Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011

“QUYỀN LÀM CON THIÊN CHÚA” TRONG VERBUM DOMINI VÀ LỜI TỰA CỦA TIN MỪNG THÁNH GIOAN


Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính


Dẫn nhập
Bất cứ ai từng đọc các tài liệu của Đức Bênêđictô XVI đều biết rằng ngài luôn nhấn mạnh về “sự gặp gỡ với Đức Kitô”. Ngài nhắc đi nhắc lại rằng sự gặp gỡ với Đức Kitô là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo – mọi sự đều xoay quanh điều ấy, “Kitô hữu không phải là một sự lựa chọn luân lý hay một ý tưởng lớn, mà là sự gặp gỡ với một biến cố, một con người, đem lại chân trời mới và một hướng đi quyết định” (CIV 1, VD 11). “Cả lịch sử cứu độ đã dần dần minh chứng cho mối quan hệ sâu xa giữa lời của Thiên Chúa và đức tin xuất phát từ cuộc gặp gỡ với Đức Kitô. Như vậy, đức tin hình thành như là cuộc gặp gỡ với người mà chúng ta tín thác trọn đời sống của chúng ta” (số 25). “Sự gặp gỡ” với Ngôi Lời hoá thân này đã biến đổi tư cách của con người từ một tội nhân trở thành con Thiên Chúa nhờ được tái sinh. “Anh em đã được tái sinh, không phải do hạt giống mục nát, mà do hạt giống bất diệt, nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại mãi mãi” (1 Pr 1, 23). Nếu ai đón nhận Ngôi Lời hoá thân này thì được « trở thành » con Thiên Chúa. Đây là ý tưởng chính trong Lời Tựa của Tin Mừng Thánh Gioan mà dựa vào đó Tông Huấn Verbum Domini đã khai triển thêm rằng Giáo Hội cũng chính là « người con » ấy bởi vì « Dung mạo của Giáo Hội như một thực thể được xác định bởi biết đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa » (số 50). 
Tổng quát về “Verbum Domini”
Verbum Domini được chia làm ba phần theo cấu trúc của chủ đề Thượng Hội Đồng: Lời Chúa trong Đời sống và Sứ Mệnh của Giáo Hội. Vì thế, phần thứ nhất mang tựa đề  Lời Chúa (Verbum Dei), phần thứ hai là Lời Chúa trong Giáo Hội (Verbum in Ecclesia) và phần thứ ba là Lời Chúa trong thế giới (Verbum pro mundo). Hiển nhiên, tài liệu bắt đầu với phần dẫn nhập cung cấp những chỉ dẫn hữu ích bao gồm mục đích của tông huấn, và phần kết luận tóm tắt những ý tưởng chính.
Một vài con số để dễ dàng nhận thấy tầm cỡ của Tông huấn Verbum Domini. Tông huấn hậu Thượng hội đồng Sacramentum Caritatis (22 tháng Hai 2007) là một tài liệu dài đáng kể với gần 32.000 từ và 256 ghi chú. Verbum Domini còn dài hơn nữa với 41.000 từ và 382 ghi chú. Thông điệp của Đức Gioan Phaolô Ecclesia de Eucharistia (17 tháng Tư 2003) có khoảng 18,000 từ và 104 ghi chú. Dei Verbum, hiến chế tín lý của công đồng Vatican II ít hơn 6,000 từ và chỉ có 41 ghi chú.  Thông điệp của Đức Piô XII về giải thích Kinh Thánh Divino Afflante Spiritu (September 30, 1943), ít hơn 11.000 từ với 48 ghi chú. Tài liệu này kỷ niệm Thông điệp Providentissimus Deus (“về nghiên cứu Kinh Thánh”) của Đức Lêô XIII, ban hành năm 1893, mở đầu một kỷ nguyên mới cho nền học thuật cũng như chú giải Kinh Thánh trong giới Công giáo. Lưu ý là Đức Lêô XIII cũng là người sáng lập Uỷ Ban Giáo Hoàng về Kinh Thánh vào ngày 30 tháng Mười 1902.
Tông huấn Verbum Domini này có ít nhất có 3 ưu điểm :
  • Đây là bản tổng hợp nội dung của Thượng Hội Đồng năm 2008 được tổ chức tại Roma, quy tụ các giám mục trên toàn thế giới, chính vì thế mà có thể xem đây là quan điểm chính thức của Giáo Hội : Giáo Hội xem xét Lời Chúa mà mình có trách nhiệm phải loan báo như thế nào, hiểu và sống Lời Chúa như thế nào. 
  • Được soạn thảo do một Đức Giáo Hoàng không ngừng đào sâu các vấn đề này trong suốt đời sống mình với tư cách là một nhà thần học sáng giá. 
  • Ngoài những đoạn rất xúc tích về thần học hoặc chú giải, tài liệu này còn đưa ra những đề nghị cụ thể về đường lối mục vụ của Giáo Hội khi loan báo Lời Chúa cho thế hệ tương lai.
            Tiêu đề “Verbum Domini”
Tiêu đề Verbum Domini được gợi hứng từ lời của ngôn sứ Isaia và được nhắc lại trong thư thứ nhất của Thánh Phêrô: “Verbum autem Dei nostri manet in aeternum” (Lời Chúa sẽ đứng vững thiên thu - Is 40, 8). Chương 40 của sách ngôn sứ Isaia mở đầu cho phần được gọi là “Sách an ủi” của Isaia đệ nhị hay thứ Isaia, trong đó ngôn sứ Isaia loan báo sự giải thoát của dân Chúa chọn. Tình trạng nô lệ đã chấm dứt và dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa, một cuộc xuất hành mới được khởi động. Dưới sự vô thường của thiên nhiên: “cỏ héo, hoa tàn” (Is 40, 8), và cả con người “Người phàm nào cũng đều là cỏ, mọi vẻ đẹp của nó như hoa đồng nội” (Is 40, 6), thì mãnh lực trường tồn duy nhất là “lời của Chúa” sẽ đứng vững thiên thu.
Thư thứ nhất của Thánh Phêrô đã trích dẫn lời ngôn sứ Isaia để khuyên nhủ các tín hữu hãy để mình được tái sinh “không phải do hạt giống mục nát mà do hạt giống bất diệt, nhờ lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại mãi mãi” vì “mọi phàm nhân đều như cỏ và tất cả vinh quang của họ cũng đều như hoa cỏ. Cỏ thì khô, hoa thì rụng, nhưng “lời Chúa vẫn tồn tại thiên thu” (1 Pr 1, 24-25). Thánh Phêrô còn kết luận phần thư này bằng câu: “Đó chính là lời đã được loan báo cho anh em như một Tin Mừng” (1 Pr 1, 25).
Vì thế, ta có thể thấy ngay ở tiêu đề của tông huấn hậu thượng hội đồng Verbum Domini đã hàm chứa sự tương đồng và liên tục tính giữa Cựu và Tân Ước, và Tân Ước chính là sự hoàn thành và vượt qua Cựu Ước trong con người của Đức Giêsu Kitô đã được 27 sách Tân Ước chứng minh. Thật vậy, Tin Mừng mà Thánh Phêrô nói đến chính là là Tin Mừng của “Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1, 1). Đó chính là Tin Mừng về Mầu Nhiệm Phục Sinh của Đức Giêsu. “Nhờ Đức Giêsu đã từ cõi chết sống lại” (1 Pr 1, 3), Thiên Chúa là Cha của Ngài đã tái sinh chúng ta trong lòng thương xót vô biên, mang lại niềm hy vọng “được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẫn đục và tàn phai” (1 Pr 1, 4). Đây là nội dung của Tin Mừng mà Thánh Phêrô và các môn đệ đã loan báo cũng như tông huấn đã làm nổi bật lên cách rõ ràng.
Như vậy, tiêu đề của tông huấn lấy từ thư thứ nhất của Thánh Phêrô qua bản dịch Latinh (Vulgate) của Thánh Giêrônimô. Chính vì thế mà không phải tình cờ Verbum Domini ký ngày 30 tháng Chín 2010, ngày lễ phụng vụ kính nhớ Thánh Giêrônimô. Và cũng không phải là thừa khi nhắc lại rằng một tài liệu quan trọng khác cũng được ký vào ngày này 67 năm về trước: Thông điệp Divino Afflante Spiritu của Đức Giáo Hoàng Piô XII ký ngày 30 tháng Chín 1943. Thánh Giêrônimô cũng được đề cập đến trong hiến chế tín lý Dei Verbum, một trong 4 hiến chế tín lý quan trọng của Vatican II. Đặc biệt là câu trích dẫn quen thuộc: “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô” (Dei Verbum, số 25), được nhắc lại trong Verbum Domini (số 30).
Lại nữa, tiêu đề Verbum Domini có một chỗ đứng quan trọng trong Phụng vụ. Thật vậy, « Verbum Domini » theo truyền thống là lời công bố trong phụng vụ khi kết thúc bài Tin Mừng trong Thánh Lễ, và như thế đã đặt toàn thể tài liệu này như một lời công bố đồng thời cũng là lời tạ ơn, dân Chúa tạ ơn vì đã được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa. Verbum Domini, “Đó là Lời Chúa”, là nhìn nhận Ngôi Lời nhập thể hiện diện trong Lời được công bố. Như thế, tiêu đề cũng nói lên vị thế ưu tiên của Lời Chúa trong phụng vụ. Chính vì thế mà tông huấn đã dành 19 số, từ số 52-72, để nói về “phụng vụ như là môi trường đặc trưng của Lời Thiên Chúa”, nơi chính Đức Kitô công bố Lời, nơi Lời mặc lấy trọn vẹn khía cạnh “thể hiện” (performatif) của mình (làm điều mình nói) mà cao điểm là cử hành Thánh Thể: “Nếu (trong Lời Tựa) Logos của Thiên Chúa trở nên xác thể, thì ở đây xác thể trở thành “bánh” cho thế gian được sống” (số 54). Rồi lần lượt tông huấn dạo qua các hình thức khác nhau của việc công bố Lời Chúa: Sách bài đọc (số 57), Thừa tác vụ đọc sách (58), Bài giảng lễ (59-60), Bí tích hoà giải và xức dầu bệnh nhân (61), Phụng vụ các giờ kinh (62), Sách các phép (63), những gợi ý cử hành Lời Chúa (65), Lời Chúa và sự thinh lặng (66), cách công bố long trọng Lời Chúa (67), thiết kế nhà thờ sao cho phù hợp cho việc công bố Lời Chúa (68).
Mối liên hệ giữa “Dei Verbum” và “Verbum Domini”
Tài liệu quan trọng về Kinh Thánh gần đây nhất là hiến chế tín lý về mạc khải của Công Đồng Vatican II Dei Verbum, ban hành ngày 18 tháng Mười 1965. Điều đáng lưu ý là một linh mục trẻ và là chuyên viên thần học, Cha Joseph Ratzinger, đã tham gia soạn thảo văn kiện quan trọng này của Công Đồng. Chính vì mối liên hệ họ hàng anh em con cùng một cha này mà hiến chế Dei Verbum được đề cập cách trang trọng trong Verbum Domini: “Từ triều đại Đức giáo hoàng Lêô XIII, Giáo Hội đã có nhiều động tác can thiệp hơn nhằm gây ý thức mạnh mẽ hơn về tầm quan trọng của Lời Chúa và việc nghiên cứu Kinh Thánh trong đời sống của Giáo Hội, mà cao điểm là Công Đồng Vatican II, đặc biệt là việc ban hành Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum. Hiến chế này đánh dấu một cột mốc trên hành trình của Giáo Hội … Mọi người đều biết sự thúc đẩy mạnh mẽ mà Hiến chế tín lý Dei Verbum đã đem lại cho việc tái khám phá Lời Chúa trong đời sống của Giáo Hội, việc suy tư thần học về Mạc Khải của Thiên Chúa và việc nghiên cứu Kinh Thánh” (số 3).
Hơn nữa, sự tương đồng từ ngữ giữa hai tiêu đề Dei Verbum - Verbum Domini cũng đã nói lên mối liên hệ thắm thiết này. Tông huấn Verbum Domini nhìn nhận sự thúc đẩy của Dei Verbum trên việc tái khám phá Lời Chúa trong đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội. Đồng thời dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần là Đấng vẫn liên tục hướng dẫn sự phát triển của Giáo Hội, Hậu thượng hội đồng về Lời Chúa mong muốn: “đào sâu hơn nữa chủ đề Lời Chúa, để vừa thẩm định việc thực hiện các chỉ dẫn Công đồng, vừa đương đầu với những thách đố mới trong thời đại hiện nay đang đặt ra cho các tín hữu Kitô giáo” (Verbum Domini, số 3). Ý hướng này được thể hiện cách rõ ràng khi Verbum Domini được mở đầu với câu kết trích Kinh Thánh của hiến chế Dei Verbum: “Nếu như đời sống Giáo Hội được tăng trưởng nhờ năng nhận lãnh bí tích Thánh Thể, cũng thế, cũng có thể hy vọng đời sống thiêng liêng được đổi mới nhờ thêm lòng sùng kính Lời Chúa, là lời hằng sống “tồn tại muôn đời” (cf. Is 40, 8; 1 Pr 1, 23-25)" (Dei Verbum, số 26 và Verbum Domini, số 1). Như thế đã rõ ràng chương trình hành động của tông huấn hậu thượng hội đồng: Dei Verbum hay Verbum Domini là hai từ đồng nghĩa, chỉ có trật tự từ ngữ bị đảo lộn. Điều đó chứng tỏ rằng tông huấn Verbum Domini là một tài liệu tiếp nối (prolongement), nối dài chứ không phải chỉ là nhắc lại hay hiện tại hoá (actualisation) những gì đã được nói trong Hiến chế Dei Verbum.
Logos trong “Lời Tựa” của Thánh Gioan
Xem Đức Giêsu như là Logos  là đi theo dòng chảy của Kinh Thánh: Thiên Chúa đã sáng tạo bằng Lời của Ngài  (St 1 ; Er 40, 26 ; Tv 33, 6…) hoặc bằng sự Khôn Ngoan (Kn 7, 22) mà Ngài đã cho có trước mọi sự và sống bên cạnh Ngài  (Pr 8, 23-26 ; Kn 7, 22-30). Sự Khôn Ngoan này, nghĩa là Thiên Chúa xét như là Đấng Khôn Ngoan, đã đến cư ngụ giữa loài người (Hc 24, 1-22). Từ thế kỷ thứ 6 BC, triết gia Hy Lạp Héraclite là người đầu tiên dùng từ Logos (Λογοσ) theo nghĩa siêu hình học. Ông hiểu Logos như là Lý Trí phổ quát (Raison universelle) nội tại trong vạn vật. Sau thế kỷ thứ 4 BC, phái khắc kỷ phát triển Logos như là nguyên lý điều hành vũ trụ. Vào thế kỷ thứ 1, triết gia Hy Lạp – Do Thái Philo Judaeus đã cố gắng tổng hợp truyền thống Do Thái và chủ thuyết Platon. Ông là người đầu tiên dùng từ Logos để chỉ nguyên lý trung gian giữa Thiên Chúa và thế giới. Theo ông, Logos có thể hiểu như Lời của Thiên Chúa hoặc Sự Khôn Ngoan Thiên Chúa nội tại trong thế giới. Cuối cùng, thánh Gioan đã đồng hoá Đức Giêsu Kitô với Logos.
Vậy thì thế giới Hy Lạp có phải là nguồn gốc cho thần học Logos của Lời Tựa? Ta cần phải phân biệt như thế này: trước hết, ý tưởng logos phát xuất từ thế giới tư tưởng Hy Lạp. Thứ đến, các yếu tố cơ bản về “Lời” phát xuất từ bối cảnh Do Thái. Và khi ý tưởng này được chuyển dịch sang tiếng Hy Lạp, Logos được chọn vì từ này có nhiều điểm tương đồng.[1]
Tân Ước thường dùng từ Logos, nhưng chỉ có ba bản văn (Kh 19, 13; 1 Ga 1, 1; Ga 1) là áp dụng cho Đức Kitô, nghĩa là đồng hoá Logos với Đức Kitô. Trong Kh 19, 13, người kỵ sĩ cưỡi con ngựa trắng chính là Đức Kitô được gọi là “Lời của Thiên Chúa”. J. Dupont giải thích từ này nhắc lại lời huỷ diệt trong Cựu Ước (St 18, 14-16; Xh 12, 23; 1 Ks 21, 16; Tv 2, 9; Is 11, 4). Như thế, Logos ở đây muốn nói đến nhiệm vụ cánh chung của Đức Kitô chứ không phải là đấng Mạc Khải. Trong 1 Ga 1, 1, Đức Kitô được gọi là “Lời sự sống”. Trong văn mạch của 1 Ga, Đức Kitô còn được gọi là “sự sống” nữa (1 Ga 1, 2; 5, 20). Trong Lời Tựa Ga 1, từ Logos được dùng 4 lần (Ga 1, 1.14) và được trình bày như Đấng đã có trước (Ga 1), như tư tưởng sáng tạo của Thiên Chúa (Tv 119, 89) hoặc lời sáng tạo nên sự sống (Tv 33, 6), đồng thời là Đấng nhập thể (Ga 1, 14) như thế là Đấng Mạc Khải của Thiên Chúa (Ga 1, 18). Không úp mở, Lời Tựa nói rõ ràng Logos là Thiên Chúa (Ga 1, 1.18)[2]. Trong Lời Tựa, “Lời” được dùng một mình mà không có túc từ nào đi kèm cả, để chỉ một hữu thể được nhân cách hoá. Lối dùng nhân cách hoá này của “Lời” như là một tước hiệu cho Chúa Giêsu thì chúng ta chỉ thấy trong Lời Tựa của thánh Tin Mừng Thánh Gioan[3].
“Lời Tựa” của Thánh Gioan trong “Verbum Domini”
Dựa trên Lời Tựa của Tin Mừng Thánh Gioan, Đức Bênêđictô XVI luôn quy chiếu về Lời Tựa của Thánh Gioan. Ngài thường xuyên trích dẫn Ga 1, 1-14 trong hai phần đầu và Ga 1, 18 trong phần thứ ba. Tất cả ba phần của tông huấn đều lấy Lời làm gốc, mỗi phần đều dùng một câu trong Lời Tựa làm kim chỉ nam: Lời của Chúa (Ga 1, 1.14), Lời trong Giáo Hội (Ga 1, 12) và Lời cho thế giới (Ga 1, 18). Một cách rõ ràng, khi viết Verbum Domini, Đức Bênêđictô đã dùng Lời Tựa như một nền tảng như chính ngài đã khẳng định: “Để Kinh Thánh không đơn thuần là một Lời của quá khứ, nhưng còn là một Lời sống động trong hiện tại. Nhằm mục đích đó, tôi muốn trình bày và khai triển những thành quả của Thượng Hội Đồng bằng cách quy chiếu thường xuyên về Lời tựa của Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 1, 1-18), trong đó nền tảng đời sống của chúng ta được thông ban cho chúng ta: Ngôi Lời, từ khởi đầu vẫn hướng về Thiên Chúa, đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (x. Ga 1,14). Đây là bản văn tuyệt vời trình bày cho chúng ta một tổng hợp về toàn bộ đức tin Kitô giáo. Từ cảm nghiệm bản thân được gặp Đức Kitô và đi theo Người, thánh Gioan mà Truyền Thống đồng hóa với “người môn đệ được Đức Giêsu yêu mến” (Ga 13, 23; 20, 2; 21, 7.20), đã xác tín sâu xa rằng: Đức Giêsu là Đức Khôn Ngoan nhập thể của Thiên Chúa, Người là Ngôi Lời vĩnh cửu đã trở nên người phàm phải chết” (số 5). Chính vì thế mà trong Verbum Domini, ngài trích dẫn Lời Tựa đến 34 lần và câu được trích dẫn nhiều nhất là Ga 1, 14 “Ngôi Lời đã thành xác thể”: 13 lần được phân bổ khắp trong ba phần và tập trung nhiều nhất ở phần một[4]. Nếu xét tần suất sử dụng thì xem ra câu Ga 1, 14 là ý tưởng chính trong Verbum Domini.
Tuy nhiên, là một nhà thần học kinh thánh, Đức Bênêđictô XVI hẳn nhiên biết rõ cấu trúc của Lời Tựa trong Tin Mừng Thánh Gioan. Cha Antoine Lion[5], Dòng Đa Minh, đã trình bày cấu trúc của Lời Tựa được xây dựng theo một thể “song đối” (chiasme) rất chặt chẽ. Đây là phương pháp tu từ, dùng cách đối xứng để làm nổi bật lên một ý tưởng chính nằm ở giữa cấu trúc:


Như vậy, ý tưởng chính của Lời Tựa không phải là “Ngôi Lời đã hoá thành xác phàm” (câu 14) mà là “Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ được sinh ra không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa” (câu 12-13). Đây chính là trái tim của Lời Tựa, và phải hiểu câu này trong tương quan với các câu E và E’. Chính vì để cho loài người được làm con Thiên Chúa mà Ngôi Lời đã đến thế gian (E) và đã hoá thành xác phàm (E’). Lời Tựa bắt đầu với Ngôi Lời ở nơi Thiên Chúa Cha từ đời đời (Ga 1, 12) để rồi kết thúc với Ngôi Lời là Con Một Thiên Chúa (Ga 1, 18). Đã là Con Một Thiên Chúa rồi thì còn có ai được làm con Thiên Chúa nữa?  Câu trả lời được tìm thấy trong câu chính: nhiệm vụ duy nhất của Con Một Thiên Chúa khi xuống thế làm người là để cho con người được trở thành con Thiên Chúa nhờ đức tin (Ga 1, 1213).
Được dùng để dẫn nhập cho Tin Mừng Gioan, Lời Tựa là bài thánh ca tóm tắt quan điểm của Gioan về Đức Kitô. Một hữu thể thần linh là Ngôi Lời của Thiên Chúa (1, 1.14), đồng thời cũng là ánh sáng (1, 5.9) và Con Một Thiên Chúa (1, 14.18) đến trong thế gian và hoá thành xác thể. Mặc dầu bị chính người nhà từ chối, Ngài đã ban cho những ai tiếp nhận Ngài được trở thành con Thiên Chúa, ngay cả chia sẻ sự viên mãn của Thiên Chúa: đây là ân huệ phản ánh tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa, vượt quá ân huệ của Lề Luật mà Môisen làm trung gian[6].
Và có mối liên hệ nào giữa cấu trúc của Lời Tựa và tông huấn Verbum Domini? Trong cấu trúc gồm ba phần của tông huấn Verbum Domini, chúng ta cũng thấy Đức Bênêđictô đã chọn trình bày theo cấu trúc của Lời Tựa: câu Ga 1, 11-12 chỉ thấy xuất hiện và được phát triển ở phần II của tông huấn Verbum Domini: quyền được làm con này là “một sự thay đổi tận căn” và “dung mạo của Giáo Hội như một thực thể được xác định bởi biết đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa” (§ 50), Giáo Hội như là môi trường để chúng ta có thể nhờ ân sủng mà cảm nghiệm được quyền làm con Thiên Chúa (§ 51).
Kết luận   
Đây thực sự là bản « giao hưởng của Lời Chúa », mang những giai điệu « thượng lưu » của Bach, của Mozart mà chỉ khi nghe qua nghe lại mới cảm nhận hết sự tinh tế của nó. Qua tông huấn này, ta dễ dàng nhận thấy một đức tin sâu đậm của Đức Thánh Cha vào Lời Chúa, một đức tin bắt nguồn từ trong chiêm niệm về một Thiên Chúa nói với chúng ta và thông truyền cho chúng ta tình yêu của mình qua những «cuộc gặp gỡ». Thiên Chúa tự giới thiệu mình trong cuộc đối thoại mà Ngài muốn thiết lập với chúng ta. Nhiều lần Ngài đã nói qua các ngôn sứ và «trong những ngày sau hết này Ngài nói với chúng ta qua người Con»  (Dt 1,2). Và đây là đỉnh cao của cuộc đối thoại mà Thiên Chúa theo đuổi với nhân loại «Ngôi Lời đã làm người » (Ga 1,14). Lời Chúa, trước tiên đó là lời của Đấng xuất hiện với chúng ta như là « người tường thuật về Thiên Chúa» (Ga 1, 18), «người mạc khải của Thiên Chúa» (số 90) và là Logos của Thiên Chúa.
Tông huấn đã cho phép chúng ta « trải nghiệm những gì chứa đựng trong sứ điệp Gioan: việc loan báo Lời tạo ra sự hiệp thông và niềm vui » (số 123). Mối liên hệ giữa Lời và niềm vui được kết tụ nơi Đức Maria Mẹ Thiên Chúa là Mater Verbi et Mater laetitiae, như đề tựa của số cuối cùng (124) của tông huấn. “Mẹ đã đón tiếp vào lòng mình Ngôi Lời Thiên Chúa để ban tặng Người cho thế giới. Niềm vui phát xuất từ Lời bây giờ có thể lan rộng tới tất cả những ai, trong đức tin, để cho mình được Lời Thiên Chúa biến đổi” (số 124), một sự biến đổi vượt qua lòng mong uớc: “trở thành” con Thiên Chúa như trong Lời Tựa của Thánh Gioan 1, 12: “Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền làm con Thiên Chúa”.
Verbum Domini - Deo Gratias!
“Đó là Lời Chúa” – “Tạ ơn Chúa”!






[1] Raymond E. BROWN, The Gospel according to John (I-XII), The Anchor Bible Doubleday, 1966, tr. 518.
[2] Mục từ “Logos” trong P. Maurice BOGAERT, “Dictionnaire Encyclopedique de la Bible”, Brepols, 1987, tr. 750.
[3] Alain MARCHADOUR, Les évangiles, Text et Commentaires, Bayard, 2001, tr. 879.
[4] Phần I : §1. Ga 1, 14; §5. Ga 1, 1-18  -  Ga 1, 14; §6. Ga 1, 1. 14 - Ga 1, 3 - Ga 1, 14  - Ga 1, 1 ; §7. Ga 1, 14; §8. Ga 1, 3 - Ga 1, 3; §11.  Ga 1, 14a - Ga 1, 14b; §12.  Ga 1, 5 - Ga 1, 5; §14. Ga 1, 18; §20; Ga 1, 14; Phần II : §50. Ga 1,12 -  Ga 1, 11- Ga 1, 11- Ga 1, 12 - Ga 1, 13 - Ga 1, 13 -  Ga 1, 14; §51.  Ga 1, 12; §54.  Ga 1, 18; §56.  Ga 1, 14; §79.  Ga 1, 14; Phần III : §90. Ga 1,18 - Ga 1, 18 - Ga 1, 14 - Ga 1, 18 -  Ga 1, 14 -  Ga 1, 16  - Ga 1,18
[5] Antoine LION, Lire Saint Jean, Cerf, 1972, tr. 30.
[6] Raymond E. BROWN, Que sait-on de Nouveau Testament? Bayard, 2000, tr. 381.