Thứ Hai, 7 tháng 2, 2011

GIẢNG LỄ MỒNG MỘT TẾT NGUYÊN ĐÁN TÂN MÃO


(St 1,14-18; Pl 4,4-8; Mt 6,25-34)


Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi


Từ thuở xa xưa và ở khắp mọi nơi trên trái đất, các dân tộc dù thuộc nền văn hóa nào, cũng đã biết phân chia thời gian thành năm tháng ngày giờ và lập ra những ngày lễ hội. Trong số những ngày lễ hội đó, tại Việt Nam, Tết Nguyên Đán hay ngày đầu năm âm lịch là quan trọng nhất. Nó mang đậm nét văn hóa dân tộc, phản ánh tinh thần hòa điệu giữa con người và thiên nhiên theo chu kỳ vận hành của vũ trụ. “Nguyên” có nghĩa là đầu tiên, “Đán” có nghĩa là buổi sáng. Như vậy, “Nguyên Đán” có nghĩa là buổi sáng đầu tiên của chu kỳ một năm.
Tết Nguyên Đán là cái tết đầu tiên trong hệ thống lễ hội văn hóa tại Việt Nam. Đây là lễ hội của gia đình, dòng tộc, được tổ chức trên qui mô cả nước, để ông bà, cha mẹ, anh chị em, họ hàng, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ thăm hỏi, cầu chúc và tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Mấy tiếng “về quê ăn Tết” không chỉ là một khái niệm “đi – về”, mà đằng sau nó là cả một quá trình hành hương về với cội nguồn, về nơi chôn nhau cắt rốn. Trong dịp này, người Việt Nam ta có tục lệ thăm hỏi và cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất.
Rảo quanh một vòng trên internet, chúng ta có thể thấy người ta chúc nhau “trẻ mãi không già, mặn mà nhan sắc”; “vạn sự cát tường, toàn gia hạnh phúc”; “Tết đến tấn tài, xuân sang tấn lộc, gia đình hạnh phúc, vạn sự cát tường”; “năm Mão sắp đến, chúc bạn đáng mến, sự nghiệp tiến lên, gặp nhiều điều hên”; “vui trong sức khỏe, trẻ trong tâm hồn, khôn trong công việc, tuyệt vời trong tình yêu”. Có những câu chúc dài hơi hơn như: “Vạn sự như ý, tỷ sự như mơ, cuộc đời như thơ, tình yêu như nhạc, coi tiền như rác, xem bạc như rơm, chung thủy với cơm, không màng chi phở”, hoặc: “Chúc mọi người một bầu trời sức khỏe, một biển cả tình thương, một đại dương tình cảm, một điệp khúc tình yêu, một người yêu chung thủy, một tình bạn mênh mông, một gia đình hạnh phúc”. Thế nhưng lời cầu chúc tốt đẹp và đầy đủ nhất vẫn là lời chúc: phúc, lộc, thọ. Phúc là mong được nhiều hạnh phúc, lộc là mong được nhiều của cải lợi lộc, thọ là mong được sống lâu mạnh khỏe.
Để tượng trưng cho phúc lộc thọ, người ta dùng hình ảnh ba ông già. Ông Phúc được thể hiện dưới dạng một người giàu có, nét mặt viên mãn hiền hậu, với những chi tiết về hình thể biểu lộ quí tướng, như khối hình đầy đặn, tai to, mũi thẳng, hàm nở, vv., mình mặc áo chùng, tay bồng một đứa bé mũm mĩm tượng trưng cho con cháu ngoan hiền. Ông Lộc được thể hiện dưới dạng một viên quan đầu đội mũ phốc hoặc mũ cánh chuồn, mình khoác áo vân cẩm, dáng đứng nghiêm trang, khuôn mặt uy nghi quắc thước, bởi vì người xưa quan niệm rằng sự thành đạt của con người được thể hiện trên con đường công danh chức tước nhiều bổng lộc.
Còn ông Thọ được thể hiện dưới dạng một cụ già hói đầu, râu tóc bạc phơ, mình mặc áo chùng, tay cầm gậy trúc, trên đầu gậy có treo mấy quả đào tiên, một biểu tượng nói lên sự trường thọ. Ai ai cũng muốn được khoẻ mạnh và sống lâu, đó là ước mơ từ ngàn xưa của nhân loại. Biết bao vua chúa đã ra lệnh cho các ngự y đi tìm cỏ trường sinh, biết bao vị đạo sĩ cố luyện những viên linh đan để mong được bất tử. Người ta tung hô “vạn tuế” hay “muôn năm” khi gặp các bậc quân vương, những vị nguyên thủ quốc gia; còn trong những ngày xuân thì câu “bách niên” luôn được người ta dùng để kính chúc các bậc lão thành. Cả ba cặp từ “vạn tuế”, “muôn năm”, “bách niên”, đều nói lên những con số lớn, tượng trưng cho ước mơ trường thọ. Hình tượng phúc lộc thọ không chỉ tượng trưng cho một lời cầu chúc, mà nó còn như một lời khuyên: nó như muốn nhắc nhở chúng ta rằng muốn có phúc thì phải sống có đức, muốn có lộc thì phải có trí lực, và muốn trường thọ thi phải sống điều độ.
Anh chị em thân mến, phúc lộc thọ: đó là những mơ ước của người đời, là những mơ ước rất chính đáng của con người trong thế giới đầy đau khổ này. Tuy nhiên, đối với người kitô hữu, phúc lộc thọ không dừng lại ở những biên giới phàm trần, mà còn phải bao hàm cả một nội dung sâu xa hơn. Hạnh phúc đích thực không chỉ hệ tại ở chỗ thỏa mãn những nhu cầu của cuộc sống, nhưng là làm sao đạt được cùng đích của mình là sống trong tình nghĩa với Thiên Chúa. Cái lộc đích thực không chỉ là tiền tài gia sản, giàu có vinh sang, ở nhà có kẻ hầu người hạ, ra đường có kẻ đón người đưa, nhưng là phải làm sao đạt cho được thật nhiều ơn Chúa. Cái thọ đích thực không phải chỉ là sống lâu trên cõi đời này, nhưng là phải làm sao để được sống muôn đời với Thiên Chúa trong cõi vĩnh hằng. Những điều đó con người không thể tự mình làm được cho mình hoặc ban cho kẻ khác, nhưng chỉ có thể tiếp nhận từ trên cao, cũng như đất tự nó không đâm chồi nảy lộc trong mùa xuân nếu không do hoạt động sáng tạo thường xuyên của Thiên Chúa.
Người kitô hữu nhìn nhận mọi phúc lành đều phát xuất từ Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã tạo dựng thế giới xinh đẹp này và đã chúc phúc cho nó để nó sinh sôi nẩy nở, đồng thời Người trao ban nó cho con người làm quà tặng, như chúng ta vừa nghe trong bài đọc thứ I trích sách Sáng Thế. Vì vậy, thay vì nói: “Tôi chúc anh, chúc chị...” thì phụng vụ nói: “Xin Thiên Chúa toàn năng là Cha và Con và Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em”. Vì Thiên Chúa là nguồn mạch mọi phúc lành, do đó chúng ta hãy luôn tin tưởng phó thác cho Người những lo toan của cuộc sống, như Chúa Giêsu đã dạy trong đoạn Tin Mừng hôm nay, và như lời nhắn nhủ của thánh Phaolô trong bài đọc II trích thư gửi tín hữu Philipphê. Thiên Chúa không chỉ chúc lành, nhưng chính Người còn thực hiện những phúc lành đó cho chúng ta. Người không ban phúc lành để chúng ta chỉ sống một cuộc đời trần thế tầm thường, nhưng là để chuẩn bị một tương lai vĩnh cửu. Vì thế chúng ta đừng quá lo lắng tìm kiếm những của cải chóng qua đời tạm này, nhưng tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa, rồi mọi sự khác Người sẽ ban cho chúng ta dư dật.
Trong ngày đầu năm mới này, chúng ta hãy hướng về Thiên Chúa là nguồn mạch mọi ân sủng và trao phó cho Người toàn thể vận mạng của chúng ta. Chúng ta phó thác cho Chúa cuộc đời và những dự phóng của chúng ta, tất cả những gì chúng ta đang thực hiện và muốn tiếp tục hoàn thành, tất cả những gì chúng ta muốn làm nhưng chưa dám khởi công, cũng như tất cả những gì mới chỉ là những ước mơ, những nguyện vọng. Chúng ta phó thác cho Chúa tất cả những người thân yêu và tất cả bạn bè. Chúng ta xin Chúa làm cho những lời cầu chúc của chúng ta đối với nhau được thành hiện thực.
Đồng thời chúng ta cũng phải biết noi gương Chúa Giêsu, không chỉ biết chúc suông cho nhau hạnh phúc, mà phải thực sự chia sẻ, hay ít ra nếu chúng ta chưa có hạnh phúc để chia sẻ, thì cũng biết xây dựng hạnh phúc cho nhau. Một cách cụ thể, lời cầu chúc cho nhau được hạnh phúc nhân dịp ngày Xuân không phải chỉ được phát biểu trên đầu môi chót lưỡi, mà phải phát xuất tự thâm tâm, tự đáy lòng. Chúng ta cam kết đem lại hạnh phúc cho nhau bằng cách thực thi công bình bác ái. Đừng để những câu chúc thốt ra từ miệng lưỡi chúng ta trong ngày đầu năm mới trở thành những lời giả dối. Đừng chúc nhau bằng những lời khách sáo rỗng không. Đừng để những lời đầu tiên của chúng ta trong năm mới trở thành vô duyên nhạt nhẽo, nhưng hãy đem cả tâm tình mà cầu chúc cho nhau biết đón nhận hạnh phúc đích thực mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể đem lại cho tất cả chúng ta.
Đặc biệt năm nay là năm Tân Mão, năm cầm tinh con mèo. Theo truyền thống văn hóa Á Đông, mèo là con vật đáng yêu có nhiệm vụ gìn giữ lúa thóc và đồ đạc của chủ khỏi bị lũ chuột đục khoét. Mèo còn tượng trưng cho sự trường thọ, tinh anh và khôn ngoan, cho sự tao nhã, thanh cao, dịu dàng và đáng yêu. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta trong mới này có được những đức tính ấy để vừa bảo vệ những giá trị cao cả, vừa tỏ ra đáng mến trước mặt mọi người.