Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

MUỐN ĂN BÁNH ÍT LÁ GAI ...




Mai Thìn

“Muốn ăn bánh ít lá gai 
Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi”
(Ca dao )

Câu ca dao từ lâu đã trở nên quen thuộc của người dân Bình Định. Quen thuộc không phải ở nội dung tâm sự  của người con gái  muốn về làm dâu xứ “nẫu” mà quen thuộc  bỡi chiếc bánh ít lá gai- một đặc trưng  của xứ dừa Bình Định.

Vâng! Không chỉ đặc trưng  từ hương vị ngọt bùi  thơm dẻo kết tinh từ lao động  và sáng tạo của người nông dân; không chỉ đặc trưng từ hình dáng tựa những ngôi tháp  Chàm cổ kính  rêu phong, từ sắc màu đen lục  của lá gai và nếp dẻo mà còn đặc trưng  bỡi cái tên gọi mang đầy chất huyền thoại.

Đến những huyền thọai đẫm chất nhân sinh

Theo sự tích xưa, thì  sau khi chàng Lang Liêu- con trai của vua Hùng thứ sáu  đã thắng cuộc trong hội thi làm các món ăn để cúng trời đất, tổ tiên trong ngày tết đầu năm mới với hai thứ bánh ngon lành và đầy ý nghĩa  là bánh chưng và bánh dày, một nàng con gái út của vua  thường được mọi người  gọi trìu mến là nàng Ut ít, vốn rất gioi giang, khéo léo trong công việc bếp núc, đã nhân dịp  đó trổ tài, sáng tạo thêm ra những món bánh mới. Nàng Út muốn có  một thứ  bánh mới vừa mang hương vị bánh  dày, vừa mang hương vị bánh chưng của anh mình. Nàng liền lấy chiếc bánh dày bọc lấy nhân của chiếc bánh chưng. Thứ bánh mới này quả đã đạt được yêu cầu tuy hai mà một  của nàng Út.
           
Có thứ bánh mới, nàng Út lại suy nghĩ rồi quyết định phỏng theo hình dáng của bánh dày và bánh chưng để làm thành hai dáng bánh khác nhau, một thứ dáng tròn không gói lá, giống hệt như bánh dày, một thứ dùng lá gói kín thành dáng vuông giống hệt như bánh chưng  để đạt  được ý nghĩa “tuy hai mà một”. Nhưng cả hai thứ bánh đó  đều làm nho nhỏ  xinh xinh  để tỏ ý khiêm nhường với thứ bậc út ít của mình trước các anh chị.
           
Sau hội thi, ngoài bánh dày, bánh chưng được coi như những thứ bánh thiêng liêng ra, những cặp bánh mang ý nghĩa “tuy một mà hai, tuy hai mà một” của nàng Út  cũng được mọi người khen ngợi không ngớt. Sau này, những thứ bánh ấy được lưu truyền trong dân gian, mọi người làm theo và cứ gọi  bánh này là bánh Út Ít để phân biệt  với bánh chàng Lang Liêu, tức là bánh dày  và bánh chưng.
           
Trải qua nhiều thời đại, bánh nàng Út Ít đã được cải tiến  trở thành nhiều hình vẻ  hơn và tên bánh  được gọi vắn tắt  là bánh út ít, rồi thành bánh ít  như ngày nay.
           
Cũng có người giai thích  rằng loại bánh này nhiều hình nhiều vẻ : Thứ gói lá, thứ để trần, nặn  cao, nặn dẹt, thứ trắng, xanh, đen, thứ nhân dừa , nhân đậu... nên khi làm bánh, dù là để ăn hay để bán, người ta cũng thường làm mỗi thứ một ít  cho có thứ nọ, thứ kia, đủ vẻ, đủ hình, do đó mà thành bánh ít. Có câu ca dao:

Bánh thật nhiều , sao kêu bánh ít
Trầu có đầy sao gọi trầu không?

cũng bắt nguồn từ sự tích như vậy.
Đó là cách lý giải của người Việt xưa, còn người Bình Định  thì lại  lý giải bằng cách liên  hệ giữa  hình dáng  bánh ít  với tháp Chàm ở Bình Định. Hầu hết các tháp Chàm  ở Bình Định  đều đứng trên  đồi cao, tạo môt đỉnh nhọn ở giữa như chiếc bánh ít.Và thực tế, tại Bình Định cũng có hẳn một ngôi tháp mang tên Bánh Ít đi vào ca dao:

Tháp Bánh Ít  đứng sít cầu Bà Di
Vật vô tri cũng thế huống chi tui với bà.
          
Cách lý giải thứ hai là dựa vào tục lễ hồi dâu của các cặp vợ chồng mới cưới. Ở Bình Định, mỗi khi về hồi dâu sau ba ngày cưới, cô gái nào cũng chuẩn bị một quả bánh ít  do tự tay mình làm, mang về cúng gia tiên và biếu bố mẹ ruột  làm quà để tỏ lòng hiếu thảo. Món quà tuy “ít”, nhưng là “của ít lòng nhiều”, ở đó nó còn có  cả những giọt mồ hôi, sự nhẫn nại kiên trì , đôi bàn tay khéo léo, và đặc biệt là  tấm lòng hiếu để của cô  gái  xa cha mẹ về làm dâu xứ người.
           
Dù chỉ trong ba ngày cưới, bận rộn với bao nhiêu  niềm hạnh phúc ,lo toan, song người con gái  vẫn không quên  cha mẹ mình, vẫn dành thì giờ  để làm những chiếc bánh “ít” thơm thảo chờ ngày hồi dâu mang về làm quà cho bố mẹ. Nghĩa cử ấy thật  không có gì bằng!
           
Có lẽ chính vì thế  mà nghề làm bánh ít  ngày nay vẫn được lưu truyền  khá nhiều ở nông thôn Bình Định. Nó không chỉ đơn thuần  mang lại những khoản thu nhập nho nhỏ  cho người dân  mà còn có ý nghĩa to lớn  trong việc gìn giữ giá trị truyền thống, giá trị giáo dục  lòng yêu thương, tôn kính cha mẹ và rèn luyện tính kiên trì  khéo léo cho  con cái.

Và những cách làm nên tình bánh 

Để làm được chiếc bánh ít, người ta phải trải qua  nhiều công đoạn, dụng khá nhiều công sức, sự dẻo dai , bền bĩ và khéo léo.
           
Đầu tiên là phải chọn nếp để xay (nếp dùng làm bánh ít  phải là nếp mới , thơm, độ dẻo  vừa) rồi  vo kỹ, ngâm  với nước vài giờ, sau đó mới xay nhuyễn. Nếu xay bằng cối xay thủ công,  phải đăng cho ráo nước  để được một khối bột dẻo.
           
Để có màu xanh đen và hương vị thơm  chát  cho bánh, người ta hái lá gai non (Cây lá gai  thường mọc sẵng ở các hàng rào quanh nhà), rửa sạch rồi luộc chín, vắt khô, sau đó trộn với bột  dẻo đem đi giã. Đây là công đoạn dụng khá nhiều sức. Vì nếu giã chưa nhuyễn, bánh ăn lợn cợn, tạo cảm giác  không ngon.Tiếp đến là công đoạn làm nhân “nhưng” bánh.”Nhưng” bánh ít lá gai  bao gồm đậu xanh, đường, dừa, có chút quế và bột va-ni cho  thơm. Đậu xanh  đem xay bửa đôi rồi  ngâm và đãi cho  sạch vỏ trước khi luộc chín . Cùi dừa  được bào ra thành sợi , bỏ vào chảo  gang  xào chung với đường một lúc  cho đến độ chín tới mới trộn tiếp đậu xanh. Xào “nhưng” trên bếp lửa liu riu cho đến khi  nào đường chín tới, ”nhưng“ có màu vàng sẫm, dẻo quánh, mùi thơm bốc lên ngào ngạt là vừa.

Làm bánh ít không khó, nhưng đòi hỏi phải khéo léo. Sau khi đã xào “nhưng” xong, ngắt một miếng bột nếp , tẻ thành bánh mỏng hình tròn  trên lòng bàn tay, rồi  vốc  một nhúm nhưng bỏ vào giữa, túm bốn bên lại  cho khít mối, sau đó vo tròn trong lòng bàn tay. Lúc này bột nếp đã bọc toàn bộ nhưng bánh thành một khối tròn. Để cho bánh khỏi dính, người ta chấm một chút dầu phộng, xoa đều trên tấm lá chuối xanh, sau đó bọc bánh lại  theo hình tháp rồi mang đi hấp. Có nơi, người ta  hấp bánh trần, bánh chín mới gói để giữ màu xanh của lá chuối. Khi ăn chỉ cần bóc nhẹ lớp lá chuối xanh là hiện ra lớp da bánh ít màu đen bóng, đầy vẻ quyến rũ, huyền bí.

Ngoài bánh ít lá gai, có một số nơi làm bánh ít  thường bằng bột nếp, màu trắng, có nhưng đậu xanh, nhưng dừa đường hoặc nhưng tôm, thịt; có loại gói lá chuối, có loại để trần; Cũng có loại  làm bằng bột khoai mì, bột củ dong... và đều làm chín bằng phương pháp hấp như trên, song người An Nhơn, Bình Định thì chỉ  làm  bánh ít  lá gai  nhưng dừa hoặc nhưng đậu xanh gói lá chuối  rồi mới đem đi hấp.

Vĩ thanh cho một  món quà quê

Ở hầu hết  các làng quê Bình Định,  đám giỗ nào  cũng có bánh ít lá gai ( còn trong lễ tết thì không có bánh ít mà thay bằng bánh tét ). Bánh cúng xong được dọn lên mâm cỗ làm món quà tráng miệng và làm quà bánh cho người ở nhà. Đây cũng là  nét khác biệt trong  văn hoá ẩm thực và văn hoá ứng xử của người Bình Định .

Ngày nay, dù có nhiều  loại bánh hiện đại, ngon,  rẻ và hấp dẫn hơn nhiều, song người Bình Định vẫn không bỏ nghề làm bánh ít lá gai. Nếu không  làm để bán được thì cũng làm để cúng giỗ và làm quà cho lễ hồi dâu. Họ truyền nghề  này  cho thế hệ con cái,  nhất là con gái, như một thứ bảo bối  gia truyền.

Thiết nghĩ trong bộ môn kỹ thuật  bậc trung học, cũng nên đưa cách làm bánh ít vào giảng dạy cho học sinh, bỡi đây không đơn thuần là một nghề, mà là một nét đẹp văn hoà cần lưu truyền và gìn giữ