Thứ Hai, 18 tháng 10, 2010

CHA ANTÔN NGUYỄN TOÀN CHÂN (1876-1966)


Lm. Gioan Võ Đình Đệ

Cha Antôn Nguyễn Toàn Chân sinh ngày 03 tháng 02 năm 1876 tại Đồng Hâu, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Thân sinh của cha là thầy Ba Đàn, một thầy thuốc bắc rất đạo đức. Gia đình thầy Ba Đàn có năm người con, một người lập gia đình, bốn người đi tu, trong đó ba người làm linh mục là cha Simon Nguyễn Chính, cha Antôn Nguyễn Toàn Chân, cha Toma Nguyễn Thiềng và người em gái út là nữ tu Mélanie Nguyễn Thị Đồng, Bề trên tiên khởi Dòng Mến Thánh Giá Gò Thị.
Chú Antôn Nguyễn Toàn Chân vào Tiểu Chủng Viện Làng Sông năm 1888 lúc 12 tuổi, học ở Làng Sông 02 năm. Năm 1890, được gởi sang học ở Chủng viện Penang, Mã Lai Á . Ở Penang bốn năm, hai năm đầu tiếp tục học La văn, hai năm sau học triết lý và thần học.
Đầu năm 1894, Bề trên gọi thầy Chân về địa phận để đi giảng theo thông lệ. Vừa mới về, thầy Chân được Bề trên chỉ định dạy tiếng Việt cho cha Alexis Boivin (cố Nhã) tại Kim Châu. Năm 1895, thầy Chân làm giám thị ở Tiểu Chủng Viện tại phân trường Đại An. Năm 1897, làm phụ giáo tại Tiểu Chủng Viện Làng Sông. 
Ngày 11 tháng 7 năm 1901, Đức cha Van Camelbeke Hân truyền chức linh mục cho thầy Chân tại Làng Sông, lúc thầy Chân vừa mới chớm qua tuổi 25, một tuổi đời còn trẻ so với các linh mục Việt Nam trong giáo phận thời bấy giờ khi thụ phong linh mục đều trên 30 tuổi. Tân linh mục Antôn Nguyễn Toàn Chân được bổ nhiệm giáo sư Tiểu Chủng Viện Làng Sông. Ngoài môn chuyên La văn, Cha còn dạy nhiều môn khác như Giáo lý, Việt văn, Toán học và Hán văn.
Cha Antôn dạy ở Tiểu Chủng Viện Làng Sông từ năm1901 đến năm 1942, chỉ trừ niên khoá 1902-1903  cha dạy tại phân trường Tiểu Chủng Viện ở Đại An và đệ nhị lục cá nguyệt niên khoá 1934-1935, cha dạy thần học Tín lý ở Đại Chủng Viện Qui Nhơn, thay thế cho một giáo sư đi dưỡng bệnh.
Trong niên khoá 1939-1940, lúc cha Joseph Clausse (cố Hồng), Giám đốc Chủng viện Làng Sông, bị tổng động viên, cha Antôn quyền Giám đốc Chủng Viện Làng Sông trong 6 tháng. Trong chức vụ nầy cha đã đề cao tinh thần kỷ luật, đúng giờ khắc và ý thức cao độ về trách nhiệm của mình.
Năm 1942, tuổi già sức yếu, cha được phép hưu dưỡng. Lúc đầu cha nghỉ ở dường đường Đại An, sau ở dưỡng đường Làng Sông. Từ năm 1955, cha nghỉ dưỡng tại Cô Nhi Viện Kim Châu do các dì phước Mến Thánh Giá trông nom. Tại đây, lúc 13 giờ ngày 18 tháng Giêng năm1966, cha trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 90 tuổi. Cha Antôn an nghỉ tại nghĩa địa trong khuôn viên trường Thánh Giuse Kim Châu, Bình Định cùng với Đức cha Damien Grangeon Mẫn và cha Toma Thiện để chờ ngày sống lại trong vinh quang.
Cha Antôn Nguyễn Toàn Chân được Thiên Chúa ban cho trí thông minh đặc biệt. Khi còn nhỏ, cha được coi là thần đồng, lúc ở Chủng viện Penang, các bạn tặng cha biệt hiệu là Puer Senex – ấu lão. Sánh với các bạn học hầu hết đã lớn tuổi, chú Chân chỉ là một thiếu niên nhỏ thó, đã ít tuổi lại thân gầy thấp lùn, nhưng kiến thức thì uyên bác như người trí thức tráng lão. Cha rất đam mê học hỏi. Thời làm giáo sư ở Tiểu Chủng Viện Làng Sông, ban đêm cha đọc sách đến khuya, 4 giờ sáng đã thức dậy. Khi nào không lên lớp dạy học, không chấm bài, cha thường ngồi ở chiếc ghế xếp, luôn luôn có quyển sách trên tay. Mãi đến những năm từ 1960 về sau, vì mắt lờ, vì kiệt sức cha mới thôi đọc sách.  Đời cha là một đời đọc sách, đọc sách để học thêm, đọc sách để trau dồi kiến thức, đọc sách để thường xuyên tự đào tạo mình, đọc sách để phục vụ, để làm lợi những nén bạc thông minh mà Thiên Chúa quan phòng đã trao phó cho cha.
Vừa thông minh, vừa nhân đức và khôn ngoan, vừa bình dân vui vẻ, vừa giãn dị, đơn sơ, bần bạch nên ai tiếp xúc với cha cũng cảm mến. Như một người tôi tớ trung thành, tỉnh thức đợi chủ về, Cha đã vận dụng tài trí Chúa ban cho để làm khối men tình thương, làm chất keo hợp nhất giữa các linh mục Việt và Pháp cũng như giữa các linh mục Việt Nam với nhau. Cha đã là vị cố vấn sáng suốt cho mấy đời Giám mục của giáo phận. Suốt thời gian ở Tiểu Chủng Viện, cha là vị cố vấn thân tín của các cha Giám Đốc và hầu hết Chủng sinh đã chọn cha làm linh hướng.
Trong cha là một ‘bồ chữ’ nhưng cha không để lại một cuốn sách nào. Có thể cha đã nhường khả năng ấy cho người anh đáng kính là cha Simon Nguyễn Chính, một linh mục truyền giáo bằng nhiều đầu sách và báo chí. Cha Antôn không viết cuốn sách nào bằng giấy trắng mực đen, nhưng cha đã dùng sự tận tụy, gương sáng và lòng đạo đức của cha như ngòi bút sắc bén để cha chì mài hơn 40 năm viết về tâm, trí, đức trong tâm hồn những chủng sinh, những cuốn sách nhân cách kitô hũu sống động trong mọi ngõ ngách của cánh đồng truyền giáo bao la. Ngoài một số lớn các cựu chủng sinh đã lập gia đình, có bốn vị Giám mục[1]  và hơn 150 linh mục trên cánh đồng truyền giáo của các giáo phận Qui Nhơn, Kontum, Nha Trang và Đà Nẵng là học trò của cha mà đa số nay đã quá cố.
Cuộc đời cha Antôn Nguyễn Toàn Chân, một cuộc đời linh mục chỉ ở Chủng viện làm công tác đào tạo cho đến khi mòn hơi kiệt sức. Một cuộc đời rất đơn điệu như sự đơn điệu của người mẹ từng ngày đỏ lửa ba bữa cơm cho sự sống gia đình. Trung thành phục vụ cho đến hơi thở cuối cùng trong một công việc đơn điệu ấy, một sự trung thành vĩ đại.
           
DI NGÔN CHA AN TÔN
In nomine Domini, amen.
Tôi là Antôn Nguyễn Toàn Chân, linh mục, vốn chẳng có của gì, bấy lâu nay sống nhờ nhà chung và các cha có lòng rộng rãi thương giúp.
Chúa thương tôi cho tôi sống đến ngày lễ Ngọc, tôi không ngờ và không để ý, mà Đức cha Bề trên và các cha tỏ lòng yêu dấu, tôi rất cảm động, biết ơn lắm, vì gặp mặt các cha đông đủ, nhất là các cha ở xa xôi, ở địa phận khác đến. Nay Chúa cất tôi đi, trước khi tắt hơi, tôi cố gắng nói một lời cám ơn Đức cha, cha Bề trên và các cha hết thảy. Tôi không biết nói gì hơn.
Tôi xin cám ơn cha sở cựu Kim Châu và các cha tuyên uý đã có công giúp đỡ tôi trong những lúc yếu liệt, xin Chúa trả công bội hậu cho các cha.
Tôi xin cám ơn Bà Mẹ Bề trên Dòng Mến Thánh Giá Gò Thị, Bà Giám đốc Cô Nhi Viện Kim Châu và các bà làm việc ở đây. Tôi nhớ ơn Bà François đã quá cố, bà Maltide và bà Nhứt Giảng, là những người đã giúp đỡ tôi rất nhiều.
Tôi cám ơn các sư huynh Dòng Thánh Giuse đã thăm viếng an ủi tôi.
Tôi cám ơn các người giúp việc và các em ở tại Cô nhi viện Kim Châu, đặc biệt là chú Sự và ông Hai Đăng.
Tôi cám ơn tất cả bà con thân thuộc đã thương giúp tôi khi còn sống.
Tôi xin cám ơn tất cả và nếu tôi đã làm gì không vừa ý ai, tôi xin tha thứ cho tôi một lần cuối cùng nầy nữa và giúp lời cầu nguyện cho tôi với.

(Tổng hợp trong các Mémorial Mission de Qui NhơnThông tin Địa phận Qui Nhơn số 47, tháng 3 năm 1966)



[1] Đức Cha Giuse Lê văn Ấn, Đức Cha Phaolô Huỳnh Đông Các, Đức Cha Giuse Phan Văn Hoa, Đức Cha Phanxicô Nguyễn Quang Sách.