Trần Văn
Tuổi trẻ cuối tuần, 03/10/2010
Tuổi trẻ cuối tuần, 03/10/2010
Mưa ngày càng nặng hạt, thấy một mái hiên rộng tôi chạy vội vào. Một nhóm học trò tan học cũng ùa vào trú mưa. Đang tán chuyện rôm rả nhóm học trò chợt im bặt, mọi ánh mắt đổ dồn về hướng người phụ nữ quảy gánh bên kia đường băng qua.
Không ai bảo ai, nhóm học trò tự động dạt ra hai bên nhường chỗ cho người phụ nữ đặt gánh xuống. Chị gầy, da sạm, dấu hiệu những tháng ngày bươn chải. Chị loay hoay sửa mấy ly chè bị xô lệch, nghiêng ngã. Mắt đượm buồn, thẫn thờ nhìn trời mây vần vũ làm những vết nhăn trên mặt chị càng hằn sâu thêm … Chị rụt rè hỏi giờ, tôi xem đồng hồ: “Năm giờ rưỡi rồi, chị ạ”. Chi lại đưa đôi mắt đầy ưu tư nhìn màn mưa thở dài …
Như đọc được nỗi niềm của người phụ nữ, nhóm học trò nhìn nhau ái ngại … Chợt một giọng nhanh nhảu xua đi màu u ám: “Sẵn chè của dì đây, ăn đi tụi bay! Tao khao, hôm nay là sinh nhật tao đó!”. Cả nhóm lao nhao: “Thật hả!?” và “Vậy thì bệnh gì mà cữ … chè”.
Đương nhiên tôi cũng được cậu học trò lễ phép mời ăn chè. Chúng tôi chúc mừng, vừa ăn vừa trò chuyện. Người phụ nữ cho biết chồng bị tai nạn giao thông, đã tốn khá nhiều tiền chạy chữa nhưng không qua khỏi lại còn vướng nợ nần. Có hai con trai, chị theo đứa lớn lên thành phố này buôn bán tảo tần kiếm tiền trả nợ và lo cho con ăn học, đứa nhỏ gởi nội dưới quê.
Tôi chợt nhận ra mình không làm được như cậu học trò hành xử khá thông minh kia. Vì tôi ngờ rằng cậu đã bịa ra sinh nhật của mình để mua chè bị ế vì mưa, tế nhị giúp người phụ nữ khỏi buồn tủi …
Và thú thật, tôi chẳng thích chè. Nhưng dư vị ngọt ngào của ly chè sinh nhật và hình ảnh cậu học trò chiều mưa hôm đó vẫn còn đọng mãi trong tôi.