Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2011

DỊCH HAI CHỮ "VĂN MIẾU" SANG TIẾNG TÂY


 Tường Quân
Giảng viên Bộ môn Hán Nôm, Trường ĐHKHNV

Nếu muốn trang bị một tri thức tối thiếu về Văn Miếu- Quốc Tử Giám cái tên đã gắn liền với những chứng tích lịch sử văn hóa và giáo dục truyền thống của Việt Nam thời trung đại, thì có lẽ điều đầu tiên ta cần biết là ý nghĩa của tên gọi này. Có gì đâu: Văn là văn chương, văn học; Miếu là nơi thờ cúng, đền thờ
VậyVăn miếu nghĩa là miếu thờ văn chương (hay văn học)! Cứ luận thế đương nhiên sẽ dẫn ta đến việc dịch hai chữ Văn miếu sang tiếng Tây là The Temple of Literature (Anh) và le Temple de la Littérature (Pháp), y chang cách dịch trong tấm biển đồng lược giới về Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội hiện chôn ngay trước cổng khu di tích, cũng như trong nhiều sách vở tài liệu giới thiệu cho du khách nước ngoài về khu di tích lịch sử văn hóa nàyCách dịch trên thật đơn giản, dễ hiểu, dễ giải thích. Chỉ có điều là sai!
Sai thế nào? Trước hết xin điểm dịch một số tư liệu sách vở đáng tin cậy của Trung Quốc, dẫn dụng các mục từ liên quan đến hai chữ Văn miếu. Để giản tiện, xin lược đi phần phiên âm Hán Việt.
Hán ngữ đại từ điển (La Trúc Phong chủ biên, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 1997) thu thập 11 nghĩa của chữ Miếu, trong đó nghĩa đầu tiên cũng là nghĩa mà chúng ta đang bàn tới: “Cái nhà thời xưa dùng để thờ cúng thần vị tổ tiên” (tập thượng, tr. 1982). “Văn miếu: Miếu thờ Khổng tử. Triều Đường phong Khổng tử làm Văn Tuyên Vương, gọi miếu thờ ông là Văn Tuyên Vương miếu. Từ đời Nguyên – Minh về sau gọi tắt là Văn miếu” (tập trung, tr. 4034).
Hán - Anh đại từ điển (Chinese – English Dictionary) (Ngô Quang Hoa chủ biên, Thượng Hải Giao thông Đại học xuất bản xã, 1999, tập I, tr. 1771) cắt nghĩa chữ miếu bằng tiếng Trung Quốc là “Nơi khi xưa dùng để thờ cúng thần vị tổ tông, hoặc thần phật, danh nhân lịch sử”; và dịch ra tiếng Anh là “temple; shrine; joss house”. Ngay tại mục từ này cũng giải nghĩa: “Khổng miếu: a temple to Confucius” (Khổng miếu: miếu thờ Khổng tử).
Từ nguyên (Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1998, tr. 737) ghi: “Văn miếu: miếu thờ Khổng tử. Đời Đường, niên hiệu Khai Nguyên, năm thứ hai mươi bảy [739] phong Khổng tử làm Văn Tuyên Vương, gọi Khổng miếu là Văn Tuyên Vương miếu. [...] Từ đời Nguyên – Minh về sau thường gọi là Văn miếu”.
Từ hải (Hạ Chính Nông chủ biên, Thượng Hải từ thư xuất bản xã, 1989, tr. 1732) ghi: “Văn miếu: Tên gọi khác của Khổng miếu. Thời Đường Huyền Tông, năm Khai Nguyên thứ hai mươi bảy (Công Nguyên 739) phong Khổng tử làm Văn Tuyên Vương, nhân đó gọi Khổng miếu là Văn Tuyên Vương miếu, từ đời Minh về sau gọi Khổng miếu là Văn miếu để đối ứng với Vũ miếu (miếu thờ Quan Vũ, Nhạc Phi)” (hết trích). Ta biết rằng thời Minh – Thanh gọi miếu thờ Quan Vũ là Vũ miếu (hai chữ Vũ viết mặt chữ Hán khác nhau, Vũ trong Quan Vũ nghĩa là cái lông, Vũ trong Vũ miếu nghĩa là võ nghệ), đến thời Dân Quốc phối thờ Quan Vũ và Nhạc Phi chung một miếu, vẫn gọi là Vũ miếu.
Nhân đây thiết tưởng cũng nên giãi bày thêm đôi điều sở đắc, một về “chữ” Confucius, một về “nghĩa” của chữ văn.
Thứ nhất là chữ Tây Confucius, chữ này vốn xuất phát từ âm đọc ba chữ Hán “Khổng phu tử” (Thầy Khổng), âm tiếng phổ thông hiện đại ngày nay đọc là /Kongfuzi/ ghi theo lối pinyin (cách chú âm chữ Hán bằng mẫu tự Latin, được chính thức sử dụng từ năm 1958 tại Trung Quốc, ở đây không ghi thanh điệu), ta đọc na ná như “k’ủng-phu-chử” trong tiếng Việt (với âm /k’/ bật hơi). Người phương Tây do không thể có hệ thống ngữ âm tương ứng tuyệt đối để biểu đạt ba âm tiết ấy, nên họ đã “Tây hóa” nó qua cách ghi “Con – fu - cius” (như trong Anh ngữ), nghĩa là Khổng tử. Rồi từ đó, căn cứ theo các phương thức tạo từ mới, một loạt từ phái sinh đã xuất hiện: Confucianism (Nho giáo, Khổng học, Khổng giáo, đạo Khổng, đạo Nho); Confucian hoặc Confucianist (Nho gia, nhà Nho, người theo đạo Khổng; thuộc về đạo Khổng/Nho); Neo-confucianism: tân Khổng giáo, tân Nho giáo. Tiếng Pháp cũng có những từ tương ứng: Confucius, Confucianisme, Confucianiste, Néoconfucianisme.
Thứ hai là hàm nghĩa của chữ Văn trong Văn Tuyên Vương. Khổng tử được triều Đường phong là Văn Tuyên Vương = Người có tước Vương, có công tuyên truyền cái văn. Vậy Văn có phải là Literature và Littérature như cách dịch tên gọi Văn miếu đang dùng ở ta? Xin thưa: không! Chữ Văn này có nội hàm rất rộng, bắt nguồn từ một ý trong sách Luận ngữ, thiên Tử hãn: “Khổng tử bị người đất Khuông làm cho sợ hãi. Ngài nói: Văn vương đã mất, cái “văn” này chẳng phải ở trong ta hay sao? Nếu trời định làm mất cái “văn” ấy thì kẻ chết sau này không được dự vào cái “văn” ấy. Nếu trời chưa định làm mất nó thì người Khuông phỏng có làm gì nổi ta?”. Chữ “văn” trong đoạn trên trỏ toàn bộ “lễ nhạc giáo hóa, điển chương chế độ” (Hán ngữ đại từ điển, đã dẫn, tập trung, tr. 3832), tức tất thảy những hiến chương pháp độ được sử dụng để cai trị xã hội, vậy thì nội hàm của chữ Văn này rộng hơn hẳn so với các từ Literature và Littérature trong tiếng Anh và tiếng Pháp vốn chỉ mang những nghĩa hẹp hơn: văn chương, văn học, văn giới, tư liệu (tham khảo), ấn phẩm, nhạc tập, học vấn... (Literature và Littérature đều bắt nguồn từ litera tiếng Latin, nghĩa gốc là văn tự – xem Webster’s New Dictionary, Promotional Sales Books, USA, 1994, tr. 228). Sau khi Chu công Đán mất, Khổng tử được coi là người truyền bá cái Văn ấy, nên ông được Đường Huyền Tông phong làm “Văn Tuyên Vương”. Điều này cũng minh chứng rằng giả như theo lối “trực dịch” (word by word, mot à mot) mà dịch Văn miếu thành The Temple of Literature và le Temple de la Littérature thì vô hình trung đã thu hẹp nội hàm vốn rất rộng của khái niệm Văn như vừa nói. Ngay tại Đại Bái đường trong Văn miếu Hà Nội hiện vẫn còn treo bức hoành phi đề ba chữ “Phúc tư văn” (cái “văn” này phúc thay!).
Đến đây có thể thấy:
1. Miếu là nơi/nhà thờ cúng thần vị tổ tông, hoặc thần phật, hay danh nhân lịch sử. Khổng tử là một “thánh nhân” (theo lối gọi của nhà Nho truyền thống), một danh nhân lịch sử, một nhân vật tối quan trọng đối với văn hóa truyền thống Trung Hoa, thậm chí cả với các nước khu vực “đồng văn”, vì vậy ông hoàn toàn xứng đáng được đưa vào thờ phụng trong miếu nhằm biểu chương cái đạo của “thánh nhân”.
2. Năm Khai Nguyên thứ hai mươi bảy đời Đường Minh Hoàng (739), Khổng tử được phong là Văn Tuyên Vương, nên miếu thờ ông cũng gọi là Văn Tuyên Vương miếu. Đến khoảng thời Nguyên - Minh, vừa để gọi tắt, vừa để đối trọng với Vũ miếu (Văn - Vũ), nên Văn Tuyên Vương miếu được gọi tắt là Văn miếu.
Như vậy, hai chữ Văn miếu ở dạng đầy đủ phải là Văn Tuyên Vương miếu (Miếu thờ ông tước Vương, có công tuyên truyền cái “văn” – tức Khổng tử), đây là những tên gọi khác của Khổng miếu (miếu thờ Khổng tử). Nếu buộc phải dịch tên gọi Văn miếu thì thiết tưởng nên dùng chữ Anh The Temple of Confucius, hoặc “Confucius temple” (Hán - Anh đại từ điển, đã dẫn, tr. 2671, in nhầm là Confucious temple), hay tiếng Pháp là Temple de Confucius, giống như cách hiểu và dịch hai chữ Khổng miếu. Hiện ở Đài Loan cũng dùng tên gọi Khổng miếu, hẳn là để tránh việc hiểu nhầm khái niệm (Văn) như ở ta.
Văn miếu Hà Nội là một sản phẩm văn hóa của Việt Nam. Đã là một sản phẩm văn hóa của dân tộc thì trộm nghĩ, ta nên giữ tên gọi Văn miếu (Van mieu), không nhất thiết cứ hễ thấy bằng tiếng Việt là nhăm nhe dịch sang tiếng này tiếng nọ, hoặc giả chỉ nên đóng mở ngoặc đơn mà cắt nghĩa bằng ngoại văn ở lần đầu xuất hiện khái niệm mà thôi, còn ông Tây bà đầm nào có nhã hứng tìm tòi thêm thì khắc tự mày mò. Kinh nghiệm cho thấy, nếu không giữ tên gọi Ao dai, mà cứ hăm hở dịch thành Vietnamese (long) dress hay gì gì đi nữa, thì cái áo dài truyền thống của các bà các chị nhà ta hẳn đến bây giờ vẫn còn nằm ngoài vùng hiểu biết của tứ hải huynh đệ.