Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2011

CHIẾC ĐÒN GÁNH TRONG VĂN HOÁ VIỆT NAM



HỮU NGỌC

Vừa đến một thành phố Việt Nam, nhà văn Mỹ E.Shillue đã vội ghi vào sổ tay một cách hứng thú: “Bà bán hàng rong mang trên vai một vật lãng mạn nhất ở phương Đông - cái đòn gánh. Bà nhẹ nhàng nhún nhảy bên phải bên trái đi ra khỏi ngõ” (Đất nước - NXB Đại học Massachusetts - 1997). Thời nước ta sống dưới chế độ thực dân Pháp, nhiều nhà văn Pháp trìu mến miêu tả những hàng phụ nữ nông thôn nối nhau gánh rau quả đi bán ở ven đê.
 Hình ảnh thật là đẹp, lạ mắt đối với người ngoại quốc hiếu kỳ.
Trong tiềm thức sâu lắng của cộng đồng người Việt, chiếc đòn gánh bằng tre gợi lên cuộc sống hàng ngày của người nông dân truyền thống, niềm vui, và nhất là nỗi buồn, đặc biệt là nỗi đau khổ âm thầm, lòng can đảm, tính chịu đựng và đức hy sinh của những người vợ, người mẹ, người bà thuộc các thế hệ kế tiếp nhau trong lịch sử.
Nước ta thuộc về nền văn minh lúa nước. Bờ ruộng rất hẹp, đường làng lại nhỏ, vì vậy đòn gánh là phương tiện chuyên chở phù hợp nhất. Nguyên liệu làm đòn gánh dồi dào nhất là tre. Các nhà thực vật học cho biết, châu Á là nơi lúa trồng nhiều nhất và tập trung nhất trên thế giời, diện tích tre mọc cũng gần bằng diện tích trồng lúa.
Từ ngày đưa ra phòng trào “giải phóng đôi vai”, đòn gánh vẫn còn là công cụ chuyên chở chính của 80% số dân (sống ở nông thôn).
Có được chiếc đòn gánh tốt và thích hợp với công việc cụ thể cũng công phu lắm. Theo anh bạn Thanh Hào, một nhà thơ rất gắn bó với nông thôn cổ truyền, phải “tìm cây tre không cần to lắm, không cộc ngọn, không bị kiến làm tổ trong ống. Đó là đoạn tre gốc, phải có đốt đều nhau. Đoạn tre gốc ấy, dóng dài thì bảy đốt, dóng trung bình thì chín đốt… Mọi người kiêng đòn gánh có đốt chẵn, đòn gánh vênh, đòn gánh có đầu mặt vào giữa vai. Các bà các cô quan niệm rằng: đòn gánh chẵn đốt thì không có lộc buôn, lộc bán. Đòn gánh vênh, ngoài sự nghiến vào vai, đau vai, còn gặp nhiều chuyện không hay. Còn đòn gánh có đầu vào mặt giữa vai, gian nan vất vả.
Dầu đòn gánh có đốt chẵn hay đốt lẻ, vênh hay thẳng, có đầu mặt vào giữa hay không thì bao giờ, từ xưa đến nay cũng là:
Đòn gánh tre chín rạn hai vai” (Nguyễn Du)
 Dân thành phố chúng ta mỗi lần đi gánh đất lao động xã hội chủ nghĩa độ hơn chục cân một chặng ngắn, hay đi lấy gạo hồi kháng chiến chống Pháp, chắc ít cảm tình với “ông đòn gánh”. Vậy mà các bà các chị gánh hai chục, ba chục cân, hàng ngày đi mấy chục cây số, chạy chợ hết ngày này sang ngày khác, hết đời nọ sang đời kia.
Đòn gánh và đôi quang là biểu tượng tình nghĩa vợ chồng (không thể đứt gánh giữa đường), sự đảm đang của người vợ “gánh vác giang sơn nhà chồng”.
Đòn gánh còn có mặt trong suốt cuộc đời con người ở nông thôn: đi chợ, làm nhà, gánh lễ vật lễ tết, đám cưới, đòn đám ma. Cũng đừng quên là đòn gánh đã đóng góp có hiệu quả vào việc chống ngoại xâm: gánh quân sĩ Quang Trung Bắc tiến …