Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

KIÊNG HUÝ: CHUYỆN CŨ MÀ KHÔNG CŨ ...

 


MAI THANH HẢI

Qua tác phẩm “Lều chõng” của nhà văn Ngô Tất Tố (1894-1954) đăng tải nhiều kỳ trên báo Thời Vụ xuất bản ở Hà Nội năm 1939 (sau, in thành sách, được tái bản nhiều lần), chúng ta cảm thụ sâu sắc sự khắc nghiệt vô lý phải kiêng huý trong thi cử phong kiến và trong ngôn ngữ văn tự xã hội. Ở nước ta hiện nay, tệ kiêng tên vua chúa vẫn để lại những dấu ấn khá sâu đậm và nếu chúng ta không “ra tay”, chẳng biết còn di căn đến tận bao giờ. Một dẫn chứng: thành phố Sàigòn từ mấy chục năm nay vẫn tuỳ tiện đổi tên Ngô Thì Nhậm (sống và mất trước khi Tự Đức ra lệnh kiêng tên huý thuở nhỏ của mình là Thì và Nhậm) để đặt tên đường Ngô Thời Nhiệm.
Soát xét lại tất cả văn bản đã sưu tầm được trong lịch sử Việt Nam, ta có thể thấy, kể từ các vua Hùng cho đến các triều Đinh, Lê, Lý, đều không để lại một bia ký hay truyền thuyết nào về tục lệ kiêng huý.
Còn từ thế kỷ 13, gần 100 đời vua chúa đã có 40 lần ban hành các lệnh, dụ bắt dân chúng phải kiêng huý tên vua, tên các vợ của vua, tên bố mẹ, ông bà, tổ tiên… thậm chí cả tên con, tên con dâu, tên bố mẹ vợ vua… Nhiều trường hợp chẳng phải tên ai, mà được dựng ra là tên người nọ người kia chỉ cốt nhằm một mục đích chính trị xã hội, không liên hệ gì đến tâm linh dòng tộc cả.
Mở đầu tục lệ kiêng huý tên vua chúa là nghiêm lệnh của Trần Thủ Độ - tất nhiên núp dưới danh nghĩa một đạo dụ của Trần Cảnh lên ngôi vua lúc 8 tuổi. Sau khi đào hầm bẫy sập rồi chôn sống tôn thất nhà Lý, Trần Thủ Độ đã lại học đòi thêm thói tục từ đời Chu (1066-771 tr.CN) bên Trung Hoa.
Lệnh kiêng huý đầu tiên trong lịch sử nước ta được ban hành tháng sáu năm Kiến Trung thứ tám (7/1232), Trần Cảnh quyết định các chữ quốc huý và miếu huý, trong đó có trường hợp được giải thích: Vì nguyên tổ (nhà Trần) tên huý là Lý, cho nên đổi tên triều Lý làm triều Nguyễn, vả lại cũng để dứt bỏ lòng mong nhớ của dân chúng đối với nhà Lý. (Sách Toàn thư - bản kỷ 5-7b).
Ghi rõ như thế kể cũng là thật thà, không quanh co che giấu mục đích bên trong của lệnh cấm, bất kể có thật nguyên tổ nhà Trần mang tên là Lý hay không.
Tất nhiên, bên cạnh việc bắt con cháu nhà Lý phải từ bỏ tên họ gốc gác, nhà Trần còn bắt dân chúng và quan lại còn phải kiêng huý tên các vua: Cảnh (Thái-tông), Hoảng (Thánh-tông), Khâm (Nhân-tông), Thuyên (Anh-tông) và Thừa (bố của Trần Cảnh); kiêng các nội huý (tên các vợ vua: Phong, Diệu, Oánh, Hâm; tên Liễu, anh của Trần Cảnh; tên vợ lẽ của Liễu là Nguyệt. Và kiêng cả một số tên bên họ ngoại nữa.
Đến đời Anh-tông Trần Thuyên không chỉ cấm gọi họ Lý mà còn cấm nhắc đến tên các vua đời Lý là Uẩn, Mã, Tôn, Đức, Hoán, Tô, Cán, Sảm… Ngoài ra, lại có lệnh kiêng chữ Độ trong tên thượng phụ Trần Thủ Độ, chữ Tung trong tên Trần Tung, con của Trần Liễu…
Qua triều Lê, ông vua đầu tiên mới lên ngôi được năm ngày đã ban lệnh kiêng huý rộng rãi nhất trong lịch sử, kiêng đến bảy loại tên người: ông nội, bà nội, cha, mẹ, bản thân, vợ cũ và anh cả của vua (tất cả - trừ chính bản thân vua - đều đã chết từ lâu trước đó).
Các đời vua sau đặt thêm một lệnh nữa là kiêng cả tên giả của vua. Nguyên do là khi trình báo giao thiệp với “thiên triều”, các vua Lê phải khai ra tên huý, nên đã có mẹo khai ra cái tên giả. Khi bắt dân chúng kiêng tên mình mà không kiêng tên giả thì sẽ tự thú rằng mình khai giả, nên các vua bắt dân kiêng cả tên thật lẫn tên giả của mình.
Dân phải kiêng cả tên thật và giả của Thái-tông là Long Lân, của Nhân-tông là Tuấn… Cuối đời Lê, lệnh vua không còn được thi hành chặt chẽ trong thi cử, văn bia, chuông khánh, đền miếu…
Lệnh kiêng huý còn tiếp tục dưới thời nhà Mạc, chúa Trịnh, thời Tây Sơn và nhà Nguyễn. Khe khắt và vô nghĩa nhất là vào thời bốn ông vua đầu triều Nguyễn
Nguyễn Ánh cấm dân chúng và quan lại không được nói, đọc đến tên mình, phải dùng chệch đi là yếng (đến nỗi hơn một trăm năm sau, Hội thánh Tin lành ra báo vẫn phải đọc trại tên tờ báo là Yếng sáng).
Con trai vua Gia Long tên là Cảnh đã chết trước khi ông lên làm vua, nhưng ông vẫn có lệnh cấm, bắt phải nói trẹo là kiểng. Đến giờ vẫn còn cách nói cá kiểng, cây kiểng, lính kiểng…
Các triều đại phong kiến nước ta có 40 lần ra lệnh kiêng với 531 lượt chữ, trong đó riêng triều Nguyễn ban 22 lệnh. Thiệu Trị giữ “kỷ lục”, ra tám lệnh kiêng huý chỉ trong năm năm trị vì. Một “kỷ lục” khác là chỉ trong một lệnh, lệnh thứ tư của mình, Tự Đức bắt kiêng đến 47 chữ! Nhiều lệnh kiêng huý của triều Nguyễn còn để lại dấu ấn trong ngôn ngữ và đời sống xã hội ta ngày nay.
Thời thế đã đổi thay. Nếu là luật tục và thói quen tốt đẹp, chúng ta nên gìn giữ và phát huy thành sức mạnh truyền thống, còn những gì là luật tục hà khắc và phi lý thì nên bỏ. Trên thực tế, cuộc sống đã sàng lọc theo hướng như vậy.
Tuy nhiên, có nhiều từ ngữ, nhất là địa danh, đúng là do kiêng huý mà biến đổi, nay đã thành quen thuộc, như tên tỉnh Thanh Hoá (vốn là Thanh Hoa), thì đâu cần phải nghĩ đến chuyện chuyển trả về tên cũ làm gì.
Có rất nhiều tên người và tên họ, do thời thế ngày trước xảy ra, đã được đặt theo lời kiêng huý, như các họ Huỳnh, Võ… thì bất tất phải đổi lại làm gì, hoặc như tên cụ Phan Châu Trinh thì đừng nên như Hà Nội tuỳ tiện đổi là phố (và phường) Phan Chu Trinh.
Theo đà này, biết đâu có ngày người ta đổi tên (mà có người đã làm rồi) cụ Phan Bội Châu thành Phan Bội Chu, cụ Huỳnh Thúc Kháng thành Hoàng Thúc Kháng, rồi các ông họ Võ bị trở lại họ Vũ!.