại Hà Nội năm 1930 — một công trình sưu tập có giá trị lịch sử về ngữ vựng tiếng Việt — đã liệt kê 12 nghĩa khác nhau của từ “ăn” và hàng trăm thí dụ văn liệu có liên hệ với “ăn” trong hơn năm trang. Các từ điển tiếng Việt khác, như của Đào Văn Tập hay Nguyễn Văn Khôn, cũng dành một số trang đáng kể cho từ “ăn”. Gần đây, cuốn “Tự Điển Tiếng Việt” của Viện Ngôn Ngữ Học Hà Nội cũng đã minh hoạ vị trí ưu thế của từ “ăn” qua 12 nghĩa khác nhau của từ này và liệt kê những từ ngữ và thành ngữ hiện đại có liên quan đến “ăn” trên bốn trang giấy. Sau hết, cuốn “Tục Ngữ Phong Dao” (1 và 2) của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc – một nổ lực sưu tập coi như đầy đủ nhất từ xưa đến nay – đã liệt kê gần 200 tục ngữ và ca dao bắt đầu bằng tiếng “ăn”, và nếu ta kể cả những ca dao hay tục ngữ khác có tiếng “ăn” ở trong thì thật không ngờ tổng số lại lên tới gần một phần mười của tất cả cái kho tàng văn học dân gian này. Đó là một sự kiện mà tôi chắc ai cũng phải đồng ý là rất khác thường, không cứ trong tiếng Việt mà trong bất cứ ngôn ngữ nào.
Câu hỏi đến ngay với ta là: tại sao từ “ăn” lại trở nên một thành phần quan trọng đến thế trong tiếng Việt? Trong các ngoại ngữ Tây phương mà nhiều người Việt am hiểu tường tận như tiếng Anh và tiếng Pháp, tuyệt nhiên ta không thấy sự phổ biến của ý niệm “ăn”. Chỉ có người Trung Hoa mới quan tâm nhiều đến ăn uống, chẳng hạn, ở những vùng quê, họ thường chào hỏi nhau bằng câu “ăn cơm chưa?” (chih fan le mei yu?’), và ai cũng biết rằng ở bất cứ xó xỉnh nào trên thế giới, ở đâu có người Trung Hoa là ở đó có tiệm ăn. Có điều hơi khác với người Việt là họ ít dùng ý niệm “ăn” (thực {chih}) trong những từ ngữ đáng lẽ phải có ý niệm này; ví dụ họ gọi tiệm ăn là “ phạn điếm” hay “ tửu điếm”. Phạn điếm cũng không có “ thực khách” và “ thực đơn” mà chỉ có “ khách viên” và “ thái đơn”. Tiếng phổ thông Trung Hoa cũng có những từ như “ thực khổ” (đau khổ), “ thực ngôn” ( nuốt lời), “ thực lực” ( khó khăn), “ thực hương” ( nổi tiếng), và những thành ngữ như “ thực bất trú” ( quá sức), “ thực bế phạn” (vô công rồi nghề), “ thực cổ bất hóa” (bảo thủ, ngoan cố), “thực ngôn bất hóa” (trí thức nửa vời), v.v…(*) trong đó từ “thực” (ăn) được dùng với nghĩa bóng, nhưng số từ ngữ này hình như không thể nhiều như tiếng Việt. Do đó, ta có thể coi sự vận dụng ý niệm “ăn” vào việc mô tả tính tình, tâm lý, cách cư xử của con người trong những khía cạnh và tình huống khác nhau của đời sống là một hiện tượng đặc biệt, có thể coi như độc đáo, của ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam.
Trước hết hãy xét đến “ăn” với nghĩa đen của nó. Hàng ngày chúng ta “ăn sáng” hay “ăn lót dạ”, “ăn trưa”, “ăn tối”, hoặc ở nhà hoặc đi “ăn hàng”, “ăn tiệm”, điều đó không có gì đáng nói. Thỉnh thoảng chúng ta được mời đi “ăn cỗ” hay “ăn tiệc” cũng là chuyện thông thường. Điều đáng nói là từ “ăn” khi được dùng ghép với những dịp vui mừng hay lễ lạc như “ăn Tết”, “ăn giỗ”, “ăn hỏi”, “ăn cưới”, “ăn khao”, v.v…làm ta có cảm tưởng người Việt mình thường lợi dụng bất cứ cơ hội nào để mà ăn uống. Đối với chúng ta, “ăn Tết” hay “ăn giỗ” chắc chắn có ý nghĩa tình tự nhiều hơn là cổ bàn hay bánh chưng, bánh tét, và “ăn hỏi” chỉ là một lễ nghi nhiều khi chẳng có ăn uống gì cả. Đối tượng của ăn uống là thực phẩm, cố nhiên, nhưng cũng có thể không phải là thực phẩm. Người dân quê nhiều khi dùng từ “ăn” thay cho “hút” trong câu nói “ăn điếu thuốc, uống miếng nước”, và “ăn” cũng có khi dùng thay cho “nuốt” như trong từ “ăn lời” (Kiều: “Nói lời rồi lại ăn lời như không”). Đi quá một bước nữa, ta thấy “ăn” với nghĩa mập mờ được dùng trong câu thành ngữ “ thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ”, nhưng ở đây “ăn” đã đi sang lãnh vực của nghĩa bóng.
Ăn là quan trọng trong đời sống, nhưng đối với người Việt, phong cách ăn uống đôi khi còn quan trọng hơn. Ăn uống phải đàng hoàng , chững chạc: người tự trọng không thể “ăn bốc”, “ăn thừa”, “ăn chực”, “ăn tham”, nhất là không được “ăn vụng”, nghĩa là len lén ăn một mình một cách giấu diếm. Ở thôn quê, những nàng dâu mới thường hay mắc tật này, một phần vì sợ mẹ chồng, phần khác muốn chứng tỏ là mình không “ tham ăn” hay không phải là người chỉ biết “ăn hại” nhà chồng, cho nên nhiều khi phải “ăn vụng”. Nhưng thói đời “ăn vụng no lâu”, cho nên thân hình các cô càng ngày càng đẫy đà, mập mạp. Các bà mẹ chồng tinh đời khi kén vợ cho con vì vậy đã tránh xa:
“Những người béo trục, béo tròn,
Ăn vụng như chớp đánh con cả ngày”.
Một từ đặc biệt khác là “ăn dở”, ứng dụng cho người đàn bà mới mang thai thèm những chất khác thường mà, theo y học hiện đại, cơ thể lúc đó đang thiếu thốn. Thông thường thì khi có mang người đàn bà thích ăn những đồ chua, chát, thậm chí cả gạch ngói, và ta cũng đoán biết tại sao như vậy. Nhưng có khi họ ăn dở cả bằng hành thì thật là khó hiểu, chả lẽ cơ thể họ lại cần chất sắt đến như thế. Bởi vậy trong ca dao, cô gái xấu số mới phải buồn phiền:
“Mẹ em ăn dở bằng hành,
Đẻ em mắt toét ba vành sơn sơn”.
Ăn để sống, không ai sống để ăn. Những người trung thành với phương châm này thường là những người có nho phong hay Nho học trong xã hội Việt Nam cổ truyền. Họ thường có cuộc sống thanh bạch có lẽ vì tính khí khái và biết tự trọng nên thường coi nhẹ miếng ăn hay miếng đỉnh chung. Những trường hợp treo ấn từ quan trong lịch sử không phải là ít. Vì thấm nhuần đạo lý thánh hiền, các nhà nho coi “miếng ăn là miếng nhục” nểu chỉ vì miếng ăn mà phải bán rẻ đạo đức hay gia phong. Vì thế, các cụ thường quan niệm “miếng ăn quá khẩu thành tàn” và hay răn đe: “ăn một miếng tiếng để đời”, với ngụ ý khuyên con cháu phải giữ gìn tiết tháo hay phẩm hạnh để cuộc sống được thanh cao, trong sạch.
Trong những cách thế dùng từ ăn của người Việt, ta thấy từ nghĩa đen đến nghĩa bóng không có bao xa có lẽ vì sự hội ý hay liên tưởng quá gần gũi. “Ăn vụng” vì vậy còn được dùng để ám chỉ hành vi ngoại tình, lén lút, và “ăn gỏi” hay “ăn (sơi) tái”, ngoài nghĩa đen đi cùng với gỏi ( ví dụ gỏi cá), tái ( ví dụ thịt bò tái) là những món ngon lành, còn mang nghĩa lấn lướt, áp đảo một cách dễ dàng, ngon lành ví dụ “ Mày bé người, đụng đến nó thì cứ gọi là nó ăn gỏi ( hay sơi tái) mày đi” . Ta vẫn biết “ăn mặn” là nghịch nghĩa với “ăn chay” như trong câu tục ngữ “ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối”, nhưng đến câu “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” thì rõ ràng ăn mặn không còn nghĩa đen nữa mà chỉ dùng để ám chỉ một hành vi bất chính, cái nhân trong luật nhân quả. Người Việt khi ma chay, khao vọng, hay có việc làng thường thổi xôi để cúng bái, đãi đằng, cho nên do liên tưởng, xôi cũng có nghĩa là miếng đỉnh chung (“xôi thịt”, “cố đấm ăn xôi”), và “ăn xôi” cũng có nghĩa là chết giống như “ăn đất” (Ca dao: “Bao giờ ông lão ăn xôi (chầu trời), thì em lại lấy một người trai tơ”). Những thí dụ khác của nghĩa bóng qua sự hội ý hay liên tưởng là : “ăn tiền” (hối lộ), “ăn bẩn” (nhỏ nhen, tham nhũng), “ăn sương” (đĩ điếm, trộm cắp), “ăn đong” (ít ỏi, lơ mơ), v.v… Khi ta nói một người nào “ tiếng Tây ăn đong” chẳng hạn, thì ngoài nghĩa bóng lại còn thêm hàm ý, mỉa mai, khinh thị, hay châm biếm, cũng như khi ta chê một con buôn “ăn bẩn” hay một ông quan “ăn tiền” của dân.
Cả một nền luân lý cổ truyền đã được xây dựng, chẳng phải là với những ý niệm cao siêu, xa vời gì, mà chỉ trên căn bản những thành ngữ có gốc là tiếng “ăn” một ý niệm rất tầm thường. Để dạy con cái nên người, bậc cha mẹ thường nói: “ăn có nhai, nói có nghĩ”, “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “ăn có mời, làm có khiến”, “ăn tùy nơi, chơi tùy chốn”, “ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành” v.v…Lòng trung thành và sự biết ơn tổ tiên thường được nhắc nhở qua những câu “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” “ăn cây nào rào cây ấy”, và “ăn miếng chả, giả miếng bùi”. Xa hơn nữa, nhân sinh quan của dân tộc cũng được biểu lộ đó đây qua những thành ngữ phản ảnh triết lý dân gian: “ăn vóc học hay”, “ăn mặn khát nước”, “ăn nhịn để dành”, “ăn lấy chắc, mặc lấy bền”, “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”. Đó là những tư tưởng khôn ngoan, sáng suốt, những hạt minh châu sáng ngời trong kho tàng văn hóa Việt Nam. Ngược lại, “ăn” cũng can dự vào những nét dung tục, sỗ sàng, đôi khi có tính cách chanh chua hay khôi hài của sắc thái văn hóa bình dân. Ta có thể kể qua những thành ngữ hay tục ngữ mang những nét dung tục như: “ăn chẳng bõ ỉa”, “ăn tục, nói phét”, “ăn lường, chơi quỵt”, “ăn hại, đái nát”, “ăn độc, chốc đít”, “ăn dơ không biết thối”, “ăn đầy bụng , ỉa đầy bờ”, “ăn thủng nồi trôi rế”, v.v.
Một nét độc đáo của văn hóa Việt có lẽ là việc sử dụng từ “ăn” trong sự chửi rủa. Tôi không biết có dân tộc nào khác làm như vậy không, nhưng gần gũi với ta hơn cả là người Trung Hoa cũng chỉ “thá má nị…(đ.m)” hay xúc phạm đến tổ tiên của nhau. Người Tây phương như Pháp, Mỹ mà ta quen thuộc khi tức giận chỉ đến nước văng tục hay rủa nhau bằng đồ nọ đồ kia (salaud, putain, jerk, son of a bitch,v.v.), hay sỗ sàng hơn thì thốt ra những lời xúc phạm đối phương có liên quan đến tính dục (fuck you, mon cul). Nhưng, cho nhau “ăn” những chất bài tiết của cơ thể (cứt, máu kinh nguyệt, nước đái) như người Việt thì không. Ngoài ra, theo tôi, có lẽ chỉ có người Việt mình, mà phần lớn là mấy bà nạ dòng, trong khi chửi rủa mới cho nhau “ăn” (hay những hình thức của ăn như: bú, liếm) cả cơ quan sinh dục của mình. Người ở đô thị có lẽ ít khi được nghe, nhưng ở thôn quê thì đó là chuyện cơm bữa. Nét văn hóa dân tộc đặc biệt này bộc lộ cho ta thấy đôi điều về quan niệm tình dục của người Việt. Một là cơ quan sinh dục, nhất là của đàn bà, bị coi như thứ đồ dơ bẩn đồng hạng với các chất bài tiết của cơ thể. Hai là: mặc dầu vậy, sự phô trương cái giống của mình ra để sẵn sàng cống hiến nó cho đối phương thưởng thức không thể là một sự cấm cản (inhibition) về tâm lý như đối với một vài dân tộc khác. Có thể nói, về phương diện tình dục, người Việt cũng không đến nỗi quá bảo thủ, và đặc biệt người dân quê, vì không bị ràng buộc bởi giáo điều “nam nữ thụ thụ bất thân” của Khổng-Mạnh cho nên sống gần gũi với thiên tính và bản năng hơn.
Trong xã hội nông nghiệp cổ truyền, “ăn chơi”- trong đó có ăn uống rượu chè, và cờ bạc- trong dịp tết hay hội hè, đình đám là những dịp xả hơi đền bù cho sự vất vả quanh năm vì công việc đồng áng. Có lẽ do nếp sống đó mà từ “ăn” hay được dùng trong khi đánh cờ, đánh bạc. Khởi đầu có lẽ với nghĩa đen nhưng lâu dần “ăn” trở thành thắng hay được. Trong cờ tướng, khi chiếm được quân cờ nào của đối phương ta nói “ăn con xe”, “ăn con mã”, v.v…với ý nghĩa chiếm đoạt, thắng lợi. Trong bài bạc, ví dụ đánh tổ tôm, đánh chắn, hay xoa mạt chược, thì khi ta hỏi người ngồi cánh dưới: “ăn không? Không ăn thì bốc”, ăn lại có nghĩa thu nhận một cây bài cho thành phu để được tròn bài. Vì vậy ta có những từ như “ăn chắn”, “ăn cạ”, “ăn tôm”, “ăn lèo”, “ăn xuyên”, v.v…Tôi còn nhớ thuở bé hay có dịp xem đánh sóc dĩa những khi có hội hè đình đám. Trên chiếu bạc, trước khi mọi người đặt tiền, người cầm cái hay hồ lỳ thường rêu rao miệng dẻo quẹo: “Sấp một ăn một, sấp hai ăn hai, sấp ba ăn ba, sấp bốn ngửa tư, một đồng ăn bốn đồng. Mở này, mở này…”. Tuy ít tuổi, tôi cũng hiểu ăn đây có nghĩa là được, và sau này, tôi cũng biết thế nào là “ăn già”, “ăn non”, hay “ăn gian” trong cờ bạc. Ý niệm “ăn thua” sơ khởi của những cuộc đỏ đen dần dà áp dụng cho cả những sự ganh đua, tranh chấp, hay so sánh ngoài đời. Nó đã biến thành vài nghĩa khác như ta dùng hiện nay, ví dụ: “ việc ấy ăn thua ( liên can) gì đến tôi “ hay ”nó đã cố gắng, nhưng chả ăn thua (hiệu quả) gì”, và cũng đưa tới từ “ăn đứt”, nghĩa là hơn hẳn (Kiều: Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương”).
Từ những nghĩa bóng phong phú, đa dạng “ăn” được thăng hoa và sử dụng như thành phần của những ý niệm căn bản khác trong tình tự và triết lý nhân sinh của dân tộc. Ghép với một vài từ khác, đặc biệt là “nói”, “ở”, “ngồi”, “nằm”, “làm”, là những tư-thế ở-đời của con người, “ăn” không còn nghĩa nguyên thủy của nó nữa, dù đen hay bóng, mà đã hòa quyện cùng từ kia để biến thành một ý niệm mới, y hệt một tổng hợp hóa học mầu nhiệm mà công thức là từ kép. “Ăn nằm” chỉ có nghĩa là sự chung đụng xác thịt, “ăn ở” chỉ có nghĩa là sinh sống, cư xử (ăn ở cho phải đạo), “ăn ngồi” chỉ nói về địa vị hay ngôi thứ (“ăn trên, ngồi trốc”), “ăn làm” hay “làm ăn” chỉ có nghĩa là hoạt động mưu sinh ( “ăn nên làm ra”), và “ăn nói” thường mô tả tư cách của con người trong xã hội ( “ăn ngay nói thật”, “ăn gian nói dối”). Điều đáng kể là trong tiếng Việt những từ ghép này đã đẻ ra không biết bao nhiêu là thành ngữ, tục ngữ, những cụm từ bốn chữ, sáu chữ, hay ca dao hoặc để diễn tả tính tình, phẩm hạnh con người ( “ăn không, nói có”, “ăn cháo đái bát””, “ăn to nói lớn” “ăn xổi ở thì”), hoặc để bày tỏ tình cảm hay thân phận ( “ăn gió nằm mưa”, “ăn cạnh nằm kề”, “ăn đợi nằm chờ”, “ăn gửi nằm nhờ”, “ăn cơm nguội nằm nhà ngoài”), hoặc để biểu thị một nhân sinh quan ( “ăn vừa ở phải”, “ăn lấy chắc mặc lấy bền”, “ăn theo thuở, ở theo thì”, “chẳng ăn cũng thiệt, chẳng chơi cũng già”).
Có hai từ độc đáo hơn cả mà theo tôi chỉ có trong tiếng Việt, đó là: “ăn vã” và “ăn vạ”, khác nhau chỉ một âm vị thanh sắc. Hãy thử dịch hai từ này sang tiếng Anh, Pháp, hay Trung Hoa bằng những từ tương ứng diễn tả được đầy đủ hai ý niệm đó. Tôi thấy đó là việc không ai làm nổi vì lẽ đơn giản: những ngôn ngữ này không có những từ đó. “Ăn vã” có nghĩa là chỉ ăn thức ăn chứ không ăn cơm và thường được dùng với ý trách móc hay mặc cảm phạm tội. Bạn đọc có thấy nền văn hóa nào khác có ý niệm đặc biệt này không? Tôi nghĩ là không. Chỉ với một từ này, ta đã có thể thấy nếp sống kham khổ, cơ cực của người Việt miền Bắc thôn dã quanh năm chỉ biết lấy cơm làm đầu và coi thịt thà, tôm cá là những đồ ăn phụ hay xa xỉ mà mục đích chỉ là đưa đầy cơm. Thế nên, trong chế độ dinh dưỡng của dân tộc, ta chỉ thấy những món ăn không thể “ăn vã” như rau dưa, tương cà, mắm muối, hoạ hoằn mới có thịt cá, nhưng lại kho thật mặn. Điều đáng nói là những món ăn này không phải chỉ dành riêng cho người nghèo khó mà trái lại, cả những người giàu sang có “của ăn của để” cũng chẳng bao giờ chê, nghĩa là những món ăn này thực sự là những “món ăn dân tộc”.
Khởi thủy, từ “ăn vạ” thoát ra từ ý niệm “ngả vạ” hay “bắt vạ”, một hình thức chế tài do các chức sắc trong làng áp đặt theo phong tục xưa. Thí dụ nhà nào có con gái chửa hoang phải bồi thường danh dự hay “đền” cho hàng xã, hoặc bằng tiền hoặc bằng trâu, bò, lợn, gà, v.v… Ý niệm này dẫn tới “ăn vạ” nhưng nội dung hiện đại của từ này (thí dụ: “nó nằm ăn vạ cả ngày”) không còn dính dáng tới phong tục xưa nữa mà chỉ mô tả sự đòi hỏi công bằng, một cách phản đối có tính cách tiêu cực. Do đó, ta cũng có thể nói: “ăn vạ” là một hình thức đấu tranh bất bạo động của cá nhân để đòi hỏi sự công bằng tối thiểu cho mình, đồng thời nó cũng phản ảnh đức tính chịu đựng thử thách và gan lì trước nghịch cảnh là những nét đặc biệt của dân tộc tính Việt Nam. Trên một bình diện cao hơn và với một quy mô rộng lớn hơn, kỹ thuật “ăn vạ”, một cách tổng quát, có khác chi phương pháp đấu tranh bất bạo động để dành độc lập của Mahatma Gandhi hay những cuộc phản kháng “sit-in” của sinh viên đại học Mỹ?
Hầu hết những từ hay thành ngữ được viện dẫn ở trên, cũng như hầu hết những ca dao và tục ngữ, rõ ràng là đã bắt nguồn từ cuộc sống đơn sơ và mộc mạc nơi thôn dã và đã trở thành nền tảng của văn học dân gian. Vì vậy những từ đó có tính cách “cổ điển”, nghĩa là đã được sáng tác, thử thách, và chấp nhận trong quá trình định hình và định tính của nền văn hóa dân tộc trước khi giao tiếp với Tây phương. Định nghĩa như vậy giúp ta có thể phân biệt được những gì đến sau sự giao tiếp đó trong cái tiến trình không bao giờ ngưng của văn hóa. Những từ sinh sau đẻ muộn đó không có bao nhiêu. “Ăn ảnh” (“cô ấy rất ăn ảnh”) và “ăn giơ (jeu)” (“cầu thủ đưa banh rất ăn giơ với nhau”) hiển nhiên không thể có trước khi người Pháp đô hộ chúng ta. Ta cũng có thể ngờ “ăn diện” (“chẳng chịu làm ăn, chỉ thích ăn diện”) là một từ mới của thế kỷ 20 cũng như từ “ăn mòn” ( “sắt bị át-xít ăn mòn) vì không thấy được liệt kê trong Việt Nam Tự Điển xuất bản năm 1930. Sự kiện từ “ăn” bỗng dưng không còn được chiếu cố trong sự phát triển ngôn ngữ như hàng ngàn năm trước, ta phải hiểu như thế nào?
Như đã thấy, “ăn” can dự sâu đậm vào đời sống dân tộc. Hầu như không có hoạt động nào hay khía cạnh nào của cuộc sống mà không thể mô tả được bằng một từ ngữ có tiếng “ăn” ở trong. Sự kiện từ “ăn” có nghĩa bóng nhiều hơn nghĩa đen và thói quen sử dụng thường làm ta quên hẳn cả nghĩa đen của nó cũng bao hàm một ý nghĩa đặc biệt về vai trò của “ăn” trong văn hóa dân tộc. Có thể nói” ăn đã đi vào tiềm thức hay hơn thế nữa, đã trở thành một thứ “ký ức sinh lý tập thế” của dân tộc chúng ta.
Mỗi nền văn hóa hay dân tộc tính, trong quá trình hình thành, đều chịu sự chi phối của một hoàn cảnh lịch sử, địa lý, và môi sinh nhất định. Người Mỹ lương thiện, xởi lởi, và vị tha là vì đã được thiên nhiên ưu đãi từ những ngày lập quốc, người Do Thái căn cơ và tính tóan vì đã phải bôn ba qua những hoàn cảnh khắc nghiệt trong lịch sử. Dân tộc Việt Nam cần cù, nhẫn nại, gan lì, bền bỉ chịu đựng (resilient) là cũng do kết quả của một cuộc sống khó khăn, chật vật, vất vưởng, tạo nên bởi địa bàn sinh hoạt khi xưa quá chật hẹp, đất đai cằn cỗi, và ảnh hưởng của thiên tai như lũ lụt tái diễn hàng năm. Thêm vào đó là hiểm họa xâm lăng triền miên của láng giềng hay từ phương Bắc, và hoàn cảnh đó đã tạo cho dân tộc ta một tinh thần đề kháng cang cường đã được lịch sử nhiều lần chứng minh. Nói theo kiểu duy linh thì tinh thần đó đã được un đúc bởi “khí thiêng sông núi”, nhưng trên thực tế đó chỉ là vấn đề tự tồn (survival). Vừa phải chống đỡ với giặc giã hay ngoại xâm, vừa phải vật lộn với đất đai có hạn, vừa phải chịu đựng một môi sinh khắc nghiệt kể từ những ngày xã hội được định hình, người Việt thật ra đã quá vất vả trong sự mưu sinh. Kiếm được miếng ăn trong những điều kiện như vậy thật là thiên nan vạn nan. Trải qua nhiều ngàn năm như vậy, “ăn” đã trở thành mối quan tâm thường xuyên, có thể nói một ám ảnh, của một dân tộc nhược tiểu thường bị “ăn hiếp” và “thiếu ăn”, không được thiên nhiên ưu đãi. Và đó, theo ý tôi, là điều có thể giải thích tại sao trong tiếng Việt từ “ăn” lại có nhiều nghĩa và được sử dụng nhiều đến thế.
Đó là một quá trình thăng hoa thiết yếu, có tính cách văn hóa và tâm lý. Vì vậy, ở đây ta không bàn đến cấu thức, ghép từ hay chuyển nghĩa của tiếng “ăn” trên phương diện ngôn ngữ học vì cùng lắm nó cũng chỉ thỏa mãn được câu hỏi “như thế nào (how)” mà thôi. Ở đây, vấn đề là tìm hiểu tại sao (why). Khi ta trân trọng một vật gì, ta thường đặt nó trên bệ cao để chiêm ngưỡng hay thờ phụng. Khi ta bị ám ảnh bởi một điều gì, mọi tư tưởng của ta đều quay về điều đó. Lâu dần, những khi muốn diễn đạt một tư tưởng mới, mô tả một tình huống mới, hay bày tỏ một thái độ bất thường, điều đầu tiên ta nghĩ tới luôn luôn là điều đã ám ảnh ta trong bấy lâu, và một cách tự nhiên, vô thức, ta đã mượn nó để nói lên những điều ta muốn nói. Về mặt tâm lý, đó là cách thế tự nhiên giúp ta trút bỏ hay tự giải thoát khỏi sự ám ảnh hay ẩn ức, một hình thức “nói lên cho hả dạ” (catharsis) của phân tâm học. Trường hợp buột mồm, buột miệng, nói lỡ lời, nói nhịu, nói mê, nói sảng cũng như thế, tuy chỉ là trạng thái nhất thời. Trên căn bản và một cách giản lược, tôi nghĩ đó cũng là quá trình thăng hoa của từ “ăn”, và chính sự thăng hoa này đã đưa đến địa vị độc tôn của nó trong tâm thức và tình tự của dân tộc chúng ta. Ngày nay “ăn” có thể không còn là một nỗi ám ảnh như ngàn xưa, nhưng không ít thì nhiều vẫn còn tiếp tục là một mối quan tâm. Tính cách quan yếu của miếng ăn đối với dân tộc Việt Nam vẫn còn đó…