Trích báo “Lời Thăm” của địa phận Qui Nhơn
Số 1 tháng Tư 1936
Ngốc Tử
Đời vua Tự Đức có sắc chỉ truyền bắt các bổn đạo trong nước đem thích tự trên má. Một bên thích hai chữ tên bản tỉnh (người ở tỉnh nào thích tên tỉnh ấy). Một bên nữa, thì thích hai chữ “tả đạo”, mà có một đôi người lại thấy thích hai chữ “nguyên đạo”, nghĩa là đạo gốc, gốc đạo, còn chữ “tả đạo” nghĩa là đạo trái, trái đạo. Vì thế cho nên mấy năm trước kia, thấy ông già bà cả có khắc chữ trên má, thì có kẻ nhận theo nghĩa chữ mà hiểu lầm bậy quá, như có truyện sau đây làm chứng.
Lúc ấy ở họ Vĩnh Thạnh về địa sở Nam Bình (Qui Nhơn) có một trai xuân thời tuổi độ 16, 17 (hiện nay vẫn còn mạnh khoẻ), học chữ Nho khá lắm, đã lẻm đẻm mang trại vô trường, chớ có phải lem luốc trầy trật đâu. Thế mà bữa kia đi xem lễ Chúa Nhựt, thấy một ông già tai to mặt lớn trong đám giáo hữu có khắc hai chữ “nguyên đạo” trên má, thì cậu ta cứ lòng ngay thật mà nhận nghĩa là đạo gốc, đạo chánh, nên tấm tắc khen thầm ông già ấy hữu phúc và trái lại buồn cho cha mẹ mình bất hạn đã phải mang hai chữ “tả đạo” là đạo trái, đạo tà. Từ ấy lòng cậu phát buồn rầu đau đớn lắm! Về đến nhà, thì lén dòm lại hai chữ “tả đạo” trên má cha, mà trong ý mong rằng: hoặc may ngày trước mình coi không kỹ, có sớn sác nhận lầm chữ “nguyên” làm chữ “tả” chăng. Song coi kỹ lại rồi, thì cũng thấy là hai chữ “tả đạo” mà thôi. Thành thử cậu lại càng phiền muộn cực sĩ trong lòng hơn nữa, vì nghĩ rằng: có lẽ cha mẹ mình ngày trước đã mang tiếng xuất giáo rồi. Dầu thế mặc lòng, cậu cũng không dám dở hơi gian lạnh mà phàn nàn trách móc chi cả. Mãi đến ba bốn ngày mới dò la nói chuyện với cha rằng:
- Thưa cha! Ông Trùm X. ngó sướng quá đi cha!
- Sướng sao?
- Thưa ổng được khắc hai chữ “nguyên đạo” trên má
- Cái thằng dốt quá! Mầy ăn học chi u mê vậy?
- U mê sao? Cha ngang quá! Chớ “nguyên đạo” nghĩa là đạo gốc, thì không phải là chánh đạo sao?
- Chánh gì? Đừng già họng nói bậy tao quánh cái chết bi giờ. Để tao nói cho mà nghe. Lúc vua quan bắt bổn đạo phân sáp, cấm cố, hễ ai quá khoá, là bước qua hình Thánh giá, thì quan dạy đem ra khắc hai chữ “nguyên đạo”, cốt ý để ban khen kẻ ấy đã tuân lịnh vua mà bỏ đạo Chúa. Còn ai vững lòng chịu khốn khổ vì đạo, bất khẳng quá khoá, thì quan ghét, lại truyền khắc hai chữ “tả đạo” có ý làm cho xấu hổ, và phỉ báng đạo Chúa là đạo trái, đạo tà. Chớ vua quan cho đạo Chúa là “nguyên đạo”, thì làm sao có sự bắt bớ cực khổ dường ấy? Nghĩ mầy ăn học uổng cơm quá!
Cậu con nghe bấy lời, liền kiếm đường lủi mà trong lòng đầy sự vui mừng khoái lạc chẳng biết chừng nào!
Lại cũng đâu lối thời ấy, ký giả gặp một người con của ông già mang chữ “nguyên đạo” trên đó, nói chuyện khoe khoang rằng:
- Ông thân tôi đã phải khốn đốn vì đạo hung lắm, bị rạch má thích tự, hai chữ “nguyên đạo” còn rõ hoắc kìa! (khi ấy ông già còn tại thế)
Bấy giờ ký giả bèn hỏi rằng:
- “Nguyên đạo”nghĩa là chi?
- Ủa, không hiểu sao? “Nguyên đạo” nghĩa là đạo gốc, tức là còn giữ gốc đạo, không bỏ.
- Vậy thì mấy người mang chữ “tả đạo” thể nào?
- Mấy chú đó ăn chung gì? “Tả đạo” tức là trái đạo rồi, còn đếm xỉa gì nữa? Cái đồ xuất giáo!
Ấy độc giả nghĩ coi, họ hiểu lầm cho đến thế mà! Vậy cứ theo nghĩa chữ thì hai chữ “nguyên đạo” là tốt, hai chữ “tả đạo” là xấu. Mà cứ theo hoàn cảnh lúc đạo Chúa phải vua quan bắt bớ khủng hoảng, thì trong kẻ có đạo, ai được gọi là “nguyên đạo”, tức là theo “tả đạo”, còn ai bị mắng là “tả đạo”, tức là còn “nguyên đạo” mà chớ. Bởi vì vua quan có lòng ghét mà gọi đạo Thiên Chúa là “tả đạo”. Cũng như ngày nay vẫn còn có kẻ hoặc mù hoặc ghét dựa theo sắc lịnh xưa mà gọi đạo Thiên Chúa là “tả đạo”. Trong sách “Hán văn tân giáo khoa thơ lớp đồng ấu” do ông Lê Thước và Nguyễn Hiệt Chi soạn ra, cuối trang 12 có câu rằng: “tả đạo” nghĩa là đạo trái. Ta quen gọi đạo Gia-tô là “tả đạo”. Trong quyển lớp sơ đẳng, trang 33, lại viết rằng: “tả đạo” nghĩa là trái đạo, người ta quen gọi đạo Thiên Chúa. Nhưng mà trong lịch sử xưa nay đã có chứng tỏ tường rằng: dầu thế lực vua chúa thế gian, dầu quyền phép ma quỷ hoả ngục cũng không làm sao cho đạo Thiên Chúa hoá ra “tả đạo” là đạo trái, đạo tà được!