Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

GIÁO LUẬT, VATICAN II VÀ LÒNG TÔN SÙNG THÁNH THỂ


Peter John Vere, JCL/M
Tạp chí “The Wanderer”
chuyển ngữ Lm. Đaminh Phạm Đức Sỹ CMC


Giáo Hội vẫn đau buồn chứng kiến nhiều chuyện kỳ dị xảy ra nhân danh “tinh thần Vatican II”.  Tuy nhiên, như một nhà thần học người Pháp thuộc Dòng Bênêdictô đã từng nhắc nhớ tôi: “Những ai trích dẫn Vatican II thì thường ít khi hoặc chẳng đọc văn kiện Công Đồng bao giờ, hoặc cũng chẳng đọc các thông điệp có dụng ý cắt nghĩa của các Đức Thánh Cha viết sau Công Đồng.” Nhận xét này chợt được gợi lại trong tôi khi nghe có những chuyện đồn thổi mới đây nói rằng Vatican II đã dẹp bỏ việc tôn sùng Thánh Thể ngoài Thánh Lễ.
Với tư cách nhà giáo luật, bình thường tôi không bình luận gì về các vấn đề thần học ngoại trừ những khi cần thiết phải nói thoáng qua, nghĩa là khi lấy thần học làm nền tảng cho phán đoán giáo luật của mình. Tuy nhiên, theo tinh thần Vatican II, một số nhà thần học giờ đây nói với tôi rằng giáo luật đã dẹp bỏ lòng sùng kính Thánh Thể ngoài Thánh Lễ nơi các tín hữu. Tuy nhiên, tôi chưa thấy những nhà thần học ấy đưa ra bất kỳ một văn bản luật nào để chứng minh cho luận điểm đó, và sau khi tham vấn nhiều nhà thần học khác mà tôi cùng chia sẻ với họ lòng tôn sùng sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa Kitô, các vị đó bảo đảm với tôi rằng chẳng thể tìm thấy những văn bản kiểu nói trên trong số các văn kiện thần học dù trong Công Đồng hay hậu Công Đồng. Do đó, tôi cảm thấy vững tâm hơn để bảo vệ ý kiến này: thay vì dẹp bỏ lòng sùng kính Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, Bộ Giáo Luật tu chính thực sự đã khuyến khích những hành vi biểu lộ lòng tôn sùng Thánh Thể nơi các tín hữu.

Ai Có Quyền Cắt Nghĩa Giáo Luật?
Có lẽ để khám phá giáo luật đối với lòng tôn sùng Thánh Thể thì không gì hay hơn khi bắt đầu bằng câu hỏi: “Ai có thẩm quyền cắt nghĩa giáo luật?”. Bộ Giáo Luật đoán trước được câu hỏi này, nên đã trả lời như sau trong đoạn đầu tiên của điều 16: “Luật được cắt nghĩa chính thức bởi nhà lập luật và bởi người nào mà nhà lập luật trao cho quyền được cắt nghĩa chính thức”. Những người có quyền lập luật trong Giáo Hội là Đức Giáo Hoàng Roma và các giám mục hiệp thông với ngài chứ không phải các nhà giáo luật hay thần học gia, trừ phi những vị này được bầu làm Giáo Hoàng Roma hay làm giám mục. Trong trường hợp lập ra những luật mang tính giáo luật có tác động đến Giáo Hội hoàn vũ, điều 331 nhắc nhở chúng ta rằng chỉ có Đức Giáo Hoàng Roma mới là nhà lập luật giáo luật tối cao, và cũng là người cắt nghĩa giáo luật tối cao.
Vì vậy, trước khi thuận theo luận điệu nói rằng theo tinh thần Vatican II, giáo luật đã dẹp bỏ lòng tôn sùng Thánh Thể ngoài Thánh Lễ nơi các tín hữu Công Giáo là đúng, các tín hữu buộc phải đặt nghi vấn về tư cách của người tuyên bố xem người này có quyền gì để cắt nghĩa như vậy. Ta biết điều 17 đã phát biểu rất rõ: “Luật Giáo Hội cần phải được hiểu theo nghĩa thích hợp của từ ngữ xét theo văn bản và ngữ cảnh. Nếu còn thấy hồ nghi hoặc mờ tối về ý nghĩa, cần phải tìm đến những đoạn tương tự nếu có, tìm đến mục đích và hoàn cảnh của luật, và tìm đến ý định của nhà lập luật”. Nói cách khác, nếu lòng tôn sùng Thánh Thể ngoài Thánh Lễ có liên quan đến toàn thể Giáo Hội, thì giáo luật liên quan đến lòng tôn sùng Thánh Thể ngoài Thánh Lễ phải được cắt nghĩa theo ý định của Giáo Hội được thể hiện nơi các giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Roma.

Đức Thánh Cha Phaolô VI
và Lòng Tôn Sùng Thánh Thể
Nhân ngày Lễ Thánh Piô X trùng với phiên họp cuối cùng của Công Đồng Vatican II, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã phá vỡ tập tục lâu đời của Giáo Hội và trở thành Giáo Hoàng Roma đầu tiên cắt ngang một công đồng toàn cầu để công bố một thông điệp giáo hoàng. Tựa đề của thông điệp giáo hoàng là Mysterium Fidei, và mục đích của Đức Phaolô VI khi công bố thông điệp là để dẹp yên những ý kiến sai lầm khác nhau liên quan đến Bí Tích Thánh Thể đang lan truyền trong Giáo Hội vào thời điểm đó. Khi đề cập đến lòng tôn sùng Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, Đức Phaolô VI kêu mời hàng anh em giám mục hãy “cổ võ không mệt mỏi lòng sùng kính Thánh Thể, điểm hội tụ của mọi hình thức đạo đức phải được nêu bật lên cách tuyệt đối”. Nói tắt lại, ý định của vị Giáo Hoàng Roma với tư cách chủ tọa quyết định trên đa số các luật lệ của Công Đồng Vatican II, yêu cầu không được dẹp bỏ lòng tôn sùng Thánh Thể nhưng hãy cổ võ không mệt mỏi.
Các giám mục phải cổ võ không mệt mỏi như thế nào đối với lòng tôn sùng Thánh Thể? Lần nữa, nếu đọc ý tưởng của nhà lập luật tối cao, với tư cách là người chủ tọa để quyết định đa số luật lệ trong Công Đồng Vatican II, trong cùng thông điệp này, chúng ta thấy ngay Đức Phaolô VI đã nói ra mục đích của ngài như sau: “Trong ngày sống, các tín hữu không được quên thăm viếng Bí Tích Cực Thánh, bí tích mà theo luật phụng vụ phải được lưu giữ trong các nhà thờ với sự tôn kính đặc biệt tại một nơi xứng đáng nhất”. Nói cách khác, trong khi vẫn không đi xa tới mức luật hoá một lòng sùng kính như vậy như đức tin đòi hỏi, nhưng Đức Phaolô VI vẫn cổ vũ một cách rõ ràng lòng tôn sùng Thánh Thể hằng ngày nơi các tín hữu Công Giáo. Do đó, ở mức độ giáo luật, lòng tôn sùng Thánh Thể ngoài Thánh Lễ không những không bị giáo luật dẹp bỏ, mà còn phải làm sao tạo cơ hội tốt cho người Công Giáo để họ thực hành hàng ngày lòng tôn sùng Thánh Thể.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
và Lòng Tôn Sùng Thánh Thể
Nhưng một câu hỏi được nêu lên: Đức Giáo Hoàng khuyến khích thực thi hình thức tôn sùng Thánh Thể nào thời hậu công đồng? Một trong những luận điệu đang được phóng đại bởi những người chống đối việc tôn thờ Thánh Thể, hầu khai trừ việc tôn sùng ngoài Thánh Lễ, là Công Đồng Vatican II chỉ khuyến khích tôn thờ Thánh Thể trong phạm vi Phụng Vụ Thánh Thể. Dĩ nhiên việc tôn thờ Thánh Thể có chỗ đứng ưu tiên hơn hết trong Hiến Tế Thánh Lễ, nhưng như theo ý định của Giáo Hội mà Nhà Lập Luật Tối Cao đã bày tỏ rõ ràng, việc tôn sùng Thánh Thể cũng được khuyến khích thực thi ngoài Thánh Lễ nữa.
Vị Kế nhiệm ngai toà Thánh Phêrô gần đây, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đã viết nhiều về chủ đề tôn sùng Thánh Thể. Cách riêng, Đức Gioan Phaolô đã khuyến khích tôn sùng Thánh Thể ngoài Thánh Lễ trong đoạn sau đây trích ra từ tông thư Dominicae Cenae:
 Lòng tôn sùng Chúa Kitô trong bí tích tình yêu ở đây phải tìm cách diễn tả bằng nhiều hình thức khác nhau của lòng tôn sùng Thánh Thể như: cầu nguyện riêng trước Bí Tích Cực Thánh, Các Giờ Chầu, các buổi đặt Mình Thánh ra ngoài để chầu – hoặc ngắn gọn, hoặc lâu giờ, hay hằng năm (Bốn Mươi Giờ Chầu) – ban phép lành Thánh Thể, kiệu Thánh Thể, các buổi hội thảo về Thánh Thể.”
Cơ bản, ý định của Nhà Lập Luật Tối Cao của Giáo Hội rõ ràng ủng hộ các hình thức sùng kính Thánh Thể khác nhau, bao gồm việc tôn sùng ngoài Thánh Lễ. Cần phải nhớ điều đó khi phải cắt nghĩa giáo luật liên quan đến lòng sùng kính và tôn thờ Thánh Thể, vì theo Vị Tiền Nhiệm của ngài là Đức Phaolô VI, Đức Gioan Phaolô II cũng khuyến khích việc tôn sùng Thánh Thể ngoài Thánh Lễ.
Bộ Giáo Luật và Việc Tôn Sùng Thánh Thể
Tuy nhiên, với Đức Gioan Phaolô II, lòng tôn sùng Thánh Thể không chỉ được khuyến khích thi hành nơi các tín hữu, nhưng chính các tín hữu, theo quyền lợi giáo luật ban, có quyền đòi hỏi được tạo cơ hội thuận tiện để thể hiện hằng ngày lòng tôn sùng Thánh Thể. Quyền lợi theo giáo luật này được phát biểu trong điều 937 như sau:
Nếu không có một lý do quan trọng ngăn trở, nhà thờ lưu trữ Thánh Thể phải được mở cửa cho các tín hữu ít nhất là một vài giờ trong ngày, để giáo dân có thể cầu nguyện trước Mình Thánh”.
Hơn nữa, điều 941 §1 còn khuyến khích việc đặt Mình Thánh ngoài Thánh Lễ trong các nhà thờ và nhà nguyện nào có lưu trữ Thánh Thể. Chỉ thấy có duy nhất một giới hạn liên quan đến việc đặt Mình Thánh cho các tín hữu chầu là ở đoạn hai của cùng điều luật, ở đây cấm đặt Mình Thánh “khi đang cử hành Thánh Lễ trong cùng một gian chính của nhà thờ hay nhà nguyện.” Giới hạn đơn giản liên quan đến việc đặt Mình Thánh ra ngoài này – một hình thức chầu – khi đang cử hành Thánh Lễ thì chẳng dính dáng gì đến việc dẹp bỏ sự tôn sùng Thánh Thể ngoài Thánh Lễ cả như có một số người rêu rao.
Thực ra, nếu đọc giáo luật kỹ, giới hạn việc đặt Mình Thánh ra ngoài trong khi cử hành Thánh Lễ lại cũng không phải là tuyệt đối; vì trong Thánh Lễ, vẫn được phép đặt Mình Thánh ở ngoài nhà tạm tại một nơi khác trong cùng một nhà thờ hay nhà nguyện đó. Vì vậy, khó có thể dựa vào giáo luật hậu Vatican II mà cho rằng việc tôn sùng Thánh Thể đã bị rút lại không cho thực hiện ngoài Thánh Lễ.
Ngược lại, mặc dù bị cắt nghĩa sai bởi những người muốn rút bỏ việc tôn sùng Thánh Thể, điều 942 của Bộ Giáo Luật đã nhiệt liệt khuyến khích rằng trong các nhà thờ và nhà nguyện nào có lưu giữ Thánh Thể, “hằng năm nên tổ chức một buổi chầu Thánh Thể trọng thể trong một thời gian thích hợp, dù không liên tục, để cộng đoàn địa phương suy niệm và thờ lạy mầu nhiệm Thánh Thể một cách sâu xa hơn.”
Căn cứ vào lời kêu mời rộng rãi chầu trọng thể Mình Thánh Chúa này của Bộ Giáo Luật, không thể đơn giản cho rằng từ Công Đồng Vatican II, giáo luật đã loại bỏ việc tôn sùng Thánh Thể ngoài Thánh Lễ. Như chúng ta đã thấy, các cha sở và các nhà thần học nào vẫn tiếp tục bảo lưu ý kiến trên thì vị đó đã cắt nghĩa sai Công Đồng Vatican II, cắt nghĩa sai quyền giáo huấn của các Đức Giáo Hoàng Roma từ thời Công Đồng, cũng như cắt nghĩa sai giáo luật.

Trích "Bản Thông Tin" giáo phận Qui Nhơn số tháng 01/2011