Dương Ngọc Dũng
Trích “Tạp Văn”
NXB Tổng Hợp TP HCM, tr. 44-48
Sinh hoạt đầu tiên trong ngày của người dân Mỹ có lẽ là đọc báo, nếu không kể tiết mục vệ sinh cá nhân. Nhìn hình thức bên ngoài của tờ báo Mỹ trông rất đã con mắt: tờ báo dầy cộm như cuốn sách, giá bán lẻ chỉ có 50 xu (cents), cộng thêm hình ảnh rất đẹp, bắt mắt, cộng thêm nội dung cực kỳ phong phú, đủ mọi thứ trên đời, từ chuyện tình bê bối hấp dẫn của tổng thống Mỹ cho đến việc hướng dẫn mátxa bằng nước nóng như thế nào để sống lâu hay quảng cáo thuốc trị hói đầu một lần là tóc mọc xanh mướt như trai mười tám...
Báo chí Việt Nam nhiều tờ tạp chí đạt tiêu chuẩn hình thức rất cao, nhưng cũng có nhiều tờ báo thường ngày trông thật chán đời, hình ảnh lem nhem, bài vở lôm côm, giấy thì đen thui như cơm cháy, đọc nhiều chắc chắn bị loạn thị. Dân Mỹ đọc báo cũng khá kỳ lạ: không bao giờ ngồi đọc hết tất cả mục trong tờ báo như dân ta. Tờ báo Mỹ chia làm nhiều xấp, chẳng hạn xấp thể thao, xấp tin khu vực (metro region), xấp về kinh doanh (business),v.v. Một người thích kinh doanh sẽ lấy riêng xấp này ra đọc còn bỏ nguyên tờ báo dầy cộm còn lại vào thủng rác, hay lịch sự hơn, để lại trên băng xe điện ngầm (subway) cho người khác đọc ké.
Báo chí Mỹ khác báo chí Việt Nam ở chỗ có nhiều khuynh hướng khác nhau. Đọc báo Việt Nam chán nhất là mục bình luận về chính sách nhà nước: phóng viên nào cũng viết na ná như nhau. Chỉ cần đọc một tờ là biết cả trăm tờ khác, học một biết mười.
Đọc báo Mỹ chẳng hạn tờ Boston Globe có khuynh hướng chống Bill Clinton và theo phe Kenneth Starr trong vụ bê bối Monica Lewinsky nên lời lẽ rất gay gắt trong việc phê bình, nhưng tờ New York Times thì lời lẽ ôn hòa hơn, không nặng lời sỉ vả, cũng không đăng tải những lá thư mạt sát Bill Clinton theo kiểu Boston Globe. Tờ Boston Herald thì thiên về chồng Monica Lewinsky, cho rằng đây là một âm mưu của Đảng Cộng Hòa nhằm triệt hạ uy tín Bill Clinton. Tạp chí People, chuyên khai thác những chuyện tình giật gân của các siêu sao màn bạc, thì đăng toàn chuyện rùng rợn không báo nào dám đăng. Chẳng hạn Monica thú nhận rằng nàng đã cố gắng để được "đeo ba lô ngược" với Clinton nhằm khóa chân "chàng" vĩnh viễn trong "vòng tay tình ái" và hi vọng chàng sẽ ly dị đương kim đệ nhất phu nhân để chung sống với nàng. Nhưng ước vọng cho ra đời một Clinton "nhí" không thành nên nàng "đành" giữ lại "chiếc áo" trời đánh để mai sau "chàng" có phủ nhận nàng sẽ đưa ra y hệt như Kiều tố cáo Sở Khanh: "Còn tiên tích việt ở tay/ Rõ ràng mặt ấy mặt này chứ ai" (Kiều: 1183 - 1184). Kiều khôn ngoan giữ lại tiền tích việt, cũng như Monica giữ lại chiếc áo, để nguyên xi “tình trạng cũ” cho Clinton cứng họng, dành phải mặt mũi méo xẹo xin lỗi toàn thể quốc dân đồng bào: “phụ tình án đã rõ ràng/ Dơ tuồng nghỉ mới kiếm đường tháo lui”. Sở Khanh "quê" quá nên tháo lui, còn Clinton “quê” thì chơi bạo: ném luôn cho Afghanistan và Sudan mấy "quả" khiến báo chí rụng rời, quên tuốt "chuyện tình thế kỷ". Ngẫm nghĩ cũng thấy dân Mỹ là thứ dân kỳ lạ nhất trên đời. Không ở nơi đâu trên hành tinh này lại nhiều tội ác và lắm sự đồi trụy nhiễu nhương như ở Mỹ, nhưng cũng không nơi đâu lắm sự đạo đức giả như ở đây. Tổng thống, theo hiến pháp, chỉ là người đứng đầu ngành hành pháp, điều khiển việc cai trị quốc gia, đâu phải là một ông thánh Ấn Độ. So với các thành tích động trời của Kennedy thì Clinton chỉ là đệ tử hạng bét. Nhưng có lẽ đó là hậu quả hay mặt trái của tự do, dân chủ theo kiểu phương Tây. Ai cũng có quyền nhao nhao lên chửi bớt Clinton cho đã miệng, trong khi đạo đức cá nhân chưa chắc gì ngon lành hơn ai.
Lạm bàn sang chuyện pháp luật hay tự do, chúng ta có thể thấy ngay tự do hiểu theo kiểu Mỹ là một thứ tự do đặc biệt. Bạn có thể một ngày kia nhận được lá thư của người hàng xóm yêu cầu bạn hãy đi cắt cỏ trong sân nhà bạn ngay, nếu không y sẽ gọi cảnh sát. Theo cách hiểu của người Việt Nam thì: “Nhà tôi tôi lo, việc gì đến anh?” Nhưng ở Mỹ thì khác. Bạn không có quyền để sân cỏ xung quanh nhà dơ dáy bẩn thỉu, hàng xóm sẽ vác đơn đi kiện ngay, và bạn sẽ phải móc túi chi tiền cắt cỏ cho các "kỹ sư cây xanh" do thành phố gởi đến để làm sạch sân nhà bạn. Việc chạy xe hơi ngoài đường cũng thế. Không phải muốn đi kiểu nào cũng được. Cảnh sát giao thông Mỹ thì không bao giờ có màn hạch sách hay dấm dúi ăn hối lộ, nhưng họ rất cứng rắn và không du di bao giờ. Dù là đậu xe ở một nơi vắng tanh, bạn cũng sẽ ăn giấy phạt nếu đậu không đúng nơi đã quy định. Đặc biệt là đậu gần ống nước (hydrant) dùng để cứu hỏa hay trên lối đi dành cho người đi bộ thì mạt nhất bạn cũng phải chi ra 75 đô tiền phạt. Như vậy nền tảng của tự do, một cách nghịch lý, lại chính là pháp luật. Không có pháp luật thì tự do cũng bốc hơi, trở thành một thứ vô chính phủ, vô kỷ luật, mạnh ai nấy làm theo sở thích riêng, và rốt cục đưa đến luật rừng.
Một ví dụ khác là chuyện sử dụng súng cá nhân. Sau những vụ thảm sát bằng súng ngắn do trẻ em gây ra rất nhiều người phẫn nộ yêu cầu chính phủ phải ra lệnh cấm tàng trữ súng và các loại vũ khí khác trong nhà. Thoạt nghe thì yêu cầu này rất hữu lý, nhưng nếu theo dõi sự tranh luận trên TV giữa hai phe có quan điểm đối lập thì chúng ta sẽ thấy phe có quan điểm cần phải có súng để tự vệ không phải là vô lý. Họ lập luận rằng chính phủ hoàn toàn bất lực trong việc bảo vệ họ nên họ phải trang bị súng để tự vệ.
Việc cấm tư nhân tàng trữ súng chẳng nhằm nhò gì với bọn tội phạm chuyên nghiệp vì bọn chúng kiếm ra súng lậu không khó khăn gì. Như vậy tư nhân, khi không còn được phép giữ súng trong nhà để tự vệ, càng trở thành mồi ngon cho bọn tội phạm, vì giờ đây chỉ chúng là có vũ khí. Những cuốn phim Death Wish gồm nhiều tập do Charles Bronson thủ vai chính chính là thể hiện quan điểm này.
Báo chí chính là công cụ đắc lực trong việc trình bày mọi quan điểm khác nhau về các vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội. Báo chí cũng ảnh hưởng một cách trực tiếp đến việc sống và sinh hoạt như những cá thể tự do trong một xã hội mở, khai phóng, nhưng đặt nền trên một hệ thống pháp lý chặt chẽ. Mối quan hệ này cần được nghiên cứu và khai thác sâu xa hơn nữa trong định hướng phát triển cộng đồng và xã hội.