Thứ Ba, 15 tháng 2, 2011

AI VỀ QUI NHƠN

                                                           
Antôn Nguyễn Nhân Thống
                                                                            Giáo xứ Qui Hiệp
Câu lạc bộ sáng tác Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn


Tuy không cổ kính bằng xứ Huế, không thơ mộng như Đà Lạt, không xinh đẹp bằng Nha Trang, không quyến rũ như Vũng Tàu… nhưng thành phố biển Qui Nhơn vẫn có những nét đẹp riêng của nó. Nếu có dịp về quê hương Bình Định xin mời các bạn ghé thăm các di tích, thắng cảnh nổi tiếng ở Qui Nhơn như Ghềnh Ráng, bãi biển Qui Hòa, mộ Hàn Mạc Tử, Tháp Đôi, đầm Thị Nại, bán đảo Phương Mai…


Ghềnh Ráng nguyên sơ là một làng chài thơ mộng nằm dưới chân đồi Thi Nhân quanh năm lộng gió, sóng vỗ rì rào, chỉ cách trung tâm thành phố chừng 2km. Từ lâu, Ghềnh Ráng là nơi gặp gỡ, hẹn hò của biết bao trai thanh gái lịch Qui Nhơn vào các ngày lễ và ngày nghỉ cuối tuần. Ghềnh đá trải dài đến hàng kilômét, một bên tựa vào núi và một bên nằm xoài ra biển. Những gộp đá lớn nhỏ, đủ hình đủ cỡ nằm xếp chồng lên nhau trông thật kỳ lạ và đẹp mắt. Các bạn phải trổ tài “phi thân ” mới vượt qua ghềnh đá này.
Tiếp nối ghềnh đá là bãi Trứng, dưới chân các bạn là đá trải hàng hàng, lớp lớp, những viên đá tròn vo như “quả trứng chim đại bàng” cho nên mới gọi bãi này là bãi Trứng. Vì cảnh đẹp như thế nên ngày xưa, Nam Phương hoàng hậu, vợ vua Bảo Đại thường đến đây nghỉ ngơi, tắm mát. Năm 1927, Bảo Đại cho xây dựng ở đây một nhà nghỉ mát gọi là “lầu Bảo Đại” còn bãi tắm thì mang tên là “bãi Hoàng hậu”. Lầu Bảo Đại đã bị phá hủy vào năm 1949, hiện nay vẫn còn dấu tích.
Còn các bạn muốn đi thăm mộ Hàn Mạc Tử ư? Cũng tại Ghềnh Ráng, các bạn đi theo con đường mang tên Hàn Mạc Tử dẫn lên tận mộ thi sĩ nằm ở lưng chừng ngọn đồi, bốn bề cây cối tỏa bóng râm, gió biển thổi vào mát rượi.
Khi xưa, mộ Hàn Mạc Tử nằm ở nghĩa trang nhà thương phong Qui Hòa. Năm 1959, gia đình Hàn Mạc Tử và ông Quách Tấn di dời hài cốt thi sĩ về đây. Qua thời gian nắng mưa, sương, gió mộ Hàn thi sĩ đã bị hư hỏng nhiều và đã được sửa chữa lại như diện mạo hiện nay. Cảnh trí chung quanh thật mộng mơ và u tịch. Trên đầu mộ có tượng Đức Mẹ Maria cao lớn, đôi mắt nhân từ nhìn xuống mộ, hai tay dang ra như đón lấy linh hồn Hàn Mạc Tử.
Bên kia đồi là bệnh viện phong Qui Hòa nổi tiếng nhờ ở đây thu nhận và chữa trị hàng ngàn bệnh nhân phong hủi từ khắp mọi miền đất nước. Qui Hòa quanh năm đắm chìm dưới tán dừa, có bãi tắm lý tưởng với bãi cát trắng phẳng phiu, mịn màng điểm xuyết những hàng phi lao vi vu trước gió. Chính nơi đây thi sĩ Hàn Mạc Tử đã trút hơi thở cuối cùng sau một thời gian chịu đựng căn bệnh nghiệt ngã, hiểm nghèo.


Tạm biệt Qui Hòa, các bạn có thể thuê thuyền máy đi dạo chơi trên đầm Thị Nại, vừa tham quan các thắng cảnh vừa có dịp thưởng thức những món ăn đặc sản biển một cách thích thú. Đầm Thị Nại là một đầm nước mặn có diện tích chừng 5.000 ha, chiều dài đến 15km và rộng từ 3-5km. Đầm nước được bao bọc bỡi bán đảo Phương Mai với dãy Triều Châu nhô cao, chớn chở xa trông như một trường thành thiên nhiên hùng vĩ che chắn sóng gió biển Đông. Dọc theo bờ đầm là những di tích lịch sử như chùa Lồi, miếu Bà Cố Hỉ, pháo dài nhà Nguyễn, Nha Phiên Hải tấn…Nha Phiên Hải tấn là một thương khẩu của cảng Thị Nại xưa nhưng nay đã bị lấp cạn. Còn Eo Vượt thì nhắc đến sự tích ông Khổng Lồ tát cá trong đầm vào thuở khai thiên lập địa. Và bãi Khách Thử cũng là một thắng cảnh đẹp tuyệt vời trông như một hoang mạc với những đồi cát, thung cát tiếp nối nhau trải dài tít tắp. Ở đây còn có những bãi tắm thật hoang sơ, vắng vẻ cùng những động cát thật kỳ ảo, những suối nước ngọt trong veo, mát lạnh làm say đắm lòng người. Theo truyền thuyết và sử sách để lại thì Khách Thử chính là Kẻ Thử, nơi mua bán, trao đổi phẩm vật của cảng Thị Nại ngày xưa. Bây giờ bán đảo Phương Mai được nối liền nội thành bằng cây cầu bê tông dài trên 2.000m mang tên cầu Thị Nại, đã thu hút nhiều du khách đến tham quan và du lịch dã ngoại.
Cuối cùng, các bạn chớ quên đến chiêm ngưỡng Tháp Đôi, một di tích ChămPa còn khá nguyên vẹn nằm ven đại lộ Trần Hưng Đạo, cửa ngỏ ra vào trung tâm thành phố. Tháp cổ có hai ngọn, một cao một thấp đứng sát bên nhau như đôi đôi tình nhân dầm mưa, dãi nắng từ bao thế kỷ. Tháp được xây dựng từ cuối thế kỷ XI và đã được phục chế, tôn tạo nhiều lần trông đẹp đẽ, thanh thoát như hiện nay.
Đã đến thăm thành phố biển Qui Nhơn xinh đẹp, thơ mộng và quyến rũ, hy vọng sẽ lưu lại trong lòng các bạn những ấn tượng đẹp và nhiều kỷ niệm khó quên…