Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

BÀN VỀ TRÁCH NHIỆM




Matsushita



Tôi nghĩ, sự phong phú trong tình cảm của con người thể hiện ở sự cảm nhận về trách nhiệm của họ. Người có tinh thần trách nhiệm cao nhất định sẽ được xung quanh tin cậy.

Sự vĩ đại của Chúa Giê-su

Tôi nghĩ, từ cổ chí kim, từ đông sang tây không có ai không tự ý thức được trách nhiệm của mình và không làm tròn trách nhiệm ấy mà lại có thể tìm được hạnh phúc riêng hay làm cho xã hội phát triển. Tôi không hiểu lắm về tôn giáo nhưng nghe nói chúa Ghê-su đã vì loài người mà bị đóng đinh trên cây thánh giá. Những điều chúng ta không nghĩ đó là trách nhiệm thuộc về mình thì chúa Giê-su lại cho rằng mình phải gánh lấy tất cả trên vai. Con người đánh mất đi sự quý giá của mình, chìm đắm trong dục vọng, tranh cướp đồ đạc, đánh cãi nhau, hoặc như ở đây đó có chiến tranh, thế giới như chiến trường Tu La... Nhìn thấy cảnh ấy, có lẽ Chúa Giê-su đã nghĩ, thật là thảm cảnh và tự thấy mình phải làm gì đó để cứu rỗi con người.

Nếu là một ông vua hay vị thủ tướng, đương nhiên họ sẽ nghĩ việc toàn thể người dân không được sống an lành chính là trách nhiệm của mình. Nhưng Chúa Giê-su không phải là vua của một nước, vậy mà lại nhận tất cả trách nhiệm về mình. Hơn nữa, Chúa Giê-su ý thức rằng cần phải làm cho những người xung quanh tốt hơn lên và đã lao tâm khổ tứ đến vậy. Nhưng cuối cùng, Chúa Giê-su cũng không vượt qua được và chia lìa khỏi thế giới. Dù vậy, Chúa Giê-su cũng không hề phẫn nộ, từ đầu đến cuối vẫn bình thản như không có điều gì xảy ra. Tôi nghĩ, đó chính là điều vĩ đại ở Chúa Giê-su.

Chúng ta không thể làm được như Chúa Giê-su. Nhưng chí ít cũng nên tự ý thức rõ ràng về trách nhiệm đối với công việc mình làm.

Một nhân cách đáng kính

Mấy năm về trước, trong số ít nhiều đối tác của tôi có một người khá thành công. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, ông vấp phải cuộc khủng hoảng, sự nghiệp kinh doanh thất bại và phải vay nợ ngân hàng rất nhiều. Để trả nợ đó, ông phải xử lý tài sản của mình và đã làm theo một cách là: Đem hết tài sản ra để đập vào khoản nợ ngân hàng. Cả nhẫn của bà vợ, đại khái là tất cả những thứ có giá trị ông đều đem ra hết.

Thời đó, khi công việc làm ăn không trôi chảy và phải giải thể, thì người ta thường đem giấu ít nhiều tài sản đi. Đó là xu hướng chung. Nếu họ có 100 nghìn yên thì chỉ cần trả đến 90 nghìn yên, phần còn lại ngân hàng sẽ xuê xoa cho qua. Nhưng ông bạn đó không hề nói gì mà đưa hết tài sản của mình ra làm người nhân viên ngân hàng cũng phải ngạc nhiên và bảo: "Khoản tiền chúng tôi cho ông vay tất nhiên là sẽ phải thu lại, nhưng ông không phải làm đến thế đâu! Đồ tư trang của bà nhà thì xin ông cứ giữ lấy!". Ngược lại, chính nhân viên ngân hàng thấy ngại và bảo ông mang một phần về.

Sau đó, ông phục hồi lại sản nghiệp rất ngoạn mục và trở nên thành đạt. Lúc ấy, ông mới kể về những khổ cực trước kia và tôi đã vô cùng cảm động. Giả sử tôi cũng rơi vào hoàn cảnh như vậy thì liệu có thể quyết đoán mà đối ứng với tình hình như ông được hay không? Tôi rất lấy làm bái phục và tự mình cũng muốn trở thành người như ông. Nếu có tinh thần trách nhiệm mạnh mẽ đến như vậy thì công việc sẽ trôi chảy, mà cuộc sống cũng trở nên ấm no.

Mỗi người có trách nhiệm riêng

Cho đến nay tôi vẫn luôn quan niệm rằng, tình hình kinh doanh của công ty tốt hay xấu là thuộc về trách nhiệm của giám đốc, tình hình của một bộ phận ra sao là trách nhiệm của trưởng bộ phận, tình hình của một phòng thế nào là trách nhiệm của trưởng phòng. Chẳng hạn, khi thành tích của một phòng không tiến bộ lên, thì cũng có khi người có trách nhiệm của phòng ấy sẽ bảo: "Tại nhân viên của phòng tôi không ra sao cả". Thấy vậy tôi sẽ nói: "Cậu nói gì mà khó nghe vậy? Thành tích của phòng ra sao là thuộc trách nhiệm của cậu đấy chứ! Giả sử trong số cấp dưới của cậu có ai làm việc không tốt, làm cho thành tích của cả phòng không khá lên được, thì cậu có thể nói với công ty rằng người nhân viên đó không hợp với công việc, công ty nên sử dụng họ vào việc khác. Cậu không nói gì mà cứ thế sử dụng họ nghĩa là trách nhiệm đó thuộc về cậu đấy ! Bởi vậy, tôi sẽ không nghe lời thanh minh của cậu rằng cấp dưới làm việc không tốt hay vì bất cứ một nguyên nhân nào khác!".

Điều này cũng áp dụng cho tất cả những nhân viên khác của công ty. Trong phạm vi công việc được giao, người đó sẽ là người có trách nhiệm cao nhất. Tức là có thể nói,họ là người quản lý công việc của chính mình. Không, không phải chỉ nhân viên công ty, mà cả những người làm việc một mình, những người chuyên nội trợ hay học sinh cũng đều phải có trách nhiệm tối cao trong công việc của mình.

Mỗi người ở một vị trí khác nhau mà đều nhận thức mạnh mẽ về trách nhiệm của mình, có tinh thần độc lập tự chủ thực sự và hợp tác hành động cùng với những người khác, thì không những sẽ có được ý nghĩa cuộc sống của chính người đó, mà còn làm cho xã hội này thêm giàu đẹp.