Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

SỨ MỆNH VĂN HOÁ CỦA SÔNG NƯỚC VÙNG KINH THÀNH XƯA Ở BÌNH ĐỊNH





Nguyễn Thanh Mừng

Tỉnh Bình Định có ba dòng sông chính: sông Côn ở phía Nam, sông Lại ở phía Bắc và sông La Tinh ở giữa. Ngoài ra, còn nhiều sông suối nhỏ, giăng mắc khắp khuôn mặt đất đai, nối thượng nguồn với biển cả, nối các vùng trung du, đồng bằng lại với nhau. Ngay ở các dòng sông chính, những chi lưu phụ lưu cũng đan cài như mạng nhện, tạo thành cái thế của muôn trùng. Có người ví Bình Định như một hình ảnh thu nhỏ của đất nước bao gồm từ các vùng hải đảo, bờ biển, đồng bằng, trung du, miền núi, vùng cao. Như các tỉnh duyên hải miền Trung, dải đất này ở vào thế núi quấn quít với biển. Những dòng sông miên man như các khúc ruột của đất, thao thiết đến quặn lòng. Sông ở đây không lớn lắm nhưng sâu và nhiều gộp đá, eo quành, như trên mặt đất thì lắm đèo nhiều dốc, gập ghềnh và hùng tráng.
           
Vùng kinh thành xưa của Bình Định, gồm kinh thành của các triều đại Chăm-pa tồn tại từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV và thành Hoàng Đế  của vương triều Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII nằm vào địa phận huyện An Nhơn ngày nay. Vùng này được bao bọc bởi các chi lưu phụ lưu của sông Côn, nối Tây Sơn thượng đạo đến hạ đạo, qua kinh thành, mở rộng đến Phù Cát và liên lạc với Thị Nại (thuộc Tuy Phước và Quy Nhơn ngày nay).

Sông núi An Nhơn liên hoàn trong thế núi hình sông của Bình Định như một khổ thơ giữa bài thơ hùng tráng và trữ tình, tạo cho khuôn mặt đất đai vẻ sôi động và trầm tĩnh, dịu dàng và cương nghị. Ở đây, dáng vẻ hội tụ và kết tinh, giao lưu và lan tỏa ở một vùng từng là kinh đô vẫn chưa phai nhạt trên đường nét của thiên nhiên, dầu bao vật đổi sao dời. “Từ khi có trời đất thì có núi sông. Của báu một nước không gì quý bằng đất đai: nhân dân và của cải đều do đấy mà sinh ra”(1) . Khi tìm hiểu về sông núi cõi bờ đất nước, tác giả Lịch triều hiến chương loại chí đã dẫn giải như vậy. Chúng ta tìm hiểu thêm về sông núi ở một vùng đất mà Phan Huy Chú đã mô tả “Núi ở xa chạy lại liên tiếp từ đầu nguồn sông cho tới bờ biển(2). Một đặc điểm của sông núi phủ Hoài Nhân xưa nói riêng và cả vùng duyên hải miền Trung nói chung.

Về mặt địa hình, An Nhơn tọa lạc giữa một vùng sông núi không hiểm trở chất ngất mà đượm vẻ ôn hòa nhu thuận, vừa hướng nội vừa hướng ngoại, những yếu tố không thể thiếu để hình thành vùng đất kinh đô. Quả vậy, việc phát triển của châu Vijaya xưa với các thành Đồ Bàn, thành Cha, thành Thị Nại có liên quan mật thiết đến thế núi hình sông của xứ sở này với tư cách trung tâm của những vương triều. Đến thế kỷ XVIII, việc hình thành thành Hoàng Đế, tổng hành dinh của nghĩa quân Tây Sơn, kinh đô của triều đình Nguyễn Nhạc, là một minh chứng đầy vẻ vang cho vượng khí sông núi An Nhơn.

Hệ thống núi đồi, gò đống, sông ngòi, mương rạch ở An Nhơn qua lịch sử là một hệ thống vừa tự nhiên vừa nhân tạo, tức có sự chỉnh lý theo hướng phục vụ những nhu cầu về các mặt của đời sống kinh đô.

Trước khi tìm hiểu về sông núi An Nhơn, chúng ta cần điểm qua một số dấu tích của thời quá vãng mà ngày xưa người ta dựa vào sông núi để xây dựng, định đoạt các công việc hệ trọng của triều đại. Dấu tích mà năm thế kỷ triều đại Cham-pa còn để lại là thành Đồ Bàn “xã Phú Đa xưa có thành gạch, gọi là thành Đồ Bàn. Thành hình vưông mỗi bề dài một dặm. Có bốn cửa. Trong có điện, tháp. Điện đã bị đổ, tháp còn 12  tòa, tục gọi là tháp Con Gái”(3). Theo Đại Nam nhất thống chí: “Thành cũ Chà Bàn ở địa phận ba thôn Nam Tân, Bắc Thuận, và Bả Canh về phía Đông Bắc huyện Tuy Viễn, xưa là quốc đô của Chiêm Thành, chu vi 30 dặm, trong thành có tháp cổ, có nghê đá, voi đá, đều của người Chiêm Thành”. Nhiều tài liệu khác, trong đó có Việt sử lược, Lịch triều hiến chương loại chí, Đồ Bàn thành ký, Hoàng Việt dư địa chí… đều có ghi chép về thành Đồ Bàn ở các mức độ khác nhau.

Thành Cha nằm ở phía Nam kinh thành Vijaya, nay thuộc địa phận thôn An Thành xã Nhơn Lộc huyện An Nhơn “Thành cũ An Thành gọi là thành Cha ở thôn An Thành phía đông huyện Tuy Viễn, do người Chiêm Thành xây dựng, nay đã đổ nát, dấu cũ hãy còn”(4)
Ngoài các thành, tháp ở An Nhơn cũng là một bộ phận quan trọng trong dấu tích kinh đô Chăm-pa xưa, trong đó có tháp Cánh Tiên ở trung tâm thành Đồ Bàn “An Nam cổ tháp ở thôn Nam An, huyện Tường Vân, trong thành Đồ Bàn, tục gọi là Tháp Cánh Tiên. Từ vai tháp trở lên, bốn phía đều giống như cánh tiên bay lên nên gọi tên  y”(5). Tháp Phú Lốc ở thôn Châu Thành xã Nhơn Thành huyện An Nhơn. Những tháp khác chỉ còn lại là phế tích như Gò Thập Tháp, phế tích tháp Lộc Thuận xã Nhơn Hạnh, phế tích Gò Tháp Mẫm xã Nhơn Thành, phế tích tháp ở thôn Khánh Lễ, Thông Hòa, An Hòa (thuộc xã Nhơn Khánh). Hai khu phế tích tháp ở thôn Tân Kiều xã Nhơn Mỹ và Chà Rây, thôn Trảng Long xã Nhơn Lộc.

Thành Hoàng Đế xuất hiện trong phong trào Tây Sơn, do Nguyễn Nhạc “sửa đắp thành Đồ Bàn, đào lấy đá ong xây  dựng thành lũy, mở rộng cung điện(6). Thành gồm thành ngoại, thành nội và Tử Cấm Thành.

Sông núi đất đai An Nhơn ôm trong lòng những di tích đặc biệt, dấu ấn vàng son của lịch sử.
Sông chính ở An Nhơn là sông Côn, một dòng sông hùng tráng và trữ tình, lưu vực của nó là nơi phát tích của nhiều anh hùng và thi nhân Bình Định. Vượt qua An Thái, sông Côn làm một cành nhiều nhánh, vươn ra những ngón tay dài bao bọc địa cuộc sơn kỳ thủy tú An Nhơn. Dòng phía Nam xưa gọi là Nam Phái xuống đến Phụng Ngọc lại rẽ đôi, một dòng chảy vào Phụng Ngọc ra đến cửa Tiền thành Bình Định rồi chảy về Đông, thường gọi là sông Cửa Tiền. Một dòng chảy thẳng xuống Tân An qua hết An Nhơn đến Tuy Phước, đổ ra Thị Nại, thường gọi là Trung Phái. Sông Cửa Tiền tiếp nhận thêm nguồn nước từ sông An Tượng phía Tây Nam đổ ra. Riêng ở đoạn dưới An Thái, có dòng chảy ra phía Bắc gọi là Bắc Phái. Đến Thị Lựa, dòng này phân hai một nhánh là Thạch Yển chạy vào đông nam rồi ra Đông Bắc, quành lên nhịp xuống dịu dàng qua núi Mò O. Một nhành là La Vỹ chảy về phía Gò Găng rồi hợp cùng dòng Thạch Yển ở Lý Nhơn. Từ hợp lưu này, hai sông chia đôi rồi lại hợp nhau ở cửa vào Thị Nại. Tương truyền, nhánh sông La Vỹ xuất hiện từ nửa cuối thế kỷ XVIII, do vua Thái Đức đào từ phía tây thành Đồ Bàn làm thế phòng địch, đồng thời lấy đất tôn cao nền thành. Mùa lụt sông lở, vua cho đắp Đỉnh Nhĩ đê, do đó sông La  Vỹ còn mang tên là sông Quai Vạc.

Theo Đại Nam nhất thống chí: “Sông Tam huyện ở địa phận ba huyện Tuy Viễn, Tuy Phước và Phù Cát nên gọi tên thế;  có ba nguồn: một nguồn từ núi Phong Sơn chảy về đông nam 66 dặm đến thôn Trinh  Tường, một nguồn từ núi Kiền Kiền ở nguồn Lộc Động, chảy về đông bắc 16 dặm đến thôn Trinh Tường thì hợp nhau, lại chảy về phía đông 35 dặm đến thôn Hòa Phong thì chia làm hai nhánh, phía nam chảy về phía đông nam 2 dặm, qua thôn Phụ Ngọc huyện Tuy Viễn  lại chia làm hai một dòng chảy về phía nam 20 dặm qua thôn Quang Châu ở phía tây nam tỉnh thành, gặp nước khe núi An Tượng(tục gọi nước Bầu Cách) chảy vào, rồi chảy ngoặt về phía đông 3 dặm qua thôn Liêm Trực huyện Tuy Phước làm sông Tân An; một dòng chảy về phía bắc 17 dặm qua thôn Biểu Chính huyện Tuy Phước. Nhánh phía bắc thì chảy về phía đông bắc 5 dặm đến thôn Tân Kiền thì chia làm hai: một dòng chảy về phía nam 11 dặm qua thôn Phương Minh làm sông Thạch Yển, lại chảy 30 dặm đến thôn Đà Tài huyện Tuy Phước, một dòng chảy 8 dặm qua thôn Thuận Chính làm sông Gò Găng, lại chảy 2 dặm đến thôn Phú Thành huyện Phù Cát, gặp nước khe núi ở thôn Tham Vinh chảy vào, rồi chảy ngoặt sang phía đông đến thôn Nhân Lý. Bốn dòng nói trên đều đổ vào đầm Biển cạn rồi chảy xuống cửa biển Thị Nại”

Sông Tam Huyện, tức sông Côn. Tên Côn Giang xuất hiện ở đời Khải Định. Trước kia người ta gọi là sông Tuy Viễn, khi chia làm 3 huyện ở triều Đồng Khánh người ta gọi là sông Tam Huyện. Về tên sông Kôn, có người cho là do người Pháp lấy tên Suối Kon ở đầu nguồn mà gọi rồi các nhà viết sách  địa dư viết theo. Theo Quách Tấn trong Nước Non Bình Định(7), chữ Côn là mượn ở Nam Hoa Kinh của Trang Tử: “Nam Hoa Kinh chép rằng: Biển Bắc loài cá tên là Côn. Bề lớn của Côn không biết mấy nghìn dặm. Côn hóa làm loài chim tên gọi là Bằng. Lưng của Bằng rộng không biết bao nhiêu dặm. Vùng vẫy bay, cánh như đám mây rũ ngang trời. Loài chim ấy khi biển động thì sắp dời sang biển Nam… Biển Nam là Ao Trời. Khi Bằng dời sang biển Nam thì nước sóng sánh ba nghìn dặm. Liệng theo gió lốc mà lên chín dặm. Đi cứ sáu tháng mới nghỉ”. Mượn tên Côn mà đặt cho sông, cổ nhân dụng ý cầu mong con cháu sinh trưởng trên dải đất đã sản xuất các vị hào kiệt Nguyễn Huệ, Bùi Thị Xuân, Mai Xuân Thưởng.v.v. mà dòng sông Côn nhuần thấm, có ngày trỗi dậy “quạt cánh bằng bay chín vạn tầng cao”. Nếu không được thế, ít ra cũng đừng làm những giống cá con hễ thấy mồi ngon là đớp”.

Tương truyền xưa kia vào thời Lê Cảnh  Hưng, khoảng nửa cuối thế kỷ XVII có một thầy địa lý Tàu thường qua lại trong vùng Tây Sơn để tìm mạch đất. Nguyễn Nhạc theo dõi, xem thấy  và hoán đổi hai cây trúc, nhổ cây phía bắc héo chuyển sang chỗ cây phía Nam tươi và ngược lại, là huyệt khí mà thầy Tàu đã thử. Thầy địa thấy hai cây trúc đều héo, không biết có bàn tay Nguyễn Nhạc, bèn bỏ đi vì tưởng không tìm ra huyệt địa. Còn Nguyễn Nhạc chỉ chờ có thế, táng mộ ông thân sinh vào đó. Lại có thuyết nói rằng ông thầy Tàu tìm ra huyệt, về đem xương cốt tiền nhân qua chôn. Bằng mưu kế Nguyễn Nhạc đánh tráo chiếc tráp cốt. Thầy địa mang chiếc tráp cốt tiền nhân Nguyễn Nhạc đem chôn mà cứ tưởng cốt tiền nhân của mình. Sau khi nhà Tây Sơn phát tích đế vương, thầy địa Tàu mới biết mình lầm và tìm cách trả thù. Cơ hội trả  thù là khi quân Mãn Thanh đại bại, vua Tàu Càn Long cho thầy địa qua nước Nam tiêu diệt vương khí. Thầy địa Tàu cùng hai con đến thẳng Quy Nhơn ra mắt  vua Thái Đức, tìm cách mê hoặc vua cho đào hai nhánh sông tả hữu trước mặt Hoành Sơn nên long mạch bị phạm. Lại bày cho vua làm phạm thêm long mạch ở phía chân núi Mò O, sông La Vỹ. Những câu chuyện dân gian trên chúng ta hay bắt gặp trong cổ tích để lý giải sự hưng vượng hay suy vong của một dòng tộc, một triều đại phong kiến. Các tình tiết và mầu sắc có thể thay đổi nhưng mô típ chung vẫn giữ nguyên là cuộc truy tìm (hoặc cản phá) đại địa. Tuy nhiên câu chuyện trên rắc vào khung trời sông nước An Nhơn những ẩn chứa và lắng đọng thi vị, từ thế long bàn hổ cứ của sông núi phía tây đến tiềm quy ẩn phụng ở phía đông, minh họa thêm những bài học cảnh giác của lịch sử.

Trong bức tranh sông nước đa sắc của trung lưu hạ bạn sông Côn, các đập nước lớn nhỏ được xây dựng phục vụ cho thủy nông. Trải qua nhiều đời, trong các thế kỷ còn lưu lại các tên đập Bảy Yển, Kiền Giang, Thuận Hạc, Bằng Châu, Đông Tháp, Tháp Mão, Thị Lựa, Bến Cát, Thạch Hòa, Tri Huyện, Kỳ Bang, Cây sung, Gò Đỗ… Nhiều bậc tiền hiền có công trong việc trị thủy, chống hạn như Trần Đình Cơ,  Nguyễn Cảnh Chiêm, Trần Đình Nghĩa, Châu Thị Ngọc Mã, Trần Thị Ngọc Lân… Ở Hòa Cư Nhơn Hưng có miếu thờ ông Trần Đình Cơ và ở Đập Đá có miếu thờ bà Châu Thị Ngọc Mã, Trần Thị Ngọc Lân.

Về núi non của tỉnh Bình Định, sách Nước non Bình Định  chép: “Cổ nhân lấy thành Đồ Bàn làm trung tâm điểm và chia làm 3 dãy:

- Dãy Bắc Sơn gồm tất cả các quần sơn từ Núi Bà trở ra Bến Đá.
- Dãy Tây Sơn là núi non trong quận Vĩnh Thạnh Bình Khê(xưa kia là 1 huyện)
- Dãy Nam Sơn là hai nhánh Phước An và Triều Sơn. Vì đứng tại thành Đồ Bàn mà trông thì những núi phía Bắc, chỗ nối bù vào chỗ đứt, nôi thấp núp dưới bóng nơi cao, nên thấy núi liền giây, chập chùng đằng đằng. Còn hai dãy Tây Nam thì bản thân vốn đã liền lại thành hai bức trường thành có nhiều lớp lồng vào nhau. Ba dãy núi ảnh hưởng với nhau, hỗ trợ lẫn nhau, về mặt khí thế hòa hợp với nhau bổ khuyết cho nhau về mặt màu sắc đường nét. Dãy này ủng hộ dãy kia, dãy kia củng cố dãy nọ, tương y tương ỷ, tạo Bình Định thành một nôi thiên hiểm về mặt quân sự, thành một bức tranh tú vĩ hùng kỳ của đất nước Việt Nam muôn thuở”.

Núi ở An Nhơn tiêu biểu như núi Kỳ Đồng, phía Tây chân núi có Bàu Sấu tục danh là Ngạc Đàm, di tích thuộc các thôn Tây Đức, Đại An và Thiết Tràng, xã Nhơn Hậu. Núi Kỳ Đồng cao chừng gần trăm thước, được coi là tứ linh trong vùng, cùng với Bàu Sấu tạo nên hình tượng “Thanh Long ẩm thủy”.

Một ngọn độc sơn đã đi vào ca dao truyền thuyết địa phương là Núi Mò O. Núi Mò O ở phía đông bắc An Nhơn. Trước khi đến Mò O, có nhiều hòn núi thấp ở phía tây như hòn Đại An, hòn Tân Nghị, gò Thành Cũ, gò Vân Sơn, núi Long Cốt. Có người ví núi Trà Sơn ở phía Tây họp với các hòn Đại An, Tân Nghi, Kỳ Đồng thành bộ tứ linh Long, Lân, Quy, Phụng. Lại có người cho rằng các dãy gò núi ở An Nhơn nối miên man theo hơi thở Trường Sơn như một chuỗi ngọc bích. Đó là những hòn núi đầy mầu sắc bể dâu, ôm gọn trong lòng những dấu tích bi tráng của lịch sử, ẩn tàng khí thiêng của sơn mạch.
An Nhơn nằm ở thế trung tâm, như một sự đón nhận giữa nguồn và bể, giữa cao vời và thẳm sâu, giữa vững bền và dâu bể, giữa sôi động và an nhiên, giữa biến dịch và tĩnh tại… Những sản vật núi rừng và sông suối vẫn gần gũi với một vùng  “Kinh kỳ thượng uyển” nên không phải lâm vào cảnh “ Cam ngon quít ngọt đã từng – Còn quả khế rụng trên rừng chưa ăn”. Nếu hình dung tỉnh Bình Định xưa (Phủ Hoài Nhân) qua lời tả của Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí: “ Núi sông có nhiều thắng cảnh” thì sông núi An Nhơn chính là những chứng nhân đầy thuyết phục cho nhận định đó. Nếu như Nguyễn Hoàng từng dặn con: “ Đất Thuận Quảng phía bắc có đèo Ngang và sông Gianh hiểm trở, phía nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia vững bền. Núi sẵn vàng,  sắt, biển có cá, muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng”(8) thì thật là cái nhìn chiến lược về hình sông thế núi của Đàng Trong. Nếu xây dựng mô hình mô hình địa – văn hoá như GS Trần Quốc Vượng về sự tương ứng giữa tính chất của địa hình và chức năng các di tích thì công thức: Núi – Châu thổ – Ven biển – Hải đảo  là địa hình An Nhơn và các vùng phụ cận nam Bình Định, tương ứng với Thánh địa – Kinh thành – Cảng thị, trong đó hai yếu tố đầu là của An Nhơn và yếu tố cuối thuộc về Thị Nại, Tuy Phước. Đó chính là sự thể hiện cái nhìn hướng biển trong lịch sử tồn tại  quan điểm kinh đô của người Chăm. Chính vì vậy, theo Tân Đường thư, Địa Lý chí, ở thế kỷ VII –X, các thuyền buôn đường biển quốc tế từ Trung Hoa, Ả Rập, Ba Tư, Srivijaya đều có ghé đến xứ Bình Định, lúc ấy họ ghi là Lăng Sơn Môn Độc(9). Và thời Tây Sơn, Nguyễn Nhạc đã tiếp các doanh nhân phương Tây tại thành Hoàng Đế với yêu cầu giao thương, mở cửa.

Sứ mệnh lịch sử của sông nước vùng kinh thành Bình Định xưa gắn liền với quan niệm “phong thủy” trong văn hóa cổ đại, nghĩa là cùng với núi non, đảm nhiệm vượng khí trong kiến trúc vương triều, thể hiện các chức năng của đời sống tâm linh lẫn đời sống xã hội. Riêng đối với cuộc khởi nghĩa nông dân  Tây Sơn, ý nghĩa gắn bó của nó lại càng đậm đặc. Bến Trường Trầu là nơi quê nhà, xuất phát điểm của ba anh em Tây Sơn. Thuở hàn vi, Nguyễn Nhạc buôn trầu, giao lưu lên nguồn xuống bể, từ các vùng dân tộc thiểu số đến các hạt trong phủ Quy Nhơn bằng thuyền. Nơi học tập văn võ của họ là mái trường thầy giáo Hiến ở An Thái (người sau này làm quân sư cho phong trào), một bến nước cách bến Trường Trầu không xa, về phía hạ bạn. Con đường từ thượng đạo đến hạ đạo, từ bến Trường Trầu đến An Thái, từ An Thái đến kinh thành Hoàng Đế, hoàn toàn có thể thông thương bằng thuyền. Lịch sử đã chứng minh, bên cạnh đội quân bộ, đội quân thủy của họ hết sức hùng mạnh, có thể làm nên những chiến tích vang dội khi giao tranh với quân Nguyễn Anh trên đầm Thị Nại và giao tranh với quân Xiêm ở Rạch Gầm – Xoài Mút. Người địa phương có câu ca: “Cây me cũ, bến Trầu xưa – Dẫu không nên tình nghĩa cũng đón đưa cho trọn niềm”. Bên cạnh cây me vườn cũ, bến nước Trường Trầu đã làm biểu tượng lay động trong lòng dân nhớ tiếc triều đại Tây Sơn.

Hệ thống sông nước vùng kinh thành xưa ở Bình Định, ngoài chức năng là huyết mạch chốn đế đô, còn là nơi xuất phát cả nhiều thành tựu văn hóa cổ truyền. Bên lưu vực của nó, có nhiều lễ hội gắn bó với sông nước: Lễ hội đổ giàn ở An Thái (các môn phái võ tranh được vật hiến tế, lội qua sông, trình diễn các ngón võ tỉ thí dưới nước), lễ hội Vía Bà ở Nhơn Hạnh (tương truyền Bà hóa tại bến sông có vực nước xoáy)… Các món ẩm thực độc đáo ở nơi này đều gắn với sông nước kinh kỳ: Bún Song Thằng, Rượu Bàu Đá… Các sản vật trên xuất phát từ An Thái và Cù Lâm, cạnh vùng phế tích Thành Cha, cách thành Hoàng Đế không xa. Sự độc đáo của cả bún và rượu đều gắn kết với nguồn nước sở tại.

An Nhơn có núi Mò O – Có chùa Thập Tháp, có đò Trường Thi” là câu ca dao đầy tự hào của người địa phương, gắn kết ý nghĩa “sông núi- tâm linh- đạo học”. Vai trò của sông nước, bất cứ thời điểm nào cũng không thể thiếu vắng trong đời sống vật chất và tinh thần của xứ sở này.

Bên cạnh sông, núi ở An Nhơn tạo cho địa cuộc cái thế chở che, ôm ấp, quấn quýt mở lòng ngân mãi dư ba. Cái thế núi hình sông điệp trùng đã bao đời tạo nên khí chất của một vùng đất thiêng, nơi  tiềm ẩn nội tâm phong phú và hội tụ bốn phương đa dạng. Ở đó, người An Nhơn bao đời đã tạo dựng cơ ngơi văn hóa bền vững cùng đất trời sông núi An Nhơn, trong đất trời sông núi Bình Định, Việt Nam.. Bài ca xứ sở này chứa đựng những giai điệu vừa tưng bừng vừa lắng đọng, vừa trần thế vừa thần tiên…

Trong tiếng gió mưa tràn qua dòng thời gian hưng vong bĩ  thái, dường như không chỉ có những âm vang của chốn phàm trần…
                                                                                               
(1), (2) Phan Huy Chú.Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1992.
(3) Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư
(4), (5) Quốc sử quán triều Nguyễn - Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hóa, Huế 1997.
(6) Lê Quý dật sử
(7) Quách Tấn - Nước non Bình Định, Nxb Thanh Niên, 2001..
(8) Đại Nam thực lục tiền biên, Nxb Sử học, Hà Nội 1962.
(9) Trần Quốc Vượng - Văn hoá Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn hoá dân tộc & Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật, Hà Nội 2000.
(*) Bài viết này là tham luận đọc tại Hội thảo khoa học Sông nước miền Trung do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phối hợp với tỉnh Phú Yên tổ chức ngày 8/6/2006