Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

BẢN GIAO HƯỞNG CỦA LỜI CHÚA

Hướng dẫn đọc Tông huấn hậu thượng hội đồng
Verbum Domini của Đức Bênêđictô XVI

Nhà báo Carl E. Olson
Tạp chí “Our Sunday Visitor
 
chuyển ngữ

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Dẫn nhập
Khi được chọn làm Giáo Hoàng vào ngày 19 tháng Tư năm 2005, Hồng Y Joseph Ratzinger là người lớn tuổi nhất được bầu làm Giáo Hoàng trong gần 300 năm nay và là người Đức đầu tiên trong vòng 500 năm nay. Thế nhưng điều ít ai để ý đó là Đức Bênêđictô XVI là thần học gia Kinh Thánh đầu tiên ngồi vào ghế Thánh Phêrô. Song như tiến sĩ Scott Hahn ghi nhận trong chương mở đầu của cuốn Giao Ước và Hiệp Thông: Thần học Kinh Thánh của Đức Bênêđictô XVI (Covenant and Communion: The Biblical Theology of Benedict XVI, Brazos, 2009), triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI “đặc biệt mang dấu ấn thần học Kinh Thánh đến mức độ chưa từng thấy có kể từ triều đại giáo hoàng Grêgôriô Cả thời trung cổ”.
Trong khi triều đại giáo hoàng lâu dài và sung sức của Đức Gioan Phaolô II, vị tiền nhiệm và là bạn thân của Đức Bênêđictô XVI, đã cho ra đời một số lượng tài liệu đáng kể đề cập đến nhiều vấn đề thiết yếu, thế nhưng không một tài liệu nào chú trọng đến Kinh Thánh, chú giải và vị trí của Kinh Thánh trong Giáo Hội. Giờ đây, vào năm thứ năm triều đại giáo hoàng của mình, Đức Bênêđictô XVI đã viết một tài liệu quan trọng về Kinh Thánh. Verbum Domini, đây là tông huấn hậu thượng hội đồng về “Lời Chúa trong đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội”, được giới thiệu vào ngày 30 tháng Chín 2010, lễ nhớ Thánh Giêrônimô, và được công bố vào ngày 11 tháng Mười Một.
Khởi nguyên của “Verbum Domini”
Tiến sĩ Michael Barber, Giáo sư Thần học, Kinh Thánh và Tư tưởng Công giáo tại Đại Học Công giáo Gioan Phaolô (San Diego), đã ghi nhận trong blog của mình (www. thesacred page.com), rằng “Đức Bênêđictô XVI rõ ràng đã chú trọng đến Kinh Thánh trong suốt triều giáo hoàng của ngài”. Ông nhận thấy rằng Năm Thánh Phaolô (2008) được ghi dấu bằng sự nhấn mạnh bền bỉ và liên tục về Kinh Thánh, nhất là Đức Giáo Hoàng đã phân tích các thư và tư tưởng thần học của Thánh Tông đồ Phaolô trong nhiều cuộc yết kiến. Cuốn sách bán chạy nhất của Đức Thánh Cha là “Giêsu Nazareth: Từ Phép Rửa tại sông Giođan cho đến biến cố Biến Hình”, đã đề cập đến các phương pháp chú giải Kinh Thánh và suy tư về cuộc sống và giáo huấn của Đức Giêsu Kitô. (Hai cuốn nữa chưa được xuất bản, một cuốn về Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô và cuốn khác về sự sinh hạ và thời thơ ấu của Ngài).
Vào tháng Mười 2006, Đức Bênêđictô XVI đã chọn chủ đề “Lời Chúa trong Đời sống và Sứ Mệnh của Giáo Hội”, và tháng Tư 2007 ngài đã loan báo triệu tập một thượng hội đồng để các giám mục gặp gỡ nhau bàn thảo về bản chất vai trò của Kinh Thánh trong Giáo Hội. Bản đề cương (Lineamenta) cho Thượng hội đồng Giám Mục năm 2008 khẳng định rằng: “Thượng hội đồng có chủ đích mục vụ, cụ thể là sự gặp gỡ có sức củng cố và dàn trải với Lời Chúa …” Có thể liệt kê các chủ đích như sau: “Giúp làm sáng tỏ những chân lý căn bản của Mạc Khải như là Lời của Chúa, Thánh Truyền, Thánh Kinh và Giáo Huấn, thúc đẩy và bảo đảm một cách sống đức tin thích đáng và hiệu quả; khơi động nhận thức và lòng yêu thích Thánh Kinh làm sao cho “tín hữu có thể tiếp cận dễ dàng”; canh tân việc lắng nghe Lời Chúa, trong phụng vụ và giáo lý, đặc biệt qua “lectio divina” đã được thích ứng với mọi hoàn cảnh khác nhau; và hiến dâng Lời an ủi cho người khốn khổ của thế giới”. 
Nó cũng có mục đích phát triển “một cách tiếp cận đúng với khoa chú giải Kinh Thánh và hướng đến tiến trình Tin Mừng hoá cũng như hội nhập văn hoá. Đồng thời nó cũng có chủ đích khuyến khích sự đối thoại đại kết gắn liền với việc lắng nghe Lời Chúa và cổ vũ sự gặp gỡ và đối thoại không chỉ giữa Kitô hữu với người Do Thái giáo nhưng giữa những người dấn thân vào cuộc đối thoại liên văn hoá và liên tôn”. Với những mục đích này, Phiên họp Toàn thể Thường lệ lần thứ Mười Hai của Thượng hội đồng các Giám mục đã gặp gỡ nhau tại Vatican từ ngày 5-26 tháng Mười 2008. Đức Bênêđictô XVI viết trong phần dẫn nhập rằng tông huấn Verbum Domini là câu trả lời của ngài “cho lời thỉnh cầu của các Nghị phụ Thượng hội đồng mong muốn cho toàn thể Dân Chúa biết được những kết quả mỹ mãn của các phiên họp Thượng hội đồng và những khuyến cáo phát sinh từ nỗ lực của chúng tôi” (số 1).
Cấu trúc của “Verbum Domini”
Verbum Domini gồm lời dẫn nhập (các số 1-5), ba phần chính (các số 6-120), và lời kết ngắn (các số 121-124).
Phần đầu tiên, “Verbum Dei”, hoặc “Thiên Chúa nói”, đào sâu một số nguyên tắc và quan niệm thần học có tương quan với nhau, bắt đầu với nhận xét rằng: “Sự mới mẻ của mạc khải Thánh Kinh hệ tại ở sự kiện rằng mọi người biết được Thiên Chúa là nhờ Ngài mong muốn đối thoại với chúng ta” (số 6). Các chủ đề được đề cập đến trong phần này gồm bản tính Thiên Chúa, chiều kích vũ trụ của Lời Ngài, Kitô học của Lời, Thánh Truyền và Thánh Kinh, câu trả lời của con người đối với Lời Chúa, đức tin và lý trí, Kinh Thánh như linh hồn của thần học thánh, hiện tình nghiên cứu Kinh Thánh và chú giải, sự đồng nhất của Kinh Thánh, những chú giải Kinh Thánh sai lầm, Kinh Thánh và đại kết, các thánh và chú giải Kinh Thánh. Chỉ riêng phần đầu tiên này thôi cũng xứng đáng là một tài liệu tầm cỡ.
Phần hai là “Verbum in Ecclesia”, hoặc “Lời Chúa và Giáo Hội” (các số 50-89). Trọng tâm chính yếu là “mối liên hệ giữa Đức Kitô, Ngôi Lời của Chúa Cha, và Giáo Hội”, đó là mối liên hệ sống động mà mỗi cá nhân Kitô hữu được mời gọi bước vào” (số 51). Đây là những giáo huấn thần học của phần đầu được áp dụng vào đời sống và phụng tự của Giáo Hội. Những chủ đề quan trọng được bàn đến trong phần này là sự hiện diện của Đức Kitô trong Giáo Hội, Lời Chúa trong phụng vụ, Lời Chúa và Thánh Thể, sách bài đọc, sứ vụ đọc sách trong các cử hành phụng vụ, tầm quan trọng của bài giảng, các bí tích hoà giải và xức dầu bệnh nhân, phụng vụ các giờ kinh, tầm quan trọng của sự thinh lặng, nhạc phụng vụ, giáo lý, vai trò của giáo dân, hôn nhân và đời sống gia đình, lectio divina, và kinh nguyện Đức Maria.
Phần cuối cùng mang đề tựa “Verbum Mundo”, hay “Sứ mệnh của Giáo Hội” (các số 90-120). Trong khi phần hai đề cập đến Lời Chúa trong Giáo Hội, phần này nhắm vào công việc truyền giáo của Giáo Hội và sự loan báo Lời Chúa trong thế giới. Đức Bênêđictô viết: “Thượng hội đồng Giám mục mạnh mẽ khẳng định nhu cầu cần phải làm sống dậy trong Giáo Hội ý thức truyền giáo hiện diện trong Dân Chúa từ thưở ban đầu” (số 92). Các chủ đề bao gồm bổn phận loan báo Lời Chúa của người được rửa tội, sự cần thiết phải vươn xa công việc truyền giáo hơn nữa, sự tái Tin Mừng hoá, bản tính của chứng nhân Kitô hữu, sự phục vụ Kitô giáo, sự dấn thân đem lại công bình, hoà giải và bình an giữa các dân tộc, đức bác ái thực hành, di dân, sự đau khổ, nghèo túng, bảo vệ công cuộc tạo dựng, giá trị của văn hoá, giáo dục, nghệ thuật, truyền thông xã hội, hội nhập văn hoá, dịch Kinh Thánh, đối thoại liên tôn, và tự do tôn giáo.
Dẫn nhập và kết luận
Mặc dầu phần dẫn nhập và kết luận của Verbum Domini tương đối ngắn, chúng cũng nêu bật lên những ý và từ chính yếu mà chúng ta gặp thấy man mác trong các văn bản của Đức Bênêđictô cũng như có thể nói rằng chúng đã chuẩn bị cho ba phần chính của tông huấn.
Một trong những từ này là “sự gặp gỡ”. Trong phần mở đầu, Đức Bênêđictô viết rằng Thượng Hội Đồng năm 2008 là “một kinh nghiệm sâu thẳm về sự gặp gỡ với Đức Kitô, Ngôi Lời của Chúa Cha, Đấng hiện diện ở nơi có hai hoặc ba người họp lại nhân danh Ngài (cf. Mt 18, 20)”. Và trong đoạn tiếp theo: “Không có sự ưu tiên nào lớn hơn điều này là: làm cho con người ở thời đại chúng ta được một lần nữa được gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng nói với chúng ta và chia sẻ tình yêu của Ngài để ta có được sự sống dồi dào (cf. Ga 10, 10)”. Trong đoạn kết, ngài viết: “Xin cho mỗi ngày trong đời sống chúng ta được định hình bằng sự gặp gỡ mới mẻ với Đức Kitô, Ngôi Lời của Chúa Cha mặc lấy xác phàm: Ngài đứng ở đầu và cuối thời gian, và ‘mọi sự liên kết với nhau trong Ngài’ (Col 1, 17)”. Khắp trong tông huấn Verbum Domini, ngài thường nhấn mạnh rằng Kitô giáo trước hết là sự gặp gỡ có sức biến đổi với Đức Giêsu Kitô, việc đọc và suy gẫm Lời Chúa là phương thế chính yếu để sự gặp gỡ này xảy ra.
Thứ đến, Lời Tựa của Tin Mừng Thánh Gioan là kim chỉ nam cho toàn bộ tài liệu. Để cho thấy rằng “Kinh Thánh không phải chỉ là lời của quá khứ, nhưng là lời sống động và hợp thời”, Đức Bênêđictô viết: “Tôi muốn trình bày và khai triển công sức của Thượng hội đồng bằng cách thường xuyên tham chiếu Lời Tựa của Tin Mừng Thánh Gioan (Ga 1, 1-18), để biết được những điều cơ bản cho đời sống chúng ta đó là: Ngôi Lời, Đấng từ nguyên thuỷ đã ở với Thiên Chúa, đã hoá thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta (cf. Ga 1, 14). Đây là bản văn rất tuyệt, tóm kết toàn bộ đức tin Kitô giáo” (số 5). Trong ba phần chính của tông huấn, mỗi phần đều được dẫn nhập bằng câu trích từ chương mở đầu của Tin Mừng thứ Tư: Ga 1, 1.14; 1, 18, và 1, 12. Những đoạn này nói lên mối liên hệ thâm sâu giữa lời được viết ra của Thiên Chúa là Kinh Thánh và Đức Giêsu Kitô là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Phần kết làm cho mối liên lạc này trở nên một vòng tròn khép kín khi khẳng định rằng: “Lời Tựa của Tin Mừng Thánh Gioan giúp chúng ta suy nghĩ rằng mọi sự hiện hữu đều là dấu hiệu của Lời. Lời từ Chúa Cha mà đến, rồi cư ngụ giữa chúng ta và trở về cùng Cha để mang đến với Ngài tất cả tạo vật đã được tạo dựng trong Ngài và cho Ngài” (số 121).
Phần Dẫn Nhập mở đầu với câu trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô: “Lời Thiên Chúa tồn tại mãi mãi. Lời này là Tin Mừng được rao giảng cho anh em”. Lời của Thiên Chúa đã được loan báo cho chúng ta, được trao ban cho chúng ta, đó là quà tặng của Thiên Chúa cho con người. Động từ “loan báo” xuất hiện vài lần, nhấn mạnh đến sáng kiến của Thiên Chúa muốn vươn ra và thông hiệp với con người. Trong phần Kết Luận sau đó, Đức Bênêđictô nhấn mạnh đến nhu cầu của con người cần phải nghe lời Chúa và đáp trả ân ban của Ngài: “Thời đại chúng ta phải được ghi dấu bằng việc nghe lời Chúa và tái Tin Mừng hoá … Theo gương mẫu của vị Tông Đồ Các Dân Tộc, người đã thay đổi cuộc sống của mình sau khi nghe tiếng Chúa (cf. Cv 9, 1-30), chúng ta cũng hãy nghe lời Chúa nói với chúng ta, với từng người, ở đây và ngay bây giờ” (số 122). Những lời cuối cùng trong tông huấn Verbum Domini đã làm sinh động một cách văn vẻ việc lắng nghe và đáp trả lời Chúa với trích đoạn cuối cùng của cuốn Kinh Thánh: “Thần Khí và Tân Nương nói: ‘Xin Ngài ngự đến!’. Ai nghe, hãy nói: ‘‘Xin Ngài ngự đến!’. Đấng làm chứng về những điều đó phán rằng: Phải, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến!”. Amen, Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!” (Kh 22, 17. 20).
12 chủ đề khoá trong “Verbum Domini”
Một tông huấn như Verbum Domini không thể (và không nên) tóm tắt. Nhưng những nhận xét sau đây hy vọng sẽ giúp độc giả nhìn ra và lưu ý những chủ đề căn bản cũng như những điểm nhấn mạnh trong tông huấn – dĩ nhiên đây không phải là tất cả.
- Được mời gọi chia sẻ đời sống thần linh: Thật ấn tượng khi các đoạn mở đầu của mỗi phần chính đều nói đến lời Thiên Chúa mời gọi con người chia sẻ đời sống thần linh. Đức Bênêđictô nói rằng nơi trung tâm của đời sống thần linh ấy, “có sự hiệp thông, có ân sủng tuyệt đối … Thiên Chúa tỏ lộ chính mình cho chúng ta như là mầu nhiệm của tình yêu vô tận mà trong đó Chúa Cha đã nói lên Lời của mình trong Chúa Thánh Thần từ thưở đời đời. Do đó, Ngôi Lời từ nguyên thuỷ đã ở với Thiên Chúa và là Thiên Chúa, Ngài đã mạc khải chính Thiên Chúa trong cuộc đối thoại tình yêu giữa các ngôi vị Thiên Chúa, và mời gọi chúng ta chia sẻ tình yêu đó” (số 6; cf. số 9). Chân lý này được trình bày cách mạnh mẽ hơn ở đầu phần hai: “Những ai tin, nghĩa là những ai sống vâng phục đức tin, thì ‘được sinh ra bởi Thiên Chúa’ (Ga 1, 13) và trở thành người thừa kế trong đời sống thần linh: là con cái trong Chúa Con (cf. Gl 4, 5-6; Rm 8, 14-17)” (số 50). Và những lời mở đầu phần ba: “Lời của Chúa ban cho chúng ta đời sống thần linh, một đời sống biến đổi bộ mặt trái đất, đổi mới mọi sự (cf. Kh 21, 5)” (số 91).
- Đối thoại với Thiên Chúa: Thiên Chúa đã mở màn đối thoại với con người vì tình yêu của Ngài đối với con người. Như ta đã thấy, chính bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi là Thiên Chúa của “đối thoại”, nghĩa là Cha, Con và Thánh Thần liên tục chuyện trò với nhau trong một tình yêu tự hiến, hoàn hảo. “Trong nhãn quan này, Lời nói với từng mỗi người, khích lệ và mời gọi họ bước vào cuộc đối thoại tình yêu qua cuộc đáp trả tự do. Như vậy, mỗi người trong chúng ta được Thiên Chúa làm cho có thể nghe và đáp trả lời Ngài. Chúng ta được sáng tạo trong lời và sống trong lời; chúng ta tự mình không thể hiểu được trừ phi mở lòng ra với cuộc đối thoại này” (số 22).
- Nhập Thể và Kitô Học: Trung tâm của cuộc đối thoại thần linh này là “trung điểm của thế giới” (số 83), là Ngôi Lời Nhập Thể, Đức Giêsu Kitô. “Như vậy, Lời của Thiên Chúa được nói suốt qua lịch sử cứu độ, và trọn vẹn nhất là trong mầu nhiệm nhập thể, chết và phục sinh của Con Thiên Chúa” (số 7). Đức tin Kitô giáo “không phải là ‘tôn giáo của sách vở’: Kitô giáo là ‘tôn giáo của Lời Thiên Chúa’, chứ không phải của ‘lời câm lặng hay chữ viết mà là Lời nhập thể và hằng sống’” (số 7). Đức Bênêđictô viết về một “Kitô học của Lời” và suy tư về ý nghĩa sự thông hiệp của Lời vĩnh cửu trong không gian và thời gian: “Lịch sử đặc thù và duy nhất của Ngài là lời quyết định mà Thiên Chúa nói với nhân loại” (số 11).
- Sự gặp gỡ và mối tương quan: Các từ chỉ “sự gặp gỡ” (encounter) xuất hiện trên 40 lần trong Verbum Domini; Chúng tóm tắt điều mà Đức Bênêđictô giải thích về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người cũng như con người với Lời Thiên Chúa. Trích dẫn từ thông điệp Deus Caritas Est (2005) của mình, Đức Bênêđictô khẳng định rằng: “Trở thành Kitô hữu không phải là kết quả của sự lựa chọn đạo đức hoặc ý tưởng cao thượng mà là cuộc gặp gỡ với một biến cố, một con người, đem lại cho đời sống mình một chân trời mới và một hướng đi quyết định” (số 11). Và: “Cả lịch sử cứu độ đã dần dần minh chứng cho mối quan hệ sâu xa giữa lời của Thiên Chúa và đức tin xuất phát từ cuộc gặp gỡ với Đức Kitô. Như vậy, đức tin hình thành như là cuộc gặp gỡ với người mà chúng ta tín thác trọn đời sống của chúng ta” (số 25).
Tương tự, từ ngữ “mối tương quan” (relationship) xuất hiện trên 60 lần, một cách nào đó thường diễn tả sự kết hiệp thân mật của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kiô và Thánh Kinh: “Mầu nhiệm Giao Ước diễn tả mối tương quan này giữa Thiên Chúa là Đấng mời gọi con người bằng lời của Ngài, với con người là những người đáp trả, dẫu vẫn biết rằng đây không phải là cuộc gặp gỡ giữa hai người đồng đẳng; cái mà chúng ta gọi là Giao Ước Cũ và Mới không phải là một hợp đồng giữa hai bên bình đẳng mà là một ân ban hoàn toàn của Thiên Chúa” (số 22), và “Mối tương quan giữa Ngôi Lời của Chúa Cha là Đức Kitô và Giáo Hội không thể nào hiểu được trọn vẹn trong những hạn từ của một biến cố thuần tuý thuộc về quá khứ; đó là một tương quan sống động mà mỗi Kitô hữu được mời gọi bước vào” (số 51).
- Sự đồng nhất của lịch sử cứu độ: Đức Bênêđictô giải thích rằng chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa có sự đồng nhất: từ sự đồng nhất của một Thiên Chúa đến “sự đồng nhất của kế hoạch Thiên Chúa trong Ngôi Lời Nhập Thể ...” (số 13). Sự sáng tạo đầu tiên đã được thực hiện qua Lời vĩnh cửu thì cũng có liên quan mật thiết đến sự sáng tạo mới qua Ngôi Lời Nhập Thể: “Nhắc đến những yếu tố đức tin trọng yếu này, chúng ta có thể chiêm niệm sự đồng nhất thâm sâu trong Đức Kitô giữa công trình sáng tạo, cuộc sáng tạo mới và tất cả lịch sử cứu độ” (số 13).
- Sự đồng nhất của Kinh Thánh: Có “sự đồng nhất nội tại” bên trong Kinh Thánh: “Khi chuyển từ chữ viết sang tinh thần, trong truyền thống vĩ đại của Giáo Hội, chúng ta cũng nhận thấy sự đồng nhất của toàn thể Kinh Thánh, dựa vào sự đồng nhất của Lời Chúa, nâng đỡ đời sống của chúng ta và thường xuyên kêu mời chúng ta hoán cải. Những lời của nhà thần học Hughes de Saint-Victor (1096-1141) vẫn còn là kim chỉ nam dẫn lối: ‘Tất cả Kinh Thánh là một cuốn sánh, và cuốn sách độc nhất này là Đức Kitô, nói về Đức Kitô và hoàn tất trong Đức Kitô’” (số 39). Đức Bênêđictô lưu ý rằng mặc dù Kinh Thánh gồm những cuốn sách khác nhau do nhiều tác giả viết ra qua nhiều thế kỷ, nhưng “chính con người Đức Kitô đã tạo nên sự đồng nhất cho toàn thể ‘Kinh Thánh’ trong tương quan với một ‘Lời’” (số 39).
- Giao ước và hiệp thông: Đây là hai quan niệm trọng tâm trong các bài viết thần học của Đức Bênêđictô về Thánh Bônaventura và Thánh Augustinô, khi ngài còn là một linh mục trẻ. Đi vào trong giao ước là bước vào trong sự hiệp thông; giao ước bén rễ trong sự hiệp thông của Cha, Con và Thánh Thần. Cái chết hy tế của Đức Kitô làm nên giao ước lẫn sự hiệp thông: “Trong mầu nhiệm cao cả này, Đức Giêsu được mạc khải như là lời của giao ước mới và vĩnh cửu: tự do của Thiên Chúa và tự do của con người đã gặp nhau trong thân xác bị đóng đinh của Ngài, trong một thoả thuận có giá trị vĩnh cửu và không thể xé bỏ” (số 12). Sau khi bước vào giao ước qua bí tích rửa tội, chúng ta lớn lên nhờ nghe và tuân theo lời Thiên Chúa: “Lắng nghe lời Chúa dẫn đưa vào và làm gia tăng sự hiệp thông trong Giáo Hội với tất cả những ai bước đi vì đức tin” (số 30), và “... cần phải tránh nguy cơ tiếp cận có tính cách cá nhân, và luôn nhớ rằng lời Chúa được ban cho chúng ta để xây dựng sự hiệp thông, liên kết chúng ta trong Chân Lý trên con đường đến với Thiên Chúa” (số 86).
- Đức tin: Sự cần thiết và bản tính của đức tin được đề cập nhiều lần trong Verbum Domini: “‘Vâng phục do đức tin’ (Rm 16, 26; cf. Rm 1, 5; 2 Cr 10, 5-6) phải là câu trả lời của chúng ta đối với Thiên Chúa là Đấng mạc khải. Nhờ đức tin, ta tự do gắn bó hoàn toàn với Thiên Chúa … Thật vậy, chính việc rao giảng lời Chúa tạo nên đức tin, nhờ đó mà ta thành tâm tán thành chân lý đã được mạc khải cho chúng ta cũng như hoàn toàn gắn bó với Đức Kitô” (số 25). Đức tin đòi hỏi sự lựa chọn nội tại và sự hiệp thông ngoại tại; đây không chỉ là vấn đề niềm tin cá nhân: “Đức Kitô ngày nay vẫn hiện diện trong lịch sử, trong thân thể của Ngài là Giáo Hội; vì thế, hành động tin của chúng ta vừa là cá nhân vừa là Giáo Hội” (số 25). Là người hoàn toàn đáp trả trong đức tin, Mẹ Thiên Chúa là mẫu gương làm môn đệ Chúa: “Ngày nay, các tín hữu cần được giúp đỡ để nhận ra cách rõ ràng mối liên hệ giữa Đức Maria Nazareth với việc nghe lời Chúa tràn đầy đức tin” (số 27).
- Chú giải Kinh Thánh: Một chủ đề hiển nhiên được Đức Giáo Hoàng xác định là “chủ đề chính” (số 29). Ngài khẳng định cách mạnh mẽ rằng không có đức tin thì không thể nào giải thích đúng Kinh Thánh. “Mối liên hệ nội tại giữa lời và đức tin cho thấy rằng các chú giải Kinh Thánh đúng đắn chỉ có thể có được trong đức tin của Giáo Hội, mà mô hình kiểu mẫu là ở trong lời fiat của Đức Maria” (số 29). Kinh Thánh là cuốn sách của Giáo Hội và như thế phải được đọc với tâm hồn và tâm trí của Giáo Hội: “Kinh Thánh là cuốn sách của Giáo Hội, và vị trí chính yếu của nó trong Giáo Hội đã tạo nên quyền giải thích đích thực … Kinh Thánh được viết bởi Dân Chúa cho Dân Chúa, dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Chỉ trong sự hiệp thông này với Dân Chúa, chúng ta với tư cách là “chúng ta” mới thật sự có thể bước vào tâm điểm của chân lý mà chính Thiên Chúa muốn chuyển tải cho chúng ta” (số 29, 30). Đây là phần quan trọng về chú giải và thần học kinh thánh cần phải được nghiên cứu và khai thác trong những năm sắp tới (số 29-49).  
- Các Thánh: Tông huấn Verbum Domini số 48 viết rằng: “Chú giải Kinh Thánh vẫn còn bất toàn nếu không lắng nghe những người đã thực sự sống lời Chúa: cụ thể là các Thánh”. Hẳn nhiên đây không phải chỉ là lời nói vuốt vì toàn bộ huấn giáo tông truyền đều biết rút tỉa nhiều điều thông thái từ các thánh, các tiến sĩ Giáo Hội, các nhà thần bí. Đức Bênêđictô thường trích dẫn Thánh Augustinô, Thánh Grêgôriô Cả và nhiều vị thánh khác. Trong số này, Thánh Giêrônimô được đặc biệt lưu ý (số 72).
- Lectio divina: “Cách đọc Kinh Thánh kết hợp với cầu nguyện” được khuyến khích, đặc biệt là “lectio divina” là cách đọc “thánh” (số 86). Đức Bênêđictô khẳng định rằng cách đọc Kinh Thánh này “có thể mở ra trước mắt người tín hữu kho tàng lời Chúa, nó cũng đem đến sự gặp gỡ với Đức Kitô là lời hằng sống của Thiên Chúa”. Sau đó ngài duyệt lại các bước căn bản của “lectio divina” (số 87).
- Truyền giáo và làm chứng: Phần thứ ba của Verbum Domini là lời mời gọi mạnh mẽ và rõ ràng rằng mọi Kitô hữu phải làm chứng cho đức tin vào Đức Kitô của mình. “Bổn phận của chúng ta là phải chuyển giao những gì mà chúng ta lãnh nhận do ân sủng của Chúa” (số 91) và nhiệm vụ truyền giáo không thể được xem như một yếu tố phụ thuộc và tuỳ ý trong đời sống Giáo Hội” (số 93). Nguồn gốc cho nhiệm vụ này là lời Chúa; một mẫu gương luôn sống động cho nhiệm vụ này là Tông đồ Phaolô, “cuộc sống của ngài minh hoạ cho ý nghĩa của nhiệm vụ truyền giáo của người Kitô hữu và tính phổ quát căn bản của việc truyền giáo” (số 92). Nằm trong đoạn này là một trong những câu mạnh mẽ và hay nhất của cả bản văn: “Vấn đề không phải là rao giảng lời an ủi, nhưng là lời phá vỡ, lời mời gọi cải hoá và mở ra con đường gặp gỡ với Đấng mà qua Ngài một nhân loại mới bừng nở hoa” (số 93).

Trích “Bản Thông Tin” Giáo phận Qui Nhơn, số tháng 01/2011