Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Trước hết, xin trích dẫn đoạn sách của ông Phạm Đình Khiêm, Người chứng thứ nhất, 1959, trang 41-42, để làm nền tảng, dựa vào đấy ta có thể đính chính hai nhầm lẫn phổ biến về các địa danh có liên quan đến sinh quán của Á Thánh Anrê Phú Yên:
“… Ở phía bắc, thị xã Sông Cầu cũng mới có từ đời Pháp thuộc, và được lập thành tỉnh lỵ từ năm 1888 mà thôi.
Còn lại Tuy An: đây chính là thủ phủ tỉnh Phú Yên trước đời Pháp thuộc như đã nói trên, hiện còn di tích một nếp thành cũ tại An Thổ – Long Uyên[1], nay thuộc xã An Dân. Thành này, cùng một lối xây đắp kiểu Vauban như các thành Huế, Quảng Nam, Bình Định… mới xây từ đời Minh Mạng mà thôi.
Cách An Thổ độ hai cây số về phía đông nam, bên kia con sông Cái, và sát bở sông, trong địa hạt làng Hội Phú (nay thuộc xã An Ninh), chúng tôi nhận thấy một thôn nhỏ có tên là thôn “thành cũ”; ông già bà cả trong làng, nhìn nhận xưa kia, rất lâu đời, ở đấy có một nếp thành cũ, không rõ nguyên lai thế nào.
Tra cứu bản đồ của giáo sĩ Đắc Lộ, chúng tôi nhận thấy một thị trấn mệnh danh là “Dinh Phoan” được vẽ trên bờ một con sông ở giữa hai con sông khác thuộc tỉnh “Ranran”, mà chúng tôi nhận định được đích xác là con sông Cái. Đối chiếu di tích kia với bản đồ này, chúng tôi nhìn nhận đây chính là thành cũ của Dinh Trấn Biên do chúa Sãi lập năm 1629 tại đất Phú Yên và sau gọi là “Dinh Phú An” vậy.
Sau khi vua Minh Mạng bỏ thành này để dời sang Long Uyên An Thổ, các quan tỉnh có lập ở đó, vào đầu thế kỷ này, một “nghĩa trũng” để kỷ niệm các chiến sĩ văn thân. Ngày nay thành xưa đã lở hết xuống dòng sông Cái, chỉ còn lại ít chút di tích nghĩa trũng và ít chút di tích nền móng của thành. Phía đông thành, cách độ 1.500 thước, gần cửa bể có một di tích gọi là “trại thuỷ”, tức là căn cứ thuỷ quân hoặc tiền đồn của quan trấn thủ.
Như vậy sinh quán của anh hùng Anrê Phú Yên, không đâu khác ngoài các làng Hội Phú và lân cận là Long Uyên, Diêm Điền, Hội Tín, Phú Thọ, Minh Chính… Tại Long Uyên ngày nay có một ngôi nhà thờ nhỏ lợp lá, với một họ đạo non vài trăm nhân danh, gọi là họ “Lò giấy”. Theo lời truyền tụng, đó là họ đạo xưa nhất trong cả miền, đã cống hiến cho Giáo hội mấy chục người tử đạo đời Văn thân. Phải chăng đó chính là làng quê của thầy giảng Anrê? Dầu sao thì tất cả miền này đều thuộc địa sở (họ chính) Mằng Lăng, một địa sở tôn giáo rất quan trọng, gồm 12 họ nhánh, 3000 giáo hữu, với ngôi nhà thờ nguy nga đẹp đẽ nhất tỉnh. Vậy nếu không định rõ được đích xác làng, thôn nào đã sản xuất vị anh hùng, ít nhất ta cũng được biết chắc chắn Mằng Lăng là “xứ đạo quê hương” (paroisse natale) của người, và đó là một nhận định quan trọng, vì “xứ đạo” (địa sở tôn giáo) là đơn vị căn bản của địa dư Giáo hội”. (hết trích).
Nhà thờ Mằng Lăng |
Nói về lịch sử Á Thánh Anrê Phú Yên, từ trước đến nay chỉ có cuốn “Người chứng thứ nhất” của tác giả Phạm Đình Khiêm là một tác phẩm lịch sử dày công khảo cứu sưu tầm, chưa có nguồn sử liệu nào đáng tin cậy hơn tác phẩm này. Dựa vào trích dẫn trên đây, theo thứ tự, ta có thể xác định lại 2 nhầm lẫn hiện đang phổ biến về sinh quán của Á Thánh Anrê Phú Yên.
1. “Thành cũ” là thành An Thổ. “Thành cũ” tức Dinh trấn biên, nơi Á thánh Anrê Phú Yên (1625-1644) chịu phép rửa tội, là lỵ sở đầu tiên của tỉnh Phú Yên được chúa Sãi lập năm 1629 tại làng Hội Phú, nay thuộc xã An Ninh Tây. Hiện nay thành này không còn dấu vết do bị dòng chảy của nhánh sông Cái cuốn trôi nên di tích này hiện nằm giữa và dưới dòng sông. Thành An Thổ thì chỉ mới được vua Minh Mạng (1820-1840) thành lập vào thế kỷ XIX, một thời điểm cách xa với niên đại của Á Thánh Anrê Phú Yên. Về năm thành lập thành An Thổ thì các sử liệu ghi chép khác nhau. Cuốn Phương Đình dư địa chí của Nguyễn Siêu thì ghi là năm 1832; cuốn Đại Nam thực lục chính biên thì ghi là năm 1836; cuốn Đại Nam nhất thống chí thì ghi là năm 1838.
Để biết rõ thêm về các lỵ sở của tỉnh Phú Yên, xin xem thêm bài của tác giả Nguyễn Hữu An, “Thành An Thổ, tỉnh Phú Yên ở thế kỷ XIX”, tạp chí Xưa và Nay, số 220, tháng 9/2004, tr. 30-32:
“Năm 1611, phủ Phú Yên được thành lập. Từ sau khi thiết lập đơn vị hành chánh phủ Phú Yên, làng Hội An (về sau là làng Hội Phú, nay thuộc xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) được chọn làm nơi đặt thủ phủ của chính quyền phong kiến…..
Qua những tư liệu lịch sử và những kết quả khảo sát thực địa cho thấy trong thời kỳ phong kiến, lỵ sở của tỉnh Phú Yên từng được đặt ở 3 địa điểm khác nhau. Địa điểm đặt lỵ sở đầu tiên là làng Hội An, tổng Hạ, huyện Đồng Xuân (nay là thôn Hội Phú, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An). Đến đầu thế kỷ XIX, chuyển lỵ sở về làng Long Uyên, tổng Xuân Sơn, huyện Đồng Xuân (nay là thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An). Từ năm 1899 đến năm 1945, lỵ sở đặt tại thành Long Bình (nay thuộc thị trấn Sông Cầu, huyện Sông Cầu). Thành Hội Phú trước kia nằm ở hữu ngạn sông Phú Ngân (nhánh sông Cái), di tích này không còn nhận thấy dấu vết do đã bị dòng chảy cuốn trôi hoàn toàn, vị trí cũ của nó hiện nằm giữa dòng sông. Thành Long Bình về niên đại được xây muộn hơn thành An Thổ và được xây dựng đơn giản, thời gian sử dụng cũng rất ngắn. Do vậy, trong các địa điểm đã từng là nơi đặt bộ máy cai trị của chính quyền phong kiến tỉnh Phú Yên chỉ có thành An Thổ là di tích còn nhận diện được tương đối rõ nét”.
Phải chăng có sự nhầm lẫn giữa “Phủ cũ” và “Thành cũ”? “Phủ cũ” là tên gọi của thành An Thổ, “Thành cũ” là tên gọi của Dinh Trấn Biên. Cũng chính tác giả Phạm Đình Khiêm trong bài “Đi tìm địa điểm và di tích hai thành cổ Quảng Nam và Phú Yên đầu thế kỷ XVI”, đăng trong “Khảo cổ tập san”, số 1/1960, Viện khảo cổ Sàigòn, đã viết: “Vùng này (Tuy An) có hai di tích cổ, một di tích mọi người biết, gọi là “Phủ cũ” và một di tích mà ngay trong vùng, cũng ít người biết, gọi là “Thành cũ”. Di tích Phủ cũ thuộc An Thổ sát cạnh thôn Long Uyên, nay thuộc xã An Dân … Di tích cổ hơn, gọi là Thành cũ, thì ở thôn Hội Phú, xã An Ninh, quận Tuy An – xa chỗ “Phủ cũ” nói trên non hai cây số về phía Đông Nam, bên kia con Sông Cái. Chính chỗ có di tích ấy hiện nay gọi là ‘ấp Thành cũ” … muốn đến “ấp Thành cũ” ở thôn Hội Phú, thì phải theo đê Sông Cái, trực chỉ hướng Đông qua trước nhà thờ Mằng Lăng, đường xa độ năm cây số”.
2. Anrê Phú Yên sinh tại Lò Giấy. Đây là một khẳng định chưa được chứng minh bằng chứng cứ lịch sử. Tác giả Phạm Đình Khiêm đã coi đây là một giả thuyết thuần tuý dựa theo suy luận của riêng mình, chính vì thế mà ông đã đặt dấu hỏi (?) sau câu nghi vấn này: “Phải chăng đó (Lò Giấy) chính là làng quê của thầy giảng Anrê?”. Và vì chỉ là nghi vấn không thể chứng minh được nên ngay sau đó ông khẳng định lại: “Vậy nếu không định rõ được đích xác làng, thôn nào đã sản xuất vị anh hùng, ít nhất ta cũng được biết chắc chắn Mằng Lăng là “xứ đạo quê hương” (paroisse natale) của người, và đó là một nhận định quan trọng, vì “xứ đạo” (địa sở tôn giáo) là đơn vị căn bản của địa dư Giáo hội”. Vì vậy, dựa vào lịch sử đáng tin cậy mà chúng ta có hiện nay thì ta có thể khẳng định sinh quán của Anrê Phú Yên là giáo xứ Mằng Lăng. Khẳng định một điều còn đang nghi vấn thì cần phải có những chứng cứ lịch sử để chứng minh.
[1] Xưa kia là đất Long Uyên, sau mới tách ra gọi là An Thổ. Dân địa phương gọi thành này là Phủ cũ, vì sau khi tỉnh đường dời ra Sông Cầu, thành đó dùng làm trụ sở phủ Tuy An.