Thứ Tư, 20 tháng 10, 2010

VÀ ÁNH SÁNG XUẤT HIỆN … BA NGÀY TRƯỚC KHI CÓ MẶT TRỜI

Christian Boyer
Sử gia và chuyên viên Kinh Thánh, Montréal
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Trong trình thuật về sáng tạo trong đoạn đầu sách Khởi Nguyên, ta đọc thấy rằng Thiên Chúa đã dựng nên ánh sáng ngày đầu tiên, trong khi đó các tinh tú như mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao được tạo dựng ba ngày sau đó! Cả cỏ cây cũng vậy …vẫn xanh tươi mà không có ánh mặt trời  (Kn 1, 1-19).

            Chắc chắn là không thể hiểu trình thuật sáng tạo theo mặt chữ và Kinh Thánh không có một ý hướng khoa học nào cả. Theo suy luận hiện đại thì trật tự sáng tạo này có vẻ hơi kỳ lạ. Người thời cổ vẫn biết rằng mặt trời là nguồn ánh sáng quan trọng nhất vậy thì tại sao họ thuật lại trong sách Khởi Nguyên rằng nó được sáng tạo ba ngày sau khi có đã có ánh sáng?
             Trong vũ trụ đa thần của vùng Cận Đông cổ, mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao được xem như các vị thần và có vẻ như là những vị thần quan trọng nhất. Hãy nghĩ đến vị thần Shamash danh tiếng của Babylone, đây là thần mặt trời, thần ánh sáng và công lý. Bản luật Hammourabi, một trong những bản luật cổ xưa nhất, được đặt dưới quyền của ngài; thần Shamash được trình bày đang ngồi trên ngai vàng và đứng trước ngài là vị vua vĩ đại Hammourabi của xứ  Babylone. 
Kudurru (tấm bia), khoảng 1125-1100 av. JC, có lẽ từ miền Bắc Iraq
            phần trên cùng của kudurru, người ta thấy các biểu tượng của thần Istar (ngôi sao tám cạnh), thần Sin (trăng lưỡi liềm) là thần mặt trăng ngự trị thời gian và thần Shamash (mặt trời)
            
Sin, thần mặt trăng, cũng được tôn kính. Một bài thơ của xứ Mésopotamie ca ngợi ngài rằng: “Chính ngài Sin quyết định tất cả, không có ngài thì chẳng ai thay đổi được gì! Ai cao trọng ở trên trời? Chi mình ngài! Ai tối cao trên mặt đất? Chỉ mình ngài!”. Thần Sin là đối tượng thờ cúng quan trọng ở vùng Cận Đông, bao gồm cả vùng hành lang Syro-Palestine. Nữ thần Ishtar cũng vậy, bà được đồng hoá với Kim Tinh (Vénus); Ngôn sứ Giêrêmia đã chỉ trích việc thờ kính bà trong vương quốc Giuđa, nơi bà được gọi là “Nữ hoàng bầu trời” (Gr 7,18) hoặc nữ hoàng “các đạo binh tinh tú” (Gr 19,13).
            Khi sách Khởi Nguyên thuật lại việc Thiên Chúa sáng tạo các tinh tú vào ngày thứ tư thì có ý đẩy lùi lại các vị thần của phương Đông cổ đại. Đó là một cách nói rằng: mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao … chúng chưa có ở đó ngay thưở ban đầu khi Thiên Chúa tạo thành trời và đất! Ngày nay, người ta không còn coi các tinh tú như những vị thần. Nhưng vào thời Cổ Đại, những câu đầu tiên của sách Khởi Nguyên có thể hiểu được rằng: các tinh tú trên bầu trời không phải là những vị thần, chúng là tạo vật; chúng tùng phục Thiên Chúa, chúng không ảnh hưởng gì trên con người và con người không cần phải sợ hãi hoặc thờ kính chúng
            Như thế, mặt trời được sáng tạo ba ngày sau khi có ánh sáng thoạt tiên nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng nếu hiểu nó trong môi trường văn hoá và tôn giáo của thời đại đó, ta có thể hiểu được đôi chút.