Thứ Hai, 4 tháng 10, 2010

CÁNH CHIM TRẺ THƠ TỪ TỔ ẤM GIA ĐÌNH

(Cảm nhận ngày cử hành Năm Thánh thiếu nhi tại Tuy Hoà)
                                                                                          
Trần Tuy Hòa

Trong những ngày của tháng chín năm 2010 vừa qua, nước Mỹ nói riêng và phần lớn giới âm nhạc trên khắp thế giới nói chung đã phát cuồng lên vì một cô bé nhỏ nhắn nhưng sở hữu giọng ca của một thiên thần, đó là em Jackie Evancho, 10 tuổi, thuộc bang Pennsylvania trong chương trình America s Got talent. Thật khó tìm được giọng hát ngọt ngào cao vút nào như giọng hát của em ; tài năng của em là không bàn cãi, ngưỡng mộ, thán phục và cả ngạc nhiên nữa. Nhưng cái làm cho người xem bị cuốn hút bên cạnh chất giọng soprano trong trẻo chính là cái nhìn đơn sơ, cái chắp tay thánh thiện, cái ôm choàng chân tình chia vui với người thắng cuộc trong đêm chung kết, cái hồn nhiên, khiêm tốn trong ứng xử. Khi biết mình được vào vòng trong của cuộc thi, cháu nói : “…Cháu không nghĩ mình làm được điều đó” ; khi được hỏi về cảm nhận của mình lúc được song ca với thần tượng Sarah Brightman, em chia sẻ : “Thật tuyệt vời, cháu yêu từng phút của màn trình diễn”. Thật không quá lời khi nói về em. Không chỉ có giọng hát thiên thần nhưng em là thiên thần.


Cũng trong thời gian này, trên một số trang mạng Viêt Nam, nhiều người cũng xôn xao trước một em gái xinh xắn, 12 tuổi, cao trên 1m7, em Lê Hoàng Bảo Trân ; không phải xôn xao vì em được giải vàng Teen Model 2009, nhưng xôn xao vì em trở thành “Cô dâu tuổi…12 cực xinh trên sàn diễn Sài gòn” đã làm “choáng váng vì cô dâu …12” . Em được ca tụng  “mang đến một luồng gió lạ cho thời trang Việt”. Một bộ áo cưới trên mình ở tuổi 12, không chút ngượng nghịu khi phải diễn đôi với chú rể  mười tám đôi mươi. Người ta ghi đậm hàng chữ dưới tấm hình của em : “Phút lạnh lùng của chân dài 9X đời cuối”. Tôi tìm mãi chẳng thấy đâu hình ảnh của một thiếu niên quàng khăn đỏ.
Đúng là gió lạ cho thời trang nhưng là gió độc cho tâm hồn của một thiếu niên ?
Tài năng không đợi tuổi nhưng để những tài năng này phát triển đúng hướng để các em trở nên thiên thần hay không thiên thần lại không do chính các em.
-Tối ngày 1/10/2010, em Huỳnh văn Vinh (17 tuổi) Đahuoi Lâm Đồng giết cụ bà 81 tuổi để lấy 48.000đồng.
-Trước đó mấy hôm (25/9/2010), một học sinh lớp 11 trường chuyên ở Hải Phòng ghi âm lời cô giáo và tung lên mạng…
- Trước đó nữa là những chuyện đánh ghen, làm nhục bạn, thanh toán nhau…

Các em không chỉ là tác nhân của tội phạm mà còn là nạn nhân của nhiều vụ bạo hành :               
- Cháu Châu gia Linh (5 tuổi) Hậu Giang  bị Mẹ đẻ và người tình của chị đánh đập đến mang thương tích trên toàn thân.
- Bé Như Ý (9 tháng tuổi) bị mẹ và cha dượng hành hạ.
- Em Nguyễn thị Bình, Hà Nội, bị chủ quán đánh đập từ 10 tuổi.
- Cháu Hồ thị Bông, lớp 6, cha mẹ nuôi bắt đi ăn xin…
- Cháu Hồ phi Hiền, lớp 6, Daklak, uống thuốc diệt cỏ tự tử…

Theo nhận định của PGS-Tiến sĩ Nguyễn công Khanh, chuyên gia tâm lý, trung tâm bảo đảm chất lượng giáo dục, trường đại học sư phạm Hà nội, tội phạm đối với trẻ em tăng cao vì : Trẻ thiếu giá trị sống, trẻ thiếu sự trải nghiệm, hay cách khác : trẻ thiếu kỷ năng sống…

Vậy phải làm sao ?.
Trong một đồ án luận văn tốt nghiệp “Xã hội và Nhân văn”, nguyên nhân phạm pháp của trẻ em  hầu hết đến từ môi trường gia đình . Phạm pháp, bị bạo hành vì :
- Cha mẹ quá nuông chiều,
- Cha mẹ quá nghiêm khắc,
- Cha mẹ thờ ơ, không quan tâm,
- Hành vi lệch chuẩn của cha mẹ…

Xem chừng mọi con mắt đều đổ dồn về gia đình khi lượng giá tính cách của một em bé. Tất nhiên, còn nhiều yếu tố khác như giáo dục, kinh tế, môi trường sống v…v… nhưng gia đình vẫn là yếu tố quyết định. Nếu không có sự quan tâm kịp thời của gia đình khi phát hiện con mình mê game thì làm sao có được một Nguyễn ngọc Trung, giáo dân Thạch Sơn – Lâm Thao – Phú Thọ nhận được HCV Olimpic Toán quốc tế lần thứ 51 hôm tháng 7 năm 2010 vừa qua tại Kazakstan ; nếu không có gia đình, tôi chắc rằng các em thiếu nhi được mời đọc lại các mầu nhiệm Vui, Thương, Mừng và Sự Sáng sáng chủ nhật 3-10-2010 tại nhà thờ Tuy Hòa không thể đọc thuộc. Vâng, gia đình là trường giáo dục nhân cách, là chỗ dựa, là tổ ấm để các cánh chim non từ đó tung cánh bay xa…
Gia đình là cây nến vàng của Ba, cây nến xanh của Mẹ, nó có lung linh mới có thể làm cho cây nến Hồng của Con lung linh theo, lúc đó mới thắp sáng một gia đình, gia đình ôm ấp ta những ngày thơ, cho ta bao niềm thương mến, bên nhau đi suốt cuộc đời ( Phương Thảo –Ngọc Lễ)…
Cuối thánh lễ hôn phối tại nhà thờ Hoa Châu hôm thứ 2 ngày 27-9-2010  của hai anh chị  Phương Thanh, khi người xướng kinh đọc : “Con cảm ơn ĐCT…”, cộng đoàn đọc theo, giọng một em bé gần 5 tuổi cùng chen vào : “Là Chúa lòng lành vô cùng…” cho đến hết kinh và cũng đáp lảnh lói : “Hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ…”. Tôi biết rằng chẳng có trường nào dạy cho em, cũng chẳng có lớp giáo lý nào đủ thời gian giúp em như thế và tôi cũng nhận ra rằng em bé được lớn lên trong gia đình này lần hồi sẽ hiểu ra rằng :

Ba sẽ là cánh chim cho con bay thật xa
Mẹ sẽ là cành hoa cho con cài lên ngực
(Thơ Tuấn Dũng,Nhạc Phạm trọng Cầu)

Giờ kinh và đặc biệt lời kinh Mân côi mỗi đêm trong gia đình trẻ này cũng như của gia đình cháu Trung ở Phú Thọ trên kia vượt qúa xa những lý thuyết giáo dục dày cộm hay những trại giáo huấn nghiêm khắc để tạo nên những trẻ em mà chính Đức Ki tô giới thiệu cho thế giới :
“Thầy bảo thật anh em : nếu anh em không quay trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. (Mt 18/3) khi Ngài gọi một em nhỏ đặt giữa các môn đồ (Mt 18,2)